14.3.15

Guanxi, Xinyong và Mạng lưới kinh doanh của Người Hoa



GUANXI, XINYONG VÀ MẠNG LƯỚI KINH DOANH CỦA NGƯỜI HOA[1]

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Mức tăng trưởng cao ở các nền kinh tế Đông Á (Nhật, Hàn Quốc, Taiwan, Hongkong và Singapore) khuấy lên nghiên cứu về cấu trúc “chủ nghĩa tư bản châu Á” và hình thái tổ chức thương mại của người Hoa hải ngoại. Đa số tác giả thiên về lối giải thích văn hóa, nhất là giả thuyết hậu Khổng giáo. Như Kahn (1979) cho rằng thành công của các tổ chức ở Hongkong, Taiwan, Hàn Quốc, Nhật và Singapore chủ yếu là do những đặc trưng mà đa số thành viên tổ chức cùng chia sẻ. Đó là chủ nghĩa gia đình, sự tuân phục, tính nhẫn nại, tính tiết kiệm, những đặc trưng mà tác giả quy về truyền thống Khổng giáo (Clegg, Higgins và Spybey 1990; Clegg 1990: 132-152). Silin (1976) viện dẫn Khổng giáo để hiểu ý nghĩa của các hình thái và hành vi tổ chức phổ biến ở Taiwan. Người ta cho rằng chủ nghĩa gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến cố kết xã hội, nhưng lòng tin giữa các gia đình lại làm giảm ảnh hưởng tiêu cực ấy. Tương tự, Redding (1980) nhấn mạnh khía cạnh tri nhận (cognitive aspect) để giải thích khác biệt giữa hành vi quản lý và hình thái tổ chức Trung Hoa và phương Tây. Ông lập luận “… văn hóa ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động xã hội bằng cách tác động đến những ý nghĩa (a) thông qua bản đồ nguyên nhân (cause-maps) của các mô thức (paradigms) và (b) thông qua các giá trị làm cho người ta thấy sẽ là đáng để thực hiện sự việc theo cách này hơn là theo cách kia” (1980: 130). Bond và Hwang (1986) cũng như Redding và Wong (1986) đều đặc biệt chú ý đến tâm lý học về người Hoa để lý giải hành vi tổ chức của họ.
Hamilton và Bigart (1986) coi lối giải thích hậu Khổng giáo không bổ ích, vì dựa trên một yếu tố tri nhận quá rộng cho xã hội nói chung, vì thế không giải thích được cụ thể cái gì cả. Thêm nữa, nó không giải thích được những khác biệt trong cấu trúc và hành vi tổ chức giữa người Hoa hải ngoại, người Hàn và người Nhật, vốn đều chịu ảnh hưởng Khổng giáo. Clegg (1990) nhận xét cách giải thích văn hóa Khổng giáo là quá khái quát giống như quy giản luận để dễ dàng tạo ra lập luận cho một cái nhìn quá nhấn mạnh mặt xã hội đối với hành vi kinh tế.
Bài viết này tập trung vào những nền tảng xã hội và động năng (dynamics) tổ chức của các công ty người Hoa, đặc biệt là xu hướng kết hợp quan hệ cá nhân vào quá trình ra quyết định. Bài viết phân tích ba yếu tố then chốt của chủ nghĩa liên cá nhân (personalism): sự kiểm soát cá nhân, các liên hệ mang tính quan hệ (guanxi) cá nhân, và lòng tin giữa các cá nhân hay còn gọi là xinyong. Ta lý giải như thế nào về sự phổ biến của chủ nghĩa liên cá nhân trong thực tiễn kinh doanh của người Hoa? Guanxi hình thành và duy trì như thế nào? Nó bị xói mòn và thay đổi trong những điều kiện nào? Vì sao một số nền tảng (hay cơ sở, base) guanxi thì hoạt động tích cực trong khi một số khác lại ngủ yên? Bài viết này xem xét động năng của cả guanxi và xinyong. Đã có nhiều nghiên cứu về guanxi Trung Hoa, nhưng phần lớn có xu hướng trình bày một mô hình được lý tưởng hóa và tĩnh, mà không xem xét đến các quá trình năng động khi guanxi hoạt động. Bài viết này nghiên cứu sự cách biệt giữa mô hình lý tưởng và thực tế. Các lý tưởng Trung Hoa vận hành như thế nào trong đời sống hàng ngày là một phần quan trọng trong sự phân tích của chúng tôi.

2. GUANXI
Guanxi là những mối liên hệ liên cá nhân mà người Hoa xem là rất căn bản để hỗ trợ cho làm ăn suôn sẻ. Một người trả lời phỏng vấn nói: “Người Hoa rất linh hoạt. Chúng tôi có thể thay đổi để thích ứng với tình huống. Ngay cả khi đã thỏa thuận thời hạn, nếu anh (người cung cấp) không đảm bảo được thời hạn này, anh vẫn có thể hỏi: Có thể lùi được không? Tàu của tôi chưa sẵn sàng. Và điều này có thể. Ký hợp đồng rồi, anh vẫn có thể đề nghị sửa đổi cái này cái kia … Nếu có quan hệ tốt thì ta có thể thay đổi. Nếu anh yêu cầu, chúng tôi có thể giúp”.
Do ích lợi như thế mà người ta nỗ lực rất nhiều để xây dựng guanxi. Tuy nhiên, việc thiết lập nó phụ thuộc vào sự tồn tại của một nền tảng guanxi, nền tảng này được định nghĩa là cơ sở mà “hai hay nhiều người cùng chia sẻ một bản sắc chung” (Jacobs 1979: 243). Một cơ sở guanxi không phải là chính guanxi. Một cơ sở guanxi, dù là vốn có – chẳng hạn hệ thống thân tộc – hay đạt được qua trải nghiệm, chỉ xúc tác cho sự phát triển của một guanxi, chứ không quyết định trước cái guanxi ấy.
Tầm quan trọng của một kiểu cơ sở guanxi là khác nhau trong những tình huống khác nhau. Chẳng hạn, việc nói cùng một ngôn ngữ địa phương là quan trọng trong mối liên hệ liên công ty, nhưng nó ít quan trọng hơn quan hệ thân tộc trong việc sở hữu và kiểm soát một công ty. Môi trường thay đổi, tầm quan trọng của một cơ sở guanxi cũng biến đổi. Dữ liệu điền dã của chúng tôi phát hiện trong giới kinh doanh có sáu cơ sở guanxi mà ý nghĩa đã biến đổi qua thời gian.
2.1. CÁC CƠ SỞ GUANXI
Đồng hương (Locality/Dialect). Khi mới di cư đến Singapore, nhiều người Hoa không có họ hàng gần cùng đi. Người mới tới tìm đến những người cùng làng hay huyện ở Trung Quốc để nhờ cậy nơi ăn chốn ở và việc làm. Họ tập hợp nhau theo cùng quê và thổ ngữ. Cái sau là tiêu chí quan trọng hơn vì các thổ ngữ không thể hiểu nhau. Một người trả lời phỏng vấn nói: “Cha tôi thích làm việc với người nói cùng thổ ngữ; ông thấy dễ biểu lộ hơn. Ông không biết các thổ ngữ khác. Hiểu nhau dễ hơn nếu bạn nói cùng một ngôn ngữ. Bạn sẽ thấy dễ chịu hơn, an toàn hơn”.
Cơ sở guanxi này được định chế hóa thành hội tương tế tổ chức theo tiêu chí đồng hương/thổ ngữ (locality/dialect). Chẳng hạn, các nhà tài phiệt cao su như Tan Kah Kee, Tan Lark Sye và Lee Kong Chian, đều cùng là người huyện Tung Anh ở Trung Quốc. Trong thực tế, khi Tan Lark Sye và anh em ông cùng những người đàn ông khác ở Tung Anh đến Singapore, họ kiếm được việc làm trong doanh nghiệp của Tan Kah Kee trước khi tách ra làm ăn riêng.
Mặc dù những người trả lời phỏng vấn kể ra vô số ví dụ về việc hợp tác giữa những người cùng chia sẻ cơ sở guanxi trên trong quá khứ, song tầm quan trọng của cơ sở này đã giảm theo năm tháng. Phần lớn đều nói đến tầm quan trọng của cơ sở này trong “thời cha tôi”. Với việc ngưng nhận di dân từ Trung Quốc, và khi số người Hoa sinh tại chỗ tăng lên, ý nghĩa của các rào cản địa phương giảm dần. Thêm nữa, Chính phủ Singapore thúc đẩy sử dụng quan thoại (Mandarin) như là ngôn ngữ chung cho các nhóm thổ ngữ khác nhau, điều này làm giảm nhiều rào cản ngôn ngữ.
Hệ thống thân tộc giả tưởng (fictive kinship). Người Hoa cũng tổ chức các thị tộc (clans) dựa trên việc cùng họ. Những người cùng họ được xem là qinren hay cùng họ hàng (kinmen), và được tin là cùng có một ông tổ (ancestor). Theo nghĩa này, ở Singapore, phần lớn các cơ sở guanxi được tổ chức theo hệ thân tộc giả tưởng và chồng lấn với nguyên tắc đồng hương/thổ ngữ (locality/dialect). Một người trả lời phỏng vấn nói: “Ngày xưa, thời cha tôi, nếu có hai người cùng đến xin việc, một người nói cùng thổ ngữ và có họ giống họ của gia đình còn người kia thì không, thì người thứ nhất sẽ được chọn. Bạn cảm thấy muốn giúp anh ta nhiều hơn vì anh ta cũng là người họ Lim; bạn cũng cảm thấy anh ta sẽ làm hết sức mình cho bạn, điều mà người kia sẽ không”. Giống như nguyên tắc đồng hương/thổ ngữ, với tính cách là một cơ sở guanxi, nguyên tắc thân tộc giả tưởng cũng giảm tầm quan trọng trong thời gian gần đây.
Hệ thống thân tộc (kinship). Thân tộc trực hệ (immediate kin) của một người có thể chia thành bên nội và bên ngoại. Trong khi guanxi bên ngoại về mặt lý thuyết đáng tin cậy ít hơn so với guanxi bên nội, các cơ sở guanxi bên ngoại cũng quan trọng để giúp doanh nhân phát triển một mạng lưới guanxi phụ thuộc. Hôn nhân từng được sử dụng để nối kết hai gia đình với nhau hoặc để ràng buộc một người làm công có năng lực vào với gia đình. Chẳng hạn, Tan Kah Kee gả con gái đầu cho Lee Kong Chian, người làm công có năng lực nhất của ông. Người con gái thứ ba và thứ tư kết hôn với hai người làm công khác, còn người con gái thứ hai kết hôn với Lim Chong Kuo, con trai cả của Lim Nee Soon, một bạn kinh doanh gần gũi của ông.
Nhiều tác giả đã làm rõ tầm quan trọng của cơ sở guanxi thân tộc (chẳng hạn Landa 1983; Greenhalgh 1984; Yoshihara 1988). Chúng tôi nhận thấy loại cơ sở guanxi này, đặc biệt là guanxi của gia đình trực hệ, là quan trọng trong các mối liên hệ nội bộ tổ chức, nhất là trong việc chia sẻ sở hữu và kiểm soát doanh nghiệp. Một người trả lời phỏng vấn nói rằng anh quản lý doanh nghiệp cùng với người anh em ruột, và đang thuyết phục con trai mình bắt đầu học kinh doanh. “Tôi nói với con trai: tiền công của con có thể ít; nhưng điều đó không quan trọng vì con đang làm trong công ty của mình. Con phải đến và học cách chăm lo cho doanh nghiệp của chính con”.
Một người khác, không có con trai, cho biết đã đưa con gái và cháu vào tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi thấy nguyên tắc thân tộc trong các liên hệ bên ngoài (liên hệ liên tổ chức) tự nó không tỏ ra là quan trọng hơn các cơ sở khác. Menkoff cũng thấy điều này (1990). Có thể là vì mối liên hệ thân tộc ngăn trở nhiều yêu cầu cũng như nhiều nghĩa vụ nặng nề, tạo ra cảm giác lẫn lộn. Những người cung cấp thông tin thường nhắc lại rằng tuy về mặt lý tưởng, họ hàng là đáng tin cậy nhất, song cùng làm ăn với họ đôi khi cũng nảy sinh vấn đề, vì rất khó có lợi nhuận hoặc trả nợ. “Làm ăn với anh em ruột hoặc anh em họ, rồi đôi khi hỏng việc, bạn có thể rầy la và muốn sa thải, không làm ăn với anh ta nữa. Nhưng điều này không dễ. Mẹ bạn hoặc ai đó sẽ đến suốt và nói, nó là em là em họ con, hãy cho nó một cơ hội nữa. Và thế là lại phải cho cơ hội nữa, rồi lại hỏng việc. Lại cho cơ hội nữa. Cứ thế mãi. Làm sao bây giờ? Cứ phải như thế mãi đến khi muốn chấm dứt cái guanxi này, mà đây là điều bạn không muốn. Đó là vấn đề”.
Trong khi ngày nay thân tộc vẫn là một cơ sở guanxi quan trọng, thì sự phát triển của giáo dục đại chúng, quy mô gia đình nhỏ, hôn nhân một vợ một chồng, và nhiều cơ hội kinh tế hơn, tất cả những điều đó thách thức giá trị của cơ sở thân tộc đối với việc quản lý và kiểm soát doanh nghiệp Hoa. Chúng tôi lập luận ở một chỗ khác (Tong 1989) rằng các doanh nghiệp Hoa đã tiếp thu chiến lược mới tách sở hữu và quản lý, thuê quản lý chuyên nghiệp không phải họ hàng điều hành công ty, nhưng sở hữu và kiểm soát vẫn giữ trong mạng lưới gia đình.
Nơi làm việc. Trong khi người sử dụng lao động không còn thuê người cùng chia sẻ các cơ sở guanxi nói trên nữa, thì đồng nghiệp cũng có thể chia sẻ những cơ sở guanxi khác. Thường thường đồng nghiệp không phải là người cùng làng, cùng thổ ngữ, thậm chí họ hàng xa. Những năm cùng làm việc có thể là một nguồn khác để thiết lập hoặc tăng cường guanxi, vì cùng nơi làm việc tạo ra những cơ hội thực sự để mọi người có thể hiểu nhau một cách rất riêng tư. Đồng nghiệp rất quan trọng khi một người quyết định ra làm ăn riêng. Họ là những người thân thuộc trong đường dây kinh doanh, có tiền tiết kiệm, và là người có thể tin tưởng sau nhiều năm cùng làm việc để làm một đối tác làm ăn lý tưởng. Nhiều người trả lời phỏng vấn nói rằng họ khởi sự kinh doanh theo cách này.
Chủ cũ cũng có thể trở thành một đồng minh. Ông ta có thể giúp về mặt vốn liếng: đầu tư vào cơ sở kinh doanh mới và đỡ đần trong những năm đầu tiên. Một người cung cấp thông tin nói rằng khi lần đầu khởi sự kinh doanh, anh ta đã mời ông bác và chủ cũ của mình – cả hai đều là những doanh nhân thành danh – tham gia hội đồng sáng lập doanh nghiệp của mình. Guanxi với ông bác và chủ cũ rất quý giá trong việc giúp tìm mối làm ăn. Tuy nhiên, những quan hệ như vậy cũng kèm theo những nhập nhằng vì các doanh nhân có thể trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm tàng.
Hiệp hội kinh doanh/ câu lạc bộ xã hội. Nguyên tắc hiệp hội phần lớn cũng dựa trên nguyên tắc đồng hương và thổ ngữ. Hiệp hội cao su chủ yếu là người Phúc Kiến (Hokkien) vì người di cư thường tìm đến họ hàng và đồng hương nhờ giúp đỡ khi mới đến. Điều này hạn chế sự tham dự của những nhóm khác đồng hương và thổ ngữ vào hiệp hội. Những cơ sở guanxi như vậy mạnh hơn là những cơ sở một bề (single-strand), vì chúng là đa bề (multi-strand).
Hiệp hội kinh doanh hỗ trợ thu thập thông tin và tạo cơ hội giao lưu thông qua những bữa ăn chung và hoạt động xã hội. Chúng tạo cơ hội hình thành guanxi với những đối tác tiềm năng: người mua hàng, nhà cung cấp, người cho vay. Điều này đặc biệt quan trọng khi chưa có các ngân hàng người Hoa, quen biết nhà tài phiệt là rất thiết yếu để có tín dụng. Theo nghĩa này, các hiệp hội kinh doanh có thể xem là một hình thái của guanxi được định chế hóa.
Bạn hữu. Các nhà cung cấp thông tin của chúng tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bạn bè và tình bạn trong việc thiết lập và giao dịch kinh doanh. Bạn hữu là mối quan hệ giữa những người không phải họ hàng mà nó đượm vẻ ganqing, dịch nôm na là tình cảm (affection) hoặc cảm xúc (sentiment). Với tính cách như vậy, bạn hữu không phải là một cơ sở guanxi thực sự. Đúng hơn, những cơ sở guanxi như đồng nghiệp tỏ ra là một tiền đề cho việc hình thành tình bạn hữu. Bạn hữu là quan trọng vì nó cung cấp một guanxi mật thiết, rất thiết yếu trong làm ăn. Rào cản và thủ tục dài dòng có thể tránh được nếu có yếu tố bạn hữu và xinyiong kèm theo. Một người được phỏng vấn nói: “Vì hai gia đình có guanxi rất tốt, nên nếu họ yêu cầu chúng tôi làm điều gì đó, chúng tôi sẽ xem xét nhanh hơn, không để họ phải đợi lâu”.
Do môi trường thay đổi nên ý nghĩa của bất kỳ một cơ sở guanxi nào cũng có thể thay đổi. Nhưng tầm quan trọng của guanxi thì không. Người ta đầu tư rất nhiều nỗ lực vào tiếp xúc cá nhân, vì các doanh nhân tin rằng guanxi là rất thiết yếu để bảo đảm sự hỗ trợ và cung cấp nguồn lực.
2.2. THIẾT LẬP GUANXI
Khi khởi nghiệp, một doanh nhân đã có những cơ sở guanxi. Nhưng việc tồn tại một cơ sở guanxi không bao hàm một mối liên minh. Chẳng hạn, anh ta có nhiều họ hàng, nhiều người trong số đó anh ta chưa hề gặp hoặc không thực sự thân thiết lắm. Khi cần họ hàng giúp đỡ, người doanh nhân có thể sử dụng cơ sở guanxi có sẵn này để hình thành một liên minh. Như vậy, sự tồn tại của một cơ sở guanxi chỉ tạo cho người ta một cơ hội hình thành guanxi. Thiếu một cơ sở guanxi đã có trước, sẽ khó khăn hơn khi thiết lập một mối liên hệ làm ăn. Chúng tôi có dịp quan sát trực tiếp một cuộc thương thảo làm ăn trong một cuộc phỏng vấn. Một doanh nhân Indonesia muốn người tham gia phỏng vấn với chúng tôi nhập khẩu sản phẩm của mình. Người tham gia phỏng vấn của chúng tôi hờ hững với đề nghị của doanh nhân Indonesia này vì ông ấy chưa hề quen anh ta và cần phải tìm hiểu thêm về anh ta qua những người khác trước đã.
Nếu chưa có một cơ sở guanxi chung, một doanh nhận phải dựa vào người trung gian (intermediary), tức là người có cơ sở guanxi chung với mình và với người mà anh ta muốn tiếp xúc làm ăn, để giúp anh ta xây dựng một liên minh. Những giới thiệu cá nhân như vậy rất quan trọng.
