25.9.18

Một cái lõi tâm lý học cho kinh tế học


PTKT: Theo yêu cầu của các dịch giả, chúng tôi xin rút xuống bài Tổng quan: Nền kinh tế chính trị của Trung Quốc” đã đăng hôm qua (24/09) và xin chuyển lời xin lỗi chân thành của nhóm dịch giả đến bạn đọc.

MỘT CÁI LÕI TÂM LÝ HỌC CHO KINH TẾ HỌC

Nghĩ về tâm trí như một mạng lưới mà quá trình tâm lý của ta diễn ra bên trong và dựa trên đó mang lại cho ta một nhận thức sâu sắc về sự vận động của tâm trí và hành vi, từ đó thay đổi căn bản cách ta nghĩ về hành vi kinh tế. Điều này cho phép ta tích hợp thành một khối thống nhất tất cả những biểu hiện quái gở và cục bộ của tâm lý và hành vi con người, và đặt chúng vào trung tâm sự hiểu biết của ta về nền kinh tế.
Vào những ngày đầu khi kinh tế học được xác định như một khoa học, tâm lý học đã nằm trong cái lõi của phân tích kinh tế. Sylvia Nasar đã kể câu chuyện về cha đẻ của kinh tế học phân tích, Alfred Marshall trong những năm đầu của sự nghiệp đã xem xét việc trở thành một nhà tâm lý học hình thái (gestalt) như thế nào. Thực vậy, như tôi đã đề cập trong một bài khác, Marshall khẳng định rằng về bản chất, khoa học tâm lý là bộ phận rất quan trọng của kinh tế học ngay trong câu mở đầu nổi tiếng của tác phẩm Các Nguyên lý của Kinh tế học [Principles of Economics] của ông:
Alfred Marshall (1842-1924)

Kinh tế Chính trị hay Kinh tế học là ngành nghiên cứu về loài người ở phương diện hoạt động giao thương hàng ngày của đời sống; nó xem xét phần hành động xã hội và cá nhân, những phần này gắn chặt nhất với việc sử dụng những vật dụng cần thiết cho phúc lợi.
Nghĩa là, một mặt đây là ngành nghiên cứu về của cải; nhưng mặt khác, và cũng là phần quan trọng hơn, đây cũng chính là một phần của ngành nghiên cứu về con người.
Luigino Bruni (1966-)
Robert Sugden (1949-)
Luigino Bruni và Robert Sugden đã thu thập tài liệu cho thấy bằng cách nào mà, vì nhiều lý do khác nhau (nhưng về cơ bản là vì các nhà kinh tế muốn tránh xa những tranh luận gay gắt trong những buổi bình minh của ngành tâm lý học), ngành tâm lý học đã bị kinh tế học gạt ra ngoài lề. Những phần tri thức về tâm lý học còn sót lại trong kinh tế học dưới những hình thức khác nhau như những tri thức khá lỗi thời thừa hưởng từ Francis Edgeworth trong cuốn Tâm lý trong Toán học [Mathematical Psychics] hay nghiêng hẳn về thuyết hành vi bắt nguồn từ Paul Samuelson. Quan điểm này cho rằng các cá nhân lựa chọn một cách “duy lý” tức là có hành vi gắn với “lợi ích” cao nhất và thoát khỏi một nhóm các đối chọn bị ràng buộc khác.
Matthew Rabin (1963-)
Richard Thaler (1945-)
Richard Thaler và Danny Kahneman đặc biệt khởi xướng việc tái hợp các nhà kinh tế học với tâm lý học bằng việc nêu bật những sự khác biệt chủ yếu của hành vi “lựa chọn duy lý” và hành vi thông thường. Việc tái hợp này thường được biết đến với tên gọi là kinh tế học “hành vi” (vâng, là “behavioral” chứ không phải là behavioural, đây chính là một sự khác biệt). Tuy nhiên, sự kết hợp này cho đến nay đã khá rời rạc, phần lớn được xây dựng trên việc thay đổi mô hình “lựa chọn duy lý” cơ bản để giải thích cho “thiên lệch [nhận thức]” (bias) này hoặc “thuật phát hiện” (heuristic) kia. Đây là một cách tiếp cận tích hợp tâm lý học vào kinh tế học mà Matthew Rabin gọi là “những phần mở rộng linh hoạt của các mô hình hiện có”.
