9.1.24

Thách thức Vésuve: đi thư viện, 2000 năm sau

THÁCH THỨC VÉSUVE: ĐI THƯ VIỆN, 2000 NĂM SAU

Quan điểm thời sựSức mạnh của trí tuệ nhân tạo

Một thư viện bị lãng quên có thể tái sinh từ những tro tàn của núi Vésuve? Đã hai thế kỷ trôi qua từ khi ta biết đến sự tồn tại của những cuộn giấy cói bị cháy đen thành than, chúng dường như bị hủy hoại mãi mãi, không thể giải mã được. Nhưng những bước tiến nhảy vọt về công nghệ gần đây nhất và sự hợp tác của những người đam mê có thể giúp giải mã các văn bản Hy Lạp và La Mã từ thời Cổ Đại. Raphaël Doan giải thích cho chúng ta những lý do của phép lạ này.

Tác giả: Raphaël Doan[1]

Johan Christian Dahl, Núi lửa Vésuve phun trào, tranh sơn dầu, 1824, Metropolitan Museum of Art.

Càng tiến về tương lai thì chúng ta cũng tiến đến gần quá khứ. Đó là một trong những đặc tính kỳ lạ của sự tiến bộ của kỹ thuật và tri thức. Khoảng cách giữa chúng ta và các thời kỳ cổ xưa càng gia tăng thì những thời kỳ này lại càng lộ rõ ra cho chúng ta. Chúng ta biết thời Cổ Đại nghìn lần rõ hơn người thời Trung Cổ biết về nó (thời Cổ Đại), chúng ta biết thời Trung Cổ nghìn lần rõ hơn người thời kỷ nguyên Ánh Sáng biết về nó. Voltaire đã viết: “Để thâm nhập vào mê lộ tối tăm của thời Trung Cổ, cần phải nhờ đến các tài liệu lưu trữ, và ta hầu như không có.” Công nghệ và hoạt động nghiên cứu càng tiến triển, chúng ta càng tìm lại được và có thể xử lý các nguồn và các tài liệu, chúng ta càng có thể suy diễn, phát hiện và phục dựng.

Một thư viện bị đốt cháy thành than

Ví dụ cuối cùng cho đến hôm nay là trường hợp biệt phủ tài liệu giấy cói ở Herculanum, một trung tâm nghỉ mát ven biển gần Pompéi. Năm 79 sau Công Nguyên, dân cư của biệt phủ sang trọng này, có lẽ là do Pison nhạc phụ của Jules César xây dựng nên, đã bị chôn vùi do núi lửa Vésuve phun trào, cố gắng mang theo tài sản quí báu nhất của họ, trong đó có những quyển sách. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều thùng dường như được tập trung rất gấp và bị bỏ lại trong quá trình sơ tán. Có lẽ một vài bộ sách đã được chủ nhân mang đi. “Tôi đã mất hầu hết các sách của tôi, tôi chỉ có thể cứu được những quyển này”, chắc là ông ta đã nói thế. Nhưng ông đã sai.

Khoảng cách giữa chúng ta và các thời kỳ cổ xưa càng gia tăng thì những thời kỳ này lại càng lộ rõ ra cho chúng ta.

RAPHAËL DOAN

Những quyển sách bị mất là những quyển sách mà ông ta nghĩ đã cứu được đã bị tan rã qua thời gian trong một kệ sách nào đó đã bị chuột gặm. Những quyển sách thực sự đã được cứu là những quyển sách mà Vésuve đã đốt cháy thành than với tro tàn bao quanh. Chúng đã được bao bọc trong một lớp phủ tự nhiên, tàn phá ngay lúc đó, nhưng cứu nguy trên quy mô thế kỷ. Chính là những quyển sách đó mà ngày nay chúng ta có thể cố gắng thử đọc chúng.

