1.9.23

Kiểm duyệt: Trung Quốc tiếp tục thụt lùi

KIỂM DUYỆT: TRUNG QUỐC TIẾP TỤC THỤT LÙI

THỜI LUẬN. Khi hạn chế truy cập internet đối với người dưới 18 tuổi, một lần nữa Trung Quốc cho thấy họ e sợ kiến thức và sự lưu hành tự do các ý tưởng.

Tác giả: Arthur Chevallier[*]

Không có gì sáng tạo hơn chính sách ngu dân, nó không ngừng tự sáng tạo lại và với những hình thức bất ngờ nhất. Nhiều thế kỷ trôi qua; sức mạnh của nó vẫn còn đó. Tuần trước, Trung Quốc đã thông báo có những hạn chế quan trọng về truy cập các mạng xã hội và Internet đối với những lớp người trẻ nhất của dân cư, thêm một lần nữa chứng minh rằng các chế độ độc tài không bao giờ quên những điều quan trọng nhất của họ. Bởi vì chúng là hiện thân của sự trái ngược với trí tuê, là sự tàn bạo thô thiển nhất, chúng e sợ tri thức và tất nhiên là chống lại sự lưu hành tự do các ý tưởng. Điều có vẻ tỏ ra là một biện pháp bổ ích, hay tiên phong, chống lại thế giới ảo, thực ra là một sự mở rộng thô thiển của lĩnh vực kiểm duyệt.

Internet mang tiếng xấu; các mạng xã hội còn tệ hơn. Ngay cả những người tự xác định là tiến bộ cũng cáo buộc các công cụ này về tất cả mọi thứ. Internet và mạng xã hội làm cho tuổi trẻ trở nên ngu muội, tàn phá văn hóa, gây nguy hiểm cho nền dân chủ, v.v.. Đó là quên rằng nhân loại đã không chờ có IBM và Microsoft mới trở nên ngu xuẩn hay giết hại lẫn nhau. Cũng quên rằng cơ sở dữ liệu đầu tiên trên thế giới, điều gần nhất với ý tưởng và tham vọng của thư viện Alexandria, chính là Internet. Người ta sẽ trả lời rằng Internet hàm chứa những điều ngu xuẩn, tầm thường, đúng vậy, rằng các tri thức không được sắp xếp trật tự, rằng thông tin không được xác nhận, điều này cũng đúng, nhưng cuối cùng thì các sách cũng không thoát khỏi những nguy cơ này. Tồn tại những sách dở, ngu xuẩn, nguy hiểm, và cả phản loạn.

Mỹ hóa xã hội Trung Quốc

Dạy Internet thì ít nhất cũng quan trọng như dạy đọc, viết hay giải mã hình ảnh. Tuy nhiên, dù ta thích hay không thích, Internet đã trở thành nguồn đầu tiên của các tri thức đối với nhiều thế hệ, họ có thể tham khảo các kho lưu trữ trên toàn thế giới từ điện thoại thông minh của họ, đọc miễn phí các kiệt tác, các báo chí chính thức, trong tất cả các ngôn ngữ và của tất cả các nước. Về phần các mạng xã hội, hiển nhiên là nên đọc Shakespeare hơn là xem Tik Tok suốt ngày, nhưng liệu cắt khỏi TikTok có giúp cho việc đọc Shakespeare?

Trung Quốc có tham vọng chống lại “thế giới ảo”, nghĩa là những thế giới kỹ thuật số, nghĩa là những thế giới song song, chúng chuyển hướng dân chúng ra khỏi đời sống thực, miễn là sự biểu thị này có một tí ý nghĩa nào đó. Chính quyền cộng sản không sợ bất kỳ một sự ngạo mạn nào vì họ còn muốn trả lại cho giới trẻ thời gian để đọc, một sự khẳng định làm ta mỉm cười ở một xứ sở mà chính phủ thực hiện một sự kiểm soát khốc liệt các công trình xuất bản. Với những lý do tương tự, Giáo hội Công giáo vào thế kỷ XIX phê phán văn học, Rousseau vào thế kỷ XVIII phê phán sân khấu. Sự thống trị của kiểm duyệt luôn được phủ đầy những thiện ý.

