3.4.20

Cách Lý thuyết Trò chơi sẽ giải quyết các vấn đề của khối chính trị châu Âu và chấm dứt vũ khí hạt nhân của Iran


CÁCH LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI SẼ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CỦA KHỐI CHÍNH TRỊ CHÂU ÂU VÀ CHẤM DỨT VŨ KHÍ HẠT NHÂN CỦA IRAN

Von Ariel Rubinstein
Ariel Rubinstein (1951-)
Các thị trường vốn tự động, ngân hàng đầu tư hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng lý thuyết trò chơi để đưa ra những quyết định về khủng hoảng châu Âu và dự đoán những cuộc xung đột giữa các quốc gia này. Các nhà chính trị đồng nhất nó với phản ứng của “thị trường” và cũng tham gia trò chơi. Nhưng các luật chơi lại không được thiết kế cho mục đích này. Một điềm báo.
Tôi cống hiến gần như cả cuộc đời của mình cho Lý thuyết Kinh tế và Lý thuyết Trò chơi. Tôi tin rằng mình mong muốn làm những việc tốt cho nhân loại nói chung và cho con người Israel nói riêng, vốn là nơi tôi được sinh ra và là tổ quốc nơi tôi thuộc về. Tôi muốn tạo ra một sự ảnh hưởng và sửa chữa lại những bất công. Có vẻ là tất cả việc này nên cổ vũ tôi sử dụng những kiến thức chuyên môn của mình để mang lại vài sự khuây khỏa cho thế giới. Nhưng, việc là, nó không như tôi cảm nhận.
Tôi chắc hẳn nên bắt đầu lại với câu trả lời cho câu hỏi: Lý thuyết Trò chơi là gì? Lý thuyết Trò chơi có một cái tên rất quyến rũ, nhưng nó thực sự không nhiều hơn một tập hợp những ý tưởng và những mô hình về hành vi duy lý của con người trong những tình huống chiến lược - nghĩa là trong những tình huống mà nhận định của những người chơi duy lý phụ thuộc vào việc anh ta giả định những người chơi còn lại sẽ hành xử ra sao. Người chơi lý trí phải xỏ chân vào giày của các người chơi còn lại, những người này cũng làm phần việc tương tự. Sự loanh quanh này là nguồn gốc của sự phức tạp (và sự thú vị) của Lý thuyết Trò chơi. Lý thuyết Trò chơi cố gắng thêm chủ đề vào trong nguyên tắc của tính lý trong bối cảnh mà ý nghĩa của tính duy lý là không rõ ràng.
Đây là một tình huống điển hình trong Lý thuyết Trò chơi được gọi là Trò chơi Trốn và Tìm: Một lãnh chúa độc ác có thể trốn ở một trong bốn cung điện (được đánh dấu 1, 2, 3 và 4) nằm dọc theo một con sông chảy từ đông sang tây. Cung điện 2 được sơn màu vàng trong khi ba cung điện còn lại được sơn màu trắng. Người tìm chỉ có thể tấn công vào một cung điện. Người trốn duy lý sẽ tìm cách trốn vào trong cung điện nào mà ông ta tin rằng người tìm sẽ khó có thể tấn công ông ta. Người tìm duy lý sẽ tấn công vào cung điện nào mà người này tin rằng người trốn chắc chắn sẽ chọn để làm nơi ẩn nấu. Lý thuyết trò chơi hỏi: Bằng cách nào mà người trốn và người tìm xây dựng được niềm tin một cách nhất quán với giả định rằng đối thủ của họ cũng duy lý? Sự “dự đoán” của Lý thuyết Trò chơi về kết quả rằng cơ hội để người tìm bắt được người trốn là ¼ (25%).
