27.1.24

Đâu là sự khác biệt giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước?

ĐÂU LÀ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC?

Donald Trump, bên trái, và Harry Truman: Hai cựu tổng thống có quan điểm khác nhau về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Tờ Conversation, với hình ảnh từ Wikimedia Commons, CC BY-NC

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Donald Trump từng nói: “Chúng ta đặt nước Mỹ lên trên hết… chúng ta đang chăm sóc chính mình để tạo nên một sự thay đổi,” và sau đó tuyên bố: “tôi là một người theo chủ nghĩa dân tộc”. Trong một bài phát biểu khác, ông ta khẳng quyết rằng dưới nhiệm kì của ông, Hoa Kỳ đã “[đi] theo học thuyết về chủ nghĩa yêu nước.”

Trump hiện đang tiến hành chiến dịch tái tranh cử tổng thống. Khi tuyên bố ứng cử, ông ta khẳng quyết rằng ông “cần mỗi người yêu nước tham gia vì đây không chỉ là một chiến dịch, mà đây là nhiệm vụ cứu đất nước của chúng ta.”

Nicholas J. Fuentes (1998-)

Một tuần sau, ông ăn tối ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago với Nick Fuentes, một người tự mô tả là người theo chủ nghĩa dân tộc và là người đã bị cấm sử dụng các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter, YouTube và những nền tảng khác vì đã dùng ngôn ngữ mang tính phân biệt chủng tộc và bài Do Thái.

Sau đó, Trump xác nhận cuộc gặp đó nhưng không tố cáo Fuentes, bất chấp những lời kêu gọi ông nên làm vậy.

Những từ chủ nghĩa dân tộcchủ nghĩa yêu nước đôi khi được sử dụng như những từ đồng nghĩa, như khi Trump và những người ủng hộ ông mô tả chính sách Nước Mỹ trên hết của ông chẳng hạn. Nhưng nhiều nhà khoa học chính trị, trong đó có cả tôi, thường không xem hai thuật ngữ đó là tương đương – hay thậm chí chúng không hề tương thích với nhau.

Có một sự khác biệt, và điều đó là quan trọng, không chỉ đối với các học giả mà còn với cả những người dân thường nữa.

Một hình ảnh từ năm 1950, được tô màu vào năm 2017, cho thấy Siêu nhân – một người tị nạn từ hành tinh khác và là nhân vật do hai người Do Thái nhập cư đến Mỹ tạo ra – đang dạy rằng chủ nghĩa yêu nước phải đẩy lùi chủ nghĩa dân tộc. DC Comics

Cống hiến cho một nhóm người

Để hiểu chủ nghĩa dân tộc (nationalism) là gì, sẽ rất hữu ích nếu chúng ta hiểu một dân tộc (nation) là gì – và không phải là gì.

Một dân tộc là một nhóm người có cùng chung lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo hay sự kết hợp nào đó của các yếu tố này.

Một đất nước (country), đôi khi còn được gọi là một nhà nước (state) theo thuật ngữ khoa học chính trị, là một vùng đất có chính quyền riêng.

Một nhà nước-dân tộc là một thực thể chính trị đồng nhất, chủ yếu bao gồm một dân tộc duy nhất. Các nhà nước-dân tộc (nation-state) rất hiếm vì gần như mọi đất nước đều có nhiều hơn một nhóm dân tộc. Một ví dụ về nhà nước-dân tộc là Bắc Triều Tiên, nơi hầu hết các cư dân đều là những người mang sắc tộc Triều Tiên.

Hợp chúng quốc Hoa Kỳ không phải là một dân tộc hay một nhà nước-dân tộc. Đúng hơn, nó là một đất nước gồm nhiều nhóm người khác nhau có chung lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo.

Một vài nhóm trong số đó được chính quyền liên bang chính thức công nhận, như Bộ tộc NavajoBộ tộc Cherokee chẳng hạn. Tương tự, ở Canada, người Québécois nói tiếng Pháp được công nhận là một “dân tộc riêng biệt trong một nước Canada thống nhất”.

Chủ nghĩa dân tộc, theo định nghĩa của một từ điển, là “lòng trung thành và sự cống hiến cho một dân tộc”. Đó là ái lực mãnh liệt của một người đối với những người có cùng chung lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Các học giả hiểu chủ nghĩa dân tộc là chủ nghĩa độc tôn, thúc đẩy một nhóm có bản sắc vượt lên trên – và đôi khi đối lập trực tiếp với – những nhóm khác.

Những người giữ lời thề (Oath Keeper) và các chàng trai kiêu hãnh (Proud Boys) – 10 người trong số họ đã bị kết tội âm mưu nổi loạn vì vai trò của họ trong vụ tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ – đều là hai ví dụ về các nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, tin rằng những người nhập cư và người da màu là mối đe dọa cho các lý tưởng của họ về nền văn minh.

Trump đã mô tả các sự kiện diễn ra vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 là các sự kiện được diễn ra “một cách Hòa bình và Yêu nước”. Ông mô tả những người bị bỏ tù là “những người yêu nước vĩ đại” và nói rằng ông sẽ ân xá chophần lớn những người trong số họ” nếu tái trúng cử vào năm 2024.

Có nhiều chủ nghĩa dân tộc khác ngoài chủ nghĩa dân tộc da trắng. Dân tộc Hồi giáo (Nation of Islam), chẳng hạn, là một ví dụ của một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc Da đen. Liên đoàn chống phỉ báng (ADL) và Trung tâm nghiên cứu Luật Người nghèo miền Nam Hoa Kỳ (SPLC) đều mô tả nhóm người này là một nhóm thù ghét của những người Da đen thượng đẳng vì các định kiến ​​bài da trng ca nhóm này.

