![]() |
Ricardo Hausmann (1956-) |
Mỏ vàng cộng đồng hải ngoại
CAMBRIDGE - Nhiều quốc gia có nhiều
cộng đồng hải ngoại lớn đáng kể, nhưng không nhiều quốc gia tự hào về điều đó.
Nói chung, con người có xu hướng rời một đất nước khi nó không tốt, vì vậy, các
cộng đồng hải ngoại thường là một lời nhắc nhở về những khoảnh khắc đen tối của
một quốc gia.
El Salvador, Nicaragua, và Cuba, là ba
ví dụ, có hơn 10% dân số bản địa sống ở hải ngoại vào năm 2010. Và con số ấy
chưa kể đến con cháu của họ. Phần lớn các cuộc di cư này diễn ra vào một thời
điểm nội chiến hoặc cách mạng. Ở những nơi khác, các cuộc di cư khổng lồ diễn
ra trong bối cảnh thay đổi chính trị, như ở châu Âu khi chủ nghĩa cộng sản sụp
đổ.
Mối quan hệ giữa các cộng đồng hải
ngoại và quê hương của họ thường xoay quanh một bảng màu rộng lớn về cảm xúc,
bao gồm sự mất lòng tin, sự oán giận, sự ghen tị, và sự thù hận. Nói một cách
thông tục, người ta mô tả các cuộc di cư như một giai đoạn mà theo đó một quốc
gia "mất đi" một tỷ lệ dân số nhất định.
Nhưng những người đã rời bỏ đất nước
không biến mất. Họ vẫn sống và tham gia hoạt động xã hội. Kết quả là, họ có thể
trở thành một tài sản vô giá không chỉ cho đất nước họ đến mà còn, và quan
trọng hơn, cho đất nước xuất xứ của họ.
Một kết nối quan trọng là các khoản
kiều hối, chiếm khoảng 500 tỷ USD mỗi năm trên toàn thế giới. Những quốc gia
tiếp nhận kiều hối lớn nhất là Ấn Độ, Mexico và Philippines. Đối với những quốc
gia như Armenia, El Salvador, Haiti, Honduras, Jamaica, Kyrgyzstan, Lesotho,
Moldova, Nepal, và Tajikistan, số kiều hối mà người dân ở hải ngoại chuyển về
tương đương với hơn một phần sáu thu nhập quốc dân – một con số thường vượt cả
số tiền xuất khẩu. Và số tiền đó có thể làm được rất nhiều việc tốt, như Dilip
Ratha thuộc Ngân hàng Thế giới đã nêu bật.
![]() |
Philip Curtin (1922-2009) |
Nhưng tầm quan trọng tiềm tàng về kinh
tế của cộng đồng hải ngoại vượt cao hơn các khoản kiều hối. Như cố sử gia Philip Curtin
đã dẫn chứng bằng tài liệu, từ sự khởi đầu của cuộc sống đô thị, nhiều
thiên niên kỷ trước, các giao dịch thương mại thường liên quan đến các mạng
lưới thương gia thuộc các kiều dân cùng sắc tộc sống chung với người nước
ngoài. Người Hy Lạp, người Phoenicia, các nhà buôn xuyên sa mạc Sahara, những
người thuộc liên minh Hanse, người Do Thái, người Armenia, người Hoa ở hải
ngoại, và các công ty Đông Ấn của Hà Lan và Anh đã tổ chức nhiều giao dịch
thương mại trên thế giới thông qua các mạng lưới trên. Mặc dù các thương gia
nước ngoài đôi khi rất mạnh về chính trị ở các nước tiếp nhận họ, nhưng thường
họ không đủ mạnh và phải đối mặt với sự phân biệt đối xử.
![]() |
Avner Greif (1955-) |
Nhà kinh tế Avner
Greif lập luận rằng độ lâu bền và kiên cường qua lịch sử của các mạng
cộng đồng sắc tộc phản ánh khả năng tôn trọng các hợp đồng từ xa khi các khuôn
khổ thể chế sẵn có không thể làm được như vậy một cách chắc chắn. Họ có thể
thiết lập niềm tin giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu bởi vì họ có thể trừng
phạt các hành vi mang tính cơ hội. Đối với một cộng đồng chặt chẽ, cái giá về
uy tín và các hình thức trừng phạt xã hội khác vượt giới hạn địa lý: không
thanh toán tiền hàng có nghĩa là không có khả năng cưới hỏi cho con cái của
mình.
Từ đó các thể chế pháp lý đã tiến hóa
để thúc đẩy thương mại lạnh lùng khách quan. Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu
không còn cần phải biết nhau, bởi vì họ có thể viết một hợp đồng có hiệu lực
ràng buộc với một tòa án.
![]() |
Hillel Rapoport |
Và tác động của mạng lưới cộng đồng
cùng sắc tộc còn có thể quan trọng hơn thế nữa. Như Hillel Rapoport thuộc
Trường Kinh tế Paris và các đồng tác giả đã chỉ ra, khi kiểm soát các yếu
tố quyết định khác của thương mại, các quốc gia giao dịch nhiều hơn, và đầu tư
nhiều hơn, với cộng đồng hải ngoại của nước nhà. Trong một công trình gần đây
cùng với Dany Bahar,
Rapoport cũng chỉ ra rằng các nước trở nên tốt hơn khi sản xuất ra những sản
phẩm mà nước nhà của những người di cư rất giỏi sản xuất.