Peter Earl (1955-)

Peter Earl, một trong những giáo viên hướng dẫn luận văn Tiến sĩ của tôi tại Đại học Queensland [Úc] có quan điểm khác. Ông cho rằng cần phải tích hợp toàn diện tâm lý học vào cái lõi của phân tích kinh tế. Nghĩa là Kinh tế học cần được phân tích từ mô hình tâm lý của hành vi cá nhân, chứ không chỉ đơn thuần tích hợp những tri thức vụn vặt của tâm lý học vào các khía cạnh của một mô hình kinh tế của hành vi. Những ý tưởng trên được Peter viết trong ba công trình nổi bật: Tưởng tượng Kinh tế [The Economic Imagination], Tưởng tượng Tập đoàn [The Corporate Imagination] và Kinh tế học Phong cách sống [Lifestyle Economics].


Để xây dựng “mô hình UQ” của các nền kinh tế như các mạng lưới tiến hóa phức tạp được hình thành dựa vào việc các cá nhân hành động trên cơ sở tâm lý và địa vị xã hội của họ, tôi đã kế thừa từ công trình của Peter Earl và từ đó phát triển công trình của mình bằng cách tận dụng sức mạnh của phân tích toán học. Kết quả là một mô hình chặt chẽ có thể đặt vào cái lõi của các mô hình về nền kinh tế. Đột nhiên, những biểu hiện quái quở và cục bộ của tâm lý và hành vi con người mà các nhà kinh tế học hành vi xác định không còn rời rạc nữa, mà thay vào đó là các khía cạnh hợp lý của tâm trí con người.
Nếu bạn có thể kiên nhẫn với tôi và đọc hết những gì là cần thiết của một bài viết tốn khá nhiều trí não vì độ dài của nó, thì tôi hứa với bạn rằng bạn sẽ hái được quả ngọt từ việc hiểu biết về hành vi kinh tế của con người.
Tâm trí như một mạng lưới
Làm thế nào để bạn mô hình hóa một thứ rất phức tạp, rối rắm và mang tính cá nhân như tâm trí con người? Tâm trí sinh ra từ bộ não con người chính là một trong những đối tượng nghiên cứu phức tạp nhất trong vũ trụ. Để tìm hiểu về tâm trí con người, ta cần trở về với quá trình tinh thần cơ bản nhất của nó.


Trên điểm này, điều khác thường là các nhà triết học và nhiều nhà tâm lý học đều đồng ý với nhau. Quá trình tinh thần cơ bản là quá trình hình thành của một liên kết. Hume (trong cuốn Luận về sự Hiểu biết của Con người [An Enquiry concerning Human Understanding]) và Kant (trong cuốn Phê phán Lý tính Thuần túy [Critique of Pure Reason]) đều nói về tư duy như là một quá trình “liên tưởng” (association) và “liên kết” (connexion) giữa những đối tượng và các sự kiện trên thế giới; việc thiết lập sự giống nhau của chúng, mối liên hệ của chúng với nhau, xác định đâu là nhân và đâu là quả. Tương tự, John Dewey trong cuốn Cách ta nghĩ [How We Think] cũng đề cập đến những suy nghĩ “suy luận ra những mối liên hệ vô hình” giữa các sự kiện và những đối tượng trong thế giới. Trong cuốn Lý thuyết về Tính cách [Theory of Personality] của mình, George Kelly cũng nói về những suy nghĩ như thứ “được truyền tải” bằng cách ta “giải thích về các sự kiện”. Nhà kinh tế học vĩ đại Friedrich Hayek cũng đã viết một cuốn sách, đặc biệt am hiểu tâm lý học, Trật tự Tri giác [The Sensory Order], trong đó ông viết về những suy nghĩ như là những nhận thức được phân loại bằng cách “lọc” thông qua các mạng lưới tế bào thần kinh.


