24.8.23

Daniel Cohen, nhà kinh tế học không cố thủ trong tháp ngà của mình

DANIEL COHEN, NHÀ KINH TẾ HỌC KHÔNG CỐ THỦ TRONG THÁP NGÀ CỦA MÌNH

Nhà kinh tế học đa năng, quân sư của các chuyên gia được công nhận ở nước ngoài, đã qua đời vào ngày 20 tháng 8. Ông để lại một di sản có tính quyết định đối với các nhà kinh tế học Pháp.

Robert Philippine

Với tinh thần sôi nổi, Daniel Cohen đã để lại dấu ấn trên cả một thế hệ các nhà kinh tế học. © JACQUES DEMATHON/AFP

Daniel Cohen là một trong những người mà thời gian có vẻ như không ảnh hưởng gì đến ông. Với khí chất luôn trẻ trung, tinh thần luôn linh hoạt, thậm chí luôn xoay chuyển, nhà kinh tế học này liên tục nảy ra những ý tưởng không ngừng nghỉ. Là một người đa năng, ông yêu thích ngành học của mình cũng như văn học, xã hội học, lịch sử hay chính trị, thích xây dựng các lý thuyết về bóng đá hoặc các bộ phim của Almodovar, và để nhiều cảm hứng khác nhau này truyền vào tác phẩm của mình.

Rồi, với sự hào hiệp và nhiệt tình, ông trở thành người kể chuyện để chia sẻ sự hiếu kỳ tự nhiên này với người khác. “Một người ở vòng xoay các ngã đường”, như mô tả của người bạn ông và là Thống đốc Banque de France [Ngân hàng Trung ương Pháp] François Villeroy de Galhau, ông qua đời vào Chủ nhật ngày 20 tháng 8 ở tuổi 70, để lại một di sản có tính quyết định trong thế giới kín đáo các nhà kinh tế học Pháp.

Sinh năm 1953 tại Tunis, Daniel Cohen, ban đầu theo học tại đại học École Normale Supérieure (Sư phạm phố Ulm - ND). Sau khi đỗ bằng thạc sĩ toán học vào những năm 1970, ông yêu thích ngành kinh tế học. Nắm vững các phương trình một cách hoàn hảo, tuy thế ông chưa bao giờ là kiểu nhà kinh tế học ẩn đằng sau sự phức tạp của các mô hình, “một giàn giáo mà ông biết cách làm biến mất bằng cách biến các số liệu thành từ ngữ”, Augustin Landier, giáo sư tại HEC [École des hautes études commerciales – Trường Thương mại], nhớ lại.

Emmanuelle Auriol, giáo sư tại Trường Kinh tế Toulouse, nhấn mạnh: “Nhưng ông ấy đã biết cách mang lại sự vững chắc của toán học cho một truyền thống kinh tế cánh tả”. Là người phổ biến, nhưng không bao giờ hy sinh nội dung, ông đã không ngừng làm cho chuyên ngành của ông càng nhiều người càng tốt có thể tiếp cận được, và đã xuất bản vô số tác phẩm trong đó ông phân tích những thay đổi của chủ nghĩa tư bản đương đại.

Tinh thần thực dụng và cởi mở

F. V. de Galhau (1959-)

François Villeroy de Galhau khẳng định: “Ông ấy không phải là một trong những nhà kinh tế học cố thủ trong tháp ngà và ông ấy đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về nền kinh tế”. Trong cuốn sách mới nhất của ông có tựa, Homo numericus: la “civilisation” qui vient [Con người Số hóa: “nền văn minh” sắp đến] (Albin Michel biên tập), Daniel Cohen đã phân tích cách thức mà cuộc cách mạng kỹ thuật số đang làm đảo lộn nhân loại. Nhưng những vấn đề khác về toàn cầu hóa, việc làm hoặc chủ nghĩa dân túy cũng được đề cập xuyên suốt trong tác phẩm của ông. Với việc luôn đặt câu hỏi làm đường dẫn trong dòng suy nghĩ phong phú này: làm thế nào để xã hội thời hậu hiện đại có thể tạo ra nhiều của cải và nhiều bất bình đẳng đến vậy?

Mặc dù Daniel Cohen có khả năng xử lý một lượng lớn các chủ đề, nhưng trước hết ông là một chuyên gia giỏi về nợ chính phủ, có những công trình nghiên cứu được các đồng nghiệp công nhận. Đặc biệt, ông đã nghiên cứu việc giảm bớt nợ nần ở các nước nghèo và theo sát trường hợp của Hy Lạp, với tư cách là cố vấn cho ngân hàng Lazard. Pierre Moscovici, lúc đó là Ủy viên Châu Âu, nhớ lại: “Chúng tôi đã có những cuộc tranh luận sôi nổi: chúng tôi không đồng tình về mức độ nghiêm trọng của khoản nợ này, nhưng ông ấy đã biết cách đón nhận sự phản biện”.

Jean-Olivier Hairault, hiệu trưởng Trường Kinh tế Paris [PSE, Ecole d'Économie de Paris], cho biết thêm: “Ông ấy từ chối tự giam mình trong một giáo điều [không cần thảo luận], ông là một con người có tinh thần thực dụng và cởi mở”. Là người đồng hành của Đảng Xã hội, bên cạnh Martine Aubry, François Hollande hoặc Benoît Hamon, ông đã không ngần ngại trao đổi ý kiến với Bruno Le Maire. Và ngay cả khi phe chính trị của ông chỉ trích hợp đồng của ông ta với Lazard, ông ta sẽ không từ bỏ quyền tự do của mình.

Thế hệ Cohen

Esther Duflo (1972-)
Julia Cagé (1984-)

Daniel Cohen cũng là một quân sư, giúp nảy sinh các thiên hướng và làm bộc lộ các tài năng. Trong số các học trò cũ của ông, không chỉ có Esther Duflo, người nhận giải Nobel Kinh tế năm 2019, mà còn có Thomas Piketty, Gabriel Zucman, Emmanuel Saez và Julia Cagé. Augustin Landier nhớ lại: “Ở trường Normale [École normale supérieure], ông đã thu hút rất nhiều sinh viên đang đi tìm chính mình nhờ vào sự nhiệt tình bền lâu và sự hào hiệp của ông”. Ông thúc đẩy họ mở rộng tầm nhìn, dành thời gian đi ra nước ngoài học hỏi, và viết bài cho công chúng Anglo-Saxon.

Nhờ ông mà cả một thế hệ đã được quốc tế công nhận. Cùng với Thomas Piketty, vào năm 2006, ông cũng đã thành lập Trường Kinh tế Paris (PSE), nơi ông tưởng tượng như một nơi trưng bày một số công trình nghiên cứu kinh tế nào đó của Pháp, với tính đa ngành mà ông trân trọng. Theo bảng xếp hạng RePec, trường PSE đứng thứ 5 trên thế giới về khoa kinh tế. Một thành công.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Daniel Cohen, l’économiste qui ne se retranchait pas dans sa tour d’ivoire, Le Point, ngày 22/08/2023.

Print Friendly and PDF