9.8.24

Tình huống thuộc địa: cách tiếp cận lí thuyết

“TÌNH HUỐNG THUỘC ĐỊA. CÁCH TIẾP CẬN LÝ THUYẾT”[*]

Georges BALANDIER[**]

[TRÍCH]

Một bài đăng trong Cahiers internationaux de sociologie, vol. 110, janvier-juin 2001, pp. 9-29. Paris: Les Presses Universitaires de France.

-------------------------------------------------------------------

Georges Balandier (1920-2016)

Một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử nhân loại là sự bành trướng trên toàn cầu của phần lớn các dân tộc châu Âu; nó đã dẫn đến sự khuất phục – thậm chí đôi khi còn là sự biến mất - của gần như toàn bộ các dân tộc được gọi là lạc hậu, cổ xưa hoặc nguyên thủy. Hoạt động thực dân trong thế kỷ 19 là hình thức quan trọng nhất, có hệ quả quan trọng nhất của sự bành trướng của châu Âu; hoạt động này, khi được thiết lập, đã áp đặt lên những dân tộc này một tình huống thuộc một loại rất đặc biệt. Chúng ta không thể không biết đến sự kiện này. Nó không chỉ quyết định các phản ứng của các dân tộc “lệ thuộc” mà còn giải thích một số phản ứng nhất định của các dân tộc vừa được giải phóng. Tình huống thuộc địa đặt ra vấn đề cho dân tộc bị khuất phục - vốn phản ứng với những vấn đề này trong chừng mực một “chút ít khả năng hành động” được dành cho họ - cho chính quyền đại diện cho cái gọi là quốc gia giám hộ (và bảo vệ lợi ích địa phương của quốc gia này), cho Nhà nước mới được thành lập phải chịu cái gánh nặng của cả một di sản thuộc địa; tình huống, còn tồn tại hoặc trong quá trình bị thanh toán này, kéo theo những vấn đề đặc thù cần phải thu hút sự chú ý của nhà xã hội học. Thời kỳ hậu chiến này đã chứng minh tính cấp bách và tầm quan trọng của toàn bộ vấn đề thuộc địa; đặc trưng của nó là những hoạt động khó khăn để khôi phục lại, với những cuộc giải phóng và nhượng bộ ít nhiều có điều kiện; thời kỳ này thông báo một giai đoạn kỹ thuật của tiến trình thuộc địa hóa tiếp nối giai đoạn chính trị-hành chính.

Chỉ một vài năm trước đây, một ước tính thô sơ nhưng có ý nghĩa đã nhắc lại rằng các lãnh thổ thuộc địa khi đó bao phủ một phần ba diện tích địa cầu và rằng bảy trăm triệu con người, trong tổng số hai tỷ dân, là những dân tộc thần dân (peuple sujet)[1]; cho đến rất gần đây, phần lớn các dân số, nếu không tính Trung Quốc và Nhật Bản, không phải da trắng phải chịu một tình trạng lệ thuộc do một trong các quốc gia thực dân châu Âu kiểm soát. Những dân tộc bị thống trị này, phân bố ở Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương, đều thuộc về những nền văn hóa bị xem là “lạc hậu” hoặc “không có máy móc”. Chúng tạo nên lĩnh vực nghiên cứu trong đó các nhà nhân học hoặc dân tộc học đã hoạt động - và đang hoạt động. Và kiến ​​thức, có tính chất khoa học, mà chúng ta có được về các dân tộc thuộc địa, phần lớn là nhờ vào các công trình mà họ đã thực hiện. Về nguyên tắc, những công trình như vậy không thể (hoặc không nên) không biết về một thực tế quan trọng như vậy, quá trình thuộc địa hóa vốn, từ một thế kỷ trở lên, đã áp đặt một kiểu tiến hóa nhất định lên các dân tộc bị khuất phục; dường như không thể nào không tính đến những điều kiện cụ thể trong đó sự tiến hóa gần đây của các dân tộc này đã diễn ra. Tuy nhiên, các nhà nhân học chỉ đã xem xét theo một cách rất không đồng đều bối cảnh chính xác này do tình huống thuộc địa bao hàm; chúng tôi sẽ có cơ hội thể hiện điều này trong một công trình hiện đang được thực hiện. Một mặt, các nhà nghiên cứu tham gia vào nhiều cuộc điều tra thực tế và trong một phạm vi hạn chế, hài lòng với chủ nghĩa kinh nghiệm tiện lợi hầu như không vượt quá trình độ của một kỹ thuật; giữa hai thái cực này là một khoảng cách rộng - nó dẫn từ giới hạn của cái gọi là nhân học “văn hóa”, đến giới hạn của cái gọi là nhân học “ứng dụng”. Một mặt, tình huống thuộc địa bị gạt bỏ vì nó gây rối hoặc chỉ được coi là một trong những nguyên nhân của những biến đổi văn hóa; mặt khác, nó chỉ được xem xét dưới một số khía cạnh nhất định - những khía cạnh rõ ràng liên quan đến vấn đề được xử lý - và không xuất hiện như một tổng thể đang hoạt động. Tuy nhiên, bất kỳ nghiên cứu hiện tại nào về các xã hội thuộc địa, nhắm tới mục tiêu hiểu biết về thực tế hiện tại chứ không phải là tới sự tái tạo mang tính chất lịch sử, nhắm tới mục tiêu là sự hiểu biết không buộc phải hy sinh tính đặc thù có lợi cho một sự sơ đồ hóa giáo điều, chỉ có thể được thực hiện khi được đặt trong cái phức hợp này mà chúng tôi gọi là tình huống thuộc địa. Đây là những gì chúng tôi muốn thể hiện; nhưng, trước đó, điều quan trọng là phải vạch ra những nét cơ bản hình dung hệ quy chiếu mà chúng tôi vừa gợi lên.

Trong những công trình gần đây được thực hiện ở Pháp, chỉ có những công trình của O. Mannoni mới dành một vị trí thiết yếu cho ý niệm tình huống thuộc địa[2]. Nhưng với mong muốn chỉ duy trì sự nghiên cứu ở cấp độ tâm lý-phân tâm học, Mannoni chỉ đưa ra một định nghĩa không chính xác về tình huống thuộc địa; ông trình bày nó như một “tình huống không thấu hiểu nhau”, “như một sự hiểu lầm” và do đó, phân tích những mặc cảm đặc trưng của con người “thuộc địa” và con người “thực dân” và giúp hiểu được mối quan hệ mà cả hai có với nhau[3]. Điều đó là không đủ. O. Mannoni dường như nhận ra điều này khi ông chỉ ra rằng ông không “đánh giá thấp tầm quan trọng (chủ yếu) của các mối quan hệ kinh tế”; hơn nữa, ông thừa nhận đã tự nguyện chọn một khía cạnh được xác định rõ ràng của tình huống thuộc địa. Ngược lại, đối với chúng tôi, chúng tôi sẽ có khuynh hướng thiên về tổng thể, nghĩ rằng có một sự gian lận khi chỉ giữ lại một trong những mối quan hệ liên can đến tình huống này.

Có thể nắm bắt được tình huống như vậy, được tạo ra bởi sự bành trướng thực dân của các quốc gia châu Âu trong thế kỷ qua, từ nhiều quan điểm khác nhau; đây là rất nhiều cách tiếp cận đặc thù, rất nhiều cách nhìn được định hướng khác nhau, được thực hiện bởi nhà sử học về tiến trình thuộc địa hóa, nhà kinh tế, nhà chính trị và nhà quản lý, nhà xã hội học quan tâm đến mối quan hệ giữa các nền văn minh nước ngoài và nhà tâm lý học gắn bó với việc nghiên cứu mối quan hệ chủng tộc, v.v.. Và có vẻ cần phải xem xét những gì có thể học được từ mỗi đóng góp riêng biệt này để liều đưa ra một sự mô tả tổng thể.

Nhà sử học xem xét tiến trình thuộc địa hóa vào các thời điểm khác nhau của tiến trình, và dưới góc độ của quốc gia thực dân; ông cho phép chúng ta nắm bắt được những thay đổi đã xảy ra trong các mối quan hệ giữa quốc gia thực dân và các lãnh thổ lệ thuộc; ông cho chúng ta thấy sự cô lập của các dân tộc thuộc địa đã bị phá vỡ như thế nào bởi vở kịch của một Lịch sử mà những dân tộc này hoàn toàn không thể tác động đến; ông gợi lên những hệ tư tưởng, vào những thời điểm khác nhau, đã biện minh cho quá trình thuộc địa hóa và cho phép thiết kế “vai trò” được con người thực dân đảm nhận, sự chênh lệch giữa học thuyết và các sự kiện; ông khiến chúng ta đối mặt với các hệ thống hành chính và kinh tế đảm bảo nền “hòa bình thuộc địa” và tạo ra khả năng sinh lợi (đối với chính quốc) của sự nghiệp thuộc địa hóa; nói tóm lại, nhà sử học làm cho chúng ta hiểu sự hiện diện của quốc gia thực dân, theo thời gian, đã được lồng vào các xã hội thuộc địa như thế nào. Khi làm như vậy, ông cung cấp cho nhà xã hội học một bộ tài liệu tham khảo đầu tiên và không thể thiếu; ông nhắc nhở nhà xã hội học rằng lịch sử của xã hội thuộc địa được tạo nên dựa vào sự hiện diện của nước ngoài, đồng thời ông gợi lên những khía cạnh khác nhau của sự hiện diện này.

[...]

