![]() |
Olivier Blanchard (1948-) |
Blanchard:
Nhìn tới, nhìn lui
Olivier Blanchard sẽ
thôi giữ chức Cố vấn Kinh tế và Giám đốc Vụ Nghiên cứu của IMF vào cuối tháng
Chín.
Ông sẽ gia nhập Viện Peterson về kinh tế học quốc
tế vào tháng Mười với tư cách là thành viên cao cấp C. Fred Bergsten đầu tiên,
một vị trí được đặt tên theo người sáng lập viện chính sách 35 tuổi có ảnh
hưởng này, và có trụ sở tại Washington.
Khi Blanchard, một người Pháp và là cựu chủ tịch
của khoa kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts, gia nhập IMF vào ngày 1
tháng 9 năm 2008, ít người ý thức được rằng ông sẽ là tâm điểm của một cơn bão
kinh tế toàn cầu. Hai tuần sau đó, ngân hàng Lehman Brother sụp đổ, đánh dấu
điều mà nhiều người coi là sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
năm 2008-09.
“Khủng hoảng
là một sự kiện gây chấn thương tâm lý khiến tất cả chúng ta phải đặt thành vấn
đề nhiều niềm tin từng được nâng niu”, Blanchard nói. Điều này bao gồm việc
chất vấn nhiều giả định khác nhau về vai trò của chính sách tài khóa, bao gồm
quy mô của các số nhân thuế khóa, việc sử dụng trái với thông lệ các biện pháp
về chính sách tiền tệ và các công cụ cẩn trọng bảo vệ toàn bộ hệ thống tài
chính, các luồng vốn và biện pháp để kiểm soát chúng, các chính sách thị trường
lao động và vai trò của tính linh hoạt vi mô và vĩ mô. “Và được đứng ở vị trí phát biểu những nghi ngờ trên đã cho tôi cơ hội
để tạo ảnh hưởng”, ông nói.
Blanchard nói bây giờ ông muốn dành thời gian để
nghiên cứu ít vấn đề hơn nhưng tập trung hơn.
“Trong bảy
năm qua”, ông nói: “tôi đã trả lời
hàng ngàn câu hỏi, nhưng không có câu trả lời nào thật sâu sắc. Bây giờ tôi
muốn chọn mười trong số cả ngàn câu hỏi này và trả lời chúng một cách sâu sắc
hơn.” Một trong những vấn đề mà ông dự định xem xét là các biện pháp khác
nhau mà các quốc gia có thể sử dụng nhằm kiểm soát và định hình các luồng vốn.
IMF Survey phỏng vấn Blanchard về các vấn đề kinh
tế toàn cầu, vai trò của IMF trong việc đẩy mạnh sự ổn định kinh tế và tài
chính, và cảm tưởng của ông ở một vị trí nóng như kinh tế gia trưởng là gì.
IMF Survey: Ông đã có những lúc vượt quá giới
hạn các quan điểm về tư duy và chính sách của IMF. Việc đó được tiếp nhận như
thế nào bên trong và bên ngoài IMF?
Blanchard:
Sẽ là vô trách nhiệm về mặt trí thức, và không khôn ngoan về mặt chính trị, khi
giả vờ cho rằng cuộc khủng hoảng không làm thay đổi quan điểm của chúng ta về
cách thức nền kinh tế đang vận hành. Làm như thế thì chúng ta đánh mất tính
đáng tin của mình. Vì vậy, suy nghĩ lại, hay vượt giới hạn không phải là một sự
lựa chọn, mà là một điều cần thiết.
Thực tế là việc một nhà cố vấn kinh tế, hay Vụ
nghiên cứu, có quan điểm về một chủ đề cụ thể nào đó không làm cho bản thân sự
vật thay đổi nhiều. Một phần thiết yếu của công việc là thuyết phục, hay cố
gắng thuyết phục, phần còn lại của tổ chức, từ ban lãnh đạo đến các bộ phận
phòng ban, về quan điểm ấy. Đó có thể là công việc khó khăn. Để đối xử với tất
cả các nước theo một cách nhất quán, IMF phải có một niềm tin vững chắc, và
niềm tin ấy không dễ thay đổi. Ý tưởng không chỉ cần được phát triển, mà còn
cần phải thuyết phục phần còn lại của định chế. Điều đó không thể xảy ra chỉ
qua một đêm.
Đối với bên ngoài, vấn đề gây ấn tượng cho tôi là
làm thế nào để chỉ ra một sự thay đổi quan điểm mà không gây ra những tựa trên
báo chí về “sai lầm”, “thiếu năng lực của IMF”, và v.v. Ở đây,
tôi đang nghĩ đến các số nhân ngân sách. Việc đánh giá thấp hiệu ứng kìm hãm
của việc lành mạnh hóa tài chính công trên sự tăng trưởng không phải là một “sai lầm” theo cách mọi người nghĩ về sai
lầm, ví dụ như nhập hai ô trong một bảng excel. Nó dựa trên cơ sở một lượng lớn
những bằng chứng quan trọng có trước đó, nhưng bằng chứng hóa ra là sai lạc
trong một môi trường mà lãi suất gần bằng không và chính sách tiền tệ không thể
bù đắp những tác động tiêu cực của việc cắt giảm ngân sách. Chúng tôi đã bị
công kích rất nhiều khi thừa nhận sự đánh giá thấp đó, và tôi cho rằng chúng
tôi sẽ còn tiếp tục bị công kích nhiều hơn nữa trong tương lai. Nhưng, cùng lúc
đó, tôi tin rằng chúng tôi, IMF, đã làm tăng đáng kể mức độ tin cậy của chúng
tôi, và sẽ sử dụng những giả định tốt hơn sau này. Đó là điều đau đớn, nhưng
hữu ích.
IMF Survey: Khi vượt giới hạn, ông cũng đã tổ
chức ba hội nghị lớn về việc Cân nhắc lại kinh tế học vĩ mô. Đâu là những quan
điểm then chốt và đâu là những quan tâm then chốt trên mặt trận kinh tế vĩ mô?
Blanchard: Hãy để tôi bắt đầu với câu trả lời hiển nhiên:
Kinh tế học vĩ mô dòng chính này đã xem hệ thống tài chính là điều mặc nhiên.
Điển hình của việc xử lý vĩ mô các vấn đề tài chính là một tập hợp các phương
trình kiếm lời từ chênh lệch giá, với giả định rằng không cần nhìn ai đang làm
gì ở thị trường chứng khoán Wall Street. Điều đó hóa ra là sai hoàn toàn.
Nhưng hãy để tôi cho bạn một vài câu trả lời ít
hiển nhiên hơn:
Cuộc khủng hoảng tài chính làm nảy sinh một cuộc
khủng hoảng tiềm tàng liên quan đến sự tồn tại của kinh tế học vĩ mô. Kinh tế
học vĩ mô thực nghiệm dựa trên giả định cho rằng có tồn tại các quan hệ tổng
gộp khá ổn định, vì vậy không cần phải theo dõi mỗi cá nhân, doanh nghiệp, hay
định chế tài chính —rằng không cần phải hiểu các chi tiết của kiến trúc vi mô.
Chúng tôi đã học được rằng kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc tài chính, là điều
quan trọng: cùng một tổng gộp có thể che giấu nhiều vấn đề vĩ mô nghiêm trọng.
Như vậy từ nay chúng ta làm kinh tế vĩ mô như thế nào?
![]() |
Hyman Minsky (1919-1996) |
Kết quả của cuộc khủng hoảng là hàng trăm bông hoa
trí tuệ đua nở. Một số là những bông hoa rất cũ: giả thuyết về bất ổn tài chính
của Hyman
Minsky, các mô hình tăng
trưởng và bất bình đẳng của Kaldor. Một số mệnh đề từng bị nguyền rủa trong quá
khứ nay được các nhà kinh tế học “nghiêm túc” đề xuất: Ví dụ, tài trợ tiền tệ
cho thâm hụt tài khóa. Một số
giả định cơ bản đang bị thách thức, ví dụ như sự tách biệt rạch ròi giữa chu kỳ
và xu hướng. Hiện tượng trễ đã quay trở lại. Một số công cụ kinh trắc học, dựa
trên một thế giới quan được coi là tĩnh tại xung quanh một xu hướng, đang bị
thách thức. Đó là tất cả những gì tốt nhất.
Cuối cùng, rõ ràng chuyển động của quả lắc đang
tách xa khỏi thị trường và nghiêng về sự can thiệp của chính phủ, cho dù đó có
thể là các công cụ vĩ mô thận trọng, các biện pháp kiểm soát vốn, v.v. Hầu hết các nhà kinh tế học vĩ mô hiện nay
kiên cố trong một thế giới tối ưu cấp hai. Nhưng sự chuyển động của quả lắc này
diễn ra với một sự bóp méo - đó là, sự hoài nghi nhiều về tính hiệu quả của sự
can thiệp của chính phủ.
IMF Survey: Còn về những lo lắng về kinh tế
trong dài hạn? Và những vấn đề dài hạn ấy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lời
khuyên về chính sách của IMF?
Blanchard: Có nhiều khả năng chúng ta đã bước vào thời kỳ
tăng trưởng năng suất thấp. Có khả năng chúng ta đã bước vào thời kỳ của mức
cầu yếu một cách cấu trúc, đòi hỏi phải có mức lãi suất rất thấp. Và tình trạng
tăng trưởng thấp kết hợp với tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng, không chỉ
là điều không thể chấp nhận về mặt đạo đức, mà còn là điều cực kỳ nguy hiểm về
mặt chính trị.
Khi đánh giá các chính sách, chúng tôi không thể chỉ
tập trung vào các vấn đề ngắn hạn, mà còn phải giải quyết những vấn đề dài hạn
này. Khi làm như vậy, chúng tôi phải nhận ra hai điều. Thứ nhất, đây không phải
là chuyên môn tự nhiên của chúng tôi, và chúng tôi phải phối hợp với các tổ
chức khác như OECD, Ngân hàng Thế giới. Thứ hai, không hề có các giải pháp kỳ
diệu: Chúng tôi phải thực tế khi đánh giá những cải cách mang tính cấu trúc nào
là có tính khả thi về mặt chính trị, và chúng có thể đạt được kết quả hợp lí
nào.
IMF Survey: Từ sự tương tác của ông với các
nhà hoạch định chính sách, ông có cảm nhận rằng IMF sẽ hiệu quả hơn như là một
nhà cố vấn thân tín đáng tin cậy hay như là một tác nhân then chốt trong việc
định hình các cuộc tranh luận ở cấp độ quốc gia và quốc tế không?
Blanchard: Tôi nghĩ IMF có thể và chắc chắn phải là cả hai.
Theo Viễn cảnh Kinh tế Thế giới (World
Economic Outlook), Báo cáo về sự ổn
định tài chính toàn cầu (Global Financial Stability Report), và các
tài liệu giám sát khác, IMF phải rõ ràng về những tác động của các lựa chọn chính
sách lớn. Trong cuộc đánh giá song phương nền kinh tế của một quốc gia - cái
gọi là Điều IV - IMF nên diễn dịch những mệnh đề tổng thể thành những tư vấn
chính sách cụ thể. Đối với một số vấn đề, có thể tiến hành thảo luận kín, ít
nhất lần đầu. Nhưng đôi khi, thảo luận công khai có thể là cách duy nhất để bắt
đầu một cuộc thảo luận quan trọng.
Lấy một ví dụ quen thuộc, tôi tin rằng, trong bối
cảnh các cuộc thảo luận về chương trình cấu trúc nợ của Hy Lạp, thì nên thảo
luận kín vấn đề giảm nợ trước. Chúng tôi đã làm điều đó. Và khi nghĩ rằng cuộc
thảo luận không đạt được kết quả, thì nên tiến hành thảo luận công khai. Sẽ là
điều sai lầm khi tiến hành thảo luận công khai ngay từ đầu, hoặc không bao giờ
thảo luận công khai.
IMF Survey: Ông thấy vai trò của IMF diễn tiến
như thế nào, đặc biệt khi có ít khủng hoảng hơn?
Blanchard: Tôi tin rằng các vai trò truyền thống của IMF về
giám sát, các chương trình điều chỉnh, cung cấp thanh khoản, và hỗ trợ kỹ
thuật, vẫn sẽ là những vai trò đúng đắn để tiến hành trong tương lai.
Giám sát. “Giám
sát” là một từ ngữ khủng khiếp, nhưng những gì nằm đằng sau từ ngữ đó là
điều cực kỳ quan trọng. IMF đứng ở vị thế độc quyền để làm điều đó và mô tả sự
tương tác giữa các nền kinh tế. Nó đứng ở vị thế độc nhất để xác định hay ít nhất
để đề xuất những luật chơi quốc tế. Với sự phong phú về kinh nghiệm quốc tế, và
chiều sâu thông tin của nó, đó là vị thế duy nhất để làm những việc thiết yếu
về kinh tế học vĩ mô mở. Ví dụ: vấn đề các luồng vốn, mà chúng tôi đã thực hiện
trong bảy năm qua.
Các chương trình điều chỉnh. Bản thân các thiết kế
cần được điều chỉnh. Với các tích sản và tiêu sản với nước ngoài ngày càng tăng
của các nước, thì cần hạn chế định mức các quỹ chương trình cho vay dành cho
việc chi trả các khoản nợ ngắn hạn. Những cải cách đang được thảo luận tại IMF,
cụ thể là việc sử dụng rộng rãi hơn việc gia hạn nợ, và việc loại bỏ các miễn
trừ có hệ thống, là những vấn đề thực sự quan trọng.
Cung cấp thanh khoản. Một lần nữa, vị thế của tổng
tài sản có và nợ tạo ra nguy cơ dừng đột ngột rất lớn, và nhu cầu cung cấp
thanh khoản của quốc tế trên quy mô rất lớn. Sự kết hợp lộn xộn hiện tại giữa
các cơ chế hoán đổi tín dụng của
ngân hàng trung ương với các chương trình thanh khoản của IMF là một công cụ kỳ
lạ. Nó cần được cải tiến, cho dù chỉ để loại bỏ vai trò của các nhân tố chính
trị trong việc ai được hưởng điều gì. Hai cơ chế trên nên được tích hợp tốt
hơn, và tích hợp với các hiệp định của khu vực.
Hỗ trợ kỹ thuật. Qua bảy năm làm việc tại IMF, tôi
bị ấn tượng bởi lợi ích của sự hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực của chúng
tôi. Với kiến thức và mối quan hệ chặt chẽ với các nước thành viên, IMF đứng ở vị thế độc nhất để cung cấp tư vấn, từ việc làm thế nào để thiết kế mục tiêu lạm phát đến việc
làm thế nào để cải thiện việc thu thuế. Thậm chí làm nhiều hơn sẽ tốt hơn.
IMF Survey: Theo ông một nhà cố vấn kinh tế
nên cân bằng như thế nào giữa trách nhiệm của một người phát ngôn của IMF và
vai trò của một học giả/nhà nghiên cứu tạo ra những ý tưởng mới, đặc biệt là
khi những ý tưởng đó mâu thuẫn với quan điểm chính thống của IMF?
Blanchard: Tôi không thấy đó là một vấn đề. Trong bảy năm
làm việc vừa qua, tôi không hề dù là một lần thấy phải né tránh hay làm mờ nhạt
một quan điểm của tôi, hay phải trình bày một quan điểm mà tôi không tin. Nếu
có, tôi nghỉ tôi đã từ chức rồi.
Những người mong đợi tôi bộc bạch tâm tư của tôi
sau khi thôi việc ở IMF sẽ phải thất vọng. Sẽ không có điều gì mới đâu.
IMF Survey: Ông sẽ không thể đi đâu quá xa.
Ông sẽ tập trung làm những gì tại Viện Peterson?
Blanchard: Tôi muốn trở lại làm nghiên cứu về một số vấn đề
cụ thể. Trong bảy năm qua, tôi đã trả lời hàng ngàn câu hỏi, nhưng không có câu
trả lời nào thật sâu sắc. Bây giờ tôi muốn chọn mười trong số cả ngàn câu hỏi
này và trả lời chúng một cách sâu sắc hơn.
Tôi muốn quay trở lại và xem những gì đã xảy ra ở
Bồ Đào Nha, Ireland, Iceland, Hy Lạp, và làm một nghiên cứu chuyên sâu mà chưa
ai trong chúng tôi có thời gian để làm. Tôi muốn suy nghĩ nhiều hơn về nhiều
biện pháp khác nhau để các quốc gia có thể sử dụng nhằm kiểm soát và định hình
các dòng vốn. Trong ngắn hạn, tôi muốn tiếp tục “ngẫm nghĩ lại kinh tế học vĩ mô”...
IMF Survey
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn:
“Blanchard: Looking forward, looking
back”, IMF Survey Magazine,
August 31, 2015
------
Những bài có liên quan trên PTKT:
