2.10.15

Paul A. Samuelson, nhà kinh tế tổng quát cuối cùng


Paul Samuelson (1915-2009)

Paul A. Samuelson, nhà kinh tế tổng quát cuối cùng

Là nhà kinh tế sớm phát triển, có nhiều bài viết và là nhà kinh tế tổng quát, Paul A. Samuelson đã biến đổi cách thức làm kinh tế từ giữa thế kỷ XX, bằng việc hình thức hóa, thông qua toán học, tất cả các lãnh vực của lý thuyết.
Paul Samuelson luôn là người ủng hộ nhà nước phúc lợi và một chủ nghĩa can thiệp quan trọng.
Paul Samuelson là một trong những nhà kinh tế phát triển sớm nhất và có nhiều bài viết nhất trong lịch sử của bộ môn. Vào năm 21 tuổi, ông bắt đầu công bố nhiều bài báo quan trọng và tiếp tục không ngừng trong một nửa thế kỷ, với một tốc độ chóng mặt. Năm tập của bộ Collected Writings (Các tuyển tập) có đến 388 bài, trong tổng số khoảng 500 bài. Vào năm 26 tuổi, ông bảo vệ một luận án tiến sĩ, xuất bản năm 1947, được coi là một tác phẩm quan trọng. Tại Đại học Harvard, người ta hối hận để ông ra đi đến học viện MIT năm 1940, chủ nghĩa bài Do Thái có lẻ đóng một vai trò nào đó trong sự kiện này.
Để chứng minh sự xuất sắc của ông trong mọi thể loại, năm 1948, Samuelson xuất bản một giáo trình, nhanh chóng trở thành một trong những ấn bản kinh tế thành công lớn nhất. Nhiều triệu ấn bản đã được bán ra, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, đã làm cho ông thành một người giàu có. Samuelson nói rằng ông viết cuốn sách trên bởi vì ông cần tiền sau khi vợ ông sinh ba. Những thành công và danh hiệu cứ liên tiếp đến với ông, cho tới năm 1970, khi Ngân hàng Thụy Điển vinh danh ông trong lần thứ hai giải của định chế này được trao "để tưởng nhớ Alfred Nobel", ông là người Mỹ đầu tiên được trao giải thưởng này. Sự nổi tiếng của Samuelson cũng tượng trưng cho sự chuyển giao ngọn đuốc của bộ môn từ Anh sang Hoa Kỳ.
Milton Friedman (1912-2006)
Một dấu hiệu uy tín khác của ông, khi những nhà kinh tế học cấp tiến người Mỹ quyết định xuất bản, năm 1977, một giáo trình phi chính thống, họ không tìm ra được điều gì tốt hơn là gọi nó là Anti-Samuelson (Chống lại Samuelson), điều mà, với tính hài hước quen thuộc, ông xem như là một vinh dự! Nghịch lý thay, thời kỳ đó là thời kỳ mà cán cân quyền lực trong giới kinh tế học thay đổi ở Hoa Kỳ, cũng như ở những nơi khác trên thế giới, Samuelson bị Milton Friedman và những nhà kinh tế học cổ điển mới, những người mà ông chưa bao giờ nghĩ có điều gì đó chung, đẩy sang phía tả.

