![]() |
Piero Sraffa (1898-1983) |
Piero Sraffa hay sự trở lại của Ricardo
Là một lý thuyết gia rất quan trọng của thế kỷ XX, nhà kinh tế người Italia Piero Sraffa đã phân tích những thiếu sót của lý thuyết tân cổ điển và khôi phục lại tư tưởng của những tác giả như Marx và Ricardo.
Theo Piero Sraffa, kinh tế học, chính trị học và triết học liên quan chặt chẽ với nhau.
Tại một buổi lễ được tổ chức để tưởng nhớ ngày mất của Piero Sraffa, Sandro Pertini, Tổng thống nước Cộng hòa Italia lúc đó, đã gửi một thông điệp, trong đó ông mô tả người đồng hương của ông là "một tượng đài văn hóa dân chủ và chống phát-xít của châu Âu, một nhà hoạt động tích cực đấu tranh cho sự phát triển của nền văn minh dân chủ [...] người mà kiến thức khoa học thuộc bậc thiên tài, ý thức đạo đức và chính trị cao nhất gộp lại thành một." Lòng tôn kính này từ nhà chức trách cao nhất của nhà nước đi đôi với sự quý mến Sraffa từ giới nghề nghiệp mà ông đã gay gắt phê phán những đại diện lẫy lừng nhất. Paul A. Samuelson, người mà Sraffa một hôm đã từng mô tả cho chúng tôi như là một kẻ giả dối khéo léo che đậy thực tế bóc lột của chủ nghĩa tư bản, kết luận như sau trong một bài viết trong từ điển New Palgrave: "Liệu có một nhà nghiên cứu nào, như Piero Sraffa, đã tạo nên một tác động cực lớn đến khoa học kinh tế qua một số tác phẩm ít ỏi như vậy không? Người ta có thể nghi ngờ [...] nhưng Piero Sraffa rất được kính trọng và rất được yêu mến. Cứ mỗi năm qua đi, các nhà kinh tế lại tìm ra những lý do mới để chiêm ngưỡng thiên tài của ông". Thật là một điều đáng chú ý khi một người kiên định ở vị trí cánh tả trên vũ đài chính trị, một người không ngừng phê phán các tư tưởng kinh tế chính thống đương thời, và một người mà sự nghiệp trước tác chỉ võn vẹn một vài trăm trang, đã tạo được rất nhiều tác động như vậy và được đánh giá cao đến như vậy. Không đếm xuể số lượng các cuộc hội thảo và tác phẩm đã được dành cho việc thảo luận và đánh giá tác phẩm cô đọng và súc tích của một nhà nghiên cứu mà bản thân đã trốn chạy các buổi hội thảo, gặp rất nhiều khó khăn trong cách trình bày và giảng dạy.
Chính trị và triết học: Gramsci và Wittgenstein
![]() |
Antonio Gramsci (1891-1937) |
Một người bạn nổi tiếng khác của Sraffa là nhà triết học Ludwig Wittgenstein, người mà ông kết bạn sau lần trở lại Cambridge của ông ấy năm 1929. Mỗi tuần một lần, trong suốt mười lăm năm, họ đều có những buổi thảo luận căng thẳng, theo đó Wittgenstein nói rằng cuối mỗi buổi, ông cảm thấy giống như một cái cây bị tước hết tất cả lá cành. Nhà triết học người Áo đã viết như sau trong lời nói đầu của Các cuộc khảo sát triết học, một tác phẩm xuất bản sau khi tác giả qua đời về những lời phê phán của Sraffa: "Chính từ sự kích thích cuối cùng này mà tôi có được những ý tưởng nhất quán nhất, phong phú nhất trong cuốn sách này". Còn rất ít dấu vết về các cuộc đối thoại đó, nhưng điều không thể phủ nhận là Sraffa đã phê phán nhiều luận điểm của cuốn Tractatus logico-philosophicus được bạn ông xuất bản năm 1921, đặc biệt là luận điểm theo đó một mệnh đề và những gì nó mô tả sẽ có cùng một dạng logic giống nhau. Theo cách này, ông đã đóng một vai trò then chốt trong việc soạn thảo cuốn "triết học thứ hai" của Wittgenstein, nhấn mạnh vào bối cảnh của ngôn ngữ, từ nay được xem như là một thực tiễn xã hội. Một điều chắc chắn nữa là đồng thời Sraffa thảo luận, với cả Gramsci lẫn Wittgenstein, về những nghiên cứu của riêng ông về những nền tảng của lý thuyết kinh tế. Đối với Sraffa, kinh tế học, chính trị và triết học liên quan chặt chẽ với nhau.
