25.1.24

Antoine de Montchrestien và Richard Cantillon: Những lưỡi dao sắc lẻm ...

ANTOINE DE MONTCHRESTIEN VÀ RICHARD CANTILLON: NHỮNG LƯỠI DAO SẮC LẺM ...

Cantillon cho rằng Thượng Đế không hề trao quyền sở hữu đất đai cho người này thay vì cho người kia: “Các danh hiệu lâu đời nhất đều dựa trên bạo lực và chinh phục”. Ở đây người ta tưởng chừng đã đọc được thuyết của Marx. ẢNH: Titwane

Gilles Dostaler

[Các bộ đôi trong kinh tế học] Người đầu tiên là người xứ Normand và được coi là người phát minh ra thuật ngữ “kinh tế học chính trị”. Người thứ hai sinh ra ở Ireland nhưng sau này trở thành người Pháp. Điểm chung của họ có phần hơi đặc biệt: cả hai đều chết bằng đao kiếm, trước khi cả hai bị đều thiêu đốt!

1/ Antoine de Montchrestien: “Tiền bạc là động lực của chiến tranh”

Cuộc đời của Antoine de Montchrestien[1] sóng gió như những vở bi kịch ông đã viết, mang dấu ấn bạo lực và tội ác, như ông đã viết. Mồ côi từ lúc nhỏ, ông suýt chết trong một cuộc đấu kiếm tay đôi ở tuổi 20, trước khi làm giàu bằng cách truy tố kẻ tấn công mình ra tòa. Bị đe dọa treo cổ sau khi giết chết con trai của Sieur de Grichy-Moinnes trong một cuộc đấu kiếm tay đôi khác, ông phải sống lưu vong khỏi nước Pháp trong 5 năm, khi đơn xin ân xá được viết thành thơ bị vua Henri IV bác bỏ. Cuối cùng ông đã được ân xá nhờ sự can thiệp của nhà vua nước Anh, James I, khi ông trình diễn vở kịch, L’écossaise [Người phụ nữ Scotland] của mình. Nhà vua là con trai của Marie Stuart, nhân vật nữ chính trong vở bi kịch của ông.

Là một tín đồ của giới tòa án, ông đã giúp một phụ nữ truy tố chồng bà, “một quý ông giàu có, nhưng ngu xuẩn về mặt thể xác và tinh thần”. Ông trở thành chồng bà ấy, sau khi người chồng trước của bà qua đời, và do đó tài sản thừa hưởng được đã cho phép ông từ một nhà soạn kịch trở thành một doanh nhân và thương nhân.

Ông kết thúc sự nghiệp mình với tư cách là một chỉ huy quân đội. Một cuộc họp của những người Huguenot [người theo đạo Tin lành phái Calvin - ND] được tổ chức tại La Rochelle vào năm 1621 đánh dấu sự khởi đầu một cuộc chiến tôn giáo mới, sẽ kết thúc vào năm 1626. Người ta không biết liệu Montchrestien có theo đạo Tin lành từ nhỏ hay không hay ông mới theo đạo vào thời điểm đó của phong trào Cải cách [tôn giáo], nhưng chỉ biết ông đã tham gia chiến đấu rất nhiệt tâm. Ông được phong hàm đại úy và dẫn quân đi đánh trận, một cách nhiệt tình và dũng cảm, nhưng không thành công.

Cùng với một vài người khác, ông rút về nguyên quán ở Normandy, dùng bữa tối tại một quán trọ ở Toureilles, gần Falaise, thành phố nơi ông sinh ra. Bị chủ trọ phản bội, lính của phe Tin lành đã bị tấn công bởi lính của phe Công giáo do Claude Turgot, ông tổ của nhà kinh tế học nổi tiếng cùng tên, chỉ huy. Montchrestien chết trong khi chiến đấu. Ông đã bị truy án [sau khi chết] tội khi quân. Xác của ông bị kéo lê trên một phên mắt cáo và bị thiêu đốt[2].

Là một nhà văn, Montchrestien là người của thời kỳ Phục hưng. Ông lấy cảm hứng từ văn hào Sénèque và chủ nghĩa khắc kỷ, và báo trước nghệ thuật kịch cổ điển vĩ đại của Corneille và Racine. Là một nhà kinh tế học, ông theo trào lưu tư tưởng trọng thương, và còn báo trước một số chủ đề của tư tưởng cổ điển sắp tới.

Ông là tác giả của một cuốn sách duy nhất, Traité de l’économie politique [Chuyên luận về kinh tế học chính trị], được viết một cách thanh lịch giống như các vở bi kịch của ông. Ông là nhà văn đầu tiên sử dụng cụm từ “kinh tế học chính trị” trong tựa sách của mình, được áp dụng cho đến cuối thế kỷ XIX, để chỉ một ngành học mà sau này người ta gọi là “kinh tế học”, tiếng Anh là “economics”, và tiếng Pháp là “science économique”. Tuy nhiên, Montchrestien không phải là người sáng tạo ra thuật ngữ nói trên, nó đã xuất hiện lần đầu trong một tác phẩm của Louis Turquet de Mayenne, La monarchie aristodémocratique [Thể chế quân chủ quý tộc dân chủ], được viết vào đầu những năm 1590 và được xuất bản vào năm 1611.

Ca ngợi thương nhân và lợi nhuận

Là người tôn kính Aristote, Montchrestien đã vay mượn ý tưởng của Aristote cho rằng con người là một động vật xã hội. Nhưng ông lại tách xa phần lớn các chủ đề khác của Aristote, đặc biệt về vị trí của kinh tế đối với chính trị.

Đối với nhà triết học Hy Lạp, kinh tế, một hoạt động mà mục đích cuối cùng chủ yếu mang tính gia đình, là đối tượng phụ thuộc vào chính trị. Ngược lại, Montchrestien cho rằng hai chiều kích nói trên trong hoạt động con người, về thực chất, liên kết với nhau và bình đẳng với nhau. Kinh tế là chính trị, từ đó có tựa đề mà ông đặt tên cho cuốn sách của mình: “Khoa học nhằm có được của cải (...), một khoa học chung cho các thể chế cộng hòa cũng như gia đình” (ấn bản năm 1889, trang 31).

Ông trách Aristote và các triết gia Hy Lạp đã ưu tiên cho sự suy ngẫm, đối lập với hành động. Ngược lại, điều quan trọng đối với các thần dân của một vương quốc là phải năng động, không có bất kì bộ phận nào của Nhà nước được nhàn rỗi: “Con người được sinh ra để tập luyện và lao động liên tục” (trang 21). Sự nhàn rỗi là một nguy cơ cho sự ổn định xã hội: “Nhàn vi cư bất thiện” (trang 65).

Lao động là cội nguồn của của cải, và của cải là cội nguồn của hạnh phúc con người. Là người báo trước Adam Smith, Montchestrien nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phân công lao động, nguồn gốc của sự tăng trưởng năng suất. Để minh họa sự phân công lao động này, ông đặt song song cái mà ông gọi là cơ quan Nhà nước và cơ thể con người. Với gan và máu nuôi dưỡng cơ thể, ông so sánh người nông dân và người làm ruộng. Với trái tim, cội nguồn của thân nhiệt tự nhiên, tương ứng nghệ nhân và thợ thủ công. Với não bộ, nơi điều khiển toàn thân, tương ứng là thương nhân.

Thương nhân là nhân vật chính trong nền kinh tế, theo cái nhìn của Montchrestien. Ông trách Aristote đã loại trừ thương nhân khỏi nền République [Nền cộng hòa] của ông ấy, nói thêm rằng ông đã buộc phải thừa nhận rằng thương nhân cũng cần thiết như người nông dân, người lính và các quan tòa.

Hàng hóa sản xuất ra để được tiêu dùng. Nhưng để tiêu dùng hàng hóa, phải thông qua bán hàng. Đây là lý do tại sao thương mại, đối với Montchrestien, là hoạt động kinh tế chính. Không có thương mại thì không có kinh tế: “Theo một cách nào đó, thương mại là mục tiêu chính của nhiều ngành nghề khác nhau, hầu hết con người làm việc cho người khác cũng chỉ theo phương cách này mà thôi” (trang 137).

Và động cơ của thương mại là lợi nhuận. Vì thế, nếu không có triển vọng về thu nhập, thì không có nền kinh tế nào là khả thi: “Chúng ta cũng phải thừa nhận tình yêu lợi nhuận và cuộc săn tìm lợi nhuận (...) bởi vì, nếu không có ham muốn và khao khát kiếm lời, điều khiến họ lao vào hoạt động kinh doanh mạo hiểm, thì họ sẽ mất đi quyết tâm dấn thân trước bao nhiêu phiền toái trên đất liền và bao nhiêu vụ đắm tàu ​​trên biển cả” (trang 137-138). Sự thịnh vượng của các thành phố thương mại của Ý hay Hà Lan phát sinh từ thực tế các thương nhân chiếm được vị trí hàng đầu về danh dự và danh tiếng ở các thành phố đó. Ngoài ra, lợi nhuận còn gắn với cạnh tranh, cùng với lợi ích cá nhân, là một động lực cần thiết để kích thích hoạt động kinh tế.

Tất nhiên, cũng có khả năng xảy ra những việc quá đáng, những thương nhân, bị lóa mắt và lầm lạc bởi sự lấp lánh của vàng, bị chi phối bởi ham muốn cá nhân hơn vì lợi ích của công chúng. Montchrestien lên án hàng xa xỉ quá mức, nhưng nói thêm rằng giàu có không nhất thiết là vô đạo đức. Người ta nói người trọng thương nhầm lẫn sự giàu có với kim loại quý. Đây không phải là trường hợp của Montchrestien, theo ông của cải của vương quốc nằm ở các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, và có được những thứ này là do người lao động làm ra: “Không phải việc có nhiều vàng và bạc, có nhiều ngọc trai châu báu và kim cương, làm cho các Nhà nước trở nên giàu có và dồi dào: mà chính là sự sắp xếp lại những thứ cần thiết cho cuộc sống và quần áo sạch sẽ.” (trang 241)

Nhà nước và chủ nghĩa bảo hộ

Chủ nghĩa trọng thương còn được đồng nhất với chủ nghĩa dân tộc kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ. Về điểm này, Montchrestien là một trong những người đại diện hùng hồn nhất của trường phái tư tưởng này. Ông phân biệt giữa thương mại “trong nước” với thương mại “ngoài nước”. Cả hai hình thức thương mại này đều cần thiết cả, nhưng cách thức hoạt động và mục đích cuối cùng lại hoàn toàn khác nhau. Thương mại trong nước diễn ra giữa các cá nhân với nhau và không dẫn đến việc chuyển nhượng của cải, gây tổn thất cho công chúng. Thương mại ngoài nước diễn ra giữa các Nhà nước với nhau, rủi ro nhiều hơn và không phải là trò chơi có tổng bằng không: “Người thua bao giờ cũng mất phần mà người thắng có được” (trang 161).

Montchrestien tin rằng chúng ta chỉ nên mua ở nước ngoài những gì không thể sản xuất được trong nước. Và phải tính đến việc bán ra nhiều hơn những gì mua vào. Để tiến hành công việc ngoại thương, thì cũng cần phải tính đến việc tận dụng của cải trong nước, ví dụ như tàu thuyền. Ông dành một phần quan trọng trong cuốn sách của ông để trình bày tất cả các biện pháp bảo hộ có thể tưởng tượng được và các lập luận để biện minh cho các biện pháp đó.

Vàng và bạc, thu được bằng cách bán ra nhiều hơn là mua vào từ nước ngoài, là những thứ rất hữu ích, đặc biệt để đảm bảo quyền lực của vương quốc. Chiến tranh, tức là việc theo đuổi cuộc cạnh tranh thương mại bằng vũ trang, phải được tiến hành bởi những đội quân được huấn luyện tốt. Phải trả lương cho binh lính và trả tiền cho các trang thiết bị quân sự. Đây là lý do tại sao – một lần nữa Montchrestien đề xuất một sự đổi mới về mặt ngữ nghĩa - “tiền bạc là động lực của chiến tranh (...). Vàng luôn được biết đến là cứng hơn sắt rất nhiều lần” (trang 141). Chiến tranh, bên cạnh lao động, là một phương cách để làm cho người dân bận rộn và đảm bảo hòa bình trong nước. Chiến tranh cũng là một phương cách để chiếm hữu thuộc địa, mà nếu không làm thế thì sẽ rơi vào tay các đối thủ của Pháp.

Cuốn sách của Montchrestien được viết dưới hình thức một bức thư gửi đến nhà vua để giải thích cách thức nước Pháp làm giàu và ổn định trật tự xã hội. Là người ủng hộ chế độ quân chủ tuyệt đối, Montchrestien xem quân vương như một người cha trong gia đình, chịu trách nhiệm đảm bảo sức khỏe của cơ thể xã hội, một sức khỏe gắn liền với sự cân bằng và hài hòa giữa nhiều thành phần xã hội khác nhau.

Quyền lực của Nhà nước gắn liền với sự giàu có, và sự giàu có này phụ thuộc vào sự giàu có của các thần dân, đặc biệt là các thương nhân. Logic tương tự này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Charles Wilson dưới thời Tổng thống Eisenhower thẳng thừng đưa ra vào năm 1952: “Điều gì tốt cho đất nước đều tốt cho [tập đoàn] General Motors, và điều gì tốt cho GM đều tốt cho Hoa Kỳ.”

Giống như hầu hết các tác giả theo chủ nghĩa trọng thương, Montchrestien cũng cho rằng bản thân Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các thần dân trở nên giàu có. Chủ nghĩa trọng thương mang tính can thiệp. Cho nên, Nhà nước phải điều tiết các ngành nghề, đảm bảo sao cho mọi người đều có việc làm và thiết lập các chính sách bảo hộ.

2/ Richard Cantillon và “giá trị nội tại của sự vật”

Friedrich List (1789-1846)
Rosa Luxemburg (1871-1919)

Nền kinh tế cũng có những đứa con bị nguyền rủa. Rosa Luxemburg thì bị xử tử, Friedrich List thì tự sát. Ban đầu, người ta tin rằng những ngọn nến còn cháy dỡ đã thiêu rụi căn nhà ở London của nhà tài phiệt giàu có người Pháp gốc Ireland Richard Cantillon, cho tới khi phát hiện thi thể ông bị đâm. Các gia nhân bị nghi ngờ đã ngụy tạo một vụ giết người tàn ác như một vụ hỏa hoạn, nhưng cuối cùng đều được tha bổng. Josef Denier, người đầu bếp của Cantillon từ mười một năm nay, đã bị cho nghỉ việc một tuần trước khi xảy ra vụ giết người. Ông thận trọng đi lưu vong ở Hà Lan. Người ta không biết chính xác tuổi của Cantillon vào thời điểm xảy ra sự kiện đáng buồn nói trên. Tuổi của ông dao động từ 37 đến 54 tuổi.

François Quesnay (1694-1774)

Người ta cũng sẽ không bao giờ biết được những tác phẩm nào đã bị thiêu rụi cùng tác giả. Điều may mắn là một trong số các tác phẩm đó, một trong những kiệt tác của lịch sử kinh tế học chính trị, cuốn Essay de la nature du commerce en général [Tiểu luận về bản chất của thương mại nói chung], đã thoát khỏi ngọn lửa, có lẽ do đã được cất kỹ trước đó. Hầu tước de Mirabeau, cấp phó của François Quesnay, lãnh đạo của những người theo chủ nghĩa trọng nông, khoe rằng đã nắm giữ cuốn sách trên trong mười sáu năm. Rõ ràng de Mirabeau đã lấy phần lớn cảm hứng từ cuốn sách trên khi biên soạn cuốn L'ami des hommes [Người bạn của con người]. Quesnay và chủ nghĩa trọng nông nợ Cantillon rất nhiều, mặc dù trong thực tế về mặt chính trị, ông gần với chủ nghĩa trọng thương nhiều hơn.

William S. Jevons (1835-1882)

Số phận tương lai của tác phẩm cũng lạ lùng như số phận của tác giả nó. Khoảng hai mươi năm sau khi tác giả qua đời, người ta đã xuất bản tác phẩm của ông, mà bản thân ấn bản đó cũng không phải không có điều bí ẩn (nhà xuất bản được đề cập trên trang bìa không hề tồn tại, và tác phẩm có vẻ như không được dịch từ tiếng Anh, như được ghi trong ấn bản đó), cuốn Tiểu luận của Cantillon hoàn toàn bị lãng quên trong hơn một thế kỷ, trước khi được William Stanley Jevons khai quật lên và phục hồi vào năm 1881. Jevons coi Cantillon như là nhà kinh tế học đầu tiên. Còn Joseph Spengler coi Cantillon như là người báo trước kinh tế học cổ điển lẫn kinh tế học tân cổ điển.

John Law (1671-1729)

Giống như cái chết của ông và số phận cuốn sách của ông, cuộc đời của Richard Cantillon, mặc dù ít được biết đến, đã trải qua rất nhiều sóng gió. Là người theo chủ nghĩa thế giới, nếu không muốn nói là người vô tổ quốc, ông sở hữu nhà cửa ở bảy địa điểm khác nhau. Ông là người làm ra tiền, là một chủ ngân hàng và là một nhà đầu cơ khôn khéo, trên thị trường chứng khoán cũng như trên thị trường ngoại hối. Mặc dù không đồng tình với các ý tưởng của John Law, ông đã có một thời gian tham gia hoạt động kinh doanh với John Law, đặc biệt ở Louisiana. Rất nhanh, ông đã tiên đoán một sự sụp đổ thảm khốc. Ông làm giàu thành công cùng với sự trỗi dậy cũng như sụp đổ trong hệ thống của Law. Bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho sự phá sản trên và làm giàu bất chính, ông phải chịu đựng, cho đến cuối đời, nhiều vụ kiện tụng mà lúc nào ông cũng thắng. Giống như David Ricardo, Joseph SchumpeterJohn Maynard Keynes, ông chính là người coi trọng đồng tiền và suy nghĩ về tiền bạc.

Giá trị nội tại và giá cả thị trường

Trong khi các bài viết của những người theo chủ nghĩa trọng thương là những tác phẩm hợp tình huống, nhắm đến việc thuyết phục độc giả, thường là giới lãnh đạo chính trị, về tính chính đáng của các chính sách, thường mang tính bảo hộ, thì cuốn Tiểu luận của Cantillon là một trong những chuyên luận đầu tiên về kinh tế học chính trị, nếu không muốn nói là chuyên luận đầu tiên, được xây dựng dưới hình thức một lập luận trừu tượng.

Tác phẩm được chia thành ba phần: phần thứ nhất chủ yếu đề cập đến của cải, phần thứ hai nói về giá cả và tiền bạc, phần thứ ba về ngoại thương và tỷ giá hối đoái. Tác phẩm mở đầu bằng một câu nổi tiếng: “Trái đất là cội nguồn hay là chất liệu để từ đó con người tạo ra của cải; lao động của con người là hình thức tạo ra của cải; và bản thân của cải không gì khác ngoài thực phẩm, tiện nghi và thú vui của cuộc sống.” (Tiểu luận, NXB Ined, trang 1).

Bước tiếp theo là tự hỏi điều gì xác định giá trị nội tại của những thứ cấu thành chất liệu của của cải và được trao đổi. Có hai yếu tố được xem xét là: đất đai và lao động. “Giá cả, hay giá trị nội tại của một vật, là thước đo đất đai và lao động góp phần vào việc sản xuất vật đó” (trang 17). Giá trị nội tại phụ thuộc vào sản phẩm của đất đai cũng như vào chất lượng của lao động.

William Petty (1623-1687)

Ở đây Cantillon viện dẫn các công trình của hiệp sĩ Petty, một điều vào thời bấy giờ chưa trở thành thói quen. Để tự trang bị cho mình một thước đo giá trị duy nhất, William Petty, vốn được Karl Marx xem là cha đẻ của lý thuyết giá trị lao động, đã quy đất đai về lao động. Ngược lại, Cantillon cho rằng cần quy lao động về đất đai, xem lao động của người nông dân hoặc của người làm ruộng có giá trị gấp đôi giá trị các sản phẩm của đất đai được sử dụng để bảo dưỡng người lao động.

Giá cả, hay giá trị nội tại, là một đại lượng không đổi, được xác định bởi các điều kiện sản xuất. Cantillon đối lập đại lượng này với giá cả thị trường, thứ “phụ thuộc vào tâm trạng và sự phóng túng của con người, và vào sức tiêu thụ” (sđd). Giá cả thị trường được thiết lập bởi cái mà Cantillon gọi là sự va chạm, có nghĩa là sự gặp gỡ của cung và cầu. Giá cả thị trường có thể cao hơn, bằng hoặc thấp hơn giá trị nội tại. Trong dài hạn, giá cả thị trường phải bằng với giá trị nội tại, có nghĩa là giá cả thị trường xoay quanh giá trị tự nhiên:

“Giá trị nội tại của sự vật không hề biến động; nhưng sự bất khả trong việc cân đối tỷ lệ giữa việc sản xuất hàng hóa và thực phẩm với sức tiêu dùng của người dân trong một quốc gia, gây ra sự biến động hàng ngày, và giá cả thị trường lên xuống một cách bất tận.” (trang 18).

Cantillon cho rằng người ta có thể tìm thấy mối quan hệ giữa tỷ lệ giá trị lao động với tỷ lệ sản phẩm từ đất đai, có tính đến việc Thượng Đế không hề trao quyền sở hữu đất đai cho người này thay vì cho người kia: “Các danh hiệu lâu đời nhất đều dựa trên bạo lực và chinh phục” (sđd). Ở đây người ta tưởng chừng đã đọc được thuyết của Marx. Mối quan hệ mà Cantillon đề cập đến là “lao động hàng ngày của người nô lệ thấp hèn tương ứng với giá trị gấp đôi của sản phẩm từ đất đai, giúp người nô lệ sinh tồn” (trang 20).

Chu trình kinh tế, thị trường và tiền tệ

Không tính hết được những đổi mới được giới thiệu trong cuốn sách nhỏ của Cantillon. Ngoài giá cả thị trường và cơ chế xung quanh giá trị nội tại, Richard Cantillon còn là người đầu tiên chỉ ra vai trò trung tâm của nhân vật người kinh doanh trong sự vận hành của nền kinh tế được coi là một chu trình, hai thế kỷ trước Schumpeter. Người kinh doanh là người mua các nhân tố của sản xuất và hàng hoá với một mức giá nhất định để bán lại với một mức giá không ổn định.

Đối với Cantillon, nền kinh tế là một quá trình tuần hoàn liên quan đến sự tương tác giữa thu nhập, chi tiêu và sản phẩm. Chi tiêu của một người hình thành nên thu nhập của người khác, theo một quá trình không khác gì lắm với quá trình mà Keynes đã làm sáng tỏ.

Sự lưu thông tiền tệ đóng vai trò thiết yếu trong quá trình này, và được Cantillon dành một phần quan trọng trong cuốn tiểu luận của ông, ông chăm chút xem xét các mối liên kết giữa lãnh vực tiền tệ và lãnh vực thực của nền kinh tế. Ông giới thiệu, một cách rõ hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm ông, ý tưởng về sự lưu thông tiền tệ và mô tả cơ chế của việc mở rộng tiền tệ. Ông cho rằng không có mối quan hệ tỷ lệ chặt chẽ giữa các biến đổi về cung tiền với các biến đổi về giá cả.

Gilles Dostaler (1946-2011)

Là người phê phán Law, vốn coi tiền tệ là nguyên nhân đầu tiên của sự giàu có, Cantillon rất hoài nghi về các khả năng quản lý nền kinh tế thông qua hoạt động tín dụng và thông qua một cơ quan cấp Bộ đầy quyền lực về quản lý thu nhập. Điều đó nói rằng, cả hai tác giả đều có thể được coi là những lý thuyết gia tiền tệ lớn vào thời của họ.

Ngoài kinh tế học, Cantillon còn là người báo trước dân số học, và chính tại Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Quốc gia, người ta đã tái bản tác phẩm hiện đại đầu tiên của ông vào năm 1952. Là người báo trước Thomas R. Malthus, ông viết rằng con người sẽ nhân bội giống như loài chuột trong một trang trại nếu người ta cho chúng các sinh kế không giới hạn.

GILLES DOSTALER

(1946-2011) giáo sư tại Đại học Quebec ở Montreal và cộng tác viên của tạp chí Alternatives Economiques

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Antoine de Montchrestien et Richard Cantillon: les fines lames…, Alternatives Economiques, ngày 21/07/2021.




Chú thích:

[1] Ban đầu ông có tên viết là “Mauchrestien”.

[2] Những thông tin có trước đây hoàn toàn không đáng tin, phần lớn xuất phát từ lời khai của những kẻ thù của Montchrestien, được công bố, trong số nhiều tài liệu khác, trên tạp chí Mercure français vào năm 1622 (tập 7, trang 814-817).

Print Friendly and PDF