Tôi diễn giải những kết quả trên như
là hệ quả của kiến
thức ngầm hay bí
quyết. Để làm được việc, bạn cần phải biết cách làm như thế nào, và bí
quyết này chủ yếu mang tính vô thức. Nói chung, hầu hết chúng ta đều biết cách
đi xe đạp, nhưng chúng ta không thực sự quan tâm đến những gì bộ não chúng
ta làm để đạt được kỳ công đó, hoặc làm thế nào để phát triển khả năng
đó thông qua thực hành.
Bí quyết ấy di chuyển theo địa lý
trong não của những người sở hữu nó và được chuyển giao cho người khác tại nơi
làm việc. Đó là lý do tại sao các món ăn dân tộc được truyền bá qua các cộng
đồng hải ngoại, chớ không phải qua các sách dạy nấu ăn. Và cũng có thể là lý do
tại sao các nền kinh tế có nhiều cộng đồng di dân thường hoạt
động tốt hơn. Ngoài ra, những người hồi hương thường là một nguồn
quan trọng các kỹ năng mới cho một quốc gia. Trong một công trình hiện đang
tiến hành, Ljubica Nedelkoska thuộc Trung tâm phát triển
quốc tế của Đại học Harvard đã cho rằng tiền lương của những người
Albania chưa bao giờ bỏ xứ có xu hướng tăng khi người di cư hồi hương.
Bằng chứng về tầm quan trọng của cộng
đồng hải ngoại có ở khắp mọi nơi, nếu bạn muốn tìm xem. Franschhoek (một vùng cư dân gốc
Pháp ở Nam Phi) là một thung lũng xinh đẹp gần Cape Town được người Huguenots
(người Tin lành Pháp –ND) thành lập vào cuối thế kỷ XVII. Đó là lý do tại sao,
cho đến ngày nay, các loại rượu vang vẫn được sản xuất tại đây.
Tương tự như vậy, Joinville là một
thành phố ở miền nam Brazil được những người Đức tương đối ít học thành lập vào
cuối thế kỷ XIX. Do các mối liên kết văn hóa mà họ và con cháu của họ đã duy
trì với mẫu quốc trong hơn 120 năm, thành phố nổi tiếng về những sản phẩm được
sản xuất với công nghệ tiên tiến, những thứ chưa được phát minh khi người di cư
đến đó. Morocco đầy rẫy các tổng đài nói tiếng Pháp có quan hệ hợp đồng thông
qua một doanh nghiệp có quan hệ họ hàng ở Paris.
Quá trình công nghiệp hóa ở Đông Á
khai thác các liên kết được mạng lưới những người Trung Quốc hải ngoại tạo ra.
Các ngành công nghiệp công nghệ cao của Ấn Độ phần
lớn được tạo ra bởi những người di cư hồi hương và được kết nối sâu sắc với cộng đồng hải
ngoại. Israel là một quốc gia hoàn toàn được tạo ra bởi cộng đồng hải
ngoại, và sự phát triển mạnh của ngành công nghệ cao cũng hưởng lợi từ
các mối quan hệ bền vững ấy. Ngược lại, nhiều nước Mỹ Latinh có cộng
đồng hải ngoại lớn khổng lồ ở nước ngoài, nhưng chỉ có vài câu chuyện thành
công tương ứng.
Cộng đồng hải ngoại của một quốc gia, và cộng đồng người nước ngoài mà quốc gia ấy tiếp nhận, có thể là một tài sản rất lớn
cho sự phát triển của quốc gia đó. Cộng đồng hải ngoại không phải là những gusanos hay sâu bọ, như Fidel Castro đề
cập khi nói đến những người Cuba ở hải ngoại. Họ là một kênh mà qua đó không
chỉ có dòng chảy kiều hối, mà còn là dòng chảy của rất nhiều kiến thức ngầm, và là một nguồn cơ hội tiềm năng để giao dịch thương mại, đầu tư, đổi mới, và trao đổi các mạng chuyên môn.
Nhưng một cộng đồng hải ngoại chỉ có
thể làm điều kỳ diệu về kinh tế khi được nước tiếp đón chấp nhận và được nước
xuất thân của họ đánh giá cao. Các chính phủ cần có một chiến lược về cộng đồng
hải ngoại, được xây dựng trên những cảm nhận tự nhiên về bản sắc và tình cảm để
nuôi dưỡng mạng lưới xã hội này như một nguồn tiến bộ kinh tế mạnh mẽ.
Ricardo
Hausmann, cựu Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch của Venezuela và cựu trưởng kinh tế gia của Ngân hàng Phát
triển Liên Mỹ, là giáo sư của dự án Thực hành phát triển kinh tế tại Đại học
Harvard, nơi ông cũng là Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế. Ông là Chủ tịch
của Hội đồng Global Agenda Meta-Council thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về tăng
trưởng hòa nhập.
Ricardo Hausmann
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “The
Diaspora Goldmine”, Project
Syndicate, June 29, 2015
-------
Bài có liên quan trên PTKT:
