15.4.15

David Ricardo, công kích chủ nghĩa bảo hộ



David Ricardo (1772-1823)

David Ricardo, công kích chủ nghĩa bảo hộ

Kiến trúc sư của lý thuyết định lượng tiền tệ, cha đẻ của lý thuyết giá trị lao động và lợi thế so sánh, David Ricardo là hiện thân các tinh hoa của kinh tế học chính trị cổ điển. 
Đắm mình trong thế giới kinh doanh và tiền bạc từ thời thiếu niên, là đại biểu Quốc hội năng động vào cuối đời, để lại một cơ nghiệp lớn sau cái chết của ông, David Ricardo là một trong những nhà tư tưởng thực tế nhất trong số các nhà kinh tế học hàng đầu. Tự học là chính, ông không theo lộ trình của một nhà trí thức và giảng viên đại học như Adam Smith hoặc những người bạn của ông như Malthus và Say. Ông viết sách với rất nhiều khó khăn. Nếu không có sự giúp đỡ và áp lực từ James Mill, có lẽ ông không bao giờ hoàn thành tác phẩm Các nguyên lí của kinh tế học chính trị và thuế khóa. Tuy nhiên, tác phẩm của Ricardo là một trong những tác phẩm mang tính trừu tượng và lý thuyết nhất. Ông là một trong những người đầu tiên vận dụng một cách chặt chẽ phương pháp giả định-suy diễn, một phương pháp sẽ thắng thế trong kinh tế học vào thế kỷ XX. Vả lại, Joseph Schumpeter đã gọi bằng “khuyết tật Ricardo" xu hướng rút ra những kết luận thực tiễn thường thái quá từ những giả định trừu tượng và phi thực tế. Nhưng trong suốt một sự nghiệp ngắn, hoạt động với cường độ cao và trải dài trên mười bốn năm, thì chính vì muốn giải quyết những vấn đề cụ thể mà Ricardo đã thiết kế các mô hình của ông và tiến hành những cuộc tranh cãi không bao giờ chấm dứt với các đồng nghiệp cùng thời.

Cuộc chiến vì vàng

Năm 1711, Isaac Newton, lúc đó là nhân viên của khách sạn Hôtel des Monnaies, xác định giá trị bằng vàng của đồng bảng Anh ở mức 3,17 bảng Anh 10,5 xu tương đương một ounce vàng. Bốn năm sau khi bắt đầu cuộc chiến giữa các nước châu Âu với nước Cộng hòa Pháp, đứng trước lạm phát và áp lực trên đồng bảng Anh, ngày 26/2/1797 chính phủ ban hành Đạo luật hạn chế hoạt động của ngân hàng, đình chỉ chuyển đổi tiền giấy, do Ngân hàng Anh Quốc phát hành, ra vàng. Biện pháp này và những hệ quả của nó gây ra một trong những cuộc tranh luận phong phú nhất trong lịch sử tiền tệ và sự can thiệp lần đầu tiên của Ricardo trong một cuộc tranh luận công khai năm 1809. Ông quy trách nhiệm của tình huống khó khăn nghiêm trọng lúc bấy giờ ở Anh cho việc phát hành quá mức giấy bạc của Ngân hàng và cho "quyền lực nguy hiểm dành cho ngân hàng trong việc làm giảm tùy thích giá trị tài sản của người có tiền" (Các bài viết về tiền tệ, xem mục "Để tìm hiểu thêm").
Vào tháng 2 năm 1810, một ủy ban được Hạ viện thành lập để điều tra các vấn đề về tiền tệ và tỷ giá hối đoái, có tên gọi là Bullion Committee (tạm dịch là Ủy ban Vàng nén). Vào tháng sáu, Ủy ban trình một báo cáo phần lớn chịu ảnh hưởng các luận đề của Ricardo, báo cáo đã làm sống lại các cuộc tranh luận hơn là làm xoa dịu vấn đề. Mãi cho đến năm 1821 mới thấy khôi phục lại khả năng chuyển đổi của đồng bảng Anh. Cho đến cuối đời mình, Ricardo tiếp tục bảo vệ quan điểm cho rằng tiền tệ được cảm nhận như là một công cụ trao đổi đơn thuần và giấy bạc ngân hàng như là một biên nhận cho đồng tiền kim loại. Như vậy, ông là một trong những kiến trúc sư của lý thuyết định lượng tiền tệ, mà sau này được Irving Fisher và Alfred Marshall, và gần đây hơn, Milton Friedman phát triển rộng ra. Năm 1844, Đạo luật Peel cho phép Ngân hàng Anh đặc quyền phát hành tiền giấy với điều kiện là đồng tiền được bảo đảm bằng vàng thỏi. Nó đánh dấu sự chiến thắng của Ricardo sau cái chết của ông.