Bất cứ lúc nào suy nghĩ, chúng ta đều đang tạo dựng các liên kết. Khi bắt đầu giải thích về mối liên hệ giữa hai đối tượng, ta đang tìm kiếm mối liên hệ vô hình giữa hai sự vật ở trong thế giới, chẳng hạn, các đối tượng vật lý như là “vợ” và tên gọi của nàng, hoặc vẻ đẹp của nàng hoặc các cảm giác của tôi đối với nàng. Khi giải thích mối liên hệ giữa hai sự kiện, ta đang tìm kiếm mối liên hệ vô hình giữa hai sự việc ở trong thế giới, chẳng hạn, mối liên hệ giữa sự việc một quả bi da chạm vào một quả bi da khác với nguyên nhân khiến nó di chuyển. Ta giải thích những thứ này theo một thứ tự nhất định, nếu xem việc kết nối các đối tượng là âm thanh của động cơ [tức kết quả hoạt động của động cơ – ND], thì động cơ có thể xem là nguyên nhân gây ra sự chuyển động của một chiếc xe.
Một liên kết giữa hai đối tượng hoặc sự kiện trong tâm trí con người vốn tồn tại trong một mạng lưới các liên kết rộng lớn hơn, các liên kết này cùng nhau dệt nên một tấm “bản đồ” của thế giới và con đường mà chúng “ăn khớp với nhau”. Người Đức gọi nó bằng một từ kinh điển không thể dịch ra được, đó là weltanschauung, một kiểu “thế giới quan”. Đơn giản hơn, chúng tôi gọi nó là mạng lưới tinh thần của con người.
Các nút trong mạng lưới tinh thần của ta tương ứng với danh từ, tính từ, chủ thể, khách thể, bộ mô tả kí hiệu của các đối tượng và những sự kiện trong thế giới. Các liên kết trong mạng này tương ứng với các mối liên kết giữa các đối tượng và những sự kiện đó, tương đương với các kí hiệu “nếu, sau đó, bởi vì, cho nên, là, không phải là”, v.v..
Toàn bộ mạng lưới tinh thần thể hiện toàn bộ sự hiểu biết của ta về thế giới, về “những thứ” ở trong thế giới, và về các mối liên hệ giữa “những thứ” đó mà ta đi tìm lời giải thích. Nó thể hiện toàn bộ tri ​​thức của ta về thế giới và cả về kí ức của ta nữa. Đó là cái thứ mà quá trình tâm lý diễn ra bên trong, và dựa trên đó.
Quá trình tâm lý trong các mạng lưới tinh thần: nhận thức, phân tích, quyết định
Ta tồn tại trong một thế giới tràn ngập thông tin. Hiện tại, tôi không hiểu thế giới theo nghĩa thế giới trong thời đại-internet tràn ngập những phương tiện truyền thông, thông tin liên lạc, mà tôi hiểu [thế giới] theo nghĩa mà các nhà vật lý lượng tử vẫn hay sử dụng. Bản thân thế giới là sự biểu thị thông tin.
Khi nói rằng những nền kinh tế là những mạng lưới tiến hóa phức tạp được hình thành dựa vào việc các cá nhân hành động trên cơ sở tâm lý và địa vị xã hội của họ, điều này có nghĩa là những gì ta hiểu đều dựa vào hành động trên cơ sở “địa vị xã hội” của ta. Địa vị xã hội là một địa vị gốc trong không gian và thời gian vốn chứa đựng thông tin có tính địa phương của nó, đặc biệt trong thông tin xã hội đặc thù. Phản ứng của ta đối với thông tin đó là những gì thể hiện ở trong hành vi của ta, cụ thể là các hành vi mua và bán, sản xuất và trao đổi — tức là hành vi kinh tế của ta.
