13.5.21

Shoshana Zuboff: “Nền dân chủ đang bị bao vây, nhưng chỉ nó mới có thể đánh bại cuộc bao vây” (phỏng vấn)

SHOSHANA ZUBOFF: “NỀN DÂN CHỦ ĐANG BỊ BAO VÂY, NHƯNG CHỈ NÓ MỚI CÓ THỂ ĐÁNH BẠI CUỘC BAO VÂY” (PHỎNG VẤN)

Laurent de Sutter

Giáo sư đai học VUB

Là giáo sư ở Harvard, chuyên gia nổi tiếng thế giới về các vấn đề kỹ thuật số, bà Shoshana Zuboff [*] gióng lên hồi chuông cảnh báo. Chúng ta đã bước vào thời đại của chủ nghĩa tư bản giám sát - tiêu đề của tác phẩm đồ sộ mới nhất của bà, được ca ngợi trên khắp thế giới. Làm thế nào chúng ta có thể tự bảo vệ mình?

==========================================================

© BELGA IMAGE

Những lo ngại về sự trỗi dậy của các công ty lớn thuộc nhóm Gafam (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft) đã có bước chuyển biến nguy kịch trong những năm gần đây. Shoshana Zuboff, một giáo sư lâu năm tại Trường Kinh doanh Harvard và hiện làm việc với Trường Luật Harvard, đã cảnh báo về sự nguy hiểm của kỹ thuật số ngay từ cuối những năm 1980.

Trong In the Age of the Smart Machine/Thời đại của cỗ máy thông minh, năm 1988, bà đã chỉ ra những rủi ro do cái “viễn cảnh toàn trị về thông tin” được hình thành với sự thâm nhập ngày càng quan trọng của máy tính trong lĩnh vực chuyên nghiệp. Kể từ đó, nghiên cứu của bà đã bao trùm tất cả các khía cạnh của sự phát triển kỹ thuật số để xây dựng ý tưởng rằng chúng ta sẽ sống trong một thời đại mới, mà bà gọi là “thời đại của chủ nghĩa tư bản giám sát”, một chủ nghĩa tư bản phó mặc toàn bộ cuộc sống của chúng ta trong tay của các ông trùm kỹ thuật số lớn. Cuộc điều tra lịch sử to lớn của bà, quay trở lại chính nguồn gốc khai sinh ra sức mạnh của Google, Facebook và những công ty khác, và tiết lộ những chiến lược điên rồ mà các công ty này thực hiện để đảm bảo sự chi phối của chúng đối với mỏ vàng các dữ liệu cá nhân, đã được tất cả các phương tiện truyền thông khắp thế giới ca ngợi - và là một trong những cuốn sách gối đầu giường của Barack Obama trong suốt năm 2019.

Một số ít các tác nhân kinh tế và xã hội giành quyền hạn buộc mọi người khác làm những việc mà chính họ không muốn tự mình phải làm.

Bà hiểu “chủ nghĩa tư bản giám sát” như thế nào?

Sergey Brin (1973-)

Larry Page (1973-)

Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta phải hiểu được phương thức hoạt động chung của chủ nghĩa tư bản. Trong thế kỷ qua, chủ nghĩa tư bản đã phát triển nhờ khả năng đưa những thứ không thuộc về thị trường vào thị trường để biến chúng thành hàng hóa có thể mua hoặc bán. Chẳng hạn, nó đã biến thiên nhiên trở thành đồ vật cho thị trường, bằng cách tư nhân hóa dầu, nước, v.v.. Cái mà tôi gọi là chủ nghĩa tư bản giám sát là sự mở rộng của logic này. Vào khoảng năm 2000, chỉ có 20% thông tin có trên thế giới được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số. Internet vừa mới ra đời. Thung lũng Silicon chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ​​một số lượng lớn các công ty gây ra bong bóng tài chính, nhưng không sinh lợi. Năm 2001, bong bóng nổ và nhiều công ty bị đe dọa phá sản vì chúng đã không thể biến một cái gì, bất cứ thứ gì, thành hàng hóa mới - tốt nhất là với chi phí mua bằng không. Chính Google đã đề xuất ra giải pháp. Vào thời điểm đó, Google có những con người xuất sắc nhất, công cụ tìm kiếm tốt nhất, các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro khổng lồ - nhưng việc công ty không đạt được lợi nhuận thực sự đã thúc đy những nhà đầu tư này đe dọa rút vốn của mình. Khi đó, các nhà lãnh đạo của Google, trước hết là những người sáng lập Larry Page và Sergey Brin, đã nhận ra thứ tài sản mà họ có thể biến thành hàng hóa: trải nghiệm riêng tư của con người.