Cuộc chiến lúa mì 

Cũng sau cái chết của ông mà những ý tưởng của Ricardo chiến thắng trong cuộc chiến thứ hai của ông, lần này thay mặt cho các nhà tư bản chống lại các địa chủ.
Từ thế kỷ XV, các quy định pháp luật về lúa mì áp đặt thuế nhập khẩu lúa mì nhằm bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp trong nước của Anh. Từ thế kỷ XVIII, ngày càng có nhiều chủ doanh nghiệp và nhà sản xuất công nghiệp yêu cầu bãi bỏ các quy định pháp luật bảo hộ ngăn cản việc nhập khẩu một lúa mì rẻ hơn có thể làm giảm tiền lương mà không làm lao động chết đói. Các quy định pháp luật đó, bằng địa tô mà chúng tạo ra, bảo vệ thu nhập của những địa chủ. Nắm đa số trong quốc hội, những địa chủ đó phản đối thành công việc bãi bỏ các quy định pháp luật này, cho đến tận năm 1846, thời điểm tượng trưng cho chiến thắng về trao đổi thương mại tự do mà Ricardo đã đấu tranh trong suốt cuộc đời ông. Trong một tiểu luận xuất bản năm 1815, có tựa đề Tiểu luận về ảnh hưởng của giá lúa mì thấp đối với lợi nhuận của tư bản, Ricardo đặt giả định về hiệu suất giảm dần trong lãnh vực sản xuất nông nghiệp lên hàng đầu trong một lý thuyết về địa tô mà các tác giả khác, chẳng hạn như Malthus, đang phát triển cùng lúc. Ông dựa trên thiết kế lí thuyết này để kết luận rằng việc tự do nhập khẩu lúa mì giá rẻ từ lục địa [châu Âu - ND], sẽ tác động có lợi đến lợi nhuận của đồng vốn, và do đó tác động có lợi đến tăng trưởng kinh tế.

Giá trị và phân phối 

Chính bằng cách phát triển và khái quát hóa phân tích trên mà Ricardo xây dựng một lý thuyết có thể được coi là tinh hoa của trường phái kinh tế học chính trị cổ điển. Lý thuyết đó xuất phát từ việc khẳng định rằng thời gian lao động là cơ sở của giá trị những hàng hóa có thể tái sản xuất được, bất luận đó là thời gian trực tiếp sử dụng trong sản xuất hay thời gian dành cho việc tạo ra các phương tiện sản xuất. Trên cơ sở đó, Ricardo xây dựng lý thuyết về phân phối, trong đó tập trung vào sự xung đột lợi ích giữa ba giai cấp chính hình thành nên xã hội: nhà tư bản, người lao động và địa chủ. Mức tiền lương tự nhiên được xác định bởi khối lượng thời gian cần thiết cho việc sản xuất các mặt hàng cơ bản, trong số đó đứng đầu là mặt hàng lúa mì, mức lợi nhuận của các nhà đầu tư tự động phát sinh từ giá cả của các sản phẩm đó: "Có bất cứ điều gì chứng minh rõ hơn cho thấy chắc chắn rằng lợi nhuận sẽ giảm sau khi tăng lương không?" (Các nguyên lý, Calmann-Lévy, trang 85, xem mục "Để tìm hiểu thêm").

