7.9.23

Đạo đức của truyền thông khoa học

ĐẠO ĐỨC CỦA TRUYỀN THÔNG KHOA HỌC

Tác giả: Philippe Vellozzo

Triết gia, giám đốc truyền thông Đại học Bordeaux

Đây không phải là vấn đề sự sụp đổ chung của niềm tin vào các khoa học hay sự xuất hiện của một chế độ “hậu sự thật”. Nhưng những hành động truyền thông “độc hại” có thể thành công, trên một chủ đề cụ thể, trong việc gây nhiễu loạn các ranh giới giữa khoa học và dư luận, giữa các chủ đề thảo luận và những chủ đề đồng thuận, giữa những vấn đề thực tế và những vấn đề về giá trị. Đối diện với những mối nguy này, một “khoa học về truyền thông khoa học” có thể góp phần làm cho tất cả các loại công chúng có thể tiếp cận tri thức tốt hơn.

Truyền thông khoa học đã luôn luôn là một chủ đề chính trị cũng như chính khoa học, như công trình của các sử gia về các bảo tàng khoa học đầu tiên và các cuộc triển lãm lớn trong thế kỷ XIX đã nêu ra. Nhưng quyết chí mới đây muốn tăng cường và làm cho các hành động truyền thông đối với đại công chúng rộng rãi được hiệu quả hơn trong các lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt nhạy cảm, cho dù nó được biện minh về nguyên tắc, như sự đáp trả những đe dọa đè nặng trong không gian công cộng bởi những “người buôn sự nghi ngờ” và những “người theo chủ nghĩa phủ nhận”, vẫn có thể làm lung lay nền tảng các mối quan hệ giữa khoa học và dân chủ, và vậy là gây hại cho vị trí trung tâm dành cho dân chủ trong các tổ chức phục vụ cho việc sản xuất và truyền bá tri thức.

Ta có thể định nghĩa truyền thông khoa học là hoạt động hướng đến việc làm phong phú thêm và định hướng sự đối thoại tập thể về các khoa học và kỹ thuật. Được các tác nhân với những quan niệm và lợi ích rất đa dạng ủng hộ, từ nay truyền thông khoa học hoạt động trong một không gian truyền thông vốn đã trở nên dễ bị thâm nhập một cách đặc biệt bởi các ý tưởng bảo thủ và các thuyết âm mưu.

Những vấn đề khoa học quan trọng nhất, ví dụ về môi trường và y tế, gây nên những tranh luận đầy thiên kiến, phân cực các ý kiến và làm gia tăng các cộng đồng rất nhỏ về nhận thức ở đó lan truyền các tin đồn và tin giả. Hiện tượng này, từ nay được sưu tầm kỹ lưỡng, còn chưa nhận được một lời giải thích thỏa đáng. Đối với những thách thức cho các nền dân chủ cam kết giải quyết những thách thức to lớn của kỷ nguyên mới Anthropocene (kỷ nguyên do con người làm thay đổi diện mạo trái đất), sự không vững chắc và tính hai mặt của truyền thông khoa học biến chúng thành một chủ đề quan trọng của sự quan tâm chung.

Đây không phải là vấn đề sự sụp đổ chung của niềm tin vào các khoa học hay sự xuất hiện của một chế độ “hậu sự thật”. Theo các cuộc điều tra gần đây, niềm tin vào khoa học với tư cách là một thể chế bị xói mòn ít hơn rất nhiều so với điều đôi lúc người ta vẫn nghĩ và phần lớn các công dân đều biết nhận diện các nguồn thông tin chính đáng. Cũng như vậy, ý nghĩ thông thường trong giới trí thức về một dạng cả tin tập thể không chống lại được sự phân tích, như các nghiên cứu sự cảnh giác về nhận thức cho thấy. Cuối cùng, nhiều công trình về khoa học chính trị gợi ý rằng sự phân cực mạnh của dư luận công chúng được quan sát tại Mỹ che khuất tầm quan trọng của một sự đồng thuận sâu sắc hơn.

Nhưng một hiện tượng xã hội hạn chế, hời hợt và gắn với một bối cảnh có thể có những hậu quả quan trọng, nếu chỉ cần thay đổi trong ngắn hạn những hành vi của các nam, nữ công dân, ví dụ như trong lĩnh vực bầu cử. Những hành động truyền thông “độc hại” có thể thành công, trên một chủ đề cụ thể, trong việc gây nhiễu loạn các ranh giới giữa khoa học và dư luận, giữa các chủ đề thảo luận và những chủ đề đồng thuận, giữa những vấn đề thực tế và những vấn đề về giá trị. Cho dù những tác động chỉ là thoáng qua, cách truyền thông này có thể có những hậu quả chính trị, xã hội và môi trường càng độc hại hơn nữa khi nó thường nhắm đến những nhóm đã bị gạt ra ngoài lề và dễ bị tổn thương.

Một “khoa học về truyền thông khoa học”

Đứng trước rủi ro này, những sáng kiến được tung ra trong các cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học không những phải thành công về mặt hiệu quả mà còn phải thành công trong việc hướng đến những công chúng với vốn xã hội và vốn văn hóa, nguồn gốc của tất cả các năng lực thông tin và truyền thông, được phân phối rất không đồng đều (và bất công).

Vậy là một “khoa học mới về truyền thông khoa học”, được nuôi dưỡng bằng những công trình khoa học nhận thức, khoa học hành vi và khoa học xã hội đã phát triển mới đây với mục tiêu thực tiễn là làm phong phú thêm và cải thiện các năng lực nghề nghiệp cần thiết cho sự thành công của truyền thông khoa học.

Lĩnh vực nghiên cứu mới nổi này đang trên đà xây dựng từ vài năm nay, đặc biệt là trong cộng đồng nói tiếng Anh anglo-saxon, như đã được nêu ra trong phúc trình năm 2017 của National Academy of Sciences Mỹ (Viện Hàn Lâm khoa học quốc gia Mỹ) đầy uy tín, phúc trình tóm tắt (một vài) đóng góp và (nhiều) thiếu sót nhằm đề nghị một chương trình nghiên cứu chặt chẽ.

Được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu, nhiều dự án “nghiên cứu ứng dụng” về truyền thông khoa học đã được khởi động gần đây ở châu Âu (Quest, Rethink, Tresca, Newsera, Parcos, Concise …). Tại Pháp, các chương trình sáng tạo đổi mới đang phát triển, đáng chú ý là đáp lại lời kêu gọi “Khoa học đồng hành với và vì xã hội” của Liên minh châu Âu, chẳng hạn như dự án “Khoa học đồng hành với và vì một xã hội đang biến đổi” (SUNSET) của đại học Bordeaux. Ta cũng tìm thấy một số nhà nghiên cứu nam cũng như nữ đang làm việc để nhận diện những sức mạnh của niềm tin, của uy lực và của lập luận khoa học tại Viện Jean Nicod, một đơn vị nghiên cứu nổi tiếng quốc tế, dựa vào École des hautes études en sciences sociales (EHESS - Trường Cao học khoa học xã hội) và École Normale Supérieure (Trường Đại học Sư phạm).

Tại Đức, một nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu của Ludwig Maximilian University of Munich do nữ triết gia Ophelia Deroy điều hành được thiết kế chung quanh những vấn đế này, liên kết với Munich Science Communication Lab, tập trung nghiên cứu những thách thức của “y tế toàn cầu”, và với Biotopia, một bảo tàng khoa học lớn của thành phố trong tương lại. Như đoạn điểm qua ngắn gọn và quá chủ quan này nêu ra, đây là một lĩnh vực phong phú, đang phát triển, rất lôi cuốn. Từ nay nó gây hứng thú cho những nhà chuyên môn về truyền thông, kinh nghiệm và tầm nhìn chiến lược của họ có thể nuôi dưỡng một cuộc đối thoại phong phú với các nhà nghiên cứu.

Một “bước ngoặt tự sự” khó tránh khỏi

Một bài học quan trọng, mà có lẽ cũng hiển nhiên, của những công trình đầu tiên này liên quan đến sự hiểu biết các “công chúng mục tiêu”. Một sự truyền thông hiệu quả, với những hiệu ứng thích hợp, dựa trên một sự hiểu biết chính xác công chúng mà họ hướng đến: về những quan tâm, giá trị, thói quen truyền thông và các quy tắc văn hóa của họ. Thế nhưng trong thực tế sự hiểu biết này khó đạt được, ngay cả trong những tổ chức lớn như các đại học, nhất là liên quan đến những công chúng cách xa với cộng đồng khoa học. Nó đòi hỏi rất chặt chẽ một sự cộng tác dài hạn với các khoa học xã hội, đặc biệt là với xã hội học. Nhưng những nhà chuyên môn truyền thông lập luận trong khoảng thời gian ngắn của các chiến lược, nhịp độ nghiên cứu khó bắt nhịp với thời gian ngắn đó. Tuy nhiên, sự đồng bộ hóa của chúng có thể đem đến những kết quả tốt đẹp, bằng cách bổ sung một cách có ích cho một vài điều tra có sẵn và sự quan sát không phải khi nào cũng được lập luận dựa trên các chỉ số (metrics) được cung cấp dồi dào bởi các nền tảng xã hội.