Ngoài các chủ nghĩa dân tộc chủng tộc da trắng và da đen, còn có chủ nghĩa dân tộc sắc tộc và chủ nghĩa dân tộc ngôn ngữ, thường tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn – và sự độc lập cuối cùng của – một số nhóm dân tộc nhất định. Các ví dụ bao gồm Khối Québécois, Đảng Dân tộc ScotlandPlaid Cymru – Đảng xứ Wales, là các đảng phái chính trị theo chủ nghĩa dân tộc lần lượt ủng hộ người Québécois ở xứ Québéc, người Scot ở xứ Scotland và người Welsh ở xứ Wales.

Cống hiến cho một vùng đất

Ngược lại với lòng trung thành hoặc sự cống hiến của chủ nghĩa dân tộc đối với dân tộc của một người, chủ nghĩa yêu nước (patriotism), theo định nghĩa của cùng từ điển trên, là “tình yêu hoặc sự tận tâm đối với đất nước của một người”. Nó xuất phát từ từ patriot, và bản thân từ này lại bắt nguồn từ từ patrios trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “của cha mình”.

Nói cách khác, chủ nghĩa yêu nước trong lịch sử có nghĩa là tình yêu và sự tận tâm đối với quê cha hoặc đất tổ của mình.

Chủ nghĩa yêu nước bao gồm sự cống hiến cho đất nước nói chung – bao gồm tất cả những người dân sống ở đó. Chủ nghĩa dân tộc đề cập đến sự tận tâm chỉ dành cho một nhóm người hơn tất cả những nhóm khác.

Một ví dụ về chủ nghĩa yêu nước là bài phát biểu “Tôi có một giấc mơ” của Martin Luther King Jr., trong bài phát biểu đó ông đọc câu đầu tiên của bài ca yêu nước “Nước Mỹ (Đất nước của tôi là của bạn)”. Trong “Bức thư từ nhà tù Birmingham”, King mô tả “các nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc” là “bao gồm những người đã mất niềm tin vào nước Mỹ”.

George Orwell, tác giả các cuốn sách “Chuyện ở Nông trại” và “1984”, mô tả chủ nghĩa yêu nước là “sự cống hiến cho một vùng đất cụ thể và một lối sống cụ thể”.

Ông ấy đối lập điều đó với chủ nghĩa dân tộc, mà ông ấy mô tả là “thói quen gắn mình với một dân tộc hoặc đơn vị khác, đặt dân tộc đó vượt lên trên thiện và ác và không thừa nhận nghĩa vụ nào khác ngoài nghĩa vụ thúc đẩy lợi ích của dân tộc đó”.

Trong bài phát biểu ‘Tôi có một giấc mơ’ và các tác phẩm khác, Martin Luther King Jr. đã phê phán chủ nghĩa dân tộc và cổ vũ chủ nghĩa yêu nước.

Chủ nghĩa dân tộc đối lập với chủ nghĩa yêu nước

Adolf Hitler trỗi dậy ở Đức bằng cách xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước và theo đuổi chủ nghĩa dân tộc. Theo Charles de Gaulle, người lãnh đạo Nước Pháp Tự do chống lại Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai và sau đấy trở thành tổng thống Pháp, “chủ nghĩa yêu nước là khi tình yêu thương đồng bào mình được đặt lên trên hết; chủ nghĩa dân tộc là khi sự căm ghét những người không phải đồng bào mình được đặt lên trên hết”.

Bi kịch của Holocaust bắt nguồn từ niềm tin dân tộc chủ nghĩa cho rằng một số nhóm người là hạ đẳng hơn. Mặc dù Hitler là một ví dụ vô cùng cực đoan, nhưng trong nghiên cứu của riêng tôi với tư cách là một học giả về các quyền con người, tôi đã phát hiện ra rằng ngay cả trong thời hiện đại, những đất nước mà có các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc có khả năng cao là sẽ có những hồ sơ tồi tệ về tình hình nhân quyền hơn.

Sau Thế chiến thứ hai, Tổng thống Harry Truman đã ký Kế hoạch Marshall, nhằm cung cấp viện trợ hậu chiến cho châu Âu. Mục đích của chương trình là giúp các nước châu Âu “thoát khỏi những hành động tự chuốc lấy thất bại của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”.

Đối với Truman, việc đặt nước Mỹ lên trên hết không có nghĩa là rời khỏi sân khấu toàn cầu và gieo rắc sự chia rẽ trong nước bằng những hành động và lời lẽ hùng biện đầy tính dân tộc chủ nghĩa. Đúng hơn, ông coi “mối quan tâm chính của người dân Hoa Kỳ” là “tạo ra những điều kiện hòa bình lâu dài trên toàn thế giới”. Đối với ông, chủ nghĩa yêu nước đặt lợi ích của đất nước lên trên hết đồng nghĩa với việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa dân tộc.

Quan điểm này phù hợp với quan điểm của Tổng thống Pháp [hiện nay] Emmanuel Macron, người đã khẳng quyết rằng “chủ nghĩa yêu nước hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa dân tộc”.

Joshua Holzer

Ông ấy nói: “Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội đối với chủ nghĩa yêu nước”.

THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ

Joshua Holzer

Giáo sư Dự khuyết về Khoa học Chính trị, đại học Westminster

Tuyên bố công khai

Joshua Holzer không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào sẽ được hưởng lợi từ bài báo này, và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: What is the difference between nationalism and patriotism?, The Conversation, Jun 28, 2023.

Print Friendly and PDF