31.8.23

Trung Quốc: Tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ ở mức cao nhất, một quả bom hẹn giờ

TRUNG QUỐC: TÌNH TRẠNG THẤT NGHIỆP TRONG GIỚI TRẺ Ở MỨC CAO NHẤT, MỘT QUẢ BOM HẸN GIỜ

Pierre-Antoine Donnet

Một thanh niên Trung Quốc mới tốt nghiệp “nằm bất động” theo “kiểu xác sống” để báo hiệu tình trạng thất nghiệp chực chờ ngay khi bước chân vào thế giới việc làm ở Trung Quốc. (Nguồn: Dao Insights)

Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, ở mức 20,8% đối với thanh niên trong độ tuổi 16-24. Trên thực tế, đây là một quả bom hẹn giờ xã hội, ảnh hưởng đến toàn thể dân số. Đồng thời, sự tăng trưởng kinh tế đang ở mức hụt hơi và làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy tiếp tục gia tăng.

Con số thất nghiệp chính thức trong giới trẻ trong tháng 4 rõ ràng đã bị đánh giá thấp rất nhiều. Tuy nhiên, nó đã tăng 0,4 điểm trong tháng 4, đánh dấu mức chưa từng thấy kể từ năm 2018, khi các số liệu thống kê này được công bố lần đầu tiên. Cần so sánh con số thất nghiệp này với tỷ lệ thất nghiệp 16,4% ở Châu Âu và 15% ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện tượng mới này ở Trung Quốc càng gây nên sự lo lắng gấp đôi cho chế độ bởi vì cùng với đó, là cả một thế hệ trẻ – đặc biệt là những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp – những người đang băn khoăn về tương lai của mình. Ngoài ra và trên hết, tính chính đáng duy nhất mà chính quyền cộng sản thực sự có thể tự hào đang trở nên mờ nhạt: mang đến cho người Trung Quốc hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Có một tục ngữ nổi tiếng ở Trung Quốc: “Tình hình hôm nay đã tốt, ngày mai sẽ còn tốt hơn nữa” (今天好,明天会更好 – jintian hao, mingtian hui genghao). Nhưng ở đây, nó đã bị bác bỏ mãnh liệt bởi một nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu của một thời kỳ suy thoái, hứa hẹn sẽ còn kéo dài: tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất kể từ hơn 40 năm qua, xuất nhập khẩu giảm sút, tiêu dùng trong nước thì ủ rũ, và làn sóng tháo chạy dường như ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài.

“KIỂU XÁC SỐNG”

Trong số những sinh viên vừa tốt nghiệp, nhiều người vẫn chưa tìm được việc làm dù đã gửi đi hàng chục bản CV [đơn xin việc]. Cũng có nhiều người bày tỏ sự bất bình và chán nản bằng cách đăng lên các trang mạng xã hội Trung Quốc hình ảnh họ nằm dài bất động trên băng ghế hoặc trên mặt đất, cái gọi là tư thế “tangping” (谭平) mà ngày nay Trung Quốc đã trở thành một trong những cách hiếm hoi để bày tỏ sự công khai phản đối mà không mạo hiểm bị [cảnh sát] bắt giữ và truy tố.

Năm nay, không còn nhiều những bức ảnh chụp các sinh viên tốt nghiệp tươi cười giơ cao bằng tốt nghiệp và tung mũ lên trời. Không còn nhiều cảnh phụ huynh tự hào khi đứng cạnh con mình. Vic Chiang, Lilian Yang và Lily Kuo đã viết trên tờ Washington Post. Thay vào đó, một nhóm [sinh viên tốt nghiệp] của khóa 2023 đã chụp những bức ảnh của chính họ, cho thấy họ hoàn toàn kiệt sức. Nằm dài trên mặt đất, che mặt. Khuỵu xuống hoặc gập người trên lan can, tay buông thả. Trên các trang mạng xã hội, các bức ảnh đó thường chú thích kèm theo những dòng chữ như kiểu xác sốnghay nằm dài bất động’.”