Bằng cách nhắc nhở chúng ta về một số biện pháp “táo bạo” - di dời dân và chính sách “đặc khu lưu trú”, chuyển đổi luật truyền thống và đặt lại vấn đề về quyền sở hữu của cải, chính sách năng suất, v.v. - nhà sử học thu hút sự chú ý của chúng ta đến thực tế là “quá trình thực dân hóa đôi khi thực sự là một cuộc phẫu thuật xã hội”[4]. Và sự chỉ dẫn này, ít nhiều có giá trị tùy theo các vùng và các dân tộc bị thuộc địa hóa, có một lợi ích rất lớn đối với nhà xã hội học nghiên cứu về các xã hội thuộc địa; nó cho thấy rằng các xã hội này, ở những mức độ khác nhau, đang ở trong một tình trạng khủng hoảng tiềm ẩn, rằng, ở một mức độ nào đó, chúng bao hàm một bệnh lý xã hội. Ở đây có một chỉ dẫn có giá trị tiết lộ đặc điểm của ngành xã hội học về các dân tộc thuộc địa và gợi ý về những kết quả lý thuyết và thực tiễn có thể được mong đợi từ một ngành học như vậy; vả lại, chúng ta sẽ tìm lại chiều kích quan trọng này vào những thời điểm khác trong quá trình phân tích của mình.

[...]

Lịch sử của quá trình thuộc địa hóa, sau khi cho chúng ta thấy tầm quan trọng của “nhân tố bên ngoài” liên quan đến những biến đổi ảnh hưởng đến các xã hội thuộc địa, đưa chúng ta đối mặt với “nhấn tố bên trong” bao hàm các cấu trúc xã hội và các nền văn minh của các xã hội bị khuất phục; ở đây, lịch sử này dẫn ta đến tầm của những chân trời quen thuộc của nhà nhân học. Nhưng, qua việc thiết lập danh sách của các phản ứng khác nhau đối với tình huống thuộc địa, nó cho chúng ta thấy làm thế nào mà tình huống thuộc địa có thể đóng vai trò của một sự kiện tiết lộ thực sự; và quá trình thuộc địa hóa được xem như một thử thách áp đặt lên một số xã hội hoặc, nếu ta có thể mạo hiểm sử dụng một thuật ngữ, như một thử nghiệm xã hội học thô thiển. Một sự phân tích các xã hội thuộc địa không thể bỏ qua những điều kiện đặc thù này; những điều kiện này không chỉ bộc lộ, như một số nhà nhân học đã nhận thấy[5], các quá trình thích ứng và từ chối, những hành vi đổi mới sinh ra từ sự phá hủy các mô hình xã hội truyền thống (pattern của các tác giả Anglo-Saxon), mà còn biểu hiện những “điểm phản kháng” của các xã hội thuộc địa, các cấu trúc và hành vi cơ bản - chúng chạm đến nền tảng (của xã hội thuộc địa). Một kiến thức như vậy có một lợi ích lý thuyết nhất định (nếu chúng ta coi tình huống thuộc địa là một sự kiện nằm trong phạm vi của sự quan sát khoa học, độc lập với các phán đoán đạo đức mà nó gây ra) và có tầm quan trọng thực tiễn thực sự (nó cho thấy mọi vấn đề phải được xem xét từ những dữ liệu cơ bản nào).

[...]

Nhà sử học nhắc nhở chúng ta rằng các xã hội thuộc địa ngày nay là sản phẩm của một lịch sử kép như thế nào; trong trường hợp của Châu Phi, một lịch sử chủ yếu là của Châu Phi - “tất cả những xã hội này hay gần như hầu hết những xã hội này, bề ngoài rất ổn định, rất bất động, là kết quả của sự kết hợp hay thay đổi của các dân tộc đa dạng mà lịch sử đã va chạm, nhào trộn, chồng chất lên nhau”[6] – một lịch sử đã làm cho các hình thức xã hội đồng nhất đối mặt với nhau (trong mối quan hệ thống trị hoặc đồng hóa)”; lịch sử kia phần lớn bị chi phối bởi sự thống trị của châu Âu “đã đưa các hình thức xã hội hoàn toàn không đồng nhất tiếp xúc với nhau”[7] và cho thấy một phong trào “tan rã” - “ba lực, Ch. A. Julien viết, đã làm tan rã châu Phi: chính quyền, các cơ quan truyền giáo, nền kinh tế mới”[8]. Một nghiên cứu hiện tại về những xã hội này chỉ có thể được thực hiện bằng cách định vị ba lực này tùy vào cái lịch sử kép này. Người ta thường nhắc lại, theo một cách sơ lược, rằng quá trình thuộc địa hóa diễn ra thông qua tác động qua lại của ba lực liên kết chặt chẽ - liên kết về mặt lịch sử như R. Montagne đã nêu lên khi chỉ ra rằng “về mặt lịch sử, nỗ lực xuất phát từ sự bành trướng của châu Âu, dưới dạng thương mại, chính trị hoặc quân sự”[9] được những người đã phải chịu đựng chúng trải nghiệm[10] như được liên kết chặt chẽ, hoạt động kinh tế, hành chính và truyền giáo; và các nhà nhân học thường nghiên cứu về ‘những biến đổi xã hội’ dựa vào chính những nhân tố này. Tuy nhiên, để mô tả đặc điểm của quá trình thuộc địa hóa của châu Âu hiện đại, để giải thích sự xuất hiện của nó, một số nhà sử học đã dành ưu tiên cho một trong những nhân tố này – nhân tố kinh tế; “Chủ nghĩa đế quốc thực dân chỉ là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc kinh tế”, Ch. A. Julien chỉ ra trong một bài báo dành cho chủ đề này[11]. Ở đây, sử học dẫn đến một quan điểm khác, rất cần thiết để hiểu tình huống thuộc địa.

[...]

Bronisław Malinowski (1884-1942)

Mối liên hệ chặt chẽ giữa chủ nghĩa tư bản và sự bành trướng thuộc địa đã khiến một số tác giả không theo chủ nghĩa Mác so sánh “vấn đề thuộc địa” với “vấn đề xã hội” và nhận xét, chẳng hạn như J. Guitton, “rằng chúng không khác nhau về cơ bản, vì quan hệ chính quốc - thuộc địa không khác gì quan hệ tư bản - lao động hay nói chung hơn là quan hệ mà Hegel gọi là quan hệ chủ - tớ”[12]; lưu ý đến khả năng đồng nhất hóa “người dân thuộc địa” với “giai cấp vô sản”, P. Reuter viết “trong cả hai trường hợp, đó là một nhóm dân số tạo ra tất cả của cải, bị loại trừ khỏi mọi lợi thế chính trị hoặc kinh tế, và được cấu thành thành một ‘giai cấp bị áp bức”[13]. Đối với một người theo chủ nghĩa Mác, sự đồng nhất này là không thể nghi ngờ; nó biện minh, về mặt chính trị, cho sự kết hợp hành động của giai cấp vô sản và các dân tộc thuộc địa; J. Stalin đã dành nhiều nghiên cứu khác nhau cho vấn đề thuộc địa và sau khi chỉ ra rằng “Chủ nghĩa Lênin... đã phá hủy bức tường ngăn cách người da trắng và người da đen, người châu Âu và người châu Á, những nô lệ ‘văn minh’ và ‘không văn minh’ của chủ nghĩa đế quốc, ông ta nhắc lại rằng “Cách mạng Tháng Mười mở ra một thời đại mới, thời đại của các cuộc cách mạng thuộc địa ở các nước bị áp bức trên thế giới, liên minh với giai cấp vô sản, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản”[14]. Chính những người thuộc địa nhấn mạnh khía cạnh kinh tế trong hoàn cảnh của họ hơn là khía cạnh chính trị; một nhà báo châu Phi từ Gold-Coast (Ghana) viết về điều này “... các quốc gia có sức mạnh kinh tế vượt trội chính là những quốc gia có ảnh hưởng chính trị chiếm ưu thế... cho đến nay chính quyền đã hoàn toàn không có nỗ lực nào để khuyến khích người dân bản địa của các thuộc địa đạt được một trình độ kinh tế tương ứng với sự thăng tiến chính trị của họ”[15]. Không chấp nhận quy tình huống thuộc địa vào những biểu hiện kinh tế đơn thuần của nó, nhà xã hội học cố gắng hiểu và giải thích các xã hội thuộc địa phải nhận ra tầm quan trọng của những chỉ báo đó - chúng gợi ý cho ông rằng không chỉ có những tiếp xúc của một nền văn minh loại kỹ thuật với một nền văn minh thuộc loại sơ khai, phi kỹ thuật, giải thích cấu trúc của các xã hội này; chúng nhắc nhở nhà xã hội học rằng xã hội thuộc địa và xã hội thực dân có những mối tương quan nhất định giữa chúng (chúng tôi đã chỉ ra tính chất công cụ của xã hội thuộc địa) bao hàm những căng thẳng và xung đột. Một quan sát không phải là vô ích đối với tư tưởng lý thuyết của Malinowski; khi nhà nhân học nổi tiếng này thiết lập học thuyết về một “nhân học thực tiễn”, ông khẳng định rằng một sự kiểm soát “khôn ngoan” đối với các lực lượng thay đổi “có thể đảm bảo sự phát triển bình thường và ổn định”[16] và sự không hiểu biết về tính chất mâu thuẫn triệt để đã dẫn ông, theo một nhà bình luận, đến việc đặt các vấn đề với “những thuật ngữ ngây thơ nhất”[17].

[...]

Trong số những công trình bằng tiếng Pháp, các công trình về Đông Dương (thực tế là những công trình duy nhất thực sự có tầm rộng) là đặc biệt có giá trị; chúng là công trình của các nhà địa lý học (và, điều này rất có ý nghĩa về sự thoát ly khỏi hiện tại, đặc trưng của ngành dân tộc học Pháp), Ch. Robequain và P. Gourou[18].

[...]