Mối quan hệ giữa tiền lương và lợi nhuận đưa vấn đề xung đột lợi ích giữa người lao động và nhà tư bản vào vị trí trung tâm của hệ thống. Chính theo ý nghĩa đó mà người ta cho rằng Karl Marx là người thừa kế Ricardo. Nhưng bản thân Ricardo đặc biệt nhấn mạnh sự mâu thuẫn giữa các địa chủ và nhà tư bản. Lợi tức giảm dần trong sản xuất nông nghiệp có tác dụng vừa làm tăng tiền lương, tiếp sau việc tăng giá lúa mì, và vừa làm tăng địa tô của những người canh tác phải trả cho địa chủ. Hiện tượng này chắc chắn sẽ dẫn đến việc làm giảm tỷ suất lợi nhuận với hệ quả là làm chậm lại sự tăng trưởng, và cuối cùng dẫn đến một trạng thái dừng, cơn ác mộng của các nhà kinh tế học cổ điển. Có hai điều có thể làm chậm quá trình này. Đầu tiên là khả năng cải tiến năng suất nông nghiệp. Thứ hai là việc tự do nhập khẩu mặt hàng lúa mì từ nước ngoài.

Đối với lập luận ủng hộ tự do thương mại này, Ricardo bổ sung thêm lý thuyết nổi tiếng về lợi thế so sánh của ông, một trong những luận đề hiếm hoi còn tồn tại sau cuộc cách mạng cận biên. Trong chương bảy của cuốn Các nguyên lý, Ricardo giải thích rằng quyền lợi của mỗi quốc gia là nên tập trung nỗ lực vào việc sản xuất những hàng hóa mà họ có một lợi thế tương đối, và áp dụng điều đó trong tất cả các ngành công nghiệp ngay cả khi gặp phải bất lợi (hay có lợi) tuyệt đối so với đối thủ cạnh tranh của mình. Chương này là điểm khởi đầu của lý thuyết chính thống về thương mại quốc tế như được giảng dạy cho đến ngày nay.

Di sản của Ricardo 

Một thời gian ngắn sau khi ông chết, di sản của Ricardo được những tác giả như Mill, McCulloch, Nassau Senior và Quincey bảo vệ, bị những tác giả khác, chẳng hạn như Balley chỉ trích gay gắt. Sau này, Ricardo sẽ có đặc quyền chết đi và sống lại một vài lần nữa. Đối với Jevons, một trong ba tác giả của cuộc cách mạng cận biên, trên cơ sở của lý thuyết giá trị-lợi ích, sáng lập ra lý thuyết tân cổ điển và kinh tế học vi mô hiện đại, Ricardo là một người thông minh nhưng chìm đắm trong sai sót và là người đã định hướng nền kinh tế đi sai đường với ý tưởng giá trị-lao động. Cùng thời gian ấy, Marx thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối đối với “nhà kinh tế học tư sản" này, người mà tính trung thực khoa học được ông ca ngợi. Trước sự bối rối của những người ủng hộ ông, Ricardo há đã chẳng viết ra trong lần xuất bản thứ ba cuốn Các nguyên lý của ông, rằng ông đã sai khi đánh giá về tác động của máy móc đối với việc làm, và rằng công nghệ máy móc mới có thể tạo ra một tỷ lệ thất nghiệp lâu dài?
Hơn 60 năm sau Jevons, Keynes đóng thêm một cái đinh vào quan tài của Ricardo: theo ông, những ý tưởng của Ricardo có thể chinh phục nước Anh, cũng giống như Toà án dị giáo đã chinh phục nước Tây Ban Nha. Ông báo cho George Bernard Shaw dự án của ông phá hủy các cơ sở Ricardo của chủ nghĩa Mác. Nhưng đồng thời, ông giao cho người bạn và đồng nghiệp Piero Sraffa của ông nhiệm vụ xuất bản toàn tập các tác phẩm của Ricardo. Được hoàn thành vào năm 1973 với 11 tập, bộ toàn tập tuyệt vời này đi cùng với việc xuất bản một tác phẩm khác dầy 100 trang, vào năm 1960, có tựa đề là Production de marchandises par des marchandises (Sản xuất hàng hóa bằng hàng hóa), trong đó Sraffa cũng giải quyết một số mâu thuẫn chưa được giải quyết trong lý thuyết về giá trị và phân phối của Ricardo. Khi làm như vậy, ông đã phát triển một dòng tư tưởng mới được gọi là tư tưởng tân ricardian. Trong những năm 1960 và 1970, dòng tư tưởng này sẽ tranh luận với các lý thuyết gia thuộc trường phái tân cổ điển về các chủ đề giá trị, phân phối và tăng trưởng.