Trước sự ngạc nhiên của bạn bè, Jian Wenxin, một sinh viên mới tốt nghiệp, thay vì bắt tay đi tìm một công việc phù hợp, đáp ứng được sự mong đợi của bản thân, trong vô vọng, đã chọn làm việc trong chuỗi quán cà phê Starbucks ở thành phố Thượng Hải, theo lời tường thuật của Lianhe Zaobao, một nhật báo tiếng Hoa của Singapore. Đã có 11,6 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp trong năm nay. Sự cạnh tranh [trong việc tìm việc] đã trở nên quá khắc nghiệt. Những sinh viên như Jian Wenxin “vừa mới thoát khỏi đại dịch Covid-19 kéo dài ba năm, đã phải đối mặt với mùa tìm việc khó khăn nhất chưa từng có lâu nay trong nước, tờ báo giải thích. Lianhe Zaobao cho biết thêm, số lượng kỷ lục sinh viên mới tốt nghiệp này hơn nữa còn phải cạnh tranh với những sinh viên tốt nghiệp các năm trước đó đang bị chậm trễ trong việc tìm kiếm việc làm đầu tiên do ảnh hưởng của đại dịch. Cuộc cạnh tranh tìm kiếm việc làm ngày càng trở nên khốc liệt, và ngay cả sinh viên tại các trường cao đẳng và các đại học danh tiếng nhất cũng cảm thấy bị áp lực.”

Brenda Lu, một sinh viên nữ 21 tuổi tốt nghiệp Đại học Nam Kinh, được tờ Washington Post dẫn lời. Nằm dài và bất động có nghĩa là tôi muốn tự mình chọn lấy cách sống của mình. Điều đó không có nghĩa là tôi nằm dài ra đó và không làm gì hết, mà là tôi không quan tâm đến những gì người khác làm trong một môi trường không phù hợp với bản thân.” Đối với cô, đó là một hình thức phản đối những kỳ vọng của xã hội, cũng như phản đối một hệ thống giáo dục cứng nhắc. “Trong ba năm xảy ra đại dịch, các bạn cùng lớp của tôi đã bị cách ly trong ký túc xá để học trực tuyến, như thể họ đang ở tù. Nhiều bạn đã không có bất cứ cuộc trải nghiệm cuộc sống xã hội nào trong ba năm qua, và ngày nay đang tuyệt vọng trong việc tìm ra một lối thoát. Vì thế, việc tìm kiếm việc làm trong năm nay chỉ có thể được mô tả là đặc biệt bi thảm.”

Rain Xu, 22 tuổi, một sinh viên nữ tốt nghiệp Đại học Khoa học Hàng Châu ở miền đông Trung Quốc, là người có tính cách dứt khoát. Đối với cô, việc cố tình trưng ra một bộ mặt chán nản, mệt mỏi và nằm dài trong công viên là một cách thể hiện sự tuyệt vọng của mình. Thể hiện bản thân theo cách này “là thể hiện trạng thái tinh thần của sinh viên các trường đại học lớn ngày nay ở Trung Quốc. Cuối cùng, trong khi chờ tìm được một việc làm phù hợp với bản thân trong lĩnh vực các nghệ thuật số, cô đã chấp nhận, dù muốn hay không, làm một công việc thực tập thư ký. “Đã có trường hợp sa thải và xem xét giảm lương,” cô nói, giải thích rằng bạn bè cô đã chấp nhận những việc làm được trả tương đương với mức 300 euro một tháng. “Giá thuê nhà ở Hàng Châu rất cao. Làm thế nào để có thể sống với mức lương đó?

Dexter Yang, 22 tuổi, một sinh viên của Đại học Công nghệ ở thành phố Phật Sơn, ở miền nam tỉnh Quảng Đông, đã không giấu giếm sự mất niềm tin của bạn bè vào tương lai sau ba năm đại dịch. “Tôi nghĩ xu hướng hiện nay cho thấy đại dịch đã ảnh hưởng đến mọi người như thế nào,” anh nói khi được tờ The Washington Post phỏng vấn, khi đang nằm dài trên sân trường trong khuôn viên đại học của anh ấy, với chiếc mũ sinh viên che lấy khuôn mặt anh. Thông điệp rất đơn giản: thị trường lao động đang suy thoái. “Đối với sinh viên mới tốt nghiệp, đó là một đòn giáng mạnh vào niềm tin của chúng tôi, đặc biệt khi người ta xem xét đến việc sa thải nhân viên tại các công ty lớn.”