Trước khi có thể phản ứng với môi trường xung quanh, ta cần chuyển đổi thông tin dạng thô trong thế giới thành một số biểu trưng của thông tin trong tâm trí của mình. Đó là chức năng của nhận thức. Nhận thức lấy thông tin trong môi trường của địa vị xã hội của ta và biến nó thành những giao điểm trong các mạng lưới tinh thần vốn kí hiệu hóa các đối tượng và những sự kiện khác nhau biểu thị thông tin đó. Nhận thức là quá trình mà “những điểm nút” trong mạng lưới tinh thần của ta “sáng lên”, và cảnh báo cho ta về “những gì đang diễn ra” trong môi trường xung quanh. Đó là những gì ta làm khi ta “nhìn thấy” (theo nghĩa đen) một thứ gì đó.
Ví dụ, nếu đi dạo quanh một trung tâm mua sắm (các ngôi đền của chủ nghĩa tư bản) hoặc trên con phố mua sắm (biến thể của lý tưởng này ở Anh), ta gần như bị ngập chìm trong thông tin, cái mà sẽ chỉ cho ta thấy hành vi kinh tế của chính mình. Trong môi trường này, ta có (hoặc không) nhận thấy nhiều cửa hàng, con người và sản phẩm khác nhau mà ta có thể mua (sức lao động mà ta có thể bán cũng tăng lên).
Duncan Ironmonger (1931-)
Kelvin Lancaster (1924-1999)
Các đối tượng cơ bản của hoạt động kinh tế không phải là những điều duy nhất mà ta có thể biết. Hai nhà kinh tế học vĩ đại người Úc, Duncan IronmongerKelvin Lancaster, cho ta biết rằng ta sẽ nhận biết được các thuộc tính khác nhau của hàng hóa và dịch vụ mà ta đang xem xét. Ví dụ, ta sẽ nhận biết được mùi, màu sắc, độ nhám mịn và các đặc tính khác của các loại thực phẩm, xà phòng và quần áo khác nhau cũng như các cửa hàng và những người bán chúng. Ulrich Witt, một trong những thần tượng trí thức (intellectual hero) của tôi, lưu ý rằng ta cũng sẽ biết được sự gợi ý của nhiều mong muốn và nhu cầu khác nhau. George LoewensteinMichelle Baddeley, một giáo sư hướng dẫn luận án Tiến sĩ của tôi lại lưu ý rằng ta có thể quan sát được các cảm xúc mà môi trường này gợi ra.
Ulrich Witt (1946-1999)
Nhưng thực ra, các đối tượng và những sự kiện này không hoàn toàn có “ý nghĩa” với ta; chúng không có ý nghĩa gì cả, trừ khi ta kết nối chúng với nhau và tạo thành một cách hiểu về mối liên hệ của chúng. Đây chính là chức năng phân tích của trí não. Phân tích là quá trình mà ta tạo ra các liên kết có trong các mạng lưới tinh thần từ các kết quả nhận thức khác nhau của môi trường xung quanh và áp vào chúng để hiểu mối liên hệ giữa các đối tượng và những sự kiện trong môi trường này.
Bằng cách này, ta hiểu được tình cảnh của mình, tức là hiểu được mối liên hệ giữa các đối tượng và những sự kiện khác nhau. Ta vận dụng những tri ​​thức được tích lũy của mình về một thế giới tổng quát để vươn đến tri ​​thức về một tình cảnh cụ thể. Nghĩa là từ “bản đồ” về thế giới của mình, ta đã tạo ra một “mô hình” như Hayek đã đề cập đến trong cuốn Trật tự Tri giác.
Vì vậy, trong các trung tâm mua sắm hoặc phố mua sắm, bằng cách vận dụng các mạng lưới tinh thần lẫn các tri ​​thức của mình, ta kết nối các loại thực phẩm và xà phòng và quần áo khác nhau với các thuộc tính của chúng (mùi, màu sắc, v.v.) với cửa hàng và với những người bán chúng. Những thuộc tính của hàng hóa và dịch vụ, người bán, và nơi bán lần lượt kết nối với nhiều đối tượng khác, cả trong hiện tại lẫn kì vọng trong tương lai, và cuối cùng là với những mong muốn, nhu cầu và cảm xúc mà chúng thỏa mãn ta.