Trong khi một guanxi phụ thuộc vào sự tồn tại của một cơ sở guanxi, thì giá trị của một guanxi – tức là guanxi này mật thiết như thế nào – lại phụ thuộc vào yếu tố ganqing hay gọi là tình cảm (affection). Nếu ganqing có thể phát triển thì guanxi trở nên mật thiết hơn, phụ thuộc nhau nhiều hơn, và quý giá hơn. Không có ganqing, guanxi sẽ xa cách hơn và ít tin cậy hơn. Cơ hội để có được một ủng hộ phụ thuộc phần nào vào sự mật thiết của guanxi. Một người trả lời phỏng vấn nói: “Cách đây mấy năm, chủ tôi gặp rắc rối với ngân hàng; không thể trả nợ đúng hạn vân vân. Thế là cha ông ấy, đã nghỉ hưu rồi, can dự vào. Ông già đến gặp chủ tịch ngân hàng xin qiuqing (giúp đỡ, ân huệ). Ông già và chủ tịch ngân hàng vốn có guanxi tốt và có guanqing. Do quan hệ này nên ngân hàng bỏ qua lỗi và cho chủ tôi một cơ hội nữa”.
Giá trị của ganqing và guanxi không đứng yên mà thay đổi theo thời gian. Ganqing và tính mật thiết của guanxi đều gắn với tính liên tục của tương tác xã hội và giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, loại hình cơ sở guanxi không tác động đến sự phát triển của một guanxi mật thiết với ganqing. Giá trị của một sự hợp tác làm ăn phụ thuộc vào sự giúp đỡ lẫn nhau, giá cả phải chăng, mức lại quả và những thông tin khác, cũng như chất lượng của xinyong. Một người cung cấp thông tin thừa nhận rằng nếu thiếu những tiêu chí nói trên người ta có thể thích làm ăn với họ hàng là những người thân thiết hơn. Tuy nhiên, chất lượng của guanxi vẫn tùy thuộc vào giao dịch kinh tế thực tế và tương tác xã hội.
2.3. DUY TRÌ GUANXI
Duy trì guanxi gần gũi đòi hỏi tương tác xã hội liên tục. Nếu không, guanxi trở nên xa cách và khô héo dần. Một người cung cấp thông tin nhận xét về guanxi giữa gia đình mình và một gia đình khác: “Tết nào vợ chồng ông ấy (một giám đốc công ty) cũng đến thăm cha tôi. Hai nhà rất gần gũi. Vì thế mỗi khi họ yêu cầu việc gì, chúng tôi đều xem xét rất nhanh so với thông thường. Khi nhà ông ấy khó khăn, chúng tôi giúp ngay không đòi hỏi gì nhiều. Nhưng sau khi cha tôi mất, chúng tôi mất dần quan hệ. Hai nhà không còn gần gũi nữa. Nếu họ gặp chúng tôi đề nghị giúp đỡ, tôi nghĩ anh em chúng tôi sẽ không sẵn sàng lắm. Điều đó ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của chúng tôi”.
Một kỹ thuật bảo đảm tiếp tục tương tác xã hội là bổ sung thêm cơ sở cho guanxi. Guanxi đa chiều (multiple) làm tăng cơ hội tương tác. Nó cũng làm tăng cảm xúc về sự chia sẻ chung giữa các bên và dễ phát triển ganqing (và xinyong) hơn. Guanxi đa chiều cũng gần gũi hơn và được củng cố hơn là guanxi một bề (single-strand) (Jacobs 1979: 262).
Giúp đỡ lẫn nhau cũng rất thiết yếu để duy trì guanxi, mặc dù không cần phải có lợi ngang nhau cho cả hai bên. Sự giúp đỡ (hoặc tính ích lợi của nó) có thể là một chiều. Nhưng guanxi vẫn có thể duy trì chừng nào người cho thấy mình không bị mất nhiều và cảm thấy rằng khi cần sẽ nhận lại được từ đối tác sự ủng hộ (Hwang 1987). Việc đảm bảo sự ràng buộc này là quan trọng để duy trì guanxi. Tính chắc chắn tương quan với tính mật thiết của guanxi. Guanxi càng mật thiết, thì kỳ vọng vào tính chắc chắn của nó ở hai phía càng cao, và ngược lại.
Giá trị của guanxi không loại trừ sự cân nhắc được mất. Như một doanh nhân nói, “Tình bạn rất quan trọng trong làm ăn, nhưng giá cả cũng rất quan trọng”. Một doanh nhân khác giải thích việc ra quyết định về giá cả và guanxi như thế nào: “Nếu có ba người chào giá như nhau, bạn sẽ chọn người mà bạn có guanxi. Nếu giá cả khác nhau nhiều, chẳng hạn đến 20-30%, thì guanxi không có ảnh hưởng gì ở đây. Nhưng nếu giá khác nhau ít thôi, thì bạn phải xem xét. Người chào giá rẻ hơn có thể sẽ đưa hàng chất lượng kém không, sẽ lừa đảo không? Bạn cũng có thể đến gặp người mà bạn quen và hỏi, này, sao giá của cậu cao hơn của người khác? Cậu có thể giảm giá không? Bạn hỏi anh ta vì bạn thích làm ăn với người mà mình biết rõ hơn. Bạn cảm thấy chắc chắn là anh ta không lừa bạn”.
Duy trì guanxi cũng phụ thuộc vào việc tiếp tục thể hiện sự chắc chắn (reliability) và đáng tin cậy (trustworthiness). Sự không chắc chắn, vi phạm xinyong hay vi phạm sự tin tưởng (trust) sẽ biến một guanxi mật thiết thành xa cách nhanh hơn bất kỳ yếu tố nào khác. “Đôi khi một guanxi tốt có thể trở nên chua. Ai cũng có thể thay đổi. Ai đó có thể làm ăn tốt nhiều năm, rồi đột nhiên công việc trở nên tồi tệ. Có thể vì anh ta bị mắc vào một công ty tồi, hay sa vào cờ bạc, nên phải lừa bạn để lấy tiền hay cái gì đó. Thế là guanxi yếu đi”.
Chú trọng nghiên cứu guanxi trong kinh doanh sẽ lấp đầy khoảng trống mà người theo thuyết thị trường bỏ qua, do họ không thấy rằng hành động kinh tế có cội rễ sâu xa trong các quan hệ xã hội. Khi thiết lập được một guanxi và đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực cho việc hình thành quan hệ, người ta sẽ rất miễn cưỡng bỏ qua mối liên kết đã tồn tại ngay cả khi có những nguyên nhân khách quan (giá cả không hấp dẫn chẳng hạn). Có thể giải thích điều này một phần bằng thuật ngữ đầu tư: cả hai bên đều có lợi khi học cách làm việc cùng nhau (Eccles 1981: 340). Tuy nhiên, điều này cũng liên quan đến mong muốn mà các doanh nhân phải nhận được từ tương tác với người thân thuộc. Những người trả lời phỏng vấn nói rằng họ cảm thấy an toàn và làm việc thoải mái hơn với những người mà họ biết rõ về mặt cá nhân.
Người cung cấp thông tin của chúng tôi nói rằng có guanxi thì giao dịch linh hoạt hơn rất nhiều. Họ phàn nàn, ngược lại, các doanh nghiệp Âu-Mỹ có xu hướng phi cá nhân và cứng nhắc: “Người Hoa rất linh hoạt. Nếu có vấn đề, bao giờ chúng tôi cũng bàn đến nơi đến chốn. Người Âu-Mỹ thì rất khác. Chúng tôi làm việc với nhiều công ty xuyên quốc gia… Họ không linh hoạt. Họ không nhượng bộ và để bạn đi (nếu bạn cần điều chỉnh gì đó). Họ không thông cảm lẫn nhau. Người Âu-Mỹ làm việc theo sách và quy tắc”.
Những người trả lời chúng tôi nói điều này không thể giúp gì được. “Bạn có thể không thích điều đó, nhưng bạn phải làm việc với họ vì bạn cần công việc kinh doanh của họ”. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bạn hàng và các cấp độ khác trong cấu trúc thị trường làm hạn chế mức độ mà định chế các quan hệ làm ăn mang tính liên cá nhân có thể giải quyết được.
Tuy nhiên, hệ thống liên cá nhân hóa, với mọi ưu việt của mình, cũng có mặt trái. Các liên hệ xã hội vừa tạo khả năng vừa hạn chế hành động. Chẳng hạn, trong khi guanxi tạo dễ dàng cho việc giải quyết vấn đề và nhân nhượng, thì cũng trở nên vướng víu khi có quá nhiều nghĩa vụ phải hoàn thành. Người ta có thể yêu cầu một doanh nhân phải đền đáp lại bằng một sự nhân nhượng không thỏa đáng. Rất khó tránh được tình huống này vì những nhân nhượng đền đáp qua lại không thể tính toán theo kiểu số học được. Cái mất của một sự nhân nhượng có thể là quá lớn; điều này đặc biệt đúng khi trách nhiệm xã hội trong dòng họ đòi hỏi người ta cứ phải bỏ qua lỗi lầm mãi.
Mặc dù ý thức được những bất lợi và điểm yếu nói trên, cam kết với cách thức mang tính liên cá nhân vẫn còn rất mạnh mẽ. Huyền thoại về chủ nghĩa liên cá nhân vẫn đầy sức sống và doanh nhân vẫn chịu áp lực tuân theo đường hướng hành động mà họ cho là đúng lý, thích đáng và có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc liên kết với thị trường toàn cầu đang thách thức huyền thoại ấy và buộc người ta phải cân nhắc đến những cách thức và sự thích ứng khác đi. Nhiều người trả lời phỏng vấn nói họ biết rằng bạn hàng từ các công ty nước ngoài và công ty nhà nước chẳng qua chỉ là người làm công ăn lương, không có nhiều tự do trong việc ra quyết định. Sự khác biệt về mặt cấu trúc này làm cho họ không còn kỳ vọng nhiều vào khả năng của guanxi với các bạn hàng người làm thuê như thế, thay vào đó chuyển sang dựa vào thanh danh chung của công ty.