Toán học hóa bộ môn

Samuelson chia sẻ với Keynes và một vài nhà kinh tế học khác, ngoài một sự tự tin lớn, đôi khi gần với sự tự phụ, một ngòi bút gọn gàng, cũng như một nền văn hóa và sự uyên bác ấn tượng. Nếu chúng có công đóng góp, thì những phẩm chất này không đảm bảo cho danh tiếng của ông. Samuelson đã thực sự biến đổi cách thực hành kinh tế học bắt đầu từ giữa thế kỷ trước, qua việc viết sách báo cũng như giảng dạy. Sử dụng các bài báo thay vì các cuốn sách như là phương tiện chính để phổ biến tư tưởng, ông tự đặt nhiệm vụ làm rõ bằng cách hình thức hóa, với các công cụ toán học, tất cả những lãnh vực của lý thuyết kinh tế, đưa ra những giải pháp chặt chẽ cho tất cả những vấn đề đặt không khéo và được hình thức hóa kém bởi những người đi trước ông.
Vào lúc ông bắt đầu học kinh tế học năm 1932, tại Đại học Chicago, kinh tế học là một bô môn chủ yếu mang tính văn liệu. Ông sớm phát hiện ra, theo chính lời chia sẻ của ông, rằng toán học có đủ khả năng để cách mạng hóa kinh tế học hiện đại. Ông tin chắc rằng tất cả các lãnh vực của lý thuyết kinh tế đều có những đặc tính chung: nguyên lý tối đa hóa, bản chất của cân bằng, các quan hệ giữa trạng thái tĩnh và động. Kể từ đó nghiên cứu của ông bao gồm việc đề xuất điều mà ông gọi là các định lý có ý nghĩa, sử dụng các phương pháp toán học, lấy cảm hứng từ các ngành khoa học tự nhiên. Samuelson thực sự tin về sự tương tự giữa các ngành khoa học nhân văn và ngành khoa học tự nhiên.
Được trình bày trong cuốn Foundations of Economic Analysis (Các nền tảng của phân tích kinh tế) của ông, chương trình nghiên cứu đó được triển khai một cách có hệ thống, trong suốt sự nghiệp của ông, trong tất cả các lĩnh vực. Samuelson cũng tự mô tả ông như là nhà kinh tế tổng quát cuối cùng của bộ môn này, từ nay được đặc trưng hóa bởi một sự chuyên môn hóa quá đáng. Những đóng góp đáng kể đầu tiên của ông liên quan đến lý thuyết người tiêu dùng, nơi ông phát triển phương pháp các sở thích được bộc lộ, để thoát khỏi khái niệm lợi ích. Ông nghiên cứu rất sớm thương mại quốc tế, chứng minh những lợi thế của tự do thương mại với định lý nổi tiếng của ông về việc làm ngang bằng giá các nhân tố. Trong khi còn là sinh viên, ông kết hợp các khái niệm về số nhân và gia tốc để nghiên cứu những biến động mang tính chu kỳ. Sau đó, ông can dự, trong số những lãnh vực khác, vào các lĩnh vực tài chính công, cân bằng chung, lý thuyết phúc lợi, kinh tế học lao động, kinh tế học không gian, lý thuyết về tư bản và tăng trưởng.
Robert Solow (1924)
Trong lĩnh vực sau cùng trên, cùng với Robert Solow một người bạn và đồng nghiệp của ông, ông là một trong những tác nhân chính trong "cuộc chiến giữa hai trường Cambridge": cuộc chiến này đối lập, vào bước ngoặt của những năm 1960, những nhà kinh tế học tân cổ điển ở Hoa Kỳ với những nhà kinh tế học hậu keynesian. Ngoài ra, Samuelson còn can dự vào lĩnh vực lịch sử tư tưởng cũng như phương pháp luận kinh tế. Marx, trong số những nhà kinh tế học khác, là một trong những đối tượng quan tâm của ông. Tuy không có "trường phái Samuelson", nhưng phần lớn lý thuyết tân cổ điển đương đại thấm đậm những đóng góp của ông. Không sinh viên nào có thể tham khảo văn liệu kinh tế mà không bắt gặp các bài viết của Samuelson.

