23.1.24

Biển Hoa Đông, khu vực căng thẳng khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

BIỂN HOA ĐÔNG, KHU VỰC CĂNG THẲNG KHÁC Ở ẤN ĐỘ DƯƠNG-THÁI BÌNH DƯƠNG

Olivier Guillard[*]

Một tàu giám sát của hải quân Trung Quốc gặp lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Đông, ngày 23/4/2013. (Nguồn: Bloomberg)

Đài Loan, Triều Tiên và Biển Đông không phải là những điểm nóng duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương. Olivier Guillard nhấn mạnh trong diễn đàn này rằng Biển Hoa Đông đã trải qua sự gia tăng căng thẳng nguy hiểm trong nửa cuối năm qua.

------------------------------------------------

Cũng giống như thời sự Trung Quốc - Đài Loan đáng lo ngại trong những tháng gần đây và lời lẽ kích động sôi sục và các vụ pháo kích của Triều Tiên với những thách thức [Hướng tới Seoul và Washington trong năm bầu cử này (bầu cử lập pháp Hàn Quốc vào tháng 4, bầu cử tổng thống ở Mĩ vào tháng 11], Biển Đông và chuỗi các sự cố, hành động hăm dọa, tư thế hiếu chiến giữa hải quân Trung Quốc và Philippines trong quý vừa qua đã thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế và sự tò mò của dư luận. Đó là vì mức độ căng thẳng đã trở nên đặc biệt đáng lo ngại giữa Bắc Kinh và Manila, gần như trong tư thế cừu địch với nhau với các tàu chiến nằm trong phạm vi nhạy cảm của Bãi cạn Thomas thứ hai, thuộc quần đảo Trường Sa.

Bộ ba điểm nóng Châu Á này đương nhiên có thể được bổ sung bởi cuộc nội chiến đang diễn ra ở Miến Điện từ gần ba năm nay. Bộ ba điểm nóng này hoàn toàn xứng đáng nhận được sự quan tâm vì các vấn đề liên quan chứa đựng những hậu quả nghiêm trọng trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, có một không gian biển Châu Á đang tranh chấp khác, nơi mà các áp lực cạnh tranh đều đặn được gây ra ở đây từ các chủ thể Nhà nước có quan niệm lãnh thổ không nhất thiết phải thống nhất: Biển Hoa Đông. Trải dài trên diện tích khoảng 750.000 km2, khu vực hàng hải này là một nhánh của Thái Bình Dương bao quanh lục địa Đông Á và kéo dài về phía đông bắc từ Nam Hải, nơi được nối với eo biển Đài Loan nhạy cảm [Cf. Britannica]. Nó kéo dài về phía đông đến chuỗi đảo Ryukyu của Nhật Bản, phía bắc đến đảo Kyushu, phía tây bắc đến đảo Cheju của Hàn Quốc và cuối cùng về phía tây đến các tỉnh ven biển phía đông của Trung Quốc. Britannica giải thích một cách hữu ích: “Một số lượng lớn các đảo và bãi cạn nằm rải rác ở biên giới phía đông cũng như ở khu vực gần Trung Quốc đại lục”.

CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ VÀ CÁC VỤ TRANH CHẤP

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đang tranh chấp về phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tương ứng của họ ở Biển Đông. Chính xác là giữa các nền kinh tế thế giới thứ hai và thứ ba mà sự bất đồng được thể hiện rõ nhất ở cấp độ chủ quyền ở vùng hàng hải phía đông đang tranh chấp này. Bắc Kinh và Tokyo có hai tranh chấp khác nhau về vấn đề này: tranh chấp đầu tiên liên quan đến chủ quyền đối với Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư/Diaoyu [Nằm cách Yonaguni (Nhật Bản) 150 km về phía bắc, cách Keekung (Đài Loan) 190 km về phía đông bắc, cách Ôn Châu (Trung Quốc) 350 km về phía đông nam]), 8 đảo đá không người ở có diện tích 7 km2, nằm ở phía Tây Bắc Đài Loan, do Nhật Bản quản lý [Năm 2012, chính phủ Nhật Bản mua lại chuỗi mõm đá không người ở này từ một gia đình Nhật Bản với giá vài chục triệu đô la (Le Monde, 5/9/2012] nhưng bị Trung Quốc (cũng như Đài Loan) đòi. “Sau khi Nhật Bản sáp nhập quần đảo Senkaku vào năm 1895, chính phủ Trung Quốc đã không tranh chấp chủ quyền của Nhật Bản đối với các quần đảo này trong hơn 75 năm. Mọi việc thay đổi khi các đảo gây nên sự quan tâm ngày càng lớn do có thể có sự hiện diện của các mỏ dầu ở Biển Hoa Đông,” chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh về chủ đề này [Cf. website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Pháp].