2.4. NHỮNG CẤU TRÚC PHI CHÍNH THỨC
Việc người Hoa nói chung không tin tưởng người ngoài thể hiện ở chỗ họ thích quản lý tập trung cao trong công ty của mình. Điều này cũng làm giảm sở thích đan cài chính thức trong các ban giám đốc giữa các công ty. Chẳng hạn, trong các công ty cao su do người Hoa sở hữu không hề có sự đan kết giữa các ban giám đốc. Nhưng trong khi không có quan hệ chéo chính thức, thì lại hay có quan hệ chéo phi chính thức. Người ta chỉ mời những ai mà họ biết rõ và tin tưởng vào làm cổ đông và giám đốc trong công ty. Cùng ngồi trong một hội đồng chỉ cung cấp thêm một cơ sở guanxi chung khác mà thôi. Nói cách khác, chính mối ràng buộc cá nhân, phi chính thức, chứ không phải là mối liên hệ giữa các chức vụ của văn phòng mới là quan trọng hơn. Trong khi các mối quan hệ chính thức chéo giữa các ban giám đốc không mạnh giữa các công ty của những tập đoàn kinh doanh khác nhau, thì nó lại rất phức hợp giữa các công ty trong một tập đoàn kinh doanh, vì quan hệ chéo mạnh liên quan đến sở hữu và kiểm soát (Xem: Tong 1989).
Việc sử dụng những mối ràng buộc phi chính thức cho phép doanh nhân xử lý nan đề (dilemma) vừa phải hợp tác vừa phải cạnh tranh với nhau. Chúng không đe dọa sự thống trị và kiểm soát của người chủ đối với công ty riêng của mình. Nhưng guanxi lại đem lại sự thống nhất và thúc đẩy hợp tác khi cần. Một ví dụ về sự hợp tác rộng rãi giữa các nhà buôn cao su liên quan đến vấn đề giá vận tải cao. Người cung cấp thông tin của chúng tôi kể vào đầu thập niên 1960 khi giá cao su rớt thảm hại, Hiệp hội Eo biển-New York (Straits-New York Conference) và Hiệp hội Viễn Đông (Far Eastern Conference) quyết định nâng giá chuyên chở, đặc biệt là hàng cao su.
Khi mọi lời khẩn cầu rơi vào những cái tai điếc, các thành viên của Hiệp Hội Thương mại Cao su Singapore (RTAS) bèn tiến hành một chiến dịch thuyết phục các nhà nhận hàng cao su ở Singapore và Malaysia bỏ hợp đồng của họ với Hiệp hội Eo biển-New York. Một người trả lời phỏng vấn, lúc đó là Chủ tịch, kể rằng ông và người phó của mình lái xe từ Singapore đến Penang, dừng lại ở nhiều thành phố dọc Malaysia để kêu gọi ủng hộ chiến dịch tẩy chay. Điều này đã khởi đầu cho một cuộc đấu tranh suốt hơn hai thập niên nhằm bẻ gãy hệ thống vận tải độc quyền. Bảo đảm cá nhân của các nhà buôn hàng đầu nhằm bảo vệ các bạn hàng nhỏ hơn chống lại những thua thiệt nặng nề đã có thể đóng góp một phần vào hành động chung như vậy.
Một câu chuyện khác về hợp tác phi chính thức xảy ra hồi thập niên 1950. Tan Lark Sye đã bán khống một lượng lớn cao su trên giấy thông qua các nhà môi giới. Đến thời hạn thanh toán, người mua, té ra là Chính phủ Liên Xô, yêu cầu cung cấp cao su thực. Tan Lark Sye lúc đó không có nhiều hàng và rơi vào thế kẹt. Mặc dù có nhiều quy định về đền bù, Chính phủ Liên Xô không quan tâm đến ngoại tệ, họ chỉ muốn có cao su thực cho các nhà máy của mình. Người kể chuyện cho chúng tôi nói rằng Tan Lark Sye đã có thể gục ngã khi đó nếu không có một vài doanh nhân lớn hơn hùn nhau cung cấp hàng để cứu ông. “Họ không phải làm điều đó, nhưng họ đã làm, vì họ có guanxi tốt với nhau”. Người kể chuyện cũng nhấn mạnh rằng họ cho Tan vay cao su mà không có bất kỳ giấy tờ chính thức gì. Đây là sự chia sẻ và tin tưởng lẫn nhau mà Tan Lark Sye sẽ đền đáp lại bạn bè ngay khi ông có khả năng.
Rõ ràng guanxi là rất nền tảng đối với giao dịch kinh tế của người Hoa. Xem xét guanxi làm sáng tỏ một điểm quan trọng: mặc dù lợi nhuận là động lực chủ yếu dẫn dắt một vụ làm ăn, song hành vi kinh tế cũng bắt rễ sâu trong những quan hệ xã hội rộng lớn hơn, những quan hệ xã hội này tác động đến quyết định kinh doanh. Đồng thời, guanxi không thể chỉ được hiểu như là một khái niệm văn hóa. Trong một môi trường thiếu sự tin tưởng vào hệ thống, một môi trường thuộc địa thù nghịch, và những điều không chắc chắn thường xuyên diễn ra, guanxi tạo ra ý nghĩa kinh tế có thực, đặc biệt ở cấp độ thực tiễn.

3. SỰ TIN TƯỞNG CÁ NHÂN
Guanxi tốt thúc đẩy sự phát triển của xinyong đáng tin cậy (reliable). Doanh nhân Hoa tin rằng lòng tin liên cá nhân sẽ giảm thiểu sự lừa gạt đảm bảo cho sự chắc chắn và trật tự. Họ cho rằng luật pháp chính thức không chắc đảm bảo tốt cho giao dịch cũng như phòng ngừa được những bất thường. Với guanxi, những điều đó có thể dàn xếp một cách phi chính thức. Trong khi định chế tin tưởng cá nhân là một loại cơ chế bù trừ cho tình trạng thiếu sự tin tưởng vào hệ thống luật pháp, doanh nhân tham gia vào các giao dịch có giá trị dựa trên xinyong và guanxi cá nhân với tính cách là ưu việt hơn nhiều so với dựa trên luật pháp phi cá nhân. Một người trả lời phỏng vấn tuyên bố: “Trong quá khứ, chúng tôi không có hợp đồng kiểu trắng đen rõ ràng; không có văn bản luật pháp nào cả. Một thỏa thuận của người quân tử sẽ làm điều đó. Bạn có thể nhấc điện thoại, đặt mua hàng cao su qua cú phone. Cái gì đã thỏa thuận trên phone, bạn không được [rút lại]. Chúng tôi làm ăn dựa trên xinyong. Đối với doanh nhân Hoa, cái chính là sự chính trực, tín nhiệm”.
Về mặt từ ngữ, xinyong có nghĩa là sự sử dụng hoặc tính ích lợi của lòng tin (use or usefulness of trust). Một số nhà nghiên cứu (như Barton 1983; Landa 1983; Cheng 1985) đã viết về tầm quan trọng của xinyong trong giao dịch kinh doanh của người Hoa. Tuy nhiên, thuật ngữ này có vài ý nghĩa khác nhau. Ở cấp độ chung, xinyong ngụ ý sự chính trực, tín nhiệm, đáng tin cậy (trustworthiness), hoặc danh dự và phẩm chất của một cá nhân. Một người có xinyong là người có thể tin được. Trong giới kinh doanh, xinyong cũng ngụ ý mức độ tín nhiệm đối với một cá nhân.
“Nếu một người không thể làm được một điều gì đó, thì anh ta không thể cam kết với bản thân được. Nếu anh ta tự trọng thì anh ta phải giữ lời… Nếu người bán hàng cho tôi hứa giao cao su vào thời hạn như thế như thế, thì anh ấy phải giữ lời, vì tôi đã thỏa thuận với người mua của tôi về thời hạn chắc chắn. Nếu người bán hàng cho tôi không đáng tin cậy thì anh ta sẽ đẩy chúng tôi vào một tình hình rất khó khăn”.
“Vốn liếng của bạn là xinyong. Xinyong chính là vốn liếng của bạn. Họ tin bạn, họ sẽ làm ăn với bạn. Điều này rất đặc biệt với người Hoa. Chữ tín rất quan trọng trong làm ăn. Không cần nhiều vốn để khởi sự. Bạn có xinyong, thế là đủ. Mọi người sẽ giúp bạn tín dụng”.
Theo nghĩa này, xinyong là điều sống còn trong kinh doanh. Nói chung, ai cũng muốn làm việc với người có xinyong và tránh người không có hay có ít xinyong. Tuy nhiên, trong công việc hàng ngày, có lẽ một doanh nhân sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc một người có hành xử đàng hoàng với mình hay không. Doanh nhân ít quan tâm đến những phẩm chất danh dự nói chung, mà quan tâm nhiều hơn đến việc có thể trông đợi vào một người cụ thể sẽ hành xử đúng đắn với mình hay không – cũng chính là việc họ hay các mối tiếp xúc riêng của họ đã và đang có những chia sẻ hài lòng trong quá khứ với người khác hay không. Trên thực tế, người ta chỉ có thể thực sự xây dựng được xinyong đặc thù của mình nếu thiết lập được guanxi trước đó.
Khi bắt đầu một quan hệ kinh tế mới, một doanh nhân đã thành danh trước hết có thể dựa vào xinyong chung của mình. Nhưng người mới khởi sự thì phải xây dựng và chứng tỏ xinyong của mình (ở cả hai cấp độ) từ vạch xuất phát. Việc bước đầu thiết lập xinyong của anh ta phụ thuộc vào việc người khác có sẵn sàng chịu rủi ro để làm ăn với anh ta không. Sự sẵn sàng như thế ở những người khác chịu chi phối bởi sự tồn tại trước đó của guanxi và cơ sở guanxi chung. Nếu không có một guanxi hay cơ sở guanxi đã tồn tại trước thì khả năng không sẵn sàng chấp nhận rủi ro sẽ cao hơn.