Hoạt động phân tích thông tin của ta trong môi trường sẽ trở thành tri ​​thức về việc bằng cách nàotại sao ta tham gia vào các chuỗi hành động khác nhau. Việc vận dụng những tri thức này cho ta biết bằng cách nàotại sao ta lại mua và bán, sản xuất và trao đổi.
Tri thức này chứa một cảm giác có ý thức và các cảm giác này luôn có các phẩm chất thẩm mỹ (aesthetic quality). Các phẩm chất thẩm mỹ là cơ sở cho phép ta xác lập rằng ta thích cái này hơn cái khác. Điều đó có nghĩa ta có thể nói rằng khối tri ​​thức nhất định của ta về các kết quả của hành vi kinh tế cho ta biết ta có ít hay nhiều khả năng thích thứ này hơn những thứ khác.
Có một sự thật rằng ta luôn làm những gì mà ta nghĩ là tốt nhất, và việc đó chính là do tri ​​thức của ta hướng dẫn ta để quyết định quá trình hành động nào liên quan đến các kết quả được kì vọng thích hợp nhất. Đối với hành vi kinh tế, điều đó có nghĩa là ta mua và bán, sản xuất và trao đổi trong một phương thức như thế nhằm thỏa mãn các nhu cầu, mong muốn và cảm xúc của ta theo cách thích hợp nhất với tri thức về việc bằng cách nàotại sao ta lại hành động trong thế giới là cho trước. Lưu ý yếu tố cá nhân trong trường hợp này, nó cho rằng không có sự tồn tại của một vài giá trị đạo đức phổ quát, cũng như cho rằng mọi người hành động theo tri ​​thức cá nhân của riêng họ về việc bằng cách nàotại sao họ lại hành động trong thế giới.
Friedrich Hayek (1899-1992)
Đây là ý mà Friedrich Hayek và các nhà kinh tế học theo trường phái “Áo” nói đến khi họ cho rằng nền kinh tế là một hệ thống tri thức điều phối các hành động cá nhân đơn lẻ. Sự nhận thức, tức những gì ta “thấy” chỉ có ý nghĩa trong tri thức của mình, tức những điều ta “biết”, và chính tri thức này cho ta biết hành vi kinh tế chính là hành vi cá nhân, bởi vì nó cho ta biết tất cả hành vi của mình.
Hãy lưu ý rõ ý nghĩa của toàn bộ quá trình này. Thông tin được nhận thức, sự nhận thức này được phân tích, và sau đó sự phân tích cho ta biết về hành vi. Nếu thay đổi cơ sở cho sự phân tích này, tức tri thức của ta về thế giới, thì ta sẽ thay đổi cách hành xử của con người. Nếu thay đổi thông tin trong môi trường, hoặc thậm chí chỉ đơn thuần thay đổi cách trình bày thông tin, ta sẽ thay đổi được cách hành xử của con người.
Nhìn nhận tâm trí như một cấu trúc mạng lưới cho thấy hành vi có thể biến đổi và thay đổi, ngay cả khi không cho phép cấu trúc đó tiến hóa. Với cơ sở tâm lý này về hành vi kinh tế, nền kinh tế trở thành hệ thống có thể biến đổi và thay đổi, tại ngay cái lõi của hệ thống tiến hóa.
Quá trình tâm lý trên các mạng lưới tinh thần: sự tiến hóa
Thực tế là tâm trí con người, tức cách ta nghĩ, thay đổi theo thời gian. Các mạng lưới tinh thần tiến hóa như cách ta tích lũy tri thức và kí ức mới, và chúng biến mất như cách kí ức phân hủy. Phương thức mà trong đó tâm trí con người tiến hóa phụ thuộc vào các quá trình được ghi nhận khá tốt.