“TỶ LỆ THẤT NGHIỆP SAI”

Đối với Zhang Zhulin, một nhà báo gốc Hoa làm việc cho tờ Courrier International, tình hình thất nghiệp sẽ còn lâu mới khá hơn, ngược lại là đắng khác. Tình hình này nghiêm trọng đến mức nhiều người Trung Quốc đang tự hỏi về thực tế thất nghiệp thực sự ở đất nước họ, và đi đến việc nghi ngờ các số liệu thống kê chính thức, khi quan sát thấy mức độ tàn phá gây ra xung quanh họ. Wang Minyuan, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Cải cách và Phát triển ở Bắc Kinh, gần đây đã chỉ trích trên mạng xã hội Wechat, một trang mạng của Trung Quốc tương đương với Twitter, về “tỷ lệ thất nghiệp sai trong các số liệu thống kê chính thức”, khi đánh giá rằng tình hình việc làm đã thực sự xấu đi đáng kể kể từ thời kỳ sau đại dịch.

Zhang Zhulin

Giới kinh tế, và đặc biệt là các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đang trông đợi vào sự phục hồi nhanh của nền kinh tế sau ba năm áp dụng chính sách y tế quyết liệt, một sự phục hồi mà nó chưa thực sự diễn ra”, Zhang Zhulin giải thích trên một diễn đàn do tờ Le Figaro đăng gần đây. [Giới trẻ mới tốt nghiệp khoa văn – bao gồm các chuyên ngành triết học, luật học, văn học, sử học] đã không xoay xở được để “thoát khỏi vũng bùn thất nghiệp vô vọng, sau nhiều vụ bị sa thải, nhiều lần bị từ chối việc làm […] họ tâm sự phải bỏ nghề lao động trí thức và quay sang các nghề lao động chân tay. Giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ thuyết phục họ chấp nhận một thực tế khác, Zhang, tác giả cuốn La société de surveillance made in China [Xã hội giám sát theo kiểu Trung Quốc] (nhà xuất bản Aube, 2023), nói tiếp. Vào ngày 4 tháng 5, Ngày Thanh niên ở Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi thanh niên Trung Quốc chiku [吃苦: cật (chịu) khổ hành trong cuộc sống], khi viện dẫn kinh nghiệm của bản thân ông lúc làm việc ở nông thôn trong cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, thời kỳ mà Mao Trạch Đông đã gửi hơn 16 triệu thanh niên đến lao động tại các vùng nông thôn.”

Một số người khác, không có bằng cấp, không thể tìm được một việc làm ổn định, cuối cùng đã gia nhập hàng ngũ vô số các nhân viên giao hàng hoặc tài xế xe bốn bánh, một giải pháp thay thế được trả lương rất thấp với những ngày làm việc vô tận và mệt mỏi. Theo một cuộc điều tra chính thức được công bố vào cuối năm 2023 được tờ Courrier International trích dẫn, 84 triệu người Trung Quốc ngày nay làm công việc tài xế xe bốn bánh hoặc nhân viên giao hàng, một quá trình “grab hoá” xã hội Trung Quốc, thứ nói lên nhiều điều về sự suy yếu của thế giới việc làm ở Trung Quốc, vốn từng là một trong những trụ cột của sự ổn định xã hội trong nước.

