26.5.21

Trung Quốc: Khi các nhà nữ quyền không còn quyền công dân

TRUNG QUỐC: KHI CÁC NHÀ NỮ QUYỀN KHÔNG CÒN QUYỀN CÔNG DÂN

Tác giả: Lou Lee Po

Nhà nữ quyền Tiêu Mỹ Lệ (肖美) mặc một trong những áo thun mà cô đã thiết kế, với dòng chữ: Một người nữ quyền là như thế này đây”. (Nguồn Source: Fuanna)

Trong những tuần vừa qua, nhiều tiếng nói quan trọng của phái nữ quyền Trung Quốc đã bị dập tắt, với việc ồ ạt đóng nhiều tài khoản của họ trên các mạng xã hội Trung Quốc. Giải thích thế nào về hình phạt cấm đoán này? Một vài nhóm nữ quyền bác bỏ hôn nhân và sinh sản. Nhà cầm quyền Trung Quốc không thể chấp nhận điều trái tai này vì họ đang quan tâm thúc đẩy sinh sản trở lại thông qua hôn nhân dị giới vào lúc nhân khẩu của Trung Quốc suy giảm.

Tất cả đã bắt đầu vào ngày 29 tháng 3 vừa qua ở Thành Đô, tỉnh lỵ của tỉnh Tứ Xuyên ở vùng tây nam Trung Quốc. Tiêu Mỹ Lệ, một phụ nữ trẻ chừng ba mươi tuổi, là một nhà hoạt động có ảnh hưởng trong các nhóm nữ quyền trên các mạng xã hội Trung Quốc. Tối hôm đó, cô ăn tối với ba người bạn trong một quán lẩu Trung quốc, một món đặc sản nổi tiếng của thành phố. Bị khó chịu với khói thuốc của của người ngồi bàn bên cạnh, cô đã nhiều lần yêu cầu anh ta tắt thuốc lá và tôn trọng qui định cấm hút thuốc ở nơi công cộng. Nhưng người hút thuốc và những ông bạn của anh ta lại thấy hoàn toàn có quyền: họ không hề có ý định nghe lời những phụ nữ trẻ này. Cuộc cãi cọ trở nên gay gắt và cuối cùng thì người đàn ông ấy tạt ly nước vào Tiêu Mỹ Lệ. Theo tường thuật của New York Times về cuộc cãi vã này, có hai cô bạn bị rảy nước nóng. Nhưng xem video do Tiêu Mỹ Lệ quay sự kiện này từ đầu đến cuối thì cô nói đó là một ly chứa đầy dầu – không rõ có phải là chất lỏng nóng của lẩu không.

Xem video cuộc cãi vã:

Tiêu Mỹ Lệ đăng video này lên các mạng xã hội ngay tối hôm đó. Phản ứng có hai mặt: cô nhận được một làn sóng ủng hộ quan trọng đồng thời làm dấy lên cơn giận dữ của những người Trung Quốc chống phá (trolls) cô. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, hastag về video - #女子劝邻桌勿吸烟被泼不明液体 (“người phụ nữ yêu cầu người ngồi bàn bên cạnh không hút thuốc và bị tạt một chất lỏng không xác định được”)- đứng đầu các chủ đề được bình luận nhiều nhất trên mạng Weibo.

Ảnh chụp màn hình các hastag được chia sẻ nhiều nhất trên mạng Weibo ngày 29 tháng 3, 2021: hastag video cuộc cãi cọ do Tiêu Mỹ Lệ đăng tải xếp thứ ba (#女子劝邻桌勿吸烟被泼不明液体 (“người phụ nữ yêu cầu người ngồi bàn bên cạnh không hút thuốc và bị tạt một chất lỏng không xác định được”). (Nguồn: China Digital Times)

Nhà hoạt động 30 tuổi này bị tấn công bởi hàng ngàn phản ứng thù địch. Chưa hài lòng với việc nhục mạ cô, những kẻ gièm pha cô cuối cùng đã tìm ra trên mạng vào ngày 31 tháng ba một tấm hình của cô năm 2014 đang cầm một tấm bảng ủng hộ người dân Hồng Kông bên cạnh “phong trào dù vàng” đòi hỏi phổ thông đầu phiếu ở thuộc địa cũ của Anh Quốc (Hồng Kông – ND). Trong những giờ tiếp theo việc đăng tải lại hình ảnh này, Tiêu Mỹ Lệ nhận ra rằng cô không thể truy cập được nữa tài khoản Weibo của cô, một mạng của Trung Quốc tương đương với Twiter.

