Robert Solow (1924-) |
Robert Solow, một nhà tiên phong về lý thuyết tăng trưởng
Gilles Dostaler
Là nhà kinh tế học keynesian, Robert Solow ở cội nguồn của lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển. Phân tích của ông nêu bật vai trò quyết định của tiến bộ kỹ thuật.
Đối với Robert Solow, trong kinh tế học cũng như trong các khoa học khác, không có chân lý cuối cùng và không thể vượt qua, không có "lý thuyết của mọi thứ".
Robert Solow thuộc nhóm các nhà kinh tế học keynesian, trong số đó phải kể đến đồng nghiệp của ông là Paul Samuelson, cũng như James Tobin và Walter Heller, những người đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế trong những năm đầu thập niên 1960, đặc biệt dưới thời Tổng thống John Kennedy. Là thành viên của Ủy ban các nhà cố vấn kinh tế của Tổng thống, Solow là một trong những kiến trúc sư của điều người ta gọi là "kinh tế học mới". Đó là thời điểm chiến thắng của chủ nghĩa can thiệp và người ta nghĩ là đã tìm ra cách để kiểm soát sự suy thoái và thất nghiệp. Từ kinh nghiệm này, Solow viết rằng kinh tế học mới đã cho phép nhận ra rằng kinh tế học vĩ mô có thể giúp hiểu được thế giới và, ở một mức độ nào đó, thay đổi nó.
James Tobin (1918-2002) |
Paul Sweezy (1910-2004) |
Về chính trị, Solow tự tuyên bố thuộc cánh trung tả, thân thiện với các chế độ tư bản chủ nghĩa hỗn hợp theo kiểu các chế độ ở Bắc Âu. Ông thậm chí còn thừa nhận đã đam mê lý thuyết kinh tế mác-xít, khi theo học các buổi giảng của Paul Sweezy. Nhưng ông nói thêm rằng chính người giám hộ của ông tại Đại học Harvard, Wassily Leontief, là người đã dạy ông về kinh tế học. Cùng với mười người khác được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển, trong đó có Samuelson, Stiglitz và Arrow, ông kêu gọi, ở kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2004, bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ John Kerry, cáo buộc những chính sách cắt giảm thuế một cách đại trà được lên kế hoạch trong chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa: "Tổng thống Bush và chính phủ của ông đã bắt tay vào một cuộc chạy đua vô ý thức và cực đoan gây nguy hiểm cho sức khỏe kinh tế của đất nước chúng ta về lâu dài."
Tăng trưởng và tiến bộ kỹ thuật
Roy F. Harrod (1900-1978) |
Walter Heller (1915-1987) |
Robert Solow là một tác giả viết nhiều, như thư mục của ông đã chứng minh, nhưng chính hai tác phẩm mang tính kỹ thuật rất cao, được công bố năm 1956 và 1957, mới làm nên sự nổi tiếng của ông và giúp ông đoạt được giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển. Chúng được coi là những tài liệu tạo lập lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển hiện đại. Tất nhiên, chủ đề này luôn thu hút sự quan tâm của các nhà kinh tế học. Những nhà kinh tế học cổ điển và Marx đã đặt tên cho chúng là sự tích lũy tư bản. Đối với Adam Smith và nhiều người kế thừa ông, sự tích lũy này là kết quả của tiết kiệm, được biến đổi thành đầu tư. Vào giữa thế kỷ XX, lấy cảm hứng từ Keynes, Roy F. Harrod và Evsey Domar đã xây dựng những mô hình làm nổi bật tính không ổn định của phát triển: ngay khi xa rời con đường tăng trưởng cân bằng, thì không có lực nào có xu hướng đưa ta trở lại con đường tăng trưởng cân bằng. Điều này được gọi là "đường đi trong đường tơ kẽ tóc".
