25.2.25

Tất cả nỗ lực của Thời kỳ Khai Minh chính là suy nghĩ về những mâu thuẫn và tính hai mặt của tính hiện đại

Phỏng vấn Antoine Lilti

TẤT CẢ NỖ LỰC CỦA THỜI KỲ KHAI MINH CHÍNH LÀ SUY NGHĨ VỀ NHỮNG MÂU THUẪN VÀ TÍNH HAI MẶT CỦA TÍNH HIỆN ĐẠI

Antoine Lilti là nhà sử học, chuyên gia về Thời kỳ Khai Minh, ông mời gọi chúng ta nên có cái nhìn khác về giai đoạn lịch sử này, một giai đoạn mà tư tưởng của nó vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta, bao gồm những lĩnh vực chính trị, kinh tế hoặc kể cả trong quan niệm của chúng ta về sinh thái môi trường Ông đã trở thành chủ nhiệm chuyên ngành Lịch sử thời kỳ Khai Minh, thế kỷ XVIII-XXI (chaire Histoire des Lumières, XVIIIe-XXIe siècle) tại Collège de France năm 2022.

Ông giải thích rằng chúng ta đang chứng kiến một “sự đổi mới” của tinh thần Khai Minh. Hiện tượng này được thể hiện như thế nào?

Antoine Lilti: Thời kỳ Khai Minh đang đón nhận sự quan tâm trở lại từ khoảng 20 năm nay. Khai Minh đã không bị lãng quên, nhưng đã ít nhiều bị lơ là, có lẽ vì kỷ nguyên này có vẻ được sự đồng tình quá cao. Đã có một sự đồng thuận tương đối về những điều đã đạt được của thời kỳ Khai Minh, như tự do ngôn luận, tiến bộ khoa học, sự thế tục hoá, hoặc là tinh thần khoan dung. Tất cả những điểm này đã không được bàn luận thực sự.

Thế nhưng có hai hiện tượng đã diễn ra. Một mặt, thời kỳ Khai Minh lại một lần nữa bị phê phán và phản đối, không chỉ bởi những trào lưu bảo thủ, như một số chủ nghĩa dân tuý dân tộc, mà cả bởi tư tưởng hậu thuộc địa đang chỉ ra những hạn chế của thời kỳ Khai Minh và cáo buộc thời kỳ này đã thoả hiệp với chủ nghĩa thực dân châu Âu. Mặt khác, thời đại của chúng ta với nhiều bất định, đang khơi lại những tranh luận có tính triết học về thời kỳ Khai Minh qua những tranh cãi về chủ nghĩa thế tục, khủng hoảng sinh thái hoặc cả các mạng xã hội và thuyết âm mưu.

Ta có thể nói rằng những tranh luận hiện thời về thuyết âm mưu đang đối chọi những người ủng hộ tinh thần Khai Minh và những người khác không?

Đấu tranh chống lại thuyết âm mưu thường được tiến hành nhân danh Khai Minh, để phục hồi các quyền của lý trí và của khoa học chống lại các tin đồn và tin giả. Hơn nữa, phúc trình của uỷ ban chống thông tin sai lệch, được công bố vào mùa thu này, có tựa đề “Thời kỳ Khai Minh ở kỷ nguyên kỹ thuật số”. Các tác giả của phúc trình này cho rằng lý tưởng của cuộc thảo luận công khai hợp lý, do thời kỳ Khai Minh đề ra, bị đe doạ bởi “sự hỗn loạn thông tin” bắt nguồn từ cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Thực tế tỏ ra phức tạp hơn. Thời kỳ Khai Minh được xây dựng dựa trên ý tưởng cho rằng mỗi người có thể tự mình lập luận và có ý kiến, điều này giả định việc đặt lại vấn đề các quyền hành truyền thống, vì lợi ích của sự phê phán. Về một số quan điểm nào đó, những người tố cáo các âm mưu cũng tự cho mình thuộc về lý tưởng của sự phê phán và của sự khảo sát tự do những chân lý đã được thiết lập. Nhưng họ đẩy logic này đến cực đoan (và đôi lúc đến sự phi lý), trong khi những nhà Khai Minh tìm cách bảo tồn một số quyền hành, đặc biệt là các quyền hành bác học và trí tuệ.

Điều tôi quan tâm chính là cuộc tranh luận này sử dụng lại những tranh luận vốn rất quan trọng vào thế kỷ XVIII: tự do ngôn luận có thể mở rộng đến đâu? Sự phê phán phải dừng lại ở đâu? Đâu là tính chính đáng của các thiết chế bác học? Làm thế nào để đấu tranh chống lại những người sử dụng tự do báo chí để lan truyền những tin sai lệch hay khích động những ham mê không lành mạnh? Các triết gia của thời kỳ Khai Minh đã nhận thức rất rõ rằng không gì khó hơn duy trì một không gian công cộng sáng suốt. Những cuộc thảo luận của họ đáng được khám phá lại, vượt qua những suy nghĩ tầm thường.

