Thorstein Veblen, nhà tiên phong của học thuyết thể chế
Là người phê phán nặng nề xã hội đương thời, Veblen mở đường
cho phái phi chính thống chống lại sự thống trị của tư tưởng tân cổ điển.
Thorstein Veblen (1857-1929) |
Thorstein
Veblen. Cuộc đời và
các tác phẩm của ông được đánh dấu bởi tinh thần phi tuân phục.
Thorstein Veblen là người bài báng
truyền thống điển hình nhất. Cuộc đời của ông cũng như các tác phẩm của ông
được đánh dấu bởi tinh thần phi tuân phục và li khai. Sinh năm 1857, ông lớn
lên trong một cộng đồng nông dân người Na Uy di cư đến Hoa Kỳ, nhưng sống rất
khép kín. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ lấy cảm hứng từ các ý tưởng của Kant
và Spencer, ông rút lui trong bảy năm về trang trại của gia đình, nơi ông đắm
chìm trong một biển sách và đọc chúng với một tốc độ phi thường. Ông chỉ bắt
đầu kiếm sống từ năm 34 tuổi. Cách hành xử lạ thường của ông, cách ăn mặc của
ông, phương pháp giảng dạy kém chính thống của ông, cuộc sống tình cảm đầy dông
bão, và sự thù địch công khai đối với tôn giáo đã làm phức tạp thêm sự nghiệp
học thuật của ông được đánh dấu bởi những hợp đồng lao động không được gia hạn
và những thời kỳ thất nghiệp.
Phê phán lý thuyết kinh tế
Thế nhưng, các đồng nghiệp của ông đã
biết nhận ra giá trị của một sản phẩm, kết hợp những lời phê phán mỉa mai cay
độc với nghiên cứu phân tích độc đáo, ở ranh giới của kinh tế học, xã hội học
và sử học. Năm 1925, khi ông gần 70 tuổi, Veblen được mời đảm nhận một chức vụ
uy tín là chủ tịch Hiệp hội kinh tế học Mỹ, với điều kiện là ông đồng ý trở
thành thành viên! Trung thành với chính mình, ông từ chối vinh dự ấy, cho rằng đáng
lí ra người ta nên mời ông khi ông từng cần đến chức danh đó. Năm sau, ông lui
về sống ẩn dật trong một căn chòi mộc mạc, mà tự tay ông đóng bàn ghế, trên một
ngọn đồi ở bờ biển California.
Thorstein Veblen (1857-1929) |
Là người phê phán không thương xót và
mỉa mai tàn nhẫn xã hội đương thời, Veblen cũng phê phán những lý thuyết nào có
tham vọng giải thích xã hội ấy, đặc biệt hơn lý thuyết kinh tế. Ông là người đã
tạo ra thuật ngữ "kinh tế học tân cổ
điển", để nhấn mạnh đến sự liên tục hơn là sự đổ vỡ giữa kinh tế học
chính trị cổ điển và kinh tế học cận biên mới. Cũng giống như nhiều trường hợp
khác trong lĩnh vực tư tưởng xã hội, Veblen cho rằng lý thuyết tân cổ điển chậm
hơn so với thực tế mà nó nghĩ là đã được nó phân tích và giải thích. Trừu
tượng, suy diễn và tĩnh tại, lý thuyết đó không có khả năng lý giải sự tăng
trưởng kinh tế và các cuộc khủng hoảng. Nó bế môn đối với các ngành học khác,
chẳng hạn như xã hội học và sử học, trong khi cần phải có một cách tiếp cận đa
ngành để hiểu được sự tiến hóa của xã hội và sự biến đổi của các thể chế. Nó có
một quan niệm hẹp về con người, bị những thành tựu của sinh học, nhân chủng học
và tâm lý học phản bác. Homo œconomicus
là một nguyên tử thụ động, "một số
những ham muốn", một con người tính toán những hoan lạc và đau đớn,
không tương ứng với bất cứ điều gì trong thực tế.
