11.4.15

Adam Smith, ít tự do hơn người ta nghĩ


Adam Smith (1723-1790)

Adam Smith, ít tự do hơn người ta nghĩ

Adam Smith không phải là người ủng hộ dữ dội thuyết kinh tế học tự do triệt để mà người ta thường giới thiệu. Ông tự nhận mình trước hết là một nhà đạo đức học và nhà triết học.
Adam Smith là nhà kinh tế học nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất trong số các nhà kinh tế học. Ngoài ra, ông thường được coi là người sáng lập ra ngành học này. Phải nói rằng tác phẩm Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân sự giàu có của các quốc gia vừa là cuốn sách chuyên luận vĩ đại đầu tiên và vừa là cuốn sách gặt hái nhiều thành công nhất. Adam Smith còn thường được coi là người bảo vệ không khoan nhượng của thuyết kinh tế học tự do triệt để qua ẩn dụ nổi tiếng của ông về bàn tay vô hình. Chính như vậy mà ông được những người ủng hộ thuyết tân tự do đương thời coi là bậc thầy của tư tưởng họ.
Một định kiến còn rất nhiều tranh cãi: Adam Smith hẳn sẽ tức lộn ruột trong mộ của ông nếu có thể thấy được ngày nay những luận đề của mình được sử dụng như thế nào. Thậm chí người ta cũng không chắc rằng ông sẽ thích được mô tả như là một nhà kinh tế học. Ông tự nhận mình là một nhà triết học hơn và xem cuốn Lý thuyết về những tình cảm đạo đức của ông, cuốn sách ông đã hiệu chỉnh lại đến hơi thở cuối cùng của mình, như là tác phẩm xuất sắc nhất của mình. Tựa của hai cuốn sách chính của ông đã được khắc đúng cùng một loại chữ trên bia mộ của ông trong một nghĩa trang nhỏ ở Edinburgh, nơi mà ông được chôn cất.
Ngày 01 tháng 11 năm 1758, Smith viết thư cho Công tước La Rochefoucauld cho biết ông có hai tác phẩm lớn đang được xây dựng: "Một tác phẩm thuộc loại lịch sử triết học của nhiều ngành văn học, triết học, thi ca và hùng biện khác nhau; còn tác phẩm kia thuộc loại lý thuyết và lịch sử pháp luật và cai trị.” Người ta ghi nhận tầm quan trọng của ngôn ngữ trong phần liệt kê trên. Đây là mối quan tâm chính của Adam Smith. Trong tác phẩm của ông có tựa đề Những nhận xét về sự hình thành đầu tiên của ngôn ngữ, ông nghiên cứu mối quan hệ giữa từ ngữ và sự vật, và xem xét mối quan hệ song song phức tạp giữa sự phát triển của tư tưởng và sự phát triển của ngôn ngữ. Triết lý của ngôn ngữ và thuật hùng biện của kinh tế học là những chủ đề đang thịnh hành. Adam Smith có những điều để dạy chúng ta về chủ đề này. Là người ngưỡng mộ Newton, bị thuyết phục bởi sự tương tự giữa nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau, ông dự báo rằng tính thẩm mỹ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển và chuyển tải tri thức: một học giả phải biết thuyết phục người khác bằng cách sử dụng tất cả các thủ thuật hùng biện.
Trong tầm nhìn xã hội của Adam Smith, đạo đức được đặt lên hàng đầu. Luận đề này xuyên suốt trong tất cả các tác phẩm của ông, nhưng được trình bày dưới một hình thức đặc biệt có hệ thống trong tác phẩm Lý thuyết về những tình cảm đạo đức, đã từng thành công lớn trong lúc sinh thời và đã mở ra cho ông cánh cửa của những nhà bách khoa và những người theo thuyết trọng nông tại Pháp. Trong hệ thống này, sự đồng cảm, được định nghĩa như là khả năng quan tâm đến những gì xảy ra cho người khác, đến việc chia sẻ đam mê của họ, chiếm một vị trí trang trọng. Đối với các hành động của chính ta, chúng ta được hướng dẫn bởi cái nhìn của người khác về chúng ta, hơn là bởi lợi ích cá nhân của ta, cái nhìn của một "khán giả vô tư" báo trước cái siêu ngã của Freud. Tiếp theo sau người thầy của ông là Francis Hutcheson, và đối lập với Hobbes, Adam Smith cho rằng bản chất con người là vị tha và đức hạnh, ít nhất con người cũng tìm được cách để xây dựng những rào cản nhằm kiểm soát cảm xúc của mình dưới hình thức những quy tắc ứng xử.

