28.4.16

John Kenneth Galbraith, người phê phán mạnh mẽ các nhà kinh tế học và kinh tế học



John Kenneth Galbraith, người phê phán mạnh mẽ các nhà kinh tế học và kinh tế học

Gilles Dostaler
Là người bài báng truyền thống, người khiêu khích và là nhà báo viết nhiều, John Kenneth Galbraith công kích kịch liệt những huyền thoại của chủ nghĩa tư bản và nghiên cứu những thực tế của các nền kinh tế hiện đại. Phân tích của ông đã cập nhật quyền lực của các cấu trúc kĩ trị và biến Nhà nước thành một công cụ bảo vệ cần thiết.
Đối với John Kenneth Galbraith, kinh tế học chính thống không được trang bị để hiểu được chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Paul Samuelson (1915-2009)
John Kenneth Galbraith được Paul Samuelson, một người bạn và là một người phản biện ông, mệnh danh là "nhà kinh tế học của những người ngoài ngành". Ngoại trừ Paul Samuelson, tác giả của một cuốn sách giáo khoa đã được bán hàng triệu bản trên toàn thế giới, các đồng nghiệp tân cổ điển của Galbraith có l phải ghen tị với những thành công văn học của tác giả viết nhiều này, mà hầu hết các cuốn sách của ông đều có một phong cách hành văn gọn gàng và dễ đọc thường thiếu trong kinh tế học. Do hạn chế về không gian, trong thư mục về tiểu sử (xem mục John Kenneth Galbraith qua vài năm tháng), chúng tôi chỉ ghi lại khoảng một chục trong số ba mươi cuốn sách của ông đã được xuất bản, cuốn sau cùng lúc ông đã hơn 95 tuổi. Galbraith viết thoải mái trong mọi thể loại, kể cả tiểu thuyết, tự truyện hay phê bình nghệ thuật. Ông cũng là tác giả của nhiều bài viết trên các tờ báo và tạp chí, và thường sử dụng rộng rãi đài phát thanh và truyền hình để truyền bá ý tưởng của mình. Ông không chỉ nói về kinh tế và chính trị, mà còn nói về nhiều vấn đề xã hội khác, trong đó có vấn đề thân phận phụ nữ, các quyền dân sự, quy hoạch đô thị, các vấn đề về môi trường.
Người bài báng truyền thống và khiêu khích
Adlai Stevenson (1900-1965)
John F. Kennedy (1917-1963)
Bị giới kinh tế học chính thống phê bình hay phớt lờ và cố ý coi thường ông, Galbraith còn là mục tiêu công kích của các nhà kinh tế học cấp tiến hay mác-xít, những người xem ông như là một người bảo vệ đặc biệt tinh tế, nếu không muốn nói là ngoan cố, cho chủ nghĩa tư bản. Danh tiếng của ông cũng không kém danh tiếng của Keynes, một nhà kinh tế học mà ông tự xem là môn đồ. Là những người bài báng truyền thống và khiêu khích, hai tác giả này hoan hỉ với việc làm dậy sóng lúc thì ở cánh hữu và lúc thì ở cánh tả.
Eugene McCathy (1916-2005)
George McGovern (1922-2012)
Trên vũ đài chính trị Mỹ, Galbraith là người theo trường phái "tự do" (“liberal”) theo nghĩa của Mỹ, có nghĩa là một người theo cánh tả. Sau khi làm cố vấn và là người soạn thảo diễn văn cho ứng cử viên Adlai Stevenson của Đảng Dân chủ vào năm 1952 và 1956, ông cũng làm nhiệm vụ tương tự với John F. Kennedy, một người bạn của ông và là người đã bổ nhiệm ông làm đại sứ tại Ấn Độ. Ông khuyên John F. Kennedy không tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam, mà ông là một trong những người chống đối quyết liệt nhất. Ông ủng hộ chiến dịch đề cử ứng cử viên Eugene McCathy của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968 và tham gia chiến dịch tranh cử của George McGovern năm 1972. Các quan điểm của ông càng triệt để hơn với sự nổi lên của chủ nghĩa tân tự do, giống như những người theo trường phái keynesian ôn hòa hơn. Galbraith và Samuelson gặp lại nhau trong cuộc chiến chống lại Milton Friedman và bạn bè của tác giả này. Năm 1960, Galbraith cũng đã gợi ý tổng thống Kennedy bổ nhiệm Samuelson làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế, một đề nghị mà tổng thống đã từ chối.