Sự kết nối gần như kỳ diệu
Cốt lõi của Lý thuyết Trò chơi không phải là khoa học thực nghiệm. Nó không nghiên cứu về cách con người hành xử thật sự trong những tình huống chiến lược. Điều đáng ngờ là liệu có thể khái quát hóa cách thức con người sẽ hành xử trong một tình huống giống như Trò chơi Trốn và Tìm hay không. Xét cho cùng, con người là những cá thể khác biệt. Có chứng cứ thực nghiệm chỉ ra rằng trong số các sinh viên cùng chơi một trò chơi tựa như trò chơi Trốn và Tìm, khoảng 40% những người trốn và người tìm chọn Cung điện 3 màu trắng ở giữa; khoảng 25% chọn Cung điện 2 màu vàng, trong khi phần còn lại (35%) được chia đều cho Cung điện 1 và Cung điện 4, vốn nằm ở hai đầu. Trong những thí nghiệm này, người tìm có 30% cơ hội tìm thấy người trốn - điều này cho thấy xác suất cao hơn đáng kể so với 25% dự đoán của Lý thuyết Trò chơi. Hợp lý nếu cho rằng những kết quả tương tự sẽ được tìm thấy trong những người đọc báo, nhưng các số liệu lại thay đổi sau khi những người đọc nhận thức được sự việc này. Và việc này, quả nhiên, phản ánh sự khó khăn tất yếu của khả năng dự đoán, một khó khăn đặc trưng của khoa học xã hội nói chung: Con người, khác với những hòn đá, hoa cỏ và bươm bướm, nghe theo những ai đưa ra những tiên đoán.
Lý thuyết Trò chơi được viết bằng ngôn ngữ toán học. Điều này có một số ưu điểm: Ngôn ngữ hình thức yêu cầu sự chính xác, cho phép loại bỏ những liên kết sai lầm và xem xét tỉ mỉ các khẳng định. Đối với tôi, sự kết nối gần như kỳ diệu giữa những biểu tượng và từ ngữ trong Lý thuyết Trò chơi là thứ cuốn hút tôi. Nhưng ngôn ngữ này cũng có nhược điểm: Ngôn ngữ hình thức hạn chế rất lớn số người thực sự hiểu nó; sự trừu tượng làm khó hiểu những yếu tố mà suy nghĩ tự nhiên có thể xem xét và sự hình thức tạo ra một ảo tưởng rằng lý thuyết mang tính khoa học.
Một tập hợp những truyện ngụ ngôn và tục ngữ
Lý thuyết Trò chơi lôi cuốn tôi. Nó nêu ra những ngọn nguồn suy nghĩ của con người trong những tình huống chiến lược. Tuy nhiên, cách sử dụng những khái niệm vay mượn từ ngôn ngữ thông thường, cùng với cách sử dụng những công cụ có vẻ “khoa học”, thuyết phục mọi người quay sang Lý thuyết Trò chơi để tìm ra những câu trả lời cho những câu hỏi như: Một hệ thống tư pháp nên được xây dựng theo cách nào? Một quốc gia có nên duy trì một hệ thống răn đe hạt nhân? Liên minh nào nên được thiết lập trong hệ thống đại nghị? Hầu như mọi quyển sách viết về Lý thuyết Trò chơi đều bắt đầu với câu: “Lý thuyết Trò chơi liên quan đến….” và nó được theo sau bởi một danh sách bất tận các lĩnh vực, như chiến lược hạt nhân, những thị trường tài chính, một thế giới của những con bươm bướm và những hoa cỏ, và những tình huống riêng tư giữa đàn ông và phụ nữ. Những bài báo trích dẫn Lý thuyết Trò chơi như một nguồn để giải quyết các vấn đề của thế giới thường được đăng tải trên nhật báo. Nhưng sau gần 40 năm tham dự vào lĩnh vực này, tôi chưa tìm thấy bất cứ một ứng dụng nào của Lý thuyết Trò chơi trong cuộc sống thường nhật của tôi.
Một vài lập luận để sử dụng Lý thuyết Trò chơi không là gì hơn ngoài việc gán ghép những tên gọi vào những tình huống cuộc sống đời thường. Ví dụ như, một số nhận định cho rằng cuộc khủng hoảng của khối chính trị châu Âu giống như những trò chơi được gọi là Thế lưỡng nan của người tù hay, Kẻ nhát gan hoặc Thế lưỡng nan của thực khách. Khủng hoảng này quả thật có các đặc tính làm gợi nhớ về một trong những tình huống trên. Nhưng những nhận định kiểu ấy chẳng có gì sâu sắc hơn việc nói rằng khủng hoảng châu Âu giống như một bi kịch Hy Lạp. Trong khi sự so sánh với một bi kịch Hy Lạp được cho là một nhận định cảm tính bởi những học giả khách quan, thì việc gán một tên gọi thuộc từ vựng của Lý thuyết Trò chơi được, theo lý do nào đó, chấp nhận là một sự thật khoa học.
