17.1.24

Trào lưu triết học Khai Sáng cấp tiến của Spinoza, một cuộc đàm thoại với Jonathan Israel

TRÀO LƯU TRIẾT HỌC KHAI SÁNG CẤP TIẾN CỦA SPINOZA, MỘT CUỘC ĐÀM THOẠI VỚI JONATHAN ISRAEL

Tại sao Spinoza lại là thành viên của thế giới và của nền văn hóa của chúng ta? Thật ra đó là câu hỏi thúc đẩy cuộc điều tra lịch sử quan trọng gần đây của Jonathan Israel về thời kỳ của triết gia này. Ngược lại với một số lớn các nhà nghiên cứu, ông khẳng định rằng Spinoza và di sản của ông là rất quan trọng đối với một bộ phận các nhà tư tưởng của trào lưu triết học Khai Sáng. Chúng tôi đã gặp ông ở New York và đã có một cuộc trò chuyện dài.

Tác giả: Florian Louis[*]


Jonathan I. Israel, Spinoza, Life and Legacy, Oxford, Oxford University Press, 2023, 1344 trang, ISBN 9780198857488

Để bắt đầu, xin ông có thể nói cho chúng tôi rõ hơn về tính chất của quyển sách ông dành cho Spinoza? Như nhan đề phụ nêu ra, ông nghiên cứu cuộc đời của Spinoza và cả di sản của ông ấy. Như vậy đây không chỉ là một tiểu sử. Công trình của ông khác với công trình nghiên cứu tiểu sử kinh điển ở những điểm nào, ví dụ như công trình của Steven Nadler?

JONATHAN I. ISRAEL:

Jonathan Israel (1946-)
Steven Nadler (1958-)

Trước tiên tôi muốn nói là tôi khâm phục công trình của Steven Nadler. Chúng tôi là những người bạn thân và thường xuyên trao đổi với nhau về những nghiên cứu của chúng tôi về Spinoza. Tác phẩm tiểu sử của Spinoza của ông ấy đã được xuất bản năm 1999. Vậy là đã gần một phần tư thế kỷ, và từ đó đến nay đã có nhiều nghiên cứu mới ở Hà Lan, Anh, Pháp, Ý, Đức và đặc biệt là ở Mỹ, từ những tài liệu lưu trữ vốn chưa được khai thác. Như vậy chúng ta có được nhiều chi tiết về cuộc đời của Spinoza và ảnh hưởng đầu tiên của những tư tưởng của ông hơn năm 1999 và tất nhiên, Steven Nadler có lẽ đã viết tiểu sử của ông khác hơn với nhiều chi tiết hơn, nếu như ngày đó ông đã có được tất cả những nghiên cứu mới này.

Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Steven Nadler là một triết gia và ông chủ yếu tập trung vào cuộc đời của Spinoza. Như vậy quyển sách của ông chủ yếu là một tiểu sử. Thế nhưng như bạn nói quyển sách của tôi có nhiều điều hơn đơn thuần là một tiểu sử. Tôi thấy dường như cuộc đời của Spinoza ẩn dật và bình lặng, đòi hỏi phải vượt khỏi khuôn khổ này. Thật vậy, ông đã rất ít đi du lịch và có nhiều thời gian sống một mình. Ông làm việc ban đêm và ngủ ban ngày, trái ngược với đa số người. Như vậy, thoạt tiên ta có thể nghĩ ông sống một cuộc đời rất bình lặng, không sóng gió. Nhưng trong thực tế, ông đã gây ra những chống đối, giận dữ, cuồng nộ nhiều hơn bất kỳ một nhà tư tưởng nào cùng thời với ông.

Quyển sách của tôi có nhiều điều hơn đơn thuần là một tiểu sử. Tôi thấy dường như cuộc đời của Spinoza là ẩn dật và bình lặng, đòi hỏi phải vượt khỏi khuôn khổ này.

JONATHAN I. ISRAEL

Ngay sau khi ông qua đời, đã diễn ra nhiều cuộc luận chiến gay gắt về ông tại Hà Lan, rồi tại Đức, Anh, Pháp và tại những nước như Ý, nơi mà việc lên án dị giáo còn rất nặng. Đó là một hiện tượng đã không được các sử gia hoặc các triết gia hiểu rõ trong quá khứ. Do đó không có nhiều bài viết về chủ đề này. Nếu ta tham khảo một vài tác phẩm cũ hơn về Spinoza, trong những năm 1960 và 1970, ta tìm thấy cả những nhà nghiên cứu khẳng định rằng Spinoza đã không có nhiều ảnh hưởng đối với thời đại của ông, điều này hoàn toàn sai lầm. Lúc sinh thời, Spinoza đã có ảnh hưởng rất to lớn, nhưng phần quan trọng nhất của ảnh hưởng này lại bị tranh cãi.

Như vậy ta không thể thực sự tách rời chính tiểu sử của Spinoza, những sự kiện liên quan đến cuộc đời ông khỏi những sự việc liên quan đến ảnh hưởng sớm của ông đến xã hội, đến văn hóa châu Âu và thế giới đại học vốn đã rất mạnh về mọi mặt. Quả thực, bây giờ chúng ta biết rằng ông đã bắt đầu có một ảnh hưởng rất to lớn, ít nhất là ở Hà Lan và một phần ở Đức, từ trước khi ông qua đời năm 1677.

Có thể xem nghiên cứu này là đỉnh cao của các công trình trước đây của ông về triết học Khai Sáng cấp tiến?