Huyền thoại và thực tế của chủ nghĩa tư bản
John M. Keynes (1883-1946)
Thorstein Veblen (1857-1929)
Galbraith nhìn nhận ông có ba người truyền cảm hứng: Thorstein Veblen, người sáng lập thuyết thể chế của Mỹ, Keynes và Marx. Ông chia sẻ, với những người đàn anh của mình, niềm tin rằng kinh tế học chính thống không được trang bị để hiểu được bản chất và sự vận hành của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Những lý thuyết được giảng dạy trong các sách giáo khoa, ngày càng được hình thức hóa và toán hóa, mô tả một thế giới mê hoặc và phi thực tế, khi chúng không đơn giản là những lời biện hộ cho thuyết tự do kinh doanh.
Edward Chamberlin (1899-1967)
Joan Robinson (1903-1983)
Trong số những huyền thoại trên, một trong những huyền thoại gây ấn tượng mạnh nhất cho rằng giá cả được xác lập bởi sự gặp nhau giữa cung và cầu trên thị trường cạnh tranh. Người tiêu dùng, có chủ quyền, duy lý, có những thị hiếu và sở thích được cho là ngoại sinh, độc lập với sự vận hành của hệ thống kinh tế. Từ những bài viết đầu tiên, lấy cảm hứng từ Veblen và từ các tác phẩm của Edward Chamberlin và Joan Robinson về sự cạnh tranh không hoàn hảo, Galbraith đưa ra ý tưởng cho rằng có hai khu vực trong các nền kinh tế hiện đại. Trong khu vực thứ nhất, bao gồm các ngành nghề được hình thành từ số đông các doanh nghiệp nhỏ, giá cả được xác định một cách hiệu quả theo cách nhích lại gần với điều được giảng dạy trong các sách giáo khoa. Đó là khu vực cạnh tranh, mà ông còn gọi là khu vực thị trường.
Milton Friedman (1912-2006)
Nhưng điều đó không đúng ở khu vực thứ hai, từ lâu là khu vực quan trọng nhất trong các nền kinh tế hiện đại, về mặt sản xuất, thu nhập, việc làm và hiệu ứng lôi cuốn. Trong khu vực này, chính những doanh nghiệp lớn và rất lớn nắm quyền. Và họ có đủ khả năng để thiết lập giá cả của họ. Đó là những mức giá được quản lý. Hơn nữa, họ có thể trả mức lương cao hơn cho nhân viên của họ, bởi vì mức lương đó sẽ được phản ánh lại trong các mức giá của họ, để rồi cuối cùng chính những người tiêu dùng là những người phải thanh toán hóa đơn. Và người tiêu dùng phải thanh toán hóa đơn, chính xác mà nói là bởi vì chủ quyền của họ là một huyền thoại. Họ không có thị hiếu và sở thích bẩm sinh. Chính doanh nghiệp là những người hình thành nên sở thích của người mua, bằng sự thổi phồng quảng cáo. Cầu không hề độc lập với cung. Sản xuất tạo ra nhu cầu hơn là thỏa mãn nhu cầu.


Theo một huyền thoại khác của kinh tế học tân cổ điển, cùng với cách thức mà người tiêu dùng tối đa hóa một cách duy lý sự hài lòng của họ, thì nhà sản xuất cũng tối đa hóa lợi nhuận của họ. Nhà sản xuất được mô tả trong sách giáo khoa là nhà doanh nghiệp nhỏ giao dịch trong một thị trường cạnh tranh. Từ nay các doanh nghiệp lớn được điều hành bởi một đội ngũ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và các chuyên gia mà Galbraith gọi là "cấu trúc kĩ trị". Cấu trúc kĩ trị này quan tâm đến sự tồn tại và tái sản sinh bản thân họ, đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp, đến sự giảm thiểu rủi ro và đến sự hài lòng của các cổ đông, hơn là sự tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận. Cấu trúc kĩ trị hoạch định các hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy Galbraith còn gọi khu vực thứ hai này là "khu vực được hoạch định".


