18.7.15

Joan Robinson, chống lại mọi tư tưởng chính thống



Joan Robinson (1903-1983)

Joan Robinson, chống lại mọi tư tưởng chính thống

Là môn đồ của Keynes, Joan Robinson đã đóng góp rất nhiều cho lý thuyết kinh tế. Tuy nhiên, cương vị phụ nữ và tính cách thẳng thắn đã khiến công lao của bà không được thừa nhận một cách tương xứng.
Joan Robinson đã nổi lên như là nhà lãnh đạo của một trường phái tư tưởng mà ngày nay gọi là hậu Keynes.
Cả trong đời sống riêng tư cũng như trong bài viết và cách giảng dạy của bà, Joan Robinson là một người không tuân phục. Bà không ngại tranh cãi và có nhiều kẻ thù từ các nhà marxist qua các nhà keynesian đến các nhà tân cổ điển. Bà thích phát biểu trước những cử tọa đối lập và thật thích thú khi nghe bà triệt hạ những người muốn hạ thấp bà bằng một sự hài hước đáo để. Tầm quan trọng và địa vị của người đối thoại không hề làm bà khó chịu.
Năm 1975 được tuyên bố là Năm của phụ nữ, người ta kỳ vọng Joan Robinson được nhận giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Nobel. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Số địch thủ mà bà đã tạo nên với tính cách thẳng thắn của bà có lẻ đã đóng một vai trò nào đó. Nhưng thực tế làm phụ nữ có lẽ cũng đồng thời đã làm hại bà. Toàn bộ sự nghiệp của bà minh chứng cho vị trí thấp kém của phụ nữ trong môn kinh tế học, phản ảnh thực tế vị trí của nữ giới trong nền kinh tế thực tế.
Trong vòng năm mươi năm, Joan Robinson đã xuất bản 24 cuốn sách và hàng trăm bài viết, nhiều ấn phẩm của bà được thừa nhận là những đóng góp lớn lao. Ngay từ năm 1931, bà đã có được chức "trợ giảng trẻ" (“assistant junior”) tại trường Đại học Cambridge. Tuy nhiên, bà đã phải chờ gần hai năm sau để có được quy chế lao động thường xuyên. Và khi ở tuổi 62, bà mới được phong làm giáo sư kinh tế, tiếp quản chức giáo sư để trống của Austin, chồng bà vừa nghỉ hưu. Về phía chồng bà, ông ấy đã xuất bản hai cuốn sách và viết ít bài hơn rất nhiều so với người vợ của mình. Ảnh hưởng của các tác phẩm của ông cũng không thể so sánh với người vợ của mình.