Từ việc phá bỏ lý thuyết tân cổ điển
![]() |
Wittgenstein (1889-1951) |
Lý thuyết hiện đại về giá trị được xây dựng dựa trên tính đối xứng của các lực xác định cầu và cung, tức là các chi phí tăng dần và lợi ích giảm dần. Đường cung đòi hỏi phải có một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa sản lượng sản xuất và chi phí sản xuất. Sraffa chỉ ra cho thấy những ý tưởng ấy không đứng vững. Sự tồn tại phổ biến của các công ty độc quyền là một trở ngại lớn đối với một lý thuyết được xây dựng dựa trên giả thuyết về cạnh tranh tự do.
Sraffa gợi ý hai hướng để thoát khỏi tình trạng bế tắc này. Cách thứ nhất là từ bỏ giả thuyết về cạnh tranh tự do; cách thứ hai là quay trở lại quan niệm của các tác giả cổ điển đặt nền móng cho giá trị chỉ dựa trên những chi phí sản xuất, được coi là không đổi. Chính trong hướng thứ nhất, tiếp nối các bài viết của Sraffa, mà những người bạn của ông như Joan Robinson, Richard Kahn và Roy Harrod sẽ khai phá một cách độc lập, Edward Chamberlin sẽ tiến hành nghiên cứu tại Hoa Kỳ. Đôi khi người ta gọi đây là một "cuộc cách mạng về sự cạnh tranh không hoàn hảo (hay cạnh tranh độc quyền)", diễn ra vào đầu những năm 1930, song song và độc lập với cuộc cách mạng keynesian.
... đến việc xây dựng lại lý thuyết cổ điển
Tuy nhiên, đó không phải là con đường mà Sraffa chọn. Trong khi các lý thuyết mới về sự cạnh tranh không hoàn hảo cuối cùng tìm cách sửa đổi lý thuyết tân cổ điển nhằm đưa vào hiện tượng các công ty độc quyền, thì Sraffa bỏ sạch cái cũ và, vào cuối những nãm 1920, dấn thân vào việc phục hồi cách tiếp cận của Ricardo và Marx. Trong việc này, ông được khuyến khích bởi nhiệm vụ do Hiệp hội Hoàng gia kinh tế Anh trao cho ông năm 1930, theo sự tham mưu của John Maynard Keynes, giao cho ông trách nhiệm xuất bản các tác phẩm và thư từ của Ricardo. Công việc công phu và tỉ mỉ này, đòi hỏi một kiến thức uyên bác đặc biệt, phải mất hơn hai mươi năm mới hoàn tất. Mười tập đã được xuất bản từ năm 1951 đến năm 1955, tiếp theo là một bản tra cứu mục lục năm 1973. Việc xuất bản kiệt tác này đã mang lại cho Sraffa, năm 1961, huy chương vàng của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.