Đối với những người lớn tuổi hơn, số phận của họ cũng xuống cấp, vì qua cột mốc 35 tuổi, đối với những người đã mất việc thì sẽ rất khó để tìm được một việc làm mới. Tờ New York Times trích dẫn trường hợp của Sean Liang, 30 tuổi, bắt đầu lo lắng về “lời nguyền tuổi 35”, một niềm tin đang lan rộng ở Trung Quốc rằng mốc tuổi này nhất thiết đánh dấu việc bước vào một thời kỳ bấp bênh trong nghề nghiệp. “Do tôi chơi thể thao, tôi trông trẻ hơn so với tuổi của mình, anh ấy tâm sự với nhật báo New York Times. Nhưng trong con mắt của xã hội, những người như tôi đã trở thành người làm việc kém hiệu quả.”

Đối với Mia Fan, được tờ South China Morning Post phỏng vấn, mọi thứ đã trở nên phức tạp hơn. Bị cho nghỉ việc vào tháng 5 khỏi vị trí quản lý trong lĩnh vực tài chính ở Hàng Châu, cô đã giả vờ đi làm mỗi sáng để bố mẹ chồng không nhận ra rằng cô đang thất nghiệp. Nhưng trên thực tế, ngay khi ra khỏi nhà, cô đã đến Starbucks để gửi hồ sơ xin việc. “Tôi không muốn làm họ lo lắng. Và rồi tôi sợ để lại một ấn tượng xấu cho con gái tôi nếu tôi ở nhà cả ngày mà không làm gì cả.” Cô đã nộp đơn ứng tuyển hơn 70 vị trí việc làm trên nhiều trang web đăng tin tuyển người khác nhau, mà không nhận được một kết quả từ chối nào rõ ràng. Một số công ty cũng đã trả lời rằng họ đang tìm người dưới 35 tuổi. Wang Chenxu, một chuyên gia tuyển dụng săn đầu người, được tờ báo Hong Kong dẫn lời, đã đưa ra lý do giải thích cho “lời nguyền” này : “Trừ phi người tìm việc ở độ tuổi trung niên có một đơn xin việc thuộc loại xuất sắc, còn không thì các công ty sẽ luôn thích tuyển những nhân viên trẻ tuổi hơn, dễ đào tạo hơn và thăng tiến nhanh hơn.”

Sự bùng nổ thất nghiệp trong giới trẻ này càng nghiêm trọng hơn vì những hiệu ứng mà toàn xã hội nhất thiết cảm nhận được. Thế mà, chính giới trẻ lại là những người phải hỗ trợ tài chính cho người lớn tuổi khi những người lớn tuổi này đến tuổi nghỉ hưu. Do hệ thống hưu trí mang tính rất bấp bênh và khác xa so với các hệ thống tương đương ở thế giới phương Tây.

Ở Trung Quốc, người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng góp vào quỹ bảo hiểm y tế – với tỷ lệ đóng góp có thể khác nhau tùy theo khu vực và ngành nghề. Một phần nguồn thu bảo hiểm y tế này được gởi vào một tài khoản cá nhân và phần còn lại được gởi vào một tài khoản tập thể. Thế nhưng, tỷ lệ dân số Trung Quốc đang già đi nhanh đến mức trong vòng hai thập kỷ nữa số người Trung Quốc đến tuổi nghỉ hưu sẽ đông hơn toàn bộ dân số Hoa Kỳ. Từ nay đến năm 2040, sẽ có khoảng 402 triệu người Trung Quốc, tương đương 28% tổng dân số, trên 60 tuổi. Điều này có nghĩa là người Trung Quốc sẽ già đi trước khi làm giàu ở một đất nước ngập trong nợ nần, nơi mà chính phủ có rất ít phương tiện để tài trợ cho tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng này. “Xu hướng này báo hiệu sự kết thúc lợi thế so sánh của Trung Quốc về lao động giá rẻ và có trình độ, cũng như sự tiến triển một thách thức đau đớn, là việc chăm sóc dân số đang già đi nhanh chóng”, tạp chí Foreign Policy của Mỹ gần đây đã nhấn mạnh.