Học thuyết Keynes và tổng hợp tân cổ điển

Ai cũng biết sự ngờ vực của Keynes đối với kinh tế toán học và sự dị ứng của ông đối với kinh tế học cổ điển, mà đối với ông còn bao gồm luôn kinh tế học tân cổ điển. Nghịch lý thay, chính Samuelson, từ đầu những năm 1940, sẽ là một tông đồ chính của lý thuyết keynesian, ở Hoa Kỳ và cả trên thế giới. Là một tông đồ đặc biệt bởi vì ông sẽ trở thành nhà vô địch học thuyết keynesian khi toán học hóa lý thuyết của Keynes và kết hợp nó với kinh tế học vi mô tân cổ điển. Vả lại chính Samuelson là người đã đại chúng hóa việc phân chia bộ môn này thành kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô, trong cuốn giáo trình đã từng đào tạo hàng thế hệ sinh viên từ năm 1948.
Joan Robinson (1903-1983)
Để mô tả việc xác định thu nhập quốc dân trong mô hình keynesian, ấn bản đầu tiên của cuốn giáo trình giới thiệu một hình thức hóa dễ hơn, đối với các sinh viên mới nhập môn, so với mô hình IS-LM được Hicks và Hansen phát triển. Với đường Phillips, năm 1960, Samuelson và Solow đại chúng hóa công cụ mô tả sự đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát.
Trong lần xuất bản thứ năm cuốn sách giáo khoa của ông, Samuelson đã đưa vào cụm từ "tổng hợp tân cổ điển" để mô tả sự kết hợp giữa kinh tế học vi mô tân cổ điển, theo kiểu Walras, và kinh tế học vĩ mô theo Keynes. Tuy nhiên, kinh tế học vĩ mô trên rũ bỏ một số đặc tính cơ bản của phương thức tiếp cận của Keynes, chẳng hạn như việc tính đến yếu tố thời gian, những dự kiến và sự bất trắc. Những môn đồ cấp tiến của Keynes, đặc biệt Joan Robinson, lên án sự phản bội và cho rằng học thuyết Keynes theo kiểu Samuelson là lý thuyết tạp chủng.

Một nhà kinh tế học tự do người Mỹ

Samuelson tự cho mình là người theo thuyết tự do, giống như bố ông. Thuật ngữ tự do ở đây phải được hiểu theo nghĩa của Mỹ chứ không phải theo nghĩa của châu Âu. Tại Hoa Kì, người theo thuyết tự do dè chừng với thị trường, ủng hộ một sự can thiệp đôi khi quan trọng của nhà nước trong nền kinh tế, đặc biệt để thực thi toàn dụng lao động và một sự phân phối thu nhập công bằng hơn. Là đồng nghiệp của Friedman tại Đại học Chicago trong những năm 1930, Samuelson không ngừng đối lập với ông ấy trong suốt sự nghiệp của mình. Trái với niềm tin của Friedman, Hayek và các môn đồ của họ, ông thường nhắc đi nhắc lại rằng những người ủng hộ tự do kinh doanh thích nghi dễ hơn với chủ nghĩa chuyên quyền chính trị, như thời kỳ của chủ nghĩa McCarthy, từng là một mối đe dọa phát xít thực sự đối với Hoa Kỳ, hay như cuộc đảo chính ở Chile, với sự đổ bộ sau đó của các "Chicago Boys" đã cho thấy.
Như vậy Samuelson đã luôn ủng hộ nhà nước phúc lợi và một chủ nghĩa can thiệp quan trọng. Ông đã bảo vệ điều ấy, trong nhiều năm, trên các trang báo của tạp chí Newsweek. Ông đã bảo vệ ý tưởng của mình với tư cách là nhà tư vấn cho nhiều tổ chức, cả tư lẫn công. Là cố vấn kinh tế cho thượng nghị sĩ, ứng cử viên và sau đó là Tổng thống John F. Kennedy, ông đã từ chối chức chủ tịch Hội ​​đồng cố vấn kinh tế trong nội các của ông ấy, thích hoạt động như một mưu sĩ. Sau đó ông là người đề xướng một chính sách tài khóa mở rộng, được triển khai dưới tên gọi "kinh tế học mới". Đầu những năm 1960 đánh dấu sự thắng thế của chủ nghĩa can thiệp keynesian tại Hoa Kỳ.
Từ đó đến nay, gió đã đổi chiều. Samuelson thường xuyên phản đối các chính sách của các chính phủ Mỹ liên tiếp, lấy cảm hứng từ các nhà kinh tế học "nước ngọt" của Chicago, bên bờ hồ Michigan, hơn là từ các nhà kinh tế học "nước mặn" của Harvard, bên bờ Đại Tây Dương. Là người phê phán rất mạnh chính sách kinh tế của tổng thống George W. Bush, Samuelson đã kêu gọi bỏ phiếu bầu cho John Kerry trong cuộc bầu cử năm 2004. Sự nghiệp của ông cho thấy một thực tế là người ta không thể hỗn hợp hóa lý thuyết tân cổ điển, cánh hữu chính trị và kinh tế toán học.