Mặt khác, nhiều công trình về “khoa học về truyền thông khoa học” phân tích hiệu quả tương đối của một thiết bị, một kỹ thuật nào đó. Ví dụ sự “đóng khung” (framing) các thông điệp là một trong những kỹ thuật được biết đến nhiều nhất và tư liệu về tính hiệu quả của nó được thu thập kỹ. Kỹ thuật này bao gồm việc thay đổi một vài thông số không quan trọng về cách thông tin được trình bày, như “sức hút” của nó là mạnh hay yếu (“90% số bác sĩ cho rằng các thuốc chủng ngừa là an toàn” thay vì nói “10% các bác sĩ cho rằng các thuốc chủng ngừa là không an toàn”). Sự đóng khung này ảnh hưởng đến cách ngay chính thông điệp được tiếp nhận (nó được xem là thực hơn và sẽ được ghi nhớ tốt hơn tùy theo tác nhân kích thích) đồng thời như là một lập luận ủng hộ một kết luận này hay kết luận khác.

Rất nhiều người trong lĩnh vực đang được thiết lập này cũng khuyến nghị việc sử dụng các kỹ thuật tự sự, được cho là hiệu quả để thu hút sự quan tâm của những công chúng cách xa các viện, trường hơn là một cách trình bày có lý luận hay thống kê của thông tin khoa học. Một câu chuyện kể thực sự (storytelling) bao hàm sự hiện diện cùng lúc của tính thời gian, tính nhân quả và của một hay nhiều nhân vật, mời gọi trí tưởng tượng và cảm xúc. Những công trình về “sự thuyết phục mang tính tự sự” gợi ý rằng một số thuộc tính của các chuyện kể giúp chúng đánh lừa được sự cảnh giác về nhận thức của chúng ta, làm cho những khẳng định được phát ra từ các nhân vật hay những phát biểu của người kể chuyện trong suốt câu chuyện của họ trở nên dễ tiếp nhận hơn.

Noga Arikha

Một cách tích cực hơn, như triết gia và là nhà văn Noga Arikha nhấn mạnh, bà là tác giả của một quyển sách về chứng suy giảm trí nhớ ăn sâu trong trải nghiệm cá nhân, nhạy cảm và hòa nhập, của bệnh trạng của mẹ bà, những hình thức tự sự giúp nhân tính hóa (humaniser) truyền thông khoa học, bằng cách viện dẫn đến trí nhớ và trí tưởng tượng, khơi gợi mối liên can về cảm xúc và đồng cảm. Sự hâm mộ các hình thức tự sự, vốn dành một chỗ quan trọng cho các cá nhân của các nhà nghiên cứu nam cũng như nữ, cho đời sống thường ngày, cho sự tưởng tượng và cho niềm say mê nghiên cứu, thật là đáng kinh ngạc, hơn nữa nó còn hòa hợp trực tiếp với những cách thực hành đã trở nên thông dụng về tự thuật, trong những mạng lưới xã hội kỹ thuật số.

Cuộc thi “Luận án của tôi trong 180 giây”, lấy ý từ chương trình anglo-saxon Three Minutes Thesis, cung cấp một ví dụ xuất sắc về “bước ngoặt tự sự” đang được bàn đến. Thực vậy, ta thấy các nam, nữ nghiên cứu sinh ganh đua nhau khi họ được đề nghị trình bày trong ba phút đề tài luận án của mình bằng cách làm cho nó dễ hiểu đối với một công chúng rộng rãi. Thêm vào kỳ tích sân khấu (đó là một hoạt động trình diễn, thường được quay phim) và thực hành hùng biện là xây dựng một câu chuyện chặt chẽ do đòi hỏi của khung định dạng. Tính thời gian hiển nhiên là của chính luận án (nói chung là ba hay bốn năm) và tính nhân quả, là nhân quả của hành trình nhập môn, vừa trí thức, vừa xúc cảm, xã hội và tinh thần, đi từ việc xây dựng một câu hỏi nghiên cứu đến lúc bảo vệ một luận án.

Trong số các nhân vật của lịch sử, ngoài nhân vật chính và được thấy rõ hơn (hiện diện ở hiện trường), ta thường gặp những người hướng dẫn và các đội/nhóm, những người thân và đôi khi là các viện, trường, thậm chí là chính những đối tượng nghiên cứu. Ở đây lối kể tự sự phục vụ cho niềm tin vững chắc nhưng cũng là trò đùa vui. Ở đại học Bordeaux chúng tôi thường mời các nam nữ học sinh trung học tham gia cuộc thi. Họ tìm thấy qua cuộc thi những đề tài nghiên cứu đồng thời với một hình thức tự sự năng động về truyền thông khoa học.