LUẬT CHỐNG GIÁN ĐIỆP MỚI

Song song với tình hình này, hệ quả của việc ưu tiên đảm bảo an ninh và ổn định chính trị, Trung Quốc đã siết chặt các quy định đối với người nước ngoài làm việc tại nước này. Kể từ khi có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7, luật chống gián điệp mới cho phép giới chức trách có một biên độ khá lớn để thao tác đối với những gì mà họ coi là mối đe dọa an ninh. Theo luật mới, việc thu thập trái phép các “tài liệu, dữ liệu, tư liệu đồ vật liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia”, từ nay, có thể được phân loại là gián điệp.

Jeremy Daum

Chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng các luật tương tự đã tồn tại ở những nơi khác trên thế giới và họ có quyền “bảo vệ an ninh quốc gia” của họ, đồng thời đảm bảo Nhà nước pháp quyền sẽ được tôn trọng. Thực tế là giới kinh doanh nước ngoài, vốn đã hoài nghi về hiệu quả kinh tế tồi tệ trong tương lai của Trung Quốc, thậm chí còn lo lắng hơn trước thực tế này. Các cuộc lục soát và thẩm vấn, vào đầu năm nay, tại các văn phòng của công ty kiểm toán Mỹ Mintz Group và công ty tư vấn chiến lược Bain & Company ở Trung Quốc, đã gây ra một làn sóng hoảng loạn nhẹ trong lĩnh vực này.

Như thường thấy ở Trung Quốc, các quy định của luật này đủ mơ hồ để có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, và do đó sẽ áp dụng cho mọi tầng lớp xã hội và trong mọi lĩnh vực ngành nghề,” theo lời của Jeremy Daum, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Paul Tsai Trung Quốc thuộc Trường Luật Yale ở Hoa Kỳ, khi trả lời phỏng vấn của AFP. Ngoài ra, ông còn dự đoán luật sẽ có “một tác dụng răn đe đối với những công dân Trung Quốc nào có liên hệ với người nước ngoài và các tổ chức nước ngoài”.

Craig B. Allen (1957-)

Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh tế Trung-Mỹ (USCBC), đã nhấn mạnh rằng những thay đổi này “làm dấy lên những lo ngại chính đáng về việc tiến hành một số hoạt động kinh doanh thông thường, từ nay có nguy cơ bị coi là hoạt động gián điệp. Các cuộc thảo luận về bí mật thương mại, chia sẻ dữ liệu, nghiên cứu thị trường, thủ tục tuyển dụng, và thu thập thông tin thương mại có thể nằm trong phạm vi áp dụng của luật. Điều đặc biệt hơn là luật không quy định [] loại dữ liệu nào, tài liệu nào và tư liệu nào là loại có liên quan đến an ninh quốc gia.

Chính phủ các nước ngoài đã chưa bày tỏ chính thức mối quan ngại đối với công dân của họ, ngoại trừ Hoa Kỳ, quốc gia mà các mối quan hệ với Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong hơn 40 năm qua.

Jens Eskelund (1970-)
Michael Hart

Phần lớn các lĩnh vực mà chúng tôi thường làm đã bị chính trị hóa,” Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Bắc Kinh Jens Eskelund cho biết vào ngày 29 tháng 6, được tờ Nikkei Asia của Nhật Bản trích dẫn. Theo một cách nào đó, [chính phủ Trung Quốc] đã sử dụng vấn đề an ninh và sự chính trị hóa ý thức hệ như thể chúng có thể hoán đổi cho nhau.” Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Bắc Kinh Michael Hart cũng có phát biểu tương tự: “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc muốn thu hút người đầu tư nước ngoài nhưng đồng thời, chúng tôi cũng hiểu điều gì sẽ xảy ra đối với những công ty vốn là nạn nhân các cuộc đột kích [của cảnh sát].” Gần đây, Phòng Thương mại Châu Âu đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy gần hai phần ba các công ty Châu Âu được khảo sát tin rằng công việc kinh doanh ở Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn trong chừng mực chưa từng thấy trong gần một thập kỷ qua.

