9.7.23

Sự lưu hành quốc tế của tri thức trong khoa học xã hội

SỰ LƯU HÀNH QUỐC TẾ CỦA TRI THỨC TRONG KHOA HỌC XÃ HỘI

Các yếu tố thích đáng để chấp nhận và từ chối các văn bản lưu hành

Wiebke Keim[*]

Tóm Tắt

Bài viết đề xuất cái khung để nghiên cứu các khía cạnh lý thuyết và khoa học luận của sự lưu hành quốc tế của tri thức khoa học xã hội dưới dạng đặc thù các văn bản khoa học xã hội. Nó xây dựng cách đặt vấn đề về một loạt các thông số nội tại ảnh hưởng đến việc chấp nhận hoặc từ chối một văn bản được lưu hành ở bên ngoài bối cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế và văn hóa của quá trình sản xuất văn bản. Tất nhiên, các cấu hình địa chính trị, kinh tế và hệ tư tưởng, các cấu trúc thể chế, các hệ thống giáo dục, các thị trường sách, các công chúng khác biệt và được phân tầng, các cơ hội và mạng lưới tài trợ, vốn là lĩnh vực cổ điển của sử học và xã hội học về khoa học và của Nghiên Cứu về Khoa Học và Công Nghệ (Science and Technology Studies STS), tác động đến sự sản xuất và lưu hành tri thức. Tuy nhiên, những phân tích này gợi ý rằng các quan điểm được đề xuất được chấp nhận hoặc bị từ chối không phải vì nội dung của chúng mà vì chúng bị công cụ hóa về mặt chính trị hoặc vì các phương tiện hỗ trợ vật chất tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp đặt hoặc thống trị của chúng. Ngược lại, mục đích của bài viết này là đề xuất các nét chính của một chương trình sẽ xem xét nghiêm túc các thông số nội tại của văn bản, tức là bản thân tri ​​thức và hiệu quả của nó cũng như các cách thức đặc thù mà việc lưu hành các văn bản trong các khoa học xã hội bị tác động.

DÀN BÀI

Dẫn nhập

Các nội dung

Đối tượng và tham chiếu thực nghiệm

Các khái niệm

Các phép ẩn dụ

Các nhân vật khái niệm

Lý thuyết

Các đặc tính

Tính chuyển ngữ được

Tính tương ước

Tính khoa học

Các giá trị

Sự tương hợp

Phong cách

Tính phức tạp

Tính toàn bộ

Sự trừu tượng hóa

Kết luận

Dẫn nhập

Tuy nhiên, ý tưởng về một điểm xuất phát, về một “tập hợp các hoàn cảnh ban đầu” mà Said đã nêu lên có tầm quan trọng rất lớn đối với bất kỳ dự án lý thuyết nào, bao gồm cả dự án nữ quyền. Nói cách khác, ở đâu và làm thế nào để phát hiện ra những lập luận cho phép phổ biến một cách gần như chui những ý tưởng mang một hộ chiếu “xấu”? Chúng ta có nên kêu gọi tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong một hệ thống giáo dục trong đó tỷ lệ học sinh nữ và nam đã là 50/50 ở tất cả các cấp học và là nơi có sự “nữ tính hóa quá mức” trong các trường học, trong vai trò giáo viên và học sinh, thường được cho là phải chịu trách nhiệm về sự sụt giảm trình độ học vấn không? Chúng ta có nên vận động để phụ nữ tiếp cận việc làm ở một quốc gia mà gần 90% phụ nữ trong độ tuổi lao động đã có việc làm toàn thời gian? Chúng ta có nên yêu cầu kiểm duyệt sự khiêu dâm ở một quốc gia mà lịch sử gần đây chủ yếu dựa trên cuộc chiến ám ảnh cho quyền tự do ngôn luận? Sau khi lướt qua, dù chỉ một lần thôi, một tạp chí thời trang xuất bản ở Praha vào những năm 1970, đầy rẫy những hình dáng vô tính khoác trên mình những tấm vải không màu, liệu chúng ta có thể vận động nghiêm túc chống lại việc lạm dụng cơ thể phụ nữ trong lĩnh vực thời trang và quảng cáo? Chúng ta có nên yêu cầu áp dụng triệt để bình đẳng giới (hoặc các bình đẳng khác) trong một xã hội bị kiệt quệ bởi những làn sóng thử nghiệm được chỉ đạo một cách tập trung, vốn tìm kiếm sự không phân biệt xã hội mạnh hơn không? Những ai trong chúng ta, vào cuối những năm 1980, đã bắt đầu đề cập đến các vấn đề giới ở các nước được gọi là “ở Trung Âu” nhưng lại bị gạt ra ngoài lề về mặt chính trị và lý thuyết, sẵn sàng chấp nhận rủi ro du nhập chúng một cách chui. Chúng ta đã sẵn sàng đối mặt với những cáo buộc của các trí thức đồng đẳng của chúng ta về việc “phá hủy đoàn kết giới” trong thời điểm lịch sử này khi dự án “quan trọng” hơn nhằm tiêu diệt chủ nghĩa toàn trị phải được thực hiện. Đồng thời, ý định của chúng ta không phải là củng cố các kênh, vốn đã rất mạnh, chống đối và ghê sợ, trong cộng đồng “hậu cách mạng”. Chúng ta cũng không muốn kích động hoặc làm tổn thương “cấu trúc của tình cảm”, để sử dụng thuật ngữ của Raymond Williams, vốn quá nhạy cảm ở đất nước này. Tìm kiếm điểm khởi đầu cho dự án này, mà chúng tôi còn do dự gọi là nữ quyền, tỏ ra đặc biệt khó khăn. Vì tất cả những lời cáo buộc và những sự thù địch được đề cập ở trên tạo ra một bức bình phong đã che đậy bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào nhằm tiết lộ sự phức tạp của những sự sỉ nhục gắn với giới tính trong bối cảnh các thể nghiệm xã hội chủ nghĩa. Chúng ta sợ rằng cái bình phong này sẽ ngăn chúng ta đặt câu hỏi về “các chế độ cũ” vượt lên trên các câu hỏi duy nhất liên quan đến nền kinh tế kế hoạch hóa và tư cách thành viên của Đảng Cộng sản. (Smejkalova, 1995)

Trích dẫn trên đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau có thể nảy sinh về sự lưu hành quốc tế của tri thức trong khoa học xã hội. Chủ đề của nó là sự phát triển của chủ nghĩa nữ quyền ở Trung/Đông Âu, nghĩa là ở những quốc gia mà trào lưu lý thuyết và các hoạt động chính trị gắn liền với chủ nghĩa nữ quyền ở phương Tây đã được du nhập trong những hoàn cảnh chính trị và tri thức khó khăn (Wöhrer, 2014), hoặc ở các quốc gia có vẻ “tiên tiến”, tức là những nơi mà một số đòi hỏi nhất định của chủ nghĩa nữ quyền phương Tây đã được chinh phục nhưng với kết quả trái ngược với những gì mong đợi. Do đó, những yêu sách chuẩn mực của chủ nghĩa nữ quyền phương Tây mang một ý nghĩa khác; chúng có thể bị xem như là không thích đáng hoặc thậm chí đánh lừa, và phải bị đảo ngược, bị loại bỏ hoặc được trình bày một cách khác. Đối mặt với một bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị và tri thức khác nhau, chủ nghĩa nữ quyền không phải lúc nào cũng được coi là tiên phong hay như là một sự giải phóng. Trong các lĩnh vực tranh cãi về mặt trí tuệ ở Trung/Đông Âu, chủ nghĩa nữ quyền phải được đọc và thực hành chống lại ai và ủng hộ cái gì? Ví dụ này cho thấy nhiều ý nghĩa của khái niệm chủ nghĩa nữ quyền, liên quan đến những trải nghiệm lịch sử khác nhau gắn liền với nó.

Michèle Lamont (1957-)

Trong bài viết này, tôi trình bày cái khung để hiểu các khía cạnh lý thuyết và khoa học luận của sự lưu hành quốc tế của tri thức trong khoa học xã hội, dưới dạng đặc thù của các văn bản. Các thông số nội tại ảnh hưởng đến việc chấp nhận hay từ chối một văn bản được lưu hành là gì? Câu hỏi có tính mở này và tổng quát hơn là, chẳng hạn, cuộc điều tra của Lamont về tính chính đáng của các lý thuyết đang lưu hành[1] hoặc bài của Davis tập trung vào các lý thuyết được lưu hành một cách thành công (Davis, 1971, 1986).

Có thể được lấy trải nghiệm cụ thể sau đây làm điểm khởi đầu cho các câu hỏi được đề cập trong bài viết này. Năm 2004, tôi đã thực hiện các cuộc phỏng vấn định tính sâu với các đại diện của cộng đồng Nam Phi thuộc trào lưu Labour Studies/Nghiên Cứu Lao Động (xã hội học về lao động, về công nghiệp và phong trào công nhân). Đa số các nhà xã hội học được phỏng vấn đều bác bỏ mạnh mẽ chủ nghĩa thực chứng cũng như chủ nghĩa chức năng vì những đặc điểm lấy châu Âu làm trung tâm của chúng. Nhận định này tương ứng với một xu hướng chung gần đây trong khoa học nhân văn của Phương Nam thời hậu thực dân là bác bỏ các lý thuyết và cách tiếp cận thống trị trên phương diện quốc tế có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và Châu Âu, cho rằng chúng còn phải bàn cãi, không thích đáng hoặc đánh lừa. Tuy nhiên, cũng chính những nhà nghiên cứu này lại khẳng định sự cam kết có từ lâu hay bền vững của họ đối với chủ nghĩa Mác (các ý nghĩa gắn với thuật ngữ ‘chủ nghĩa Mác’ cũng đã thay đổi đáng kể, xem Keim, 2008, trang 376 và tiếp theo; 2017, trang 160 và tiếp theo) và do đó họ đã loại trừ chủ nghĩa Mác ra khỏi sự phê phán của họ đối với chủ nghĩa tỉnh lẻ (provincialisme) và chủ nghĩa lấy châu Âu làm trung tâm của các xã hội học châu Âu. Điều này đặt ra những câu hỏi thú vị nhưng khó xử lý về các tham số của khả năng chấp nhận các cách tiếp cận khác nhau trong khoa học xã hội, tức là tiềm năng chấp nhận chúng ở bên ngoài bối cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế và văn hóa của chúng.

Tất nhiên, các cấu hình địa chính trị, kinh tế và hệ tư tưởng, các cấu trúc thể chế, các hệ thống giáo dục, các thị trường sách, các công chúng khác biệt và được phân tầng, các cơ hội và mạng lưới tài trợ, vốn là lĩnh vực cổ điển của sử học và xã hội học về khoa học và các nghiên cứu về khoa học và xã hội, tất cả đều ảnh hưởng đến sự sản xuất và lưu hành tri thức. Vì việc thiếu cân nhắc các tình huống, tính lịch sử, các bối cảnh và các vấn đề về quyền lực đã thường bị chỉ trích trong quá trình phổ biến các phiên bản trước của bài viết này, điều quan trọng là phải làm rõ rằng nỗ lực hiện tại được sáp nhập vào một dự án sâu rộng hơn về sự lưu hành các kiến ​​thức trong khoa học xã hội. Chẳng hạn, tôi đã phát triển các dạng lưu hành tri thức khác nhau trong một bài báo mang tính khái niệm (Keim, 2014) trên cơ sở các nghiên cứu trước đây về quan hệ trung tâm-ngoại vi trong các khoa học xã hội quốc tế (Keim, 2009, 2010a, 2010b). Công trình này liên quan đến các tư liệu xã hội học và các nghiên cứu về khoa học và xã hội theo nghĩa rộng, với tiêu điểm là các cơ sở xã hội của khoa học, các thể chế và cộng đồng khoa học và tiến trình quốc tế hóa các ngành. Các công trình này gợi ý rằng các phương pháp tiếp cận khoa học xã hội không được chấp nhận hoặc bị từ chối trên cơ sở nội dung của chúng mà là do tiến trình biến chúng thành công cụ chính trị hoặc do sự hỗ trợ vật chất đã cho phép việc áp đặt hoặc thậm chí sự thống trị của chúng. Mặc dù những khía cạnh này vẫn là chủ yếu đối với sự hiểu biết các quá trình đặc thù của việc chấp nhận hoặc từ chối các cách tiếp cận này, mục tiêu ở đây là tập trung sự chú ý của chúng ta vào một cấp độ khác, khi lưu ý đến lời chỉ trích của Guilhot rằng một sự phân tích xã hội học thuần túy về sự lưu hành tri thức vốn xem xét các ý tưởng trong khoa học xã hội được tạo ra bởi một quá trình sản xuất xã hội trong một bối cảnh nhất định, sẽ không cho phép chúng ta phân biệt các khái niệm và lý thuyết khác nhau trong phẩm chất đích thực của chúng[2]: Guilhot nêu rõ một cách đúng đắn rằng “nguy cơ là những ý tưởng sẽ biến thành những hiện tượng phụ (épiphénomène)” (Guilhot, 2014, p. 67).

Trong bài này, tôi phác thảo những nét chính của một khung quy chiếu bao gồm các thông số nội tại liên quan đến tri ​​thức và hiệu quả của nó, có khả năng được tính đến khi phân tích sự lưu hành quốc tế của các văn bản trong khoa học xã hội. Tất nhiên, bất kỳ ví dụ thực nghiệm nào cũng sẽ chứng minh rằng thực tế của các văn bản đang lưu hành vẫn phần nào không bị xác định bởi những đặc điểm nội tại này, như Lamont nhấn mạnh: “Tôi lập luận rằng sự chính đáng hóa các lý thuyết diễn giải không xuất phát từ giá trị nội tại của chúng, mà từ kết quả của các hệ thống thể chế và văn hóa cùng tồn tại, phụ thuộc lẫn nhau và mang tính cấu trúc cao” (Lamont, 1987, trang 586). Bất chấp những tuyên bố này, các tham số nội tại của văn bản, chẳng hạn như chủ đề hoặc phong cách, thực sự đóng một vai trò lớn trong sự phân tích của chính chúng. Các phân tích thực nghiệm về các trường hợp đặc biệt, để mang tính toàn bộ, phải tích hợp các tham số nội tại này với các tham số cổ điển hơn của xã hội học về các phương pháp tiếp cận khoa học. Cuối cùng, sự tương tác và sự chồng chéo giữa những gì có lẽ được gọi một cách quá dễ dàng là các yếu tố “bên trong” và “bên ngoài” phải thu hút sự chú ý của chúng ta.

Ý định của bài này là thiết kế cái khung cho việc xem xét nghiêm túc các thông số nội tại của văn bản và các quá trình đặc thù mà thông qua đó các thông số này ảnh hưởng đến việc lưu hành văn bản trong khoa học xã hội. Bằng cách thiết lập một khung chặt chẽ, lấy cảm hứng từ các nghiên cứu thực nghiệm hiện có, từ các cuộc tranh luận lý thuyết và khoa học luận khác nhau, cũng như từ một số “nguyên liệu thô” thực nghiệm của các công trình trước đây của tôi. Phương pháp xây dựng khung này bao gồm việc tổng hợp một cách có hệ thống các nghiên cứu hiện có để bổ sung tập hợp các yếu tố nội tại từ các ví dụ thực nghiệm khác nhau được thu thập trong các tư liệu. Ý định chính là biện hộ cho tính chính đáng khoa học luận của các yếu tố nội tại của các văn bản hơn là cung cấp những hiểu biết thực nghiệm mới. Việc lựa chọn các tư liệu liên quan, vì phạm vi rộng lớn của trường và sự đa dạng của các đóng góp, chỉ mang tính chiết trung và có khả năng được bổ sung. Bài này trước hết khảo sát các nội dung, nghĩa là các yếu tố hiện diện trong các văn bản trong khoa học xã hội và sau đó, các thuộc tính của các văn bản trong khoa học xã hội (hoặc được quy cho chúng).

Các nội dung

Nội dung, kể cả việc lựa chọn đối tượng và chủ đề nghiên cứu, tài liệu tham khảo thực nghiệm, thuật ngữ và các trường ngữ nghĩa tương ứng, là mấu chốt để hiểu được tác dụng của các văn bản đang lưu hành. Trong nội dung, tôi cũng đưa vào cái “cốt lõi của nghề nghiệp” được cho là sự phát triển của các khái niệm và lý thuyết. Việc huy động các hình ảnh, phép ẩn dụ, phép so sánh, sự vay mượn từ ngôn ngữ thông thường hoặc từ các lĩnh vực học thuật, khoa học, tôn giáo, triết học và các lĩnh vực khác có thể ảnh hưởng rất mạnh đến cách đọc một cách tiếp cận.

Đối tượng và tham chiếu thực nghiệm

Jacques Bouveresse (1940-2021)
James Coleman (1926-1995)

Đối tượng đặc thù mà văn bản xử lý, nghĩa là các chủ đề được đề cập hoặc không được chú ý, đóng một vai trò trong khả năng chấp nhận các cách tiếp cận. Một mặt, một số đối tượng có thể được coi là không chính đáng hoặc, trong những trường hợp cực đoan, không tồn tại trong các bối cảnh văn hóa xã hội khác nhau, như phần trích dẫn trong phần dẫn nhập cho thấy rõ. Điều này còn bao gồm các sự phân loại hoặc các loại hình có thể bị coi là không đầy đủ hoặc sai lầm (ví dụ: sự phê bình của Sitas đối với cách tiếp cận lý tưởng hóa của Habermas về hành động giao tiếp [2004] hoặc sự phê bình của Connell (2006] về các giả định lý thuyết tổng quát của Giddens, Coleman và Bourdieu). Việc tiếp nhận triết học phân tích ở Pháp là một ví dụ cực đoan. Jacques Bouveresse, một trong số ít các nhà triết học phân tích người Pháp, tuyên bố trong bài tiểu luận “Tại sao tôi lại là ít Pháp đến thế”: “Người ta nói với tôi rằng công chúng triết học Pháp hầu như không thể đọc được các tác phẩm của tôi vì chúng chủ yếu tập trung vào “logic” (mà cũng có nghĩa là chúng hoàn toàn không hữu ích để được đọc vì chúng không chứa đựng bất cứ thứ gì có tính chất thực sự triết học)” (Bouveresse, 1982). Mặt khác, các cách tiếp cận giữ im lặng về các chủ đề được coi là rất thích đáng cũng có thể bị mất uy tín do sự bỏ sót này. Một cách tiếp cận có thể bị mất uy tín chỉ vì nó bỏ qua không nêu lên một số chủ đề nhất định mà người đọc phê phán cho là mấu chốt.

Theo sự phân tích của Davis (1971, 1986) về các văn bản xã hội học “thành công” (theo nghĩa “được lưu hành rộng rãi”) hoặc thậm chí là “kinh điển”, việc đề cập đến một số chủ đề mà độc giả “ưa thích” là một lợi thế đối với mục tiêu của một sự lưu hành mở rộng. Đối với tác giả, phương pháp tốt nhất là du nhập một nhân tố cơ bản làm lay động xã hội hiện đại và “có thể thuyết phục độc giả rằng sức mạnh áp đảo của nhân tố cơ bản này đang trong thế có thể phá hủy đối tượng ưa thích, bất biến một cách lý tưởng của họ”. Trong trường hợp như vậy, độc giả sẽ coi là “[...] phải cấp bách hiểu biết yếu tố cơ bản này để kiểm soát sự phân nhánh của nó”[3].