Nói một cách chặt chẽ, niềm tin ban đầu này không phải là một xinyong đặc thù cũng không phải là một xinyong chung của một cá nhân. Nhiều hơn, nó là một niềm tin giả định (presumption) trong một giới xã hội nào đó. Có một niềm tin giả định lớn hơn đối với họ hàng so với những người không phải họ hàng. Sự phân biệt đối xử này làm cho người ta dễ sẵn sàng tạo cơ hội cho một người họ hàng, bất kể bản thân anh ta có khả năng hay có đứng đắn hay không. Nhưng sau cái mở ra niềm tin ban đầu như thế, một người làm ăn phải tiếp tục hình thành xinyong riêng (và chung) của mình thông qua chất lượng công việc. Xây dựng xinyong và nâng mức tín nhiệm của bản thân đòi hỏi phải có thời gian. “Trong làm ăn, bạn phải thực sự thử vài cuộc thì mới hiểu rõ được một người. Nếu bạn dành phần hơn về mình và để giá bất lợi cho anh ta mà anh ta vẫn tôn trọng hợp đồng, thì bạn hiểu có thể tin cậy được anh ta đến mức nào, đến bao nhiêu ngàn dollar. Thử anh ta theo cách đó, từ từ tin tưởng vào anh ta ở những mức tiền lớn hơn. Tất cả những điều này phụ thuộc rất nhiều vào tình huống”.
Thời gian để dựng nên một xinyong tốt phụ thuộc vào chất lượng của guanxi. Nếu guanxi thân mật phát triển trong thời gian trao đổi kinh tế, trong mối liên hệ sâu sắc với ganqing, thì số lần thử sẽ giảm đi. Guanxi và xinyong nhân quả với nhau, cái này tốt hơn sẽ nâng cao phẩm chất của cái kia.
3.1. DUY TRÌ VÀ XÓI MÒN XINYONG
Một khi xinyong đã thiết lập, việc duy trì nó phụ thuộc vào thành công của công việc và vào sự kiên trì giữ lời của doanh nhân. Nhưng giống như quanxi, xinyong cũng không cố định; nó có thể bị xói mòn. Nếu một người không giữ lời hay lừa dối, anh ta sẽ mất xinyong của mình. Mất xinyong, không ai làm ăn với anh nữa. Do đó, những người trả lời phỏng vấn của chúng tôi đều nói rằng một doanh nhân mà không giữ lời trên sự chính trực của mình và mất xinyong thì “chỉ có chết”. “Xinyong rất quan trọng. Doanh nhân ở một số nước khác không thực sự có xinyong. Nếu giá [cao su] trở nên bất lợi, họ không muốn cung cấp tiếp nữa vì bị mất tiền. Thế là họ nói, xin lỗi nha, không thể cung cấp nữa vì bị bão. Rác rưởi! Ở Singapore, chúng tôi [nhà buôn cao su] không bao giờ như thế. Chúng tôi có xinyong, tất cả chúng tôi đều đàng hoàng. Do đó mà mọi người đến đây làm ăn. Họ tin chúng tôi. Họ biết chúng tôi không lừa dối họ”.
Mặc dù tuyên bố như vậy về sự đàng hoàng của doanh nhân Singapore, việc phụ thuộc vào xinyong không phải dựa trên tính chính trực của doanh nhân. Làm như thế là ta quy giản về quan điểm nguyên tử luận (atomistic view) đối với hành vi kinh tế, đặt quá nặng vào sự nội tâm hóa các chuẩn mực và giá trị. Xinyong cũng vận hành trên sự thưởng phạt xã hội. Giống như sự tin tưởng cá nhân nằm sâu trong mạng lưới chằng chịt các mối liên hệ liên cá nhân, các trách nhiệm liên kết hữu cơ với những mối ràng buộc này sẽ hạn chế xu hướng lệch lạc. “Trong truyền thống, giới làm ăn cao su rất nhỏ, và ngày càng nhỏ hơn. Mọi người đều biết nhau. Nếu ai đó không tuân thủ xinyong, muốn nuốt lời dù chỉ một lần, mọi người sẽ thông tin cho nhau, và thế là anh hết đời”.
Một sự khẳng định quá mức như vậy cũng có rủi ro là tạo ra một quan niệm quá “nhấn mạnh vào yếu tố xã hội” theo đó quan hệ xã hội quyết định trật tự kinh tế. Ta cần giảm rủi ro này bằng cách thừa nhận rằng nguyên tắc guanxi và các quan hệ quyền lực khác nhau trong thị trường can thiệp một cách khác nhau vào sức mạnh của quan hệ xã hội trong việc kiểm soát vi phạm.
Nguyên tắc xinyong ghi nhận rằng một người không giữ lời sẽ bị loại trừ. Tuy nhiên, nguyên tắc guanxi mà xinyong dựa trên đó lại đòi hỏi người ta phải chia sẻ, linh hoạt; cần phải và có thể nhân nhượng. Do đó, mặc dù những người trả lời phỏng vấn nhấn mạnh rằng nếu một người đã đồng ý chuyển x tấn cao su vào một thời điểm đã hẹn, anh ta phải thực hiện lời hứa của mình hoặc sẽ bị ghi sổ đen, song họ cũng khẳng định họ sẵn sàng bỏ qua và tiếp tục (“give-and-take”): “Đôi khi chuyến tàu đến muộn hoặc chất lượng cao su kém sút. Họ có thể nói không phải lỗi của họ, mà đây là lỗi của người cung cấp không đáng tin cậy. Chúng tôi có thể nói với họ đừng chơi với cái nhà cung cấp đó nữa. Và tạo cho họ cơ hội khác”. “Có khi nhà cung cấp nói dối về trọng lượng. Chúng tôi phải xem họ có dối quá nhiều không. Nếu không nhiều, chúng tôi nhắm mắt cho qua”.
Xinyong của một doanh nhân sau một vi phạm lòng tin cũng phụ thuộc vào chất lượng của guanxi: guanxi càng mật thiết thì cơ hội bỏ qua việc sai hoặc cho đó là việc sai nhỏ càng cao. Một ví dụ: bốn doanh nhân thành danh muốn mua một bất động sản cao su đấu thầu. Một người trong số đó, Ang, gặp ba người kia và đề nghị hợp tác thay vì đấu thầu với nhau. Ang được đề nghị đưa ra giá đầu thầu. Họ thỏa thuận miệng với nhau, khi ông ta thành công, mọi người sẽ chia đều nhau mảnh đất thắng thầu. Tuy nhiên, khi Ang giành được miếng đất, ông ta phản bội lại xinyong và giữ lại miếng đất cho mình. Một người rất tức giận nhưng hai người kia thì bỏ qua, do ganqing và guanxi lâu dài của họ. Tuy người doanh nhân này theo lời khuyên của hai người kia không theo đuổi vụ đó nữa, song ông ta cắt đứt mọi liên hệ với Ang. Như vậy, Ang đã không bị “kết thúc” mặc dù ông ta vi phạm xinyong.
Kết quả tương tác giữa nguyên tắc xinyong và guanxi khi xinyong bị vi phạm cũng chịu sự chi phối bởi mối quan hệ quyền lực đang tồn tại. Những nguồn lực mà một người sở hữu hay có thể tiếp cận – như tài chính, thị trường xuất khẩu, khu vận tải, và cả các guanxi có ảnh hưởng nữa – những nguồn lực này đều ảnh hưởng đến cách phản ứng của những người khác đối với hành vi vi phạm. Chúng tôi được kể, có một cự phú giao một công ty cho một người họ hàng quản lý. Cổ phần của công ty đứng tên người họ hàng này theo cách hiểu anh ta là một ủy viên cổ đông, mà không phải là chủ thực sự. Theo người kể lại chuyện, thỏa thuận này dựa trên xinyong chứ không có hợp đồng viết tay nào. Điều đó được xem là không cần thiết vì anh ta là họ hàng. Nhưng sau khi vị cự phú chết, người họ hàng này quyết định tách kinh doanh của mình ra khỏi kinh doanh của những người họ hàng còn lại. Người kể chuyện nói đây là bí mật mà ai cũng biết. Tuy biết ông Chiu đã phản bội lại lòng tin, nhưng một số người vẫn tiếp tục làm ăn với ông ta, vì họ giải thích rằng công ty của ông ấy là một trong những công ty hàng đầu trong khu vực và rất khó mà bỏ làm ăn với ông ấy.
Quan hệ cá nhân mật thiết và sự tin tưởng lẫn nhau mà hai cá nhân cùng chia sẻ (đặc biệt xinyong) bảo đảm cho sự an toàn và chắc chắn trong giao dịch. Đây cũng là lý do cho việc “Xinyong chỉ là tốt cho những người biết nhau cực kỳ rõ”. Không có guanxi mạnh và mang tính hỗ trợ thì ngay cả một sự vi phạm nhỏ cũng có thể phá hủy xinyong của một người. Sự tin tưởng cá nhân là một cái gì đó còn hơn cả một giá trị mang tính chức năng kinh tế. Như trường phái thể chế đã nhấn mạnh, cái làm cho một tổ chức sống sót không phải vì nó có kết quả hay hiệu quả, mà vì tổ chức ấy gắn sâu với những giá trị của một bối cảnh thể chế đặc thù. Các sự vật, hình thái, và thực tiễn (như xinyong) có thể có giá trị cho bản thân nó và trong chính nó, bất kể sự đóng góp của nó vào hiệu quả của tổ chức là như thế nào. Chính vì thế, những nghĩa vụ xã hội mà guanxi đòi hỏi có thể cho thấy là méo mó. Chẳng hạn, trong nghiên cứu của mình về thợ quay tơ ở Hongkong, Wong (1988) đã thấy là trên 50% người trả lời phỏng vấn cảm thấy phải có nghĩa vụ bổ nhiệm họ hàng cho dù điều này ngược với đánh giá của họ. Theo nghĩa này, định hướng gia đình, trong khi là một lợi điểm, thì cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề.