![]() |
Paul A. Samuelson (1915-2009) |
Bản thân Sraffa cũng lao vào nghiên cứu một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề trên từ cuối những năm 1920, và thành quả lao động của ông được xuất bản hơn ba mươi năm sau, trong một cuốn sách dày hơn một trăm trang với tựa đề Sản xuất hàng hóa bằng phương tiện hàng hóa. Cuốn sách này lấy lại quan điểm của "những nhà kinh tế cổ điển già từ Adam Smith đến Ricardo", với một phụ đề rất có ý nghĩa: Khúc dạo dầu về một phê phán lý thuyết kinh tế. Trong tác phẩm này, Sraffa chứng minh là, trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, tỷ suất lợi nhuận và giá cả chỉ duy nhất được xác định đồng thời bởi những điều kiện kỹ thuật của sản xuất. Nền kinh tế này tạo ra, ngoài các chi phí sản xuất, một khoản thặng dư được chia giữa các nhà tư bản và người lao động. Cũng giống như Ricardo, việc phân phối giữa lợi nhuận và tiền lương, tất yếu có tính đối kháng và được xác định một cách ngoại sinh, ví dụ bởi tương quan lực lượng giữa các nhà tư bản và người làm thuê hoặc, theo như gợi ý của Sraffa, bởi lãi suất ngân hàng.
![]() |
David Hume (1711-1776) |
Piero Sraffa qua vài năm tháng
1898: sinh ngày 05 tháng 8, ở Turin.
1920: nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Turin. L’inflazione monetaria in Italia durante et dopo la guerra.
1921-1922: nghiên cứu ở Anh, nơi ông gặp Keynes.
1923-1926: dạy học tại Đại học Pérouse.
1925: "Sulle relaziona fra costo e quantità prodotta."
1926: được bầu là giáo sư môn kinh tế chính trị tại Đại học Cagliari. "The Laws of Returns under Competitive Conditions (Các định luật về lợi tức theo các điều kiện cạnh tranh)"
1927: nhận dạy học tại Đại học Cambridge, tiếp sau sự gia tăng trấn áp tại Italia.
1930: khi bỏ nghề dạy học, ông được bổ nhiệm làm giám sát công tác nghiên cứu của sinh viên và là thủ thư của thư viện Marshall Library of Economics, công việc mà ông đảm nhiệm cho đến năm 1973. Ông thành lập nhóm "Circus" để thảo luận về cuốn Chuyên luận về tiền tệ của Keynes.
1932: "Dr. Hayek on Money and Capital” (TS. Hayek luận bàn về tiền tệ và tư bản).
1938: biên tập, cùng với Keynes, An Abstract of a Treatise on Human Nature (Tóm lược chuyên luận về bản chất con người) của David Hume (1740).
1940: bị giam ở đảo Man vì mang quốc tịch Italia, ông được thả nhờ sự can thiệp của Keynes.
1951-1973: biên tập cuốn The Works and Correspondance of David Ricardo (Toàn tập và thư từ của David Ricardo), 11 tập.
1954: được bầu vào Viện hàn lâm Anh.
1960: Production of Commodities by Means of Commodities (Sản xuất hàng hóa bằng phương tiện hàng hóa).
1981: bị chứng huyết khối.
1983: mất ngày 03 tháng 9 ở Cambridge. Ông được chôn cất tại trường Trinity College.
Để tìm hiểu thêm
• Ecrits d’économie politique, Economica, 1975.
• Production de marchandises par des marchandises. Prélude à une critique de la théorie économique, Dunod, 1970.
Những tác phẩm viết về Piero Sraffa
• Piero Sraffa trente ans après, Richard Arena (chủ biên), PUF, 1990.
• Piero Sraffa (1898-1983), Mark Blaug (chủ biên), Edward Elgar, 1992.
• Une nouvelle approche en économie politique? Essais sur Sraffa, Gilbert Faccarello và Philippe de Lavergne (chủ biên), Economica, 1977.
• Un économiste non conformiste: Piero Sraffa (1898-1983), Jean-Pierre Potier, Presses Universitaires de Lyon, 1987.
• Piero Sraffa: his Life, Thought and Cultural Heritage, Alexandro Roncaglia, Routledge, 2000.
• Piero Sraffa: Critical Assessments, John Cunningham Wood (chủ biên), Routledge, 1995, 4 vol.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Piero Sraffa ou le retour de Ricardo” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.
[*] Gramsci chết vài ngày sau khi được thả.↩