Cho đến nay, công việc này đã không thể thực hiện được. Vốn đã không dễ để đọc một tài liệu giấy cói được bảo quản tốt, như người ta đã tìm thấy ở Ai Cập nơi có khí hậu thuận lợi hơn cho việc bảo tồn chúng. Đọc những tài liệu giấy cói bị hư hỏng lại càng khó hơn. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng là có thể đọc được một tài liệu giấy cói được cuộn lại và hoàn toàn bị đốt cháy thành than bởi một cơn phun trào núi lửa.

Từ năm 1750 khi phát hiện ra ngôi biệt phủ, tất nhiên là có một số người đã thử tìm cách đọc. Những cố gắng đầu tiên để đọc các cuộn giấy đã thường làm hỏng hoặc phá hủy các văn bản, ví dụ như khi dùng dao cắt theo chiều dọc cuộn giấy để tìm cách đọc văn bản từ bên trong. Vào thế kỷ XVIII, Antonio Piaggio, một người chuyên môn về bảo quản ở Vatican đã chế tạo ra một cái máy có thể giúp mở một số cuộn giấy được bảo quản tốt nhất – và hủy hoại những cuộn khác.

Những quyển sách đã thực sự được cứu là những quyển sách mà Vésuve đã đốt cháy thành than với tro tàn bao quanh.

RAPHAËL DOAN

Từ đó phần lớn những cuộn giấy được giải mã dường như đến từ nơi có lẽ là thư viện làm việc của triết gia Philodème de Gadara thuộc trường phái Épicure; người ta đã tìm thấy ở đó những tác phẩm của ông, nhưng cũng có những đoạn của tác phẩm De la nature của Épicure mà trước đây ta tưởng đã thất lạc. Những khai quật gần đây đã giúp phát hiện rằng một phần lớn của biệt phủ vốn trước đây không được biết cần được khám phá. Có thể chúng ta sẽ tìm thấy ở đó những kho báu mỹ thuật và những sách mới, có thể là trong một thư viện chính, những quyển sách mà chúng ta đã thu được cho đến nay đúng ra là từ những văn phòng làm việc và từ những chiếc rương được vận chuyển.

Những người nghiệp dư và những chuyên gia đổ dồn về thư viện đã mất

Brent Seales

Do sợ làm hỏng các tập sách, những cố gắng giải mã giấy cói đã đình trệ cho đến thế kỷ XXI. Nhưng trong những năm 2010, tất cả đã bắt đầu thay đổi. Năm 2015, tiến sĩ Brent Seales, một chuyên gia về thị giác máy tính, và nhóm nghiên cứu của ông ở Đại học Kentucky đã thành công trong việc dùng kỹ thuật chụp cắt lớp bằng tia X và một thuật toán thị giác máy tính để đọc một quyển sách tiếng Do Thái (Hebrew) trong thế kỷ thứ II, cuộn En-Gedi, mà không cần mở ra. Tuy nhiên kỹ thuật mở cuộn sách ảo này chưa được trực tiếp áp dụng cho sách giấy cói của Herculanum, vì mực carbon không nổi rõ qua tia X. Tuy nhiên, năm 2019, nhóm đã sử dụng một máy gia tốc hạt để tạo được những bản quét các giấy cói với độ phân giải rất cao. Như vậy, từ nay chúng ta có những mô hình 3D tuyệt vời của các tập sách và bên trong của chúng, ở một mức độ chi tiết cao đến mức có thể phân biệt được các vết mực sau khi đã xử lý. Chỉ còn - nếu ta có thể nói thế - việc huấn luyện một mô hình học máy có khả năng thực hiện việc dò tìm này. Đầu năm 2023, nhóm của tiến sĩ Seales đã thực hiện được việc dò tìm này trên một mảnh rời của sách giấy cói Herculanum. Bây giờ là chuyển qua làm một việc khó hơn: thực hiện được việc dò tìm vết mực bên trong toàn bộ một tập sách.