Trong thực tế, chính quyền ở Bắc Kinh ghi nhận sự Mỹ hóa thái quá của xã hội Trung Quốc. Ai đã từng thăm viếng hay đã sống ở Trung Quốc đều có thể chứng kiến ảnh hưởng (không so sánh với châu Âu) của văn hóa của Mỹ. Phần lớn các siêu thị cho đến gần đây là hệ thống 7-Eleven, một doanh nghiệp gốc Texas, và trẻ em mặc áo thể thao của NBA (National Basket Association). Cho dù châu Á chiếm lĩnh Internet và các mạng xã hội bằng cách tạo ra những công ty cạnh tranh với Meta hay Google, thì công cụ vẫn có nguồn gốc Mỹ, và với trò chơi nhỏ này, mạng Palo Alto luôn luôn vượt trội hơn mạng Thượng Hải.

Trung Quốc bó buộc nhưng không hấp dẫn

Alain Badiou (1937-)

Trong khuôn khổ toàn cầu hóa, mà từ quan điểm các ý tưởng và thương mại, toàn cầu hóa đã bắt đầu ít nhất là từ khoảng thế kỷ XVII, các nền văn hóa đối chọi nhau một cách tự phát, và chiến thắng tùy thuộc sự yêu thích của công chúng đối với nền văn hóa này hay nền văn hóa khác. Không thể chối cãi rằng, ngoài sự ép buộc, Trung Quốc cộng sản không hề chiến thắng một trận nhỏ nào của cuộc chiến quyền lực mềm (soft power). Trung Quốc bó buộc nhưng không hấp dẫn.

Mặt khác, có những chuyện tức cười khi ta nghĩ đến các trí thức Pháp, với hình ảnh của Alain Badiou, trong nhiều trang sách và trong hàng chục quyển sách, ông này đã thấy Mao là tông đồ của một nhân loại đã trưởng thành và hoàn hảo, mà người phương Tây không thể hiểu được, vì họ vốn tự xem mình là trung tâm và bị chủ nghĩa tự do làm hư hỏng. Ngày trước cũng như ngày nay, những vẻ bên ngoài tự nó là đủ; và những chế độ độc tài được nhận biết qua sự ham mê của họ đối với sự độc ác mà họ che giấu đằng sau cái mặt nạ các lý tưởng.

Arthur Chevallier (1990-)

Khi tấn công vào Internet, Trung Quốc có tham vọng chống lại chủ nghĩa cá nhân, họ nói như vậy. Đó là điều thành thật duy nhất của họ. Vương quốc cổ xưa này bị thu hẹp lại trong một đảng của các chính ủy tỏ ra ngây ngô tột bực. Các cá nhân không phải là một chất liệu tự chọn của nhân loại, nhưng là trung tâm của lực hấp dẫn, nhờ lý do đó mà các nền văn minh, bao gồm cả văn minh Trung Quốc chiến thắng. Lấy đi một đất nước khỏi dân cư thì còn lại gì? Những cá nhân. Lấy đi dân cư khỏi một nước thì còn lại gì? Không còn gì cả. Đó là trở lực của các nền độc tài, và chính vì vậy, xét về phương diện nhân học, các nền độc tài chắc chắn sẽ suy vong.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Censure: la Chine régresse encore”, Le Point, 8.8.2023.

----

Bài có liên quan

Trung Quốc: Tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ ở mức cao nhất, một quả bom hẹn giờ




Chú thích:

[*] Arthur Chevallier, sinh năm 1990, là sử gia và phụ trách xuất bản của nhà xuất bản Passés composés. Ông là ủy viên của cuộc triển lãm “Napoléon” (2021), do Bảo tàng Grand Palais và Công viên khoa học La Villette tổ chức. Ông đã viết nhiều sách nói về di sản chính trị và văn hóa của Napoléon Bonaparte và của Premier Empire (Đệ nhất Đế chế Pháp): Napoléon raconté par ceux qui l'ont connu (Grasset, 2014) -Napoléon qua lời kể của những người đã biết ông ta, Napoléon sans Bonaparte (Cerf, 2018) - Napoléon không có Bonaparte -, Napoléon et le bonapartisme (Que sais-je?, 2021) - Napoléon và chủ nghĩa bonaparte, Le Cahier rouge des femmes de Napoléon (Grasset, 2022) - Sách đỏ về những người phụ nữ của Napoléon -.

Print Friendly and PDF