28.7.18

Kinh tế học môi trường

KINH TẾ HỌC MÔI TRƯỜNG

Environmental Economics
è Giải Nobel : COASE, 1991  LEONTIEF, 1973
Arthur Cecil Pigou (1877-1959)
Chính trong những năm 1960 mà kinh tế học môi trường nổi lên như một bộ môn độc đáo. Sự xuống cấp của chất lượng không khí, nước và đất bị một bộ phận ngày càng lớn của xã hội cho là không thể chấp nhận. Các nhà kinh tế bị tra vấn thử đề xuất những giải pháp có tính chuẩn tắc cho những vấn đề mà việc quản lí môi trường đặt ra. Nếu Pigou mở đường cho việc phân tích những vấn đề ô nhiễm trong những năm 1920 thì việc còn lại là thích nghi những công cụ cổ điển có nguồn gốc từ kinh tế vi mô và kinh tế học công cộng và phát triển những công cụ thích hợp hơn với những đặc điểm riêng của những tài sản thiên nhiên. Những đóng góp chính của kinh tế học môi trường trước tiên liên quan đến việc xác định giá trị của những tài sản thiên nhiên. Vấn đề là xác định giá (hay giá trị) ẩn của những tài sản này nhằm quản lí tốt hơn việc sử dụng chúng và trả lời rõ ràng câu hỏi được các nhà chức trách đặt ra: đâu là lợi ích xã hội của việc bảo vệ những tài sản này hay chi phí của những thiệt hại nếu không bảo vệ chúng? Thứ hai những đóng góp này liên quan đến những công cụ điều tiết cho phép sửa hành vi của các cá thể (chuẩn, thuế, giấy phép lưu thông được) nhằm đạt được một chất lượng môi trường nhất định với chi phí thấp nhất cho xã hội.
Ngày nay các nhà kinh tế đặt vấn đề những điều kiện cho một sự phát triển bền vững có tính đến sở thích của các thế hệ tuơng lai, nguyên lí công bằng giữa các thế hệ bổ sung cho tiêu chí hiệu quả. Điều rõ ràng khác là các chỉ báo tăng trưởng phải được chỉnh sửa để tính đến suy giảm chất lượng của một số tài sản thiên nhiên.