Edward Said (1935-2003)

Đã phải mất một thời gian, sau “thành công” của các tác phẩm kinh điển như được Davis hiểu, mới xuất hiện một cách tiếp cận thách thức đồng thời toàn bộ các giả định của chúng thường được chấp nhận. Câu chuyện thành công của lý thuyết hậu thực dân dựa trên một loại lập luận cơ bản tương tự: đối lập với toàn bộ nền xã hội học vốn đã khái niệm hóa và chính đáng hóa tính hiện đại, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa thực dân như là thành tố của sự xuất hiện tính hiện đại, cũng như sự không công nhận tầm quan trọng của điều này trong tất cả các cách tiếp cận cổ điển. Nó thường ưa thích hơn quan niệm về tính hiện đại dựa trên các yếu tố bản địa, vốn có và độc quyền của châu Âu. Như vậy, sự thành công của chủ nghĩa hậu thực dân là dựa trên việc tố cáo sự thiếu sót trong việc xử lý chủ nghĩa thực dân trong toàn bộ các lý thuyết xã hội học cổ điển hoặc gần đây[4]. Tương tự như vậy, T. Brisson đưa ra giả thuyết rằng “Đông phương luận” của Said có thể đã thu hút sự chú ý quốc tế như vậy vì nó đã đặt ra câu hỏi về “quyền tồn tại” của toàn bộ một ngành khoa học được truyền thống tri thức tôn trọng (trong khi các văn bản khác của Said không đề cập đến “các đối tượng có ưu tiên cao” phần lớn vẫn bị đánh giá thấp) (Brisson, thông báo cá nhân, 2012, xem Brisson, 2008).

Jacques Derrida (1930-2004)

Tương tự như vậy, Lamont lập luận rằng thành công của Derrida với tư cách là một triết gia một phần là do sự kết hợp tên của ông với “các cuộc tranh luận chính” của lĩnh vực này và với “các tác phẩm kinh điển của triết học”. Đặc biệt, “(khái niệm) giải cấu trúc có được uy tín từ sự kết nối của ông với Heidegger, Husserl và Nietzsche” bởi vì những triết gia này là những triết gia có uy tín nhất trong truyền thông được coi là truyền thống có uy tín nhất ở Pháp, triết học Đức”. Bà nói thêm rằng, “nếu Derrida đã nghiên cứu về Hume, Locke hoặc Mill, câu chuyện sẽ rất khác, và, vì những lý do tương đối độc lập với nội dung thực tế của các phân tích của ông” (Lamont, 1987, trang 592-593).

M. Davis còn gợi ý rằng việc một lý thuyết xử lý một chủ đề “có quy chế thấp” sẽ gây bất lợi cho “sự thành công” của việc lưu hành nó[5]. Neveu (2008, trang 321, 327-328) giải thích sự tiếp nhận kém của các nghiên cứu văn hóa/cultural studies của Anh ở Pháp theo cách tương tự: việc không đủ quen thuộc với, ví dụ, cuộc sống hằng ngày của công nhân Anh như một đối tượng nghiên cứu; sự vắng mặt của tính kỳ lạ trong các chủ đề như vậy; sự thiếu hiểu biết về những thực tế xã hội này; “cái bẫy của cái vi mô”; sự không công nhận các “chuyên ngành phụ”; hoặc sự loại bỏ các công trình nghiên cứu về các độc giả truyện trinh thám như là một chủ đề “thứ yếu” hoặc thậm chí “bẩn thỉu”. Do đó, sự liên kết với các quyền lực được công nhận trong lĩnh vực này dường như là mấu chốt đối với các lý thuyết diễn giải, trong khi các tham chiếu thực nghiệm lại quan trọng đối với các lý thuyết lấy cảm hứng từ thực nghiệm.

Các khái niệm

Trừ khi chúng ta giả định rằng các ý tưởng là trừu tượng, phi lịch sử, được hoàn thiện và bất biến trong thời gian và không gian, và nhiều nhất là được kết nối một cách khác nhau tùy theo địa điểm và thời đại, chúng ta phải thừa nhận rằng mỗi sự truyền tải một văn bản xã hội học đều bao hàm một sự tái cấu hình phần nào ý nghĩa văn bản đó. Cũng như lịch sử của các khái niệm diễn dịch lại cho sự hiểu biết hiện tại những ý nghĩa trước đây của các khái niệm đã đi qua lịch sử, sự lưu hành qua các ngôn ngữ và các ngành học, các không gian địa lý và các cộng đồng khoa học đến những tiến trình xã hội hóa khác nhau, cũng bao hàm một quá trình “diễn dịch” (hoặc thích ứng, nếu người ta muốn dành thuật ngữ “diễn dịch” cho nhiệm vụ duy nhất là sự chuyển ngữ giữa các ngôn ngữ). Sự thích ứng xảy ra trong mọi trường hợp, dù rõ ràng hay tiềm ẩn.

Việc sử dụng cùng một từ trong quá trình lưu hành không có nghĩa là nó liên hệ đến cùng một trạng thái thực nghiệm hoặc nó được hiểu với cùng một ý nghĩa bởi tất cả các bên liên quan. Khi phân tích vài trường hợp lưu hành nhất định, cần phải chú ý đến tính bất biến, tính tương tự hoặc sự khác nhau về ý nghĩa, cũng như tính tương tự hoặc sự giống nhau của các tình huống thực tế và các hiện tượng thực nghiệm mà một khái niệm dựa vào. Việc áp dụng một khái niệm đã có từ trước trong một bối cảnh khác, vượt lên trên các thời đại, địa điểm và ngành, ngụ ý rằng hiện tượng thế giới thực mà nó đề cập đến ít nhất là tương tự. Giả định về sự tương tự này không hiển nhiên và cần được lý thuyết xác lập.

Ngoài ra, các khái niệm thường xuất hiện trong các phức hợp ý nghĩa rộng lớn hơn, nghĩa là trong các văn bản và kết cấu lý thuyết phức tạp. Ý nghĩa của chúng phụ thuộc vào vị trí tương đối của chúng trong một tập hợp các khái niệm liên kết với nhau trong các phức hợp lý thuyết nối kết với nhau. Khi vài phần nhất định được trích xuất từ ​​một tập hợp như vậy để được du nhập vào nơi khác, bối cảnh lý thuyết cũng như ý nghĩa của chúng sẽ bị thay đổi. Ngược lại, việc sử dụng các từ khác nhau không nhất thiết ngụ ý rằng các khái niệm cơ bản nằm dưới cũng khác biệt một cách cơ bản. Nếu các khái niệm khác nhau đề cập đến các hiện tượng xã hội giống nhau hoặc tương tự, đối đầu với nhau trong các cuộc tranh luận học thuật, thì việc truy tìm lịch sử của các lý do và con đường của những tiến trình khái niệm hóa này có thể làm hiển lộ nhiều điều[6].

Sự đào tạo phương pháp luận tiêu chuẩn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có những sự khái niệm hóa rõ ràng:

Như vậy, sự khái niệm hóa - việc xác định ý nghĩa của các thuật ngữ chính trong nghiên cứu - là một phần mấu chốt của quá trình nghiên cứu. Các định nghĩa phải rõ ràng. […]. Điều đặc biệt quan trọng là phải xác định rõ ràng các khái niệm trừu tượng hoặc không quen thuộc. […] Điều quan trọng không phải là đi đến một định nghĩa nhất thiết duy nhất về các khái niệm mà là xác định rõ ý của chúng ta khi chúng ta sử dụng những khái niệm này và mong đợi những người khác cũng làm như vậy. (Chambliss và Schutt, 2006, trang 54; xem thêm Schnell, Hill và Esser, 1989)

Định nghĩa các khái niệm là cần thiết vì nhiều lý do: nó cho phép sự truyền đạt thích đáng và một sự hiểu biết liên cá nhân trên cơ sở một ngôn ngữ chung. Các định nghĩa rõ ràng đảm bảo rằng bất kỳ ai cũng có thể lấy lại và truyền đạt chúng mà không làm sai lệch ý nghĩa của chúng. Ngoài ra, các định nghĩa rõ ràng còn đáp ứng một chức năng tiết kiệm của ngôn ngữ học: chúng cung cấp các “lối tắt”, các thuật ngữ duy nhất cho phép thay thế những giải thích quá dài. Mỗi ngành học, trường phái hoặc cộng đồng khoa học phụ thuộc vào các ngôn ngữ khoa học phát triển ở mức cao bao gồm những khái niệm đã được làm sáng tỏ để thay thế các công thức dài. Cuối cùng, trong nghiên cứu thực nghiệm, các định nghĩa rõ ràng cho phép một sự thao tác hóa chính xác là cần thiết để cho các kết cấu lý thuyết có thể được kiểm chứng về mặt thực nghiệm (Schnell và cộng sự, 1989, trang 41). Cách tiếp cận được xác định này của sự khái niệm hóa sẽ khiến chúng ta giả định rằng một khái niệm càng được định nghĩa rõ ràng và đơn nghĩa, thì tiềm năng lưu hành với một hiệu suất cao của nó lại càng lớn. Tuy nhiên, những người ủng hộ phương pháp luận tiêu chuẩn dễ dàng thừa nhận rằng nhà nghiên cứu cố gắng xác định một khái niệm thường phải dựa vào các khái niệm khác cũng cần được xác định, điều này có thể dẫn đến những “chuỗi định nghĩa”, rốt cuộc, sẽ phụ thuộc vào sự tồn tại của một cộng đồng ngôn ngữ (Schnell và cộng sự, 1989, trang 39). Một số vấn đề về sự lưu hành các khái niệm có nguồn gốc trong điều này.

Theo quan điểm hiện thực, qua việc xây dựng các khái niệm của mình, nhà nghiên cứu hướng tới sự phân tích thực nghiệm hoặc lý thuyết về hiện tượng phải được khái niệm hóa, bằng cách xác định các yếu tố cấu thành nó (Goertz, 2006, trang 4). Ngoài ra, nhiều khái niệm trong khoa học xã hội mang “bản chất đa chiều và đa cấp”.

Cấp độ quan trọng nhất đối với lý thuyết thường là khái niệm được sử dụng trong các mệnh đề lý thuyết, chẳng hạn như “chủ nghĩa nghiệp đoàn”, “dân chủ” hoặc “Nhà nước phúc lợi”. Tôi gọi đây là cấp độ xuất phát. […] Tôi gọi cấp độ tiếp theo, phát sinh từ cấp độ xuất phát, là cấp độ trung cấp. Ví dụ, khi chúng ta nói rằng dân chủ bao gồm các quyền công dân, các cuộc bầu cử cạnh tranh, v.v., chúng ta đi xuống cấp thứ cấp để đưa ra các chiều kích cấu thành của khái niệm dân chủ như ở cấp độ xuất phát. Chính khi chúng ta chuyển xuống cấp thứ cấp, đặc tính đa chiều của các khái niệm mới xuất hiện. […] Tôi gọi cấp độ tiếp theo là các chỉ số/dữ liệu. Ngoài ra, nó có thể được coi là cấp độ của sự thao tác hóa. (Goertz, 2006, trang 6)

Tuy nhiên, mặc dù được đào tạo về phương pháp luận, nhiều tác giả không thực sự chính xác trong việc xác định các khái niệm và phân biệt rõ ràng các cấp độ khác nhau của chúng. Các thủ tục phương pháp luận lý tưởng là, trong trường hợp lưu hành các khái niệm như vậy, cần phải kiểm tra khả năng mở rộng của chúng: “Sự mở rộng khái niệm xảy ra khi các khái niệm được mở rộng để được áp dụng cho các trường hợp bổ sung. Trong các tư liệu triết học, đó là về sự tương phản giữa sự mở rộng và sự hạn chế” (Goertz, 2006, trang 10), tức là cách mà một khái niệm cho phép bao gồm các trường hợp mới.

Một quan điểm dựa trên lịch sử của các khái niệm (“Begriffsgeschichte” theo nghĩa của Koselleck), có lẽ phù hợp hơn với việc lưu hành các văn bản lý thuyết hơn là các văn bản thực nghiệm, đòi hỏi, khi một nhà lý thuyết xây dựng các khái niệm tổng quát và có thể được khái quát trong khoa học xã hội, ông ấy lấy cảm hứng từ kinh nghiệm về sự đa dạng hiện có của các ý nghĩa, sau đó “trung tính hóa” nó (sự đa dạng) thành các khái niệm khoa học mang đủ tính hình thức và tổng quát để hiểu được các cấu trúc ngầm nằm dưới các “cá thể” văn hóa, xã hội và lịch sử khác nhau (Koselleck, [1979] 1995, trang 128).

Tuy nhiên, các khái niệm “tổng quát” không có nghĩa chúng là đơn nghĩa. Mặc dù các khái niệm chứa đựng khát vọng tổng quát, chúng cũng nhất thiết là đa nghĩa (Koselleck, [1979] 1995, trang 118-119). Garcia mô tả “sự không thể tổng hợp được ý nghĩa của một ý tưởng hoặc khái niệm” cũng như sự không thể nắm bắt chúng như là “các thực thể đồng nhất về mặt ý nghĩa”. Cái mà ông gọi là “các ý tưởng” do đó luôn luôn để ngỏ đối với các tình huống lịch sử, không chỉ liên quan đến bối cảnh lịch sử mà còn vì tính chất mở hoặc đa nghĩa vốn có và nội tại của ý nghĩa của chúng. Điều này khiến nhà phân tích tìm kiếm “ý nghĩa của chúng trong một mạng lưới quan hệ phức tạp giữa bối cảnh xuất hiện và tiếp nhận của chúng” (García, 2008/2009). Theo Koselleck, “sự mở rộng” và “tính đa nghĩa” có nghĩa là các khái niệm không chỉ dựa trên nhiều trải nghiệm mà còn có nhiều nghĩa. Một từ trở thành một khái niệm khi tất cả sự phong phú của các bối cảnh trải nghiệm lịch sử, văn hóa và xã hội, về ý nghĩa - và để đi xa hơn Koselleck, chúng ta có thể thêm, trong trường hợp các khái niệm trong khoa học xã hội, sự phong phú của truyền thống học thuật và di sản của nó - làm nền tảng cho việc sử dụng một từ được chứa đựng và cô đọng trong từ đó (Koselleck, [1979] 1995, trang 118-119). Việc thừa nhận sự ăn sâu vào một truyền thống học thuật không có nghĩa là chúng ta nên coi mỗi lần sử dụng một khái niệm là sự tiếp nối của truyền thống đó; mối quan hệ phải được đặt thành vấn đề. Các khái niệm giúp cung cấp một ý nghĩa chính xác cho các văn bản cụ thể nhưng bản thân các khái niệm vẫn là mơ hồ hoặc đa nghĩa[7].

Pierre Bourdieu (1930-2002)

Ngay cả những người được xã hội hóa trong việc sử dụng đặc thù một khái niệm có thể không đồng ý về ý nghĩa của nó; vấn đề của sự đa dạng của những trải nghiệm và những truyền thống được cô đọng trong một khái niệm được nhân lên khi khái niệm này được du nhập vào một bối cảnh khác. Trong khi “tính đa nghĩa” (polysémie) tạo thành cách đặt vấn đề hướng dẫn việc phân tích sự lưu hành các văn bản chứa đựng và sử dụng các khái niệm theo nghĩa “Begriffsgeschichte”, thì khái niệm “tính đàn hồi” (élasticité)[8] sẽ trở thành cách đặt vấn đề của các văn bản dựa trên sự lĩnh hội các khái niệm thực tế hơn, thường kết hợp với nghiên cứu thực nghiệm. Một tính đàn hồi quá mạnh bao hàm một tiềm năng mở rộng khái niệm lớn hơn. Chúng ta có thể giả định với Bourdieu rằng cả tính đàn hồi và tính đa nghĩa đều “là một diễm phúc cho những cách diễn giải theo chủ nghĩa thôn tính và cho những cách sử dụng chiến lược” (Bourdieu, 2002). Một nghiên cứu thực nghiệm so sánh có hệ thống về nhiều loại văn bản đang lưu hành là cần thiết để phân biệt các mức độ đan hồi và đa nghĩa (xem thêm phần 2).

Các tư liệu về các văn bản đang lưu hành có xu hướng chỉ ra rằng, trái với lý tưởng phương pháp luận, một khái niệm càng co giãn hoặc đa nghĩa, thì việc lưu hành của nó càng dễ dàng và hiệu quả hơn[9]. Ví dụ, “phong trào xã hội dựa trên chủ nghĩa công đoàn/social movement unionism” được trình bày như một trường hợp của một khái niệm quốc tế thực sự; đồng thời, nó bị chỉ trích là một “khái niệm xấu” bởi vì, theo nghĩa thông thường, nó bị khái niệm hóa ở mức độ quá thấp, không chính xác và không rõ ràng. Çelik đã mô tả sự hiệu quả của khái niệm này mạnh như thế nào khi nó đã hấp thụ nhiều trải nghiệm táp nham về mặt địa lý và được sử dụng với nhiều ý nghĩa khác nhau trong khi vẫn cho phép một sự đối thoại quốc tế hiệu quả (Çelik, 2013).

Niklas Luhmann (1927-1998)

Tuy nhiên, trong khoa học xã hội, người ta có thể quan sát thấy một sự “phản công” quyết liệt chống lại sự co giãn của các khái niệm có khả năng mang nhiều ý nghĩa trong sự thiết lập các khái niệm đặc thù của một lý thuyết hoặc của một tác giả. Việc du nhập rộng rãi các thuật ngữ không thuộc tiếng bản xứ, thường dựa trên tiếng Hy Lạp hoặc Latinh, có vẻ đầy hứa hẹn về mặt này, vì nó nhấn mạnh sự đứt đoạn khoa học luận với ngôn ngữ thông thường. Khi Bourdieu đưa ra thuật ngữ “habitus/tập tính”, Foucault “hétérotopie/không gian dị bản (hétérotopie, một khái niệm đươc Foucault xây dựng để chỉ những không gian trong một xã hội bị chi phối bởi những quy tắc riêng biệt, khác với những quy tắc chung của xã hội, để phục vụ mục đích riêng biệt của chúng, chẳng hạn như nhà tù, viện dưỡng lão, sân vận động. ND)” hoặc Luhmann “autopoièse/khả năng tự tái tạo (khả năng của một hệ thống để tự tái tạo, một cách thường xuyên và trong sự tương tác với môi trường của nó, và nhờ vậy mà duy trì được sự tổ chức (cấu trúc) của nó, bất chấp sự biến đổi của các nguyên liệu của nó – ND)”, chúng ta có thể ước đoán rằng mục tiêu, ngoài việc củng cố tính cách bí truyền của các văn bản khoa học, chính xác là để tạo điều kiện cho việc du nhập một khái niệm rất đặc thù vì những thuật ngữ này không truyền đạt các ý nghĩa sẵn sàng để sử dụng trong bản ngữ. Những nỗ lực như vậy tiến gần đến lý tưởng của những “khái niệm thuần túy”. Tuy nhiên, khi được lưu hành, những thuật ngữ này có khả năng bị rút gọn thành những ‘nhãn’ lý thuyết đơn thuần, lưu hành như những lối tắt tiện lợi mang dấu ấn của những nội dung lý thuyết và văn bản phức tạp được đóng gói kỹ lưỡng, thường là từ các tác giả cổ điển nổi tiếng hoặc có uy tín cao. Ngược lại, việc giới thiệu các ẩn dụ - “champ/trường”, “organisme/cơ thể”, “culture texte/văn hóa văn bản” - hoạt động một cách khác, thường là cố ý tạo ra những nghĩa mở rộng (xem bên dưới).