Buổi đọc vở bi kịch “L'Orphelin de la Chine” (Đứa con mồ côi của Trung Hoa) của Voltaire, trong phòng văn của bà Geoffrin - Ảnh của Gabriel Lemonnier (1812).

Chúng ta đang sống trong một thời đại nghi ngờ và bất định. Có thể so sánh tình trạng này với thời kỳ Khai Minh và Cách mạng Pháp không?

Thế kỷ XVIII, cũng như thế giới hiện thời của chúng ta, là một thời kỳ biến đổi sâu sắc. Thế giới thay đổi rất nhanh. Giáo hội mất dần ảnh hưởng đối với các niềm tin và tập quán; các xã hội truyền thống bước vào thời kỳ hiện đại với sự phát triển mạnh của các thành phố, của thương mại, tiêu dùng; sách báo trở thành những vật dụng phổ biến nhất; cuối cùng, người châu Âu gia tăng ảnh hưởng đối với các châu lục khác. Các triết gia, các nhà bác học, văn sĩ, ý thức rằng họ đang sống trong một thời kỳ mới, một cuộc cách mạng xã hội, kinh tế và văn hoá thực sự. Tất cả nỗ lực của thời kỳ Khai Minh chính là suy nghĩ về những mâu thuẫn và tính hai mặt của tính hiện đại.

Tất nhiên, tình trạng của chúng ta có khác. Chúng ta không có cùng những công cụ, không có cùng những kinh nghiệm cũng như không có cùng những ảo tưởng. Tuy nhiên, trên một số bình diện, những lo lắng hiện thời của chúng ta không khác lắm. Ví dụ, chúng ta thường tin vào sự lạc quan của các triết gia thế kỷ XVIII, rằng họ nhìn thấy tương lai như là một thời kỳ của những tiến bộ không thời hạn. Trong thực tế, họ cũng âu lo. Họ tin vào những ưu điểm của tri thức, cái mà họ gọi một cách chính xác là “ánh sáng”, nhưng họ tự hỏi làm thế nào để tiến bộ của tri thức đồng hành với một sự tiến bộ tinh thần của các xã hội và giúp con người được hạnh phúc. Trong ý nghĩa đó, chúng ta cần phải học nhiều từ những thảo luận của thời kỳ Khai Minh, khi mà tiến bộ còn là một vấn đề, chứ không phải là một tôn giáo.

Bằng cách nào thời kỳ Khai Minh có thể giúp chúng ta đề cập đến cuộc tranh luận hiện thời về khủng hoảng sinh thái?

Nicolas de Condorcet (1743-1794)

Chúng ta thường cho rằng khủng hoảng sinh thái là kết quả của một sự “tôn thờ” tiến bộ khoa học và kỹ thuật vốn có nguồn gốc từ thế kỷ XVIII, ở những nhà tư tưởng như Condorcet, tác giả của quyển sách Esquisse d’un tableau des progrès de l’esprit humain (Phác hoạ một bức tranh về những tiến bộ của trí tuệ con người). Trong thực tế, phần lớn những lý thuyết về tiến bộ mà chúng ta biết là thuộc về thế kỷ XIX. Những lý thuyết này trùng hợp với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp, sự phát triển của ý hệ hiện đại hoá và của triết học lịch sử. Ngay từ thế kỷ XIX, tầm nhìn này về sự tiến bộ đã được thể hiện bởi những nhà tư tưởng như Auguste Comte. Chúng ta đã phóng chiếu tầm nhìn này lên thế kỷ XVIII, khi những cuộc thảo luận về thời kỳ này tỏ ra phức tạp. Thật vậy, kỷ nguyên Khai Minh cũng chứng kiến sự ra đời của của một dạng nhận thức về sinh thái, quan tâm đến vị trí của con người trong tự nhiên và quan tâm đến bảo tồn tự nhiên. Ta có thể nghĩ đến Jean-Jacques Rousseau và Bernardin de Saint-Pierre, hay những nhân vật ít được biết đến hơn như Pierre Poivre, ông là công sứ của đảo France (là đảo Maurice hiện nay). Những công trình gần đây giúp chúng ta phát hiện lại những cuộc tranh luận này và hiểu rằng tính phản xạ của môi trường có một lịch sử lâu dài. Thay vì cáo buộc thời kỳ Khai Minh, ngày nay chúng ta có thể thử suy nghĩ về những hình thức của tiến bộ có tôn trọng môi trường mà không từ bỏ vai trò giải phóng của tri thức. 