Các nghiên cứu liên quan đến Châu Phi, đặc biệt là miền trung và miền nam Châu Phi, tiết lộ những sự kiện có cùng bản chất; chủ yếu chúng là công trình của các nhà nhân học Anglo-Saxon, những người rất quan tâm đến nhân học thực tiễn một cách chính đáng. Tình huống do thiểu số châu Âu tạo ra ở Nam Phi được nhiều người biết đến: sự phân biệt lãnh thổ do Đạo luật về lãnh thổ của người thổ dân/Native Land Act năm 1913 áp đặt (lãnh thổ các khu vực bản địa chỉ chiếm 12% tổng diện tích của Liên Bang), sự phân biệt xã hội được hợp pháp hóa bởi Đạo luật về các rào cản dựa trên màu da/Colour Bar Act năm 1926 khiến người lao động da đen chỉ được làm những công việc chân tay, sự tham gia kém cỏi của người da đen vào thu nhập quốc gia (chiếm 69% dân số, họ chỉ hưởng được 20% của thu nhập quốc gia trong khi người da trắng, chiếm 21% dân số, chia nhau 74% của thu nhập này), các chủng tộc và sự phân biệt chủng tộc là cơ sở của các tổ chức kinh tế và chính trị, những mâu thuẫn sâu sắc của một chính sách tổ chức sự phân biệt chủng tộc - người da trắng sợ bị người da đen lấn át - đồng thời phải “huy động lực lượng lao động bản địa”[19], và hậu quả là gây ra cuộc di cư từ nông thôn dẫn đến tiến trình “vô sản hóa” và tiến trình “giải bộ lạc/détribalisation”. Hoàn cảnh đặc thù - gần như mang tính biếm họa - của Nam Phi cho chúng ta thấy các chiều kích kinh tế, chính trị và chủng tộc được liên kết chặt chẽ như thế nào[20] và một nghiên cứu hiện tại về các dân tộc của Liên Bang chỉ có thể được thực hiện tùy thuộc vào tất cả những điều này; ở đây, chúng ta hiểu rõ nhu cầu cấp bách phải coi tình huống thuộc địa là một tổng thể, một phức hợp.

Các nhà nhân học Anglo-Saxon đã dành một vị trí quan trọng cho các sự kiện kinh tế được coi là một trong những “lực” chính gây ra sự biến đổi văn hóa (culture change); Monica Humer, trong tác phẩm nổi tiếng Phản ứng chống lại sự xâm chiếm/Reaction to conquest, đã nghiên cứu những biến đổi diễn ra trong xã hội Pondo (Nam Phi) dựa trên nhân tố kinh tế trước hết và sau đó là nhân tố chính trị (“về mặt lịch sử có nguồn gốc kinh tế, cho dù những người không phải là mác xít có muốn nói gì đi nữa”). Nhưng những nghiên cứu này, vốn đã có rất nhiều chỉ trong phạm vi châu Phi[21], chỉ được thực hiện liên quan đến nền kinh tế và tổ chức xã hội “nguyên thủy”, tùy thuộc vào những rối loạn do nền kinh tế “hiện đại” mang lại và những vấn đề mà những rối loạn này gây ra; chúng còn thiếu sự quy chiếu về nền kinh tế thuộc địa, vào tình huống thuộc địa, cái cảm giác về tính tương hỗ, về những viễn cảnh giữa xã hội thuộc địa và xã hội thực dân; các công trình lấy cảm hứng từ Malinowski thể hiện rõ nét nhất những khiếm khuyết này bằng cách chỉ gợi lên kết quả của “sự tiếp xúc” giữa các “thể chế” có cùng bản chất, hầu như không vượt ra ngoài sự mô tả đơn giản về các biến đổi và sự liệt kê các vấn đề. Điều này giải thích tại sao trước hết các công trình này tập trung vào các khía cạnh nông thôn, vào những biến đổi tác động đến ngôi làng và “gia đình”, vào vấn đề giảm dân số ở nông thôn. Trong lĩnh vực này, chúng đã vẽ ra những biểu đồ có ý nghĩa về sự biến đổi của văn hóa: sự phá hủy đơn vị kinh tế “gia đình”, ưu thế của các giá trị kinh tế, sự giải phóng thế hệ trẻ, sự triển khai nền kinh tế tiền tệ làm xáo trộn các mối quan hệ cá nhân, sự phá hoại các hệ thống thứ bậc truyền thống (của cải và cấp bậc không còn luôn được liên kết với nhau), v.v.. Một số nghiên cứu cụ thể - chẳng hạn như các nghiên cứu liên quan đến mức sống[22] - đã được phát triển, nhưng các sự kiện quan trọng như các phương thức tập hợp mới sinh ra từ sự tan rã của các nhóm truyền thống, sự xuất hiện của các giai cấp xã hội, đặc điểm và vai trò của giai cấp vô sản, v.v., chỉ được gợi lên với những thuật ngữ rất chung chung và những xung đột mà chúng bao hàm hiếm khi được phân tích[23].

Tuy nhiên, chính các nghiên cứu được truyền cảm hứng, chủ yếu, bởi tình hình khủng hoảng của các xã hội thuộc địa và bởi những tác động chính trị và hành chính của xã hội thuộc địa đã dành một vị trí quan trọng cho những chiều kích này; trong lĩnh vực này, những ghi nhận của nhà quan sát theo chủ nghĩa Marx có thể trùng hợp với những nhận định của quan chức thuộc địa cấp cao. Cả hai, vì những lý do khác nhau, đều tập trung sự chú ý vào những sự kiện về sự suy thoái của nông thôn, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của giai cấp vô sản thuộc địa và những đối kháng liên quan đến các sự kiện này.

[...]

Tùy vào những dữ liệu ban đầu này, việc định vị và đánh giá những đóng góp của xã hội học và tâm lý xã hội áp dụng cho các xã hội thuộc địa và thực dân sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trong một công trình gần đây dành cho “các thuộc địa”, E.A. Walcker đã lưu ý chúng ta về thực tế là chúng tạo thành “các xã hội đa nguyên”[24]. Ông chỉ rõ rằng “thuộc địa” (xã hội tổng thể) “nói chung bao gồm một số nhóm ít nhiều ý thức được sự tồn tại của chúng, thường đối lập nhau về màu da và nỗ lực sống những cuộc sống khác nhau trong giới hạn của một khung chính trị duy nhất”.

[...]

Những quan sát này có thể cung cấp một điểm khởi đầu. Điều đáng lưu ý không phải là việc ghi nhận tính đa nguyên (đặc trưng của bất kỳ xã hội tổng thể nào) mà là chỉ ra các nét riêng biệt của sự đa nguyên: cơ sở chủng tộc của các “nhóm”, tính không đồng nhất triệt để của chúng, các mối quan hệ đối kháng mà chúng có và sự bắt buộc chúng phải cùng tồn tại “trong giới hạn của một khung chính trị duy nhất”. Hơn nữa, sự chú ý dành cho xã hội thực dân, với tư cách là thiểu số (về mặt số lượng) thống trị, là rất quan trọng; về phần mình, H. Laurentie, trong một nghiên cứu về cơ bản là chính trị, đã định nghĩa “thuộc địa” là “một quốc gia nơi một thiểu số châu Âu được đặt chồng lên một đa số bản địa với các nền văn minh và hành vi khác nhau; thiểu số châu Âu này hành động đối với người dân bản địa với một sức mạnh chênh lệch với số lượng; thiểu số này cực kỳ dễ lây lan và, do bản chất, làm biến dạng”[25]. “Thiểu số” tích cực và làm biến dạng này đặt nền thống trị của nó trên ưu thế vật chất không thể chối cãi (nó được áp đặt lên các nền văn minh phi kỹ thuật), trên những quy tắc pháp luật được thiết lập có lợi cho nó, trên một hệ thống biện minh ít nhiều dựa trên cơ sở chủng tộc (và đối với một số tác giả, chẳng hạn như R. Maunier, thực tế thuộc địa trước hết là “sự tiếp xúc” giữa các chủng tộc). Thiểu số này lại càng phản ứng nhanh khi nó bắt rễ tốt hơn và chống lại sự hợp nhất, khi nó cảm thấy bị đe dọa bởi sự gia tăng dân số mạnh của những người da màu: chẳng hạn, ở Nam Phi, dân số da trắng “bắt đầu thấy trong hoàn cảnh của mình vấn đề của một thiểu số, trong khi người da đen coi vấn đề của họ là chủ nghĩa thực dân và quyền giám hộ”[26]; ở Bắc Phi cũng vậy. Sự việc này - “bắt đầu thấy trong hoàn cảnh của mình vấn đề của một thiểu số” - thật đáng chú ý; nó nhắc nhở chúng ta một cách chính đáng rằng thiểu số về mặt số lượng này không phải là thiểu số xã hội học, thiểu số này chỉ có nguy cơ trở thành thiểu số xã hội học khi tình huống thuộc địa biến động.

Đã có một số nhà xã hội học có nhận định trên. L. Wirth, khi định nghĩa thế nào là thiểu số và thiết lập một loại hình của các thiểu số, đã nhấn mạnh vào điểm này: “Khái niệm thiểu số không mang tính thống kê”; và ông đưa ra ví dụ về những người da đen sống ở miền nam Hoa Kỳ, ở một số bang, họ chiếm đa số về mặt số lượng tuy nhiên lại tạo thành thiểu số “vì bị phụ thuộc về mặt xã hội, chính trị và kinh tế”, một ví dụ về tình huống do sự bành trướng thực dân của các quốc gia châu Âu cấu thành người da trắng thành “nhóm thống trị” và người da màu thành “những nhóm thiểu số”[27]. Quy mô của một tập hợp không đủ để biến nó thành thiểu số, mặc dù tập hợp đó” có thể có tác động đến quy chế và mối quan hệ với nhóm thống trị; tính chất thiểu số là một cách tồn tại nhất định trong xã hội tổng thể, tính chất này chủ yếu bao hàm các mối quan hệ của kẻ bị trị với kẻ thống trị. […] Tính chất của thiểu số (theo nghĩa xã hội học của từ này) vốn là thuộc tính của xã hội thuộc địa cho chúng ta thấy là thiểu số phải được xem xét tùy vào các tập hợp khác cấu thành xã hội tổng thể. Một thuộc tính tất yếu mà chúng tôi đã nhắc nhiều lần khi chỉ rõ sự cần thiết phải nắm bắt xã hội thuộc địa và xã hội thực dân trong sự hỗ tương của các viễn cảnh. Nhưng điều này không chỉ ra xã hội thuộc địa khác như thế nào với các nhóm thiểu số khác (ví dụ như người Mỹ da đen) được đặt trong các tình huống khác nhau. Bước đầu tiên cần thiết là phải xác định vị trí của xã hội thuộc địa này trong xã hội tổng thể: “thuộc địa”.