Những điều lợi của việc bảo vệ tài sản thiên nhiên

Harold Hotelling (1895-1973)
John V. Krutilla (1922-2003)
Trước hết vấn đề là gán một giá cho những tài sản thiên nhiên. Nguyên lí lí thuyết là đơn giản: những tài sản thiên nhiên là vô giá (chúng không phải là đối tượng giao dịch trên một thị trường) thế mà chúng lại có mặt như những agumen trong hàm lợi ích của người tiêu dùng và trong hàm sản xuất của người sản xuất. Do đó sự xuống cấp của chất lượng những sản phẩm này ảnh hưởng đến các hàm lợi ích và sản xuất của các tác nhân. Nhà kinh tế đề nghị đo biến thiên của hàm lợi ích các hộ gia đình được xấp xỉ hoá bằng biến thiên của thặng dư, thặng dư bình thường hay thặng dư bù. Trong trường hợp của các nhà sản xuất, nhà kinh tế ước lượng biến thiên của lợi nhuận. Đó là những cơ sở kinh tế vi mô của phép tính đánh giá. Nhiều kĩ thuật khác nhau cho phép xây dựng những chỉ báo giá trị có cương vị của một giá. Kĩ thuật xưa nhất (do Hotelling gợi ý năm 1949) dựa trên việc quan trắc hành vi của các cá thể trong những hoạt động giải trí của họ, đó là phương pháp những chi phí xê dịch. Kĩ thuật này được cơ quan Hoa Kì về rừng và nước sử dụng rộng rãi trong hai mươi lăm năm qua. Ta cũng có thể quan sát những giao dịch trên thị trường. Những giao dịch này cho ta biết chi tiêu các tác nhân bỏ ra để tự phòng chống sự xuống cấp của môi trường, hay đối với một số sản phẩm phức hợp như nhà ở, giá ngầm các cá thể gán cho một chất lượng nhất định của không khí hay ngoại cảnh, đó là phương pháp những giá hoan lạc. Nếu không thể quan trắc các hành vi thì còn cách hỏi trực tiếp các cá thể về việc họ đồng ý chi trả để cải thiện chất lượng của môi trường (hay sự đồng ý nhận bồi thường trong trường hợp bị thiệt hại), đó là phương pháp đánh giá có điều kiện. Phương pháp này trước tiên được phát triển mạnh ở Hoa Kì, sau đấy ở châu Âu trong vòng hai mươi lăm năm qua. Việc tái hiện lại biến thiên của thặng dư cho phép ước lượng những điều lợi của việc sử dụng và không sử dụng, nghĩa là không gắn liền với việc sử dụng trực tiếp một tài sản thiên nhiên. Năm 1967 Krutilla đề nghị tính đến trong phân tích chi phí-tiền lời của một dự án có tác động đến môi trường (ví dụ, việc xây dựng một đập) giá trị tồn tại của tài sản thiên nhiên có nguy cơ biến mất. Thật vậy, các cá thể có thể, đối với bản thân cũng như đối với các thế hệ tương lai, gán một giá trị cho chính sự tồn tại của một số sản phẩm cho dù không bao giờ họ sử dụng sản phẩm này. Duy chỉ có phương pháp đánh giá có điều kiện mới cho phép ước lượng kiểu lợi ích này. Tuy nhiên những vấn đề đo đạc đã khiến một số nhà kinh tế nghi ngờ tính xác đáng của việc tính đến giá trị này trong một phân tích lợi ích-tiền lời, hay trong việc ước lượng các thiệt hại. Tiếp theo tai nạn của tàu Exxon Valdex ở Alaska gây nên nước triều đen, chính quyền Mĩ đã yêu cầu một nhóm chuyên gia do Arrow và Solow đứng đầu kết luận về cơ sở của việc tính đến giá trị này trong sự ước lượng các thiệt hại. Câu trả lời của các chuyên gia khẳng định là có cơ sở để làm điều này với điều kiện là một số qui tắc phải được tuân thủ trong việc triển khai phương pháp đánh giá có điều kiện.
Kenneth Arrow (1921-2017)
Burton A. Weisbrod (1931-)
Khi cung và cầu là có bất trắc thì việc ước lượng những lợi ích của việc bảo vệ là tế nhị hơn. Năm 1964, Weisbrod đề nghị thêm giá trị tuỳ chọn, một loại phí bảo hiểm người tiêu dùng trả để thể hiện sự ngại rủi ro trong trường hợp có những hậu quả không thể đảo ngược của dự án vào việc tính toán thặng dư. Ở đây cũng thế, duy chỉ phương pháp đánh giá có điều kiện mới cho phép tính giá này.
Bằng cách tái hiện lại giá trị mà xã hội gán cho những tài sản thiên nhiên, nhà kinh tế làm cho việc sử dụng những tài sản này có tính duy lí và những thiệt hại gây nên cho môi trường, và cả cho sức khoẻ con người được đánh giá đúng đắn, và do đó mở hướng cho việc mở rộng những tài khoản quốc gia, đôi lúc được gọi là tài khoản xanh.