Một ví dụ khác thú vị nhưng khó hiểu là khái niệm về các loại hình lý tưởng: “Các loại hình lý tưởng được phân biệt rõ ràng bởi sự mở rộng của chúng ngay từ con số không: thông thường, ‘lý tưởng’ có nghĩa là trong thực tế các ví dụ thực nghiệm là cực kỳ hiếm hoặc không tồn tại” (Goertz, 2006, tr. 10). Tuy nhiên, chúng (các loại hình lý tưởng) lưu hành và đôi khi có thể tốt hơn những khái niệm có khả năng mở rộng cao. Cách sử dụng phương pháp luận của chúng cũng khác nhau: thay vì nắm bắt tốt nhất một hiện tượng nhất định, các loại hình lý tưởng tìm cách cung cấp một sự khái niệm hóa lý tưởng để được so sánh với bất kỳ thí dụ thực nghiệm nào và thử nghiệm thí dụ này nhằm phát hiện những sự khác biệt và sai lệch so với cái lý tưởng ở những mức độ khác nhau. Do đó, chúng là công cụ thích hợp cho sự phân tích so sánh.

Khi đặt câu hỏi về những điều kiện của sự lưu hành, chúng ta cũng nên quan sát năng suất trí tuệ của sự lưu hành này. Mục đích không phải là để vạch lại việc sử dụng “đúng” và “chính xác” các lý thuyết và khái niệm theo nguồn gốc “nguyên bản” của chúng (Keim, 2014) mà là để tự hỏi liệu các khái niệm đang lưu hành có được sử dụng một cách có ý nghĩa hay hiệu quả, trái ngược với sự “ghi nhãn” hời hợt đơn giản, không chỉ không chính xác mà còn mang lại tiềm năng hiểu biết tồi khi chỉ phát sinh rất ít những hướng phân tích mới.

Isabelle Stengers (1949-)

Ngoài cấp độ các kiến ​​thức phân tích, một số khái niệm đang lưu hành cung cấp một tiềm năng “xác thực” hơn, chính xác là sự tổ chức (lại) các trường tri thức nơi chúng được du nhập vào. Stengers (1987, trang 15) gợi lên “sức mạnh của sự mở rộng và tổ chức” của các khái niệm được lưu hành giữa các ngành: sự lưu hành của các khái niệm này có tác dụng (tái) tổ chức sự lao động khoa học trong một trường nhất định. Không chỉ bản thân các khái niệm biến đổi mà cả các trường chấp nhận chúng cũng biến đổi. Tiềm năng (tái) tổ chức của cách tiếp cận khoa học một hiện tượng một cách sáng tạo sẽ tạo thành một thước đo bổ sung cho năng suất của một khái niệm đang lưu hành.

Hơn nữa, các khái niệm đang lưu hành còn chứa đựng tiềm năng lập trình. Koselleck đề xuất một phân tích lịch sử về các khái niệm hướng tới tương lai, mối quan hệ của chúng với thế giới hiện thực khác với mối quan hệ của các khái niệm khác:

Các khái niệm không chỉ được sử dụng để nắm bắt các trạng thái hiện tại của các vấn đề, chúng còn mở rộng ra tương lai. Ngày càng có [kể từ cuộc Cách mạng Pháp] nhiều khái niệm hướng tới tương lai được đưa ra và các vị thế còn cần được chinh phục đã phải được trình bày trước về mặt ngữ nghĩa. Bằng cách này, nội dung trải nghiệm của nhiều khái niệm đã giảm đi và khát vọng thực hiện chúng tăng lên một cách tương ứng. Nội dung trải nghiệm và không gian của những sự mong đợi ngày càng ít tương đương hơn. Trong số những khái niệm này, có nhiều “chủ nghĩa” đã được sử dụng, như là những khái niệm thuộc về các tập thể và phong trào, để tổ chức lại và huy động các quần chúng hỗn tạp. (Koselleck, [1979] 1995, trang 113)

Việc chấp nhận các khái niệm được phát triển trong một bối cảnh khác có thể thể hiện mong muốn tham gia vào các sự phát triển đã được thực hiện ở nơi khác (ví dụ về “phong trào xã hội dựa trên chủ nghĩa công đoàn” được đề cập ở trên có thể được coi là đặc biệt phù hợp).

Cuối cùng, các nghiên cứu về các khái niệm lưu hành không chỉ xem xét những gì đạt được (về mặt soi sáng sự phân tích, tổ chức (lại) trường học thuật, v.v.), mà còn xem xét những gì đã mất. Sự mất mát như vậy có thể là kết quả của một chiến lược có chủ ý để loại bỏ một thứ gì đó, để che giấu nó hoặc hạ thấp tầm quan trọng của nó. Trong một trong những cuộc tranh luận gần đây của chúng tôi, có ý kiến ​​cho rằng thuật ngữ “đa văn hóa” đã được du nhập vào Colombia với ý định loại bỏ các khái niệm gắn liền với quá khứ thuộc địa của đất nước (thảo luận García, 27.2.2013; xem thêm Wade, 2011). Wolfgang Eßbach đã đưa ra một lập luận tương tự liên quan đến sự thành công gần đây của khái niệm ‘tính di động’ vốn bắt nguồn từ các nghiên cứu về giao thông, địa lý và hậu cần, sau đó được du nhập vào khoa học xã hội và dẫn đến sự bỏ rơi các câu hỏi phê phán và mang tính chính trị cao về việc cưỡng bức di cư, người tị nạn và nhân quyền (thảo luận của Lipphardt, 17.1.2013).

Các phép ẩn dụ

Tobias Schlechtriemen

Trong truyền thống triết học phương Tây, người ta coi tư tưởng dựa trên các “khái niệm thuần túy” (“reine Begriffe”), tức là tư tưởng không có hình ảnh, là đặc quyền của triết học. Hình ảnh được coi là thuộc về thế giới thẩm mỹ của nghệ thuật (Guzzoni, ngày 20 tháng 1 năm 2010). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nghiên cứu về các yếu tố thị giác trong tư tưởng học thuật đã tập trung sự chú ý đến tầm quan trọng trung tâm của hình ảnh, đặc biệt là trong khoa học xã hội. Trong số những cách tiếp cận gần đây hơn, có những nghiên cứu hấp dẫn về vai trò của phép ẩn dụ trong các công trình xã hội học. Theo Schlechtriemen, sự lý thuyết hóa xã hội học ngay từ khi mới thành lập đã phụ thuộc vào việc sử dụng các ẩn dụ để làm cho đối tượng ở mức trừu tượng rất cao, chính cái “xã hội”, có thể được nắm bắt và có thể hiểu được (Schlechtriemen, 2008, trang 71). Xã hội học đã xây dựng đối tượng của nó thông qua các ẩn dụ trung tâm như “sinh vật/cơ thể”, “máy móc”, “mạng lưới”, “sân khấu”, v.v., trong khi vai trò và chức năng trung tâm của những ẩn dụ này hầu như chưa bao giờ được công nhận (Schlechtriemen, 2.10. 2012). Những yếu tố tượng hình này có hiệu quả cao đối với sự lý thuyết hóa xã hội, cũng như đối với sự nhận thức và sự hiểu biết về thực tế xã hội. Thông thường, người ta cho rằng phép ẩn dụ được sử dụng khi, do sự giống nhau, một thuật ngữ được mượn từ một lĩnh vực trong đó nó được công nhận để được chuyển sang một lĩnh vực khác. Ý nghĩa tượng hình khác biệt rõ ràng với những gì thật sự được biểu đạt. Theo nghĩa này, phép ẩn dụ được sử dụng như một sự tô điểm thẩm mỹ cho văn bản, trong trường hợp tốt nhất là để minh họa. Ngược lại, Schlechtriemen, dựa trên các lý thuyết gần đây về phép ẩn dụ, coi sự chuyển dịch ẩn dụ là một quá trình tương tác, đặc biệt nhấn mạnh vai trò hữu ích của ẩn dụ để có được những hiểu biết lý thuyết (Schlechtriemen, 2008, trang 72-73).

Trong các văn bản sáng lập của xã hội học, các phép ẩn dụ thường được dùng để chỉ đối tượng trừu tượng là “xã hội”, rất khó nắm bắt. Chúng giúp vượt qua những khó khăn về khái niệm, và do đó đóng góp một cách hiệu quả vào việc xây dựng chính đối tượng của xã hội học (Schlechtriemen, 2008, trang 74). Hoạt động của chúng trong văn bản khác với hoạt động của các khái niệm. Trong khi các khái niệm mang một ý nghĩa phân tích và chặt chẽ hơn thông qua các lập luận và nỗ lực định nghĩa của chúng, ý nghĩa của phép ẩn dụ nằm trong các sự kết hợp trong cùng một hình ảnh. Silber cho rằng phép ẩn dụ do đó có thể phát triển các hình thức lý thuyết hóa ít tuyến tính hơn, phức tạp hơn và không mang tính tổng thể; hơn nữa chúng còn cho phép chia sẻ một ngôn ngữ giữa các phong cách tư duy khác nhau (Silber, 2007).

Lấy ví dụ hình ảnh của xã hội như một “cơ thể - organisme”: người đọc được dẫn dắt đến các hình ảnh của cơ thể. Các khía cạnh như tính tự nhiên của các cơ thể, ý tưởng về sự thống nhất (cái toàn thể và các thành tố của nó) và sự phân biệt về chức năng gắn liền với hình ảnh này. Các khía cạnh khác nhau không được biện luận từng bước nhưng lại càng hiển nhiên nhờ hình ảnh mà phép ẩn dụ gợi lên (Schlechtriemen, 2008, trang 83). Như vậy, ẩn dụ không chỉ minh họa thực tế mà còn tạo ra nó khi chúng xuất hiện trong văn bản. Chúng không đại diện cho thực tại một cách trừu tượng, như các khái niệm bằng các định nghĩa và lập luận, mà bằng sự đa dạng của các tham chiếu ngữ nghĩa của chúng (Schlechtriemen, 2008, trang 84). Với các sự kết hợp, người đọc bổ sung hình ảnh mà ẩn dụ gợi lên và do đó lấy cảm hứng từ sự hiểu biết đặc thù về “xã hội” như một cơ thể. Do đó, ẩn dụ đóng một vai trò cấu thành trong văn bản (Schlechtriemen, 2008, trang 75).

Các ẩn dụ cũng có tính đàn hồi, cũng như các khái niệm. Tuy nhiên, tính đàn hồi của chúng không dựa trên những trải nghiệm và ý nghĩa mà các khái niệm khai thác mà dựa trên sự phong phú của các ý nghĩa và tiềm năng ngữ nghĩa chứa đựng trong hình ảnh mà phép ẩn dụ gợi lên. Tình trạng hiện tại của lý thuyết về ẩn dụ giả định rằng mặc dù một số khía cạnh của ẩn dụ trải qua sự thích nghi trong quá trình chuyển sang bối cảnh khác, nhưng “ý nghĩa cốt yếu” của nó vẫn không đổi (Schlechtriemen, 2008, trang 82). Tuy nhiên, một “lý thuyết về sự tiếp nhận các ẩn dụ” thực sự hoàn chỉnh vẫn cần được phát triển (Junge, 2.10.2012, trang 6).

Các nhân vật khái niệm

Chúng ta cũng tìm thấy trong các văn bản xã hội học một nhân vật bổ sung, được liên kết với các khái niệm cũng như với các phép ẩn dụ, khi có sự cô đọng dưới dạng tên riêng, nói chung là tên của các người có quyền lực học thuật nổi tiếng trong lĩnh vực liên quan. Các cách khác nhau để gợi lên tên cá nhân, ngoại trừ tài liệu tham khảo thư mục hay hiện trạng nghiên cứu, còn cần phải được mô tả chi tiết. Sự tham chiếu mang tính nghi thức[10], hoa mỹ, đến “những người cha sáng lập” hoặc “những người tiên phong” được phân tích như vậy trong một số nghiên cứu về sự tiếp nhận, cũng như cách khá thời thượng để gợi lên một số tác giả nhất định nhằm chứng minh sự thanh lịch về mặt lý thuyết của nhà nghiên cứu[11].

Tuy nhiên, một chức năng khác của cái được gọi là “sự lan tỏa của nhân vật/name-dropping” vẫn ít được công nhận và Dotti coi nó là những “nhân vật khái niệm”:

Khó khăn đầu tiên tôi gặp phải là việc tiếp nhận và sự cụ thể hóa (vừa phải) các ý tưởng của Kant ở Argentina đã bộc lộ những bất cập và hiểu lầm đáng kể, nếu chúng được đánh giá bằng một tiêu chí học thuật tương đối khắt khe nhưng điều này không ảnh hưởng tiêu cực đến tầm quan trọng của Kant trong cuộc tranh luận văn hóa nói chung, cũng như trong cuộc tranh luận chính trị nói riêng, cho đến khi ông trở thành đối tượng của nghiên cứu triết học theo những chuẩn nghiêm khắc hơn (ví dụ sự tiếp nhận sáng tạo của Alberdi, theo cách riêng của ông). Tôi đã đề xuất khái niệm “nhân vật khái niệm” để mô tả cái thực tiễn “nhắc đến tên tuổi nổi tiếng mà [các trí thức Argentina của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20] đã gợi lên như một nguồn gợi ý và một tiền thân trong học thuyết biện minh cho các chương trình của họ, cho dù rằng thái độ đó không dựa trên một sự hiểu biết chi tiết về tác phẩm được trích dẫn hay trên một sự nghiên cứu ngữ văn nghiêm túc” (với lời xin lỗi của tôi về phần tự trích dẫn). (Dotti, 2008/2009)

Jorge E. Dotti (1947-2018)

Không thể hiểu một cách chính xác ý niệm nhân vật khái niệm này nếu nó chỉ được hiểu là một cách sử dụng (không có được thông tin đúng đắn) mang tính công cụ hoặc có tính chiến thuật các nhà tư tưởng có thẩm quyền với mục tiêu củng cố vị trí tri thức của bản thân trong khi không có đủ lập luận, tuy rằng điều này rõ ràng cũng có thể xảy ra (Dotti, 2008/2009). Những gì Dotti quan sát trước hết là quy chế gần như ẩn dụ của một số người gắn liền với các lý thuyết hoặc khái niệm lớn, những tranh cãi lớn, hoặc những cách thức thực hành xã hội học đặc thù. Ví dụ “Marx” (hay “Chủ nghĩa Marx”), thường được đề cập trong các cuộc phỏng vấn của tôi với các nhà xã hội học Nam Phi (xem ở trên; xem Keim, 2008, 2017), có thể được hiểu tốt hơn như là một nhân vật khái niệm. Những tài liệu quy chiếu này không nhất thiết hàm ý kiến ​​thức chuyên sâu về các tác phẩm của Marx, vốn thường được nhắc đến nhiều hơn để xác định một quan điểm tri thức đối lập với “chủ nghĩa chức năng” (được viện dẫn qua sự quy chiếu về nhân vật khái niệm “Pearsons” hoặc quy chiếu về nhân vật khái niệm “Durkheim”). Cả ba đều đi kèm với những biểu hiện về sự thiện cảm hay ác cảm vượt lên trên mọi sự đánh giá về nhận thức. “Marx” còn gắn liền với vị thế tương đối dễ chịu của giới trí thức đại học da trắng, thuộc cánh tả, trước sự xuất hiện của “Black Consciousness movement” (“Phong trào ý thức của người da đen)”. Từ lâu, Marx đã gắn liền với cuộc tranh luận bằng lời nói vì việc phổ biến các tư liệu Mác-xít bên ngoài đại học đã trong một thời gian khá lâu bị xem là nguy hiểm. Ông là một nhân vật “ẩn mình” trong hậu cảnh của các mô tả xã hội học được viết cho một công chúng ở bên ngoài thế giới học thuật vốn tương đối được bảo vệ, những công trình cần phải được che giấu để tránh bị kiểm duyệt và đàn áp. “Marx” cũng thường được gợi ý để đánh dấu một thực tiễn học thuật đặc thù, chính xác là một thực tiễn hướng tới hành động chính trị và xã hội vì sự biến đổi của xã hội, thay vì hướng tới sinh hoạt học thuật thuần túy. Vì vậy, “Marx” là từ khóa để hiểu một lĩnh vực trí tuệ đặc thù và những sự biến đổi của nó. Tên của ông, trong trường hợp này, mang nhiều sự kết hợp về khái niệm và lý thuyết cũng như các quan điểm đạo đức và sự thiện cảm chính trị; hơn là một mẹo tu từ học thuần túy, nó trở thành một lập luận theo đường tắt trong việc dấn thân vào các cuộc đấu tranh chính trị-tri thức và khoa học luận. Ngược lại, việc nhắc đến tên của Fukuyama hoặc Huntington thường tạo ra những tác động tiêu cực, nhưng cũng theo mô hình cấu trúc tương tự.

Ý niệm về nhân vật khái niệm này phức tạp hơn khi được áp dụng cho sự lưu hành quốc tế, do các nối kết khác nhau mà tên của các nhân vật có thể gợi lên ở các quốc gia khác nhau. Ví dụ, các đồng nghiệp Nam Phi đã đề cập đến việc họ cần phải xem xét lại nhân vật khái niệm yêu thích của mình khi đối đầu với các đồng nghiệp đến từ Đông Âu trong những năm 1990, sau khi hai khu vực ngày càng tham gia vào nhiều hình thức giao lưu quốc tế. Tương tự như vậy, Ruvituso (2015) xác nhận rằng các triết gia Argentina có xu hướng bỏ qua mối liên hệ đặc biệt mà tên của Heidegger gợi lên nơi các học giả Đức ngày nay. Cuối cùng, lấy ví dụ về việc tiếp nhận Derrida trong các nghiên cứu văn học hiện tại ở Hoa Kỳ (Lamont, 1987) hoặc sự tiếp nhận Luhmann ở Châu Mỹ Latinh (Rodríguez Medina, 2014a, 2014b), chúng ta có thể tự hỏi liệu các “tác giả” lưu hành với tư cách nhân vật khái niệm cũng chứng tỏ sự tác động trong việc (tái) cấu trúc các trường trong đó họ lưu hành không như Stengers đề xuất cho sự lưu hành liên ngành của các khái niệm khoa học.

Lý thuyết

Nếu có thể dễ dàng đồng ý rằng các văn bản xã hội học nhằm mục đích tạo ra lý thuyết hoặc áp dụng lý thuyết vào các dữ liệu thực nghiệm, vẫn khó khăn hơn để xác định ta có thể tìm thấy lý thuyết ở đâu trong các văn bản xã hội học và có thể nhận dạng chúng dưới dạng cụ thể nào. Hẳn là có rất ít nỗ lực chung (theo nghĩa vượt ra ngoài ranh giới của các lĩnh vực được xác định của lý thuyết xã hội học và không dựa trên một truyền thống lý thuyết cụ thể) để định nghĩa chính xác lý thuyết là gì và nó được thể hiện như thế nào trong các văn bản xã hội học. Các lý thuyết thiết lập các lập luận về các mối tương quan hoặc các sự kết nối giữa các quan sát thực nghiệm hoặc các mệnh đề logic.

Khoa học luận tổng quát của khoa học xã hội dường như xác lập sự phân biệt giữa các giả thuyết, tức là các lập luận về mối tương quan giữa các biến số, và các quy luật, tức là các giả thuyết được thực tế xác nhận thường xuyên và các lý thuyết, tức là hệ thống các mệnh đề bao gồm các giả định và quy luật khác nhau. Các lý thuyết theo nghĩa khoa học luận hẹp này bao gồm các tiên đề độc lập, các giả định tổng quát và các quy luật kết nối các tiên đề này và các định lý, tức là các suy luận dựa trên các định luật này. Tuy nhiên, những người ủng hộ định nghĩa mang tính khoa học luận thuần túy này cũng sẵn sàng thừa nhận rằng “độc lập với định nghĩa tương đối chính xác này, khái niệm lý thuyết được sử dụng theo một nghĩa rất rộng trong khoa học xã hội” (Schnell và cộng sự, 1989, trang 40-41).