David Ricardo qua vài năm tháng

1772: sinh ra ở London trong một gia đình Do Thái gốc Bồ Đào Nhà, đã từng sống ở Hà Lan.
1786: khởi nghiệp là nhà kinh doanh khi làm việc chung với bố ở Sở giao dịch chứng khoán.
1793: kết hôn với một tín đồ phái Quây cơ, làm phát sinh rạn nứt với gia đình.
1798: Ricardo độc lập về tài chính.
1799: Đọc tác phẩm Sự giàu có của các quốc gia của Adam Smith.
1808, ông gặp James Mill, người vừa xuất bản tác phẩm Bảo hộ thương mại.
1809: “Le cours de l’or” (Giá của vàng), thư nặc danh đăng trên tạp chí Morning Chronicle, tiếp theo hai bức thứ khác của một "người bạn của tiền giấy" và hai bài viết trả lời của Ricardo cho người tự nhận là một trong những người bạn của mình, Hutches Trower.
1810: tác phẩm Le cours élevé du lingot (Giá cao của vàng thỏi); ba lá thư đăng trên tạp chí Morning Chronicle liên quan đến bản báo cáo Bullion Report.
1811: tác phẩm Réponses aux observations pratiques de Mr. Bosanquet sur le rapport du Bullion Committee (Đáp lại những nhận xét thực tế của ông Bosanquet về bản báo cáo của Ủy ban Bullion Committee), họp với Malthus.
1814: ông rút lui khỏi ngành kinh doanh với một tài sản đáng kể và mua một mảnh đất, Gatcomb Park.
1815: tác phẩm Essai sur l’influence du bas prix du blé sur les profits des capitaux (Tiểu luận về ảnh hưởng của giá lúa mì thấp đối với lợi nhuận của tư bản).
1816: Những khuyến nghị cho một đồng tiền kinh tế và an toàn.
1817: tác phẩm Principes de l’économie politique et de l’impôt (Những nguyên lý của kinh tế học chính trị và thuế khóa).
1822: qua đời. Trong những ngày trước đó, ông viết Absolute and Exchangeable Value (Giá trị tuyệt đối và trao đổi được), một bản thảo được Piero Sraffa phát hiện và xuất bản năm 1951.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Ricardo
     The Works and Correspondence of David Ricardo, Piero Sraffa chủ biên, Cambridge University Press, 11 vol., 1951-1973.
     Œuvres complètes de David Ricardo, Otto Zeller chủ biên, Osnabrück, 1847 (rééd. 1966).
     Des principes de l’économie politique et de l’impôt, Calmann-Lévy, 1970; coll. GF, Flammarion, 1999.
     Ecrits monétaires, 1809-1811, Association des amis du musée de l’imprimerie et de la Banque, 1991.
Những tác phẩm viết về Ricardo
     Essai sur la théorie ricardienne de la valeur, của Huguette Blaujeaud, Economics, 1988.
     The Economics of David Ricardo, của Samuel Hollander, University of Toronto Press, 1979.
     Ricardo, của François-Régis Mahieu, Economics, 1995.
     David Ricardo: Critical Assessments, của John Cunningham Wood, Croon Helm, 4 vol., Londres, 1985.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch.
Nguồn: “David Ricardo, à l'assaut du protectionnisme” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012

Print Friendly and PDF