Là người phê phán kinh tế học tân cổ
điển, Veblen cũng phê phán luôn chủ nghĩa Mác, mặc dù rõ ràng là ông gần gũi
với chủ nghĩa này hơn. Ông phê phán quan niệm quyết định luận lịch sử của Marx và
của Hegel, người tạo cảm hứng cho Marx. Ông cho rằng lý thuyết giá trị lao động
và giá trị thặng dư không thích hợp với những phức tạp của xã hội công nghiệp
hiện đại bị chi phối bởi việc sử dụng máy móc một cách đại trà. Ông không tin
vào cuộc đấu tranh giai cấp theo cách của Marx. Ông cho rằng giai cấp vô sản
không tìm cách nổi dậy, mà bị các tầng lớp thượng lưu làm biến chất do hấp thụ các
giá trị của họ và tìm cách bắt chước họ.
Bản năng, sự tiến hóa
và các thể chế
Còn lâu mới là một thế giới của sự hài
hòa và cân đối, xã hội, từ thời nguyên thủy, là sân khấu của những cuộc xung
đột và thống trị. Còn lâu mới là một nhà tính toán duy lí sự hoan lạc, con
người bị thúc đẩy bởi những bản năng và xung năng không hợp lý. Những bản năng
đó tiến hóa với những biến đổi, bắt đầu từ các cộng đồng nguyên thủy, dẫn đến
các xã hội công nghiệp hiện đại. Một trong những bản năng nguyên thủy quan
trọng nhất là bản năng săn mồi, dẫn đến việc một thiểu số người nhàn rỗi chiếm
hữu thặng dư kinh tế. Bản năng đó xuất hiện chủ yếu trong các mối quan hệ giữa
nam và nữ. Sau đó nó đối lập "giai
cấp nhàn rỗi", thường dành thời giờ cho những hoạt động thể thao, tôn
giáo, với chiến tranh và chính quyền, với giai cấp lao động. Bản năng săn mồi
thường đi kèm với thiên hướng về chiến công và thành tích, những bản năng của
chiến binh và vận động viên thể thao. Trong xã hội hiện đại, bản năng đó được
thể hiện dưới hình thức tranh đua tiền bạc thể hiện bằng việc khoe mẻ và phô
trương trong tiêu dùng, vui chơi giải trí và hoang phí. Địa vị càng cao trên
nấc thang xã hội, thì người ta càng ít tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu của mình,
nhưng lại càng tiêu dùng nhiều để thể hiện ưu thế, quyền lực, sự giàu có của
mình. Vì vậy người ta gọi đó là "sản
phẩm Veblen", những thứ mà mức cầu giảm khi mà giá cả giảm. Đối lập
với những xung năng tiêu cực đó là bản
năng nghề nghiệp, hay bản năng lao
động (workmanship), thiên hướng
sự tự do tò mò và bản năng của cha mẹ.
Đó là những động lực của sự tiến bộ kinh tế, xã hội, khoa học.
Veblen không tin rằng những bản năng trên
là một cái gì đó riêng của một giai cấp xã hội. Các bản năng ấy có thể được tìm
thấy, ở nhiều mức độ khác nhau, ở tất cả mọi người. Ngay cả người nghèo nhất,
chịu ảnh hưởng của quảng cáo và khuôn mẫu, cũng tham gia vào những trò giải trí
và tiêu dùng mang tính phô trương.
Là người ngưỡng mộ Darwin, Veblen đặt
sự tiến hóa và các thể chế, cùng với bản năng, ở vị trí trung tâm của tầm nhìn
về xã hội. Ông định nghĩa các thể chế, không phải như là các tổ chức, mà là
"những thói quen tinh thần nổi trội,
những lối suy nghĩ rất phổ biến về những mối quan hệ đặc biệt và những chức
năng đặc biệt của cá nhân và xã hội" (Lý thuyết về giai cấp nhàn rỗi,
trang 125). Đó là những phong tục, những tập quán, những hành vi ứng xử, những
nguyên tắc pháp lý. Như vậy, các thể chế này là một chiều kích văn hóa quan
trọng và chúng phát triển bằng việc thích nghi với môi trường thay đổi. Nhưng
trong hầu hết mọi thời kỳ, chúng đều tiến triển chậm hơn so với sự tiến bộ về
khoa học và công nghệ, và sự chậm trễ đó là cội nguồn chính của các vấn đề kinh
tế và xã hội.
