21.1.15

BECKER Gary (1930-2014)



BECKER Gary (1930-2014)

Gary Becker
Gary Becker sinh tại Pottsville, bang Pennsylvania, Hoa Kì, năm 1930. Sau khi tốt nghiệp cử nhân đại học Chicago năm 1953, ông dạy tại đây năm 1954 trước khi đỗ tiến sĩ kinh tế năm 1955. Ông là giáo sư đại học Columbia từ 1957 đến 1969 để rồi trở về làm giáo sư đại học Chicago kể từ 1969. Thành viên của Viện Hoover, năm 1967 ông được huy chương John Bates Clark dành cho một nhà kinh tế dưới 40 tuổi. Ông là chủ tịch American Economic Association năm 1987 và là phó chủ tịch Hội Mont-Pèlerin năm 1989. Ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1992.
Luận án tiến sĩ của Becker chứng minh rằng việc phân biệt đối xử (nhất là phân biệt chủng tộc) là tốn kém đối với những ai thực hiện nó vì phải trả cao hơn cho người được thụ hưởng sự phân biệt này (1957). Không hề có tư tưởng hám lợi, ông đưa vào phân tích kinh tế một cách tiếp cận những hành vi con người (1975), với tham vọng đưa khoa học kinh tế trở thành một bộ môn về toàn thể những hành vi con người và những quyết định gắn với những hành vi này. Điều định nghĩa kinh tế học không phải là tính hàng hoá của vấn đề phải xử lí mà bản chất của vấn đề này: mọi vấn đề đặt ra một vấn đề phân bổ các nguồn lực và những lựa chọn trong khuôn khổ của một tình thế khan hiếm được đặc trưng bởi những cứu cánh cạnh tranh nhau đều thuộc về kinh tế học và có thể được xử lí bằng phân tích kinh tế (1957).
Trên cơ sở của chương trình nghiên cứu này, Becker trình bày lại lí thuyết người tiêu dùng. Ông đồng nhất người tiêu dùng với người sản xuất. Để có được toàn bộ những năng lực sản xuất, một cá nhân duy lí đầu tư vào vốn con người nhờ giáo dục tích lũy được khi tự đào tạo (1957). Như thế hoạt động tiêu dùng sinh ra việc sản xuất những thú vui tỉ lệ với mức vốn con người đó thu thập được, một hoạt động tốn thời gian và những nỗ lực vượt rất xa số tiền bỏ ra để mua vốn này (1965). Lí thuyết vốn con người nằm ở trung tâm của tư tưởng Becker. Lí thuyết này cho phép đề cập dưới cùng một góc độ những tiêu dùng thông thường (thức ăn, áo quần, giải trí, v.v.) và cả những giá trị cá nhân quyết định những hành vi con người (tình yêu, chống đối, vị tha). Cá nhân được so sánh với một doanh nghiệp sử dụng những nguồn lực hiếm hoi (lao động làm công ăn lương và lao động gia đình, hiểu biết) và đầu tư vào mục tiêu này để sản xuất những sản phẩm và dịch vụ trên cơ sở một hạch toán kinh tế có tính đến những giá tương đối, chi phí thời gian và khoản lợi của kết quả sản xuất. Trong khuôn khổ này, Becker phân tích những quyết định kinh tế: cung lao động (1965), hôn nhân (1974), sinh đẻ (R. Barro & Becker, 1988). Trong Luận văn về gia đình (1981), ông cho thấy là trong một cặp, thu hoạch của cả nam lẫn nữ đều theo cùng một chiều hướng. Việc chuyên môn hoá các công việc trong gia đình giảm đi. Trong những gia đình truyền thống, có thể xem đứa trẻ như một sản phẩm đầu tư trong lúc trong những gia đình hiện đại thì có thể so sánh đứa trẻ với một sản phẩm tiêu dùng. Chi phí của trẻ con trong môi trường đô thị tăng, và điều này giải thích là số trẻ ở đô thị giảm bớt.
Damien Gaumont
Lí thuyết người tiêu dùng của Becker cũng nằm trong sự tiếp nối của những công trình của Lancaster (1965). Thật vậy, không chỉ quyết định số lượng muốn tiêu dùng, người tiêu dùng cũng gán một lợi ích cho những đặc điểm của những sản phẩm mà mình muốn có (1966). Cách tiếp cận này giải thích, một mặt, sự bàng quan của người tiêu dùng trước những thay thế có thể giữa những sản phẩm khác nhau cho phép giữ nguyên mức tiêu dùng của mình và, mặt khác, sự đổi mới kĩ thuật cung cấp hoặc bổ sung những đặc điểm mới cho một tập những sản phẩm thay thế. Cùng với Stigler (Nobel 1982), Becker là tác giả của một bài viết chủ yếu về tính chất ổn định của những sở thích. Họ khẳng định là sự hình thành những sở thích là do những thay đổi của các giá tương đối và do những chi phí cơ hội, do đó với những sở thích ổn định có thể quan sát một thay đổi hành vi và không nên đồng hoá sự thay đổi hành vi này với một thay đổi của sở thích (1977). Năm 1992, ông được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì những công trình tiên phong trong việc phát triển lí thuyết vốn con người. 