Tức là?

Page và Brin ghi nhận rằng khi một người dùng Internet lướt web, anh ta để lại một số lượng đáng kể dấu vết không có ý nghĩa hoặc giá trị rõ ràng. Những dấu vết này chẳng hạn như lịch sử tìm kiếm của bạn trên công cụ Google hoặc các cookie của các lần truy cập trang web của bạn. Tất cả dữ liệu này được lưu trữ trên máy chủ của Google, nơi nó đơn giản chỉ được coi là rác thải kỹ thuật số. Cái tài của Page và Brin là hiểu rằng các chất thải này, sau khi được tập hợp và kiểm tra chéo, có thể được sử dụng để vẽ nên chân dung hành vi của người dùng công cụ tìm kiếm của họ. Họ nhận thấy rằng bức chân dung này rất chi tiết - chi tiết đến mức có thể suy luận ra một số điều về một cá nhân mà bản thân cá nhân đó có thể không sẵn sàng thừa nhận hoặc công khai hóa chúng. Nói chung: những dấu vết kỹ thuật số này có thể giúp xây dựng một mô hình cho phép dự đoán cả cách một cá nhân có thể hành động trong một bối cảnh nhất định. Google đã chuyển đổi chính mô hình dự đoán này thành một cơ hội kinh doanh, bằng cách đề xuất cho khách hàng của mình một hệ thống quản lý quảng cáo mang tính cách mạng, khi khách hàng không còn là người quyết định về vị trí, thời điểm và ở đối tượng nào quảng cáo sẽ xuất hiện, mà chính là công ty. Kết quả khiến mọi người sững sờ. Thật vậy Google có thể dự đoán với độ chính xác không thể so sánh được liệu một cá nhân có nhấp vào biểu ngữ quảng cáo được trình bày cho họ hay không. Mọi người vội đuổi theo con gà đẻ trứng vàng. Google đã tạo ra một thị trường mới: thị trường trao đổi những tương lai của con người.

© BELGA IMAGE

Vào thời điểm đó, điều này đã gây ra một cú sốc...

Eric Schmidt (1955-)

Đúng vậy. Các nhà lãnh đạo của Google nhận ra rằng nếu họ muốn hệ thống này hoạt động, họ phải giữ nó bí mật. Điều quan trọng là người dùng Internet không biết gì hết về việc những dấu vết mà họ để lại cho phép hiểu họ là ai, chính kiến ​​của họ là gì, thị hiếu của họ, thông tin liên lạc của họ, v.v.. Mỗi khi một góc của bức màn được vén lên, phản ứng đều giống nhau: người dùng Internet kinh ngạc và bắt đầu tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Google. Để tránh điều này, cần phải đảm bảo rằng không ai có thể can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Đây là lý do tại sao Tổng Giám đốc khi đó, Eric Schmidt, đã đưa ra một học thuyết gọi là “chiến lược ẩn”, được áp dụng cho người dùng Internet cũng như cho khách hàng của công ty, và thậm chí cho chính những nhân viên, vốn bị ràng buộc bởi những điều khoản cấm tiết lộ cực kỳ nghiêm ngặt. Để có thể ăn cắp mà không bị trừng phạt, cần phải đảm bảo rằng các cá nhân bị tước đi mọi khả năng thực thi quyền kháng cự sự bí mật.

Tuy nhiên, hậu quả của khám phá này không chỉ về mặt kinh tế...