George Eliot (1819-1880)

Tôi đã mong ước làm quyển sách này thành một công trình về ảnh hưởng sớm của Spinoza, cho đến cuối thế kỷ XVII. Đúng là ta không thể tách rời quyển sách này với loạt sách tôi đã viết về trào lưu triết học Khai Sáng, vì tôi cho rằng Spinoza là một trong những gương mặt quan trọng nhất và bền vững nhất thuộc trào lưu Khai Sáng phương Tây, trái với điều mà các nhà nghiên cứu chủ trương cho đến nay. Trong quá khứ, người ta có thói quen cho rằng Spinoza chỉ có rất ít ảnh hưởng đến thời đại của ông và phải đợi đến thời đại của Lessing, của Goethe và của Herber thì những tư tưởng của ông mới hồi sinh. Những nền văn hóa khác của châu Âu cũng đã bắt đầu quan tâm đến Spinoza từ cuối thế kỷ XVIII và nhất là vào thế kỷ XIX, ví dụ như khi George Eliot, mà một số người xem là nữ tiểu thuyết gia Anh lớn nhất của thế kỷ XIX, đã cố gắng dịch quyển Tractatus theologico-politicus. Bà cũng đã dịch toàn bộ quyển Éthique, đã không được xuất bản khi bà còn sống nhưng ngày nay càng ngày càng được đánh giá cao.

Như vậy, ảnh hưởng của Spinoza trở nên rất mạnh vào cuối thế kỷ của trào lưu Khai Sáng, cuối thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, trong loạt tác phẩm của tôi về trào lưu Khai Sáng, tôi đã cố gắng nêu ra sự hiện diện âm thầm và có ảnh hưởng của Spinoza ngay từ những năm 1670. Đi theo ông là cả một nhóm người rải rác khắp châu Âu. Lúc đầu, họ chủ yếu sống ở Amsterdam và các thành phố khác của Hà Lan, nhưng hiện tượng này lan rộng rất nhanh sau đó. Tôi khẳng định rằng điều đã bắt đầu như một dạng nhóm nghiên cứu tập trung vào con người của Spinoza đã tạo nên nhóm đầu tiên thực sự đề ra những nguyên lý của điều mà tôi cùng với các sử gia khác gọi là triết học Khai Sáng cấp tiến.

Tôi cho rằng Spinoza là một trong những gương mặt quan trọng nhất và bền vững nhất thuộc trào lưu Khai Sáng phương Tây, trái với điều mà các nhà nghiên cứu khẳng định cho đến nay.

JONATHAN I. ISRAEL

Trào lưu triết học Khai Sáng cấp tiến phản ánh một ý chí bác bỏ mọi uy quyền và mọi ảnh hưởng của tôn giáo và của Giáo hội. Trào lưu triết học này kết hợp nguyên tắc thế tục với một triết học chính trị và xã hội đặt mô hình cộng hòa và dân chủ như là hình thức tổ chức hoàn chỉnh nhất. Triết học này thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do và tự chủ cho cá nhân, không những cho tự do phát biểu, mà còn cho sự trưởng thành về trí tuệ và đạo đức trên nền tảng lý trí, theo những nguyên tắc của họ và một cách độc lập và có tính phê phán. Vì trào lưu triết học này bác bỏ đạo Cơ Đốc và vì nó chống chế độ quân chủ, tất nhiên là nó bị đàn áp mạnh bởi mọi loại nhà cầm quyền và bởi đa số công luận trong suốt thế kỷ XVIII. Nhưng dần dần, trào lưu này đã nhận được sự ủng hộ trí thức ngày càng quan trọng.

Ông sẽ định nghĩa trào lưu triết học Khai Sáng một cách tổng quát như thế nào? Và tại sao ông nhận định rằng cần phân biệt trong nội bộ họ trào lưu “cấp tiến” và trào lưu “ôn hòa”?

Trào lưu Khai Sáng có thể được xem như một phong trào khởi đầu từ cuối thế kỷ XVII nhằm đáp lại những bước tiến quan trọng về khoa học và triết học của thế kỷ này, đáng chú ý là những công trình của Copernic và nhận thức rằng Trái Đất quay quanh mặt trời chứ không phải ngược lại, cũng như đáp lại những công trình của Descartes là triết gia đầu tiên ủng hộ ý tưởng là tất cả các chức năng vật chất và vật lý, tất cả các hiện tượng tự nhiên đều tuân theo một tập hợp duy nhất các quy luật vật lý. Vậy là Descartes đã đi xa hơn Galilée khi cho rằng khoa học là một dạng giải thích thống nhất toàn bộ tự nhiên; không chỉ của hành tinh chúng ta mà của tự nhiên nói chung. Như vậy, một cách nào đó ông đã kết nối các thiên hà và Trái Đất của chúng ta. Những bước tiến về khoa học và triết học này đã làm nảy sinh một tình hình là nhiều ý tưởng truyền thống đã phải bị bác bỏ. Vậy tôi sẽ định nghĩa triết học Khai Sáng là một trào lưu nhằm định nghĩa lại và giải thích lại khoa học, cảm nhận chung của chúng ta về thực tại và cách mà xã hội tự định vị đối với tự nhiên về mặt lý trí và triết học duy lý.