Cạnh tranh không hoàn hảo và phê phán lý thuyết tân cổ điển

Được xuất bản năm 1933, cuốn Kinh tế học của sự cạnh tranh không hoàn hảo có tham vọng giải thích lại lý thuyết tân cổ điển về giá trị, có tính đến sự tồn tại của các công ty độc quyền. Để làm được điều đó, Joan Robinson giới thiệu những khái niệm mới, chẳng hạn như khái niệm thu nhập cận biên, trong đó đề cập đến sự gia tăng thu nhập của doanh nghiệp khi bán thêm được một đơn vị sản phẩm. Trong khi cuốn sách này, trong số các tác phẩm của bà, là cuốn sách được phái kinh tế học chính thống biết đến nhiều nhất và chấp nhận nhiều nhất, thì Joan Robinson ngày càng tự tách mình ra khỏi nó nhiều, đến mức đặt lời tự phê phán nghiêm khắc ngay trước lời nói đầu của cuốn sách khi sách được tái bản năm 1969.
Đầu những năm 1930, trong khi tìm cách sửa lại lý thuyết tân cổ điển, bà thực sự đi đến việc bác bỏ hoàn toàn nó. Người ta tìm thấy một trong những công kích chính của bà trong một bài viết nổi tiếng được công bố năm 1953: "Production Function and The Theory of Capital” (Hàm sản xuất và lý thuyết về tư bản). Bà đưa ra ánh sáng một lỗ hổng logic trong tính cố kết chặt chẽ của lý thuyết tân cổ điển về sự phân phối thu nhập. Bài viết này đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận kéo dài giữa các nhà lý thuyết tân cổ điển của trường Cambridge, ở Hoa Kỳ, và những người theo thuyết Keynes cấp tiến của trường Cambridge, ở Anh: "cuộc chiến giữa hai trường Cambridge."
Theo Joan Robinson, lý thuyết kinh tế chính thống tập trung vào vấn đề phân bổ nguồn lực, trong khi những vấn đề quan trọng lại là những vấn đề của sự phát triển các nền kinh tế công nghiệp. Mang tính tĩnh tại, lý thuyết này loại bỏ các yếu tố thời gian và lịch sử, quên rằng khi đưa ra các quyết định kinh tế thì phải tính đến một quá khứ không thể đảo ngược và một tương lai không chắc chắn. Cuối cùng, lí thuyết đậm chất ý thức hệ này được dùng làm công cụ bảo vệ nguyên trạng, sự phân phối thu nhập rất bất bình đẳng.
Đầu những năm 1930, ở đại học Cambridge, Joan Robinson tham gia một nhóm nhỏ có tên gọi là "Circus", bao gồm những người bạn trẻ của Keynes, tập hợp lại để thảo luận cuốn Chuyên luận về tiền tệ (1930) của ông và từ đó đóng góp cho việc thiết kế cuốn Lý thuyết tổng quát (1936). Bà đóng một vai trò quan trọng trong nhóm này, làm rõ nhiều vấn đề khác nhau trong các bài viết và trong các cuộc thảo luận với Keynes, trong đó có vấn đề mối quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư. Hai cuốn sách được xuất bản năm 1937 phát triển các ý tưởng được Keynes trình bày trong cuốn Lý thuyết tổng quát.

Từ Keynes đến Marx

Nhỏ hơn Keynes hai mươi tuổi, người đã trở thành nổi tiếng, bà không ngần ngại phê phán ông ấy, đôi khi rất gắt gao, thể hiện qua những thư từ trao đổi qua lại giữa hai người. Bà thuộc thành phần những người mà Keynes tôn trọng và chấp nhận những lời phê phán. Trong một bài viết số ra đầu tiên của tạp chí Kinh tế ứng dụng, năm 1949, bà giải thích rằng thuật ngữ "lý thuyết tổng quát" chỉ một công trình tập thể, được nhiều người phát triển ở Cambridge vào đầu những năm 1930.
Từ công trình tập thể ấy, không phải ai cũng có cách lý giải giống nhau. Khi năm tháng trôi qua, Joan Robinson cho rằng nội dung mang tính cách mạng trong thông điệp của Keynes đã phai nhạt, rằng cuộc cách mạng Keynes đã thất bại. Bà gọi các tác giả của sự tổng hợp giữa lý thuyết Keynes và lý thuyết tân cổ điển, một tổng hợp đã trở thành mô thức thống trị trong thời kỳ hậu chiến, là những nhà "Keynesian tạp chủng". Ủng hộ chủ nghĩa Keynes cấp tiến, cả về mặt chính trị lẫn lý thuyết, Joan Robinson nổi lên như là nhà lãnh đạo của một trường phái mà ngày nay chúng ta gọi là hậu Keynes. Trong An Open Letter from a Keynesian to a Marxist (Thư ngỏ của một người nữ theo thuyết Keynes gửi đến một người theo chủ nghĩa Marx) được công bố năm 1953, bà tự mô tả là người theo thuyết Keynes thuộc cánh tả, và nói thêm rằng đây là một trường phái có rất ít thành viên.
Giữa những năm 1930, Joan Robinson phát hiện ra rằng một nhà kinh tế ít tiếng tăm người Ba Lan, Michal Kalecki, trước khi đến Cambridge, đã xuất phát từ Marx xây dựng nên một lý thuyết tương tự và ở một số phương diện tỏ ra vượt trội lý thuyết của Keynes. Bà bắt đầu nghiên cứu lý thuyết của Marx và năm 1942, xuất bản cuốn sách đầu tiên của giới học thuật kinh tế có thiện cảm với Marx. Bà cho rằng Marx đã phạm nhiều sai sót và rằng lý thuyết giá trị lao động của ông không khả thi. Nhưng theo bà, không giống các nhà kinh tế tân cổ điển, Marx quan tâm đến những vấn đề thực sự của nền kinh tế: tăng trưởng, khủng hoảng và thất nghiệp. Ông đã phát hiện ra rằng những vấn đề trên không phải là những biến cố nhất thời, mà là những trục trặc về vận hành liên quan đến chính bản chất của chủ nghĩa tư bản. Joan Robinson cho biết bà coi sự phân biệt giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là phát hiện quan trọng nhất của Marx. Tất nhiên, với cuốn sách và các bài viết khác của bà về Marx, bà đã thu hút sự thịnh nộ của những nhà marxist chính thống, một điều chưa bao giờ làm bà mất ngủ.

