23.7.23

Một lịch sử các học thuyết tân tự do

MỘT LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT TÂN TỰ DO

Christian Chavagneux

Serge Audier

Serge Audier duy trì mối quan hệ mật thiết với lịch sử tri thức của chủ nghĩa tân tự do. Sau nhiều tác phẩm viết về chủ đề này, đây lại là một tác phẩm mới dày 500 trang, được thông báo như là tập đầu tiên của một ấn phẩm sẽ có hai tập.

Luận đề vẫn không khác: những ai đã từng thấy một sự liên tục đơn giản giữa hội thảo chuyên đề nổi tiếng Lippmann vào năm 1938, Hội Mont-Pèlerin thời hậu chiến, chủ nghĩa tự do trong trật tự của Đức, sự phát triển của chủ nghĩa tiền tệ với trường phái Chicago cùng các chính sách kinh tế tân tự do được khởi xướng với việc bà Margaret Thatcher và Ronald Reagan lên nắm quyền, thì tất cả đều đã sai hoàn toàn.

Khi tìm tòi và đào bới lại các văn khố, kể cả các văn khố Pháp, và từ đó mới thấy phần lớn tài liệu chưa được các nhà nghiên cứu Anglo-Saxon khai thác, Serge Audier đã trả lại cho chủ nghĩa tân tự do tất cả sự phức tạp về trí tuệ, vừa với tư cách là một lý thuyết về thế giới và vừa với tư cách là một chiến lược chính trị-ý thức hệ.

Không có một tầm nhìn duy nhất

Bernard Lavergne (1884-1975)
Charles Gide (1847-1932)

Chúng ta bắt đầu bằng việc phát hiện ra rằng cụm từ “chủ nghĩa tân tự do” trước hết bắt nguồn từ nước Pháp, dưới ngòi bút của giáo sư kinh tế Bernard Lavergne, một môn đệ theo chủ nghĩa tự do của Charles Gide. Serge Audier từ lâu đã chỉ ra rằng những người theo chủ nghĩa tự do, cùng tập hợp vào năm 1938 tại hội thảo chuyên đề Lippmann, đã không chia sẻ một tầm nhìn chung về con đường làm mới tư tưởng tự do, vốn đã bị tấn công nhiều vào những năm 1930. Lần này, chúng ta theo dõi sự chứng minh qua ba tác giả tiêu biểu của hội thảo.

Louis Marlio (1878-1952)
Wilhelm Röpke (1899-1966)

Một người là Louis Marlio, X-Ponts (tốt nghiệp trường Bách Khoa và Cầu đường Paris – ND) từng phục vụ cho các văn phòng bộ trưởng, bảo vệ một “chủ nghĩa tự do xã hội”, chẳng hạn, khi ông dành cho việc thương thảo với các nghiệp đoàn tất cả vị trí của hoạt động này và đòi quyền làm việc và công bằng xã hội. Một người là Wilhelm Röpke, tìm kiếm một con đường thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy sự phê phán “chủ nghĩa công nghiệp” bị cáo buộc gây ra những thiệt hại về kinh tế, xã hội, tinh thần và thậm chí về sinh thái, bởi tính chất khổng lồ, quá trình đại chúng hóa sản xuất và nguyên tử hóa [phân tán nhỏ] người lao động của chủ nghĩa công nghiệp này. Về phần mình, Friedrich von Hayek phát triển một lý thuyết về thông tin giúp ông bác bỏ bất kỳ hình thức can thiệp nào của nhà nước, kể cả khi các hình thức này có lợi cho sự công bằng xã hội.

Friedrich Hayek (1899-1992)

Vị giáo sư nhỏ con ít được biết đến này sẽ trở thành nhà lãnh đạo truyền thông của phiên bản siêu tự do của chủ nghĩa tân tự do, nhờ Hoa Kỳ và sự thành công của phiên bản trên tạp chí Reader’s Digest của cuốn sách nhỏ chống nhà nước của ông, La route de la servitude [Đường về nô lệ]. Cuốn sách đã được Harold Luhnow, một người Mỹ, chủ tịch Quỹ đầu tư Volker tài trợ, quỹ này vốn là một tổ chức nghiên cứu think tank nhắm đến việc gây chiến chống lại những thành tựu của New Deal [Thỏa thuận mới]. Nhưng ngay cả trong nội bộ Hội Mont-Pèlerin do Hayek sáng lập, không phải ai cũng có cùng tầm nhìn về chủ nghĩa tự do.

Như thường lệ với Serge Audier, các trang sách đều cô đọng, văn phong uyên bác, không bỏ sót chi tiết nào. Vì mục đích gì? Chắc chắn là ngay từ năm 1938 đã có những trận chiến trong nội bộ những người theo chủ nghĩa tân tự do. Nhưng cuối cùng phiên bản phản xã hội nhất đã chiến thắng, và nếu các phiên bản khác đã bị lãng quên, thì đó là bởi vì lịch sử luôn được viết bởi những người chiến thắng. Serge Audier kết luận, có lẽ vậy, nhưng điều đó cũng cho thấy có thể có những lựa chọn thay thế khả thi khác, cũng như sự xích lại gần với tất cả những người tìm cách xây dựng một chủ nghĩa xã hội dân chủ.

Sách Devant la crise du libéralisme. Le colloque Walter Lippmann et ses postérités [Đối mặt cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tự do. Hội thảo Walter Lippmann và các hậu duệ của ông], của tác giả Serge Audier, NXB Le Bord de l’eau, 2022, 512 trang, 25 euro.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Une histoire des néolibéralismes, Alternatives Economiques, ngày 04/03/2023.

Print Friendly and PDF