Nếu chúng ta nhắc lại, một cách rất sơ lược, các nhóm đối mặt với nhau do tình huống thuộc địa, bằng cách phân loại chúng từ xã hội thực dân (nhóm thống trị) đến xã hội thuộc địa (nhóm bị khuất phục), chúng ta có thể kể ra a) xã hội thực dân, không tính người nước ngoài da trắng; b) “người nước ngoài” da trắng; c) những người da màu (coloured), vẫn giữ nguyên cách diễn đạt tiếng Anh vốn có nghĩa rộng; d) xã hội thuộc địa, tất cả những ai mà người Anglo-Saxon gọi là người bản xứ/thổ dân (native). Sự phân biệt và sự phân cấp dựa trước hết trên các tiêu chí về chủng tộc và quốc tịch bao hàm một loại định đề: sự xuất sắc của chủng tộc da trắng, và chính xác hơn là của bộ phận này là dân tộc thực dân (uy quyền tối cao được coi như là có cơ sở trong lịch sử và tự nhiên).

[...]

Trong chừng mực khoảng cách giữa các nền văn minh có xu hướng thu hẹp lại, quan hệ quần chúng phát huy tác dụng nhiều hơn, vũ lực không còn đủ để duy trì sự thống trị và các phương tiện gián tiếp được sử dụng nhiều hơn - tính chất “hiểu lầm” được khẳng định (điều đã gây ấn tượng đối với H. Brunschwig ở cấp độ sử học, với O. Mannoni ở cấp độ phân tâm học). Những phương tiện gián tiếp này thường sử dụng, tùy theo hoàn cảnh xã hội cụ thể, các mối quan hệ chủng tộc hoặc tôn giáo thuộc loại xung đột (chẳng hạn ở Ấn Độ, trong thời kỳ thuộc địa cổ điển của Anh). Cần phải nói thêm rằng xã hội thực dân không hoàn toàn đồng nhất; nó có những “bè phái”, “phe phái” của nó (“hành chính”, “tư nhân”, “quân sự”, “truyền giáo”, theo thuật ngữ được sử dụng trong các lãnh thổ của Pháp) ít nhiều khép kín với nhau, ít nhiều là đối thủ (những sự đối lập phe Hành chính-Hội truyền giáo, phe Hành chính-phe Thương mại thường hay xảy ra), vốn có chính sách bản địa riêng (đến mức một số nhà nhân học người Anh đã coi mỗi phe phái như là “tác nhân” gây nên sự biến đổi văn hóa) và gây nên những phản ứng rất khác nhau. Hơn nữa, xã hội thực dân ít nhiều khép kín, ít nhiều xa cách xã hội thuộc địa; nhưng chính sách thống trị và uy thế đòi hỏi xã hội thực dân phải khép kín và xa cách: điều này không tạo điều kiện cho sự hiểu biết và đánh giá cao lẫn nhau, một điều cho phép (hoặc áp đặt) việc dễ dàng sử dụng các “khuôn mẫu”.

[...]

Trên bậc thang của sự mất uy tín, gắn với các nhóm bị thống trị, nhóm người da màu (người lai và người nước ngoài da màu) là những người thiệt thòi nhất; vì một lý do cơ bản là chủng tộc, nhóm này bị xã hội thực dân và xã hội thuộc địa ruồng bỏ; nó có ít liên lạc với cả hai. Nó lại càng dễ bị cô lập (thông qua các biện pháp phân biệt đối xử), bị giam trong vai trò của một “cộng đồng ngoại lai”, khi nó lại càng có tầm quan trọng kinh tế rõ ràng hơn: chẳng hạn, vấn đề (của những người) Ấn Độ ở Nam Phi chủ yếu được giải thích bởi thực tế là một số người Ấn Độ “quá giàu và lén lút xâm chiếm các vị trí do người da trắng nắm giữ”[28]; khi đó sự chằn chịt giữa các sự kiện mang tính chủng tộc và các sự kiện mang tính kinh tế lại được thể hiện một cách hoàn toàn. Trong trường hợp những người lai, sự cách ly thậm chí còn tuyệt đối hơn; vì tính chất “thỏa hiệp chủng tộc” của họ. Họ chỉ có thể tập hợp lại, tạo thành một xã hội vững vàng, trong những trường hợp đặc biệt: xã hội của “Những tên khốn Rehoboth”, ở Tây Nam Phi thuộc Đức trước đây, đặc biệt nổi tiếng - và phải chịu một sự cô lập nghiêm ngặt. Họ bị đẩy, như A. Siegfried đã lưu ý về những người da màu ở Cape, “về phía một chủng tộc da đen mà họ không muốn bị lẫn lộn”; họ muốn được đồng hóa bởi xã hội thuộc địa vốn vẫn đóng cửa với họ (ít nhiều tùy theo hoàn cảnh địa phương) hoặc cấp cho họ một quy chế cá nhân[29] thừa nhận một cách hợp pháp vị trí đặc thù của họ. Là thỏa hiệp về chủng tộc, họ hoàn toàn không thể nào cấu thành một “thỏa hiệp xã hội”; ta khó có thể thấy ở họ công cụ của sự liên kết giữa xã hội thuộc địa và xã hội thực dân. Liên minh chính trị của họ với giới tinh hoa của xã hội thuộc địa không bao giờ bền vững: do đó, Hội nghị của những người không phải người châu Âu được thành lập vào năm 1927, ở Nam Phi, đã cố gắng đoàn kết để hành động chung, người lai, người Ấn Độ và người Bantu, đã không có hành động có hiệu quả - và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Những người da màu thường ở trong tình trạng xung đột - vì điều kiện kinh tế và chính trị tốt hơn, do yếu tố chủng tộc - hơn là thỏa thuận với xã hội thuộc địa; họ không thể nào được xã hội thuộc địa xem như là lãnh đạo.

Xã hội thuộc địa gây ấn tượng, trước tiên, bởi hai sự kiện: ưu thế áp đảo về số lượng[30] và sự thống trị triệt để mà nó phải chịu đựng; dù là đa số, nó cũng vẫn là thiểu số xã hội học; theo cách diễn đạt của R. Maunier, “thực dân hóa là một thực tế của quyền lực”, nó kéo theo sự mất quyền tự chủ, một “sự giám hộ của pháp luật hoặc trên thực tế”[31]. Mỗi lĩnh vực của xã hội thực dân có chức năng đảm nhận sự thống trị này trong một lĩnh vực cụ thể (chính trị, kinh tế và hầu như luôn luôn là tinh thần); sự thống trị này đối với xã hội thuộc địa là tuyệt đối do không có kỹ thuật tiên tiến, không có sức mạnh vật chất ngoài sức mạnh của số lượng; nó được thể hiện qua một hiện trạng (những thực tiễn không được quy tắc hóa nhưng lại bị lên án mãnh liệt nếu chúng không được tôn trọng) và hệ thống pháp quyền. Như chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra, nó dựa trên một hệ tư tưởng, một hệ thống của những sự biện minh giả tạo, của những sự hợp lý hóa; sự thống trị có một nền tảng phân biệt chủng tộc ít nhiều được công khai, ít nhiều rõ ràng. Xã hội thuộc địa phải chịu áp lực của tất cả các nhóm cấu thành thuộc địa, tất cả đều có ưu thế hơn nó về một số vấn đề và do đó nó lại càng cảm nhận tình trạng lệ thuộc của mình. Đối với những nhóm này, xã hội thuộc địa chủ yếu là một công cụ để tạo ra của cải (mặc dù xã hội này chỉ giữ lại một phần rất nhỏ thu nhập bất chấp số lượng của nó); điều này, phần nào, tác động đến các mối quan hệ mà xã hội thuộc địa duy trì với các nhóm khác (những nhóm này có được các đặc quyền kinh tế của họ từ nó). Tuy nhiên, đây không phải là những mối quan hệ đơn giản - giữa kẻ bóc lột với kẻ bị bóc lột, giữa kẻ thống trị với kẻ bị trị - bởi vì xã hội thuộc địa thiếu sự thống nhất, và trên hết, do tính chất hoàn toàn không đồng nhất của văn hóa (hay nói đúng hơn là các nền văn hóa) trong lòng xã hội này.