Theo ý kiến của tôi, Lý thuyết Trò chơi là một tập hợp những truyện ngụ ngôn và tục ngữ. Thực hiện một mô hình từ Lý thuyết trò chơi chỉ giống như viết một truyện ngụ ngôn. Một truyện ngụ ngôn hấp dẫn có thể cho chúng ta thấy được một tình huống trong cuộc sống từ một khía cạnh khác và có lẽ sẽ ảnh hưởng đến hành động hoặc phán đoán của chúng ta một ngày nào đó. Nhưng nó sẽ là ngớ ngẩn khi nói rằng “Bộ quần áo mới của hoàng đế” dự đoán nước đi của Berlusconi.
“Hữu ích” hơn bất cứ mô hình nào của Lý thuyết Trò chơi
Có một sự giống nhau giữa tình trạng thực tế của Lý thuyết Trò chơi và của logic. Có sự nghi ngờ rằng liệu một nhà logic có thể giúp một thẩm phán đang cố gắng tìm ra sự thật. Tôi sẽ không khuyên thay thế những thẩm phán bằng những triết gia hay những nhà toán học. Tương tự, tôi không chỉ định một nhà Lý thuyết Trò chơi trở thành một nhà tư vấn chiến lược.
Sự tìm kiếm ý nghĩa thực tế của Lý thuyết Trò chơi xuất phát từ nhận thức rằng giảng dạy và nghiên cứu học thuật mang lại lợi ích trực tiếp cho xã hội. Đây không phải là thế giới quan của tôi. Các trường đại học nghiên cứu, đặc biệt là trong những lĩnh vực về các khoa học xã hội và nhân văn, là một phần của kiến trúc văn hóa. Văn hóa được đo lường bởi mức độ thú vị và thách thức của nó, và không bởi lợi ích mà nó mang lại. Tôi tin rằng Lý thuyết Trò chơi là một phần của văn hóa cân nhắc cách mà chúng ta suy nghĩ. Đây là một lý tưởng có thể đạt được bằng nhiều cách thức khác nhau - văn học, nghệ thuật, nghiên cứu não bộ và vâng, cả Lý thuyết Trò chơi. Nếu một người nào đó cũng tìm ra cách sử dụng Lý thuyết Trò chơi trong thực tế, thì điều đó thật tuyệt. Nhưng theo quan điểm của tôi, những trường đại học được mong đợi như là “God’s little acre” (Mẫu đất nhỏ của Thượng Đế), nơi mà xã hội nuôi dưỡng những gì là thú vị, hấp dẫn, mê hoặc và thách thức trí tuệ, và không nhất thiết là những gì mang lại lợi ích trực tiếp.
John Nash (1928-2015)

Và nhân thể, trong thập kỷ vừa qua, một quyển sách và bộ phim cùng tên, Một Tâm Hồn Đẹp (A Beautiful Mind), đã góp phần vào sự phổ biến của Lý thuyết Trò chơi, mặc dù chúng (may mắn) không ngụ ý giải thích nó. (Một Tâm Hồn Đẹp kể về cuộc đời của John Nash, người mà tên được đặt cho khái niệm trung tâm của Lý thuyết Trò chơi - Cân bằng Nash). Tuy nhiên, tác giả Sylvia Nasar và đạo diễn Ron Howard đã thành công trong một sứ mệnh khác: Họ chuyển sự chú ý của công chúng sang một trạng thái thấp hơn của căn bệnh thần kinh và mang đến hy vọng cho những ai đang vật lộn với bệnh lý tâm thần. Bằng cách này, họ đã làm cho Lý thuyết Trò chơi hữu dụng hơn bất cứ mô hình nào của nó.
Có nhớ đến tiêu đề của bài báo này không? Tôi đã đánh lừa được bạn rồi. Tôi đã không chắc rằng cái tiêu đề “Tại sao Lý thuyết Trò chơi không thể giải quyết các vấn đề của khối chính trị châu Âu và chấm dứt vũ khí hạt nhân của Iran” sẽ thuyết phục bạn đọc bài báo này, nên tôi đã hành động một cách có tính toán và đã gán vào một tiêu đề nhằm đánh lạc hướng. Tôi đã không sinh khởi ý tưởng này từ Lý thuyết Trò chơi.
Dương Thị Trọng Hiếu dịch
Nguồn:How game theory will solve the problems of the Euro Bloc and stop Iranian nukes”, Franfurter Allgemeine Zeitung, 27/03/2013.
Print Friendly and PDF