Phê phán kinh tế học
hiện đại
Veblen vận dụng phân tích về tính hai
mặt trên vào việc nghiên cứu nền kinh tế hiện đại. Trong nền kinh tế hiện đại,
bản năng nghề nghiệp tương ứng với ngành sản xuất công nghiệp. Bản năng săn mồi
tương ứng với giới kinh doanh. Tiến bộ sản xuất công nghiệp gắn với sự tiến bộ
của khoa học và kỹ thuật. Ngành sản xuất công nghiệp hiện đại được đặc trưng
đặc biệt bởi vai trò trung tâm của việc sử dụng máy móc một cách đại trà. Mục đích
của hoạt động sản xuất công nghiệp là sản xuất ra sản phẩm, để nâng cao phúc
lợi của người dân. Ông chỉ ra rằng, trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, hoạt động
sản xuất được quản lý trong khuôn khổ các doanh nghiệp kinh doanh. Các doanh
nghiệp này đầu tư vì lợi ích tài chính, vì lợi nhuận. Vấn đề không phải là tạo
ra sản phẩm, mà là kiếm tiền.
Không có gì đảm bảo lợi ích của ngành
sản xuất công nghiệp trùng với lợi ích của nhà kinh doanh, mà còn ngược lại
nữa. Như vậy doanh nghiệp có thể có lãi, thậm chí khi hoạt động chống lại xã
hội, kiềm chế sản xuất, tăng giá không có cơ sở, lãng phí nguồn lực, sản xuất
ra những sản phẩm vô ích hay có hại. Có một thời, vào thời điểm xuất hiện chủ
nghĩa tư bản, doanh nghiệp được lãnh đạo bởi một nhà công nghiệp đích thực được
thúc đẩy bởi bản năng nghề nghiệp. Từ nay, quyền lực kinh tế nằm trong tay
những kẻ săn mồi hiện đại là những thủ lĩnh sản xuất công nghiệp và tài chính.
Veblen là một trong những người đầu tiên mô tả các tác động của sự tách biệt
giữa sở hữu và quản lý doanh nghiệp, và sự xuất hiện của khái niệm "sở hữu vắng mặt" được áp đặt trong
thời hậu chiến như là hình thức thống trị của chủ nghĩa tư bản. Các cuộc khủng
hoảng kinh tế và tình trạng thất nghiệp là sản phẩm của "sự kiềm chế sản xuất đó mà sở hữu tư bản thực
thi trên các hệ thống giá cả" (Các kỹ sư và chủ nghĩa tư bản, trang
135). Lạm phát tín dụng và sự tư bản hóa chứng khoán thái quá tạo ra một sự mất
cân đối ngày càng tăng giữa tư bản thực, có tính sản xuất, sờ mó được, và tư
bản tiền tệ, thiêng liêng.
Để khắc phục tình trạng bế tắc ấy,
Veblen hy vọng kiểm soát được ngành sản xuất công nghiệp bởi những tác nhân
đích thực có bản năng nghề nghiệp, những nhân viên kỹ thuật và những kỹ sư, kết
hợp với người lao động chân tay. Tuy nhiên, ông không giải thích làm thế nào để
xây dựng chế độ "các xô-viết những
kỹ thuật viên" này và cách thức chúng hoạt động. Trong những năm cuối
đời, ông càng thất vọng và bi quan trước những gì được ông xem như là một sự
thông đồng ngày càng lớn giữa giới kinh doanh, giới tôn giáo và giới hiếu
chiến. Chắc chắn ông sẽ không bỡ ngỡ nếu sống lại ngày nay!
Chết tương đối trong cô đơn, Veblen có
hai môn đồ, John R. Commons và Wesley C. Mitchell, những kiến trúc
sư thực thụ của dòng tư tưởng thể chế mà ông có thể được coi là cha đẻ. Là phái
phi chính thống chính chống lại sự chi phối của thuyết tân cổ điển ở Hoa Kỳ,
thuyết thể chế đã có nhiều dạng khác nhau, đôi khi rất khác xa với ý tưởng của
Veblen. Sau khi tạo cảm hứng cho chương trình New Deal của tổng thống
Roosevelt, học thuyết này trải qua một hành trình dài băng qua sa mạc trong
thời hậu chiến, và trường phái đã thấy một sự hồi sinh quan trọng kể từ những
năm 1960, đặc biệt với sự thành lập của Hiệp hội kinh tế học tiến hóa.
Thorstein
Veblen qua vài năm tháng
1857: sinh ngày 30 tại Cato, ở bang
Wisconsin, Mỹ, trong một gia đình nông dân nhập cư từ Na Uy.
1880: đỗ bằng tú tài ở trường Carleton
College, Minnesota.
1881-1882: học ở Đại học Johns Hopkins.
1884: lấy bằng tiến sĩ triết học ở Đại học
Yale.
1884-1891: bảy năm ở ẩn tại nông trại của gia
đình.
1888: kết hôn với Ellen Rolfe.
1891: nghiên cứu kinh tế học tại Đại học
Cornell.
1892-1906: dạy học tại Đại học Chicago, nơi ông
làm Thư kí tòa soạn của tạp chí Journal
of Political Economy.
1899: The
Theory of the Leisure Class (Lý thuyết
về giai cấp nhàn rỗi).
1904: The
Theory of Business Enterprise (Lý
thuyết về doanh nghiệp kinh doanh).
1906-1909: dạy học tại trường Đại học Stanford.
1911: ly hôn với Ellen Rolfe.
1911-1918: dạy học tại trường Đại học Missouri.
1914: The
Instinct of Workmanship and the State of Industrial Arts (Bản năng lao động và trạng thái các ngành
nghề công nghiệp). Kết hôn với Anne Bradley, qua đời năm 1920 vì bệnh rối
loạn tâm thần.
1915: Imperial
Germany and the Industrial Revolution (Đế
quốc Đức và cuộc cách mạng công nghiệp).
1918: làm việc tại Cục Quản lý Thực phẩm
và là thành viên của ban biên tập một tạp chí có khuynh hướng tiến bộ The Dial. An Inquiry into the Nature of Peace and the Terms of its Perpetuation
(Một nghiên cứu về bản chất của hòa bình
và các điều khoản về sự vĩnh cửu).
1918: The
Higher Learning in America (Giáo dục
đại học ở Mỹ).
1919: tham gia thành lập, ở New York,
trường New School for Social Research (trường Nghiên cứu Xã hội), nơi ông thỉnh
thoảng đến dạy học cho đến năm 1926. The
Vested Interests and the Common Man. The
Place of Science in Modern Civilization and Other Essays (Những giới có thế lực và con người bình thường. Vị trí của khoa học trong nền văn minh hiện đại và các tiểu luận khác).
1921: The
Engineers and the Price System (Các
kỹ sư và hệ thống giá cả).
1923: Absentee
Ownership and the Business Enterprise in Recent Times (Vắng mặt chủ sở hữu và doanh nghiệp kinh doanh trong thời gian gần đây).
1926: nghỉ hưu ở Palo Alto, California.
1929: mất ngày 03 tháng 8, vì bệnh tim.
Để tìm hiểu thêm
• The
Collected Works of Thorstein Veblen,
Routledge, 10 vol., 1994.
• A
Veblen Treasury: From Leisure Class to War, Peace, and Capitalism, M. E. Sharpe, 1993.
• Théorie de la classe de loisir, Gallimard,
1970.
• Les ingénieurs et le capitalisme, Gordon &
Breach, 1971.
Những tác phẩm viết về Veblen
• Thorstein
Veblen and his America,
Joseph Dorfman, Viking Press, 1934.
• Veblen
in Perspective: his Life and Thought,
Stephen Edgell, M. E. Sharpe, 2001.
• La sociologie économique, 1890-1920, Jean-Jacques Gislain et
Phillippe Steiner, PUF, 1995.
• Thorstein Veblen et la tradition dissidente dans la
pensée économique américaine, Annie Vinokur, Librairie générale de droit et de
jurisprudence, 1969.
• Thorstein
Veblen: Critical Assessments,
John Cunningham Wood, Routledge, 3 vol., 1993.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện
Quốc Việt dịch.
Nguồn: “Thorstein Veblen, pionnier del'institutionnalisme” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012