Xã hội thuộc địa bị chia rẽ về mặt chủng tộc; đó là những sự phân chia có nguồn gốc trong lịch sử bản địa nhưng được chính quyền thực dân sử dụng - chúng tôi xin nhắc lại việc sử dụng một nguyên tắc cũ: chia để trị - và trở thành phức tạp bởi tính võ đoán của “những sự chia cắt” của thực dân và “những sự phân chia” hành chính; các chia rẽ/phân chia này không chỉ định hướng các mối quan hệ của từng chủng tộc với xã hội thực dân (chẳng hạn, các dân tộc từng làm “trung gian” vào thời buôn bán nô lệ châu Phi và các thương điểm, đã nỗ lực chuyển vai trò của mình từ kinh tế sang chính trị và xuất hiện như những nhóm thiểu số “đấu tranh”) mà còn chuyển cả thái độ của các chủng tộc đối với nền văn hóa do xã hội thực dân mang lại (một số nhóm chủng tộc theo “xu hướng đồng hóa” hoặc “truyền thống” hơn một số các nhóm lân cận, khi phần nào phản ứng lại thái độ được các nhóm lân cận này theo đuổi). Xã hội thuộc địa bị chia rẽ về mặt tinh thần. Những sự chia rẽ có thể đã xảy ra trước tiến trình thuộc địa hóa của người châu Âu, đặc biệt liên quan đến các cuộc chinh phục của đạo Hồi; nhưng chúng ta biết các quốc gia thực dân đã sử dụng những sự chia rẽ này như thế nào: trò chơi thống trị của người Anh ở Ấn Độ đã được nhiều người biết đến. Tiến trình thuộc địa hóa, ở nhiều nơi, đã mang lại sự hỗn loạn về mặt tôn giáo, đối lập Kitô giáo với các tôn giáo truyền thống, các tín đồ các phái Kitô giáo với nhau. Và chúng tôi xin trích dẫn, liên quan đến vấn đề này, một người châu Phi đến từ Brazzaville, người đã gợi lên “một hiện trạng chỉ có tác dụng tạo ra sự lộn xộn thảm hại trong sự phát triển đạo đức”; và ông nói thêm, “Người da đen ở Châu Phi, dù anh ta là ai, đều có những kiến thức sơ đẳng về tôn giáo; tước đi những kiến thức này do chủ nghĩa vô thần hoặc do sự lộn xộn của các học thuyết tôn giáo được du nhập, chắc chắn sẽ biến anh ta thành một người mất cân bằng về mặt tinh thần”[32]. Ông đã đi xa đến mức yêu cầu người “thực dân” áp đặt sự thống nhất! Điều này cho thấy những chia rẽ mới này, cộng vào những chia rẽ cũ, đã khiến một số người phải chịu đựng đau đớn biết bao. Nhưng quá trình thuộc địa hóa đã mang lại những sự chia rẽ khác, có thể được xem là mang tính xã hội, xuất phát từ hành động hành chính và kinh tế, từ hành động giáo dục: sự phân chia giữa thị dân và nông dân[33], giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa “giới thượng lưu” (hay “tiên tiến” theo ngôn ngữ thông thường) và quần chúng[34], giữa các thế hệ – chúng tôi đã đề cập đến chia rẽ nói trên, và đã gợi ý tầm quan trọng của chúng, vào những thời điểm phân tích khác nhau. Mỗi một thành tố chia rẽ nói trên tham gia theo một cách khác nhau trong xã hội tổng thể; sự tiếp xúc giữa các chủng tộc và các nền văn minh mà quá trình thuộc địa hóa áp đặt, một lần nữa, không có ý nghĩa giống nhau cũng không có hậu quả giống nhau đối với mỗi thành tố – sự tiếp xúc này phải được nghiên cứu theo sự đa dạng này (mà quá trình thuộc địa hóa đã phần nào tạo ra, nhưng hiện nay lại phần nào tác động đến chính ngay quá trình đó).

Xã hội thuộc địa khác với xã hội thực dân về chủng tộc và văn minh; trong những lĩnh vực này, sự khác biệt dường như tuyệt đối, sự khác biệt mà ngôn ngữ thể hiện bằng cách đối lập cái “nguyên thủy” với cái văn minh, người không tôn giáo với người Kitô giáo, nền văn minh kỹ thuật và nền văn minh lạc hậu. Còn hơn cả tình huống thuộc địa, đó chính là sự kiện hiển nhiên này: sự tiếp xúc của các nền văn minh không đồng nhất, đã từng thu hút sự chú ý của các nhà nhân học trong những thập kỷ qua; và nhất là sự xung đột mà nó tạo ra, sự va chạm giữa các nền văn hóa (clash of cultures) mà các tác giả người Anh đã phát hiện ra. Vả lại, chúng tôi đã chỉ ra, từ nhận định này, là đã có những nghiên cứu mới về cái được gọi là sự tiếp biến văn hóa (acculturation) ở Hoa Kỳ, về sự tiếp xúc văn hóa (culture contact) ở Anh, đã phát triển như thế nào; với tham vọng tiếp cận, nhờ đó, những khía cạnh năng động nhất của các nền văn hóa đối diện với nhau, để có lẽ phát hiện những nét đặc trưng của bất kỳ thực tại văn hóa nào. Các giai đoạn “tiếp xúc” đã được xác định, theo cách ít nhiều đơn giản hoặc võ đoán; các giai đoạn xung đột, điều chỉnh, hỗn hợp, đồng hóa (hoặc phản ứng phản tiếp biến), được các nhà nhân học Bắc Mỹ phát hiện; các giai đoạn đối lập, bắt chước (từ “trên xuống” và “từ dưới lên”) và kết tụ được R. Maunier phân tích trong cuốn Xã hội học thuộc địa/Sociologie coloniale của ông; sự xuất hiện của một nền văn hóa mới (“tertium quid of contact/sự xuất hiện của một thực thể thứ ba qua sự tiếp xúc”) khác với những nền văn hóa đối diện với nhau, theo B. Malinowski, v.v.. Chúng tôi sẽ không lặp lại ở đây những chỉ trích mà những công trình này và những học thuyết này đã gây nên. Một mặt, chúng tôi gợi lên những điều này để chứng tỏ rằng người ta không thể hình dung mối quan hệ giữa xã hội thuộc địa và xã hội thực dân chỉ dưới khía cạnh kinh tế và chính trị duy nhất thường được các tác giả “dấn thân” ưu tiên. Mặt khác, để nhắc lại rằng sự tiếp xúc của các nền văn minh xảy ra trong một tình huống cụ thể, tình huống thuộc địa, biến đổi theo lịch sử; sự tiếp xúc đó được thực hiện thông qua các nhóm xã hội - chứ không phải giữa các nền văn hóa tồn tại dưới dạng các thực tại độc lập - mà các phản ứng phải chịu sự tác động của những điều kiện từ bên trong (tùy vào loại tập hợp) và từ bên ngoài - về phương diện này, một hệ thống loại hình chính xác của các tập hợp tạo nên xã hội tổng thể này, tức xã hội thuộc địa, là cơ sở của bất kỳ cuộc điều tra chính xác và toàn diện nào. Chúng tôi đã thường xuyên nhấn mạnh vào sự cần thiết này bằng cách chỉ ra rằng nhà xã hội học buộc phải xem xét xã hội thuộc địa và xã hội thực dân từ những viễn cảnh hỗ tương. Cũng như chúng tôi đã gợi ý, trong một công trình trước đây, về sự tiến hóa đặc thù mà tình huống thuộc địa áp đặt lên các sự kiện văn hóa xã hội; cụ thể là bằng cách cho thấy “các cuộc khủng hoảng” được tạo ra bởi quá trình thuộc địa hóa đã phần nào định hướng quá trình tiến hóa này như thế nào.

Marcel Mauss (1872-1950)

Hầu hết các công trình đề cập đến các xã hội thuộc địa ngày nay đều nhấn mạnh vào tình trạng khủng hoảng tác động đến chúng, về “những vấn đề khó khăn và phức tạp” mà chúng đặt ra; ở mức độ ít nhiều quan trọng, các xã hội này được coi là những xã hội bệnh hoạn[35]. Điều đó đúng ở chừng mức mà xã hội thực dân chống lại các giải pháp thực sự; vì rõ ràng là, trong trường hợp của xã hội thuộc địa, việc tìm kiếm các quy chuẩn của xã hội thuộc địa trùng hợp với việc tìm kiếm quyền tự trị. Điều này áp đặt lên nhà xã hội học một phương pháp phân tích gần như mang tính lâm sàng. Và chúng tôi, trong phân tích đã được nhắc lại ở trên, đã chỉ ra rằng cách tiếp cận các xã hội thuộc địa thông qua các cuộc khủng hoảng đặc thù của chúng tạo nên “một vị trí ưu tiên để nghiên cứu”, “nơi duy nhất mà người ta có thể nắm bắt được sự tiến hóa của các cấu trúc xã hội bản địa được đặt trong tình huống thuộc địa”[36]. Những cuộc khủng hoảng như vậy đặt lại vấn đề cho hầu hết toàn bộ xã hội, các thể chế cũng như các nhóm và các biểu tượng; những sự lệch lạc tạo thành rất nhiều lối thoát cho phép sự phân tích len lõi vào trong chứ không chỉ nắm bắt được các điểm tiếp xúc giữa xã hội thuộc địa và xã hội thực dân, mà còn để hiểu rõ hơn về xã hội thuộc địa trong các hình thức truyền thống của nó bằng cách chỉ ra những hệ thống nhất định, những nhược điểm nhất định (như chúng tôi sẽ cho thấy trong trường hợp của người Fang of Gabon, một dân tộc mà tình huống thuộc địa đã tạo điều kiện thuận lợi cho những sự rạn nứt đã tồn tại trong cấu trúc xã hội cũ) hoặc một số cấu trúc hoặc biểu tượng tập thể không thể rút gọn được (chẳng hạn, nghiên cứu về cuộc khủng hoảng tôn giáo và đặc điểm “nhà thờ của người da đen” ở Châu Phi Bantu sẽ cho thấy những gì còn lại, bất kể bất kỳ mọi áp lực nào, của các tôn giáo truyền thống – cái phần khó xử lý). Những cuộc khủng hoảng như vậy, tác động đến toàn bộ xã hội tổng thể, tạo thành rất nhiều quan điểm về cái xã hội này và về các mối quan hệ mà nó bao hàm[37]; chúng cho phép một cách tiếp cận cụ thể và đầy đủ này đã được Marcel Mauss đề xuất. Và, để bổ sung cho ví dụ vừa được đưa ra, chúng tôi sẽ gợi lại một luận án gần đây dành cho “các nhà thờ của người da đen” và thuyết tiên tri Bantu (ở Nam Phi), nơi tác giả, B.G.M. Stukler, chỉ ra rằng các vấn đề đặt ra không chỉ thuộc lĩnh vực tôn giáo mà còn đặt vấn đề về tổng thể các phản ứng của người thổ dân đối với sự thống trị của người da trắng, rằng việc nghiên cứu các “nhà thờ” này dẫn đến nghiên cứu về tất cả các vấn đề xã hội đặc trưng của Liên bang Nam Phi[38]. Thoạt nhìn, đặc trưng của những cuộc khủng hoảng này là sự biến chất triệt để hoặc sự biến mất của một số thể chế, của một số nhóm nhất định. Nhưng phân tích xã hội học sẽ không thể dừng lại ở các những chiều kích này của xã hội - phần được thể chế hóa hoặc cấu trúc hóa - để ghi nhận những sự biến đổi và sự biến mất, để phát hiện và mô tả những sáng tạo mới. Điều cần thiết là phải vượt lên trên và đạt tới các hình thức kết nối xã hội (sociabilité), theo cách diễn đạt của G. Gurvitch[39]. Vì có vẻ như một số “phương thức liên kết”, một số quan hệ xã hội vẫn tồn tại, trong khi các cấu trúc trong đó chúng vận hành đã bị thay đổi hoặc phá hủy, trong khi các cấu trúc mới xuất hiện tùy theo tình huống thuộc địa, các trạng huống xã hội do tình huống thuộc địa tạo ra. Chúng có thể cùng tồn tại và mang lại cho những đổi mới được xã hội thuộc địa tạo nên, những đặc điểm vừa mang tính của chủ nghĩa truyền thống và của chủ nghĩa hiện đại, một sự nhập nhằng đã được một số nhà quan sát ghi nhận.