3.2. NIỀM TIN VÀO CÁ NHÂN VÀ NIỀM TIN VÀO HỆ THỐNG
Niềm tin vào hệ thống (system trust) – ví dụ một định chế tài chính (ngân hàng) hay pháp luật – sẽ tồn tại ở nơi mà ta cho là hệ thống đang vận hành suôn sẻ và niềm tin được đặt vào chính hệ thống chứ không phải vào con người hay các cá nhân cụ thể (xem Luhmann 1978: 50). Các cơ quan trong hệ thống đảm nhiệm chức năng tạo ra niềm tin, giảm sự phụ thuộc của con người vào con người, làm cho những bảo đảm mang tính cá nhân trở nên không cần thiết. Ví dụ, khi hai bên ký vào một văn bản thỏa thuận, họ đặt mình phụ thuộc vào luật pháp gắn với hợp đồng. Mặc dù điều này không hàm ý rằng niềm tin cá nhân ở đây hoàn toàn không cần thiết, sự tham gia của một cơ quan bên ngoài sẽ làm giảm yếu tố cá nhân của giao dịch và thêm tính khách quan hơn (Zucker 1987: 454). Bởi vì yếu tố phi cá nhân trong niềm tin hệ thống đi liền với sự chuyên nghiệp, hợp lý hóa, và do đó với “tính tiến bộ”. Trong một bối cảnh hiện đại, việc chấp nhận hình thái phi cá nhân của niềm tin hệ thống làm tăng tính chính danh của giao dịch.
Nhưng thực tiễn kinh doanh Trung Hoa thì lại nhấn mạnh niềm tin vào cá nhân. Xinyong nghĩa là sự tin tưởng giữa các cá nhân mà bỏ qua một tổ chức thứ ba. Rủi ro do cá nhân chịu chứ không phải bởi một tổ chức bên ngoài như ngân hàng; cũng chẳng có hợp đồng gì giữa các cá nhân với sự chứng kiến của một tổ chức bên ngoài ví dụ một cơ quan pháp luật. Mặc dù xinyong ẩn sâu trong các quan hệ xã hội và là đối tượng của trừng phạt xã hội, song so với niềm tin hệ thống, thì nguyên tắc bên dưới nó gán cho những người áp dụng nó một ý nghĩa cao hơn về tính ưu việt đạo đức, vì nó giả định dựa trên sự trung thực và liêm chính của các cá nhân – lời của một quân tử.
“Thường mỗi ngày chúng tôi mua và bán qua phone với nhiều người khác nhau từ năm đến mười ngàn tấn cao su. Anh biết không, nếu giá cao su chỉ dao động một xu [mỗi kilogram] thôi, thì đã là cả trăm ngàn dollar rồi. Lớn thế đấy! Nhưng các hợp đồng không bao giờ chuyển đến cho chúng tôi đến ngày hôm sau và chúng tôi cũng không bao giờ nhận muộn hơn đến hai ngày. Chưa xác định hợp đồng thì chưa chắc chắn. Nhưng cả khi giá cả thay đổi bất lợi cho mình chúng tôi cũng không bao giờ phá bỏ giao kèo. Chúng tôi cũng chưa bao giờ bị phá bỏ giao kèo. Với người Hoa, xinyong là đủ rồi; không cần giấy tờ gì cả. Lời nói của chúng tôi là giao kèo rồi”.
Vì thỏa thuận miệng phụ thuộc vào xinyong của hai bên với nhau, nên việc sử dụng hay không sử dụng hợp đồng viết là thể hiện mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa họ. Nếu hai người cùng chia sẻ một guanxi mật thiết thì thỏa thuận miệng dựa trên xinyong là điều mong muốn. Nhưng thường thì ở đây cần thỏa thuận. Một lý do là làm ăn với một khách hàng mới. Một vài người trả lời phỏng vấn lập luận rằng với khách hàng mới thì cần đảm bảo an toàn. Trong khi niềm tin cá nhân được kính trọng cao, trên thực tế mức độ niềm tin hệ thống cao hơn người ta tưởng.
“Với một người mới, anh có thể muốn có hợp đồng viết. Nhưng sau đó, khi biết anh ta nhiều hơn thì không cần nữa. Có thể cấp tín dụng cho anh ta, thậm chí tiền mặt, chỉ cần dựa trên xinyong. Không cần nhà băng bảo đảm hay ký cái gì cả. Bây giờ mọi việc thay đổi. Cần cẩn thận hơn và cần tư vấn luật sư. Thế hệ bây giờ khác chúng tôi. Họ có thể sử dụng hệ thống luật pháp để tìm ra kẽ hở của anh, để chống anh. Anh có thể mất hết vì bỏ sót những điều khoản tinh vi, anh không quen với những chi tiết pháp lý”.
Rõ ràng tư tưởng xinyong đang thay đổi trong thế hệ trẻ hơn. Do đó, chúng ta thấy một sự dịch chuyển sang hướng niềm tin hệ thống, đặc biệt những người Hoa trẻ được đào tạo kiểu Âu-Mỹ.
Một vài người trả lời phỏng vấn không thoải mái lắm với tình hình ngày càng dựa vào hợp đồng viết. Họ cảm thấy đang mất dần sự kiểm soát cá nhân đối với những giao dịch của mình. Nhưng có những chỉ báo cho thấy sự phổ biến chuẩn mực của các công ty nước ngoài làm thay đổi giá trị ở những người mà chúng tôi phỏng vấn. Những hành vi mới xuất hiện không chỉ do áp lực của bên ngoài mà còn do tiếp nhận những quan điểm mới. Tất cả những người chúng tôi phỏng vấn đều phàn nàn rằng “người Âu-Mỹ không linh hoạt, bao giờ cũng sách vở, muốn trắng đen rõ ràng, chứ không có chuyện thỏa thuận miệng, vân vân, mà với người Hoa, một lời là đủ rồi”. Nhưng họ cũng cảm thấy rằng người Âu-Mỹ chuyên nghiệp hơn, có tổ chức hơn, có những hệ thống tinh xảo hơn; người Âu-Mỹ hiệu quả hơn vì điều hành kinh doanh theo cách thức thích đáng, và rằng “chúng ta phải đổi mới và trở nên chuyên nghiệp hơn nếu chúng ta muốn tạo được niềm tin nơi bạn hàng nước ngoài”.
Chúng tôi thấy diễn ngôn nói trên phản ánh hai điều. Thứ nhất, nó gợi ý rằng nhiều giả định hiển nhiên về lý tưởng của chủ nghĩa liên cá nhân đã bị đặt dấu hỏi. Nó cũng cho thấy quyền lực của Nhà nước và các công ty đa quốc gia trong việc truyền bá huyền thoại về sự chuyên nghiệp và tính ưu việt của niềm tin hệ thống. Vì niềm tin vào chuyên gia liên quan đến tri thức, và tri thức đó là một hệ thống sắp xếp trật tự hành vi giao tiếp nó bảo đảm cho một sự quan tâm và chú ý đến những quy tắc cụ thể khi lựa chọn và sử dụng các tiền đề cho bất kỳ một giao tiếp nào (Luhmann 1978: 53). Niềm tin tồn tại ở nơi có những kiểm soát đầy đủ đối với tính tin cậy tạo nên hệ thống, và những kiểm soát này phải vận hành độc lập với các động cơ riêng của một cá nhân vào mọi thời điểm. Điều này đảm bảo cho người ta không cần phải có hiểu biết cá nhân đối với người đang làm việc trên tri thức đó. Vì thế, khi thuê và trao quyền quyết định cho một chuyên gia, người ta tin tưởng không chỉ vào năng lực của anh ta mà cả vào khối tri thức mà anh ta được đào tạo.
Thứ hai, áp lực chuyên nghiệp hóa cũng thể hiện nhu cầu của các doanh nhân phải có được tính chính danh với những tổ chức có quyền lực hơn. Tuy nhiên, trong khi các doanh nhân Hoa nói về nhu cầu phải bắt chước cấu trúc của các công ty nước ngoài, họ cũng thể hiện một vài sự phản kháng.
Một mặt thì “Qua rồi, thời dựa trên xinyong. Vì sao chúng tôi nói thế, thời xưa, nếu không có tiền, anh có thể dựa vào xinyong của anh để làm ăn. Nhưng bây giờ, người ta phải xem anh có vốn không đã, có ngân hàng bảo đảm không đã, đại loại thế. Đó là cái phải thế khi xã hội tiến lên. Chúng tôi vẫn còn cái đó [xinyong], đúng thế. Nhưng với những cái phức tạp [trong kinh doanh quốc tế], ngày càng phải có văn bản. Chúng tôi hiểu, đó là tiến hóa tự nhiên”.
Mặt khác, cũng có những nhập nhằng: “Một cách để cải thiện là thuê người có chuyên môn. Chúng tôi không phải là dân chuyên môn. Giống như nhiều người khác, chúng tôi chỉ là dân kinh doanh. Chúng tôi dựa chủ yếu vào tiếp xúc cá nhân để kéo nhau đi lên. Chúng tôi không phải là doanh nhân chuyên nghiệp. Đó là những người làm việc trong những ngôi nhà thương mại nước ngoài to, biết nghiên cứu và có nguồn thông tin thị trường. Với kiến thức và hiểu biết như vậy, họ sẽ rất ích lợi. Có nhiều nhà quản lý chuyên nghiệp như vậy, nhưng người Hoa không đưa họ vào, không tin họ. Chúng tôi nghĩ là người Hoa bao giờ cũng nghĩ mình tốt hơn người khác, dù có chuyên môn hay không. Chúng tôi cũng nghĩ thế (cười)”.
Landa (1983) giả thuyết rằng mạng lưới liên cá nhân của doanh nhân Hoa dựa trên lòng tin lẫn nhau sẽ dần bị thay thế bởi mạng lưới trao đổi phi cá nhân dựa trên hợp đồng văn bản (lòng tin hệ thống) khi nền kinh tế tiến hóa tới chỗ có một khuôn khổ pháp luật phát triển tốt hơn. Bài viết này lập luận rằng sự tồn tại bền bỉ của chủ nghĩa liên cá nhân không đơn giản phụ thuộc vào việc có hay không sự hiện diện của ổn định pháp luật và chính trị (mặc dù chúng là những yếu tố quan trọng). Định chế chủ nghĩa liên cá nhân, một khi đã hình thành, sẽ phản kháng lại sự thay đổi. Sự tồn tại bền bỉ của nó vượt quá sự tất yếu chức năng. Một tập hợp hành vi sẽ tiếp tục tồn tại dai dẳng vì đó là cái cách mà sự vật được thực hiện.