Tranh chấp Trung-Nhật thứ hai ở Biển Đông liên quan đến vấn đề phân định biển và đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, tính từ đường cơ sở của bờ biển hai nước. Những vùng đặc quyền kinh tế chồng chéo trên một khu vực đáng kể. Bắc Kinh yêu sách mở rộng vùng đặc quyền kinh tế dọc thềm lục địa của mình tới bờ biển Nhật Bản, trong khi Tokyo thúc đẩy giải pháp theo nguyên tắc công bằng và một biên giới trên biển dọc theo đường trung tuyến [SIPRI, Thúc đẩy quản lý khủng hoảng ở Biển Hoa Đông/Promoting crisis management in the East China Sea].

NHỮNG VỤ BẤT ĐỒNG MỚI ĐÂY

Trong sáu tháng qua, từ mùa hè năm 2023 đến những ngày đầu năm 2024, Biển Hoa Đông là nơi xảy ra nhiều vụ căng thẳng giữa các chủ thể trong khu vực. Dù không nhất thiết báo trước về ngắn hạn tình trạng leo thang sẽ biến thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn, tuy nhiên chúng vẫn gợi ý về những ngày mai căng thẳng có thể xảy ra trong ngắn hạn và trung hạn.

Vào giữa tháng 12, lực lượng không quân Nga và Trung Quốc đã cùng nhau tuần tra khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhân dịp này, họ đã triển khai máy bay ném bom chiến lược Tupolev-95MS và Hong-6K bay qua Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông, khiến Tokyo vô cùng bất bình [tin tức USNI, ngày 14 tháng 12 năm 2023].

Hai tuần trước đó, vào ngày 28 tháng 11, chính quyền Trung Quốc đề nghị các đối tác Australia thông báo cho Trung Quốc về hoạt động di chuyển của hải quân trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, cũng như cả ở Biển Hoa Đông. Và Bắc Kinh cảnh báo Canberra trước “những nguy cơ leo thang và xấu đi trong quan hệ giữa hai quân đội”.

Vào đầu tháng 11, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc tuyên bố đã “cảnh báo” một số tàu Nhật Bản phạm tội “xâm phạm trái phép” vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đã “thực hiện các biện pháp kiểm soát cần thiết”. Sau đó, Bắc Kinh kêu gọi Tokyo ngay lập tức chấm dứt mọi “hoạt động bất hợp pháp” trong khu vực và đảm bảo rằng những sự cố như vậy không tái diễn trong tương lai… Về phần mình, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản báo cáo rằng các tàu tuần tra của họ đã nhiều lần yêu cầu ba tàu tuần tra duyên hải Trung Quốc rời bỏ vùng được đề cập. Một cuộc đối đầu căng thẳng – nhưng không có chạm trán hay gây thương tích – giữa các tàu Trung Quốc và Nhật Bản giống, trên mọi phương diện, với một sự cố tương tự xảy ra vào giữa tháng 10.

MỘT “MÙA 2024” CHẮC CHẮN CĂNG THẲNG HƠN NỮA?