Dường như có rất ít nỗ lực về một “khoa học luận thực nghiệm” có thể phát triển một quan điểm tổng quát về các dạng “lý thuyết” trong nghiên cứu khoa học xã hội, ngược lại với các khoa học luận chuẩn tắc, vốn đưa ra các quy định về cách xây dựng một lý thuyết xã hội học có căn cứ, khách quan, v.v.. Berthelot (1996), trong nỗ lực nghiên cứu toàn cảnh của lý thuyết trong khoa học xã hội, đã phân biệt sáu sơ đồ giải thích (nhân quả, chức năng, thông diễn, biện chứng, cấu trúc, tác nhân) dựa trên cách thức mà lý thuyết làm cho một hiện tượng xã hội trở thành hiểu được. Chẳng hạn, một hiện tượng có thể được hiểu như là kết quả của những nguyên nhân có trước nó, như một yếu tố có một chức năng trong một tổng thể hoàn chỉnh, hay như là một ý nghĩa ẩn sau những thực tại có thể quan sát được sẽ được tiết lộ bằng các phương pháp thông diễn học, v.v.. Một cách lý tưởng, có thể cô đọng nội dung lý thuyết của bất kỳ văn bản lưu hành nào trong các loại hình lập luận trừu tượng cao như vậy theo các quy trình của triết học phân tích và của logic học.

Đối lập với sự phân biệt mang tính phân tích này, Abend thực hiện một nỗ lực độc đáo nhằm phát hiện một cách thực nghiệm các ý nghĩa khác nhau mà các nhà xã hội học gắn cho thuật ngữ “lý thuyết”, vốn thực sự là một khái niệm co giãn. Cách tiếp cận không mang tính chuẩn tắc này đặc biệt hữu ích cho bài viết của chúng tôi, đặc biệt là nó còn nhằm đến tính toàn bộ. Ở đây chỉ cần tóm tắt danh sách các loại hình của Abend và sau đó chỉ ra các ý nghĩa khác nhau của lý thuyết so với một văn bản khác của ông trong đó ông phân tích các ý nghĩa trái nhau và do đó không tương hợp của “lý thuyết” trong hai cộng đồng khoa học, nền xã hội học của Mỹ và của Mêhicô. Theo Abend (2008, trang 177 và tiếp theo), “Lý thuyết” có thể có nghĩa là:

1.   Một “mệnh đề tổng quát, hoặc một hệ thống các mệnh đề tổng quát được kết nối một cách logic thiết lập mối quan hệ giữa hai hoặc nhiều biến số” (Abend, 2008, trang 177). Các sơ đồ nhân quả, chức năng và cấu trúc của Berthelot được xếp vào loại hình đầu tiên này.

2.   Một giải thích về một hiện tượng xã hội đặc thù “phải xác định một số” yếu tố “hoặc” điều kiện “vốn sẽ vượt qua một cách riêng lẻ thử nghiệm dựa trên thực tế (contrefactuel) về tính thích đáng về quan hệ, mà các tác động tương tác phải được tính đến theo cách này hay cách khác” (Abend, 2008, trang 178). Sơ đồ giải thích tác nhân (actanciel) của Berthelot thuộc loại này.

3.   Loại lý thuyết thứ ba thể hiện ý nghĩa của các sự kiện thực nghiệm thông qua các cách diễn giải thông diễn độc đáo hay “những cách thức để tạo ý nghĩa”. Loại lý thuyết này đặt câu hỏi về ý nghĩa của một hiện tượng xã hội và đưa ra những cách diễn giải khác nhau, điều này rất khó để biện minh bằng các phương pháp được chuẩn hóa. Do đó, những lý thuyết loại thứ ba này có thể tỏ ra “mơ hồ về mặt khái niệm, có vấn đề về mặt phương pháp luận, hoặc đơn giản là phi khoa học” (Abend, 2008, trang 179). Sơ đồ thông diễn học của Berthelot thuộc loại này.

4.   Các lý thuyết có thể là sản phẩm của một chuyên ngành nghiên cứu các bài viết của các nhà lý thuyết nổi tiếng: “Những” nghiên cứu”này được mô tả khác nhau như là các “diễn giải”, “phân tích”, “phê phán”, “tái cấu trúc thông diễn” hoặc “lời chú giải”. Những người đóng góp cho các lý thuyết thuộc loại thứ tư này trình bày các lập luận phức tạp trong một cuộc “thảo luận về lập luận của nhà lý thuyết được đề cập chính xác là gì” (Abend, 2008, trang 179). Phần lớn các tài liệu diễn giải và triết học xã hội thuộc loại hình này.

5.   Lý thuyết theo nghĩa của Weltanschauung/thế giới quan, tức là “những viễn cảnh toàn thể thông qua đó chúng ta quan sát và giải thích thế giới”. Các lý thuyết loại này đưa ra một tiên nghiệm khái niệm và một khung ngôn ngữ: ví dụ “bản chất của quan điểm mà từ đó chúng ta quan sát thế giới xã hội, từ vựng và cú pháp mà chúng ta dùng để thảo luận về nó, bản chất của sơ đồ khái niệm của chúng ta, các phạm trù được chúng ta dùng để tập hợp các sự vật, và các mối quan hệ logic có thể tồn tại giữa các khái niệm” (Abend, 2008, trang 180). Sơ đồ biện chứng của Berthelot thuộc loại này.

6.   Một số trào lưu được coi là lý thuyết có một “thành tố chuẩn tắc cơ bản”. “Ví dụ, các dự án đương đại về ‘lý thuyết phê phán’, ‘lý thuyết nữ quyền’ và ‘lý thuyết hậu thực dân’ có tính quy chuẩn rõ ràng, điều thường dẫn đến việc bác bỏ sự phân đôi sự kiện/giá trị và do đó tính trung lập giả định đối với các giá trị của lý thuyết xã hội học” (Abend, 2008, trang 180). Những loại lý thuyết này, như các ví dụ ở trên đã đề cập, có xu hướng vượt lên trên ranh giới các ngành.

7.   Lý thuyết được xem là sự nghiên cứu những vấn đề cơ bản đặc thù mà xã hội học phải xử lý: “câu hỏi về quy mô vi mô/vĩ mô”, “vấn đề cấu trúc/tác nhân” hay “câu hỏi về trật tự xã hội”. Có một điều thú vị là “mặc dù chính vì hoạt động điều tra của mình về xã hội mà xã hội học đã gặp phải những vấn đề này, nhưng bản thân chúng không phải là những vấn đề thực nghiệm (vì vậy chúng không thể được giải quyết bằng phương pháp thực nghiệm). Chúng có thể được gọi là các vấn đề “triết học” vì chúng đòi hỏi sự suy nghĩ về bản chất của tri thức, ngôn ngữ và thực tế, cũng như sự phân tích khái niệm” (Abend, 2008, trang 181).

Sự hiểu biết khác nhau về lý thuyết của tác giả và của độc giả có thể dẫn đến sự từ chối vì văn bản sẽ bị coi là “phi lý thuyết” hoặc thậm chí là “phi khoa học” (xem bên dưới) theo các tiêu chuẩn khác nhau. Nhưng chúng cũng có thể dẫn đến những cách sử dụng khác với những gì tác giả có thể đã hình dung. Trong ví dụ mà Abend thảo luận chi tiết hơn, các quan niệm khác nhau về “lý thuyết” trong một loạt các bài trên các tạp chí xã hội học Mexico và Hoa Kỳ, chúng ta có thể dự đoán rằng các ý nghĩa khác nhau của “lý thuyết” sẽ cản trở sự lưu hành. Theo tác giả, hai trường quốc gia “gán những vai trò khác nhau cho các lý thuyết, và các cách hiểu thực sự khác biệt về những gì lý thuyết nên bao gồm” (Abend, 2006, trang 26).

Ví dụ, trong hầu hết các bài của Hoa Kỳ, vị trí của lý thuyết trong văn bản rất dễ xác định. Các bài viết này theo

 […] một dạng tiêu chuẩn để tổ chức sự biện luận […]. Các lý thuyết được sử dụng ở một vị trí chính xác trong văn bản vốn gợi ý và ràng buộc chức năng của chúng trong sự biện luận. Chúng được tách biệt và đi trước dữ liệu. Do đó, các tiền giả định trước hết là sự độc lập về mặt khoa học luận của các dữ kiện quan sát đối với lý thuyết: bất kể quy chế bản thể luận nào được gán cho “thực tại”, quá trình nhận thức không ảnh hưởng đến các biểu hiện có thể được quan sát của nó. Thứ hai, phần lớn, các lý thuyết không phải là hệ quả của các cuộc điều tra thực nghiệm mà của bối cảnh phi khoa học, bí ẩn và không thích đáng của sự khám phá. Chúng là hoặc các lý thuyết “thích đáng”, được xây dựng bởi các nhà nghiên cứu có uy tín và rút ra từ các “tư liệu”, hoặc “các kết cấu được tạo ra từ con số không” (Abend, 2006, trang 6, 8)

Jürgen Habermas (1929-)

Ngược lại, phần lớn các bài của Mexico trong mẫu không sử dụng sự khác biệt này giữa lý thuyết và sự kiện được quan sát: “Những gì các nhà xã hội học Mỹ coi là dữ liệu có thể được các nhà xã hội học Mexico coi là lý thuyết, chứa cả dữ liệu và lý thuyết”. Thông thường, các tác giả Mexico lấy cảm hứng một cách “tự do” từ các lý thuyết như các lý thuyết của Habermas, Luhmann, Giddens, Bourdieu, Touraine hoặc Marx, có nghĩa là họ “vay mượn các khái niệm và các định nghĩa từ các lý thuyết này hoặc sử dụng chúng để giải thích và soi sáng các khía cạnh đặc biệt của lập luận của họ”. Trong các trường hợp khác, các lý thuyết mang ý nghĩa của “Weltanschauung”/thế giới quan như chúng tôi đã chỉ ra ở trên, điều này gợi ý “cách hình thành câu hỏi và cách nhìn thế giới, [để xác định] điều gì là hiện hữu hoặc điều gì không đáng quan tâm.” (Abend, 2006, trang 6-7), do đó cung cấp “các trọng điểm và biệt ngữ”, nhưng chắc chắn không phải là các mệnh đề lý thuyết với nội dung thực nghiệm đáng kể. Không có vị trí đặc biệt cho “lý thuyết” trong các bài của Mexico; nó có thể xuất hiện trong lập luận bất cứ nơi nào mà nó hữu ích. Do đó Abend kết luận rằng các bài của Mexico mang tính biệt ngữ (idiographique) hơn các bài của Hoa Kỳ, theo nghĩa các bài của Mexico:

 […] được thúc đẩy chủ yếu bởi sự hiểu biết một vấn đề thực nghiệm. Trong khi một số tác giả thảo luận về tầm quan trọng của (các) trường hợp như vậy, không có tác giả nào biện minh cho (các) lựa chọn của mình về mặt lý thuyết. Vì vậy, mục đích của hầu hết các bài là cung cấp một sự giải thích, một câu chuyện có sức thuyết phục, một mô tả hay hoặc một cách làm rõ vấn đề thực nghiệm. Dù vấn đề này có thể liên quan đến một hoặc nhiều “trường hợp”, những trường hợp này không được xử lý theo các mô hình chung cũng như không được thuật lại dựa trên sự tham chiếu đến cái khung của một thực tế thông thường. Theo các tiền giả định của Mexico, việc trừu tượng hóa các nguyên tắc chung từ các sự kiện thực nghiệm cụ thể có thể là một chiến lược sai lầm vì chỉ trong những bối cảnh đặc biệt này, các mối quan hệ được quan sát mới có hiệu lực. (Abend, 2006, trang 10)

Lý thuyết của Mexico do đó gần với “sự kiện” hơn và thậm chí: “lý thuyết là sự kiện; lý thuyết là những sự kiện như chúng được kể lại” (Abend, 2006, trang 13).

Kết quả là:

Sự tương phản chính là hầu hết các lý thuyết của Mỹ đều có nội dung đáng kể, trong khi các nhà xã hội học Mexico có xu hướng quan niệm và vận dụng các lý thuyết như những ngữ pháp. Hướng được các lý thuyết này đưa ra hoàn toàn khác với hướng được các lý thuyết của Merton về tầm trung mô mang lại. Ngữ pháp là công cụ theo quy ước, và do đó thiếu giá trị như là chân lý. Ngữ pháp là “cách nói lên thế giới”. Có rất nhiều ngữ pháp và chúng chỉ có thể được xem như là công cụ, cũng có thể chấp nhận được, để nói về thế giới. Các nhà xã hội học Mexico “nói lên”; Các nhà xã hội học Mỹ “cho thấy”. (Abend, 2006, trang 14)

Mặc dù người ta có thể lập luận rằng tập hợp đặc thù các tư liệu thực nghiệm này chỉ được phân tích theo sự phân chia quốc gia, người ta có thể tiếp tục con đường mà Abend đã vạch ra bằng cách tìm kiếm các sự kết nối giữa hai bộ tư liệu mà ông mô tả là rất khác nhau về cơ bản và tìm ra cách chúng lưu hành và có thể tương tác với nhau.

Các đặc tính

Phần thứ hai này đề cập đến các đặc điểm của văn bản vốn, theo các tư liệu hiện có, tác động đến việc lưu hành chúng. Dưới đây, tôi cố gắng hệ thống hóa và tổng hợp các phân tích tương ứng với các trường hợp thực nghiệm. Tuy nhiên, một nghiên cứu so sánh có hệ thống chặt chẽ hơn sẽ là cần thiết để xác định các tiêu chí tiềm năng cho phép phân biệt khả năng được chuyển dịch, độ phức tạp, độ không không rõ ràng, v.v..

Tính chuyển ngữ được

Luc Boltanski (1940-)

Ngôn ngữ không phải là một chi tiết: những người đã tham gia các cuộc trao đổi học thuật quốc tế sẽ đồng ý về điều này và điều này cũng đúng với các văn bản đang lưu hành. Việc khẳng định “không thể dịch được” có thể là một cách để tăng giá trị tri thức của một văn bản nhất định. Boltanski gọi chúng là “hiệu ứng của việc sử dụng ngôn ngữ để làm tăng giá trị”, mà ông quan sát thấy trong cộng đồng triết học Pháp đối với tiếng Đức.

Tác động rất mạnh mẽ này dựa trên uy tín của tiếng Đức trong lĩnh vực triết học và sự lan tỏa tương đối yếu của các nghiên cứu về Đức ở Pháp (so sánh chẳng hạn với tiếng Anh, ngôn ngữ “tầm thường” nhất trong các ngôn ngữ hiện đại). Nó giả định sự tồn tại trong từ vựng tiếng Đức của một tính dồi dào về mặt ý nghĩa và một giá trị thặng dư về mặt ngôn ngữ và triết học, mà bản dịch sẽ đặc biệt bất lực, trong trường hợp này, để thể hiện lại. (Boltanski, 1975, trang 197-199)

Sự khẳng định không thể dịch được có thể đi xa đến mức chủ trương việc bãi bỏ sự việc chuyển ngữ trong một “sự từ chối thần bí” để dịch. Kết quả là, sự tồn tại của khả năng chuyển ngữ bị đặt thành vấn đề, với việc dịch thuật trở thành một sự chuyển giao văn hóa hoặc một sự biến đổi (Dick và Schwerter, 2012). Nhưng König viết rằng một phát biểu khoa học không thể dịch sang một ngôn ngữ hiện đại khác là đáng nghi ngờ và cần phải được xem xét với thái độ hoài nghi (König, 1971, trang 210).

Thomas Kuhn (1922-1996)

Một quan điểm còn triệt để hơn nữa là “tính chuyển ngữ được thậm chí còn có thể là một tiêu chí của việc sử dụng đích thực ngôn ngữ: một tuyên bố không thể dịch được không phải là một hành vi ngôn ngữ, mà là một chuỗi những nhiễu ngẫu nhiên” (Davidson, 1984; Putnam, 1981, trích dẫn trong Abend, 2006, trang 28). Tuy nhiên, có sự nhầm lẫn giữa tính chuyển ngữ được và tính khả tri trong sự khẳng định này. Nếu một ý tưởng xã hội học không thể dịch được trực tiếp sang một ngôn ngữ khác, điều này không có nghĩa là sẽ không thể hiểu được ý tưởng ấy, nghĩa là không thể hiểu được nó trong một ngôn ngữ khác. Ví dụ, vẫn có thể có sự so sánh giữa các xã hội học Mexico và Mỹ, vì chúng ta có thể “sắp xếp chúng trong một hệ tọa độ chung, và diễn giải một xã hội học sang một xã hội học khác bằng một ngôn ngữ khác”, nghĩa là “mọi ngôn ngữ đều có thể được hiểu, diễn giải và truyền đạt để có thể trở thành khả tri” (Abend, 2006, trang 28). Trong những quan sát này, hẳn là tính chuyển ngữ được đề cập đến việc dịch từ một ngôn ngữ bản địa này sang một ngôn ngữ bản địa khác nhưng đó còn là việc dịch từ một ngôn ngữ chuyên ngành hay ngôn ngữ lí thuyết sang một ngôn ngữ chuyên ngành hay ngôn ngữ lí thuyết khác. Phải phân biệt tính chuyển ngữ được với tính so sánh được (hay tính tương ước). Dịch có nghĩa là “một điều gì đó được thực hiện bởi một người biết hai ngôn ngữ” “nhằm tạo ra một văn bản tương đương trong ngôn ngữ kia”. Do đó, bản dịch dựa trên hai điều kiện tiên quyết: rằng “ngôn ngữ đích của bản dịch tồn tại trước khi bản dịch bắt đầu”; và rằng “bản dịch chỉ bao gồm các từ và cụm từ thay thế (không nhất thiết là theo từng từ một) các từ và cụm từ trong văn bản nguồn” (Kuhn, 1982, trang 672). Điều này khác với trường hợp hai lý thuyết tồn tại trong các ngôn ngữ lý thuyết không thể được chuyển dịch lẫn nhau, tức là khi vấn đề về tính tương ước (commensurabilité) nảy sinh.