TẬP CẬN BÌNH TRONG “CUỘC CHIẾN” CHỐNG “BÁ QUYỀN PHƯƠNG TÂY”

Tuy nhiên, có một luật khác, đã được thông qua vào tuần trước, chắc chắn sẽ gây thêm sự xáo trộn trong nội bộ cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Luật này cung cấp cho ông chủ Trung Quốc Tập Cận Bình một khung pháp lý mới và rất toàn diện, cho phép ông ta có thể đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế của nước ngoài và đấu tranh chống lại điều mà Bắc Kinh gọi là “bá quyền của phương Tây”.

Luật mới, với sáu chương, về các mối quan hệ đối ngoại, kể từ ngày 1 tháng 7, sẽ đóng vai trò làm cơ sở cho toàn bộ chính sách đối ngoại của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, do luật “hệ thống hóa các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và đóng khung các luật khác điều chỉnh nhiều khía cạnh khác nhau trong các mối quan hệ đối ngoại”, Moritz Rudolf, một chuyên gia tại Trường Luật Yale, đã tóm tắt, và được tờ Les Echos trích dẫn.

Do đó, luật mới sẽ giám sát các luật trước đây về đầu tư nước ngoài, về cuộc chiến chống lại các lệnh trừng phạt quốc tế hoặc thậm chí cả các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và, theo Bắc Kinh, cho phép lấp đầy khoảng trống pháp lý, mà cho đến nay, đã làm suy yếu cơ chế pháp lý của các phản ứng trước các biện pháp trả đũa được đưa ra bởi các quốc gia khác. Trong khi làm rõ quyền hạn của nhiều định chế chính phủ khác nhau, luật mới cũng lưu ý việc điều hành các mối quan hệ đối ngoại của Bắc Kinh, từ nay, nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, và do đó là của Tổng bí thư Tập Cận Bình, người đã không ngừng tăng cường ảnh hưởng của ông trong việc điều hành các công việc của đất nước, trong những năm gần đây.

Zhao Leji (1957-)

Luật về các mối quan hệ đối ngoại sẽ cho phép bảo vệ tốt hơn chủ quyền, an ninh quốc gia và các lợi ích của Trung Quốc về mặt phát triển để có thể trẻ hóa quốc gia”, theo bình luận của Zhao Leji, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc, cơ quan truyền tải các chỉ thị từ cơ quan hành pháp. Những từ ngữ này là một ám chỉ đến “cuộc chiến của Tập Cận Bình trong mục đích chính thức nhằm khôi phục vinh quang và quyền lực trước đây của đất nước, bằng cách xóa bỏ những sỉ nhục, mà theo ông, do các thế lực nước ngoài áp đặt trong suốt 100 năm trước khi Đảng lên nắm quyền vào năm 1949.

Luật không đưa ra một cơ chế chi tiết và không nêu tên cụ thể bất kỳ quốc gia mục tiêu nào. Nhưng luật giải thích rằng Bắc Kinh, tự nay, tự cho phép có quyền thực hiện “các biện pháp đối phó và các biện pháp chế tài chống lại những hành vi gây nguy hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của đất nước, hoặc những hành vi vi phạm các “chuẩn mực cơ bản về các mối quan hệ quốc tế”. Theo các chuyên gia, luật này có thể làm cơ sở cho các chiến dịch trả đũa trong tương lai chống lại những công ty nước ngoài được thành lập tại Trung Quốc, mà nguyên quốc đã thực hiện các biện pháp được coi là thù địch với Bắc Kinh hoặc đưa ra những bình luận được coi là ác ý, về các vấn đề kinh tế cũng như địa chính trị.

Henry Gao

So với luật về an ninh quốc gia, luật mới chỉ ra việc bảo vệ phẩm giá và danh dự quốc gialà những khái niệm thậm chí còn khó nắm bắt hơn”, theo lời giải thích của Henry Gao, giáo sư về luật của Đại học về Quản trị của Singapore, trong một bài phân tích dài trên Twitter. “Dựa trên các thông lệ trước đây, tôi muốn nói rằng mọi công ty Trung Quốc, từ nay, có nghĩa vụ phản đối, trong tất cả các giao dịch kinh doanh của mình, khi các đối tác kinh doanh nước ngoài gọi Đài Loan là một quốc gia, hoặc bình luận về tình hình ở Tân Cương hoặc Hồng Kông,” vị luật gia nói trên đã cảnh báo, người lo ngại các cuộc tranh chấp sẽ gia tăng.