Khởi đầu chúng chỉ là kinh tế, nhưng trên quy mô lớn đến mức chúng cũng đã trở thành chính trị. Khi công ty bước vào lĩnh vực kinh doanh thông tin cá nhân (lời phát biểu là của Larry Page), giá trị vốn hóa của nó được nhân lên 3.490% trong 4 năm. Nhưng kiểu kinh doanh này dựa trên sự vi phạm những gì cho tới lúc bấy giờ được coi là một ranh giới không thể vượt qua: chủ quyền cá nhân. Trong các nền dân chủ hiện đại, việc quyết định ai có hay không có quyền tiếp cận cuộc sống cá nhân của tôi, ai sẽ chia sẻ nó với tôi, nội dung chia sẻ và vì mục đích gì, thuộc về cái mà tôi gọi là “quyền cốt lõi (épistémique)”. Theo truyền thống của chúng ta về quyền riêng tư, chính các cá nhân là người quyết định điều gì là công khai và điều gì là bí mật về họ. Năm 2001, Google đơn phương tuyên bố rằng quyền này không còn tồn tại. Kể từ thời điểm đó, những gì thuộc chủ quyền cá nhân đã thuộc về thị trường. Vấn đề là, giống như bất kỳ thị trường nào khác, để có thế cnh tranh chỉ có một giải pháp duy nhất: tích lũy ngày càng nhiều dữ liệu, để mô hình của bạn có giá trị dự đoán ngày càng cao. Chủ nghĩa tư bản giám sát là chủ nghĩa tư bản cạnh tranh để có được sự xác thực.

Chúng ta đang nói về quy mô nào ở đây?

Edward Snowden (1983-)

Trên một quy mô thách thức trí tưởng tượng của con người. Những người thổi còi báo động như Edward Snowden đã giúp chúng ta có được một ý tưởng về chuyện này. Vào năm 2018, một tài liệu nội bộ của Facebook cho chúng ta biết rằng cấu trúc trí tuệ nhân tạo của nó (bất kể thuật ngữ này có nghĩa là gì) đã thao túng hàng nghìn tỷ điểm dữ liệu mỗi ngày, đưa ra sáu triệu dự đoán hành vi mỗi giây. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn với cuộc cách mạng điện thoại thông minh. Thay vì chờ đợi người dùng Internet ngồi sau màn hình, chỉ cần cung cấp cho họ một chiếc máy tính nhỏ sẽ đồng hành cùng họ mọi lúc. Vào thời điểm ra mắt Android, ban lãnh đạo của Google đã chia thành hai phe, với một phe chào đón việc công ty cuối cùng cũng đã bước vào thị trường hàng xa xỉ có tỷ suất lợi nhuận cao trước đây do Apple thống trị với iPhone của mình. Nhưng phe kia đã hiểu rằng một lợi thế như vậy chẳng là gì so với những gì người ta mong đợi từ điện thoại thông minh từ quan điểm thu thập dữ liệu. Đột nhiên, khả năng thu hoạch không giới hạn được mở ra, khiến chúng ta có thể thu thập thông tin về mọi thứ, mọi thời điểm, thông qua các gián điệp nằm vùng của chủ nghĩa tư bản giám sát là các ứng dụng. Nhờ các ứng dụng, ta có thể thu thập dữ liệu về nhà hàng yêu thích của mình, chu kỳ kinh nguyệt, bạn đang ở đâu, với ai, giọng nói của bạn là gì, bạn mua gì. Tức là toàn bộ cuộc sống của bạn.

Ông chủ của Facebook, Mark Zuckerberg, bị các dân cử Mỹ chất vấn vào năm 2018 sau những tranh cãi đã lên đến đỉnh điểm với sự bùng nổ của vụ bê bối Cambridge Analytica © GETTY IMAGES

Điều này có nghĩa là gì về phương diện chính trị?

Cuộc cách mạng điện thoại thông minh đã cho phép khám phá một lĩnh vực mới: nền kinh tế của hành động. Giờ đây, các công ty như Google, Facebook, Verizon và những công ty khác có nhiều thông tin về bạn đến mức họ ở thế có thể triển khai các công cụ tiếp thị có thể khiến bạn làm những điều bạn không muốn làm. Ví dụ, vào năm 2011-2012, Facebook đã tiến hành một thử nghiệm để xem liệu các công cụ của họ có thể ảnh hưởng đến các cá nhân đến mức thúc đẩy họ đi bỏ phiếu, ngay cả khi họ không muốn. Nhờ hệ thống khuyến nghị, nhắm mục tiêu tâm lý vi mô, động năng so sánh xã hội, phần thưởng và hình phạt theo thời gian thực, họ đã đạt được điều này. Đây là thời điểm mà Facebook có thể thông báo trước cho một khách hàng của mình rằng một người mua sản phẩm thường xuyên của họ sắp chuyển sang mua sản phẩm của một thương hiệu khác. Đến nỗi khách hàng này có thể phản ứng và gửi các phiếu giảm giá với ưu đãi giao hàng miễn phí, chẳng hạn trước khi cuộc giao dịch mới được thực hiện. Nói cách khác, việc nhắm mục tiêu giờ đây đã mang hình thức định hình thực sự hành vi thực tế của các cá nhân.

Chúng ta cần những tuyên bố mới về các quyền, những khung lập pháp mới, những thể chế mới [...] để xây dựng một tương lai kỹ thuật số thực sự dân chủ.

Một định dạng bắt đầu tràn vào thế giới...

John Hanke (1967-)

Đúng. Đó là tất cả tầm quan trọng của trải nghiệm Pokemon Go, một trò chơi mạng được phát triển bởi Niantic, một công ty thuộc sở hữu của Google và vào thời điểm đó, được lãnh đạo bởi John Hanke, trước đây là trưởng bộ phận “Geo” của công ty - người đã đã tạo ra Chương trình tra cứu về đường phố (Google Street View) của Google và trước đó là Keyhole, một công cụ do CIA bán đã trở thành Chương Trình Tra Cứu về trái đất (Google Earth). Với Pokemon Go, vấn đề là việc triển khai nền kinh tế hành động trên đường phố của các thành phố. Vấn đề không còn là xúi một người mua giày, mà là dẫn người đó đến tận cửa hàng theo cách không chỉ định hình hành vi cá nhân mà cả hành vi tập thể. Các công ty đăng quảng cáo như Starbucks hoặc McDonald vốn mong muốn chính những người mua đến tận các cơ sở của họ, đã trả tiền để trò chơi thu hút họ đến đó và thúc đẩy họ tiêu dùng ngay tại chỗ. Ý đồ là biến cả thế giới thành một tập hợp dữ liệu khổng lồ có chủ sở hữu.

Đây là điều mà bà gọi là “sức mạnh công cụ”...

Đấy. Khi mà toàn thể nhân loại tạo thành nguyên liệu thô của chủ nghĩa tư bản giám sát, thì vấn đề không còn chỉ là ăn cắp những gì trước đây thuộc về kinh nghiệm riêng tư của các cá nhân, chiếm đoạt các quyền cốt lõi. Thách thức là đạt được một mức tập trung kiến thức cao đến mức một trục bất bình đẳng xã hội mới xuất hiện, cáo giác lý tưởng dân chủ hóa tri thức vốn đã đi cùng với toàn bộ quá trình hiện đại hóa. Với tri ​​thức này, một số ít các tác nhân kinh tế và xã hội giành được quyền hạn buộc mọi người khác làm những việc mà chính họ không muốn tự mình làm - vì mục đích riêng của họ. Ở giai đoạn này, chúng ta không thể chỉ còn nói đến Big Brother hay chủ nghĩa toàn trị nữa. Ví dụ lớn nhất là vụ bê bối Cambridge Analytica, mà các phóng viên của Channel 4 đã tiết lộ - đã công khai hóa vai trò của Facebook trong việc bầu cử Donald Trump. Các người phụ trách chiến dịch tranh cử của Trump đã yêu cầu Facebook nhắm một cách chi tiết tới các công dân da đen của các bang dễ dao động (swing state) Michigan, Ohio và Wisconsin để thúc giục họ không bỏ phiếu. Sau khi xác định được dân số này bằng những dữ liệu Facebook, họ chỉ cần gửi cho những người này video Hillary Clinton chỉ trích giới trẻ da đen, hoặc những người da đen sang trọng cho rằng cách tốt nhất để phản đối hệ thống là không bỏ phiếu, v.v.. Và điều này đã có tác động. Nhờ các dịch vụ của Facebook, Trump đã có khả năng xóa bỏ những lá phiếu của các công dân của nền dân chủ lâu đời nhất trên hành tinh bằng cách thúc đẩy họ từ bỏ quyền dân chủ cơ bản nhất của họ mà không cần đến bạo lực hoặc sự đe dọa dù là nhỏ nhất. Xã hội dân chủ ra đời vào thế kỷ 18, vốn coi trọng chủ quyền cá nhân, ý chí tự do và quyền tự chủ, bất ngờ bị đánh bại.

L'Age du capitalisme de surveillance/Thời đại của chủ nghĩa tư bản giám sát, của Shoshana Zuboff, Bee Formentelli et Anne-Sylvie Homassel dịch từ tiếng Anh, NXB Zulma, 856 trang.