Năm 2014, Tiêu Mỹ Lệ cầm một tấm bảng với dòng chữ: “Bóp nghẹt tự do trong bão táp! Hãy cầu nguyện cho Hồng Kông”. Một hình ảnh do những kẻ phá rối theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan khui ra năm 2021 để cáo buộc cô bênh vực độc lập của Hồng Kông. (Nguồn: China Digital Times)

Được New York Times phỏng vấn, Tiêu Mỹ Lệ thừa nhận đã bị tác động mạnh bởi biến cố này và bị trầm cảm và lo lắng từ đó. Theo New York Times, sau biến cố tại quán ăn, 23 sản phẩm bán trực tuyến của Tiêu Mỹ Lệ trên các mạng Taobao, mạng Trung Quốc tương đương với Ebay đã bị nền tảng hủy bỏ, vì lý do “nội dung không được phép”. Những sản phẩm phái sinh này có chứa thuật ngữ “nữ quyền”. Khi Tiêu Mỹ Lệ thuật lại sự việc này và những diễn tiến tiếp theo trên tài khoản WeChat của cô thì tài khoản này cũng bị đóng vì lý do vi phạm những nguyên tắc sử dụng”.

Trang chủ của cửa hàng trực tuyến trên Taobao qua đó đáng chú ý là Tiêu Mỹ Lệ bán loạt áo thun mà cô đã thiết kế với hàng chữ: Một người nữ quyền là như thế này đây”. Từ 2014 đến 2020, đã bán được 2000 áo. (Nguồn: Huishang)

“ĐỐI ĐẦU GIỮA CÁC CỘNG ĐỒNG”

Câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Không lâu sau vụ cãi vã ở quán ăn, nhiều nhà nữ quyền nổi tiếng Trung Quốc xác nhận đến lượt họ tài khoản Weibo của họ bị đóng. Theo New York Times, có tổng cộng 15 tài khoản có tầm ảnh hưởng lớn bị đóng. Bỗng nhiên những tiếng nói chính đại diện cho nữ quyền ở Trung Quốc bị bóp nghẹt. Do đó, hai trong những nhà nữ quyền là nạn nhân của việc đóng tài khoản đã kiện ra tòa đ tố cáo việc đóng tài khoản độc đoán này. Người thứ nhất là Tiêu Mỹ Lệ, kiện Weibo ở Bắc Kinh ngày 14 tháng tư; cô đòi mở lại tài khoản của cô và bồi thường 10.000 nhân dân tệ (bằng 1.300 euro). Người thứ hai là Lương Hiểu Văn (), luật sư 28 tuổi cư trú tại New York: cô cáo buộc Weibo đã vi phạm luật dân sự Trung quốc vì đã không trình bày rõ ràng cho cô những cáo buộc chống lại cô trước khi đóng tài khoản của cô.

Những hình ảnh được những người Trung Quốc sử dụng mạng xã hội đăng tải với hastag #soutienaxiaomeili (#ủnghộ Tiêu Mỹ Lệ). (Nguồn: China Digital Times)

Trong một tuyên bố ngày 13 tháng tư, Weibo biện minh cho việc đóng bốn tài khoản vì phổ biến những “nội dung bất hợp pháp”, kêu gọi những người sử dụng mạng tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của nền tảng. Trong số những nguyên tắc này có “cấm phổ biến những nội dung có thể khơi dậy sự đối đầu giữa các cộng đồng hay văn hóa tẩy chay”.

Các nhà nữ quyền không nản lòng. Họ tố cáo sự đối xử phân biệt nam giới và nữ giới của các nền tảng tiểu blog trước những hành vi xúc phạm người sử dụng mạng. Như vậy, thuật ngữ có nghĩa xấu mà họ dùng để chỉ nam giới – “giống đực dân tộc chủ nghĩa” (gounan)[1]- đã bị loại khỏi Weibo, trong khi những đe dọa hiếp dâm hay những lời nhục mạ như từ “đồ đĩ điếm” (biaozi, 婊子) thì không bị những người quản lý mạng Weibo kiểm duyệt. Theo nhà nữ quyền Trịnh sở Nhiên (楚然), tài khoản của bà cũng đã bị khóa, nhiều người bạn của bà đã cố gắng báo cho Weibo về những lời lẽ xúc phạm, nhưng không thành công.