Có vẻ hữu ích phải tính đến những đóng góp của lý thuyết về khoa học và khoa học luận để tiếp cận chủ đề dịch thuật. Các công trình đã xuất bản cho thấy các quan điểm trái nhau. Trên một quan điểm triệt để, sự đa dạng thực nghiệm hiện có của các ngôn ngữ vốn tạo thành “các từ khác nhau cho cùng một sự vật” (Lapidot, 2012) có thể được coi là một bệnh lý của sự truyền thông trong trường hợp của hoạt động khoa học. Như vậy, thay vì khởi sự việc dịch thuật, giải pháp triệt để cho khoa học là tạo ra một ngôn ngữ duy nhất có giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, mặc dù một số ngành được hình thức hóa ở một mức độ cao như hóa học, toán học hoặc triết học phân tích cố gắng tiếp cận lý tưởng ngôn ngữ có giá trị toàn cầu này, nhưng điều này dường như vẫn là một tham vọng không tưởng đối với khoa học xã hội, nơi trái lại, tài hùng biện và phong cách hùng biện có uy tín cao và dường như rất khó để tìm lại sự đa dạng của các ý nghĩa vốn có trong các khái niệm hoặc phép ẩn dụ (xem ở trên) mà không cần đến sự diễn đạt của chúng trong các bản ngữ. Phân tích của Hauchecorne trong lĩnh vực của đạo đức phân tích về việc dịch từ ngôn ngữ thông thường và tranh luận chính trị sang ngôn ngữ logic bằng phương pháp giải từ vựng hóa (désindexicalisation), hệ thống hóa, v.v., tạo thành một ví dụ rất thú vị và hiếm có theo nghĩa này (Hauchecorne, 2011). Nhận xét của Guilhot (2014) về mối quan hệ giữa sự xuất hiện xuyên quốc gia của lý thuyết quan hệ quốc tế và việc sử dụng một ngôn ngữ lý thuyết phi bản ngữ, mang tính chất giao tiếp xuyên quốc gia (trong trường hợp này bắt nguồn từ chủ nghĩa hiện thực Thiên chúa giáo), đi theo hướng được Lapidot đề xuất. Gingras (2002) khẳng định rằng các ngành khoa học xã hội được hình thức hóa hơn có mức độ hợp tác quốc tế cao hơn các ngành dựa trên những biệt ngữ (idiographique), một nhận định thực nghiệm có thể được giải thích phần nào bởi vai trò và cách sử dụng ngôn ngữ và tính chuyển ngữ được. Thật vậy, có vẻ như những nỗ lực đồng xây dựng trong các cuộc trao đổi học thuật xuyên quốc gia (Keim, 2014) đã thúc đẩy việc sản xuất và lưu hành kiến ​​thức trên cơ sở một ngôn ngữ chung được phát triển một cách tập thể.

Cuộc tranh luận nhấn mạnh đến tính đặc thù của việc dịch thuật trong khoa học xã hội và nhân văn, nơi mà dịch thuật phải đối mặt với ít nhất “ba khoảng cách”: “tính lạ” của ngôn ngữ nước ngoài, “không khí của thời điểm”, nghĩa là khoảng cách lịch sử giữa văn bản nguồn và công chúng đối tượng của bản dịch, và khoảng cách “liên văn hóa” giữa nguồn (của văn bản) và nền văn minh đích (Ladmiral, 2012, trang 20). Do đó, dịch thuật không chỉ quan tâm đến ý nghĩa tức thì của văn bản được xử lý mà còn liên quan đến việc cung cấp các “dấu hiệu xã hội” như các tham chiếu ngầm hoặc các đặc điểm tu từ học sẽ giúp người đọc định vị tác giả và văn bản trong lĩnh vực tri thức.

Để kết thúc phần này, tính chuyển ngữ được không phải là một đặc tính vốn có trong văn bản, độc lập với các hình thức lưu hành đặc thù của nó và sự đối đầu của nó với các độc giả đặc thù, trong các ngôn ngữ nhất định. Tính chuyển ngữ được luôn phụ thuộc vào các tình huống đặc thù trong đó nó trở nên có vấn đề. Mặc dù các thách thức của tính chuyển ngữ được là mấu chốt, song việc đi đến một kết luận tổng quát lại càng khó hơn so với các phần khác của bài viết này.

Tính tương ước

Vấn đề càng trở nên khó khăn hơn khi các câu hỏi về tính chuyển ngữ được nảy sinh không chỉ trong sự giao tiếp giữa các bản ngữ khác nhau, mà còn giữa các ngôn ngữ lý thuyết khác nhau. Thậm chí, việc nói về ngôn ngữ theo số ít là sai vì tất cả các ngôn ngữ đều theo số nhiều (Caws, 2012). Trong một không gian ngôn ngữ đa dạng ở nhiều cấp độ như vậy, các ngôn ngữ lý thuyết có thể được quan niệm là đa chiều, gắn liền với các bản ngữ nhưng vượt qua chúng, ít nhất là trong khoa học xã hội.

Sự phân biệt giữa tính chuyển ngữ được và tính tương ước lý thuyết được Kuhn (1982) thực hiện một cách hữu ích. Vấn đề về tính tương ước nảy sinh khi các khái niệm khoa học có những ý nghĩa khác nhau trong các lý thuyết khác nhau, dẫn đến việc không thể xác định tất cả các khái niệm của một lý thuyết này trong từ vựng khái niệm của lý thuyết kia: chúng không có ngôn ngữ chung và do đó, chúng là không thể tương đương một cách xấp xỉ được (incommensurable).

Các nhà lý thuyết có thể nắm vững một ngôn ngữ lý thuyết và đối mặt với một văn bản bao gồm “toàn bộ hoặc một phần các nhiễu và các văn tự khó hiểu” (Kuhn, 1982, trang 672). Nhiệm vụ ở đây, theo thuật ngữ của Kuhn, không phải là dịch thuật mà là diễn giải. Điều này ngụ ý rằng bước đầu tiên là việc học ngôn ngữ mới và các ý nghĩa gắn liền với các thuật ngữ khác nhau của ngôn ngữ này để làm cho văn bản trở nên dễ hiểu, có nghĩa là một sự xã hội hóa trong một ngôn ngữ lý thuyết khác. Người đọc có thể gặp các thuật ngữ xa lạ, tuy nhiên họ vẫn có khả năng cung cấp một sự mô tả và giải thích trong ngôn ngữ của họ - không có vấn đề nào về tính tương ước nảy sinh. Sau cùng, thuật ngữ tất nhiên liên quan đến được đưa vào ngôn ngữ riêng của nhà lý thuyết và do đó làm cho nó phong phú hoặc biến đổi nó. Chẳng hạn, khái niệm “asabiya” của Ibn Khaldun xuất hiện trong tiếng Ả Rập trong hầu hết các bản dịch và bình luận về sự nghiệp của ông - một chú thích ở cuối trang cung cấp một lời giải thích khá dài dòng về ý nghĩa của nó trong lần xuất hiện đầu tiên. Lấy lại ví dụ nổi tiếng về từ “gavagai” theo Quine[**], Kuhn lập luận rằng tính không có sự tương ước xuất hiện khi

[… ] không có sự mô tả tiếng Anh nào đồng quy chiếu về thuật ngữ bản địa “gavagai”. Bằng cách học cách nhận biết các từ Gavagais, thông dịch viên có thể đã học cách nhận biết các đặc điểm nhận dạng mà người nói tiếng Anh không biết và không được hệ thống thuật ngữ mô tả nào của tiếng Anh cung cấp […] Trong những trường hợp như vậy, “gavagai” vẫn là một thuật ngữ hoàn toàn mang tính bản ngữ, không thể dịch được sang tiếng Anh. Mặc dù người nói tiếng Anh có thể học cách sử dụng thuật ngữ này, nhưng khi họ làm như vậy thì họ nói bằng bản ngữ. Đó là những loại hoàn cảnh mà tôi sẽ dành cho thuật ngữ “không có sự tương ước (incommensurabilité)”. (Kuhn, 1982, trang 673)

Chúng ta có thể giả định rằng mức độ không có sự tương ước thay đổi tùy theo các văn bản đang lưu hành và nền tảng lý thuyết của độc giả, rằng điều này ảnh hưởng đến cách các văn bản này được chấp nhận hoặc bị từ chối. Mặc dù chúng ta đã khẳng định ở trên rằng mức độ chuyển dịch phần lớn phụ thuộc vào các trường hợp lưu hành đặc biệt giữa hai bản ngữ, chúng ta có thể chỉ ra điều gì đó đặc thù hơn về khả năng tương ước tùy theo các văn bản đang lưu hành: các vấn đề về tính không có sự tương ước, và do đó, việc phải tăng nỗ lực để nắm bắt ý nghĩa được tác giả muốn chắc chắn quan trọng hơn trong các hệ thống lý thuyết khá “khép kín” của các nhà lý thuyết xã hội học tổng quát; đặc trưng của những văn bản này là một phong cách viết phức tạp (xem bên dưới), một lượng lớn các khái niệm được xác định một cách đặc thù và liên kết với nhau (xem ở trên), mức độ trừu tượng hóa lý thuyết cao (xem bên dưới), kết hợp với một số lượng tài liệu tham khảo thực nghiệm thấp.

Tính khoa học

Berthelot (1996) phân biệt ba mô hình cạnh tranh nhau về tính khoa học trong khoa học xã hội: mô hình thực chứng, mô hình thông hiểu và mô hình phê phán. Vậy, các bộ tư liệu lý thuyết không có sự tương ước luôn tồn tại trong truyền thống lý thuyết châu Âu mà Berthelot đề cập ở đây. Trừ khi tán đồng rõ ràng một trong ba mô hình này, các văn bản dựa vào các mô hình khác có thể dễ dàng bị mất uy tín vì bị cho là không khoa học. Tuy nhiên, sự nối kết giữa một bộ tư liệu thường được các bộ môn khoa học xã hội chấp nhận và các cách diễn đạt địa phương hoặc khu vực của nó (Berthelot, 1998) trở nên khó khăn hơn, như các cuộc tranh luận xung quanh sự Mỹ Latinh hóa, sự bản địa hóa, sự Hồi giáo hóa chứng minh. Trong “chiến trường” học thuật quốc tế, cuộc tranh luận sau cùng (về tiến trình Hồi giáo hóa) đặt cơ sở cho sự từ chối hoặc chấp nhận các mô hình đã được thiết lập trên cơ sở của sự phê phán tính khoa học của chúng. Điều này cũng đúng với các cuộc tranh luận về các công trình tự xưng là hậu hiện đại, hậu cấu trúc, nữ quyền, hậu thực dân.

Tương tự như vậy, những người ủng hộ xu hướng “Hồi giáo hóa tri thức”, chẳng hạn, đề xuất một tiến trình khái niệm hóa thay thế về tính khoa học, dựa trên một quan niệm Hồi giáo về khoa học và tri thức như là sự “thần khải của thượng đế”, cơ sở để xây dựng một mô hình thay thế về khoa học xã hội. Chúng ta phải tự vấn một cách phê phán về mức độ nào mà điều này có thể hoặc không thể được coi là khoa học theo quan điểm thông thường (của châu Âu) (Keim, 2015). Vấn đề của các quá trình đặc biệt của sự lưu hành quốc tế của tri thức trong khoa học xã hội đòi hỏi phải xác định mức độ mà sự tán đồng các khái niệm siêu lý thuyết về tính khoa học tác động đến việc chuyển giao các cách tiếp cận này.

Các giá trị

Paulin J. Hountondji (1942-)

Một tham số quan trọng khác là vấn đề các giá trị và các định hướng đạo đức hoặc chính trị được kết hợp một cách ngầm hoặc rõ ràng với một cách tiếp cận nhất định. Ở đây không cần thiết phải nhắc lại vấn đề về tính trung lập về giá trị, thường được các cuộc tranh luận về tính khoa học nêu lên và do đó cũng được kích hoạt lại trong quá trình phê bình thuyết lấy châu Âu làm trung tâm, để hiểu rằng mỗi lý thuyết đang lưu hành có thể khơi dậy những nghi ngờ, sự ủng hộ hoặc sự bác bỏ về các giá trị riêng biệt mà nó có thể chuyển tải. Chẳng hạn, một số cách tiếp cận được coi là đại diện cho tư duy xã hội bảo thủ hơn là tiến bộ. Đây là trường hợp của những sự đối lập chủ nghĩa truyền thống chống chủ nghĩa hiện đại, xung đột chống hài hòa, hoặc tư sản, dân tộc chủ nghĩa, giải phóng, cấp tiến, v.v.. Những gì có vẻ là một dự án khoa học luận cấp tiến trong khoa học xã hội cũng có thể là một phản ứng bảo thủ-phản động đối với sự biến đổi xã hội - lời chỉ trích của Connell chống lại dự án bản địa hóa của Akiwowo (Akiwowo, 1990, 1999; Connell, 2007). Sự ‘phê bình triết học chủng tộc’ của Hountondji (1976) đã dẫn đến nhiều lời buộc tội chống lại ông: ‘Hountondji bị cánh tả buộc tội là một người tiểu tư sản theo chủ nghĩa cá nhân tư sản, và bị cánh hữu tố cáo là phản bội nhân dân châu Phi và nền văn hóa của họ. Các nhà triết học chủng tộc cho rằng ông cổ vũ cho một quan điểm triết học lấy Châu Âu làm trung tâm. Ông đã bị cáo buộc là một người theo chủ nghĩa thực dân mới, một người theo chủ nghĩa tinh hoa, một người chạy theo lý tưởng, một người tôn sùng văn tự, một kẻ đua đòi và một kẻ lừa đảo trí tuệ” (Connell, 2007, trang 103). Abend viết rằng “các nhà xã hội học Mỹ có xu hướng coi trọng nguyên lý trung lập về đạo đức, còn các nhà xã hội học Mexico thì rất khinh thường nó” (Abend, 2006). Chúng ta có thể giả định rằng những khác biệt như vậy ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc lưu hành các văn bản.

Khó khăn nằm ở chỗ định vị các giá trị trong các văn bản xã hội học. Tác giả thể hiện sự cam kết đạo đức của mình bằng những yếu tố nào? Người đọc tìm ở đâu những lý do để đánh giá quan điểm của tác giả? Đôi khi nhiệm vụ này đơn giản, một số tập hợp tư liệu lý thuyết tự hào khẳng định “thiên hướng giá trị” của chúng. “Tất nhiên, bản thân khái niệm ‘lý thuyết tốt’ đã bị tranh cãi rất nhiều. Có thể lập luận rằng lý thuyết nữ quyền thường - hoặc nên - ít quan tâm đến những lập luận về sự sáng sủa và tính toàn diện hơn là đến vấn đề triển khai thích đáng một lý thuyết vì lý do chuẩn tắc hoặc chính trị” (Davis, 2008, trang 78). Sự ưu tiên dành cho một số yếu tố giải thích hơn những yếu tố khác thường dẫn đến các cuộc tranh cãi học thuật trong đó việc tuân thủ các giá trị mâu thuẫn với nhau biện minh cho một lập luận được giả định mang tính lý thuyết hoặc một sự phê phán các dữ liệu thực nghiệm. Việc phân tích các giá trị trong sự lưu hành các văn bản sẽ có lợi hơn khi nó tập trung vào việc hiểu các công thức đặc thù và một hệ thống thuật ngữ nhất định (Abend, 2006, trang 22).

Chủ nghĩa tân tự do” là một ví dụ về một khái niệm trong khoa học xã hội hầu như không bao giờ được sử dụng mà không có sự kết hợp với các giá trị. Abend đã phân tích một loạt bài báo trên các tạp chí xã hội học Mexico và đưa ra kết luận sau:

Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, thứ đáng ghét nhất là “chủ nghĩa tân tự do” (Pucciarelli, 1999, trang 129, 130; Tamayo, 1999, trang 510; Barrera, 1998, passim; Massolo, 1996, trang 134, 136). Ta có thể tham khảo “thú săn mồi của chủ nghĩa tân tự do (Dilla Alfonso và Oxhorn, 1999, trang 132); “các chính sách kinh tế tân tự do” (Zermeno, 1999, passim; Ziccardi, 1999, trang 110); “tầm quan trọng mà các chính sách tân tự do hiện tại đặt lên các công ty lớn làm tổn hại đến các công ty nhỏ” (Mingo, 1996, trang 91); đến “sự áp đặt tinh vi của các giá trị [quy chuẩn] tân tự do” (Barrios Suvelza, 2000, trang 176); hoặc tình hình “trở nên trầm trọng hơn đáng kể bởi các chính sách tân tự do của các chính phủ và tổ chức tài chính đa quốc gia” (Stavenhagen, 1998, trang 13). Trong bối cảnh hiện tại, từ “chủ nghĩa tân tự do” tất nhiên chứa đựng nhiều giá trị. Nó không chỉ chỉ định một học thuyết kinh tế dựa trên nguyên tắc “tự do kinh doanh”. Trên thực tế, nó chỉ ra một học thuyết kinh tế dựa trên nguyên lý “tự do kinh doanh” vốn là không chính xác về mặt khái niệm và đáng khinh bỉ về mặt đạo đức. (Abend, 2006, trang 24).

Mặc dù, trong trường hợp của “chủ nghĩa tân tự do”, việc phát hiện sự hàm chứa nhiều giá trị của thuật ngữ có vẻ dễ dàng, nhưng có thể khó khăn hơn để gỡ rối các giá trị đặc thù mà mỗi người đọc có thể phát hiện trong văn bản lưu hành.

Sự tương hợp

Những điểm được nêu ở trên liên quan đến các giá trị vốn có trong các văn bản của khoa học xã hội đề cập đến thế giới xã hội theo nghĩa rộng. Có những vấn đề về giá trị thuộc một loại đặc biệt: sự tuân thủ các “điều răn/mệnh lệnh” mà các cộng đồng học thuật áp đặt cho các thành viên của họ, những mệnh lệnh đều là những điều kiện siêu lý thuyết hoặc tiền lý thuyết phải được thỏa mãn mà không bị tra vấn. Một trong những điều kiện thuộc loại mệnh lệnh này, phổ biến trong các lĩnh vực rộng lớn của lý thuyết xã hội thời hậu hiện đại, là “ta không được bản chất hóa.” Điều này đã trở thành một lời chỉ trích được sử dụng rộng rãi trong giới học thuật, có tác dụng làm cho những người bị buộc tội mất uy tín mạnh mẽ vì đã bản chất hóa các phương pháp tiếp cận hay các khái niệm, hay các phương pháp luận có thể mang tiềm năng bản chất hóa. Một điều kiện khác cùng loại đã được đề xuất tại Đại hội Khoa học Xã hội Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ 13: các bài trình bày của Çelik (4.12.2013) về các vấn đề Bắc-Nam trong xã hội học quốc tế và của Keim (4.12.2013) về các trung tâm và các ngoại vi trong xã hội học quốc tế; hai bài thuyết trình này đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi, nơi người ta nhiều lần khẳng định rằng “phải tránh các sự lưỡng phân”. Hình như, đặc biệt là sau các tiến trình giải cấu trúc hậu hiện đại và hậu thực dân, nhưng tất nhiên là không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu giới tính, việc sử dụng các sự phân biệt trong phân tích mang tính lưỡng phân thường bị nghi ngờ ngay từ đầu.

Một ví dụ tương tự là quy tắc ngầm, dường như ngày càng được quan sát nhiều trong giới học thuật Hoa Kỳ, rằng “ta không được viết về một bối cảnh không phải là bối cảnh của mình” (Wöhrer, thông báo cá nhân). Có vẻ như điều này theo xu hướng đặt lại vấn đề về việc chấp nhận quan điểm của các tác nhân, các hình tượng của họ và tính chính đáng để “nói thay cho họ”. Nó cũng tương ứng với những tiến hóa trong cảnh quan học thuật Hoa Kỳ. Các ngách chuyên môn đã hình thành về mặt lý thuyết và nghiên cứu xã hội dọc theo các hướng được xác định bởi các nhãn đánh dấu sự khác biệt về văn hóa hoặc về bản sắc, chẳng hạn như chủ nghĩa nữ quyền người Mỹ gốc Phi, nghiên cứu biên giới, nghiên cứu những người “Chicano” (người Mỹ gốc Trung Mỹ và Châu Mỹ Latinh - ND), khoa học xã hội Hồi giáo hoặc bị Hồi giáo hóa, nghiên cứu hậu thực dân, v.v.. Mỗi ngách “biến mỗi tổ hợp về bản sắc có thể được quan sát thành một đối tượng riêng biệt” (Neveu, 2008, trang 327-328), một tổ hợp chủ yếu được thực hành bởi những cá nhân khẳng định, một cách giả tạo, tính chính đáng để đề cập đến nó dựa trên một trải nghiệm đặc thù. “Đa số” bị loại trừ hoặc xa cách trải nghiệm xã hội đặc thù sẽ không đủ thẩm quyền về mặt khoa học luận cũng như không có cơ sở về mặt chính trị để nói về nó.