Hai xu hướng trái ngược nhau đã phát triển trong nội bộ trào lưu triết học Khai Sáng. Phần lớn những người cố gắng định nghĩa lại và giải thích lại thực tại, tự nhiên và đời sống con người về mặt lý trí phải làm cho những giải thích và quan điểm triết lý của họ tương thích với những thế lực thống trị thời đó. Vậy là có một áp lực rất mạnh đòi hỏi những lý thuyết của họ về sự sống của con người và về xã hội, nâng cao hạnh phúc của con người, vốn là một trong những mối quan tâm chính của họ, phải hòa hợp với những quan điểm của nền quân chủ, vốn là hình thái chính trị thống lĩnh lúc đó. Louis XIV đã để lại một dấu ấn rất lớn đối với thế kỷ XVIII. Mô hình chính trị lớn của thế kỷ XVIII là chế độ quân chủ chuyên chế. Trên bình diện chính trị, phải dung hòa những ý tưởng “sáng suốt” với chế độ quân chủ độc tài chuyên chế. Và về mặt tôn giáo và trí thức, tất nhiên cũng có một áp lực rất mạnh. Bạn phải làm thế nào đó để các ý kiến của bạn có thể được chấp nhận và tương thích với hình thức của đạo Cơ Đốc đang thống lĩnh đất nước của bạn. Tại Pháp và Tây Ban Nha, Giáo hội Công giáo thống trị. Nhưng tại Hà Lan hay Scotland lại là Giáo hội Tin Lành Calvin. Tại nước Đức theo đạo Tin lành hay tại các nước vùng Bắc Âu lại là Giáo hội Luther. Do đó, dù là Giáo hội nào thống lĩnh trong đất nước của bạn về chính trị, thể chế và pháp lý, bạn sẽ phải làm cho các ý tưởng bạn trở nên “sáng suốt” tương thích với những ý tưởng của Giáo hội.

Không thể tránh được là trào lưu triết học Khai Sáng ôn hòa, ủng hộ nền quân chủ và Giáo hội là thống lĩnh và cũng như không thể tránh được là một thiểu số chống đối cấp tiến hơn phát triển chống lại trào lưu ôn hòa.

JONATHAN I. ISRAEL

Đó là một xu hướng không thể tránh khỏi. Nhưng chính xác vì nó là xu hướng thống lĩnh và mọi người không đồng ý với cách suy nghĩ này, thì một truyền thống triết học chống đối ngầm xuất hiện cũng là điều không tránh khỏi. Sự chống đối này bác bỏ chế độ quân chủ và uy quyền tôn giáo dù đó là Giáo hội Công giáo, Luther hay Calvin. Các nhà tư tưởng Do Thái cũng bác bỏ uy quyền của nhà thờ và giáo sĩ Đạo Do Thái. Không thể tránh được là trào lưu triết học Khai Sáng ôn hòa, ủng hộ nền quân chủ và Giáo hội là thống lĩnh và cũng như không thể tránh được là một thiểu số chống đối cấp tiến hơn phát triển chống lại trào lưu ôn hòa. Phản bác sự căng thẳng này trong nội bộ trào lưu Khai Sáng có vẻ khó, không chỉ vì điều đó không tương ứng với các sự kiện lịch sử mà còn là vì nó không logic. Bất kỳ ai suy nghĩ một cách logic đều quan niệm rằng vị thế thống lĩnh chỉ làm nảy sinh một sự chống đối. Như vậy, việc có triết học Khai Sáng cấp tiến trong lòng trào lưu triết học Khai Sáng nói chung không phải là điều ngẫu nhiên, đột xuất, đó là một điều hoàn toàn không thể tránh khỏi. Đã luôn luôn cần có một sự chống đối. Bởi vì không thể khác được. Tôi thấy các sử gia và triết gia phản đối nội dung này – và họ khá đông, Antoine Lilti là một trong những người nổi tiếng nhất – dường như đi ngược lại các sự kiện lịch sử và tính logic. Mặc dù quan điểm của trào lưu triết học Khai Sáng cấp tiến bị phản đối, tôi thấy không có một lời nào có tính thuyết phục trong số những lời phê phán được đưa ra.

Như vậy ông cho rằng sự phân biệt quan trọng nhất cần phân tích bên trong trào lưu triết học Khai Sáng là sự phân biệt giữa một cánh ôn hòa và một cánh cấp tiến. Những thể hiện của Khai Sáng theo từng nước (Scotland, Pháp, Anh...) sẽ là thứ yếu. Vậy có thể xem trào lưu triết học Khai Sáng là một phong trào thực sự toàn châu Âu?

Không phải chỉ là một phong trào toàn châu Âu. Đó là một phong trào xuyên Đại Tây Dương và toàn châu Mỹ. Rốt cuộc, trào lưu triết học Khai Sáng đã là một nhân tố rất mạnh trong cách mạng Mỹ. Những nhà lãnh đạo cách mạng Mỹ như Thomas Jefferson, John Adam hay Benjamin Franklin là những gương mặt quan trọng của triết học Khai Sáng phương Tây. Chúng ta cũng có xu hướng xem nhẹ ảnh hưởng của triết học Khai Sáng ở châu Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và vùng Caribe. Thế nhưng có rất nhiều nhà văn và nhà khoa học châu Mỹ La tinh đã góp phần vào phong trào triết học Khai Sáng vì đã có nhiều trao đổi, liên lạc. Những người Đức như Alexander von Humboldt đã trải qua nhiều thời gian ở châu Mỹ La tinh, có nhiều đồng nghiệp, bạn bè và phụ tá người Mỹ La tinh đã làm việc với ông. Không nghi ngờ gì nữa là phong trào triết học Khai Sáng đã là một sức mạnh to lớn ở châu Mỹ La tinh.