Arthur Koestler (1905-1983)

“Trí tuệ cần thiết” (indispensable intellectual) mà Arthur Koestler đề cập trong cuốn Hành động Sáng Tạo [The Act of Creation] cho rằng tất cả những suy nghĩ sáng tạo đều là hoạt động sáng tạo của các “song tưởng hợp bích” (bisociation) trong tâm trí kết hợp các khái niệm cho đến giờ chưa được kết nối lại với nhau. Cách kết hợp các từ với nhau để viết ra thể loại văn học mới, cách đưa cọ chạy dọc theo khung vẽ để tạo ra một thể loại nghệ thuật mới, cách sắp xếp các âm điệu để tạo ra một thể loại âm nhạc mới, tất cả chúng đều là những phương thức mới mẻ để kết nối mọi thứ lại với nhau. Trong cuốn Lý Thuyết Phát Triển Kinh Tế [Theory of Economic Development], Joseph Schumpeter đưa những điều này vào những gì đang diễn ra hàng ngày trong thế giới kinh tế khi nhận ra rằng tư duy sáng tạo là một phương thức qua đó ta phát triển các kĩ thuật kết hợp mới trong các quá trình sản xuất.


Tự bản chất, suy nghĩ sáng tạo là hư vô, không có yếu tố bẩm sinh, theo định nghĩa, vì nếu không thì suy nghĩ sáng tạo sẽ không còn mang tính sáng tạo nữa. Nhưng các liên kết mới cũng có thể trình hiện cho ta qua thông tin trong thế giới, bằng nhận thức. Ta có thể nhận biết được rõ ràng các liên kết giữa các đối tượng với những sự kiện trên thế giới — quả nhiên đây là nguồn gốc của sự bất đồng chính giữa Kant và Hume. Kant cho rằng có một thứ gọi là “phán đoán tổng hợp tiên nghiệm”, thứ mà ta sẽ gọi là suy nghĩ sáng tạo, còn Hume trong tác phẩm trước đó của ông Một Luận Thuyết Về Bản tính Con người [A Treatise of Human Nature] nghĩ rằng cội nguồn duy nhất của các liên kết tinh thần mới chính là “dữ liệu-cảm giác” [sense-data], thứ mà ta gọi là nhận thức.
Nguồn suối sau của các liên kết mới này là cội nguồn của rất nhiều ý tưởng khoa học. Nhà thí nghiệm quan sát thấy rằng natri nguyên chất hòa tan và sủi bọt trong nước, gợi cho nhà thí nghiệm một mối liên hệ tới phản ứng giữa Na và H2O. Hiệu suất làm việc mạnh mẽ của Google, một công ty có cách tiếp cận “không nhúng tay vào” (hands off) khác thường để quản lý công ty (xem cuốn Google hoạt động như thế nào [How Google Works]), chỉ ra rằng có một kết nối giữa triết lý “hãy để người thông minh làm việc của họ” với một công ty mạnh.
Cardinal Newman (1801-1890)

Các liên kết đơn lẻ mới, được tạo ra hay được nhận thức, không làm cho tâm trí tiến hóa trừ phi chúng được chấp thuận, sử dụng cụm từ nổi tiếng của Cardinal Newman trong cuốn Ngữ Pháp Chấp thuận [Grammar of Assent]. Và khả năng được ta chấp thuận, và kết hợp các liên kết lại thành tri thức của ta tùy thuộc vào sự chi phối của ba quy luật.
1. Quy luật đề xuất:
Hầu như là vấn đề về logic, nếu ta nhận thức một liên kết mới rõ ràng giữa các đối tượng và những sự kiện, chúng có nhiều khả năng chấp thuận liên kết đó.
Đây là ý tưởng đằng sau việc giảng dạy và đối thoại. Nói rằng tôi cho bạn biết về các liên kết bao gồm các lập luận toán học như 2+2+4 = 4+4 = 8 hay các lập luận chính trị như “tự do cần thiết cho sự thực nghiệm với các phong cách sống, thực nghiệm với các phong cách sống là cần thiết để sống một Cuộc đời Tốt đẹp, cho nên tự do là cần thiết để con người sống một Cuộc đời Tốt đẹp” hoặc các lập luận đại loại như thế. Tôi có nhiều khả năng để bạn chấp thuận các liên kết đó hơn là tôi để mặc bạn những đỏng đảnh của cơ may nhằm khám phá chúng.