Do sợ làm hỏng các tập sách, những cố gắng giải mã giấy cói đã đình trệ cho đến thế kỷ XXI

RAPHAËL DOAN

Đó là đối tượng của Vesuvius Challenge, một cuộc thi được phát động bởi doanh nhân và là nhà đầu tư Mỹ Nat Friedman, ông đã say mê vấn đề này sau khi đọc một quyển sách về chủ đề này trong thời gian phong tỏa (vì Covid-19) năm 2020. Sau khi gặp tiến sĩ Seales, ông đã cùng với một nhóm kỹ sư và chuyên gia về giấy cói phát động cuộc thi mở và quốc tế này, với mục tiêu là tưởng thưởng những nhóm hay những cá nhân đầu tiên giải mã được bên trong một sách giấy cói của biệt phủ. Cuộc thi bao gồm nhiều giải thưởng cho các kiểu đột phá công nghệ khác nhau, đặc biệt là cho sự phân đoạn sách giấy cói thành những phần có thể đọc được và cho sự dò tìm mực trên các phần được phân đoạn.

Đó là một sinh viên 21 tuổi ngành tin học, Luke Farritor, đã có phát hiện đầu tiên một từ đầy đủ bên trong một cuộn sách không tháo ra; lập tức sau đó, một người tham gia khác, Youssef Nader, cũng đã thành công trong việc nhận diện cùng một từ ấy, trong một đoạn lớn hơn và với độ phân giải tốt. Những tiến bộ này có được là nhờ những công trình ban đầu của Casey Handmer, ông đã làm rõ được những vết mực đầu tiên bên trong các cuộn giấy bằng cách khảo sát chúng trước tiên bằng mắt thường trên những mô hình 3D, điều này đã giúp ông nhận diện được những vết rạn đặc trưng của giấy cói được đều đặn kết hợp với sự hiện diện của mực.

Thực ra là toàn bộ một cộng đồng đã đạt được các kết quả này, vì những người tham gia dựa trên những công cụ phần mềm nguồn mở được chủ ý tạo riêng cho công việc này bởi những thành viên của công cuộc dò tìm. Vả lại, giải thưởng lớn 700.000 đô la luôn dành sẵn cho người nào thành công trong việc giải mã một cách đáng kể nội dung của một cuộn giấy cói trước cuối năm nay.

Những người tham gia cuộc điều tra tập thể này dựa trên các công cụ phần mềm nguồn mở được chủ ý tạo riêng cho công việc này bởi những thành viên của công cuộc dò tìm.

RAPHAËL DOAN

Trong mọi trường hợp, thành công mà sáng kiến này đã đạt được xác nhận sức mạnh của một ý tưởng: sự pha trộn giữa công trình của những chuyên gia đại học và công trình của cả một cộng đồng những người đam mê được tập hợp bởi internet là đầy hứa hẹn đối với nghiên cứu. Tôi xác tín rằng việc tìm kiếm nguồn lực từ đám đông (crowdsourcing), nếu được tổ chức tốt, biểu thị một cơ hội vô cùng lớn trong mọi lĩnh vực. Mấy ai đã tin rằng nền tảng Discord sẽ phục vụ cho việc tập hợp các kỹ sư trong học máy, những chuyên gia trong thị giác máy tính, những chuyên gia về giấy cói, về tiếng Hy Lạp để cố gắng phục dựng những tập sách cũ cách đây 2000 năm?

Qui mô tham gia vào cuộc thí nghiệm như thế không bao giờ đặt lại vấn đề về nhu cầu nhờ đến các chuyên gia; chính họ, những người có thể đặt khuôn khổ cho cuộc thảo luận, mới ấn định các mục tiêu, phân cấp các phương pháp. Nhưng như thành công của Luke Farritor chứng minh, sự tham gia tự do của mọi người nghiệp dư có hiểu biết có thể mang tính quyết định; sự tham gia này đem lại sức mạnh, tính bột phát, đôi lúc là những ý tưởng mới mà một khuôn khổ suy nghĩ truyền thống có thể gây trở ngại. Nhất là khi toàn bộ được tổ chức với một mức độ tinh tế về đua tranh và hợp tác được tạo ra bởi những quy tắc của cuộc thi do Nat Friedman nghĩ ra: đúng là một cuộc thi, ở đó có một người thắng cuộc cho mỗi giải thưởng, nhưng những giải thưởng này được thiết kế theo cách mỗi nhiệm vụ cần thiết cho mục đích cuối cùng (đọc các sách giấy cói) là đối tượng của một phần thưởng trung gian, đến mức không ai cần bo bo giữ riêng cho mình giải pháp bí mật cho đến phát hiện cuối cùng. Vả lại, các quy định đòi hỏi tất các các thí sinh phải phát triển các công cụ của mình theo nguồn mở, điều này cũng buộc họ chia sẻ các giải pháp của mình. Trong thực tế, không khí toát ra từ cuôc thi là một không khí hỗ trợ nhau giữa những người đam mê nhiều hơn là một cuộc chạy đua ích kỷ.