Những ngày cuối năm qua, báo chí Nhật Bản nhắc lại việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã ra lệnh cho các tàu bảo vệ duyên hải của Cộng Hòa Nhân Dân “tăng cường hoạt động” để “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Những chỉ thị này đã được Hải quân Trung Quốc triệt để tuân theo trong những tuần đầu tiên của năm 2024: vài ngày sau khi thực hiện các cuộc diễn tập trên biển vào ngày 8 và 9 tháng 1 (các cuộc diên tập bằng đạn trong điều kiện thực tế) ngoài khơi bờ biển Ninh Ba và Châu Sơn phía nam Thượng Hải, hải quân Trung Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển phụ trợ của nước này lại tuần tra trong vài giờ gần quần đảo Senkaku, “để đảm bảo quyền lợi”, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng được triển khai trong khu vực này nhiều lần thúc giục bốn tàu Trung Quốc rời khỏi “lãnh hải Nhật Bản.

Những cuộc đối đầu Trung-Nhật ở Biển Hoa Đông cho đến nay vẫn chưa dẫn đến những cuộc đụng độ trên biển như những cuộc đụng độ được quan sát thấy vào quý cuối năm 2023 ở Biển Đông giữa hải quân Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, khi lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc ngày càng thể hiện sự hiện diện và sự mạnh bạo hơn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, khi Bắc Kinh lại càng cương quyết bám theo chương trình của mình và duy trì tư thế dân tộc chủ nghĩa của mình để biện minh, từ Đài Loan đến Trường Sa, từ Senkaku/Điếu Ngư đến Hoàng Sa, cho những ý đồ về lãnh thổ không chắc chắn của mình, cuối cùng chúng ta chỉ có thể lo sợ xảy ra một vụ va chạm “đột xuất” trong vùng biển tranh chấp xung quanh những hòn đảo đá không có dân cư – nhưng rất được thèm muốn này.

Các hành động của lực lượng hàng hải Trung Quốc trên quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý ở Biển Hoa Đông là một nguồn gây lo ngại khác đối với các nhà quan sát Hoa Kỳ. Sự thống trị của Trung Quốc ở khu vực gần biển của Trung Quốc – tức là Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như Hoàng Hải – có thể có tác động rất lớn đến các lợi ích chiến lược, chính trị và kinh tế của Mỹ trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương”, các biên tập viên và chuyên gia của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội [Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ-Trung ở Biển Đông và Biển Hoa Đông: Bối cảnh và báo cáo dành cho Quốc hội, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội/Congressional Research Service [Congressional Research Service report U.S.-China Strategic Competition in South and East China Seas: Background and Issues for Congress, Congressional Research Service ngày 14 tháng 9 năm 2023] đã tổng hợp như trên vào mùa hè năm ngoái.

Đầu tuần này, sau vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) của Triều Tiên vào ngày 14 tháng 1, lính thuỷ quân lục chiến Mỹ (với nhóm tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson), Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện trong ba ngày diễn tập chung ở Biển Hoa Đông. Chắc chắn với mục đích một lần nữa thể hiện đối với Bình Nhưỡng sự chống đối của Tokyo, Seoul và Washington đối với chủ nghĩa phiêu lưu đạn đạo như vậy, nhưng cũng để gửi thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh và các ý đồ xâm chiếm lãnh thổ phiêu lưu ở Biển Hoa Đông.

Có thể chắc chắn rằng thông điệp kép này, dù rõ ràng đến đâu, rồi cũng sẽ được đọc với một thái độ thờ ơ nhất định cả ở thủ đô Trung Quốc lẫn ở Bình Nhưỡng khắc khổ. Lại thêm một lần nữa.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La mer de Chine orientale, cette autre zone de tensions en Indo-Pacifique”, Asialist, 20.01.2024.




Chú thích:

[*] Olivier Guillard là giám đốc nghiên cứu châu Á tại Viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế (IRIS), được coi là chuyên gia về các vấn đề an ninh ở châu Á và đặc biệt làm việc ở khu vực Trung Á (tiểu lục địa Ấn Độ). Ông cũng là Giám đốc Thông tin tại Crisis Consulting (“Crisis24”).

Print Friendly and PDF