Không nghi ngờ gì nữa là phong trào triết học Khai Sáng đã là một sức mạnh to lớn ở châu Mỹ La tinh.

JONATHAN I. ISRAEL

Chúng ta hãy bàn về cuộc đời và tác phẩm của Spinoza. Có mối liên hệ nào với bán đảo Iberia quê hương của tổ tiên ông ấy?

Spinoza sinh ra ở Amsterdam. Liên quan đến cá nhân ông thì ông không có mối liên hệ trực tiếp với bán đảo Iberia, nhưng cha mẹ ông sinh ra ở Bồ Đào Nha, tại một thành phố nhỏ là Vidigueira, gần Évora. Họ đinh cư ở Hà Lan trong một giai đoạn về sau. Một điều rất quan trọng là ghi nhận có một mối liên hệ rất mạnh giữa sự hiện diện của Tòa án dị giáo tại bán đảo Iberia và cuộc đời của Spinoza. Nếu ta vạch lại phả hệ của gia đình Spinoza ở Vidigueira, ta thấy rằng một số khá lớn các thành viên của gia đình ông là nạn nhân của Tòa án dị giáo. Một số đã bị bỏ tù nhưng an toàn thân thể không bị đe dọa, nhưng những người khác đã bị hỏa thiêu ở nơi công cộng. Như vậy, trong gia đình của Spinoza có nhiều bằng chứng của những đau khổ sâu sắc do Tòa án dị giáo gây ra. Trong thời thơ ấu của mình, Spinoza hẳn đã học được rất nhiều về vấn đề này, hơn nữa từ nay chúng ta còn biết rằng nhà trường nơi ông theo học, các giáo sư và giáo sĩ Do Thái Giáo đã nói về những người bị kết tội hỏa thiêu ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và liên tục ấn vào đầu óc của trẻ con trong cộng đồng Do Thái Bồ Đào Nha ở Amsterdam tầm quan trọng của những thánh tử đạo Do Thái đã bị Tòa án dị giáo giết hoặc bỏ tù trong những giai đoạn rất dài.

Hơn nữa, khi Spinoza đã đi vào công trình triết học của mình, nhưng chưa cắt đứt liên hệ của mình với cộng đồng Do Thái xuất thân từ các nước ven Địa trung hải, điều này chỉ xảy ra vào mùa hè năm 1656, ông đã kết bạn với Juan De Prado vừa mới thoát khỏi Tòa án dị giáo Tây Ban Nha ngay trước khi Spinoza gặp ông vào năm 1655. Một số người bà con của Spinoza nắm giữ một số lớn thông tin về cách mà đời sống trí thức, triết học và các trường đại học Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nằm dưới sự khống chế của Tòa án dị giáo và của Giáo hội. Như vậy, có lẽ Spinoza đã có một sự hiểu biết sống động và chi tiết về cách mà Giáo hội và Tòa án dị giáo đàn áp đời sống trí thức nhiều hơn bất kỳ một nhà tư tưởng Bắc Âu nào ở thời đại của ông.

Trong gia đình của Spinoza có nhiều bằng chứng của những đau khổ sâu sắc do Tòa án dị giáo gây ra

JONATHAN I. ISRAEL

Nếu tôi không lầm thì Spinoza đã không bao giờ rời khỏi vùng United Provinces của Hà Lan (phần phía Bắc của Hà Lan ngày nay - ND). Mặt khác, ông đã nhiều lần thay đổi nơi ở trong vùng này. Giải thích thế nào về những di chuyển chỗ ở này?

Phần lớn các chuyên gia đều đồng ý cho rằng, và tôi nghĩ là chính xác, ông chưa bao giờ rời khỏi vùng này. Ông cũng không đi du lịch nhiều bên trong Hà Lan. Tuy nhiên chúng ta biết rằng ông đã có cuộc viếng thăm Utrecht vào năm 1673, đã trở nên nổi tiếng. Nhưng nhìn chung, ông chủ yếu sống ở Amsterdam và vùng phụ cận cho đến 30 tuổi. Duy nhất những chỗ khác mà ông đã sống sau đó là làng Rijnsburg, gần Leyde, và làng Voorburg, gần Den Haag. Cuối cùng, ông đã sống trong trung tâm Den Haag. Như vậy Spinoza đã sống ở bốn nơi khác nhau: Amsterdam, Rijinsburg, Voorburg và trung tâm Den Haag. Dường như lúc đầu ông chọn cư trú ở Rijinsburg, rồi Voorburg, vì Amsterdam quá lớn, quá ồn ào, nhộn nhịp đối với sở thích của ông. Spinoza liên tục bị xáo trộn và muốn sống ở một nơi yên tĩnh hơn. Vả lại, Amsterdam bị ô nhiễm nặng. Cho dù tôi nghĩ rằng sức khỏe của ông không đến nỗi tệ như đôi lúc các nhà nghiên cứu đã viết, sức khỏe của ông vẫn yếu ớt và ông lo lắng về điều này. Có một không khí trong lành hơn và một chất lượng cuộc sống tốt hơn trong những ngôi làng gần bờ biển là một trong những lý do khiến ông chọn sống bên ngoài các thành phố. Như vậy, một phần là do ông muốn ít bị làm phiền và muốn được yên tĩnh hơn, và một phần là do ông muốn có không khí trong lành hơn nên ông đã chọn sống ở nông thôn. Den Haag, dù là một thành phố khá quan trọng vào năm 1670 nhưng rất gần bờ biển. Không có những vùng xây cất dày đặc như trong các thành phố khác của Hà Lan. Den Haag là một thành phố có chất lượng cuộc sống tốt hơn phần lớn các thành phố khác của Hà Lan.