Paul A. Samuelson qua vài năm tháng

1915: sinh ra tại Gary, Indiana, Hoa Kỳ.
1932: bắt đầu học kinh tế tại Đại học Chicago, tốt nghiệp đại học đại cương (BA) năm 1935, trước khi học tại Đại học Harvard.
1938: A Note on the Pure Theory of Consumer’s Behavior (Ghi chú về lý thuyết thuần túy của hành vi người tiêu dùng).
1939: Interactions Between the Multiplier Analysis and the Principle of Acceleration; The gains from International Trade (Những tương tác giữa phân tích số nhân và nguyên lý gia tốc; Những lợi ích từ thương mại quốc tế).
1940: được phong phó giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Cambridge, nơi ông dành toàn bộ sự nghiệp của ông; được phong Giáo sư năm 1947.
1941: tiến sĩ tại Đại học Harvard.
1941-1945: trong thời kỳ chiến tranh, làm việc tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, sau đó tại Phòng thí nghiệm bức xạ của trường MIT.
1947: Foundations of Economic Analysis (Nền tảng phân tích kinh tế). Được trao huy chương John Bates Clark, dành cho một nhà kinh tế học dưới 40 tuổi vì những đóng góp xuất sắc.
1948: Economics: An Introductory Analysis (Kinh tế học: Một phân tích nhập môn).
1951: Chủ tịch Hiệp hội ​​kinh trc hc.
1954: The Pure Theory of Public Expenditure (Lý thuyết thuần túy về chi tiêu công).
1958: đồng tác giả với Robert Dorfman và Robert M. Solow, Linear Programming and Economic Analysis (Quy hoạch tuyến tính và phân tích kinh tế).
1961: Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ.
1965-1968: Chủ tịch Hiệp hội kinh tế quốc tế.
1966-1981: cộng tác viên của tạp chí Newsweek.
1970: được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.
2009: mất ngày 13 tháng 12 ở Belmont, Massachusetts, Hoa Kỳ.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Samuelson
Les Fondements de l’analyse économique, par Gauthier-Villars, 2 vol., 1971.
Economie, 16e édition, avec la collaboration de William D. Nordhaus, Economica, 2000.
The Collected Papers of Paul A. Samuelson, MIT Press, 5 vol. , 1966-1986.
Những tác phẩm viết về Samuelson
Paul Samuelson and Modern Economic Theory, par E. Cary Brown et Robert M. Solow (dir.), McGraw-Hill, 1983.
Samuelson and Neo-Classical Economics, par George R. Feiwel (dir.), Kluwer-Nijhoff, 1982.
Paul Samuelson and the Foundations of Modern Economics, par K. Puttaswamaiah (dir.), Transaction, 2002.
The Foundations of Paul Samuelson’s Revealed Preference Theory, par Stanley Wong, Routledge & Kegan, 1978.
Paul Samuelson: Critical Assessments, par John C. Wood et Ronald N. Woods (dir.), Routledge, 4 vol., 1989.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Paul A. Samuelson, le dernier généraliste” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no57, tháng 10 năm 2012.
Print Friendly and PDF