Việc quản lí những tài sản thiên nhiên

Sự lựa chọn những công cụ điều tiết việc sử dụng những tài sản thiên nhiên phần lớn dựa trên những kết luận của lí thuyết những ngoại ứng. Khuôn khổ phân tích nhất quán này được các nhà kinh tế thiết kế trong những năm 1920 cho phép đề nghị những giải pháp tối ưu về mặt lí thuyết cho những vấn đề mà sự xuống cấp của môi trường đặt ra. Trong mô hình lí thuyết thuần tuý, thất bại của thị trường phải được khắc phục bằng một thuế bằng với thiệt hại xã hội cận biên do hoạt động gây ô nhiễm tạo ra. Vào đầu những năm 1960, việc tính đến những chi phí trừ khử ô nhiễm và những ràng buộc môi trường đã cho phép mở rộng trường phân tích. Tối đa hoá phúc lợi qui lại là tối thiểu hoá chi phí xã hội của những chất thải, tổng của những chi phí xử lí và của chi phí các thiệt hại. Việc đánh một sắc thuế làm phát sinh một tỉ suất trừ khử ô nhiễm sao cho chi phí trừ khử ô nhiễm cận biên bằng với thiệt hại xã hội cận biên. Hệ thống này được ưa chuộng hơn việc đánh một sắc thuế trừ khử ô nhiễm đồng đều vốn tỏ ra tốn kém hơn cho xã hội. Trở ngại chính cho việc thiết lập một hệ thống thuế tối ưu là việc tính thiệt hại xã hội cận biên. Chỉ gần đây Cộng đồng châu Âu mới thử thực hiện kiểu tính toán này để ước lượng chi phí ngoại lai (tổng những hiệu ứng trên sức khoẻ, các hệ sinh thái, mùa màng, công trình xây dựng, v.v. thể hiện bằng những đại lượng tiền tệ) do việc sản xuất điện phát sinh. Đây là chương trình bên ngoài. Khi thiếu thông tin này các giới chức buộc phải ấn định những chuẩn chất lượng thể hiện sự tập trung tối đa những chất gây ô nhiễm trong môi trường mà xã hội tạm chấp nhận được. Như thế ta có thể tính chất thải tối đa thoả mãn chuẩn này cũng như thuế hiệu quả tối thiểu hoá tổng chi phí trừ khử ô nhiễm.
Mặc dù các nước OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải chi nhưng những hệ thống đánh thuế được xây dựng trong những năm 1970 giống với những lệ phí (nguồn thu được phân bổ cho các hoạt động trừ khử ô nhiễm) hơn là những thuế (trên nguyên tắc không phân bổ). Mới đây duy chỉ có Thụy Điển đã thiết lập một hệ thống đánh thuế (CO2 và dioxyde lưu huỳnh) có thể được coi là tối ưu. Pháp vừa bỏ hệ thống lệ phí trên các tác nhân gây ô nhiễm và thay thế bằng một thuế chung đánh vào những hoạt động gây ô nhiễm. Nhưng mức thuế vẫn còn thấp rất nhiều so với mức tối ưu. Những ràng buộc chính đối với các ngành gây ô nhiễm có tính qui định: những ngành này phải tuân thủ luật về các cơ sở được xếp hạng, và mọi hoạt động mới hay qui hoạch lại có ảnh hưởng đến môi trường phải thông qua một nghiên cứu tác động của hoạt động hay qui hoạch này (luật ngày 19 tháng 7 1976).
John H. Dales
Năm 1968, J. Dales, một nhà kinh tế Canada, đề nghị một hệ thống độc đáo sửa chữa thất bại của thị trường bằng những giấy phép lưu thông được hay quyền gây ô nhiễm. Một cơ quan (bộ môi trường) ấn định tổng khối lượng những chất thải gây ô nhiễm rồi phân bổ cho những hoạt động ô nhiễm những giấy phép tương ứng với khối lượng này, bằng cách phân phối chúng hoặc bằng cách bán đấu giá. Như thế những giấy phép này có thể được trao đổi trên một thị trường. Nếu hội đủ một số điều kiện ta sẽ chứng kiến việc bằng nhau của giá quyền gây ô nhiễm và chi