Những điều kiện tiên quyết cơ bản như vậy không biện minh cho một cách tiếp cận lý thuyết đặc biệt, không gắn với các lĩnh vực chuyên đề, các định hướng khu vực, các ngôn ngữ, các nhân vật khái niệm, v.v., đặc thù, mà xuyên suốt các cuộc tranh luận trong khoa học xã hội theo cách tương tự như trong trường hợp của các giá trị, và, cũng theo cùng cách, dẫn đến những sự chấp nhận hoặc từ chối sẵn sàng được sử dụng.

Phong cách

Người ta có thể cho rằng lập luận của một văn bản xã hội học càng được thể hiện rõ ràng và chính xác, thì tiềm năng liên chủ thể của nó càng lớn, vì càng nhiều người đọc sẽ thực hiện một cách diễn giải tương tự. Do đó, một câu trả lời thông thường cho câu hỏi về sự lưu hành của các văn bản trong khoa học xã hội sẽ giả định rằng một văn bản càng được soạn thảo hay được truyền đạt một cách rõ ràng thì sự lưu hành của nó càng mạnh.

Tuy nhiên, văn phong quá tinh tế - văn phong tối nghĩa, mơ hồ, các hình thức trình bày biện chứng, sự mở rộng lớn cho các cách diễn giải khác nhau - lại nhận được uy tín và sự công nhận lớn trong nhiều lĩnh vực khoa học xã hội. Các phân tích về chủ đề này thường huy động sự so sánh với lĩnh vực thời trang. Ví dụ, “giống như các sản phẩm của thời trang Paris, thuyết cấu trúc dường như thể hiện các đặc tính quyến rũ nguy hiểm của phong cách: giống như xu hướng thời trang, nó lóng lánh, khác biệt, khéo léo và hơi khiêu gợi” (Ruegg, 1979, trang 189). “Văn phong quá tinh tế và hơi tối nghĩa” hay “kỹ thuật tu từ điêu luyện” là một trong những thương hiệu làm nên sự thành công của Derrida (Lamont, 1987, trang 591, 592).

Người ta có thể cho rằng có một mối quan hệ tất yếu giữa sự quá tinh tế và tính phức tạp (xem bên dưới), tức là giữa sự phức tạp của các thực tế mà các văn bản trong khoa học xã hội đề cập đến và việc trình bày các ý tưởng phức tạp theo một văn phong cô đọng. Một văn phong “tối nghĩa” có thể có những ý nghĩa khác nhau. Nó có thể báo hiệu cho sự mơ hồ hoặc sự thiếu chính xác trong việc khái niệm hóa hoặc trong lập luận:

Các lý thuyết xã hội có các khái niệm “được kết nối yếu” có thể là đối tượng của những sự tổ chức lại thay thế. (Lưu ý rằng sự thiếu tính trọn vẹn về mặt cấu trúc này là thuộc tính của chính lý thuyết, và không phải là sản phẩm của sự thiếu hiểu biết của chúng ta về lý thuyết đó. Một lý thuyết xã hội có thể không chỉ là phức tạp mà thực chất còn là mơ hồ.) [...] Sự mơ hồ trong khoa học xã hội không gây ra sự mất uy tín mà Kuhn chỉ ra trong khoa học tự nhiên (Kuhn, 1962); ngược lại, nó còn là cốt yếu để làm cho nhà lý luận khoa học xã hội trở nên hấp dẫn. Một lý thuyết mơ hồ có thể thu hút các nhóm độc giả khác nhau, thậm chí thù địch với nhau, cho phép mỗi nhóm giải thích lý thuyết theo những cách khác nhau, phù hợp với các quan điểm đặc thù, ngay cả khi chúng không tương hợp với nhau. (Davis, 1986, trang 295-297)

Một lập luận mơ hồ hoặc không rõ ràng có thể củng cố sự lưu hành mà vẫn không tạo ra các cuộc tranh luận về ý nghĩa thực sự của nó, về sự khớp nối chính xác của các lập luận để tạo ý nghĩa, về sự tổng hợp của chúng.

Sự tối nghĩa trong việc khái niệm hóa hoặc trong lập luận cũng dẫn đến sự mở rộng cho những sự diễn giải, và do đó đến khả năng thích ứng của văn bản với các bối cảnh khác nhau. Đây là những gì làm cho các tác phẩm kinh điển khác biệt trong khoa học nhân văn:

Những cuốn sách mà chúng ta gọi là kinh điển có những phẩm chất nội tại lâu dài, nhưng chúng cũng có sự mở rộng cho những thích ứng giúp chúng tồn tại theo những bố cục biến đổi vô hạn; rất nhiều ý nghĩa mà […] mỗi người đọc bỏ lỡ một số và […] thích những một số khác. (Kermode, 1975, trang 44, 133)

Mặt khác,

[...] chính tính đa dạng này, về lâu dài, phủ nhận cách đọc quy chuẩn hoặc độc đoán, vốn nhấn mạnh đến sự tương ứng với ý định của tác giả hoặc với cách đọc của những người cùng thời với ông. […] Do đó, sự tồn tại của một tác phẩm kinh điển phải phụ thuộc vào việc nó sở hữu một thặng dư ý nghĩa; […] điều này có thể khiến nó bị cáo buộc là lờ mờ, vì nó luôn phải chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn mức cần thiết đối với mọi cá nhân diễn giải hoặc bất kỳ thế hệ diễn giải nào. (Kermode, 1975, trang 138, 140)

Điều này tương ứng với nhiều nghĩa vốn có trong các khái niệm xã hội học (xem ở trên).

Dù sao, đối với những văn bản tối nghĩa, trách nhiệm hiểu được văn bản thuộc về người đọc. Do ý nghĩa không rõ ràng ngay từ đầu mở ra khả năng cho các biến thể trong cách diễn giải và sử dụng các văn bản này. Lập luận tương tự nêu trên liên quan đến tính mơ hồ, tính co giãn và tính đa nghĩa của các khái niệm cũng được áp dụng ở đây: sự tối nghĩa và do đó sự mở rộng đối với các diễn giải, hơn là một trở ngại, có thể tạo nên một lợi thế cho sự lưu hành có lợi.

Tính phức tạp

Trong khi văn phong tối nghĩa hoặc quá tinh tế thường gắn liền với tính phức tạp của văn bản, thuật ngữ “tính phức tạp” được sử dụng ở đây để chỉ sự cấu trúc hóa văn bản thành nhiều cấp độ ngôn ngữ và ý nghĩa. Những cấp độ này ảnh hưởng khác nhau đến quá trình lưu hành và bị ảnh hưởng khác nhau bởi quá trình này. Các văn bản khoa học thường có đặc trưng là mức độ tính kỹ thuật cao hơn so với ngôn ngữ thông thường. Trong khoa học xã hội, ngược lại với toán học hoặc hóa học chẳng hạn, sự khác biệt này chỉ được áp dụng một phần. Ngôn ngữ kỹ thuật hình như dành ưu tiên cho độ chính xác của ý nghĩa và tính trừu tượng của các cuộc thí nghiệm đặc biệt để có được một hiệu lực tổng quát hơn, cũng như khả năng dịch thuật dễ dàng hơn, tất cả các đặc điểm cho phép, theo quan điểm thông thường, một sự lưu hành quốc tế và một sự thừa nhận trong nhiều bối cảnh đa dạng (Gingras, 2002). Nhưng sự gần gũi với ngôn ngữ thông thường có thực sự gây bất lợi cho sự lưu hành quốc tế không?

Ngược lại với nhiều tác giả khác, Gouldner (1985), dựa trên ví dụ của sự lưu hành rộng rãi các văn bản của Marx, đặt lại vấn đề về những ý tưởng cho rằng việc lưu hành phụ thuộc vào việc chạy theo một văn phong trí thức thời thượng, quá tinh tế hoặc tối nghĩa, hoặc việc chấp nhận các “nhãn” lý thuyết dễ tiếp cận, hoặc bản chất trừu tượng của các cấu trúc lý thuyết (xem bên dưới), hoặc khoảng cách giữa ngôn ngữ văn bản với ngôn ngữ thông thường và các loại ngôn ngữ không phải là bản ngữ, nét đặc thù của các lý thuyết, các kỹ thuật hoặc một cách lí tưởng là có một giá trị phổ quát. Gouldner khi điều tra về sự “độc lập bề ngoài đối với bối cảnh”, của việc chủ nghĩa Mác được nhanh chóng chấp nhận trong nhiều hoàn cảnh địa lý, văn hóa và lịch sử, lập luận rằng, ngược lại, chính sự gần gũi với ngôn ngữ thông thường và với những câu hỏi cơ bản ngầm gần như phổ quát, khiến cho các văn bản của Marx đã có thể lưu hành rộng rãi như vậy và có thể được điều chỉnh và được coi là phù hợp với những nơi và thời gian thật khác nhau:

Cuộc thảo luận này đề cập đến cách một lý thuyết chịu ảnh hưởng của lịch sử, tập trung vào tính riêng biệt của các xã hội tư bản và giai cấp vô sản công nghiệp của chúng, có thể đã được một lần nữa tập trung lại sự chú ý vào việc bao quát cả các xã hội không phải là tư bản và hầu như không có giai cấp vô sản. Về cơ bản, câu trả lời của tôi là chủ nghĩa Mác tồn tại như một hệ thống biểu tượng được phân tầng về mặt khảo cổ học, trong đó kinh tế chính trị mang tính duy lịch sử chỉ là lớp gần đây nhất, một ngôn ngữ “kỹ thuật” hay khác thường, [...] hoàn toàn không khai thác hết chủ nghĩa Mác. Dưới lớp này là một tầng ngôn ngữ cũ hơn, sơ cấp hơn, một ngôn ngữ bình thường […], được thiết kế xung quanh các yếu tố “biểu tượng cổ” của nó mà trên đó người ta tiếp tục đặt nền tảng có lẽ một cách vô thức, nhưng lại được sử dụng khi gặp những khó khăn sử dụng nó (ngôn ngữ khác thường). (Gouldner, 1985, trang 222)

Như vậy, Gouldner công nhận rằng cấu trúc biểu tượng ngầm của chủ nghĩa Mác là nguồn gốc của “phép hoán vị ẩn dụ” tiềm năng của nó, khiến nó dễ dàng có ý nghĩa hơn trong những bối cảnh khác với bối cảnh xuất hiện thực sự của nó. Một ví dụ về chủ nghĩa tượng trưng là ngữ nghĩa của “tiến trình nô lệ hóa” phổ biến trong chủ nghĩa Mác và có ý nghĩa ẩn dụ, nếu chúng ta theo Gouldner, có một tầm gần như phổ quát. Điều này đặc biệt đã được xác nhận trong một cuộc phỏng vấn Blade Nzimande, một nhà tâm lý học và sau này là lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nam Phi. Trong đoạn trả lời sau, ông ấy mô tả việc ông khám phá chủ nghĩa Mác thông qua một nhóm đọc độc lập khiến cho trải nghiệm của ông ấy gần gũi với cách diễn giải của Gouldner:

[Chủ nghĩa Mác] đã thực sự làm cho suy nghĩ của tôi phong phú thêm. Tôi phải nói rằng sự tiếp xúc với chủ nghĩa Mác là trải nghiệm mang tính giải phóng nhất đối với tôi. Ngoài ra, bạn biết đấy, có một số điều khiến tôi kinh ngạc về chủ nghĩa Mác, cứ như thể Marx đang nói về tình trạng của chính tôi vào thời điểm đó: thị trấn dành cho người da đen (township) ban đầu của tôi, sự chán nản, sự nghèo nàn, tình trạng của giai cấp công nhân nơi tôi lớn lên. Bạn biết không, tôi đã bị nó (chủ nghĩa Mác) cuốn hút. Dù nó đã được viết vào thế kỷ trước nhưng […] như thể nó đang mô tả trải nghiệm của chính tôi. Chính như vậy mà tôi bị lôi cuốn mạnh mẽ. (Nzimande/Keim, 6.4.2004)

Đứng trước vô số các quan điểm trái nhau trong các công trình, các câu hỏi về sự dễ dàng lưu hành mà các văn bản đơn giản hay phức tạp có và về các cấp độ văn bản vốn tạo điều kiện thuận lợi cho sự lưu hành của chúng, vẫn còn mở cho các nghiên cứu thực nghiệm và cho cuộc tranh luận.

Kết luận được rút ra có thể là nhiều cấp độ ý nghĩa là một tham số chính cho khả năng sử dụng khác nhau của các người không chuyên môn và các chuyên gia. Ta có thể có xu hướng theo quan điểm của Davis rằng cả các văn bản đơn giản hay các văn bản tối nghĩa không có thiên hướng để được lưu hành, mà chính là văn bản đa cấp: những văn bản này chứa đựng các khía cạnh chủ chốt dễ dàng được tiếp cận, nổi tiếng và thời thượng cho một công chúng rộng lớn cũng như có sự phức tạp cần thiết cho phép sự chuyên môn hóa. Davis tìm thấy điểm đặc biệt này trong các văn bản ngày nay được coi là “kinh điển”:

Lý thuyết của chúng có đủ nhiều cấp độ để thu hút người đọc ở các mức độ tinh tế khác nhau: một bề mặt đơn giản là các khái niệm nổi tiếng dễ ghi nhớ khiến các nhà không chuyên môn có cảm tưởng ít nhất là quen thuộc với lý thuyết, và một cốt lõi tinh tế gồm các mối quan hệ phức tạp đặt ra thách thức cho các chuyên gia để phân tích chúng. (Davis, 1986, trang 298)[12]

K. Davis xác nhận rằng chính “tính kết giao” là lợi thế này của các lý thuyết đa cấp (Davis, 2008, trang 75).

Tính trọn vẹn

Theo cách thức đào tạo về phương pháp luận tiêu chuẩn, lý tưởng về sự trọn vẹn hoặc sự toàn bộ phải hướng dẫn các nhà nghiên cứu trong nghề nghiệp và các bài viết của họ. Tuy nhiên, liên quan đến sự lưu hành, tài liệu chỉ ra một tiền giả định phản trực giác: nếu một lập luận không được nghĩ ra trong toàn bộ các hệ quả logic của nó, nếu cơ sở thực nghiệm cho một cách tiếp cận đáng chú ý là không đủ, nếu có nhiều khía cạnh quan trọng gắn với lý thuyết chưa được xem xét, điều này có thể tạo thành một điểm chỉ trích chính đối với các đồng đẳng, chẳng hạn vào thời điểm của sự đánh giá của những người đồng đẳng. Tuy nhiên, Davis cho chúng ta biết rằng tính không trọn vẹn cũng có thể làm gia tăng sự lưu hành, nếu văn bản cho phép người khác nắm bắt hoặc hoàn thành các nhiệm vụ chưa hoàn thành mà văn bản đã khởi xướng (Davis, 1986, trang 295-297). K. Davis coi trọng quan điểm này trong sự phân tích của mình về những nguyên nhân của sự thành công của tính “kết giao” trong các nghiên cứu về giới:

Nói tóm lại, tính kết giao, nhờ tính mơ hồ và tính mở của nó, khởi đầu một quá trình khám phá không chỉ có khả năng vô hạn mà còn hứa hẹn cung cấp những hiểu biết trọn vẹn hơn và mang tính phản biện. (Davis, 2008, trang 77)

Sự trừu tượng hóa

Không thể chắc chắn liệu bản thân các tác giả thuộc các khoa học xã hội có đủ khả năng xác định mức độ trừu tượng và tổng quát của công trình lý thuyết của họ hay không hay liệu kết quả này sẽ được xác định một cách hậu nghiệm dựa trên “hiệu ứng của sự lưu hành”. Theo Said:

điều chúng ta cần, một cách ưu tiên và vượt lên trên lý thuyết, là nhận thức một cách phê phán sự việc là không có lý thuyết nào có khả năng bao quát, cô lập, dự đoán tất cả các tình huống trong đó nó có thể hữu ích. [Hơn nữa,] ý thức phê phán là kiến ​​thức về sự khác biệt giữa các tình huống, cũng là kiến ​​thức rằng không có hệ thống hoặc lý thuyết nào có thể bao quát tình huống trong đó chúng xuất hiện hoặc chúng được hướng đến. Và trên hết, ý thức phê phán là biết cách kháng cự lại lý thuyết, và những phản ứng mà nó tạo ra bằng những kinh nghiệm cụ thể hoặc những cách diễn giải mâu thuẫn với nó (lý thuyết). (Said, 1983, trang 241-242)

Do đó, có thể một khái niệm được thiết lập cho một hiện tượng đặc thù, riêng biệt, có tiềm năng được sử dụng trong các bối cảnh khác nhau và do đó có thể được khái quát hóa. Trong bối cảnh của các cuộc tranh luận thời hậu thực dân, phần lớn lý thuyết xã hội châu Âu nay bị nghi ngờ là có tính cá biệt bất chấp những tuyên bố có tham vọng phổ quát của các lí thuyết này. Tuy nhiên, trong khi tham vọng hướng tới tính phổ quát đòi hỏi phải có lập luận tốt, thì điều ngược lại là việc thu gọn ý nghĩa về các điều kiện đặc thù cũng đòi hỏi lập luận lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm. Nhãn “có giá trị nói chung” cũng như nhãn “đặc thù”, “tỉnh”, “tỉnh lẻ” hoặc “địa phương” hay “cá biệt” là một mẹo tu từ nhằm nhấn mạnh hoặc giảm thiểu ý nghĩa của cách tiếp cận xã hội học. Trong trường hợp tốt nhất, sức bền vững của các nhãn này có thể được đánh giá dần dần và lần lượt bằng phương pháp thử và sai đối với từng trường hợp.