Sự tích lũy tư bản

Rosa Luxemburg (1871-1919)
Chính vào những năm 1950, mà Joan Robinson đã có những đóng góp lý thuyết quan trọng nhất. Bà thông báo rằng dự án của bà là một sự "khái quát hóa lý thuyết tổng quát." Keynes chỉ quan tâm đến ngắn hạn. Phải mở rộng phân tích của ông ấy trong dài hạn, qua việc phát triển lý thuyết về tăng trưởng. Trong công cuộc này, bà không chỉ lấy cảm hứng, từ KeynesMarx, mà c̣òn từ Kalecki và Wicksell, mà những công trình được bà biết đến vào đầu những năm 1950. Và để tỏ ḷòng kính trọng đối với Rosa Luxemburg, một nữ kinh tế gia lớn khác của thế kỷ XX, tác giả của cuốn Sự tích lũy tư bản (1913), bà lấy lại tên cuốn sách này đặt cho tác phẩm chính của mình.
Bà nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tính đến các thể chế và quy tắc cuộc chơi của chủ nghĩa tư bản đương đại, đến đặc điểm ít nhiều mang tính độc quyền của bộ máy sản xuất. Phân tích phải được đặt trong thời gian lịch sử, một thời gian không thể đảo ngược, và kết hợp với sự bất trắc và các dự kiến, những yếu tố vắng mặt trong các mô hình tăng trưởng tân cổ điển. Trên cơ sở đó, bằng một ngôn ngữ phi toán học, Joan Robinson phát triển một mô hình trong đó tỷ lệ đầu tư, được các doanh nhân lựa chọn, là một biến cơ bản. Mức tiêu thụ, mức tiết kiệm và mức lợi nhuận sau đó sẽ được xác định bởi một chuỗi các sự kiện mang tính nhân quả được bà nghiên cứu vào chi tiết. Lợi nhuận được xác định như vậy sẽ tác động đến các quyết định đầu tư trong tương lai. Không có gì đảm bảo cho sự ổn định của quá trình tăng trưởng, cũng như không có gì bảo đảm cho sự toàn dụng lao động trong mô hình của Keynes.
Joan Robinson đã có những đóng góp quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác: sự phát triển và thương mại quốc tế, lịch sử tư tưởng kinh tế, triết lý kinh tế. Và kinh tế học không phải là lãnh vực nghiên cứu duy nhất của bà. Bà đã viết về nhân sinh quan của bà, về tầm nhìn của bà về xã hội và thậm chí cả về cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Cambridge là điểm neo của bà, nhưng cho đến cuối đời bà vẫn chưa ngừng đi đây đó khắp thế giới, đặc biệt ở những nước mà người ta gọi là "kém phát triển", không chỉ để phát biểu ở vô số các buổi hội thảo, mà còn để quan sát và học hỏi. Với một phong cách sống rất thanh đạm, bà không ngại đi đây đó trong những điều kiện thật khó khăn.