4. KẾT LUẬN: TIẾN TỚI MỘT MÔ HÌNH VỀ CHỦ NGHĨA LIÊN CÁ NHÂN
Trọng tâm của bài viết là trình bày và phân tích thực tiễn của chủ nghĩa liên cá nhân trong kinh doanh của người Hoa. Dĩ nhiên, đặc tính Hoa trong việc kết hợp quan hệ cá nhân vào việc ra quyết định đã được nghiên cứu ở nhiều nơi. Chẳng hạn, ở Taiwan (DeGlopper 1978; Hamilton và Kao 1987), ở Hongkong (Wong 1985; Tam 1990), và ở các cộng đồng kinh doanh khác của người Hoa ở Đông Nam Á (Barton 1983; Landa 1983). Không ngạc nhiên khi nghiên cứu điền dã của chúng tôi cho thấy rằng quan hệ kinh doanh của người Hoa có xu hướng liên cá nhân hóa cao độ, dựa trên lòng tin cá nhân vào sự kiểm soát cá nhân đối với doanh nghiệp. Sau khi trình bày về tầm quan trọng của chủ nghĩa liên cá nhân, điều thích đáng hơn là lý thuyết hóa về tầm quan trọng của nó. Đây chính là điều mà phần lớn các nghiên cứu còn lúng túng, khi sử dụng mô hình thị trường hoặc mô hình văn hóa để giải thích hành vi kinh tế Trung Hoa. Bài viết này gợi ý rằng để hiểu thực tiễn kinh doanh Trung Hoa cần phải nghiên cứu không chỉ tổ chức tự nó, mà cả môi trường định chế nữa, môi trường mà từ đó các công ty Hoa đã thiết lập nên những nguyên tắc tổ chức của mình: các nguồn lực văn hóa, diễn giải về các động cơ, và lý lẽ. Theo đuổi mục tiêu này và dựa trên dữ liệu thực địa cũng như sự phân tích ở trên, bài viết trình bày một mô hình sơ bộ để hiểu và giải thích các giao dịch kinh doanh liên cá nhân ở người Hoa. Mô hình sử dụng một vài biến số có thể giải thích hành vi kinh tế liên cá nhân ở người Hoa. Mức độ không tin tưởng chung do bất ổn xã hội và chủ nghĩa gia trưởng định hình trật tự xã hội Trung Hoa theo chiều dọc, đi đôi với những động lực thách thức và duy trì, tương tác với nhau một cách năng động để định hình chủ nghĩa liên cá nhân (xem sơ đồ 1).
Sơ đồ 1. Mô hình các động lực ảnh hưởng đến chủ nghĩa liên cá nhân Trung Hoa
Không tin tưởng. Chúng tôi gợi ý rằng ở đâu tồn tại sự không tin tưởng do tình trạng không chắc chắn trong môi trường nảy sinh từ sự không đáng tin cậy của các định chế luật pháp, chính trị, thương mại và các định chế khác, thì ở đó sẽ có tình trạng tin cậy nhiều hơn vào các quan hệ cá nhân để giảm sốc cho người ta đối với tình trạng không chắc chắn lan tràn (Xem thêm Landa 1983; Hart 1988; Menkoff 1990c). Nghiên cứu của chúng tôi lập luận rằng để giao dịch kinh tế có thể diễn ra rộng rãi, phải có niềm tin đầy đủ vào hệ thống – về luật pháp, chính trị, v.v. Nếu sự tin tưởng này không có hay bị xói mòn, thì sẽ dẫn đến cảm giác tha hóa và mọi người rút cục sẽ rút vào những thế giới nhỏ hơn có tầm quan trọng thuần túy cục bộ (Luhmann 1988: 103-4). Trong trường hợp này sẽ không thể có hoạt động thương mại trên diện rộng.
Sự phát triển của niềm tin liên cá nhân có thể thúc đẩy một người tham gia vào một hệ thống mà người ta xem là không đáng tin cậy. Việc doanh nhân Hoa thiếu niềm tin vào hệ thống luật pháp thể hiện rõ trong việc họ thích các thỏa thuận phi chính thức và không thích các hợp đồng viết chính thức. Nguồn gốc của tình trạng này có thể là do môi trường thù địch của Trung Quốc. Trong phần lớn lịch sử của mình, Trung Quốc bị cai trị bởi quyền lực cá nhân hoàng đế. Thực hành luật tùy thuộc vào diễn giải riêng của các quan chức đa phần là ăn hối lộ (Bodde và Morris 1973; Redding 1990). Tham nhũng phổ biến đặt doanh nhân vào thế bất lợi trước sự bóc lột của quan chức và trước môi trường hết sức thù địch (Wakerman và Grant 1975). Điều này nuôi dưỡng sự không tin tưởng vào các định chế có quan chức.
Trong tình trạng thiếu sự tin tưởng vào hệ thống này, doanh nhân Hoa buộc phải dựa vào niềm tin liên cá nhân hay xinyong, thích làm việc với những người mà họ tin, và tìm cách có được những thân quen mới trong lĩnh vực quen biết của mình. Người ta nỗ lực đầu tư vào thiết lập và nuôi dưỡng các quan hệ cá nhân hay guanxi, và phát triển xinyong tốt, như là một tài sản riêng.
Khía cạnh khác của tình trạng không có lòng tin là đối với những cá nhân bên ngoài một nhóm được xác định. Tình trạng không tin tưởng vào người ngoài (wairen) có thể quan sát thấy ở mọi cấp độ làm ăn. Ở cấp độ cộng đồng kinh doanh, tình trạng không có lòng tin đã hạn chế việc đan xen sở hữu và ban giám đốc giữa các công ty. Trong công ty, guanxi cũng quan trọng. Sở thích tuyển chọn người của mình (ziji ren) là một minh họa. Trách nhiệm ủy thác có giá trị hơn là năng lực kỹ thuật; và bởi vì ziji ren được tin là sẽ hoàn thành trách nhiệm đó tốt hơn, nên đây là tiêu chí được ưa thích trong việc thuê và cất nhắc nhân viên. Việc sử dụng những người mà họ tin một cách riêng tư cho thấy xu thế mạnh mẽ của chủ nghĩa gia đình.
Lòng tin cá nhân và lòng tin hệ thống có thể được xem như là hai cực của một chuỗi liên tục. Lòng tin hệ thống cao hơn thì nhu cầu dựa vào lòng tin cá nhân sẽ ít hơn, lòng tin hệ thống thấp hơn thì nhu cầu đối với lòng tin cá nhân cao hơn. Tuy nhiên, mệnh đề tương quan như thế lấy lòng tin cá nhân làm biến số phụ thuộc, nó phụ thuộc vào sự tồn tại của lòng tin hệ thống. Nếu quan hệ này là đúng, thì giải thích thế nào về việc ở Singapore ngày nay sự ổn định luật pháp và chính trị đã cao hơn nhiều, song lòng tin cá nhân và các khía cạnh khác của chủ nghĩa liên cá nhân vẫn tồn tại?
Chủ nghĩa gia trưởng. Chúng tôi gợi ý rằng chủ nghĩa gia trưởng (paternalism) là một nguyên tắc khác để giải thích cho chủ nghĩa liên cá nhân (Xem Redding 1990). Chủ nghĩa gia trưởng là nguyên tắc tổ chức ở đó người có quyền hạn (authority) nắm quyền kiểm soát tập trung cao. Người dưới quyền không chỉ được trông đợi tuân thủ quyết định của bề trên; họ cũng trông đợi được bề trên dẫn dắt, luôn tuân thủ chừng nào họ còn được dẫn dắt. Chúng tôi nghĩ rằng một trật tự mạnh theo chiều dọc và một môi trường không chắc chắn thúc đẩy và nâng cao ao ước có một bề trên để đảm bảo sự kiểm soát cá nhân. Điều này được xúc tác bởi việc duy trì các cấu trúc phi chính thức và bởi sự phụ thuộc vào guanxi cá nhân để thực hiện các quyết định và có được sự ủng hộ.
Nguồn gốc của việc chấp nhận phổ biến hệ thống tôn ti thứ bậc và hành vi tuân phục kèm theo có thể nằm ở trong gia đình. Người ta dạy trẻ con phải tuân thủ cha mẹ, cụ thể là cha, vô điều kiện. Yêu cầu con cái tuân thủ cha gắn liền với nghĩa vụ của người cha chăm nom phúc lợi cho con cái. Vi phạm những trách nhiệm đó làm xói mòn tính chính danh của quyền uy. Trong khi chủ nghĩa gia trưởng có thể xuất phát từ giả thuyết hậu Khổng giáo, chúng tôi gợi ý rằng có một tương tác năng động của vài yếu tố chúng định hình hành vi kinh doanh của người Hoa. Chủ nghĩa gia trưởng cũng là một biến số.
Trật tự theo chiều dọc mà chủ nghĩa gia trưởng tạo ra cũng đi vào thế giới kinh doanh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Hoa dựa trên gia đình gia trưởng (Wong 1988; Tong 1989; Menkoff 1990c). Là chủ gia đình, người cha là lãnh đạo. Việc ra quyết định tập trung hết vào tay ông ta và chiều giao tiếp thông thường là từ trên xuống. Khuyến khích tinh thần phụ thuộc vào lãnh đạo, sự hợp tác trong nhóm thành công nhất khi có mặt người lãnh đạo có quyền uy (Meade 1970; Bond và Hwang 1986). Trong thực tế, định chế quyền uy này đúng như Zucker (1983) mô tả: nó được coi là đương nhiên (taken-for-granted). “Đó là cách sự việc vẫn là, cách sự việc được thực hiện, và luôn luôn được thực hiện”.