Còn có một lý do khác giải thích sự chọn lựa sống ở Rijinsburg của Spinoza là thành phố này có một quy chế pháp lý đặc biệt, cũng như trung tâm của Den Haag, cho phép Spinoza tránh được sự đàn áp hay sự can thiệp của các nhà thuyết giáo địa phương. Quy chế pháp lý của Rijinsburg và của Den Haag là khá phức tạp và không trực tiếp nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thành phố như phần lớn các thành phố khác của Hà Lan. Chính vì vậy ông có cơ may ít bị gây trở ngại bởi chính quyền thành phố mà ông có thể bị nếu ở những nơi khác.

Việc Spinoza đã sống ở Bắc Hà Lan (United Provinces) có ảnh hưởng đến sự phát triển và sự truyền bá tư tưởng của ông không?

Điều đó đã thực sự có ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành và truyền bá tư tưởng của ông. Vào lúc khởi đầu của đường vào trí thức của ông, tất cả bạn bè và những người đối thoại của ông ở Amsterdam đều thuộc về những giáo hội bên lề này, những giáo phái ly khai mà ta gọi là Quaker, họ không những bác bỏ những lý thuyết căn bản của thần học Cơ Đốc Giáo, mà còn không chấp nhận các quan niệm Ba Ngôi căn bản của thần học Cơ Đốc Giáo. Các giáo hội này cũng nhấn mạnh nhiều đến quyền của cá nhân được phát biểu những ý kiến bất đồng. Tôi nghĩ rằng đó là yếu tố quan trọng nhất; họ có ý chí muốn thảo luận, có một cuộc thảo luận cởi mở mà không chịu bất kỳ một hình thức đàn áp nào về mặt thần học.

Cuộc đời và triết học của Spinoza phản ánh thực tại của Amsterdam, vì đây là thành phố đa dạng về mặt văn hóa hơn bất kỳ một thành phố lớn nào khác của châu Âu.

JONATHAN I. ISRAEL

Trong ý nghĩa này cuộc đời và triết học của Spinoza phản ánh thực tại của Amsterdam, vì đây là thành phố đa dạng về mặt văn hóa hơn bất kỳ một thành phố lớn nào khác của châu Âu. Luân Đôn, Paris, Rome... không quan trọng dù đó là trong số những thành phố lớn nhất và quan trọng nhất về nhiều mặt, không có bất kỳ một thành phố lớn nào khác của châu Âu có thể cạnh tranh với Amsterdam vào thế kỷ XVII về sự đa dạng của các ý kiến về tôn giáo. Đó là một nhân tố chủ yếu. Và tôi nghĩ rằng đây là điều vô cùng căn bản để hiểu cuộc đời và triết học của Spinoza. Có rất nhiều địa phương ở Hà Lan vào thế kỷ XVII và nhiều thành phố nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn của giáo hội Calvin, nhưng Amsterdam thì không. Có những nơi khác, trong đó có Rijinsburg, ở đó có rất nhiều nhóm thảo luận, và đó là một trong những lý do khiến Spinoza đến đó. Trong một nghĩa nào đó, đã có hai nước Hà Lan khác nhau, từ góc nhìn tôn giáo và trí thức. Có một nước Hà Lan cơ bản theo giáo hội Calvin và một Hà Lan khác ở đó uy quyền của giáo hội tồn tại một cách yếu ớt hơn nhiều, không thể ngăn cản tất cả các nhóm đức tin này phát triển.

Tư tưởng Descartes chiếm vị trí nào trong sự phát triển tư tưởng của Spinoza?

Descartes là điểm khởi đầu triết học của Spinoza. Do đó, Descartes là nền tảng của sự phát triển tư tưởng của Spinoza. Trước khi Spinoza phát hiện ra Descartes, chúng ta không biết chính xác lúc nào, nhưng chắc là trong những năm trước khi ông bị trục xuất khỏi cộng đồng Do Thái ở Amsterdam, khi đó ông chủ yếu học tiếng hébreu và các văn bản của Cựu Ước. Ông thường không đồng ý với các quan điểm của các giáo sư của ông và các giáo sĩ Do Thái Giáo.

Ông chuyển qua triết học cơ bản vào một lúc nào đó trong những năm 1650, sau khi đã phát hiện ra Descartes, có lẽ bằng tiếng Hà Lan. Ở đây cũng thế, bối cảnh Hà Lan là quan trọng vì hai lý do. Thứ nhất, René Descartes đã có một ảnh hưởng văn hóa quan trọng đối với các đại học và việc giảng dạy triết học tại ở Hà Lan hơn bất kỳ một nước châu Âu nào khác, và lại là vào một giai đoạn rất sớm. Thật vậy, ảnh hưởng của Descartes tại Pháp trễ hơn tại Hà Lan. Descartes đã sống phần lớn những năm sáng tạo của ông ở Hà Lan. Báo chí cũng tự do hơn tại Hà Lan và việc dịch và xuất bản các tác phẩm của Descartes dễ dàng hơn nhiều. Lúc đó Hà Lan là nước duy nhất dễ tìm mua các sách của Descartes ngay từ những năm 1650. Tại Pháp điều đó khó hơn vào thời kỳ này. Như vậy không phải chỉ Descartes, mà là việc tác phẩm của ông được dịch và phát hành rộng rãi vào đầu những năm 1650 tại Hà Lan - một sự kiện lịch sử nổi bật tự bản chất của nó - giải thích tại sao Descartes lại trở thành điểm khởi đầu của Spinoza.

Có nhiều yếu tố trong cách lập luận và trong cách tiếp cận triết học của Descartes mà Spinoza đã tiếp nhận. Tuy nhiên, Spinoza đã tỏ ra rất phê phán đối với Descartes. Quyển sách đầu tiên ông xuất bản với chính tên ông là quyển sách về Principes de la philosophie de Descartes - Những nguyên lý triết học của Descartes -, được xuất bản năm 1663. Nếu bạn đọc quyển sách này một cách kỹ lưỡng, và đặc biệt là phần cuối, Cogitata metaphysica, bạn có thể thấy cùng lúc với việc ông giải thích Descartes, ông đặc biệt giải thích điều mà Descartes lẽ ra phải nói hơn là điều Descartes đã thực sự nói ra. Vậy là Spinoza phê phán Descartes đồng thời vay mượn ý tưởng của Descartes.

Đối với Spinoza, lý luận toán học, được định nghĩa như một phương thức hoạt động của tư tưởng khoa học, trở thành chìa khóa giúp mở khóa mọi khía cạnh của thực tại.

JONATHAN I. ISRAEL

Tất nhiên điểm quan trọng nhất là Spinoza bác bỏ thuyết nhị nguyên rất sớm. Đối với Descartes, có hai thực tại: một thực tại vật lý và một thực tại khác bao hàm linh hồn, tinh thần, sự hiện diện của thần linh, sự mặc khải của Thượng Đế, được điều hành với một tập hợp những quy tắc hoàn toàn khác. Và chính là các triết gia có nhiệm vụ xác định những lằn ranh giữa hai thực tại này, thực tại vật lý và thực tại tinh thần. Nhưng tất nhiên, những chi tiết và hình dạng chính xác của thực tại tinh thần là thuộc quyền của các nhà thần học và các giáo hội hơn là của các triết gia. Như vậy, theo Descartes, toàn bộ thực tại được phân ra làm hai lĩnh vực. Ngay từ đầu, Spinoza đã hoàn toàn bác bỏ thuyết nhị nguyên này. Đối với Spinoza, chỉ có duy nhất một thực tại, và duy nhất một tập hợp các quy tắc. Do đó, lý luận toán học, được định nghĩa như một phương thức hoạt động của tư tưởng khoa học, trở thành chìa khóa giúp mở khóa mọi khía cạnh của thực tại. Đối với Descartes, có giới tự nhiên và giới siêu nhiên. Với Spinoza, chỉ có tự nhiên, không có gì là siêu nhiên cả. Không thể có phép lạ. Siêu nhiên đã không bao giờ tồn tại, nay không tồn tại và sẽ không bao giờ tồn tại. Siêu nhiên chỉ là kết quả của sự tưởng tượng của con người.

Về phía Đức, những mối liên hệ của Spinoza với Leibniz là gì?

Gottfried Leibniz (1646-1716)

Leibniz là triết gia lớn duy nhất mà Spinoza đã gặp. Leibniz đến Hà Lan vào mùa thu năm 1676. Ông đã sống nhiều ngày ở Den Haag. Ông đã có những cuộc thảo luận dài và sâu với Spinoza. Vậy là họ biết nhau và nói chuyện triết học cùng nhau. Nhưng trước đó, Leibniz đã nghiên cứu tác phẩm của Spinoza, đặc biệt là Tractatus theologico-politicus xuất bản năm 1670. Leibniz đã biết đến văn bản này, chắc là từ năm 1671. Ông đã phát hiện ra Spinoza từ rất sớm và bị xáo trộn vì việc này. Leibniz triển khai một số lớn các ý tưởng đối chọi lại một cách có ý thức những ý tưởng của Spinoza. Tôi nghĩ đó là một nét cơ bản của tư tưởng của Leibniz, từ năm 1671 cho đến cuối đời.

Spinoza duy trì mối tương quan như thế nào với các ngôn ngữ? Ông nói những ngôn ngữ nào, đọc những ngôn ngữ nào, viết những ngôn ngữ nào?

Spinoza sử dụng tiếng La tinh khá chuẩn xác vào cuối những năm 1650. Có thể vì ông đã không học tiếng La tinh từ khi còn bé, vốn từ ngữ của ông không đa dạng như Descartes nhưng ông có khả năng diễn đạt các ý tưởng của mình rất chính xác và súc tích bằng tiếng La tinh. Tất cả các văn bản triết học và phần lớn các thư từ về học thuật của ông đều được viết bằng tiếng La tinh. Như vậy rõ ràng tiếng La tinh là ngôn ngữ quan trọng nhất của Spinoza. Chúng tôi có một danh sách hoàn chỉnh của thư viện cá nhân của ông vào lúc ông qua đời năm 1677 và phần lớn các sách của ông đều bằng tiếng La tinh. Như vậy ông đã đọc tiếng La tinh trong phần lớn cuộc đời của ông khi trưởng thành.

Ông nắm khá vững tiếng Pháp. Cha ông nói tiếng Pháp. Ông đã rời Bồ Đào Nha khi còn là một thiếu niên và đã sống nhiều nhất trong đời ở Nantes. Ông đã không bao giờ học tiếng Hà Lan một cách tử tế. Ông rất dở tiếng Hà Lan và phải nhờ giúp đỡ trong các hoạt động thương mại của ông. Một vài yếu tố cho thấy có lẽ Spinoza nắm khá vững tiếng Pháp vì ông đã nói chuyện với các sĩ quan Pháp. Đó là cảm tưởng của tôi. Đáng ngạc nhiên là hoàn toàn không có một quyển sách nào bằng tiếng Pháp trong thư viện của ông. Rất kỳ lạ, vì tiếng Pháp có một tầm quan trọng trong văn hóa châu Âu vào thế kỷ XVII.