Trích từ “Các bản đồ đặc biệt của Isles de France de Bourbon và Rodrigue” của Rigobert Bonne, nhà nghiên cứu thuỷ văn biển; trong “Atlas de toutes les parties connues du globe terrestre...” - Atlas tất cả các vùng đã được biết của địa cầu -, 1780.

Theo ông, công trình của các nhà sử học có tham gia vào việc hình thành nên định kiến của chúng ta về thời kỳ này không?

Các nhà sử học, nhưng kể cả các triết gia và các nhà nghiên cứu văn học sử, đã có khi trình bày thời kỳ Khai Minh như là nguồn gốc của tất cả các giá trị của các xã hội dân chủ hiện đại. Thường khi đó là để bảo vệ Khai Minh trong những lúc có căng thẳng mạnh về ý thức hệ, biến nó thành một công cụ của cuộc chiến đấu về trí tuệ. Cần nhớ rằng thời kỳ Khai Minh không phải là một đối tượng lịch sử bất kỳ. Khai Minh không chỉ đơn giản là một thời kỳ lịch sử, mà còn là một phong trào trí tuệ nay đã trở thành một di sản chính trị. Chính vì điều đó mà ta phải viết lịch sử của thuật biên soạn lịch sử về thời kỳ Khai Minh. Thời kỳ này không chỉ là một đối tượng nghiên cứu khoa học, mà còn là một chủ đề được phổ biển rộng rãi trong xã hội bởi trường học, diễn ngôn chính trị, bởi những biểu tượng truyền thông.

Hãy nghĩ tới câu nói nổi tiếng thường được trích dẫn và được cho là của Voltaire: “tôi không đồng tình với điều bạn nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền được nói của bạn”. Tất cả các chuyên gia đều biết Voltaire đã không hề nói câu này. Mặc dù vậy, nó vẫn tiếp tục được lưu truyền, vì câu nói này tóm lược được một hình ảnh nhất định của Khai Minh - được đồng nhất hoá với tự do ngôn luận vô điều kiện -, một hình ảnh không thực sự sai, nhưng bị đơn giản hoá rất nhiều.

Trang trại trong rừng, của Meindert Hobbema (1662).

Làm thế nào để xây dựng lại chiều sâu cho nghiên cứu lịch sử thời kỳ sáng lập tính hiện đại này? 

Thay vì tìm cách thu gọn thời kỳ Khai Minh vào một học thuyết triết học, tôi nghĩ tốt hơn nên đề cập đến thời kỳ này như một không gian thảo luận và tranh cãi. Phần đông các nam, nữ tác giả của thế kỷ XVIII không đồng ý với nhau về nhiều chủ đề. Vậy thì cần khôi phục sự đa dạng phong phú này. Ngoài ra, lịch sử Khai Minh không nên chỉ là một bảng liệt kê trừu tượng những ý tưởng. Lịch sử ấy gắn chặt với bối cảnh kinh tế, xã hội và văn hoá của thời kỳ đó và của những biến đổi sâu sắc vốn làm xáo trộn các xã hội châu Âu vào thế kỷ XVIII, và có những hệ quả trên toàn thế giới. 

Cũng cần có một quan niệm rộng hơn về địa lý của thời kỳ Khai Minh. Trong một thời gian dài Khai Minh chủ yếu được đồng nhất với những nhà bách khoa ở Paris. May lắm là sau đó người ta nghiên cứu “sự lan toả” hay “sự phổ biến” nó trong phần còn lại của châu Âu. Ngày nay, chúng ta nghiên cứu thời kỳ Khai Minh như là một hiện tượng của châu Âu, với những nét đặc thù của địa phương (ví dụ Khai Minh của Scotland, chung quanh David HumeAdam Smith).

Chúng ta có thể đi xa hơn và nghiên cứu những sự luân chuyển của các tác phẩm và tư tưởng ngoài châu Âu: tại Bắc Mỹ, tất nhiên rồi, nhưng cũng tại châu Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha, ngay từ thế kỷ XVIII, ví dụ như tại Mexico, hay tại Ấn Độ đang dần bị đặt dưới sự kiểm soát của nước Anh.

Những tri thức ngoài châu Âu này có thể đem lại gì cho cuộc thảo luận về Khai Minh?

Sự gặp gỡ với các xã hội và văn hoá rất xa xôi đã đóng một vai trò cũng quan trọng trong việc hình thành những ý tưởng của thời kỳ đó. Ví dụ thế kỷ XVIII được đánh dấu bằng những cuộc thám hiểm lớn vùng Thái Bình Dương, như của Louis-Antoine de Bougainville và của James Cook. Năm nay tôi dành bài giảng của tôi cho việc “khám phá” Tahiti, vốn cũng là một khám phá châu Âu bởi người dân Tahiti, cũng như dành bài giảng cho những ảnh hưởng của cuộc khám phá này.