Evsey Domar (1914-1997) |
Wassily Leontief (1906-1999) |
Mục tiêu đầu tiên của Solow, trong bài viết của ông năm 1956, là cho thấy sự tăng trưởng ổn định là điều khả thi. Để làm được điều ấy, chỉ cần bỏ đi một giả thuyết – theo ông không thực tế – của mô hình Harrod-Domar, giả thuyết về tính cố định các hệ số sản xuất, có nghĩa là quan hệ giữa số lượng lao động và tư bản được sử dụng trong sản xuất. Nếu chấp nhận mối quan hệ ấy mang tính linh hoạt và sẽ tự điều chỉnh với những thay đổi của tiền công các nhân tố, người ta có thể thấy rằng trong nền kinh tế có tồn tại một con đường phát triển ổn định được đặc trưng bởi toàn dụng lao động.
Nhưng đó không phải là thông điệp chính của Solow. Thông điệp chính là làm nổi bật vai trò của tiến bộ kỹ thuật trong sự phát triển, cho đến lúc bấy giờ đã bị bỏ qua. Thật vậy, sự tăng trưởng trên được giải thích bởi ba nhân tố: sự gia tăng tư bản, gắn với tiết kiệm; sự gia tăng lực lượng lao động, gắn với sự gia tăng dân số; và một nhân tố còn lại, ngoại sinh, đó là sự tiến bộ kỹ thuật, sự đổi mới. Chính nhân tố cuối này mới là nhân tố quan trọng nhất chứ không phải tỷ lệ tiết kiệm. Trong khi bài viết năm 1956 trình bày một mô hình lý thuyết trừu tượng, thì bài viết năm 1957 cung cấp các phương pháp đo lường thực nghiệm các nguồn gốc tăng trưởng, đặt nền tảng cho điều được gọi là kế toán tăng trưởng. Ứng dụng phương pháp của ông vào các dữ liệu của nền kinh tế Mỹ trong các năm 1909-1949, Solow phát hiện ra rằng gia tăng của lượng tư bản trên mỗi giờ lao động giải thích 1/8 mức phát triển, phần còn lại do sự tiến bộ kỹ thuật gây ra.
Sự tiến bộ kỹ thuật trên được hình thành dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là một tổ chức lao động và trang thiết bị hiện có tốt hơn. Nó cũng có thể được thể hiện trong trang thiết bị mới – trong những công việc trong tương lai, Solow giải thích tại sao phải xem xét cơ cấu về độ tuổi của tư bản bằng việc xây dựng những mô hình "có các thế hệ tư bản". Nó cũng có thể được thể hiện dưới hình thức cải thiện các kỹ năng của lực lượng lao động. Như vậy, Solow là một trong những nhà kinh tế học đầu tiên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những chi tiêu cho nghiên cứu và giáo dục để kích thích sự tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa ông cũng tin chắc rằng người ta không thể chỉ dựa duy nhất vào doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này. Chính phủ đóng một vai trò quan trọng. Năng suất là một vấn đề của nhà nước.
Từ những công kích cánh tả...
Frank Ramsey (1903-1930) |
Có một nghịch lý ở Solow. Ông không tin vào tính khả thi của một cuộc đối thoại mang tính xây dựng thực sự giữa các nhân vật chủ chốt xuất phát từ những định đề hoàn toàn đối lập nhau. Về vấn đề trên, ông nhắc lại lời của triết gia Frank Ramsey, người đã so sánh nhiều cuộc đối thoại mang tính hàn lâm với cuộc đối thoại này: "Hôm nay, tôi đi Grandchester. Thật buồn cười, tôi chưa đến đó". Đồng thời, sự nghiệp của ông được đánh dấu bởi những cuộc tranh luận gây gắt, mà sau đó ông luôn khẳng định rằng chúng làm ông mất thời giờ một cách vô ích.
Cuộc tranh luận đầu tiên, và được biết đến nhiều nhất, đối lập ông với các nhà lý thuyết hậu keynesian, những môn đồ cấp tiến của Keynes, tụ tập xung quanh Joan Robinson, Piero Sraffa, Nicholas Kaldor, Luigi Pasinetti và Pierangelo Garegnani. Hầu hết những nhà lý thuyết trên đều xuất thân từ Đại học Cambridge, ở Anh, trong khi Solow và đồng minh chính của ông, Samuelson thì xuất thân từ Đại học Cambridge, ở Massachusetts, người ta nói đến "cuộc chiến của hai trường Cambridge", nổ ra ác liệt trong những năm 1950 và 1960. Những nhà lý thuyết hậu keynesian đã không chấp nhận sự tồn tại của một mô hình tăng trưởng ổn định. Lỗ hổng chính của mô hình này, theo họ, là tin rằng có thể đo lường một đại lượng được gọi là "tư bản" độc lập với sự hiểu biết về giá cả và tỷ suất lợi nhuận. Một khi việc đo lường tư bản phụ thuộc, trong số nhiều nhân tố khác, vào tỷ suất lợi nhuận, thì mô hình tân cổ điển để xác định giá cả và thu nhập, mà theo đó người ta suy ra sự ổn định tăng trưởng, sẽ sụp đổ.