Gia đình gia trưởng tạo ra các mối quan hệ gia trưởng và dòng chảy của quyền uy và kiểm soát. Cụ thể, việc tuyển chọn người giúp việc trong kinh doanh, đặc biệt cho những vị trí chiến lược, chủ yếu chỉ giới hạn vào các thành viên gia đình được tin cậy. Thêm nữa, kế thừa trong kinh doanh chỉ duy trì trong số các con trai. Việc kiểm soát của gia đình đối với kinh doanh cũng thực hiện thông qua sở hữu. Điều này không chỉ đúng với công ty nhỏ, mà cả với những tập đoàn công chúng lớn. Chú ý đến vấn đề lòng tin hay không tin của các doanh nhân và đến vấn đề duy trì thừa kế sẽ làm cho việc phân tích kinh doanh Trung Hoa thoát khỏi giả định của các nhà nghiên cứu thị trường rằng kinh doanh Trung Hoa chỉ dựa trên việc tối đa hóa lợi nhuận. Mặc dù việc thuê họ hàng đúng là để tiết kiệm kinh tế, song nó không phải là yếu tố mang tính động cơ.
Tương tự, nguyên tắc xinyong và guanxi không phải là phương tiện hợp lý chỉ nhằm để đạt hiệu quả kinh tế lớn hơn. Giá trị của những nguyên tắc này vượt quá một sự tính toán kinh tế theo nghĩa hẹp. Với nhiều năm tháng đương đầu với căng thẳng giữa chủ nghĩa gia trưởng và mất lòng tin do phổ biến tình trạng không an toàn, hành vi kinh doanh dựa trên chủ nghĩa liên cá nhân trở nên định chế hóa. Chúng có vị thế giống như luật lệ (rule-like status), và được xem là những hành vi thích đáng và cần thiết. Nhưng chúng không phải là những kiến tạo văn hóa thuần túy, tĩnh và không thay đổi; mà cắm sâu trong một môi trường lớn hơn và là đối tượng của những yêu cầu mâu thuẫn nhau. Vậy, động năng của xinyong và guanxi như thế nào? Những tác động nào trong môi trường đã duy trì và thách thức định chế chủ nghĩa liên cá nhân?
Những động lực của sự duy trì và thách thức. Nghiên cứu này gợi ý rằng hệ thống gia trưởng của các doanh nhân giàu có, phát triển trong sự đối mặt với một chính phủ thuộc địa yếu và cách biệt, đã thúc đẩy chủ nghĩa liên cá nhân. Qua thời gian, việc phụ thuộc vào quan hệ cá nhân trở nên định chế hóa. Tình trạng tiếp diễn sự không chắc chắn cũng dẫn đến việc duy trì chủ nghĩa liên cá nhân. Môi trường mà những di dân đầu tiên phải đối mặt khi đến Malaya và Singapore cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX cũng khắc nghiệt như môi trường ở Trung Quốc. Nó bị bao trùm bởi tình trạng bất ổn xã hội triền miên và vô luật pháp. Chịu những bất lợi này, người Hoa bị phân biệt đối xử, khiến họ không tin tưởng vào giới quyền thế.
Sau ngày độc lập, doanh nhân Hoa đối mặt với tình trạng ở Singapore thì Chính phủ thích ưu tiên công ty đa quốc gia (Rodan 1989) còn ở Malaysia thì Chính phủ thành lập và hậu thuẫn các công ty quốc doanh cạnh tranh không công bằng. Những yếu tố đó, cộng với tình trạng các Chính phủ Malaysia và Indonesia không ưa thích người Hoa, phải chăng cũng đóng góp vào sự tồn tại dẻo dai của chủ nghĩa liên cá nhân?
Chính quyền của Đảng Hành động Nhân dân (People’s Action Party, PAP) đã tạo ra sự ổn định lớn về chính trị, an toàn, luật pháp và trật tự. Liệu những phát triển đó có tạo ra lòng tin hệ thống lớn hơn và do đó giảm sự phụ thuộc vào lòng tin và kiểm soát cá nhân không? Hay khả năng là chủ nghĩa liên cá nhân, được định chế hóa, sẽ phản kháng lại sự thay đổi (Zucker 1977), đến mức ngay cả khi những hoàn cảnh ban đầu (chẳng hạn sự thiếu lòng tin hệ thống) tạo ra một hành vi đã không còn nữa mà hành vi đó vẫn tiếp tục tồn tại?
Bài viết này chỉ ra rằng biến đổi có thể diễn ra, nhưng để những động lực biến đổi có thể hiện diện, thì các giả định được coi là hiển nhiên và các huyền thoại phải bị thách thức. Một nguồn thách thức tiềm tàng là sự phổ biến ngày càng tăng của chủ nghĩa hợp lý pháp lý (legal-rationalism) kèm theo sự nổi lên của nhà nước hiện đại. Chẳng hạn, việc nhấn mạnh vào chủ nghĩa năng lực (meritocracy), tính chuyên nghiệp, tiêu chí bằng cấp, tính khách quan của khoa học và công nghệ, có thể thách thức sự tiếp tục tồn tại của chủ nghĩa liên cá nhân. Trách nhiệm giải trình lớn hơn và nhu cầu phải chứng minh cho các quyết định cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với quyền lực và sự kiểm soát hợp lý, do đó hạn chế ưu quyền mang tính cá nhân. Những quy định liên quan đến giao dịch chính quy hóa (thời hạn thanh toán, vận chuyển, v.v.) có thể đặt ra và chịu sự áp đặt của nhà nước và các tổ chức luật lệ bên ngoài khác. Việc áp đặt này có thể xem như là giải định chế hóa (Zucker 1987), vì việc sử dụng khuyến khích và chế tài chứng tỏ rằng có những lựa chọn hấp dẫn khác đang tồn tại. Tuy nhiên, qua thời gian, liệu những yêu cầu đó có tạo ra những tiêu chuẩn mới được xem là thích đáng và cần thiết hay không? Sự hiện diện của các công ty đa quốc gia và tiếp xúc với người tiêu dùng quốc tế cũng thách thức những huyền thoại đang tồn tại. Những tổ chức lớn hơn và nhiều quyền lực hơn đó liệu có thể tái định khuôn những khuôn khổ định chế, phổ biến những lựa chọn khác, và những phương thức hợp lý hóa thường xuyên mâu thuẫn hay không?
Có bằng chứng về sự phổ biến các tiêu chuẩn mới. Chẳng hạn, một số người trả lời phỏng vấn nói “Phần lớn công ty Hoa là doanh nghiệp gia đình, chúng ta còn rất lạc hậu”. Họ gắn việc chính thức hóa và tiêu chuẩn hóa cao hơn, những công ty tinh vi hơn về mặt cấu trúc, với sự ưu việt và tiến bộ. Điều này phản ánh rằng một số giả định vốn được coi là đương nhiên nay đã bị thách thức. Nhưng các công ty cao su Hoa tự nguyện chấp nhận các tiêu chuẩn mới ở mức độ nào? Họ có sự tự trị đến mức nào để phản kháng lại sự thay đổi?
Mô hình đề xuất trên về các động lực định chế tác động đến các nguyên tắc của doanh nhân Hoa không được xem là đã quyết định hình thái tổ chức (điều này có thể là một cái nhìn “quá nhấn mạnh khía cạnh xã hội”). Thay vào đó, chúng là những động lực cản trở cũng như xúc tác cho hành vi và các hình thái cấu trúc. Các yêu cầu đa dạng và thường xung đột nhau hỗ trợ bởi môi trường định chế tạo cho các tổ chức một độ trễ nhất định để xác định vị trí riêng của mình trong đó, đây là điều các nhà lý thuyết văn hóa bỏ qua. Do đó, tiếp cận này đặt hành động và tổ chức kinh tế sâu vào trong môi trường nhưng không nhấn chìm chúng.
Bài viết cũng cho thấy rằng, qua thời gian, các khía cạnh chủ yếu của hành vi kinh tế của người Hoa ở Singapore đã được điều chỉnh. Những yêu cầu bắt buộc, mong muốn của các doanh nhân có được tính chính danh trong con mắt của các công ty quốc tế, lòng tin hệ thống mạnh hơn, và việc chấp nhận các thủ tục hợp lý hóa pháp lý (legal-rationalistic), tất cả những điều đó khiến cho các nguyên tắc kinh doanh bị biến đổi. Doanh nhân Hoa bắt đầu xem sự chuyên nghiệp và chính quy hóa (với tính cách là đối nghịch với chủ nghĩa liên cá nhân) như là đáng tín nhiệm, có kết quả, hiệu quả và tiến bộ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lập luận rằng việc còn tồn tại những điều không an toàn vẫn duy trì cảm giác lâu đời về sự kém lợi thế, điều sẽ tiếp tục duy trì chủ nghĩa liên cá nhân. Điều này đặc biệt đúng trong các cấu trúc nội bộ công ty, nơi sự kiểm soát vẫn mang tính cá nhân và gia đình thông qua chế độ sở hữu. Và như vậy, cho dù những thay đổi, cấu trúc chung của chủ nghĩa liên cá nhân vẫn tiếp tục tồn tại.
Tong Chee Kiong và Yong Pit Kee[2]
Bùi Thế Cường (Chuyển ngữ)

Nguồn: Đã đăng trong Tạp chí Khoa học xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh). Số 3 (187)/2014. Trang 67-86.

Bản gốc do dịch giả gởi cho PTKT.

PTKT: Có thể tham khảo:

http://thegioitiepthi.net/the-gioi-hoi-nhap/chu-hoa-va-he-sinh-thai-lam-an-cua-nguoi-goc-hoa/ 





[1] Bài viết dựa trên kết quả của một dự án do Đại học Quốc gia Singapore tài trợ. Phiên bản trước của bài viết công bố trong British Journal of Sociology, Volume 49 Number 1, 1998, trang 75-96. Bạn đọc quan tâm phần tài liệu tham khảo xin xem nguyên bản trong số tạp chí trên. Bản dịch tiếng Việt và công bố ở Việt Nam đã được tác giả cho phép.

[2] Tong Chee Kiong: Giáo sư tiến sĩ, Cố vấn khoa học Đại học Quốc gia Brunei Darussalam; Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Á Đại học Quốc gia Brunei Darussalam. Yong Pit Kee: Tiến sĩ, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn Đại học Quốc gia Singapore. Bùi Thế Cường: Giáo sư tiến sĩ, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Giáo sư thỉnh giảng Viện Nghiên cứu châu Á Đại học Brunei Darussalam.

Print Friendly and PDF