Phân tích vừa được trình bày chủ yếu được phát triển trong bốn tác phẩm chính của ông: American Capitalism (Chủ nghĩa tư bản Mỹ), The Affluent Society (Kỷ nguyên của sự giàu có), The New Industrial State (Nhà nước công nghiệp mới), và Economics and the Public Purpose (Khoa học kinh tế và mục tiêu công). Người ta ghi nhận, từ giữa năm 1952 đến 1967 và cả sau đó nữa, cho đến cuốn sách cuối cùng của ông, một sự bi quan lớn dần về khả năng cải cách một hệ thống mà các khuyết tật và sự trục trặc vận hành đã trầm trọng thêm.
Phân giới cấu trúc kĩ trị
Galbraith thừa nhận rằng hệ thống hiện đại của các doanh nghiệp lớn hoạt động rất hiệu quả trong việc sản xuất ra hàng hóa. Nhưng những hàng hóa này rất thường là những hàng hóa không cần thiết. Và, bên cạnh một nền sản xuất tư nhân đại trà này, là một tình trạng xuống cấp trong lãnh vực công cộng: trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông. Năm 1958, trong cuốn The Affluent Society (Kỷ nguyên của sự giàu có), Galbraith đã thu hút sự chú ý đến tình trạng suy thoái môi trường đi kèm với sự tăng trưởng giàu có và, với sự gia tăng bất bình đẳng và sự nhân bội các cuộc xung đột vũ trang, tạo nên một trong những mối đe dọa lớn nhất cho tương lai của nhân loại.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Ông không đề xuất loại bỏ các doanh nghiệp lớn và khôi phục lại sự cạnh tranh. Sự tăng trưởng không thể tránh khỏi của chúng là một tất yếu công nghệ. Ông viết rằng, khi người ta muốn khách nước ngoài tham quan các doanh nghiệp thành đạt nhất, thì người ta dẫn họ tham quan chính những nơi tương tự với những nơi bị các thanh tra của luật chống độc quyền giám sát chặt chẽ. Phải bãi bỏ pháp chế lỗi thời này. Về điểm này, Galbraith nối lại các ý tưởng ​​của Joseph Schumpeter, một đồng nghiệp của ông ở Đại học Harvard.
Nhưng không phải vì thế mà để cấu trúc kĩ trị tự do hành động. Đối lại với khu vực quy hoạch của nền kinh tế phải là những thế lực mà Galbraith gọi là các “thế lực bù trừ". Bên cạnh thế lực của nghiệp đoàn, chính Nhà nước là thế lực tốt nhất có thể đối kháng với quyền lực của các doanh nghiệp lớn. Ngoài các chính sách tài khóa và tiền tệ theo kiểu keynesian, ngoài việc kiểm soát giá cả và tiền lương để kiềm chế lạm phát, Galbraith chủ trương một sự can thiệp tích cực hơn nữa của Nhà nước trong nền kinh tế. Sự can thiệp đó có thể đi đến việc quốc hữu hóa, ví dụ như trong ngành giao thông, nhà ở hay chăm sóc y tế. Ông cũng đề xuất việc quốc hữu hóa ngành công nghiệp quân sự.
Trong cuốn Economics and the Public Purpose (Khoa học kinh tế và mục tiêu công), ông sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa xã hội để mô tả đề xuất cải cách của ông về các mối liên kết giữa Nhà nước, khu vực thị trường và khu vực các doanh nghiệp lớn. Chủ nghĩa xã hội này cho phép trả một mức lương tối thiểu cao hơn, một sự phân phối lại thu nhập từ người giàu cho người nghèo, một sự kiểm soát tốt hơn về môi trường và một sự bảo vệ công dân tốt hơn trước mọi rủi ro, rủi ro kinh tế và các rủi ro khác. Để nói một cách nhẹ nhàng, Hoa Kỳ của năm 2012 còn xa mới đạt mong ước trên. Trong cuốn sách cuối cùng của ông, được xuất bản năm 2004, hai năm trước khi ông qua đời, Galbraith chỉ có thể lưu ý rằng quyền lực của các doanh nghiệp lớn và của các nhà lãnh đạo của họ càng lớn hơn bao giờ hết, trong khi các nhà kinh tế học tiếp tục lan truyền huyền thoại của họ, điều mà ông gọi là "sự gian lận ngây ngô".
John Kenneth Galbraith qua vài năm tháng
1908: sinh ngày 15 tháng Mười tại Iona Station, Ontario, Canada.
1931: tốt nghiệp cử nhân tại trường cao đẳng nông nghiệp Ontario, liên kết với trường Đại học Toronto.