2. Quy luật chống lại tại phần lõi:
Đây là hệ luận của nghiên cứu về tính cách của George Kelly, và điều này cho ta biết rằng càng có nhiều sự kết hợp làm thay đổi các mạng lưới tinh thần tại phần lõi của chúng (một khái niệm được xác định rõ trong lý thuyết về mạng lưới), càng khiến ta ít khả năng chấp thuận liên kết đó.

M. Scott Peck (1936-2005)
George Kelly dạy cho ta biết rằng không phải tất cả “các cấu trúc cá nhân” (tập hợp của các liên kết tinh thần) đều bình đẳng, có phần “lõi” trong tính cách của mình. Phần lõi này bao gồm, nhưng không có giới hạn nào cho nó, chuẩn mực đạo đức của ta. Nó bao gồm tri thức của ta về mối liên hệ thân thuộc nhất. Kelly (và sau đó, tình cờ, M. Scott Peck trong cuốn Con đường ít Người đi [The Road Less Travelled]) dạy ta rằng việc thay đổi tâm trí làm ta thấy khó chịu. Do đó, tại sao con người lại đau đớn khi mất đi người mình yêu, hay tại sao một người nào đó hoàn toàn chống lại những ý tưởng làm thay đổi tính đạo đức cơ bản của họ các liên kết như thế này sẽ thay đổi chính phần lõi trong con người chúng ta.
3. Quy luật chống lại sự bất đồng:
Leo Festinger (1919-1989)

Đây là hệ luận trực tiếp của công trình Lý thuyết về sự Bất đồng Nhận thức [Theory of Cognitive Dissonance] nổi tiếng của Leo Festinger, và nó cho rằng càng có nhiều liên kết được khơi ra trong tâm trí mâu thuẫn với một liên kết mới, càng khiến ta ít có khả năng chấp thuận liên kết đó.
Tôi đã viết ở một bài khác về những mối hiểm nguy mà điều này đặt ra cho các hệ thống chính trị khi trong các tình huống nghiêm trọng làm giảm năng lực thuyết phục và đưa cuộc tranh luận của ta về điểm số không giữa “các bộ lạc” chính trị. Nhưng đó cũng là lý do trở thành một nhà kinh doanh (entrepreneur) là rất khó. Trong cuốn Lý thuyết về Phát triển Kinh tế, Joseph Schumpeter cho rằng sự khó khăn khi đối mặt với các nhà kinh doanh, những người, mà theo định nghĩa, thực sự thách thức con đường “mọi thứ đã xong”. Leon Festinger cho ta biết lý do tại sao: thách thức con đường “mọi thứ đã xong” chính là tạo ra sự bất đồng trong nhận thức, và sự bất đồng trong nhận thức làm ta vô cùng khó chịu.
Nhưng tri thức không chỉ phát triển, mà nó cùng với kí ức phân hủy theo thời gian như tất cả các cấu trúc trong vũ trụ theo định luật Entropy.
4. Định luật Entropy, hay quá trình phân hủy kí ức:
Sức mạnh (hay sự “sống động”) của những liên kết trong các mạng lưới tinh thần sẽ giảm dần theo thời gian với vận tốc thường chậm hơn so với việc khơi gợi liên kết trong quá khứ, và chỉ có thể đảo ngược vận tốc với năng lượng được sử dụng để khơi gợi liên kết đó.
Ngay khi các ý tưởng mới được kết hợp vào trong các mạng lưới tinh thần của ta, chúng bắt đầu phân hủy vào hư vô, trừ phi thể hiện được sức mạnh mà ta tạo mới liên tục ra chúng.