Những dấu ấn mới?

Như vậy tất cả trong câu chuyện này là đáng vui mừng. Nguyên tắc của cuộc thi rộng mở khiến nhớ đến những giờ khắc trọng đại của các cuộc thi sáng tạo của Thời kỳ Tươi đẹp (la Belle Epoque - 1870 – 1914 - ND). Sự sôi động của máy chủ Discord và của cộng đồng nhỏ đã được hình thành để tiến bộ dần dần trong công việc. Điều khó tin là việc thực hiện một mẫu giấy cói đối chứng từ một mẫu giấy cói thực và mới của Ai Cập trên đó người ta đã viết những từ bằng tiếng Hy Lạp và La tinh trước khi đốt nó cháy thành than với lửa củi, để có thể dùng làm điểm so sánh trong công việc dò tìm vết mực. Từ đầu tiên được một sinh viên phát hiện ra. Đó lại là từ “màu đỏ thẫm - tượng trưng cho vương quyền - pourpre -”: một từ hiếm, uy nghi và là điềm lành. Những cuộc thảo luận diễn ra suốt ngày đêm để đề nghị ghi lại và dịch những đoạn văn đã được phát hiện. Tôi xác nhận, với tư cách cá nhân và là người tham gia vào cuộc chơi, là làm ta vô cùng say mê; tất nhiên, các dữ liệu còn quá tản mác để các chuyên gia về giấy cói có thể thực hiện được một công việc giải mã nghiêm túc, điều này sẽ được thực hiện sau này, nhưng chỉ riêng sự việc các chuyên gia về tiếng Hy Lạp và những người nghiên cứu các cổ tự khác, nghiệp dư hoặc không là nghiệp dư, thảo luận một cách hăng say về một chủ đề được thảo luận trực tuyến, 24 giờ trên 24, để biết được có phải một đám chữ biểu thị phần cuối của một từ bằng -ων hay bằng -οις là một phương thuốc giải độc hay đối với ý tưởng cho rằng internet chỉ làm cho người ta ngu muội. Cuối cùng, tất nhiên và trước hết là nhờ tất cả sáng kiến này, có thể chúng ta tìm lại được những tác phẩm của văn chương cổ đại đã bị mất.

Sự tham gia tự do của mọi người nghiệp dư có hiểu biết có thể mang tính quyết định.

RAPHAËL DOAN

Chúng ta đã giữ được khoảng 1% các văn bản tiếng Hy Lạp và La tinh được viết ra trong thời kỳ Cổ Đại. Và đó không chỉ là do bỏ đi những văn bản không quan trọng hoặc không lý thú; chúng ta cũng không có được toàn bộ những tuyệt tác của các tác giả lớn. Chúng ta chỉ có chừng hai mươi của hơn chín mươi tác phẩm của Euripide; chúng ta không có văn bản nào của những đàm thoại của Aristote, mà Cicéron cho rằng viết hay hơn những đàm thoại của Platon, và có lẽ chúng ta chỉ lưu trữ được một phần ba số tác phẩm của Aristote (Umberto Eco đã làm cho tập hai bị thiếu của tác phẩm Poétique, dành cho hài kịch, trở nên nổi tiếng trong Le Nom de la rose - Tên của đóa hồng -); chúng ta chỉ có 35 tập trong số 142 tập sách lịch sử La Mã của Tite-Live, và không có một tác phẩm triết học nào của ông; chúng ta không có gì từ những hồi ký của Agrippine cũng như tự truyện của Auguste… Tóm lại, danh sách còn dài.