Anthony Giddens (1938-)

Các khái niệm lịch sử, mặc dù ban đầu chúng được sử dụng để nắm bắt về mặt khái niệm những trải nghiệm phức tạp trong tính riêng biệt của chúng, có tiềm năng vốn có là có thể được “khái quát hóa, để tạo ra các loại hình hoặc cho phép so sánh.” Ví dụ, “việc nghiên cứu một đảng, một Nhà nước hoặc một quân đội cụ thể” diễn ra ở một mức độ ngôn ngữ cũng bao hàm các khái niệm trừu tượng hơn về đảng, Nhà nước hoặc quân đội” (Koselleck, [1979] 1995, trang 126). Nhưng nếu tiềm năng khái quát hóa này được khẳng định một cách không phê phán và do thiếu sự phản tư, thì điều này chắc có khả năng gây ra sự từ chối dưới dạng một lập luận về sự “thu nhỏ phạm vi”. Ví dụ, Connell (2006) nhấn mạnh sự phụ thuộc của lý thuyết đối với văn hóa nguyên thủy của ba nhà lý thuyết tổng quát đương thời Coleman, Giddens và Bourdieu. Ngoài các đối tượng được nghiên cứu và mặc dù các lý thuyết này có tham vọng đưa ra những giải thích mang tính khái quát và trừu tượng cao về xã hội, các điều kiện đặc biệt của quá trình sản xuất lý thuyết của chúng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình khái niệm hóa của chúng. Đặc biệt Connell cho thấy điều này khi nhấn mạnh vào khái niệm tác nhân xã hội trong cách tiếp cận của Coleman:

Coleman ủng hộ loại người nào? Khi chúng ta xem xét những gì “con người tự nhiên” làm trong văn bản này, chúng ta thấy rõ rằng họ là một loại người rất đặc biệt. Họ theo đuổi lợi ích của riêng mình, tính toán lợi ích và chi phí, mặc cả với người khác, từ bỏ hoặc chấp nhận các quyền, tham gia vào các hành động tự nguyện vì một mục đích. Nói tóm lại, họ cư xử như những doanh nhân trên thị trường - mọi lúc. […] Về mặt này, xã hội học của ông mang tính thời đại một cách đáng ngạc nhiên. Đó là sự khái quát lớn về quan điểm về những con người và các quan hệ xã hội đặc trưng của chủ nghĩa tân tự do hiện đại. (Connell, 2006, trang 240)

Bà tóm tắt:

Lý thuyết tổng quát của Coleman vẽ nên một bức tranh về con người và các mối quan hệ xã hội lấy cảm hứng từ kinh nghiệm xã hội châu Âu và đặc biệt là từ Bắc Mỹ, phản ánh sự bành trướng quá mức của thị trường. […] Chẳng hạn, xã hội thị trường và nhà tiếp thị cá nhân trở thành những tiêu chuẩn mà thông qua đó chúng ta hiểu tất cả các quá trình xã hội. (Connell, 2006, trang 244)

Nói một cách tổng quát hơn, Gingras (2002) phân biệt giữa các ngành được “mô hình hóa” mạnh mẽ như kinh tế học và các ngành có tính riêng biệt không có tham vọng về tính phổ cập như xã hội học hoặc dân tộc học. Ông lập luận rằng các ngành đầu tiên được quốc tế hóa nhiều hơn những ngành sau. Các lý thuyết “được mô hình hóa” có thể vận hành tốt không? Các mô hình cố gắng thu được các sự soi sáng bằng sự quy giản. Một mô hình được thiết lập từ thế giới ban đầu rất phức tạp, bằng cách cô lập và trừu tượng hóa một số đặc điểm được cho là thích đáng. Mô hình tạo thành một sự tái tạo thu nhỏ của thế giới thực nghiệm nơi chỉ những đặc điểm được coi là thích đáng mới được thể hiện (Schlechtriemen, 2008, trang 81). Như vậy, các đặc điểm này có thể được kiểm soát bởi nhà nghiên cứu, được sử dụng để kiểm tra thực tế với mô hình và do đó thu được kết quả có cơ sở. Sự quy giản này được coi là một lợi thế trong sự hiểu biết phân tích về thế giới thực.

Các thủ tục mà Abend quan sát trong đoạn nói trên trong các văn bản học thuật của Mỹ tuân theo một logic tương tự về sự kiểm tra dữ liệu thực nghiệm và chỉ tập trung vào những gì được coi là thích đáng, thường giới hạn vào các lý thuyết tầm trung. Giả định rằng thế giới xã hội hành xử một cách đơn điệu là cơ sở của thủ tục này (Abend, 2006, trang 12); hơn nữa, người ta cho rằng nhà xã hội học có thể nắm bắt được tính “đều đặn này dưới hình thức các mệnh đề có giá trị như quy luật”. Hành động của các nhà nghiên cứu là rút gọn một vấn đề phức tạp thành một câu hỏi liên quan đến mối quan hệ nhân quả nói chung, bất kể địa điểm và thời gian hoặc bất kỳ yếu tố gây nhiễu nào khác, tức là theo định lý “ceteris paribus” (tức là một mô hình lý thuyết trong đó sự tác động của sự biến động của một số lượng - biến số giải thích – đối với một số lượng khác - biến số được giải thích - được xem xét mà không tính đến bất cứ biến số nào khác. Tiếng Pháp cụm từ tương ứng là “toutes choses étant égales par ailleurs” (“mọi biến khác không thay đổi”) - ND). Giả sử rằng xã hội hành xử theo một cách đơn điệu, thì ta có thể xác định “với những điều kiện nào” hiện tượng sẽ xuất hiện trong các quan sát thực nghiệm và do đó có thể xây dựng một lý thuyết có hiệu lực vượt lên trên những dữ liệu đặc biệt đã truyền cảm hứng cho nó.

Max Weber (1864-1920)

Tuy nhiên, khoa học xã hội cũng đã khẳng định đưa ra các giải thích trừu tượng cao với mong muốn có một hiệu lực tổng quát cho các cách tiếp cận dựa trên những biệt ngữ (idiographique). Ví dụ, từ những ý nghĩa phong phú đặc biệt và những kinh nghiệm địa phương được quan sát theo cách thực nghiệm, khái niệm ‘tính chính đáng’ của Weber được hiểu là có đủ tính hình thức và tính trừu tượng để cho phép mô tả các loại hình cấu tạo theo dài hạn và thiết lập, từ cấu trúc ngầm của chúng và vượt lên trên những loại hình đặc thù được quan sát trên phương diện lịch sử, các loại hình đặc thù của sự cấu tạo (Koselleck, [1979] 1995, trang 128).

Theo Gingras, một giả thuyết có thể là một lý thuyết càng trừu tượng thì càng dễ chuyển dịch nó từ một bối cảnh xã hội, văn hóa và lịch sử này sang một bối cảnh lịch sử, xã hội khác. Điều này tương ứng với “quy tắc Morley”, theo đó trong số các văn bản đang lưu hành, thì những cấp độ lý thuyết cao nhất sẽ lưu hành tốt nhất, thường bị tách khỏi các tham chiếu thực nghiệm[13]. Ví dụ, một trong những lý do được đưa ra để giải thích sự lưu hành tương đối của Bourdieu là các lý thuyết của ông ăn sâu vào các “trường” Pháp mà ông đã nghiên cứu, và do đó kháng cự lại “cái biến thể học thuật của việc tinh lọc các bản chất khái niệm dựa trên các tác phẩm được sinh ra từ cuộc khảo sát và kho lưu trữ” (Neveu, 2008, trang 321). Tương tự như vậy, sự lưu hành tốt khái niệm giải cấu trúc của Derrida là do nó cung cấp một kỹ thuật trí tuệ với mức độ trừu tượng cao, và do đó nó có thể áp dụng cho rất nhiều loại tư liệu, sản phẩm văn học, và cuối cùng là cho tất cả các văn bản thuộc mọi loại hình, với hơn nữa tiềm năng là “lan tỏa đến tất cả các khoa văn học và thu hẹp khoảng cách giữa các chuyên gia của các thời kỳ và các nền văn học quốc gia khác nhau” (Lamont, 1987, trang 610).

Nhưng có một sự căng thẳng nguy hiểm. Trong khi Gingras quan sát một cách thực nghiệm sự quốc tế hóa vượt trội của các lý thuyết trừu tượng được mô hình hóa trong lĩnh vực kinh tế học, thì Buhlungu chỉ trích nghiêm khắc chính các lý thuyết kinh tế về cách thức mà những lý thuyết này được xây dựng dựa trên tiền giả định chung của định lý “ceteris paribus”; theo ông, “ceteris không bao giờ là paribus” (Buhlungu, thông báo cá nhân, 2012). Nhiều bài phê bình gần đây đối với các lý thuyết châu Âu đang lưu hành đã tập trung vào khát vọng tổng quát tự phụ của chúng, trên thực tế trái ngược với các chủ nghĩa đặc thù. Mặc dù sự chỉ trích này đã trở nên phổ biến, vẫn còn thiếu các nghiên cứu cụ thể vốn là những nghiên cứu duy nhất có thể xác định liệu nguyện vọng tổng quát là có cơ sở hay có tính đánh lừa.

Việc này càng trở nên phức tạp hơn khi chúng ta xem xét các giải thích xã hội học xuất phát từ đâu và được viết ở đâu. Thomas Brisson, chẳng hạn, chỉ ra:

Thông thường, sự chấp nhận các nhà tư tưởng cổ điển phương Tây ở bên ngoài phương Tây có liên quan đến hai nhóm yếu tố riêng biệt: 1) tính phong phú của các khái niệm mà họ đã thiết kế trong xã hội của họ (tức là châu Âu hoặc Mỹ); 2) những gì họ đã viết về các xã hội và nền văn hóa khác (tức là không phải phương Tây). Về phương diện này, tôi nghĩ sẽ rất thú vị nếu đặt trong thế tương phản những cách đọc và sự tiếp thu khác nhau các văn bản của Marx, chẳng hạn, khái niệm về giai cấp xã hội của ông, ban đầu được thiết kế cho châu Âu thế kỷ 19, đã được quốc tế công nhận, như cuộc phỏng vấn Blade Nzimande cho thấy; trái lại, sự hiểu biết của Marx về các thế giới không phải là phương Tây (xem quan niệm của ông về chế độ chuyên quyền phương Đông, các bài viết của ông về Ấn Độ, v.v.) đã bị chỉ trích gay gắt. Ta cũng có thể có nhận định tương tự về Weber: phân tích của ông về sự ra đời của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu đã được quốc tế hoan nghênh trong khi sự hiểu biết của ông về Nho giáo, Ấn Độ giáo hay Hồi giáo lại bị các học giả không phải phương Tây đón nhận với sự hoài nghi. Tóm lại điểm này, tôi đề nghị chú ý hơn đến các cách thức khác nhau mà các học giả phương Tây chủ đề hóa về thế giới phương Tây/không phương Tây như là những yếu tố chính trong cách mà các đồng nghiệp không phải phương Tây tiếp nhận chúng. (Brisson, giao tiếp cá nhân, 2012)

Kết luận

Từ những nghiên cứu hiện có khác nhau về sự lưu hành của các văn bản trong khoa học xã hội, tôi đã cố gắng hệ thống hóa một loạt các yếu tố có trong các văn bản, cũng như một loạt các đặc điểm của văn bản được cho là có ảnh hưởng đến sự lưu hành của chúng. Bước tiếp theo sẽ liên quan đến sự đối chiếu có hệ thống danh sách được đề xuất này về các nhân tố nội tại của sự chấp nhận và sự từ chối với các ví dụ thực nghiệm; cuối cùng bằng cách thiết lập các sự nối kết thích đáng giữa vài loại yếu tố nội dung văn bản với các đặc điểm khác xung quanh các văn bản này; và bằng cách xây dựng các tiêu chí cho phép đặt các văn bản trên một thang điểm dựa trên các đặc điểm này.

Các chu trình hoặc các độc giả đóng một vai trò mấu chốt trong việc điều chỉnh sự tác động của các nội dung và các đặc điểm của văn bản. Điều này đã được thể hiện đặc biệt rõ ràng về sự phức tạp của văn bản trong quá trình lưu hành. Cách thức mà tính phức tạp của văn phong ảnh hưởng đến việc lưu hành thực sự phụ thuộc vào việc sử dụng và các chu trình hoặc các độc giả ở những nơi mà văn bản được chuyển đến. Ví dụ, trong nhiều khóa học đại học ở cấp cử nhân, các văn bản được soạn thảo một cách rõ ràng được ưu tiên sử dụng để giảng dạy. Ngược lại, các văn bản có độ phức tạp cao lại hữu ích hơn trong các nghiên cứu chuyên ngành, bởi vì “việc làm chủ một mã mà người phàm tục không thể tiếp cận được sẽ chính đáng hóa các ngách chuyên môn” (Abend, 2006, trang 17). Theo Lamont, Derrida được hưởng lợi thế so sánh trên thị trường văn hóa Pháp vì “kỹ thuật tu từ điêu luyện góp phần xác định sự khác biệt về địa vị và sự duy trì sự phân tầng giữa các triết gia Pháp” (Lamont, 1987, trang 591, 592)[14]. Việc phân tích sự tiếp nhận Luhmann ở Mỹ Latinh gợi ý cách giải thích như vậy về tiềm năng chuyên môn hóa của lý thuyết của Luhmann (Rodríguez Medina, 2014a, 2014b). Để tiếp tục theo hướng này, cần phải tiến hành phân tích một cách có hệ thống các khía cạnh được liệt kê dựa trên ảnh hưởng của chúng đối với các loại độc giả khác nhau.

Nhiều phần của khung phân tích được đề xuất ở đây có thể được tổ chức xung quanh một sự căng thẳng thú vị xuất phát từ các tư liệu được tham khảo cho đến nay. Một mặt, chúng tôi bắt gặp những tầm nhìn lý tưởng về cách thức hoạt động phải có của khoa học và văn bản khoa học phải như thế nào. Mặt khác, các nghiên cứu thực nghiệm về sự lưu hành tri thức trong khoa học xã hội dường như cho thấy rằng các văn bản không tuân theo lý tưởng này lại lưu hành “nhiều hơn” hoặc “tốt hơn” (mặc dù cần phải chỉ rõ điều này có nghĩa là gì). Thuật lại “sự thành công” của sự lưu hành một phương pháp tiếp cận xã hội học bằng cách đo lường tác động định lượng của nó hoặc hiệu ứng của thời thượng và nhãn mác trong cộng đồng khoa học chắc chắn tự nó đã là một việc giúp soi sáng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cố gắng đánh giá một cách có phê phán mức độ mà sự lưu hành dẫn đến các thực tiễn xã hội học độc đáo, hiệu quả, mang tính khám phá và soi sáng đặc biệt.

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến các đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu khách mời của dự án “Tính phổ cập và tiềm năng chấp nhận tri thức khoa học xã hội/Universality and acceptance potential of social science knowledge” tại Đại học Freiburg, cũng như những người tham gia Những Ngày Nghiên cứu thứ nhất (2012) và thứ hai (2013) về chủ đề này trong các cuộc thảo luận lặp đi lặp lại của họ về văn bản này. Dự án này và các hoạt động của nó được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF) tài trợ. Tôi xin cảm ơn Tomás Elgorriaga Kunze bí danh José Jiménez đã hỗ trợ họ trong việc nghiên cứu thư mục cho bài viết này. Tất cả các phần dịch là của tác giả.

Phạm Như Hồ dịch

THƯ MỤC

Abend, G. (2006). Styles of sociological thought: sociologies, epistemologies, and the Mexican and US quests for truth. Sociological Theory, 24(1), 1-41. DOI: 10.1111/j.0735-2751.2006.00262.x

Abend, G. (2008). The meaning of “theory”. Sociological Theory, 26(2), 173-199. DOI: 10.1111/j.1467-9558.2008.00324.x

Adatto, K., & Cole, S. (1981). The functions of classical theory in contemporary research: the case of Max Weber. Knowledge and Society: Studies in the Sociology of Culture, 3, 137-162.

Akiwowo, A. (1990). Contributions to the sociology of knowledge from an African oral poetry. In M. Albrow & E. King (Eds.), Globalization, knowledge and society: readings from International Sociology (pp. 103-117). London. DOI: 10.1177/026858098600100401

Akiwowo, A. (1999). Indigenous sociologies: extending the scope of the argument. International Sociology, 14(2), 115-138. DOI: 10.1177/0268580999014002001

Bal, M. (2002). Travelling concepts in the humanities: A rough guide. Green College lectures. Toronto, Ont: University of Toronto Press. Consulté à http://site.ebrary.com/lib/alltitles/docDetail.action?docID=10218814

Berthelot, J.-M. (1996). Les vertus de l’incertitude: le travail de l’analyse dans les sciences sociales (1re éd.). Sociologie d’aujourd’hui. Paris: Presses universitaires de France. DOI: 10.3917/puf.berth.2004.01

Berthelot, J.-M. (1998). Les nouveaux défis épistémologiques de la sociologie. Sociologie et Sociétés, XXX(1), 1-16. DOI: 10.7202/001063ar

Boltanski, L. (1975). Note sur les échanges philosophiques internationaux. Actes de la Recherche en Sciences Sociales, 5(6), 191-199. DOI: 10.3406/arss.1975.3502

Bourdieu, P. (2002). Les conditions sociales de la circulation internationale des idées: Conférence prononcée le 30 octobre 1989 pour l’inauguration du Frankreichzentrum de l’Université de Fribourg. Actes de la Recherche en Sciences Sociales, 5(145), 3-8.

Bouveresse, J. (1982). Why I am so very unFrench. In A. Montefiore (Ed.), Philosophy in France Today (no page numbers). Cambridge: Cambridge University Press. Consulté à http://books.openedition.org/cdf/2130 DOI: 10.4000/1895.2

Brisson T. (2008). La critique arabe de l’orientalisme en France et aux États-Unis. Lieux, temporalités et modalités d’une relecture, Revue d’anthropologie des connaissances, 3(5), 505-521.

Brisson, T. (2012, June 18). Comments on my preliminary draft for Journée d’Études (e-mail).

Budowski, M., Tillmann, R., Keim, W., & Amacker, M. (2010). Conceptualizing ‘precarious prosperity’: Empirical and theoretical elements for debate. International Journal of Comparative Sociology, 51(4), 268-288. https://doi.org/10.1177/0020715210368840 DOI: 10.1177/0020715210368840

Buhlungu, S. (2012, March 13). Comments during retraite of the Research project “Universality and acceptance potential of social science knowledge” (Comment).

Caws, P. (2012). How many languages, how many translations? In J. K. Dick & S. Schwerter (Eds.), Transmissibility and cultural transfer. Dimensions of translation in the humanities. Stuttgart: Ibidem-Verlag.

Çelik, E. (2013). Kämpferisch gegen Hegemonie: Gewerkschaftswissen zwischen Nord und Süd. blätter des iz3w, (335), 32-33.

Çelik, E. (2013, December). Güney sosyolojisi’nin Türkiye sosyolojisi için ifade edebileceği anlamlar yüzyıl deneyimine yeniden bakmak. Türk Sosyal Bilimler Derneği. 13. Ulusal Sosyal Bilimler Kongresi, Ankara (oral presentation).

Chambliss, D. F., & Schutt, R. K. (2006). Making sense of the social world: Methods of investigation (2nd ed). Thousand Oaks, Calif: Pine Forge Press.

Connell, R. (2006). Northern Theory: The Political Geography of General Social Theory. Theory and Society, 35(2), 237-264. DOI: 10.1007/s11186-006-9004-y

Connell, R. (2007). Southern theory. The global dynamics of knowledge in social science. Cambridge: Polity Press. DOI: 10.22459/AHR.44.2008.04

Davis, K. (2008). Intersectionality as buzzword: a sociology of science perspective on what makes a feminist theory sucessful. Feminist Theory, 9(1), 67-85. DOI: 10.1177/1464700108086364

Davis, M. S. (1971). That’s interesting! Towards a phenomenology of sociology and a sociology of phenomenology. Philosophy of the Social Sciences, 1, 309-344.

Davis, M. S. (1986). ‘That’s classic!’ The phenomenology and rhetoric of successful social theories. Philosophy of the Social Sciences, 16, 285-301. DOI: 10.1177/004839318601600301

Dick, J. K., & Schwerter, S. (Eds.). (2012). Transmissibility and cultural transfer: Dimensions of translation in the humanities. Stuttgart: ibidem.

Dotti, J. (2008/2009). Encuesta sobre el concepto de recepción. Jorge E. Dotti, Alejandro Blanco, Mariano Plotkin, Hugo Vezzetti y Luis I. García. Respuestas de Jorge Dotti. Políticas de la Memoria, 8/9, 98-99.

García, L. I. (2008/2009). Encuesta sobre el concepto de recepción. Jorge E. Dotti, Alejandro Blanco, Mariano Plotkin, Hugo Vezzetti y Luis I. García. Respuestas de Luis Ignacio García. Políticas de la Memoria, 8/9, 105-109.

García, S. (2013, February). Presentation of PhD project “Circulation, reception and adaption of hegemonic theories in pheripheral spaces: Mapping multiculturalism in the fields of social sciences in Latin America”. BMBF-Projekt “Universalität und Akzeptanzpotential von Gesellschaftswissen”. Wednesday Discussion Round, Freiburg.