Vì vậy, một lần nữa, khi ta thấy hành vi kinh tế bị chi phối bởi một tâm lý có thể tiến hóa, bởi tri thức vốn có thể tiến hóa, các nền kinh tế của chúng ta bộc lộ ra là các hệ thống tiến hóa ngay tại chính phần lõi của chúng. Theo thời gian, tri ​​thức của ta, tư duy của ta, tâm trí của ta phát triển và thay đổi cơ sở mà dựa vào đó ta quyết định hành vi kinh tế, và bởi vì cơ sở cho hành vi kinh tế thay đổi, cho nên cũng làm thay đổi hành vi kinh tế.
Chinh phục các miền đất tri thức mới
Bài viết này đã là một bài viết tốn khá nhiều trí não. Nhưng ta hãy kết luận bằng cách đưa mắt về phía trước đến những miền đất tri thức mới mà mô hình của ta có thể giúp ta chinh phục, việc đó như là một phần thưởng cho những nỗ lực của ta. Với mô hình này trong tay, ta có thể hiểu nhiều hành vi kinh tế mới như là một phần của một toàn thể chặt chẽ, mà trước đây chỉ có thể hiểu được thông qua “Những phần Mở rộng Linh hoạt của các Mô hình Hiện có”.
Ví dụ, theo một nghiên cứu chuyên sâu đặc biệt được thảo luận trong cuốn Các Nền tảng Phân tích Kinh tế [Foundations for Economic Analysis], công trình kĩ thuật này mô tả “mô hình UQ” là cách thức mà trong đó hành vi liên quan đến tính không thể thay thế (non-substitutability) thì có thể tồn tại cùng nhau với hành vi có liên quan đến tính có thể thay thế (substitutability). Đó là sự phân biệt khá kĩ thuật mà tôi hy vọng sẽ thảo luận nhiều hơn trong tương lai, bởi vì mặc dù có tính kĩ thuật, nó vẫn có các hệ quả sâu sắc về cách ta hiểu hành vi kinh tế, và do đó có các hệ quả sâu sắc về con đường mà các nền kinh tế của chúng ta hình thành và tiến hóa.
Những nghiên cứu chuyên sâu khác được trình bày tỉ mỉ trong hai công trình kĩ thuật của tôi mà tôi hy vọng sẽ thảo luận nhiều hơn trong tương lai. Lập luận trong cuốn Về việc Thay đổi Hành vi trong các tâm lý cố định [On Changing Behaviour in Fixed Psychologies] là ta có thể quy nhiều sự khác biệt giữa “lựa chọn duy lý” và hành vi trong thực tế do kinh tế học hành vi xác định về ba khía cạnh khá hợp lý và đơn giản của tâm lý con người.
Tôi đã viết ở một bài khác trong bối cảnh của nghệ thuật hùng biện về lập luận của cuốn Cạnh tranh và Tiến hóa của các Ý tưởng trong Khu vực Công [The Competition and Evolution of Ideas in the Public Sphere] có liên quan đến ta rằng bằng cách nào ta có thể hiểu một cách nhất quán tất cả các yếu tố khác nhau trong việc lan tỏa các ý tưởng vào trong dân chúng, và kết quả là sự tiến hóa của tri ​​thức dẫn đến sự tiến hóa và phát triển của nền kinh tế.
Brendan Markey-Towler
Tất cả các khía cạnh khác nhau của tâm lý con người bây giờ đều có thể được kết hợp vào trong cái lõi của phân tích kinh tế. Chúng là tất cả các khía cạnh khác nhau của cùng một mô hình nền tảng bắt nguồn từ quan điểm xem tâm trí như là một mạng lưới mà quá trình tâm lý của ta diễn ra bên trong và dựa trên đó. Chúng là tất cả các khía cạnh khác nhau của tâm trí mà hiện nay ta có thể đặt nó vào ngay trong chính trái tim của phân tích kinh tế, và bằng cách này giúp ta hiểu được tác động của các hoạt động tâm lý con người đối với sự hình thành và tiến hóa của các nền kinh tế của chúng ta.
Nhà kinh tế học, nhà khoa học tâm lý, triết gia. Nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế, Đại học Queensland, Úc.
Nguyễn Chiến Trường, Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: A psychological core for economics, Medium, May 17, 2017.
Print Friendly and PDF