CHỦ NGHĨA LY KHAI

Đảng cộng sản Trung Quốc luôn luôn cảnh giác với các phong trào xã hội khả dĩ đặt lại vấn đề các luật lệ và đe dọa ổn định xã hội. Ngay từ 2015, Trịnh Sở Nhiên và bốn nhà nữ quyền khác (Vương Man, Võ Vanh Vanh, Vy Đình Dình và Lý Đình Đình) đã bị bắt vì “gây rối trật tự công cộng” trong khi họ đang chuẩn bị một hoạt động nhằm tố cáo bạo lực giữa vợ chồng. Họ dự định phát truyền đơn trên các phương tiện giao thông công cộng, nhưng họ đã bị bắt ngay ở giai đoạn chuẩn bị. Do việc này, họ có nguy cơ bị phạt đến ba năm tù giam. Việc bắt giữ họ vào lúc đó đã bị cộng đồng quốc tế được huy động tố cáo mạnh mẽ. Điều này đã giúp họ được trả tự do sau một tháng bị giam cầm.

Các tờ truyền đơn ủng hộ và hình của Lý Đình Đình (ở trên bên trái), Vi Đình Đình (ở trên bên phải), Vương Man, Võ Vanh Vanh và Trịnh Sở Nhiên (ở dưới từ trái qua phải) trong một cuộc biểu tình ở Hồng Kông kêu gọi trả tự do cho họ, ngày 11 tháng tư 2015. (Nguồn: Guardian)

Những ý tưởng của trào lưu nữ quyền thâm nhập dần dần xã hội Trung Quốc. Cho dù còn ở bước đầu tại Trung Quốc, phong trào #MeToo đã biểu hiện một tiến bộ đầu tiên đối với các nhà nữ quyền, họ cảm thấy được khuyến khích mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu của mình. Theo Lữ Tần, nhà hoạt động kỳ cựu vì quyền của phụ nữ, cự ngụ tại New York, chủ nghĩa nữ quyền tạo một sức thu hút mạnh mẽ đối với phụ nữ Trung Quốc, và theo họ nhà cầm quyền Trung Quốc không có khả năng chống lại phân biệt giới tính và khuôn mẫu giới xơ cứng. Tài khoản Weibo của bà cũng đã bị khóa.

Việc khóa ồ ạt các tài khoản nữ quyền trên các mạng xã hội đánh dấu một bước ngoặt. Phụ nữ Trung Quốc hầu như không có chỗ nào để bày tỏ sự phẫn nộ của họ. Do đó họ buộc phải thực hiện trực tuyến, Lữ Tần nhấn mạnh. Cho đến biến cố liên quan đến Tiêu Mỹ Lệ, các nền tảng như Weibo đã đóng một vai trò quan trọng, tạo điều kiện cho những phụ nữ mong muốn lên tiếng để tìm những bạn chiến đấu đồng hành và liên kết với nhau trong các cộng đồng phụ nữ dấn thân. Như vậy, nhờ Weibo mà các phụ nữ đã có thể tố cáo các trường hợp bạo hành giữa vợ chồng, ngăn cản ly hôn hay phân biệt giới tính trong thế giới việc làm. Vả lại, những vấn đề liên quan đến giới rất được những người sử dụng mạng ưa chuộng và thường xếp đầu bảng các chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên nền tảng các tiểu blog.

Những người ghét” các nhà nữ quyền, những người làm ngập tràn sự thù địch của họ trên các mạng xã hội thì như thế nào? Những kẻ phá rối này được hàng chục ngàn người theo. Thành tích của một số người về sự thù ghét qua mạng còn được các giới truyền thông chính thức nêu bật. Họ còn dựa trên một nền tảng rộng hơn: những người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi xem bất kỳ một hình thức phê bình nào đều là một tội phạm thượng đối với chính phủ Trung Quốc. Các nhà nữ quyền tiêu biểu cho những mục tiêu dễ dàng đối với những kẻ phá rối đang họat động rất đông đảo trên mạng internet, họ thường mở những tài khoản đặc biệt để phát ra những cuộc tấn công có phối hợp, mà người ta không biết là do chính quyền trực tiếp điều khiển hay không. Thường thường, các nhà nữ quyền nhận những lời đe dọa sẽ bị giết. Có khi họ bị cho là “ly khai”. Nghĩa là một trong những tội nặng nhất trong mắt của Đảng Cộng sản, mà họ thường chỉ dành cho người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng hay những người biểu tình Hồng Kông đòi dân chủ.