1934: đỗ bằng Tiến sĩ kinh tế nông nghiệp của trường Đại học California tại Berkeley.
1935-1939: giảng dạy tại Đại học Harvard, nơi ông làm quen với John F. Kennedy.
James K. Galbraith (1952-)
1937: có được quốc tịch Hoa Kỳ; kết hôn với Catherine Atwater; họ có ba người con trai, trong đó có nhà kinh tế học James K. Galbraith.
1939-1941: giảng dạy tại Đại học Princeton.
1941-1943: Trưởng bộ phận quản lý giá cả của Cục quản lý giá cả và phân phối.
1943-1948: làm nhà báo cho tạp chí Fortune.
1945: đồng điều hành cuộc khảo sát về tác động của các cuộc bỏ bom của Mỹ.
1946: Giám đốc Cục Kiểm soát Kinh tế của Bộ ngoại giao.
1947: được trao tặngHuân chương Tự do.
1949-1975: Giáo sư tại Đại học Harvard.
1952: A Theory of Price Control (Một lý thuyết về kiểm soát giá cả); American Capitalism: The Concept of Countervailing Power (Chủ nghĩa tư bản Mỹ: Khái niệm về quyền lực đối trọng).
1954: The Great Crash, 1929 (Cuộc đại đổ vỡ, 1929).
1958: The Affluent Society (Xã hội thịnh vượng).
1961-1963: làm Đại sứ của Hoa Kỳ tại Ấn Độ.
1967: The New Industrial State (Nhà nước công nghiệp mới).
1967-1969: Chủ tịch Hội những người Mỹ vì hành động dân chủ.
1972: Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ.
1973: Economics and the Public Purpose (Kinh tế học và mục tiêu công).
1977: The Age of Uncertainty (Kỷ nguyên của sự bất trắc).
1981: A Life in our Times: Memoirs (Một Cuộc sống trong Thời đại của chúng ta: Hồi ).
1984-1987: Chủ tịch Học viện và Viện Văn học Nghệ thuật của Mỹ.
1987: Economics in Perspective. A Critical History (Quan điểm về kinh tế học. Một lịch sử quan trọng).
1990: A Tenured Professor (Một giáo sư cơ hữu).
1992: The Culture of Contentment (Văn hóa thỏa mãn).
1996: The Good Society: The Humane Agenda (Xã hội tốt lành: Nghị trình nhân văn).
1997: được trao tặng huy chương Officier de l’Ordre của Canada.
1999: Name-Dropping: from F. D. R. On (Mượn tên của các nhân vật nổi danh: từ F. D. A. On).
2004: The Economics of Innocent Fraud: Truth for our Time (Kinh tế học về sự gian lận ngây ngô: Chân lý cho thời kỳ của chúng ta).
2006: mất ngày 29 tại Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Galbraith
Le capital américain: le concept du pouvoir compensateur, Génin, 1956.
La crise économique de 1929, Payot, 1961.
L’ère de l’opulence, Calmann-Lévy, 1961.
Le nouvel Etat industriel, Gallimard, 1968.
La science économique et l’intérêt général, Gallimard, 1974.
Le temps des incertitudes, Gallimard, 1978.
Une vie dans son siècle, Gallimard, 1983.
L’économie en perspective: une histoire critique, Le Seuil, 1989.
Monsieur le professeur, Belfond, 1991.
La république des satisfaits. La culture du contentement aux États-Unis, Le Seuil, 1993.
Des amis bien placés: de Roosevelt à aujourd’hui, Le Seuil, 2001.
Những tác phẩm viết về Galbraith
Unconventional Wisdom: Essays on Economics in Honor of John Kenneth Galbraith, của Samuel Bowles, Richard C. Edwards et William G. Shepherd (chủ biên), Houghton Mifflin, 1989.
Contre Galbraith, của Milton Friedman, Economica, 1977.
John Kenneth Galbraith: la maîtrise sociale de l’économie, của Ludovic Frobert, Michalon, 2003.
John Kenneth Galbraith: his Life, his Politics, his Economics, của Richard Parker, Farrar, Straus and Giroux, 2005.
Galbraith and Market Capitalism, của David Reisman, Mcmillan, 1980.
John Kenneth Galbraith, của J. Ron Stanfield, Mcmillan, 1996.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “John Kenneth Galbraith, pourfendeur des économistes et de l'économie” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
Print Friendly and PDF