phí trừ khử ô nhiễm. Hệ thống này được chính quyền Mĩ chọn để làm giảm, kể từ 1995, 40% chất dioxyde lưu huỳnh trong không khí do các nhà máy đốt lớn thải ra. Ngày nay các giấy phép được mua bán trên thị trường Chicago xoay quanh 100$ một tấn dioxyde lưu huỳnh. Công cụ kinh tế điều tiết ô nhiễm này được các nhà công nghiệp chấp nhận dễ hơn vì nó không đưa đến việc phải trả thêm một phí vào chi phí khử trừ ô nhiễm. Thật vậy hầu hết hoạt động công nghiệp chịu sự cạnh tranh quốc tế, và việc thêm một sắc thuế nếu không được tính vào giá, và do đó không để cho người tiêu dùng phải trả, qui lại làm giảm tính cạnh tranh của những hoạt động này.
Phần lớn kinh văn về kinh tế học môi trường dựa trên giả thiết là các tác nhân một cách tự phát sẽ tuân thủ những chỉ thị được ban hành. Thế mà mọi giới hạn do một phương thức hành chính áp đặt có thể bị luồn lách. Do đó chính quyền phải triển khai một chiến lược kết hợp việc theo dõi và trừng phạt, với một giá thấp nhất cho xã hội. Việc đưa vào những nhận định này có thể làm thay đổi các phân tích không tính đến chúng và dẫn đến việc tương đối hoá tính hiệu quả của một số công cụ trong trường hợp có thông tin không hoàn hảo về những thiệt hại cho môi trường hay trong trường hợp có những chi phí để trừ khử ô nhiễm.
Nghiên cứu về các công cụ quản lí không chỉ liên quan đến các vấn đề ô nhiễm. Những nghiên cứu này cũng quan tâm đến việc phân bổ trong thời gian các tài sản thiên nhiên và việc quản lí những tài sản chung. Ngày nay việc quản lí những vấn đề môi trường toàn cầu như nguy cơ làm nóng hành tinh của khí đốt gây hiệu ứng nhà kính hay việc phá huỷ tầng ozone là bấy nhiêu thách thức đặt ra cho các nhà kinh tế. Việc lựa chọn những công cụ sửa sai phải được tiến hành ở cấp độ cao hơn cấp độ quốc gia và lựa chọn này không phải không tác động đến hoạt động kinh tế của các nước. Chính như thế mà Hoa Kì dường như thích hệ thống những giấy phép thương lượng được vì hệ thống này không đưa thêm những trưng thu mới vào nền kinh tế. Ngược lại Liên minh châu Âu cho rằng hệ thống lệ phí cho phép giảm áp lực thuế trên thu nhập hay tiêu dùng mà vẫn giữ ngân sách Nhà nước cân đối, đó là nguyên lí chia đôi gánh nợ (double dividende).
 BAUMOL W. J. & OATES W., The Theory of Environmental Policy, Cambridge, Cambridge University Press, 1988.  BONNIEUX F. & DESAIGUES B., Économie et politiques de lenvironnement, Paris, Dalloz, 1998.  BRADEN J. B. & KOLSTAD C. D. (chủ biên), Measuring the Demand for Environmental Quality, Amsterdam, Elsevier Science Publ., North-Holland, 1991.  DESAIGUES B. & POINT P., Économie du patrimoine naturel, Paris, Economica, 1993.  HAUSSMAN J. A. (chủ biên), Contingent Valuation, a Critical Assessment, Amsterdam, Elsevier Science Publ., North-Holland, 1993.  Coll. : Externalities of Energy, European Commission DG XII, Science Research and Development, Luxembourg, Office of Official Publication of EC, 1995.
Brigitte Desaigues
Giáo sư đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Đấu giá ; Giá cả và cấu trúc thị trường ; Kinh tế học công cộng ; Phân tích chi phí-lợi thế ; Tài nguyên thiên nhiên ; Thế hệ đan chéo.
NguồnDictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001.
Print Friendly and PDF