Về mặt kinh tế, Cục Thống kê Quốc gia (BNS), vào ngày 30 tháng 6, đã báo cáo một sự chậm lại mới trong hoạt động công nghiệp trong tháng 6, tháng thứ ba liên tiếp liên quan đến sự sụt giảm cầu nước ngoài và trong nước. Kết quả đạt được trong tháng 6 “phản ánh một số điểm yếu và mất cân đối như: cầu trong nước và nước ngoài liên tục bị thu hẹp, hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ chậm lại một cách nhanh chóng, và áp lực tiếp tục đè lên khu vực kinh tế tư nhân”, theo sự nhấn mạnh của Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Jones Lang LaSalle, được Reuters trích dẫn.

Những kết quả trên, cùng với sự tụt hậu trong tháng thứ năm liên tiếp nguồn thu các doanh nghiệp, “phản ánh nhu cầu cấp thiết về một gói biện pháp [phục hồi kinh tế] mạnh mẽ hơn để đạt được các mục tiêu tăng trưởng hàng năm”, ông giải thích. Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng một mức tăng trưởng GDP khoảng 5% vào năm 2023 sau mức thấp kỷ lục 3% vào năm 2022. Vào hôm thứ Ba, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã nhắc lại cam kết của Bắc Kinh trong việc nhanh chóng áp dụng các biện pháp phục hồi kinh tế. Hãng Reuters, trích dẫn các nguồn thạo tin, cho biết các biện pháp này có thể sẽ sớm được công bố để bù đắp cho những lo ngại về một sự thoái vốn đáng kể và tình hình nợ chính phủ ngày càng tăng. Tuy nhiên, nếu chính phủ Trung Quốc cố gắng bù đắp cho tình trạng kinh tế ảm đạm đang diễn ra, thì các biện pháp này “sẽ còn lâu mới giống một khẩu bazooka tài chính mà một số người hy vọng”, và hẳn là không có khả năng làm thay đổi đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế, theo lời của một chuyên gia của ING được Reuters trích dẫn.

Chính quyền Trung Quốc đã không công bố bất kỳ số liệu nào về tình trạng thoái vốn, có lẽ đã gia tăng trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, có một chỉ báo của hiện tượng này là giá bất động sản ở Singapore đã tăng rất nhanh, do dòng vốn từ đại lục đổ vào, theo các nguồn thạo tin. Từ nay, ai cũng biết rằng Hồng Kông không còn đóng vai trò là nền tảng tài chính an toàn cho những người Trung Quốc giàu nhất kể từ khi Bắc Kinh tiếp quản về mặt chính trị, giới người giàu này đã chọn Singapore làm vùng đất mới của họ.

Sự bất ổn kinh tế nghiêm trọng mà Trung Quốc đã trải qua trong hơn hai năm qua có vẻ như đã khiến triển vọng trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới trong tương lai gần trở nên bất định hơn bao giờ hết. Tất cả những điều trên đã khiến tạp chí Foreign Affairs của Mỹ nói rằng kế hoạch của Tập Cận Bình nhằm vực dậy nền kinh tế Trung Quốc trên cơ sở phục hồi sức tiêu dùng trong nước “tất phải thất bại”.

Giới thiệu tác giả

Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng mười lăm cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, nhà xuất bản Editions de l’Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, nhà xuất bản Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Sau cuốn “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, nhà xuất bản Éditions de l’Aube vào năm 2021, thì vào cuối năm năm 2022, ông đã chủ biên một công trình tập thể có tựa là “Le Dossier chinoise [Hồ sơ Trung Quốc]” (nhà xuất bản Cherche Midi), và tiếp đó vào đầu năm 2023 cuốn “Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste [Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát]” (nhà xuất bản L’Aube).

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Chine : le chômage des jeunes au plus haut, une bombe à retardement, Asialyst, ngày 06/07/2023.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF