1.10.24

Giải Nobel kinh tế: hiểu bất bình đẳng giới trong việc làm

GIẢI NOBEL KINH TẾ: HIỂU BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG VIỆC LÀM

Tác giả:

Sara Signorelli, giảng viên tại CREST (Center for Research in Economics and Statistics), trường Đại học Bách Khoa Paris

Roland Rathelot, giáo sư kinh tế tại ENSAE (École nationale de la statistique et de l'administration économique de Paris)

Công bố ngày 9 tháng 9 năm 2024

Tóm tắt

·         Nhà khoa học nữ người Mỹ Claudia Goldin đã được trao giải Nobel về kinh tế năm 2023 cho những công trình nghiên cứu về vị trí của phụ nữ trên thị trường lao động và những phân tích của bà về bất bình đẳng về lương.

·         Bà đã chỉ ra rằng sự tham gia kinh tế của phụ nữ đã đi theo một lộ trình hình chữ “U”, chịu ảnh hưởng của những thay đổi quan trọng về mặt xã hội, chẳng hạn như viên thuốc ngừa thai.

·         Phương pháp làm việc của bà là đặc biệt mới mẻ vì bà dùng đến những dữ liệu lịch sử, bà phân tích thời gian dài và lập ra nhiều giả thuyết khác nhau.

·         Claudia Goldin mô tả một cuộc “cách mạng thầm lặng” vào đầu những năm 1970, đặc biệt được khởi động bởi việc ngừa thai, điều này đã giúp cho phụ nữ Mỹ lập kế hoạch và xây dựng sự nghiệp chuyên môn.

·         Mặc dù có nhiều tiến bộ, nhà kinh tế học này nhận thấy những bất bình đẳng về lương vẫn tồn tại dai dẵng, đặc biệt là vì những “việc làm chạy theo tiền” (emploi cupide) và hình thức việc làm linh hoạt.

Sara Signorelli
Claudia Goldin (1946-)

Claudia Goldin đã đặt trở lại vấn đề giới vào trọng tâm của khoa học kinh tế”, theo lời giải thích của ông Roland Raathelot, giáo sư kinh tế tại Viện Bách Khoa Paris. Trước Claudia Goldin, những phân tích kinh tế nói chung loại trừ phụ nữ, vốn bị ảnh hưởng bởi những lần nghỉ làm việc và bởi việc làm bán thời gian. Năm 1990, nhà kinh tế học người Mỹ này là phụ nữ đầu tiên được tuyển dụng vào khoa kinh tế của Đại học Harvard, nơi bà giảng dạy cho đến ngày nay. Như vậy, Claudia Goldin là một trong những nhà nghiên cứu nữ đầu tiên quan tâm cụ thể đến vai trò của phụ nữ trên thị trường lao động và những đặc điểm của việc làm của nữ giới. Vào tháng mười năm 2023, chính những công trình này đã đem lại cho bà giải Nobel về kinh tế. “Claudia Goldin là người đầu tiên khẳng định rằng việc làm của phụ nữ là xáo trộn lớn nhất trong cấu trúc của thị trường lao động trong thế kỷ XX”, Sara Signorelli, giảng viên kinh tế tại trường Đại học Bách khoa Paris nêu chi tiết như vậy.

Trái với điều mà ta có thể nghĩ, lộ trình việc làm của nữ giới không theo tuyến tính. Trong các xã hội nông nghiệp là chính, phụ nữ làm việc như nam giới, “để có lương hay một nguồn lợi”, Claudia Goldin nêu ra như vậy trong bài diễn văn nhận giải Nobel. Với cách mạng công nghiệp, những cơ hội việc làm bên ngoài nhà ở gia tăng, và vai trò của nam giới và nữ giới bị phân hoá. Nam giới làm việc ở bên ngoài, nữ giới lo việc gia đình. “Cuối cùng phụ nữ tăng cường vai trò của họ trong kinh tế thị trường và trong công việc được trả lương, khi thu nhập của họ tăng so với chi phí các sản phẩm gia dụng. Vai trò của phụ nữ trên thị trường lao động đã có xu hướng tạo thành hình chữ “U” theo dòng lịch sử”, Claudia Goldin nêu rõ.

Từ những tác nhân thụ động của thị trường lao động đến “cuộc cách mạng thầm lặng”

Như vậy nhà nghiên cứu đã cập nhật một một phương pháp mới để xem xét diễn biến của sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế Mỹ. Năm 1890, 19% phụ nữ làm việc và nói chung là họ ngưng làm việc khi lập gia đình. Từ những năm 1940, sự kỳ thị của xã hội về việc làm của phụ nữ đã giảm bớt. Việc làm của phụ nữ gia tăng dần, với công việc bán thời gian, và bãi bỏ các luật cấm phụ nữ đã kết hôn làm việc. Từ 1950 đến 1970, ngày càng có nhiều phụ nữ làm việc, kể cả những phụ nữ đã kết hôn. Nhưng phụ nữ vẫn là những tác nhân thụ động của thị trường lao động.

Phải đến cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, và điều mà Claudia Goldin gọi là “cuộc cách mạng thầm lặng”, phụ nữ mới thực sự năng động. “Cho đến gần đây, phần lớn phụ nữ, bao gồm cả những phụ nữ có bằng cấp, chiếm những vị trí ở các cấp thấp chứ không phải ở đỉnh cao. Họ có việc làm, chứ không có sự nghiệp. […] Trước khi có sự thay đổi này, những phụ nữ đạt đến đỉnh cao chỉ có một mình họ. Họ trở thành những biểu tượng, những minh chứng rằng phụ nữ có thể hoàn thành những việc lớn”, nhà nghiên cứu đã tóm tắt như vậy trước Uỷ ban Giải thưởng Nobel.

Kể từ những năm 1970 và 1980, phụ nữ đã đạt được một triển vọng, một “chân trời” trong sự nghiệp của mình. Điều này diễn ra chủ yếu thông qua đầu tư vào giáo dục. Nhà kinh tế học nêu ra một sự gia tăng quan trọng của những phụ nữ sinh trong những năm 1950 theo học đại học. “Họ theo học nhiều hơn các môn toán và khoa học để chuẩn bị vào đại học, càng ngày họ càng có những hoài bão đối với việc làm trong tương lai và họ đã đáp ứng bằng cách gia tăng số năm đi học và thay đổi môn học với những ngành hướng đến sự nghiệp nhiều hơn”, bà mô tả như vậy. Việc làm chuyên môn cũng trở thành một vấn đề căn tính và thừa nhận của xã hội hơn chỉ là một phương tiện tạo ra thu nhập bổ sung cho gia gia đình.

Sự đảo lộn của viên thuốc ngừa thai

Roland Rathelot

Ngoài việc nhận diện những cuộc cách mạng lớn này, một đóng góp quan trọng khác của Claudia Goldin là đã nêu ra những nguyên nhân của “cuộc cách mạng thầm lặng” này. Đối với nhà kinh tế học, một trong những tiến bộ quan trọng đã tạo ra những đảo lộn này là việc phổ biến thuốc ngừa thai ở Mỹ từ những năm 1960. “Khi viên thuốc ngừa thai đã có sẵn, phụ nữ nắm lấy cơ hội và giành lại quyền quyết định sự sinh sản của mình. Điều này giúp phụ nữ tự học nhiều hơn, quay trở lại với thị trường lao động, làm chủ lấy sự nghiệp của mình và tính toán thời điểm xây dựng gia đình”, theo Roland Rathelot. Phụ nữ kết hôn trễ hơn, tiếp cận được một nền giáo dục tốt hơn, làm những nghề trước đây được xem là của đàn ông. “Sự gia tăng của lao động nữ là một thay đổi tiến hoá dần, nhưng sự thay đổi hoài bão của phụ nữ, những triển vọng, ý thức về căn tính, khả năng mới kiểm soát tốt hơn số phận của họ, là những thay đổi mang tính cách mạng”, Claudia Goldin nêu ra như vậy.

Nhà kinh tế học người Mỹ này thuộc về thế hệ những nhà nghiên cứu về “cuộc cách mạng của sự khả tín”. Công trình của bà về viên thuốc ngừa thai tương ứng một cách chính xác với những phương pháp này. “Phương tiện ngừa thai đã dần dần được phổ biến tại Mỹ, cùng với tiến trình thay đổi luật pháp của các tiểu bang. Goldin dùng một thực tế là sự phổ biến này được thực hiện với nhịp độ khác nhau trong các tiểu bang khác nhau để suy ra tác động nhân quả của việc ngừa thai. Vấn đề là kết hợp những cách tiếp cận nhân quả và thực nghiệm, có việc quan tâm đến một mô hình được hình thức hoá”, Roland Rathelot nêu chi tiết như vậy.

Bức trần kính của những bất bình đẳng về lương

Từ năm 1950 đến 1980, việc làm của phụ nữ Mỹ gia tăng rất mạnh. Ngay từ năm 1980, chênh lệch giữa thu nhập của nam giới và của nữ giới bắt đầu giảm. Claudia Goldin quan sát “những thắng lợi ngoạn mục” cho phụ nữ trong những năm 1980 và 1990. Cho đến lúc đó, vị trí của phụ nữ trên thị trường lao động chỉ được cải thiện, về phương diện giáo dục, việc làm, giảm bất bình đẳng về lương. Tuy nhiên, nhà kinh tế học có nhận xét là kể từ thập kỷ vừa qua, những cải thiện đã chậm lại, thâm chí dừng hẳn. “Trong lịch sử gần đây, bà nhận thấy có một sự hội tụ về giáo dục, thu nhập, rồi đến một lúc, chênh lệch về lương không giảm nữa. Ta có thể gọi đó là bức trần kính”, Sara Signorelli nêu rõ. Ở châu Âu, lương của phụ nữ thấp hơn lương của nam giới 13%. Mặc dù, như Claudia Goldin nhắc lại rằng trong tất cả các nước của OCDE (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), nữ giới có bằng cấp cao hơn nam giới.

Trong toàn bộ phần này của nghiên cứu của bà, bà quan tâm đến những nghề nghiệp có trình độ cao, nghề của những phụ nữ có học. Tại sao họ vẫn không có thu nhập ngang với nam giới, mặc dù trình độ học vấn của họ cao hơn nam giới?”, Sara Signorelli tóm tắt như vậy. Claudia Goldin đưa ra nhiều yếu tố giải thích. Trong các thập kỷ vừa qua, thu nhập của phụ nữ có bằng cấp ở bậc đại học đã gia tăng ít hơn. Vả lại, thu nhập của họ giảm cùng với độ tuổi. Cuối cùng, những khác biệt giữa hai giới biến đổi rất nhiều tuỳ theo lĩnh vực việc làm.

Những “việc làm chạy theo tiền” và những hình thức việc làm linh hoạt

Đó là một trong những chìa khoá chính để hiểu những bất bình đẳng này, theo Claudia Goldin. Bà phân biệt hai loại việc làm. Những nghề “chạy theo tiền”, được thù lao rất cao, đòi hỏi nhiều thời gian và những ràng buộc liên tục ngoài giờ làm việc theo truyền thống. Sara Signorelli giải thích: “Khi có con, số phụ nữ chăm sóc sẽ nhiều hơn và do đó họ chọn những việc làm linh hoạt hơn, được trả lương ít hơn nhưng cũng ít bị đòi hỏi điều kiện hơn”. Theo Claudia Goldin, những bất bình đẳng về lương có thẻ giảm xuống bằng cách tổ chức lại các điều kiện lao động. Bà nêu ra trong diễn văn của mình năm 2023: “Cách đơn giản nhất là tạo ra các giải pháp thay thế hiệu quả giữa những người lao động, điều này đã được thực hiện trong nhiều ngành nghề khác nhau, nơi công nghệ thông tin được sử dụng để truyền đạt thông tin và chuyển giao khách hàng”.

Bằng cách quan tâm đến vị trí của phụ nữ trên thị trường lao động và đến những bất bình đẳng, Claudia Goldin đã góp phần phát triển lĩnh vực giới trong kinh tế học lao động. Nhờ đó, một nguồn tài liệu liên quan đã có thể ra đời dưới ảnh hưởng của bà. Theo Roland Rathelot, một trong những di sản quan trọng còn là phương pháp khoa học của bà. Ông đã bình luận như sau: “Claudia là một nhà lý thuyết lớn. Bà trở đi trở lại giữa thiết lập những giả thuyết về mô hình hoá, những mô hình lý thuyết được hình thức hoá, về hành vi của các tác nhân trên thị trường lao động và những kết quả thực nghiệm cung cấp hậu thuẫn cho các giả thuyết làm việc của bà”. Claudia Goldin quan sát thời gian dài, với việc sử dụng các dữ liệu và những trích dẫn lịch sử. Bà tập hợp các dấu hiệu, theo cách của một thám tử, để hiểu những xu hướng về kinh tế vĩ mô thoát ra từ đó. Hiểu được từ đâu ta đến cho phép nuôi dưỡng những suy ngẫm về việc làm của phụ nữ ngày nay.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Prix Nobel d’économie: comprendre les inégalités de genre face à l’emploi”, Polytechnique Insights, 9.9.2024

Print Friendly and PDF