Spinoza có khoảng hơn 20 quyển sách bằng tiếng hébreu. Trong những năm cuối đời, ông đã viết một sách văn phạm bằng tiếng hébreu. Sau khi bị khai trừ khỏi cộng đồng Do Thái, ông không hề rời bỏ mối quan tâm của ông đối với tiếng hébreu, văn phạm hébreu và nghiên cứu các văn bản bằng tiếng hébreu cổ. Tôi nghĩ rằng ông yêu thích tiếng hébreu và chắc là ông biết ngôn ngữ này khá tốt.

Sau khi bị khai trừ khỏi cộng đồng Do Thái, ông không hề rời bỏ mối quan tâm của ông đối với tiếng hébreu, văn phạm hébreu và nghiên cứu các văn bản bằng tiếng hébreu cổ.

JONATHAN I. ISRAEL

Khi Spinoza đọc văn học để thư giãn thì thường là bằng tiếng Tây Ban Nha. Trong các trường học của cộng đồng Do Thái gốc vùng Địa trung hải ở Tây Âu, bao gồm cả các trường ở Amsterdam, phần lớn các bài học và sách giáo khoa không được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha mà bằng tiếng Tây Ban Nha. Như vậy là ông đã học viết và học đọc tiếng Tây Ban Nha khi ông còn nhỏ. Và tôi nghĩ rằng tiếng Tây Ban Nha đã luôn luôn là ngôn ngữ ông yêu thích khi ông muốn giải trí. Đáng chú ý là có một bộ sách Cervantes trong thư viện của ông và những văn bản của Luis de Gongora và của các nhà văn Tây Ban Nha khác của thế kỷ XVII. Có ít sách văn học trong thư viện của ông, nhưng phần lớn loại sách này mà ta tìm thấy ở đó đều bằng tiếng Tây Ban Nha.

Duy nhất một ngôn ngữ khác mà ông cũng có đọc là những sách bằng tiếng Hà Lan, nhưng cũng có ít sách bằng tiếng Hà Lan trong thư viện của ông. Tất nhiên, Spinoza phải biết tiếng Hà Lan vì ông sống ở Hà Lan, nhưng chỉ là một loại ngôn ngữ thay thế khi ông không thể nói tiếng La tinh.

Tôi cho rằng bốn ngôn ngữ đã có vai trò trong đời của ông, thứ nhất là tiếng La tinh, thứ hai là tiếng hébreu, rồi đến tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hà Lan. Ông không biết tiếng Anh, ông biết tiếng Pháp nhưng ông không đọc gì bằng tiếng Pháp vì ông đọc tiếng Hà Lan. Đáng lẽ ông đã có thể học tiếng Đức dễ dàng nếu ông muốn, nhưng ông không hề quan tâm đến việc đọc ngôn ngữ này.

Theo ông, ta có thể xác định Spinoza là “cách mạng” ở điểm nào?

Spinoza là một người cách mạng trong một nghĩa nào đó, nhưng cần thận trọng khi đánh giá như vậy. Chắc chắn ông không phải là một người cách mạng cố gắng làm đám đông nổi dậy chống chính quyền; không phải là một người mong muốn hoạch định một cuộc nổi dậy của đám đông. Trong thực tế, Spinoza có một ý kiến rất tiêu cực về đám đông nói chung. Nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó có nghĩa là ông có ý kiến xấu về các tầng lớp bình dân. Khi nói về người dân, điều mà Spinoza chê bai chủ yếu là sự ngu dốt và thiếu hiểu biết của họ. Nhưng khi ông nói về sự “thô thiển”, ông không có ý nói về một tầng lớp xã hội hay một tầng lớp kinh tế. Ông không nói về những người nghèo. Với từ “thô thiển” chắc chắn ông nói về các giáo sĩ, phần lớn giới đại học, phần lớn giới quý tộc và phần lớn các ông vua. Họ thuộc về thành phần những người “thô thiển” vì theo suy nghĩ của Spinoza, họ không hiểu đúng các sự vật và họ rất ngu dốt. Nhưng với một người như Jarich Jelles bạn của ông, ông này không nói giỏi tiếng La tinh, không học đại học và không thuộc thành phần tinh hoa, lại làm cho Spinoza nể trọng vì ông có khả năng suy nghĩ có phê phán và độc lập và ông hiểu những gì Spinoza muốn nói. Vậy là ông này không thuộc thành phần những người thô thiển.

Spinoza nghĩ rằng cuộc sống của con người có tính áp bức một cách vô ích, mê tín và khốn khổ, rằng phần lớn nhân loại sống cuộc đời mình trong khốn khổ và rằng cải thiện thế giới là điều có thể.