Làm thế nào để chống lại một quyền lực như vậy?

Tôi tin rằng câu hỏi này chỉ có thể được trả lời bằng cách quay trở lại bản chất của nền dân chủ. Nền dân chủ đang bị bao vây, nhưng chỉ có nó mới có thể đánh bại cuộc bao vây. Chúng ta đã sống trong thời đại của chủ nghĩa tư bản giám sát được hai mươi năm rồi. Trong thời kỳ này, chủ nghĩa này đã tìm cách xâm chiếm mọi khía cạnh của cuộc sống: giáo dục, y tế, chính trị, v.v.. Sự tập trung tri ​​thức (tức là quyền lực) là điều đã lên đến đỉnh điểm trong các sự kiện ngày 6 tháng 1, trên Đồi Capitol, ở Washington - và thậm chí trong thảm họa quản lý Covid-19 ở Hoa Kỳ. Bây giờ chúng ta biết rằng phần lớn các trường hợp tử vong do căn bệnh này có thể tránh được nếu các chiến dịch thông tin sai lệch đã nhân rộng về nó không được thúc đẩy bởi sự khát khao các cơ hội khai thác dữ liệu vốn chi phối hoạt động của các mạng xã hội. Do đó, đã đến lúc quyền lực công cụ phải bị chặn lại và bị coi là bất hợp pháp.

Đó có phải là một cuộc chạy đua với thời gian?

Chúng ta không còn một thập kỷ nữa. Mỗi phút trôi qua làm tăng khó khăn của chúng ta để thoát khỏi chủ nghĩa tư bản giám sát và nguy cơ bạo lực không thể khắc phục được mà cách thức hoạt động của nó gây ra. Chúng ta phải thu hồi giấy phép ăn cắp kinh nghiệm và các quyền cốt lõi của chúng ta đã được cấp cho chủ nghĩa tư bản giám sát. Chúng ta cần dữ liệu. Nhưng điều này chỉ có thể nhằm mục đích giải quyết các vấn đề của cá nhân trên cơ sở tập thể. Giam giữ các dữ liệu trên các máy chủ riêng vì lợi ích duy nhất của những người có phương tiện sử dụng dữ liệu cho mục đích riêng của họ chính là tấn công vào nền dân chủ. Vì vậy, chúng ta cần những tuyên bố mới về các quyền, khung lập pháp mới, thể chế mới, như đã từng xảy ra vào cuối thế kỷ 19 để đảm bảo quyền bầu cử, an sinh xã hội hoặc tự do hiệp hội. Ngày nay, các quan chức của Ủy ban Châu Âu đang làm gương với các luật về dịch vụ và thị trường kỹ thuật số mà họ đã đệ trình để tham khảo ý kiến. Nếu được thông qua, chúng sẽ chứng minh rằng có thể xây dựng một tương lai kỹ thuật số thực sự dân chủ. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ có lựa chọn giữa mô hình của Trung Quốc và của chủ nghĩa tư bản giám sát. Nếu châu Âu đưa ra quyết định đúng đắn, Hoa Kỳ sẽ làm theo. Sau đó, chúng ta sẽ có thể trin khai các quyền, luật và thể chế cho phép xã hội thông tin cuối cùng cũng bắt đầu đóng góp vào những thách thức thực sự của thời nay: biến đổi khí hậu, y tế công cộng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Và không chỉ Apple Watch.

[*] Tiểu sử ngắn của Shoshana Zuboff

1951: Sinh tại Hoa Kỳ.

1981: Gia nhập Trường Kinh doanh Harvard với tư cách là giáo sư.

1988: Xuất bản cuốn sách đầu tiên, In the Age of the Smart Machine/Thời đại của cỗ máy thông minh.

1993: Thành lập “Odyssey” tại Harvard, một khóa học đại học dành cho giới nghề nghiệp.

2007: Viết một chuyên mục cho Business Week/Tuần lễ kinh doanh, sau khi làm việc với Fast Company.

2019: Nhận Giải thưởng Axel Springer cho cuốn L'âge du capitalisme de surveillance/Thời đại Chủ Nghĩa Tư bản Giám sát.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Shoshana Zuboff: “La démocratie est assiégée, mais elle seule peut vaincre le siège” (entretien)”, Le Vif/Express, 11.4.2021.

Print Friendly and PDF