SINH SẢN

Phản ứng dây chuyền tiếp tục. Ngày 12 tháng tư, có ít nhất tám nhóm thảo luận nữ quyền trên mạng Douban[2] bị khóa bởi nền tảng. Họ bị quy kết là “cực đoan, cấp tiến về chính trị và ý thức hệ”. Theo Vice (Vice Media Group LLC là một công ty truyền thông kỹ thuật số và phát thanh thuộc Mỹ và Canada - theo Wikipedia - ND), phần lớn các nhóm này, mà có nhóm có đến 40.000 thành viên, bao gồm những cảm tình viên của phong trào nữ quyền Hàn Quốc, được biết đến với tên gọi tắt “6B4T”. 6B” là không có chồng, không có con, không có người yêu, không có người tình nam giới, không mua những sản phẩm chống phụ nữ và ủng hộ phụ nữ độc thân. “4T” là bác bỏ áo nịt ngực, tôn giáo, văn hóa otaku (Otaku (Nhật: 御宅 (Ngự trạch)/ おたく/ オタク?) là một từ lóng trong tiếng Nhật dùng ám chỉ một ai đó quá yêu thích, say mê anime, manga, Vocaloid, cosplay, những thứ 2D. Chữ này theo thế giới lại được hiểu chung là những người thích đọc truyện tranh và xem phim hoạt hình, phần lớn mang nghĩa tiêu cực. - Theo wikipedia - ND) và các thần tượng. Mạng Douban đã quyết định kiểm duyệt tên mã trên internet của phong trào “6B4T”.

Ngay cả khi phong trào nữ quyền được nhà cầm quyền vốn xem là tầm thường và không biểu lộ một mối đe dọa như những loại phong trào khác, thì mối quan tâm ngày càng tăng của những phụ nữ trẻ có học thức đối với phong trào này cuối cùng đã thu hút sự chú ý của những người kiểm duyệt. “Việc quản lý xã hội ở Trung Quốc còn dựa nhiều vào hôn nhân dị giới như một yếu tố ổn định, Kailing Xie, nhà nghiên cứu về giới và chính trị tại đại học Warwich của Anh Quốc giải thích như vậy. Các nhóm nữ quyền này, nhất là các nhóm bác bỏ hôn nhân và sinh sản, đặt lại vấn đề chính cơ sở của sự quản lý này.”

Một gia đình ổn định, đó là điều mà tuyên truyền chính thống nhấn mạnh. Vả lại, với sự quan tâm đến việc bảo tồn thiết chế hôn nhân, gần đây Đảng đã quyết định làm cho thủ tục ly hôn cứng rắn hơn. Bởi vì đây là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất vào lúc đất nước tiến gần đến mức dân số tối đa vì dân số già rất nhanh và với qui mô lớn. Ngày thứ tư 28 tháng tư này, nhật báo Financial Times tiết lộ rằng Trung Quốc sắp công bố sự sút giảm dân số năm 2020. Mà các số liệu về sinh sản được thu thập kỹ lưỡng ở Bắc Kinh. Bắc Kinh hoàn toàn không muốn nêu ra hình ảnh của một quốc gia đang suy yếu. Ngay ngày hôm sau, 29 tháng tư, nhà cầm quyền Trung quốc đã vội vàng bác bỏ bài báo của nhật báo Anh: dân số Trung Quốc đã chính thức tiếp tục gia tăng vào năm trước. Đó là một bối cảnh đầy đủ yếu tố để gây lo lắng cho các nhóm nữ quyền, họ vốn sợ nhà cầm quyền ngày càng thúc đẩy phụ nữ sinh con.

Về Lou Lee Po

Là một người hiểu biết rõ Trung Quốc, Lou Lee Po đi khắp Trung Quốc từ 15 năm nay. Những chủ đề đặc biệt ưa thích của cô: quyền phụ nữ, du lịch và văn hóa Trung Quốc.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Chine: quand les féministes n’ont plus droit de cité”, Asialyst, 27.5.2021.




Chú thích:

[1] “国蝻”, chuyển qua “国男”, theo một phương pháp vòng vo điển hình để tránh kiểm duyệt bằng cách dùng các từ đồng âm trong tiếng Hoa.

[2] Douban, một trong những mạng xã hội đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2005, là một nền tảng trên đó những người sử dụng đăng tải đủ loại sáng tác nghệ thuật hay thảo luận về những quyển sách, phim ảnh và các loại tác phẩm khác. Nền tảng này chủ yếu được những người trẻ Trung Quốc có học thức sử dụng.

Print Friendly and PDF