JONATHAN I. ISRAEL

Spinoza nghĩ rằng cuộc sống của con người có tính áp bức một cách vô ích, mê tín và khốn khổ, rằng phần lớn nhân loại sống cuộc đời mình trong khốn khổ và rằng cải thiện thế giới là điều có thể. Vậy là có thể có một xã hội được tổ chức tốt hơn và hạnh phúc hơn. Để làm điều này, phải thay đổi tất cả, đặc biệt là thay đổi cách suy nghĩ của mỗi người, hay ít nhất là thay đổi những nguyên tắc chủ đạo do luật pháp và chính quyền đặt ra. Trong nghĩa đó, tôi có thể nói Spinoza thật sự là một người cách mạng. Để đạt đến một sự thay đổi cách mạng, ông dự định phổ biến những ý tưởng của ông thông qua một nhóm bí mật mà ông đã xây dựng chung quanh ông và đã mở rộng từ năm 1660. Nhóm này bắt đầu lan rộng đến các thành phố khác của Hà Lan vào khoảng năm 1670 rồi đến các nước khác của châu Âu khoảng năm 1690. Spinoza nghĩ rằng bằng cách phổ biến các ý tưởng của nhóm và gây ảnh hưởng đối với các giáo sư đại học, luật sư, quan tòa, các nhà quản lý, những công dân hàng đầu trong chính quyền thành phố và trong chính phủ cộng hòa, thì có khả năng thay đổi dần cách suy nghĩ của giới tinh hoa trí thức. Và nếu ta thành công trong việc biến đổi tư tưởng của giới tinh hoa trí thức, sẽ có một lúc chính những nguyên tắc cơ bản của của chính quyền và của luật pháp sẽ được sửa đổi. Và như vậy toàn bộ xã hội sẽ trở nên tự do hơn và hạnh phúc hơn.

Spinoza không nghĩ rằng sẽ có một lúc con người sẽ hiểu những nguyên tắc tốt là gì. Nhưng nếu những nguyên tắc tốt được đưa vào luật pháp, lúc đó những người dân thường sẽ bị buộc phải tự do, nói theo cách diễn đạt tiêu biểu của Spinoza. Tất nhiên, sẽ có nhiều người tự hỏi: làm sao ta có thể buộc một ai đó tự do? Nhưng theo Spinoza, bạn sẽ tự do hơn nếu bạn sống trong chế độ của một nền Cộng hòa dân chủ, nó cho bạn quyền được đọc những gì bạn muốn đọc, nói những gì bạn muốn nói, diễn đạt những ý tưởng như bạn muốn, rằng nếu bạn nghĩ rằng điều quan trọng duy nhất là tôn giáo. Một người suy nghĩ như vậy là nô lệ vì trí óc của bạn hoàn toàn bị giam hãm bởi các điều mê tín và những ý tưởng sai lầm. Như vậy đó là một người nô lệ chứ không phải là một người tự do, nhưng họ sẽ được tự do hơn khi sống trong một nền Cộng hòa dân chủ ở đó họ có quyền phát biểu, điều mà họ không có dưới một dạng chính quyền khác.

Như vậy, mặc dù một số người cuồng tín và rất mê tín, bị buộc phải tự do trong nền Cộng hòa dân chủ, điều đó có nghĩa là họ phải bị bắt buộc tôn trọng các quyền của những người khác, dù họ hiểu hay không, và trong nhiều trường hợp họ sẽ không hiểu rằng họ được tự do trong một nền Cộng hòa dân chủ hơn là trong một chế độ quân chủ, một nền cộng hòa quí tộc hay một chế độ thần quyền ở đó giới tinh hoa tự cho mình kiểm soát các luật pháp của xã hội. Trong nghĩa này, Spinoza là một người cách mạng. Ông đề nghị một kế hoạch để biến đổi tất cả các nền tảng của xã hội và sáng lập một xã hội tốt hơn và hạnh phúc hơn, và ông mở ra cho bạn, hay ít ra là chỉ cho bạn, một con đường để đi đến đó.

Tại sao ngày nay chúng ta còn cần đọc Spinoza? Ông còn có gì để dạy chúng ta không?

Tôi nghĩ rằng điều lý thú là từ khi có trào lưu triết học Khai sáng, vào thế kỷ XIX và XX – tôi đã đề cập đến George Eliot, nhưng ta có thể nêu những ví dụ khác - những đầu óc sáng tạo nhất và quan trọng nhất của thời đại chúng ta đã thấy Spinoza gợi cảm hứng, sáng suốt, như một bạn đồng hành trong đọc sách, hơn bất kỳ một triết gia nào khác vào lúc đầu của thời cận đại hay của thế kỷ XIX.

Einstein đã nói rất đúng rằng Spinoza đã có một ảnh hưởng quan trọng đối với cuộc đời ông và đã đào luyện tư tưởng của chính ông. Tôi nghĩ điều đó là đúng vì ông thường đề cập đến Spinoza trong những bài viết và diễn ngôn của ông. Freud vốn nổi tiếng với ý kiến không mấy hay của ông về triết học và các triết gia nói chung, mặc dù vậy đã tuyên bố: “Tôi không thấy gì quan trọng về các triết gia và triết học, nhưng có một ngoại lệ mà tôi luôn luôn rất kính trọng: Spinoza”. Bạn thấy đó nhiều đầu óc lớn đã thấy Spinoza sắc sảo hơn các nhà tư tưởng khác. Và tôi nghĩ đó là điều chúng ta cần lưu giữ trong đầu. Spinoza đã tham gia vào thế giới và nền văn hóa của chúng ta.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn : “Les Lumières radicales de Spinoza, une conversation avec Jonathan Israel”, Le grand continent, 3.9.2023.




Chú thích:

[*] Florian Louis là thạc sĩ Sử học, tiến sĩ tại trường École des Hautes Études en sciences sociales (EHESS). Ông giảng dạy sử các lớp dự bị tại các trường đại học trọng điểm (grandes écoles)

Print Friendly and PDF