Joan Robinson qua vài năm tháng

1903: sinh ở Camberley, Vương quốc Anh, con của Jean Violet Marice.
1922: nhập học trường Girto College, Cambridge.
1925: nhận bằng đại học về kinh tế tại Đại học Cambridge.
1926: vợ của Austin Robinson, cũng là một nhà kinh tế.
1926-1928: hai năm ở Ấn Độ, nơi bà làm người giám hộ của Maharajah de Gwallor.
1931: bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Cambridge, nơi mà bà leo lên các nấc thang học thuật rất chậm.
1933: The Economics of Imperfect Competition (Kinh tế học của sự cạnh tranh không hoàn hảo).
1937: được phong làm "giảng viên cơ hữu" (“full lecturer”). Essays in the Theory of Employment Introduction to the Theory of Employment (Các tiểu luận về lý thuyết việc làm và Nhập môn lý thuyết việc làm).
1939-1944: tham gia nhiều ủy ban khác nhau của Đảng Lao động và của chính phủ.
1942: An Essay on Marxian Economics (Một tiểu luận về Kinh tế học Marxian).
1949: được phong là "phó giáo sư" (“reader”).
1952: The Rate of Interest and Other Essays (Lãi suất và các bài tiểu luận khác).
1956: The Accumulation of Capital (Sự tích lũy tư bản).
1958: được bầu vào Viện Hàn lâm Anh Quốc.
1962: Economic Philosophy Essays on the Theory of Economic Growth (Triết học Kinh tếCác tiểu luận về thuyết tăng trưởng kinh tế).
1965: được phong là giáo sư kinh tế.
1966: Economics: An Awkward Corner (Kinh tế học: Một góc ngượng nghịu).
1969: The Cultural Revolution in China (Cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc).
1970: Freedom and Necessity (Tự do và nhu cầu).
1971: nghỉ dạy. Economic Heresies (Những dị giáo kinh tế).
1973: viết cùng với John Eatwell, An Introduction to Modern Economics (Giới thiệu về kinh tế học hiện đại).
1974: Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ.
1978: Contributions to Modern Economics (Những đóng góp cho kinh tế học hiện đại).
1979: là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm thành viên danh dự của trường King’s College. Aspects of Development and UnderdevelopmentGeneralization of the General Theory and Other Essays (Các khía cạnh của sự phát triển và kém phát triểnKhái quát hóa về lý thuyết tổng quát và các bài tiểu luận khác).
1980: Further Contributions to Modern Economics (Những đóng góp khác cho kinh tế học hiện đại)
1981: What Are the Questions? And Other Essays (Vấn đề là gì? Và các bài tiểu luận khác).
1983: chết vì bệnh tim.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Joan Robinson
   L’économie de la concurrence imparfaite, Dunod, 1975.
   Essai sur l’économie de Marx, Dunod, 1971.
   L’accumulation du capital, Dunod, 1972.
   Philosophie économique, Gallimard, 1967.
   Hérésies économiques, Calmann-Lévy, 1972.
   Contributions à l’économie contemporaine, Economica, 1984.
   Collected Economic Papers, MIT Press, 5 vol., 1980.
Những tác phẩm viết về Joan Robinson
   The Economics of Imperfect Competition and Employment: Joan Robinson and Beyond, George R. Feiwel (chủ biên), Mcmillan, 1989.
   Joan Robinson and Modern Economic Theory, George R. Feiwel (chủ biên), Mcmillan, 1989.
   The Economics of Joan Robinson, Maria Cristina Marcuzzo, Luigi L. Pastinetti et Alessandro Roncaglia (chủ biên), Routledge, Londres, 1996.
   The Joan Robinson Legacy, Ingrid Rima (chủ biên), M. E. Sharpe, 1991.
   Accumulation du capital : croissance et répartition des revenus dans le modèle de Mrs Joan Robinson, Benjamin Stora, Cujas, 1966.
   Joan Robinson and the mericans, Marjorie S. Turner, M. E. Sharpe, 1989.
   L’économie hérétique de Joan Robinson, Sophie Boutillier et Dimitri Uzunidis, L’économie politique, no 7, octobre 2000.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Joan Robinson, rebelle à toutes les orthodoxies” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.
Print Friendly and PDF