Solow đáp lại sự phê phán trên, trong số nhiều phê phán khác, bằng cách giới thiệu một khái niệm mới, khái niệm về tỉ suất lợi tức của tư bản. Đặc biệt, ông đã viết, ở trang đầu của một trong những bài viết về cuộc đấu quyền này: "Tôi đã từ lâu từ bỏ ảo tưởng cho rằng những người tham gia cuộc tranh luận này thực sự giao tiếp với nhau". Việc quan điểm tân cổ điển của Solow và Samuelson đã được Joan Robinson mô tả như là "chủ nghĩa keynes tạp chủng" minh họa sự khắc nghiệt của một cuộc tranh luận được kết thúc bởi sự kiệt sức của những người đấu quyền, không thực sự loại ai khỏi vòng chiến.
... và đến những công kích cánh hữu
Sau khi đánh vào cánh tả, Solow tấn công đến góc phải của võ đài từ những năm 1970, với sự nổi lên của chủ nghĩa trọng tiền, và của kinh tế học vĩ mô cổ điển mới. Trong khi các học giả hậu keynesian công kích mô hình tăng trưởng năm 1956 của ông, thì các học giả tân tự do đã công kích đường cong Phillips, mà ông đã giới thiệu với Samuelson trong một bài viết năm 1960. Đường cong ấy cho thấy tồn tại một sự đánh đổi ổn định giữa lạm phát và thất nghiệp (tỉ suất này thấp thì sẽ làm tỉ suất kia cao hơn) và cung cấp cho các nhà lãnh đạo chính trị một sự lựa chọn mục tiêu bằng các chính sách tài khóa và tiền tệ.
Robert Lucas (1937-) |
Milton Friedman (1912-2006) |
Milton Friedman ra tay trước vào năm 1968, khi khẳng định sự tồn tại của một tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, mà các chính sách kinh tế truyền thống không thể làm giảm được. Vì vậy, không có sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp trong dài hạn. Đối với các nhà kinh tế học cổ điển mới, thì cũng không có sự đánh đổi trong ngắn hạn, đến mức mọi chính sách kinh tế đều không hiệu quả. Solow nói rằng với sự phổ biến đang tăng lên của các lý thuyết mới, ông đã bắt đầu giảng dạy "kinh tế học vĩ mô đối lập". Ông trở thành một trong những nhà phê bình dữ dội nhất những phương pháp tiếp cận mới nào tập trung vào sự tự điều chỉnh của các thị trường và chủ trương triệt thoái Nhà nước ra khỏi kinh tế. Trong khi thừa nhận đường Phillips có thể không có sự ổn định mà ông đã gán cho nó, ông vẫn không chấp nhận khái niệm về tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên. Liên quan đến các luận điểm, còn triệt để hơn, về sự thiếu hiệu quả của các chính sách kinh tế, của Lucas, Sargent và Barro, dựa trên giả thuyết về sự thực hiện liên tục và hoàn hảo của cân bằng thị trường, Solow nói rằng sự dè dặt của ông là cơ bản.
Tom Sargent (1943-) |
Robert Barro (1944-) |
Những luận điểm trên, trong mắt ông, xuất phát từ một ảo tưởng mang tính lý thuyết và phương pháp luận: luận điểm về sự tồn tại của một khoa học kinh tế phổ quát, dựa trên tiên đề của tính duy lý, bỏ qua ảnh hưởng của các thể chế xã hội, niềm tin và ý thức hệ. Theo Solow, không riêng gì trong kinh tế học mà còn ở nhiều khoa học khác, không hề có một chân lý cuối cùng và không thể vượt qua, không có "lý thuyết của mọi thứ".