Gunnar Myrdal (1898-1987)

Chúng tôi thường ám chỉ đến tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội, cơ sở chủng tộc của các tập hợp, màu sắc chủng tộc của các sự kiện kinh tế và chính trị (các tài liệu hiện nay nhầm lẫn hoặc kết hợp chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân) trong khuôn khổ của tình huống thuộc địa. Và nhiều tác giả nhấn mạnh vào đặc điểm liên chủng tộc của “mối quan hệ con người ở các nước ở hải ngoại”, vào thực tế là bên dưới “các nguyên nhân chính trị hoặc kinh tế ngày nay đối lập chủng tộc da trắng và người da màu, hầu như luôn tồn tại một động cơ chủng tộc”, vào thực tế là xã hội vẫn còn mang tính chất “liên chủng tộc” ngay cả khi đã giành được độc lập dân tộc[40]. Chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra rằng các nhà nhân học thuộc địa ít chú ý đến những thực tế và những vấn đề chủng tộc này và nhắc lại vị trí nhỏ bé được trao cho chúng trong các chương trình nghiên cứu mà họ thiết lập; điều này được giải thích bởi sự chú ý dành cho các nền văn hóa nhiều hơn là cho xã hội, và cũng bởi mối bận tâm (ít nhiều có ý thức) không đặt vấn đề về chính nền tảng (và hệ tư tưởng) của xã hội thực dân mà họ tham gia[41]. Ngược lại, các công trình được thực hiện ở Hoa Kỳ (và ở Brazil) phần lớn được dành cho các mối quan hệ và định kiến ​​chủng tộc, đặc biệt là mối quan hệ giữa người da đen và người da trắng. Những thực tế này không thể nào tránh được bởi vì sự khác biệt về chủng tộc, nền văn minh, ngôn ngữ, tôn giáo, tập tục, tác động trong khuôn khổ của tình huống thuộc địa, ở đây, đã giảm nhẹ và không có tác dụng che đậy hay làm phức tạp chúng; bởi vì tình trạng lệ thuộc và định kiến ​​chủng tộc, ở đây dường như không thể bị xem là có cơ sở trên tự nhiên trong chừng mực mà chính vì sự khác biệt về văn hóa đang nhường chỗ cho tính đồng nhất và từ nay các quyền được khẳng định (điều này giải thích, trong số những điều khác, vì sao xã hội Mỹ có vẻ “lộn xộn, mâu thuẫn và nghịch lý”, theo cách diễn đạt của Gunnar Myrdal...)[42] bởi vì những sự kiện này là những gì còn lại của quá khứ thuộc địa cần được giải quyết - và chính tại thời điểm giải quyết, chúng đã làm nảy sinh những xung đột bạo lực (ở Hoa Kỳ, trong cái gọi là thời kỳ “Tái thiết”). Những công trình như vậy đôi khi nhấn mạnh vào ý nghĩa kinh tế, đôi khi về ý nghĩa tình dục của các hành vi chủng tộc khác nhau; chúng cho thấy, như R. Bastide đã thể hiện rõ ràng[43], mối liên hệ giữa các phản ứng chủng tộc và các phản ứng văn hóa: đặc biệt, chúng tôi đề cập đến phân tích của ông về thuyết cứu thế của người da đen ở Hoa Kỳ cho thấy rằng chủ nghĩa cứu thế này gắn với các xung đột chủng tộc và với một “tâm lý oán giận”; các xung đột sau biểu lộ sự đa dạng của các hành vi tương ứng với sự đa dạng của các tình huống. Chúng tôi mạo hiểm nhắc nhanh về điều này vì nó cho thấy những mối liên hệ không thể phủ nhận, việc không thể tách rời việc nghiên cứu các tiếp xúc văn hóa với việc nghiên cứu các tiếp xúc chủng tộc và với việc xem xét các nghiên cứu về các xung đột chủng tộc, trong trường hợp các xã hội thuộc địa, mà không đặt chúng trong các tình huống thuộc địa.

Chúng tôi vừa xem xét một số sự kiện mà các tác giả Anglo-Saxon tập hợp lại dưới tiêu đề “sự đụng độ/va chạm của các nền văn minh” hoặc “sự đụng độ/va chạm của các chủng tộc”, nhưng chúng tôi đã chỉ ra rằng, trong trường hợp các dân tộc thuộc địa, những “cuộc đụng độ/va chạm” này (hay “tiếp xúc”) xảy ra trong những điều kiện rất đặc biệt. Chúng tôi đã đặt tên tình huống thuộc địa cho tập hợp các điều kiện này. Chúng ta có thể định nghĩa thuật ngữ tình huống thuộc địa bằng cách giữ lại những điều kiện chung nhất và rõ ràng nhất: sự thống trị do một thiểu số nước ngoài khác biệt về mặt về chủng tộc (hoặc lâm sàng) và về mặt văn hóa, áp đặt, nhân danh/dựa trên ưu thế về mặt chủng tộc (hoặc sắc tộc) và văn hóa được khẳng định một cách võ đoán, trên một đa số bản địa thấp kém về vật chất; sự thống trị này kéo theo sự tiếp xúc của các nền văn minh hoàn toàn không đồng nhất với một nền văn minh máy móc, một nền kinh tế hùng mạnh, với nhịp điệu nhanh và có nguồn gốc Kitô giáo được áp đặt lên các nền văn minh không có máy móc, với một nền kinh tế “lạc hậu”, với nhịp điệu chậm chạp và hoàn toàn không Thiên chúa giáo”; tính chất đối kháng cơ bản của các mối quan hệ tồn tại giữa hai xã hội này được giải thích bằng vai trò công cụ mà xã hội thuộc địa buộc phải đảm nhận; để duy trì sự thống trị, sự cần thiết sử dụng không chỉ “vũ lực”, mà còn cả một hệ thống biện minh giả tạo và hành vi rập khuôn, v.v. - nhưng chỉ danh sách này sẽ không đủ. Lợi dụng những “quan điểm” đặc biệt của từng chuyên gia, chúng tôi ưu tiên nắm bắt tình huống thuộc địa trong tính tổng thể của nó như một hệ thống; chúng tôi đã gợi lên các yếu tố mà, theo đó, bất kỳ tình huống cụ thể nào cũng có thể được mô tả và hiểu rõ, cho thấy chúng có mối quan hệ với nhau như thế nào và do đó bất kỳ phân tích bộ phận nào cũng đồng thời là thiên vị. Tính tổng thể này liên quan đến các “tập hợp” cấu thành “xã hội tổng thể”, thuộc địa, cũng như các biểu tượng tập thể đặc thù của từng tập hợp; thuộc địa được nắm bắt ở tất cả các cấp độ của thực tại xã hội. Nhưng, do bản chất rất không đồng nhất của các tập hợp, của các “mô hình” văn hóa, của các biểu tượng tiếp xúc với nhau, của các sự biến đổi được mang lại cho hệ thống chịu trách nhiệm duy trì một cách giả tạo các mối quan hệ thống trị và phục tùng, nên tình huống thuộc địa thay đổi một cách sâu sắc và nhanh chóng; do đó, điều này đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt nó trong lịch sử, để xác định niên đại của nó.

Xã hội thuộc địa mà nhà nhân học gắn bó (bằng cách gọi nó là “nguyên thủy” hoặc “lạc hậu”, v.v.) tham gia, ở mức độ cao hoặc thấp (tùy vào quy mô, tiềm năng kinh tế, tính bảo thủ văn hóa của nó, v.v.), vào tình huống thuộc địa; nó là một trong những tập hợp cấu thành “thuộc địa”. Và thật khó hình dung rằng một nghiên cứu hiện tại về xã hội này có thể được thực hiện mà không tính đến thực tế kép này, “thuộc địa”, xã hội tổng thể mà nó là một phần, và tình huống thuộc địa do nó tạo ra; nhất là khi đối tượng được thừa nhận của nghiên cứu là những sự kiện phát sinh từ “sự tiếp xúc”, những hiện tượng hoặc quá trình tiến hóa. Khi được tiến hành đơn phương, nghiên cứu chỉ phát hiện những sự kiện này đối với cơ sở truyền thống (hoặc “nguyên thủy”) và chỉ có thể liệt kê và sắp xếp chúng; cũng giống như vậy khi nó giới hạn trong việc nghiên cứu về “sự tiếp xúc” giữa các “định chế” có cùng bản chất (như B. Malinowski đề xuất). Thật vậy, các chiều kích “hiện đại” (một khi đã được xác định) chỉ có thể hiểu được đối với tình huống thuộc địa; và một số nhà nhân học người Anh (Fortes, Gluckman) đang tiến tới sự công nhận này khi họ xét rằng, trong trường hợp châu Phi da đen bị thuộc địa hóa, xã hội da đen và xã hội da trắng tham gia một cách toàn diện vào cùng một tổng thể, bằng cách đề cập đến khái niệm “tình huống”[44]. Tương tự, R. Bastide gợi lên tầm quan trọng của “tình huống trong đó quá trình diễn ra” liên quan đến các nghiên cứu của ông về sự thâm nhập lẫn nhau của các nền văn minh. Chúng tôi muốn vượt ra ngoài khuôn khổ của những chỉ dẫn đơn giản này, bằng cách chỉ ra cách mà một tình huống thuộc địa có thể được “khảo sát” và những gì mà điều này kéo theo; để chứng minh rằng bất kỳ vấn đề hiện tại nào của xã hội học về các dân tộc thuộc địa chỉ có thể được xem xét trong mối quan hệ với tổng thể này. Khái niệm “hoàn cảnh” không chỉ là tài sản của triết học hiện sinh; nó đã được áp đặt đối với các chuyên gia khác nhau trong các ngành khoa học xã hội, cho dù họ sử dụng nó dưới cái thuật ngữ “tình huống/hoàn cảnh xã hội”, như H. Wallon, hoặc dưới cái tên “cấu hình xã hội đặc thù”, như G. Gurvitch đã làm - khái niệm “hiện tượng xã hội tổng thể” được xây dựng bởi Mauss chuẩn bị cho những yêu cầu như vậy[45].

Điều khá có ý nghĩa là nhiều nhà nhân học làm việc trong các xã hội thuộc địa, và quan tâm đến các khía cạnh và vấn đề hiện tại của chúng, đã tránh (thường là một cách vô thức) gợi lên tình huống cụ thể của các xã hội này. Vì ngại (ít nhiều có ý thức) phải tính đến một “hệ thống” và một xã hội cụ thể: xã hội thực dân mà họ tham gia. Họ dựa vào các hệ thống ít có khả năng gây phiền toái hơn, “nền văn minh phương Tây” và “các nền văn minh nguyên thủy”, hoặc tự giới hạn trong các vấn đề hạn chế được họ đề xuất các giải pháp có tác dụng hạn chế; và chính do sự từ chối phục tùng thái độ cuối cùng này, mà họ tin là không thể tránh khỏi và chỉ hữu ích cho xã hội thực dân, mà một số nhà nhân học không đồng ý gán cho ngành học của họ tính của một khoa học “ứng dụng”[46]. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ của sự phê phán việc quan sát trong lĩnh vực các khoa học nhân văn; và điều này gợi ý sự lao động phê phán quan trọng mà người quan sát các xã hội thuộc địa phải triển khai ngay cả trước khi quan sát.

Chúng tôi thường có dịp gợi lên đặc điểm có phần bệnh hoạn của các xã hội thuộc địa, những cuộc khủng hoảng đánh dấu các giai đoạn của cái gọi là quá trình “tiến hóa” - những cuộc khủng hoảng không tương ứng với các giai đoạn cần thiết của quá trình này, tuy nhiên, chúng có những đặc điểm đặc thù, tùy thuộc vào loại hình xã hội thuộc địa và tính chất của tình huống thuộc địa. Những người da đen đã được Hồi giáo hóa không phản ứng giống như các người da đen theo thuyết vật linh hoặc là giả Kitô giáo, những xã hội Phi Châu cùng một thể loại không phản ứng với sự “hiện diện” của Pháp giống như là đối với sự “hiện diện” của Anh, v.v.. Đặt xã hội bị đô hộ với những đặc tính riêng biệt của nó, tình huống thuộc địa trong tính đặc thù của nó, những “cuộc khủng hoảng” này cho phép, đối với nhà xã hội học, thực hiện một phân tích toàn diện, bởi vì chúng tạo thành những điểm duy nhất mà từ đó nhà xã hội học có thể nắm bắt, theo cách tổng thể, những biến đổi của xã hội thuộc địa dưới sự tác động của tình huống thuộc địa. Những cuộc khủng hoảng cung cấp quyền xâm nhập vào các “tổng hợp” và các liên kết thiết yếu, giúp tránh được những sự phân cắt từng phần và giả tạo (những biến đổi trong đời sống kinh tế, đời sống chính trị, v.v.) vốn chỉ có thể dẫn đến sự mô tả và phân loại kinh viện. Chúng tôi đã chỉ ra rằng những “cuộc khủng hoảng” này tạo thành bấy nhiêu phương tiện giúp có những cái nhìn không chỉ về các hiện tượng tiếp xúc mà còn về xã hội thuộc địa trong các hình thức truyền thống của nó; cần nói thêm rằng, do đó, chúng giúp thực hiện một sự phân tích có tính đến cả “môi trường bên ngoài” và “môi trường bên trong” - và tính đến các môi trường này dựa trên các mối quan hệ thực tế mà chúng duy trì, trên “các trải nghiệm sống”. Người ta có thể khiển trách chúng tôi vì đã viện dẫn, theo một cách ít nhiều rõ ràng, đến khái niệm nguy hiểm về bệnh lý, hỏi chúng tôi đâu là tiêu chí của các cuộc khủng hoảng đặc trưng của các xã hội thuộc địa. Chúng tôi xin viện dẫn tất cả các đoạn của cuộc nghiên cứu này, trong đó các khía cạnh xung đột của các mối quan hệ giữa xã hội thuộc địa và xã hội thực dân, văn hóa bản địa và văn hóa du nhập được gợi lên - gắn liền với các mối quan hệ thống trị và phục tùng, với các đặc điểm không đồng nhất của các xã hội và các nền văn hóa tiếp xúc - nơi mà những xung đột này được các cá nhân trải nghiệm được gợi ý. Lịch sử của các xã hội thuộc địa tiết lộ cho chúng ta những giai đoạn trong đó xung đột tiềm ẩn, khi đạt được sự cân bằng hoặc sự thích nghi tạm thời, những giai đoạn trong đó xung đột trở nên rõ ràng được thể hiện ở cấp độ này hay cấp độ khác (tôn giáo, chính trị, kinh tế) tùy theo hoàn cảnh, nhưng liên quan đến toàn bộ các mối quan hệ tồn tại giữa các xã hội thuộc địa và thực dân, giữa các nền văn hóa được thúc đẩy bởi các xã hội này (như chúng tôi đã nhắc lại về các nhà thờ của người da đen trong vùng Châu Phi Bantu), những khoảnh khắc mà sự đối kháng và khoảng cách giữa chúng là tối đa, được con người “thực dân” trải nghiệm như một sự tranh luận về trật tự đã được thiết lập, bởi con người “thuộc địa” như một nỗ lực giành lại quyền tự chủ. Tại mỗi thời điểm này, có thể được xác định trong suốt lịch sử của xã hội thuộc địa, xã hội này thể hiện một trạng thái khủng hoảng đặc trưng; chính lúc đó chúng tôi sẽ xem xét nó trong tình huống thuộc địa cụ thể.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La situation coloniale: approche théorique, Cahiers internationaux de Sociologie, XI, 1951, p. 44-79

Trang Cairn.info đưa lên mạng ngày 03/10/2007

https://doi.org/10.3917/cis.110.0009

----

Bài có liên quan: Thuyết hậu thực dân: một ngõ cụt về mặt khái niệm cần phải tra cứu?




Chú thích:

[1] R. Kennedy, “The Colonial crisis and the future”, in The Science of man in the World crisis, Éd. R. Linton, 1945, p. 307.

[2] O. Mannoni, Psychologie de la colonisation (Tâm lý học thuộc địa), Le Seuil, 1950. Thật ra, tác giả này không phải là người tạo ra cách diễn đạt với nhiều nghĩa khác nhau trong các nghiên cứu trước đó; đặc biệt là trong các nghiên cứu của nhà xã hội học người Mỹ L. Wirth dành cho loại hình của các nhóm thiểu số.

[3] Chúng tôi mạn phép mời tham khảo bài phê bình tác phẩm của O. Mannoni mà chúng tôi đã đăng trên tạp chí Cahiers internationaux de Sociologie, tập. IX, 1950, tr. 183 đến 186.

[4] [9] E. Chancelé “La question coloniale (Vấn đề thuộc địa)”, trong Critique, số 35, 1949.

[5] [11] Xem L.P. Mair, “The study of culture contact as a practical problem (Nghiên cứu về tiếp xúc văn hóa như một vấn đề thực tiễn)”, in Africa, VII, 4, 1934.

[6] [17] R. Montagne, “Le Bilan de l'œuvre européenne au-delà des mers (Đánh giá công trình của người châu Âu ở hải ngoại)”, in Peuples d'outre-mer et civilisation occidentale, Semaines sociales de France, 1948.

[7] [18] Georges Balandier, sách đã dẫn, tr. 78.

[8] [19] Ch.-A. Julien, Histoire de l'Afrique (Lịch sử Châu Phi), PUF, Coll. “Que sais-je?”, 1944, p. 123.

[9] [20] R. Montagne, sđd, tr. 49.

[10] [21] Xem cụ thể, Pham Nhuam, “Appel (Lời kêu gọi), in Que pensent les étudiants coloniaux, Le Semeur, décembre 1947 - janvier 1948.

[11] [22] Ch.-A. Julien, “Impérialisme économique et impérialisme colonial (Chủ nghĩa đế quốc kinh tế và chủ nghĩa đế quốc thực dân)”, sách đã dẫn, tr. 25.

[12] [26] J. Guitton, “Crises et valeurs permanentes de la civilisation occidentale (Những khủng hoảng và những giá trị vĩnh cửu của nền văn minh phương Tây)”, trong Overseas Peoples and Western Civilization, tr. 61.

