31.1.24

Daron Acemoglu: nhà kinh tế học có cơ hội

DARON ACEMOGLU: NHÀ KINH TẾ HỌC CÓ CƠ HỘI

Người thắng giải Nhà tư tưởng hàng đầu thế giới, do các bạn bình chọn, giục chúng ta phải chủ động lèo lái phương hướng phát triển.

Tom Clark

Daron Acemoglu

Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu sâu rộng về công nghệ, “dân chủ, độc tài và luật lao động”, Daron Acemoglu – nhà kinh tế học người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ đa tài mà độc giả Prospect đã bầu chọn là nhà tư tưởng hàng đầu thế giới năm 2024 – đã sẵn sàng tóm tắt những điểm cốt lõi [trong các công trình của ông – ND]. “Kết luận tổng quát mà tôi đạt được,” ông ấy nói với tôi, “là chẳng có gì tự động xảy ra về sự thịnh vượng chung.”

Lời này có vẻ mang tính thận trọng hơn là nhằm gây choáng, và sẽ khiến những người chưa rõ chuyện phải vò đầu bứt tai khi thấy người đàn ông 56 tuổi nhã nhặn này được các nhà nghiên cứu trẻ đón tiếp như một ngôi sao điện ảnh: sự kiện của ông ở quỹ Resolution Foundation gần đây đã chứng kiến cảnh xếp hàng đợi chụp ảnh selfie đầu tiên trong lịch sử của think tank này. Và đó là chưa kể đến sự ngưỡng mộ mãnh liệt từ các đồng nghiệp. Nhà kinh tế thương mại nổi tiếng của Harvard, Dani Rodrik, chỉ nói rất đơn giản: “Tôi ngưỡng mộ Daron Acemoglu.”

Nhưng trong ba phương pháp sau, chương trình nghị sự của Acemoglu (cách ông nhìn nhận và đề xuất giải pháp cho các vấn đề kinh tế hiện tại) cho thấy nó mang tính phá hủy nhiều hơn vẻ bề ngoài. Đầu tiên và rõ ràng nhất, nó thách thức “sự lạc quan về công nghệ”. Không chỉ là hình thức “Utopian – lạc quan không tưởng” cực đoan vốn được xem là “đồng tiền của Thung lũng Silicon”, mà còn là niềm tin tổng quát hơn mà ông nói là “thống trị” xuyên suốt “xã hội ở Hoa Kỳ”. Cụ thể là, ý tưởng rằng bước tiến trong sự tài tình của con người sẽ – ngay cả đôi khi có những trở ngại dọc đường – sớm muộn gì cũng làm giàu cho tất cả chúng ta.

Việc từ chối tin vào ý tưởng trên là điều khiến Acemoglu trở thành một nhà tư tưởng đáng chú ý trong năm 2024, khi nhiều người thực sự lo lắng liệu việc AI bùng nổ sẽ có ý nghĩa ra sao đối với công việc và cuộc sống trong xã hội bất bình đẳng của chúng ta. Ông cảnh báo rằng mặc cho tất cả những tiềm năng tốt đẹp không thể nghi ngờ, “công nghệ thường bần cùng hóa một số nhóm nhất định”, một quan điểm nghiêm túc mà – với nụ cười khẽ – ông minh họa bằng “câu chuyện nửa đùa nửa thật thường được trích dẫn rằng nhà máy trong tương lai sẽ có hai nhân viên, một người đàn ông và một con chó. Người đàn ông có nhiệm vụ cho chó ăn, còn con chó ở đó để đảm bảo rằng người đàn ông không chạm vào thiết bị!”

Một nhà máy hoàn toàn tự động thì “tuyệt hảo cho năng suất”, nhưng chẳng có lý do gì mà những chủ nhà máy lại thuê thêm nhân viên, trả lương cao hơn hay nói cách khác là “chia sẻ những khoản tăng trưởng năng suất đó với người lao động”. 

John M. Keynes
(1883-1946)

Các nhà kinh tế học truyền thống hơn khẳng định rằng mọi thứ sẽ ổn thỏa trong dài hạn, bởi vì nguồn cung sản lượng dư thừa cuối cùng sẽ tạo ra nhu cầu về loại lao động khác – có lẽ đa số chúng ta có thể phát đạt nhờ được tái đào tạo để làm, chẳng hạn, nhà trị liệu, huấn luyện viên thể dục hoặc nhân viên mát xa cho các chủ nhà máy. Nhưng Acemoglu nhìn lại và nhận thấy những giai đoạn dài trong lịch sử khi mà những cơ hội mới chẳng bao giờ đến: ví dụ, trong suốt 80 năm đầu tiên của Cách mạng Công nghiệp ở Anh, các điều kiện sống của tầng lớp lao động đã đình trệ và một số khía cạnh thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta không thể ngồi yên và chờ đợi. Bởi vì về lâu dài, như Keynes đã nói, tất cả chúng ta đều chết. 

Điều cực kỳ mới mẻ thứ hai trong tư tưởng của Acemoglu là việc ông nhấn mạnh rằng chúng ta cùng hưởng nhiều lựa chọn để sắp xếp lại thế giới. Sau gần 50 năm với câu thần chú “Không có lựa chọn nào khác” (TINA=There is No Alternative - ND) của [bà cựu thủ tướng Anh – ND] Thatcher, một nhà kinh tế học đáng kính đã xuất hiện, người nhìn thấy vô số cơ hội để tác động không chỉ đến việc ai nhận được gì mà còn cả việc cái gì được sản xuất. Ông không chấp nhận loại chương trình nghị sự dựa trên những lý thuyết ngắn gọn trong sách giáo khoa của Đảng New Labour vốn giả vờ rằng chúng ta có thể “mặc cho thị trường tự xâu xé nhau, và sau đó… chỉ cần phân phối lại thu nhập”. “Tôi phản đối điều đó,” ông nói. “Hãy tưởng tượng một xã hội trong đó Mark Zuckerberg, Elon Musk và Sam Altman kiếm được mọi thứ, còn chúng ta phải dựa dẫm vào họ để xin những mảnh vụn.” Họ sẽ chẳng cho ta nhiều đâu và, căn bản hơn, chúng ta sẽ sống ở “một nơi rất kỳ cục và vô cùng chán nản”.

Vậy, chính xác thì giải pháp thay thế của Acemoglu là gì? Nó bắt đầu bằng việc gỡ rối các hình thức thay đổi kỹ thuật khác nhau: tự động hóa “thay thế lao động”, đưa ta tới viễn cảnh nhà máy một người và một con chó, và những thay đổi “tăng cường lao động” nhằm “tạo ra các nhiệm vụ và nhu cầu kỹ năng mới”, giúp người lao động trở nên quan trọng hơn. Quay lại cuộc Cách mạng Công nghiệp ở Anh, con cháu của những người công nhân bị thay thế bởi quá trình tự động hóa ban đầu đã bắt đầu được hưởng lợi khi nhu cầu về người làm thiết kế, vận hành và sửa chữa những máy móc ngày càng phức tạp hơn, cũng như (nhu cầu) bố trí nhân viên cho các văn phòng của những doanh nghiệp tối tân sở hữu chúng (số máy móc này – ND) vốn đang ngày một tăng.

Đề xuất cấp tiến nhất của Acemoglu là nhà nước nên chủ động “lèo lái” quá trình đổi mới để chúng ta nhận được sự tăng cường (công nghệ) có lợi cho người lao động tương đối nhiều hơn, và có lẽ tương đối ít giấy báo thôi việc hơn. Ông lưu ý bản chất "tiến hóa, tự nhiên" của quá trình phát minh sáng chế, và cảnh giác với những "chính sách công nghiệp quá khích", nơi những "quan chức trong bộ máy quan liêu" tự cho mình quyền chọn công nghệ nào chúng ta nên sử dụng. Tuy nhiên, ông cũng phản đối khuynh hướng "bó tay chịu trói" và nói ta không thể làm gì được – chính phủ và xã hội dân sự không thể vạch rõ từng chi tiết, nhưng có thể tạo một cú hích để sự tiến bộ đi đúng hướng. 

Sự tự tin của ông về quan điểm này xuất phát từ việc “những phát minh lớn của thế kỷ 20 đều mang dấu ấn của chính phủ”. Ông liệt kê “hàng không vũ trụ tốt hơn”, “cảm biến tốt hơn”, “kháng sinh tốt hơn” và “Internet” là những ví dụ khi Washington muốn đạt được tiến bộ, đã can thiệp và “làm được”. Gần đây hơn, các khoản trợ cấp xanh ở California và EU đã giúp thúc đẩy một cơn bùng nổ đổi mới, giúp giảm gấp 10 lần chi phí sản xuất điện sạch và giúp việc thay thế nhiên liệu hóa thạch trở nên khả thi. Nếu công nghệ có thể được hướng tới những mục đích như thế thì tương tự, sao không hướng nó tới những công việc tốt?

Một lựa chọn tập thể khác quen thuộc hơn – ít nhất là bên ngoài thế giới khô cằn của kinh tế học tân cổ điển – là “xây dựng các thể chế phù hợp”. Các công đoàn, quy định không vụ lợi và thậm chí cả bản thân nền dân chủ (điều mà các nhà kinh tế bảo thủ coi là phải được quản lý một cách thận trọng) đã giúp lan tỏa lợi ích từ sự tăng trưởng sau Cách mạng Công nghiệp và một lần nữa sau Thế chiến 2. Quá trình này gập ghềnh và gây tranh cãi, nhưng đã mang lại những tiến bộ to lớn – từ Đạo luật Nhà máy [Factory Acts] đến quyền bầu cử phổ thông, mức lương tối thiểu và các quyền khác tại nơi làm việc.

Karl Marx
(1818-1883)

Sau khi thách thức sự lạc quan hời hợt và mở ra các giải pháp kinh tế thay thế, cuộc cải tổ Acemoglu lớn thứ ba thuộc về phương pháp luận. Mặc dù hoàn toàn nắm vững các kiến thức chuyên môn – rốt cuộc, luận án tiến sĩ của ông là về vai trò của các hợp đồng như “các nền tảng vi mô của kinh tế vĩ mô” – công trình hoàn thiện về sau của ông chỉ trích mạnh mẽ (các nghiên cứu) kinh tế học suốt 80 năm qua, nơi mà mối bận tâm an nhàn là về các cơ chế thị trường tự cân bằng, và ông quay lại với các nhà kinh tế chính trị cổ điển, những người đã vật lộn với sự gián đoạn và thay đổi xã hội. Các bài viết gần đây của ông đề cập đến mọi thứ, từ nền văn minh Zapotec vào khoảng năm 500 trước Công nguyên cho đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Khi tôi hỏi về các anh hùng của ông, cái tên đầu tiên được nhắc đến là Marx: ông bác bỏ các lý thuyết của nhà tiên tri già về tiền lương và lợi nhuận, nhưng lại rất phấn khích trước sự phối hợp giữa “chính trị, kinh tế, cùng với xung đột nằm ở trung tâm”. Những cái tên khác bao gồm David Ricardo, Keynes và cả nhà lý thuyết tăng trưởng vĩ đại, Bob Solow, người vừa mới qua đời nhưng trước đó, trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu, từng (làm việc) ở "phòng bên cạnh" dọc hành lang MIT với một Acemoglu trẻ tuổi hơn.

Với việc mỗi vài năm lại cho ra đời một cuốn sách dày cộp, các bài phát biểu trên khắp thế giới và nghiên cứu mới trên các tạp chí hàng đầu mỗi tháng hoặc hai tháng một lần, câu hỏi cuối cùng mà tôi dành cho Acemoglu là làm cách nào ông ấy hoàn thành được mọi việc. Liệu có lời khuyên nào dành cho những người đang hy vọng tăng cường khả năng làm việc trí óc hằng ngày như phần lớn chúng ta không? "May mắn," điều đó "quan trọng và ít được nhắc đến... Hãy làm việc với đam mê," và trên hết, có "những cộng sự tuyệt vời". Thật là khiêm tốn đến khó hiểu, tới nỗi ngay cả các cộng sự của ông cũng không tin được. Đồng tác giả gần đây nhất của ông, Simon Johnson, là giám đốc nghiên cứu của IMF trong thời kỳ khủng hoảng tín dụng. Ông chia sẻ, so với sáu tháng phải theo kịp Acemoglu thì chuyện đó (làm việc tại IMF thời khủng hoảng) chẳng là gì.

Những Nhà tư tưởng Hàng đầu Thế giới được tài trợ bởi Higginson Strategy

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Daron Acemoglu: the opportunity economist, Prospect Magazine, Jan 24, 2024. Print Friendly and PDF