Gingras, Y. (2002). Les formes spécifiques de l’internationalité du champ scientifique. Actes de la Recherche en Sciences Sociales, 141-142, 31-45. DOI: 10.3406/arss.2002.2816

Goertz, G. (2006). Social science concepts: A user’s guide. Princeton: Princeton University Press. DOI: 10.1515/9781400842995

Gouldner, A. W. (1985). Against fragmentation: The origins of Marxism and the sociology of intellectuals. New York: Oxford University Press.

Guilhot, N. (2011). French connections. Writing the history of international relations theory as a transatlantic discipline, Strasbourg ESF Workshop “International circulation of ideas”.

Guilhot, N. (2014). The International Circulation of International Relations Theory. In W. Keim, E. Çelik, C. Ersche, & V. Wöhrer (Eds.), Global Knowledge Production in the Social Sciences: Made in Circulation (pp. 63-86). Farnham, Burlington, VT: Ashgate.

Guzzoni, U. (2010, January). Das Denken und seine Bilder, Halle (oral presentation).

Hauchecorne, M. (2011). La Fabrication transnationale des idées politiques. Sociologie de la réception de John Rawls et des “théories de la justice” en France (1971-2011). Thèse de Science politique, réalisée sous la direction de Frédéric Sawicki et de Frédérique Matonti soutenue le 14 novembre 2011 à l’Université Lille 2. École doctorale des Sciences Juridiques, Politiques et de Gestion, Lille 2.

Hountondji, P. J. (1976). Sur la ‘philosophie africaine’: critique de l’ethnophilosophie. Paris: Maspero.

Junge, M. (2012, October). Metaphorische Umschreibungen von Gesellschaft: Maschine, Organismus, und Netzwerk. Kongress der Deutschen Gesellschaft für Soziologie. Ad-Hoc-Gruppe “Metaphern der Gesellschaft”, Bochum (oral presentation).

Keim, W. (2008). Vermessene Disziplin. Zum konterhegemonialen Potential afrikanischer und lateinamerikanischer Soziologien. Bielefeld: transcript-Verl. DOI: 10.1515/9783839408384

Keim, W. (2009). Social sciences internationally: the problem of marginalisation and its consequences for the discipline of sociology. African Sociological Review, 12(2), 22-48. DOI: 10.4314/asr.v12i2.49833

Keim, W. (2010a). Aspects problématiques des relations internationales en sciences sociales: pour un modèle centre-périphérie. Revue d’Anthropologie des Connaissances, 4(3), 570-598.

Keim, W. (2010b). The internationalisation of social science: distortions, dominations and prospects. In International Social Science Council (Ed.), World Social Science Report 2010 (pp. 169-171). Paris: Unesco Publishing.

Keim, W. (2013, December). Sosyal bilimlerde karşı-hegemonik akımların oluşumu ve küreselleşmesi. Türk Sosyal Bilimler Derneği. 13. Ulusal Sosyal Bilimler Kongresi, Ankara (oral presentation).

Keim, W. (2014). Conceptualizing circulation of knowledge in the social sciences. In W. Keim, E. Çelik, C. Ersche, & V. Wöhrer (Eds.), Global Knowledge Production in the Social Sciences: Made in Circulation (pp. 87-113). Farnham, Burlington, VT: Ashgate.

Keim, W. (2015). Islamization of knowledge: symptom of the failed globalization of the social sciences? manuscrit, 26 pp.

Keim, W. (2017). Universally comprehensible, arrogantly local. South African Labour Studies from the Apartheid era into the new millennium. Paris: Éditions des archives contemporaines.

Keim, W., Amacker, M., Budowski, M., & Tillmann, R. (2010). Conceptualizing Precarious Prosperity for Comparative Research. In C. Suter (Ed.), World Society Studies: Vol. 2010. Inequality beyond globalization (pp. 201-222). Zürich: Lit.

Kermode, F. (1975). The classic. London: Faber & Faber.

König, R. (1971). Die Situation der emigrierten deutschen Soziologen in Europa [1959]. In R. König (Ed.), Fischer-Bücherei: Vol. 6078. Studien zur Soziologie. Thema mit Variationen (pp. 103-121). Frankfurt am Main: Fischer.

Koselleck, R. ([1979] 1995). Vergangene Zukunft: Zur Semantik geschichtlicher Zeiten (3. Aufl.). Suhrkamp-Taschenbuch Wissenschaft: Vol. 757. Frankfurt am Main: Suhrkamp.

Kuhn, T. S. (1982). Commensurability, comparability, communicability. In Philosophy of Science Association (Ed.), Proceedings of the Biennial Meeting of the Philosophy of Science Association, Vol. 2: Symposia and invited papers (pp. 669-688). University of Chicago Press.

Ladmiral, J.-R. (2012). Sourcerers and targeters. In J. K. Dick & S. Schwerter (Eds.), Transmissibility and cultural transfer. Dimensions of translation in the humanities (pp. 19-34). Stuttgart: Ibidem-Verlag.

Lamont, M. (1987). How to Become a Dominant French Philosopher: the Case of Jacques Derrida. American Journal of Sociology, 93(3), 584-622. DOI: 10.1086/228790

Lapidot, E. (2012). Translating philosophy. In J. K. Dick & S. Schwerter (Eds.), Transmissibility and cultural transfer. Dimensions of translation in the humanities (pp. 45-56). Stuttgart: Ibidem-Verlag.

Lipphardt, A. (2013, January). Mobile Lebenswelten. Methodologische und konzeptionelle Herausforderungen für Geisteswissenschaft und Kulturanthropologie. FRIAS School of History. FRIAS Kolloquium, Freiburg (oral presentation).

Morley, D. (1992). Television, audiences and Cultural Studies. London: Routledge. DOI: 10.4324/9780203398357

Neveu, E. (2008). Les voyages des Cultural Studies. L’Homme, 187-188(3), 315-341. DOI: 10.4000/lhomme.29311

Nzimande, B. (2004, April 6). Interview by W. Keim. Johannesburg.

Rodríguez Medina, L. (2014a). Bounding Luhmann: the reception and circulation of Luhmann’s theory in Hispanic America. In W. Keim, E. Çelik, C. Ersche, & V. Wöhrer (Eds.), Global Knowledge Production in the Social Sciences: Made in Circulation. (pp. 39-62). Farnham, Burlington, VT: Ashgate.

Rodríguez Medina, L. (2014b). The Circulation of European Knowledge. Niklas Luhmann in the Hispanic Americas. New York: Palgrave MacMillan.

Ruegg, M. (1979). The end(s) of French style: structuralism and post-structuralism in the American context. Criticism. a quarterly for literature and the arts, XXI(3), 189-216.

Ruvituso, C. (2015). La productivité d’une réception. Lectures, circulation et usages de Heidegger dans l’Argentine du péronisme classique. Revue d’Anthropologie des Connaissances, 9(3), 387-402. DOI: 10.3917/rac.028.0387

Said, E. W. (1983). Traveling theory. In The world, the text, and the critic. (pp. 226-247). Cambridge: Harvard University Press.

Schlechtriemen, T. (2008). Metaphern als Modelle: Zur Organismus-Metaphorik in der Soziologie. In I. Reichle, S. Siegel, & A Spelten (Eds.), Visuelle Modelle (pp. 71-84). München: Fink.

Schlechtriemen, T. (2012, October). Das Bild des Netzwerks und seine Rolle in der soziologischen Theoriebildung. Kongress der Deutschen Gesellschaft für Soziologie. Ad-Hoc-Gruppe “Metaphern der Gesellschaft”, Bochum (oral presentation).

Schnell, R., Hill, P. B., & Esser, E. (1989). Methoden der empirischen Sozialforschung (2e édition). München, Wien: Oldenbourg Verlag.

Silber, I. F. (2007). Towards a non-unitary approach to general theory. European Journal of Social Theory, 10(2), 220-232. DOI: 10.1177/1368431007078883

Sitas, A. (2004). Voices that reason: theoretical parables. Pretoria: University of South Africa Press.

Smejkalova, J. (1995). On the Road: Smuggling Feminism Across the Post-Iron Curtain. Replika, (1), no page numbers. Consulté à http://www.c3.hu/scripta/scripta0/replika/honlap/english/01/10fsmej.htm

Stengers, I. (1987). Introduction: la propagation des concepts. In I. Stengers (Ed.), D’une science à l’autre. Des concepts nomades (pp. 9-26). Paris: Éd. du Seuil.

Wade, P. (2011). Multiculturalismo y racismo. Revista Colombiana de Antropología, 47(2), 15-35. DOI: 10.22380/2539472X.956

Wöhrer, V. (2014). ‚Feminismus’ und ‚Gender’: zwei weitgereiste Begriffe. In D. Bender, A. Duscha, T. Hollstein, L. Huber, K. Klein-Zimmer, & C. Schmitt (Eds.), Orte transnationaler Wissensproduktionen. Kultur- und Sozialwissenschaftliche Schnittmengen (pp. 44-62). Weinheim: Beltz Juventa.

Nguồn: La circulation internationale des savoirs en sciences sociales", Revue d’anthropologie des connaissances, 10-1, 2016.




Chú thích:

[1] “Tính chính đáng tri thức được định nghĩa là quá trình trong đó một lý thuyết được thừa nhận là một phần của lĩnh vực liên quan, như một thứ không thể bị bỏ qua bởi những người được thừa nhận và xác định những người tham gia một cách chính đáng vào sự phát triển của một lĩnh vực nhận thức” (Lamont, 1987, tr. 586).

[2] “Loại lợi ích diễn giải nào được đầu tư vào khi ta thuật lại các điều kiện để soạn thảo một văn bản? Ai quan tâm đến nguồn gốc trần thế của các vật thể tâm linh? Sự dịch chuyển nào diễn ra khi các ý tưởng, văn bản, học thuyết, v.v., được hiểu dựa trên sự định vị xã hội của chúng? Điều quan trọng cần đề cập ở đây là cách tiếp cận này [phương pháp tiếp cận của Bourdieu đối với sự lưu hành quốc tế của các ý tưởng, WK] khẳng định cách giải mã duy nhất của kiến thức và ý tưởng là sự quy giản chúng thành những sự kiện xã hội học, do đó bỏ qua chiều kích học thuyết và tính hiệu quả của chúng, hoặc ít nhất là phủ nhận quy chế khoa học của tri thức xã hội học vốn là điều duy nhất có thể khẳng định “chân lý” xã hội của chúng” (Guilhot, tháng 10 năm 2011, trang 6, FN 5).

[3] Về các văn bản xã hội học được coi là kinh điển, ông giải thích chi tiết đến mức độ nào tất cả chúng đều liên hệ đến sự suy thoái của xã hội hiện đại bởi một nhân tố cơ bản, ở Marx là chủ nghĩa tư bản; ở Durkheim, sự phân công lao động xã hội; ở Weber tiên trình quan liêu hóa, v.v.. (Davis, 1986, trang 288-290)

[4] Để lấy một ví dụ khác cùng một xu hướng, tiếp nối M. Davis, K. Davis chấp nhận các giả định của ông này trong một giải thích về sự thành công quốc tế của sự “kết giao” trong lĩnh vực nghiên cứu giới tính. “‘Sự kết giao’ đáp ứng mối quan tâm lý thuyết và chuẩn tắc trung tâm nhất của các nghiên cứu nữ quyền: một cách chính xác, sự thừa nhận sự khác biệt giữa phụ nữ. Chính sự tồn tại của sự khác biệt giữa phụ nữ đã trở thành trọng tâm chính của các lý thuyết nữ quyền trong những năm gần đây. Đó là bởi vì điều này chạm đến vấn đề cấp bách nhất mà chủ nghĩa nữ quyền đương thời phải đối mặt - di sản lâu dài và đau đớn của việc nó loại trừ các khác biệt (Zack, 2007, trang 197)” (Davis, 2008, trang 70).

[5] “Sự đánh giá thấp nhân tố cơ bản của một lý thuyết là một trong những yếu tố của tu từ học tiêu cực này. Các lý thuyết giải thích xã hội dựa trên các nhân tố cơ bản có quy chế thấp kém (“tính vô đạo đức”, chẳng hạn như tiền bạc, tình dục, truyền hình) gặp nhiều sự chống đối trong quần chúng hơn là các lý thuyết dựa trên các nhân tố cơ bản có quy chế trung lập hoặc cao (phân công lao động, các thực thể siêu cá thể, tính duy lý)” (Davis, 1986, trang 299-300).

[6] Nỗ lực trước đây của chúng tôi nhằm xác định xem liệu các khái niệm “bấp bênh”, “loại trừ”, “lớp dưới” và “cận biên” được sử dụng trong các diễn ngôn học thuật ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ có đề cập đến sự tồn tại của một nhóm dân cư có cấu trúc giống nhau trong các thứ bậc xã hội khác nhau hay không, là một phần của tham vọng như vậy (2010; Budowski, Tillmann, Keim và Amacker).

[7] Koselleck, mà ý niệm “Begriffsgeschichte” (lịch sử của các khái niệm) được lấy lại ở đây, xác định sự phân biệt giữa các từ có thể được phân biệt với cái được biểu đạt và có thể có các ý nghĩa khác nhau và các khái niệm cô đọng và tập trung sự đa dạng và phong phú mang những ý nghĩa khác nhau. Trong trường hợp các khái niệm, ý nghĩa và cái được biểu đạt không thể tách rời nhau, bởi vì cái được biểu đạt không tồn tại độc lập với từ chứa đựng thực tế lịch sử và xã hội, trải nghiệm và các quan hệ lý thuyết tiếp nhận nghĩa của chúng từ từ này (Koselleck, [1979] 1995, trang 119-120).

[8] Bal gợi ý gắn tính “đàn hồi” cho các khái niệm cho thấy “cả tính ổn định tuyệt đối và khả năng mở rộng gần như không giới hạn” (Bal, 2002, trang 14).

[9] Bourdieu tuyên bố rằng một số tác giả cũng đặc biệt co giãn và do đó, lưu hành tốt (Bourdieu, 2002).

[10] Trong tiếng Anh, là từ “ceremonial”: “Thuật ngữ nghi lễ (rituel) được sử dụng theo hai cách chính. Nói chung, nó đề cập đến thủ tục quy định chi phối các phương thức điều tra và truyền thông hình thức trong một ngành. Thuật ngữ nghi lễ cũng chỉ định, một cách đặc thù hơn, các tham chiếu gợi lên địa vị hoặc quyền hạn của Weber, nhiều hơn là nội dung thực chất của ý tưởng của ông. Tác động của các tài liệu tham khảo đó phụ thuộc vào sự công nhận nhà lý thuyết được trích dẫn và sự chấp nhận tầm quan trọng của những đóng góp của ông cho cộng đồng khoa học. Kiểu tham chiếu theo nghi thức này không chỉ phổ biến trong các bài báo trích dẫn Weber một cách ngoại vi mà còn một cách thường xuyên trong các nghiên cứu kết hợp ý tưởng của ông về cơ bản” (Adatto & Cole, 1981, trang 146).

[11] “Tần suất trích dẫn Althusser chắc chắn là do lời mời gọi của ông được chuyển đạt với sự thanh lịch về mặt lý thuyết, tương đương với thời trang cao cấp của Pháp về cách ăn mặc” (Neveu 2008, trang 319).

[12] Hơn nữa: “Mỗi lý thuyết xã hội kinh điển được những người chuyên về nó và những người khác nhìn nhận một cách khác nhau. Các học giả coi lý thuyết là một dạng tổ chức có tính khớp nối cao của nhiều khái niệm và các mối quan hệ phức tạp của chúng (cũng như là một tập hợp các vấn đề cụ thể sử dụng một số khái niệm và mối quan hệ này). Ngược lại, những người không phải là chuyên gia chỉ có “ấn tượng chung” về lý thuyết mà họ coi như là một tổ chức lỏng lẻo của một vài khái niệm nổi tiếng, là những “khuôn sáo” của lý thuyết” (Davis, 1986, trang 294-295).

[13] “Điều được nêu lên ở đây là tầm thường nhưng trên thực tế có tầm quan trọng thiết yếu, bởi vì, nói một cách thẳng thắn, mức độ trừu tượng cao nhất (“lý thuyết”) có thể được bán ở một thị trường lớn hơn (và không phải là đặc thù của các nước), và có xu hướng có lợi nhuận cao hơn cho nhà xuất bản, cũng như cho sự nổi danh rộng lớn hơn cho nhà lý thuyết. Tóm lại, ‘lý thuyết’ du hành tốt nhất” (Morley, 1992, trang 3).

[14] Sự tiếp nhận Derrida ở Hoa Kỳ đi kèm với sự biến đổi của độc giả, từ các nhà triết học đại cương đến các học giả chuyên nghiên cứu văn học, đã làm cho sự việc trở thành phức tạp hơn.



[*] Bà Wiebke Keim là tiến sĩ xã hội học các trường đại học Freiburg (Đức) và Paris IV-Sorbonne (Pháp). Bà đã chủ trì một dự án nghiên cứu “Universality and acceptance potential of social science knowledge: On the Circulation of Knowledge between Europe and the Global South (2010-2014)” ở trường đại học Freiburg. Bà còn là nhà nghiên cứu trong phòng nghiên cứu SAGE (Societes, Acteurs, Gouvernement en Europe) thuộc đại học Strasbourg. Những chủ dề nghiên cứu của bà là về lịch sử và khoa học luận của các khoa học xã hội, các truyền thống xã hội học ở các nước Phương Nam, xã hội học về các khoa học, các chủ nghĩa phát xít. Đặc biệt bà đã công bố các tác phẩm sau: Vermessene Disziplin. Zum konterhegemonialen Potential afrikanischer und lateinamerikanischer Soziologien (transcript, 2008); Global knowledge production in the social sciences. Made in circulation (avec Ercüment Çelik, Christian Ersche, Veronika Wöhrer.; Ashgate, 2014); Gauging and engaging deviance, 1600-2000 (avec Ari Sitas, Sumangala Damodaran, Nicos Trimikliniotis, Faisal Garba; Tulika Press, 2014); Universally comprehensible, arrogantly local. South African labour studies from the Apartheid era into the new millennium (Éditions des Archives Contemporaines, 2017). https://orcid.org/0000-0003-1332-5931.

[**] Trong đoạn này, Kuhn dựa trên luận điểm nổi tiếng nhất của Quine, triết gia người Mỹ (1908-2000) về “tính không thể dịch triệt để”. Quine tưởng tượng một “nhà ngôn ngữ học” cố gắng dịch một ngôn ngữ mà ông hoàn toàn không biết gì và không có từ điển hoặc thông dịch viên. Khi đang đi dạo với một người bản địa, người sau kêu lên “Gavagai!” Đúng lúc một con thỏ chạy đi trước mặt họ. Không có gì đảm bảo cho nhà ngôn ngữ học của chúng ta, theo Quine, rằng “Gavagai” có nghĩa là một con thỏ chứ không phải, chẳng hạn, sự xuất hiện đột ngột của một vật thể trong tầm nhìn của anh ta. Do đó, Quine phủ nhận rằng có thể xác định đâu là bản dịch chính xác của “Gavagai!”, và do đó đặt câu hỏi về ý tưởng thường được chấp nhận được về ý nghĩa ổn định và không thay đổi trong các tuyên bố của chúng ta. Sự phê phán huyền thoại về ý nghĩa và luận điểm theo đó khoa học và logic của chúng ta tự bản chất là những hiện tượng của tự nhiên, và quan điểm của cái nhìn bao quát và bên ngoài mà các triết gia đã thường xuyên tuyên bố là dựa trên đó là những điều không thể có, nằm trong số các văn bản kinh điển hiện nay của triết học phân tích (ND).

Print Friendly and PDF