Sự tranh chấp giữa lợi ích và đồng cảm

Tuy nhiên, trong tác phẩm Sự giàu có của các quốc gia, lợi ích cá nhân dường như chiếm chỗ của sự đồng cảm như là một động lực điều khiển hành động của con người. Chính điều đó đã dẫn đến việc nhiều nhà bình luận xem đó là "Das Adam Smith Problem", vấn đề của Adam Smith, sự mâu thuẫn biểu kiến giữa hai tác phẩm. Thực tế, thì không phải vậy. Đối với Adam Smith, lợi ích cá nhân, phát sinh từ tình yêu bản thân, được biểu hiện ra bên ngoài trong mong muốn làm giàu, là một đặc điểm quan trọng của con người. Nhưng con người không phải chỉ có một đặc điểm đó; nó bổ sung cho những đặc điểm khác. Và do việc mỗi người theo đuổi những mục tiêu cá nhân có thể tạo ra xung đột, thì đặc điểm đó phải được kiểm soát bởi các quy tắc xã hội. Vì vậy, Adam Smith là người ủng hộ công bằng xã hội và một chủ nghĩa tư bản đạo đức, trong đó nhà nước đóng một vai trò quan trọng.
Ông vẫn mong có càng ít ràng buộc càng tốt trong các trao đổi kinh tế và có sự tương tác của quyền tự do cá nhân để từ đó có thể phát sinh một trật tự có lợi, không được các tác nhân lường trước. Như ý nghĩa ẩn dụ về  bàn tay vô hình, lấy cảm hứng từ các nhà khắc kỷ: mỗi cá nhân, chỉ nghĩ đến tư lợi riêng của mình, "được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để đạt được một kết cục không hề nằm trong ý định của mình." Smith, người luôn khẳng định bản quyền tác giả những ý tưởng của mình, cho biết đã giảng dạy nguyên lý về quyền tự do tự nhiên từ năm 1749. Tuy nhiên, mối quan tâm đó, trong một bối cảnh chính trị vẫn còn bị chi phối gần như tuyệt đối bởi các chế độ quân chủ ở khắp châu Âu, có một ý nghĩa hoàn toàn khác với ngày nay.
Tác phẩm Sự giàu có của các quốc gia là một bản phân tích sự vận hành của các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Ở vị thế này, đó là tác phẩm sáng lập ra kinh tế học chính trị cổ điển. Tác phẩm ấy sẽ tạo cảm hứng cho nhiều tác giả khác nhau như Say, Ricardo, Malthus, Mill hoặc Marx. Ngoài ra, tính phong phú, phức tạp và mâu thuẫn của nó cũng làm cho mọi người tìm thấy được phần thích hợp cho mình. Adam Smith đôi khi cũng được coi là người khởi xướng phương pháp suy diễn dịch mà Ricardo sẽ phát triển sau này. Nhưng ông sử dụng đồng thời một cách tiếp cận lịch sử và thể chế, sẽ tạo cảm hứng cho những phê phán đối với thuyết kinh tế học cổ điển và tân cổ điển về sau này.
Tác phẩm mở đầu bằng một mô tả lừng danh sự phân công lao động, đặc biệt với xưởng sản xuất kim băng nổi tiếng, các mối quan hệ của nó với thị trường và sự xuất hiện của tiền tệ. Sau đó, Smith tự vấn về chủ đề giá trị, trên cơ sở phân biệt của Aristotle, giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, và kết nối giá trị trao đổi với lao động. Trên cơ sở đó, lợi nhuận của tư bản và tiền thuê đất được xem như là tiền trích xuất từ sản phẩm của lao động. Đối với ba giai cấp của Quesnay – giai cấp vô bổ, sản xuất và chủ sở hữu – Adam Smith thay thế bằng bộ ba giai cấp cổ điển: nhà tư bản, người làm thuê và người thực lợi. Ông cho rằng lợi ích của các nhà tư bản thường đi ngược lại với lợi ích của toàn xã hội, và rằng đa phần những người làm thuê thường ở thế bất lợi trong tương quan lực lượng đó.
Chỉ sau khi gặp Quesnay và bạn bè của ông mà Adam Smith mới viết quyển thứ hai của Sự giàu có của các quốc gia, nói về chủ đề tư bản, tích lũy và tăng trưởng. Ông thay đổi tên gọi, nhưng khái niệm thì cũng giống như khái niệm của những nhà trọng nông. Tuy nhiên, Smith dịch chuyển ranh giới mà họ đã thiết lập giữa lao động sản xuất và lao động vô bổ, mà từ nay ông gọi là phi sản xuất. Lao động sản xuất là bất kỳ lao động nào tạo ra được giá trị và gắn với một vật thể có một số độ bền nào đó. Kết quả là tất cả những người làm việc trong ngành dịch vụ, như trong bộ máy nhà nước, là lao động không sản xuất đối với Adam Smith và phải được hỗ trợ bởi thu nhập được tạo ra trong các ngành sản xuất. Ở đây chúng ta có một luận đề về mối quan hệ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, có nhiều triển vọng trong tương lai, mặc dù hiệu lực của nó vẫn còn rất nhiều tranh cãi.
Một chủ đề chính khác của tác phẩm Sự giàu có của các quốc gia được vay mượn từ Turgot, Bộ trưởng cải cách trong một thời gian ngắn dưới thời vua Louis XVI[*]: đó là việc gắn chủ đề tích lũy, và do đó là vấn đề sở hữu kinh tế, với chủ đề tiết kiệm, có nghĩa là, với sự biến đổi thu nhập thành tư bản bổ sung để triển khai trong lao động sản xuất. Đây là một trong những luận đề chính của thuyết kinh tế học cổ điển mà Keynes sẽ phân tích trong cuốn Lý thuyết tổng quát về việc làm, tiền lãi và tiền tệ.