Như vậy mọi văn bản mới đều ẩn chứa khả năng làm mới hoàn toàn kiến thức của chúng ta về triết học, văn học hay lịch sử cổ đại. Thế nhưng, không có một bộ sưu tập nào cung cấp nhiều hứa hẹn như bộ sách giấy cói ở Herculanum. Đó là thư viện riêng của một người quý tộc La Mã giàu có vào thế kỷ thứ nhất, mà tổ tiên của ông đã bảo trợ các triết gia và tác gia. Ngoài một thư viện công cộng – nhưng không có gì được bảo tồn –, chúng ta không thể mơ có một nơi tốt hơn để thực hiện những khám phá thú vị.

Tôi đã tự hỏi, khi theo dõi sát dự án này, tại sao tôi đã hăng say với ý tưởng giải mã những văn bản chưa từng thấy từ thời Cổ Đại, trong khi tôi đã rất ít đọc tất cả các văn bản cổ đại mà chúng ta có được (ví dụ, tôi thừa nhận là tôi chưa đọc Dionysiaques của Nonnos de Panopolis[*]). Nhưng thực ra, cũng từa tựa như đi xem một phim mới ở rạp chiếu phim trong khi ta chưa xem hết tất cả những phim cổ điển; đó là sự hấp dẫn của cái mới. Hơn nữa, trong trường hợp của chúng tôi; đó là một cái mới đến từ 2000 năm trước đây, nó chỉ chờ chúng ta mà chúng ta thì chưa thể đạt đến nó. “Đọc các từ bên trong các cuộn giấy cói ở Herculanum là như đặt chân lên mặt trăng”, Tiến sĩ Seales nói như vậy.

Tất cả trong câu chuyện này là đáng vui mừng.

RAPHAËL DOAN

Vào thế kỷ XIX, Giuseppe Fiorelli, thanh tra các công trình khai quật ở Pompéi, đã có ý tưởng rót thạch cao vào những hốc trống được khám phá ra trong những đống đổ nát núi lửa của thành phố. Kết quả là khuôn đúc cơ thể các nạn nhân gây xúc động mạnh, được hình thành ngay khi tai họa xảy ra; các cơ thể đã từ từ tan rã nhưng đã để lại quanh chúng một lớp vỏ cứng của chất liệu đã chôn vùi chúng. Nhóm của Tiến sĩ Seales và những người tham gia cuộc thi Vesuvius Challenge đã làm được trong thời đại ngày nay điều tương đương với các khuôn đúc thạch cao, nhưng thay vì tìm thấy hình dạng của cơ thể con người, họ tìm thấy nội dung các quyển sách. Điều này còn lý thú hơn.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: Le défi du Vésuve: aller à la bibliothèque 2000 ans après”, Le grand continent, 27.10.2023.




Chú thích:

[1] Raphaël Doan là tác giả của bốn tác phẩm trong đó ông nêu mối liên hệ giữa thời Cổ Đại và thế giới chính trị đương đại: Quand Rome inventait le populisme - Khi La Mã sáng tạo ra chủ nghĩa dân túy - (2019), Le Rêve de l’assimilation - Giấc mơ đồng hóa - (2021), Le Siècle d’Auguste - Thế kỷ Auguste - (2021), Si Rome n’avait pas chuté - Nếu La Mã không sụp đổ - (2023).

Doan là thạc sĩ văn học cổ điển trường Đại học Sư phạm ENS (École Normale Supérieure) và tốt nghiệp trường Quốc gia Hành chánh ENA (École Nationale d’Administration).



[*] Nonnos de Panopolis là một thi sĩ Hy Lạp sinh ở Panopolis, Ai Cập, đã sống từ cuối thế kỷ IV đến giữa thế kỷ V - ND

Print Friendly and PDF