Rõ ràng, Robert Solow đã không bằng lòng với việc tranh luận và bảo vệ những đóng góp của ông vào những năm 1950. Ngoài nhiều công trình mà ông đã dành cho sự tăng trưởng, ông còn tập trung, trong số những công trình khác, vào các chính sách việc làm và ổn định, vào các nghiên cứu về thị trường lao động, vào các kỹ thuật quy hoạch tuyến tính, vào kinh tế học đô thị và vào vấn đề các tài nguyên không thể tái tạo.
Robert Solow qua vài năm tháng
1924: Sinh tại Brooklin, ngày 23 tháng Tám.
1949: Thạc sỹ tại Đại học Harvard.
1950: Khởi nghiệp tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
1951: đỗ tiến sĩ tại Đại học Harvard.
1956: A Contribution to the Theory of Economic Growth (Một đóng góp cho lý thuyết tăng trưởng kinh tế).
1957: Technical Change and the Aggregate Production Function (Thay đổi kỹ thuật và hàm sản xuất gộp).
1958: Linear Programming and Economic Analysis (Quy hoạch tuyến tính và phân tích kinh tế), đồng tác giả với Robert Dorfman và Paul A. Samuelson.
1960: Analytical Aspects of Anti-Inflation Policy (Các khía cạnh phân tích của chính sách chống lạm phát), đồng tác giả với Paul A. Samuelson. Investment and Technical Progress (Đầu tư và tiến bộ kỹ thuật).
1961: được trao Huy chương John Bates Clark, vì những đóng góp xuất sắc của một nhà kinh tế học dưới 40 tuổi.
1961-1962: Thành viên của Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Kennedy.
1963: Capital Theory and the Rate of Return (Lý thuyết tư bản và tỉ suất lợi tức).
1964: The Nature and Sources of Unemployment in the United States (Bản chất và nguồn gốc của thất nghiệp tại Hoa Kỳ).
1969: Price Expectations and the Behavior of the Price Level (Những kỳ vọng về giá và hành vi về mức giá).
1970: Growth Theory: an Exposition (Giới thiệu về Lý thuyết phát triển).
1973: Does Fiscal Policy Matter? (Chính sách tài chính có quan trọng không?), đồng tác giả với Alan S. Blinder.
1979: Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ.
1980: On Theories of Unemployment (Bàn về các lý thuyết thất nghiệp).
1987: nhận giải thưởng về khoa học kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.
1988: Growth Theory and After (Lý thuyết phát triển và sau đó).
1989: Made in America: Regaining the Productive Edge (Các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ: Giành lại lợi thế sản xuất), đồng tác giả với Michael Dertouzos và Richard K. Lester.
1990: The Labor Market as a Social Institution (Thị trường lao động như một thể chế xã hội).
1995: nghỉ hưu Học viện MIT. Critical Essay on Modern Macroeconomic Theory (Tiểu luận phê bình về Lý thuyết kinh tế vĩ mô hiện đại), đồng tác giả với Frank H. Haln.
1998: Work and Welfare. Monopolistic Competition and Macroeconomic Theory (Lao động và phúc lợi. Sự cạnh tranh độc quyền và Lý thuyết kinh tế vĩ mô).
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Solow
• Une contribution à la théorie de la croissance économique, dans Problématiques de la croissance, vol. 1, của Gilbert Abraham-Frois (chủ biên), 1974.
• Programmation linéaire et gestion économique, đồng tác giả với Robert Dorfman et Paul A. Samuelson, Dunod, 1962.
• Théorie du capital et taux de rendement, Dunod, 1970.
Những tác phẩm viết về Solow
• Entretien avec Robert M. Solow, dans Entretien avec des économistes américains, của Arjo Klamer, Le Seuil, 1988.
• Growth, Productivity, Unemployment: Essays to Celebrate Bob Solow’s Birthday, của Peter Diamond (chủ biên), MIT Press, 1990.
• Growth Theory: Solow and his Modern Exponents, của Dipankar Dasgupta, Oxford University Press, 2005.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Robert Solow, pionnier de la théorie de la croissance” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012