Mặt khác, Khai Minh không phải chỉ ở châu Âu. Có nhiều phong trào Khai Minh, được biến đổi tuỳ theo hoàn cảnh, có thể kết hợp với các truyền thống văn hoá và triết học của địa phương, dưới tác động của những sự hiểu và diễn dịch lại. Nhật Bản thời Minh Trị vào thế kỷ XIX là một trường hợp rất lý thú. Nhật Bản xem những tư tưởng Khai Minh là một sự cố ý nhập khẩu những tri thức phương Tây, nhưng cũng có thể dựa trên một số truyền thống trí thức của Nhật Bản. Trong những bối cảnh khác, tư tưởng Khai Minh là một di sản thuộc địa, nhưng có khi đã chống lại những kẻ thực dân. Suy nghĩ về các quá trình này, nhưng không chối bỏ tính đặc thù của Khai Minh châu Âu, ắt sẽ giúp đa dạng hoá những tư tưởng Khai Minh và giúp suy nghĩ khác đi tham vọng về tính phổ quát của tư tưởng Khai Minh.

Trang bìa lót của ấn phẩm “Discours sur l’origine et les fondemens de l’inégalité parmi les hommes” - Luận về nguồn gốc và cơ sở của bất bình đẳng của loài người - của Jean-Jacques Rousseau (Amsterdam, Marc Michel Rey, 1755)

Nền dân chủ đang gặp khủng hoảng. Ông có nghĩ rằng hiện nay Khai Minh đang bị đe doạ bởi cuộc khủng hoảng này?

Khai Minh, nghĩa là lý tưởng giải phóng nhờ tri thức vốn dựa trên sự tự chủ của các cá nhân và năng lực của họ về việc quyết định điều gì là đúng, quả là đang đối mặt với nhiều thách thức. Phải bảo vệ lý tưởng Khai Minh, nhưng không bó hẹp trong một quan niệm cứng nhắc, một quan niệm như thế không đem lại công bằng cho Khai Minh và chính một quan niệm như vậy mới trở nên giáo điều. Vai trò của nhà sử học không phải là nói ra điều Khai Minh phải được điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với thế kỷ XXI, mà là chỉ ra rằng, trong quá khứ, Khai Minh đã nuôi dưỡng những cuộc thảo luận phong phú và phức tạp hơn nhiều so với ý tưởng đôi lúc ta có về Khai Minh và có thể truyền cảm hứng cho ngày nay.

Hãy lấy một ví dụ. Một số phê phán cho rằng các triết gia thời Khai Minh là phân biệt chủng tộc, có đầu óc thực dân, họ bênh vực chế độ nô lệ, và điều này sẽ làm mất giá trị những lý tưởng của họ. Đó là một cách nhìn có tính châm biếm cần được phản bác, vì nó hoàn toàn hạ thấp thực tế là Khai Minh cũng là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa phế nô và chủ nghĩa chống chế độ thực dân. Tuy nhiên, là một sai lầm khi từ chối thừa nhận rằng nhiều triết gia có uy tín của thế kỷ XVIII, tin vào sự ưu việt của châu Âu và đã viết những phê phán có tính miệt thị, thậm chí phân biệt chủng tộc một cách công khai, đối với các dân tộc châu Á và châu Phi. Lịch sử trí tuệ về Khai Minh phải cố gắng hiểu những mâu thuẫn này, không che giấu những vùng tối. Đó không phải là xét đoán hay cáo buộc, mà là suy nghĩ về khía cạnh hai mặt của tính hiện đại và không thần tượng hoá thời kỳ Khai Minh.

Đó là một cách khác để trung thành với tinh thần của Khai Minh, vốn là tất cả ngoại trừ tính giáo điều. Những văn bản quan trọng của thời kỳ này mang tính đối thoại, cởi mở, tự phê phán, mỉa mai. Không phải là vô nghĩa khi các văn bản thường có hình thức những câu chuyện hư cấu. Tóm lại, điều lý thú nhất trong Khai Minh, có lẽ không phải là những câu trả lời mà Khai Minh đã đem lại, mà là toàn bộ những vấn đề và những cuộc thảo luận mà Khai Minh đã khơi dậy, và cách mà Khai Minh đã thực hiện.

Thực hiện nội dung: Emmanuelle Picaud

Antoine Lilti

Giáo sư chuyên ngành Lịch sử Thời kỳ Khai Minh, thế kỷ XVIII – XXI, từ 2022 – đến nay tại Collège de France

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Tout l’effort des Lumières consiste à penser les contradicitons et les ambivalences de la modernité”, Collège de France, 21.11.2022.

Print Friendly and PDF