· The Economic Approach to Human Behavior [Cách tiếp cận kinh tế hành vi con người], Chicago, University of Chicago Press, 1957. The Economic of Discrimination [Kinh tế học của sự phân biệt đối xử], Chicago, University of Chicago, 1957. – “A Theory of the Allocation of Time [Một lí thuyết phân bổ thời gian], Economic Journal, 1965, vol. 75, p. 493-508. A New Approach of Consumer Theory [Một cách tiếp cận mới lí thuyết tiêu dùng], Journal of Political Economy, April 1966.   Crime and Punishment: An Economic Approach[Tội ác và trừng phạt: một cách tiếp cận kinh tế], 1968. vol.76, p. 196-217. A Treatise on the Family [Luận văn về gia đình], Massachussetts, Harvard University Press, 1981 trong SCHULTZ T. W., A Theory of Marriage (in Economics of the Family) [Một lí thuyết hôn nhân (trong kinh tế học gia đình], Chicago, University of Chicago Press, March 1974, p. 293-344. BARRO R. & BECKER G. Fertility Choice in a Model of Economic Growth[Lựa chọn sinh sản trong một mô hình tăng trưởng], Econometrica, 1988, vol. 57, p. 481-501.    BECKER G. & GHEZ G., The Allocation of Time and Goods over the Life-Cycle [Phân bổ thời gian và sản phẩm theo vòng đời], New York, Columbia University Press, 1975.    BECKER G. & MURPHY K, A Theory of Rational Addiction[Một lí thuyết duy lí về nghiện ma tuý],  Journal of Political Economy, 1988, vol. 96, p. 675-700. BECKER G. & STIGLER G. De Gustibus Non Est Disputandum”, American Economic Review, March 1977, vol. 67, n0 2, p. 76-90.
Damien Gaumont
Phó giáo sư đại học Panthéon-Assas (Paris 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 993-1054



Những bài có liên quan trên PTKT:

-          Gary Becker, nhà đế quốc kinh tế (mục Những vấn đề thời sự trong kinh tế học)
-          Bản đồ, lãnh thổ và lồng sắt (mục Kinh tế học và các khoa học khác)
-          Tiềm lực và giới hạn của lựa chọn duy lí (mục Phỏng vấn các nhà kinh tế)
-          Human Capital (mục Điểm sách và giới thiệu sách kinh tế)
-          Vốn con người (mục Một tác giả, một tác phẩm)
-        Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis, with Special Reference to Education (mục Một tác giả, một tác phẩm)
-          Vốn con người (mục Từ điển các khoa học kinh tế)
Print Friendly and PDF