Sự cần thiết của thuế lũy tiến

Tuy nhiên, cốt lõi phân tích, chỉ chiếm một phần của cuốn Sự giàu có của các quốc gia. Adam Smith dành nhiều đoạn văn dài cho nghiên cứu về nhiều mô hình khác nhau về xã hội và phát triển, cho việc phê phán các hệ thống trước đó của kinh tế học chính trị, đặc biệt là thuyết trọng thương, mà ông là người đầu tiên nhận diện ra nó, và thuyết trọng nông, mà ông được truyền cảm hứng. Trong một chương đáng chú ý về các thuộc địa, chống lại trào lưu tư tưởng thời đó, ông viết rằng "ý định thành kính cãi đạo các thuộc địa sang đạo Thiên Chúa giáo đã thánh hóa sự bất công của dự án." Dự án này thực sự nhắm đến việc mở rộng thị trường của các chính quốc và đảm bảo quyền kiểm soát các kho nguyên liệu. Phải đợi đến một tương lai rất xa mới biết là công cuộc thực dân hóa có mang lại lợi ích gì không cho người bản xứ.
Chủ đề nhà nước được dành cho phần dài nhất trong cuốn sách sáng lập ra thuyết tự do kinh tế. Nhà nước không chỉ tài trợ cho quân đội, cảnh sát (trong một số nhiệm vụ khác còn để bảo vệ người giàu chống lại người nghèo, như ông viết) và tư pháp, mà còn phải quan tâm đến vấn đề giáo dục và vấn đề đào tạo yếu kém bởi ảnh hưởng ngu đần của sự phân mảnh và sự đơn giản hóa công việc từ sự phân công lao động. Ngoài ra nhà nước còn phải tập trung vào những hoạt động kinh tế trực tiếp mà các doanh nhân không làm được, chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Cuối cùng, nhà nước còn cần đảm bảo phẩm cách của nhà vua.
Tất cả những chi tiêu đó phải được tài trợ bằng một công cụ thuế mang tính công bằng, trung lập và khả thi. Smith cảnh báo sự nguy hiểm của một chính sách thuế quá cao, đi ngược lại với điều mong muốn tìm kiếm​​, và nguy cơ nợ công quá cao. Tuy nhiên, ông ủng hộ chính sách thuế lũy tiến; "không có gì là vô lý khi mà người giàu đóng góp cho chi tiêu của nhà nước không chỉ theo một tỷ lệ thuận với thu nhập của họ, mà còn phải có một cái gì đó hơn mức tỷ lệ ấy.” Vì vậy, chúng ta thấy ở Adam Smith cùng lúc các tiền đề của diễn ngôn tự do hiện đại và các công cụ để phê phán nó.