Kháng cự lại chủ nghĩa gia trưởng về nhận thức, một thách thức đối với dân chủ

Đối diện với những đe dọa rất thực về gây mất ổn định của không gian công cộng, ở đây các đại học vốn là tác nhân của nghiên cứu, đào tạo và sáng tạo đổi mới, đóng một vai trò chính yếu trong việc phổ biến trong xã hội một văn hóa khoa học và kỹ thuật đã trở thành tối cần thiết để hiểu những thách thức mà các nền dân chủ của chúng ta đang đối mặt. Ta chỉ có thể hài lòng với năng lượng được tiêu tốn và tính sáng tạo được thiết lập để chia sẻ một cách hiệu quả với nhiều người nhất những kết quả, những câu hỏi và những phương pháp tiến hành khoa học.

Nhưng truyền thông khoa học dù được thực hiện bởi các nhà khoa học, nhà báo hay những nhà chuyên môn về truyền thông, và như nó còn có thể được “cải thiện” nhờ những khuyến nghị của các chuyên gia, theo tôi thấy nó nêu lên một câu hỏi chuẩn tắc quan trọng.

Ngay trong những phong cách tinh vi nhất của truyền thông khoa học, những quyết định được chấp thuận để hình thành những thông điệp theo cách giảm đến mức thấp nhất tính phức tạp và sự bất định của các dữ liệu, của các kết quả và các phương pháp của khoa học. Thế nhưng, trong khi “đóng khung” một cách cố ý hơn các thông điệp, như “khoa học mới về truyền thông khoa học” mời gọi chúng ta làm, nhằm làm cho các thông điệp có tính thuyết phục hơn, bằng cách biến chúng thành “những câu chuyện hay”, dễ chấp nhận và dễ nhớ, ta đã xen vào những trình tự tri thức (inquiry - điều tra) của công chúng mà không có sự đồng tình của họ nhưng vì tốt cho họ.

Tính gia trưởng về nhận thức này vốn cố tình không biết đến năng lực “điều tra” của những người tự họ làm được, dù có thể lầm, về lâu dài nó có nguy cơ làm nghèo đi sự thảo luận khoa học vì làm mất đi một sự đa dạng tối cần thiết về nhận thức. Ngoài ra, đối với những người dễ bị tổn thương nhất, thuộc về những nhóm bị áp bức hay bị gạt ra ngoài lề, họ vốn đã cảm thấy bị gạt ra, thậm chí bị phân biệt đối xử, và thường là những nạn nhân của điều mà triết gia Miranda Fricker gọi là “những bất công về nhận thức” (ví dụ, lời chứng của họ được xem là ít chính đáng), chủ nghĩa gia trưởng này gần với một dạng bạo lực tượng trưng (violence symbolique).

Do đó, để gia tăng tính hiệu quả hay để mở rộng công chúng của truyền thông khoa học, ta không thể tự thỏa mãn với việc áp dụng các kỹ thuật hùng biện và tự sự hiệu quả hơn. Ta phải bảo đảm có sự nhất quán giữa phong cách truyền thông và những chủ tâm của nó, ví dụ bằng cách huy động những hình thức tự sự khêu gợi sự hiếu kỳ và sự suy nghĩ hơn là sự chú ý và ủng hộ tức thì. Cũng phải thành công trong làm việc với những con người “cách xa” nhất mọi văn hóa khoa học và kỹ thuật để rồi chiếm được lòng tin của họ, điều này biểu thị một thách thức thực sự trong thực hành, vì trong thực tế chính chúng ta vẫn ở trong môi trường đại học xa rời với những công chúng này.

Philippe Vellozzo

Vậy thì sự thành công của những nỗ lực này, mà phần nào có tác động về dài hạn của truyền thông khoa học, sẽ tùy thuộc rất nhiều vào công việc được thực hiện với các cộng đồng đại học để phát triển các mối quan hệ của họ, dù là “yếu ớt”, với phần còn lại của xã hội. Một trong những trách nhiệm nổi bật nhất của các đại học khi họ muốn mở rộng những ranh giới xã hội và ranh giới tượng trưng của họ là duy trì sự tin cậy của các công chúng của họ bằng cách tiếp nhận một đạo đức hoàn mỹ trong lĩnh vực truyền thông khoa học.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:L’éthique de la communication des sciences”, AOC, 10.3.2022.

 

Print Friendly and PDF