[13] [27] P. Reuter, “Deux formes actuelles de l'impérialisme colonial: protectorat économique et pénétration communiste (Hai hình thức chủ nghĩa đế quốc thực dân hiện nay: chế độ bảo hộ kinh tế và sự thâm nhập của cộng sản), trong Peuples d'outre-mer.... tr. 142.

[14] [28] J. Stalin, Le marxisme et la question nationale et coloniale (Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc và thuộc địa), Tiếng Pháp, NXB Editions Sociales, 1949, tr. 179 và 247.

[15] [29] The African Morning Post, ngày 2 tháng 6 năm 1945, trích dẫn trong Univers, “L’avenir de la colonisation,” tháng 10 năm 1945.

[16] [30] B. Malinowski, The Dynamics of Culture Change (Động thái của sự biến đổi văn hóa), Yale University Press, 1945. [Bản tiếng Pháp của sách hiện có trong Les Classiques des sciences sociales]

[17] [31] Xem một phân tích xuất sắc của M. Gluckman, “Malinowski's “function” analysis of social change (Phân tích chức năng của sự biến đổi xã hội của Malinowski)”, in Africa, XVII, 2, April 1947.

[18] [35] Đặc biệt xem Ch. Robequain, L'évolution économique de l'Indochine française (Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp), Paris, 1940; P. Gourou, L'utilisation du sol en Indochine française,Les pays tropicaux (Sử dụng đất ở Đông Dương thuộc Pháp và Các nước nhiệt đới), Paris, 1948.

[19] [39] J. Borde, “Le problème ethnique dans l'Union sud-africaine (Vấn đề sắc tộc ở Liên bang Nam Phi)”, trong Cahiers d'outre-mer, số 12, 1950; tổng quan tuyệt vời và thư mục.

[20] [40] Xem W.G. Ballinger, Race and Economics in South Africa (Chủng tộc và Kinh tế ở Nam Phi), 1934.

[21] [41] Ví dụ, đối với Nam Phi (I. Schapera, M. Hunter), Đông Phi (L.P. Mair, Audrey Richards, M. Read, M. Gluckman), Vùng Tây Phi Châu (M. Fortes, D. Forde, K.L. Little) với tư cách là tác giả của những tác phẩm quan trọng nhất.

[22] [42] Xem M. Read, Native standards of living and african culture change (Tiêu chuẩn sống của người bản địa và sự thay đổi văn hóa châu Phi), London, 1938.

[23] [43] K.L. Little, “Social change and social class in the Sierra-Leone Protectorate (Biến đổi xã hội và giai cấp xã hội ở Sierra Leone bảo hộ)”, trong American Journal of Sociology, 54, tháng 7 năm 1948. Nghiên cứu quan trọng.

[24] [47] Les colonies, passé et avenir, (Các thuộc địa, quá khứ và tương lai), chương có tựa đề: “Các thuộc địa nhiệt đới và các xã hội đa nguyên/Colonies tropicales et sociétés plurales”.

[25] [48] H. Laurentie, “Notes sur une philosophie de la politique coloniale française (Ghi chú về triết lý của chính sách thực dân Pháp)”, trong số đặc biệt của tạp chí Renaissances, tháng 10/1944.

[26] [49] J. Borde, “Le problème ethnique dans l'Union sud-africaine (Vấn đề sắc tộc ở Liên bang Nam Phi), sách đã dẫn, tr. 320.

[27] [50] L. Wirth, “The problem of minority groups (Vấn đề của các nhóm thiểu số)”, trong The Science of man in the World crisis, tr. 347 đến 372. Của cùng một tác giả, về chủ đề này, Vị trí hiện tại của Người thiểu số ở Hoa Kỳ/The present position of Minorities in the United States.

[28] [55] Cf A. Siegfried, Nam Phi, Armand Colin, 1949, tr. 75. Ngoài ra, Handbook on race relations in South Africa (Sổ tay về quan hệ chủng tộc ở Nam Phi), Éditions E. Hellmann, 1949, và J. Borde, sách đã dẫn, tr. 339-340.

[29] [56] Như đã được thử, trước năm 1939, tại các lãnh thổ do Pháp thống trị ở AOF (1930), ở Madagascar (1934), ở AEF (1936), ở Đông Dương (1938).

[30] [57] Đối với riêng châu Phi da đen, R. Delavignette đã đưa ra, vào năm 1939, tỷ lệ sau đây của cái gọi là dân số châu Âu: Liên minh Nam Phi (250%), Tây Nam Phi thuộc Đức cũ (100%), Rhodesia (45%), Angola (10%), Kenya (5%), Congo thuộc Bỉ (2%), AOF và AEF (1%); sách đã dẫn, tr. 36. Đối với các lãnh thổ sau này, kể từ năm 1945, sự đóng góp của châu Âu là rất quan trọng.

[31] [58] Xem R. Maunier, Xã hội học thuộc địa, tr. 19, 30, 33.

[32] [59] J.-R. Ayouné, “Occidentalisme et Africanisme (Chủ nghĩa Tây Phương và chủ nghĩa Châu Phi)”, trong Renaissances, số đặc biệt, tháng 10 năm 1944, tr. 204.

[33] [60] Hãy xem Brazzaville nơi dân số châu Phi tăng từ 3.800 cư dân vào năm 1912 lên khoảng 75.000 cư dân vào năm 1950; tức là hơn một phần mười dân số của Trung Congo.

[34] [61] Xem Tiến sĩ L. Aujoulat, “Élites et masses en pays d'outre-mer (Giới tinh hoa và quần chúng ở các nước ở hải ngoại)”, trong Peuples d'outre-mer et civilisation occidentale, sách đã dẫn, tr. 233-272.

[35] [62] Xem L. Achille, “Rapports humains en pays d'outre-mer (Những mối quan hệ của con người ở các nước ở hải ngoại)”, trong Peuples d'outre-mer et civilisation occidentale, sđd.

[36] [63] Georges Balandier, “Aspects de l'évolution sociale chez les Fang du Gabon. Les implications de la situation coloniale (Các khía cạnh của sự tiến hóa xã hội ở chủng tộc Fang ở Gabon. Hệ lụy của tình hình thuộc địa), sđd.

[37] [64] Monica Hunter đã “tiến sát” nhận định này. Bà viết, “Nghiên cứu về sự tiếp xúc văn hóa cho thấy rõ rằng xã hội là một, và khi một khía cạnh bị thay đổi, toàn bộ sẽ bị ảnh hưởng,” Reaction to Conquest, tr. 552. Bà bằng lòng với ghi chú này, mà không tìm cách đào sâu nó và không rút ra kết luận về mặt phương pháp luận.

[38] [65] B.G.M. Stukler, Bantu Prophets in South Africa (Những nhà tiên tri Bantu ở Nam Phi), London, 1948.

[39] [66] Xem La Vocation actuelle de la sociologie (Thiên hướng hiện nay của xã hội học), đặc biệt là trg 98 đến 108. Định nghĩa và sự khác biệt cơ bản xuất hiện ở đó. Chương III và IV dành cho xã hội học vi mô, mà Georges Gurvitch là người sáng lập thực sự.

[40] [67] Xem L. Achille, sách đã dẫn, tr. 211 đến 215.

[41] [67 bis] M. Leiris đã thực hiện một phân tích phê bình cực kỳ chặt chẽ trong một bài giảng có tựa đề: “L'Ethnographe devant le colonialisme (Nhà dân tộc học trước chủ nghĩa thực dân)” vào năm 1950 và sau đó được đăng trên tạp chí Les Temps Modernes.

[42] [68] Gunnar Myrdal, An American Dilemma, New York, 1944.

[43] [69] Đặc biệt, xem Roger Bastide, Sociologie et psychanalyse, chương XI: “Le heurt des races, des civilisations et la psychanalyse (Cuộc đụng độ của các chủng tộc, các nền văn minh và phân tâm học)”, Paris, PUF, 1950.

[44] [70] Xem M. Fortes, “Analysis of a social situation in modern Zuzuland (Phân tích tình hình xã hội ở xứ Zuzuland hiện đại)”, trong Bantu Studies, tập. XIV, 1940. Ngoài ra, tranh luận của Malinowski về chủ đề này trong The Dynamics of Culture Change, p. 14 và tiếp theo. [Văn bản có sẵn, bằng tiếng Pháp, trong Les Classiques des sciences sociales. JMT.]

[45] [71] Vả lại, G. Gurvitch liên kết ba thuật ngữ này trong “lời nói đầu” mà ông đã viết cho phần “Psychologie collective (Tâm lý học tập thể)” của L'Année sociologique, sê-ri thứ 3, 1948-1949. Tương tự như vậy, một bác sĩ tâm thần như Karen Horney nhấn mạnh vào thực tế rằng tất cả các chứng loạn thần kinh, cá nhân hay tập thể, đều được giải thích bằng một quá trình liên quan đến tất cả các yếu tố cá nhân và văn hóa xã hội; xem Tiến sĩ Karen Horney, The Neurotic Personality of our time (Nhân cách thần kinh của thời đại chúng ta), New York, 1937.

[46] [72] Cf. F.M. Keesing, “Applied anthropology in colonial administration (Nhân học ứng dụng trong quản lý thuộc địa)”, in op. cit., R. Linton (éd).



(*) Các con số trong ngoặc vuông ([]) tương ứng với các chú thích trong bài viết gốc của Georges Balandier (Cahiers internationaux de Sociologie, XI, 1951, p. 44-79).

(**) Georges Balandier (1920-2016) là nhà nhân chủng học và xã hội học Pháp. Ông là giáo sư danh dự của đại học Sorbonne (Đại học Paris Descartes), Giám đốc nghiên cứu tại Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về khoa học xã hội (École des Hautes Études en Sciences Sociales/EHESS), cộng tác viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Phi, giám đốc tạp chí Cahiers internationaux de Sociologie.

Print Friendly and PDF