Adam Smith qua vài năm tháng

Adam Smith (1723-1790)
1723: sinh ra ở Kirkcaldy, Scotland. Cha của ông, Adam, làm ủy viên thuế quan, qua đời cùng năm.
1737-1740: học ở trường Đại học Glasgow.
1740-1746: học ở trường Đại học Oxford.
1746: trở lại Kirkcaldy.
1748-1751: các thuyết trình ở Edinburgh, đặc biệt về các chủ đề về thuật hùng biện, văn chương và án lệ.
1750: gặp, kết bạn và trở thành người thi hành di chúc của David Hume.
1751: được bầu vào ghế giáo sư logic ỏ trường Đại học Glasgow.
1752-1764: giáo sư triết học đạo đức.
1759: tác phẩm Théorie des sentiments moraux (Lý thuyết về những tình cảm đạo đức) (PUF, 1999).
1761: tác phẩm Considérations sur la première formation des langues (Những suy nghĩ về sự hình thành đầu tiên của ngôn ngữ).
1764-1766: hai năm sống ở Pháp; gặp mặt Voltaire, Quesnay, Turgot và những người theo thuyết trọng nông và nhà bách khoa khác.
1766-1776: ở Kirkcaldy, viết tác phẩm Richesse des nations (Sự giàu có của các quốc gia).
1776: tác phẩm Recherche sur la nature et les causes de la richesse des nations (Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân sự giàu có của các quốc gia) (Flammarion, 1991).
1778: được bổ nhiệm làm ủy viên thuế quan ở Edinburgh.
1784: người mẹ sống cùng với ông qua đời.
1790: qua đời. Ít lâu trước khi qua đời, ông đã tiêu hủy nhiều bản thảo viết tay của ông.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Adam Smith
Recherche sur la nature et les causes de la richesse des nations, Economica, PUF hoặc Flammarion.
Théorie des sentiments moraux, PUF, 2011.
Essais esthétiques, Vrin, 2000.
Vive l’état!, Alternatives économiques – Les petits matins, 2012.
Những tác phẩm viết về Adam Smith
• “Le Marché chez Adam Smith", của Hervé Delfavard et alli, Cahiers d’économie politique no 19, l’Harmattan, 1991.
Adam Smith’s System of Liberty, Wealth and Virtue: the Moral and Political Foundations of the Wealth of Nations, của Athol Fitzgibbons, Clarendon Press, Oxford, 1995.
The Economics of Adam Smith, của Samuel Hollander, University of Toronto Press, Toronto, 1973.
Adam Smith, philosophie et économie, của Jean Mathiot, PUF, 1990.
The Life of Adam Smith Ross, của Ian Simpson, Clarendon Press, Oxford, 1995.
Adam Smith: Critical Assessments, của Cunningham Wood, Croom Helm, 4 vol., Londres, 1984.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch.
Nguồn: “Adam Smith, moins libéral qu'il n'y paraît” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no057, tháng 10 năm 2012



[*] Xem tác phẩm “Les libéraux, une famille à trois branches" (Những người theo thuyết tự do, một gia đình với ba nhánh), Alternatives Economiques số 185, tháng 10 năm 2000, và "Turgot, un libéral acceptable par la gauche?" (Turgot, người theo thuyết tự do được cánh tả chấp nhận?), L’économie politique số 1, quý 1 năm 1999, có sẵn trong kho lưu trữ trực tuyến của chúng tôi.

Print Friendly and PDF