24.7.15

Joseph Schumpeter hay động thái của chủ nghĩa tư bản



Joseph Schumpeter (1883-1950)

Joseph Schumpeter hay động thái của chủ nghĩa tư bản

Joseph Schumpeter, người làm nổi bật vai trò của nhà doanh nghiệp, lại tin rằng chủ nghĩa tư bản sẽ bị tiêu vong. Chân dung của một nhà kinh tế học không thể phân loại.
Joseph Schumpeter là một trong những nhà sử học vĩ đại nhất về tư tưởng kinh tế.
Joseph Schumpeter là một nhân vật phức tạp và mâu thuẫn. Là một người bảo thủ và chuộng sự tinh hoa, ông đứng về phía những người bạn marxist của ông trong Ủy ban xã hội hóa Đức và trở thành bộ trưởng tài chính trong một thời gian ngắn của một chính phủ đa số thuộc đảng Dân chủ Xã hội. Với tính cách nồng nhiệt, yêu thích sự xa hoa, khiêu khích và là một "đứa trẻ hiếu động khủng khiếp", như ông tự mô tả bản thân, ông bị chứng trầm cảm sâu sắc. Một thời làm việc cho ngân hàng, ông mang nợ khổng lồ trong phần lớn cuộc đời của ông. Ông có thói quen nói với sinh viên Mỹ rằng khi còn trẻ, ông quyết sẽ trở thành người tình tốt nhất nước Áo, người nhảy đầm giỏi nhất châu Âu và nhà kinh tế học vĩ đại nhất thế giới, và nói thêm rằng ông đã đạt được mục tiêu thứ hai. Là người chống lại chủ nghĩa can thiệp keynesian và chính sách kinh tế mới (New Deal) của tổng thống Roosevelt, ông đồng thời tin rằng chủ nghĩa tư bản sẽ bị tiêu vong và chủ nghĩa xã hội sẽ chiếm ưu thế. Trong suốt cuộc đời, ông giữ một quan hệ yêu-ghét đối với Marx, người mà ông coi, cùng với Walras, như là nhà kinh tế học vĩ đại nhất. Ông oán giận Keynes, người mà trên nhiều mặt là giống ông, vì đã hai lần hớt tay trên ông, với cuốn Treatise on Money (Luận thuyết về tiền tệ) và cuốn Théorie generale (Lý thuyết tổng quát) của ông ấy.
Người ta không thể xếp nhà tư tưởng này vào bất cứ loại nào, người mà ngay cả ý tưởng thôi về trường phái trong kinh tế học đủ khiến ông kinh tởm. Được những nhà kinh tế học thuộc trường phái Áo đào tạo, ông bị những nhà kinh tế học đó, một cách chính đáng, coi là một người li khai. Là người ngưỡng mộ Max Weber, ông phê phán cách tiếp cận tân cổ điển, theo kiểu Walras lẫn theo kiểu Cambridge, và cũng chẳng theo chủ nghĩa thể chế hay chủ nghĩa marxist. Trong thực tế, ông vay mượn nhiều yếu tố từ tất cả các quan điểm trên để xây dựng một tổng hợp độc đáo đôi khi được đặc trưng là "thuyết schumpeterian" hay là thuyết tiến hóa. Ông cho rằng phân tích kinh tế phải gắn với các ngành khoa học khác, như sử học, xã hội học, tâm lý học và lý thuyết chính trị. Bản thân ông đã đóng góp vào nhiều lĩnh vực hiểu biết khác. Ông là một trong những nhà sử học vĩ đại nhất về tư tưởng kinh tế. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này và kết thúc nó với một tượng đài kiến thức uyên bác, dở dang, với hơn một ngàn trang viết cô đọng, History of Economic Analysis (Lịch sử phân tích kinh tế), một tài liệu tham khảo không thể thiếu.

Đổi mới, nhà doanh nghiệp và tín dụng

Schumpeter khâm phục lý thuyết cân bằng chung của Walras, một lâu đài trí tuệ đầy ấn tượng, nhưng phê phán ông ấy vì đã không nhận ra động thái, sự tăng trưởng và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Cuốn Théorie de l’évolution économique (Lý thuyết của sự tiến hóa kinh tế), mà ông công bố năm 28 tuổi, nhắm đến việc bổ khuyết lỗ hổng đó. Đầu tư chiếm một vị trí trung tâm trong cơ cấu vận hành của chủ nghĩa tư bản. Schumpeter phân biệt một đầu tư phái sinh, phụ thuộc vào những lợi nhuận đạt được trước đó, với một đầu tư tự định, mà sự chuyển động giải thích những biến động kinh tế. Đầu tư tự định gắn với sự đổi mới, một khái niệm quan trọng then chốt của phân tích schumpeterian. Không nên nhầm lẫn đổi mới với phát minh, vốn không tức thì có ý nghĩa kinh tế. Sự đổi mới được biểu hiện bằng những kết hợp mới trong các phương pháp sản xuất, hàng hóa, đầu ra, nguồn nguyên liệu thô và cách thức tổ chức sản xuất. Ví dụ trong lãnh vực sau cùng này, Schumpeter cho rằng việc mở rộng nhiều hình thức độc quyền khác nhau là một trong những đổi mới rất quan trọng, và sinh lợi của chủ nghĩa tư bản đương đại.
Sự đổi mới không tự động tạo ra tăng trưởng. Cần có hai nhân vật để biến sự đổi mới thành các khoản đầu tư thực: nhà doanh nghiệp và ngân hàng. Nhà doanh nghiệp đóng vai trò chính trong vỡ diễn này. Đó không phải là một tác nhân duy lý, tính toán chi phí và lợi ích. Đó là một nhân vật có tham vọng, có nghị lực, thông minh, nhưng được thúc đẩy bởi những xung năng của bản thân, quy ngã (tự coi mình là cái rốn của vũ trụ), quản lý những sự đổi mới và biến chúng thành các khoản đầu tư.

Các chu kỳ kinh tế và sự hủy diệt sáng tạo

Tuy nhiên, doanh nhân không thể một mình đạt được điều đó. Tiền được tiết kiệm trước đây không bao giờ có thể đủ để tài trợ cho các khoản đầu tư mới. Tín dụng là điều cần thiết. Tín dụng là tiền tệ được ngân hàng tạo ra từ hư vô (ex nihilo). Nhà hoạt động ngân hàng, trên cơ sở niềm tin đối với doanh nghiệp, tạm ứng những khoản tiền cần thiết để doanh nghiệp thực hiện các dự án của mình. Ngân hàng sẽ được trả bằng lãi suất, một khoản được trích từ lợi nhuận. Tiền tệ đi một đường vòng mà ngân hàng là điểm khởi đầu. Phân tích tiền tệ và tín dụng là một đóng góp trung tâm trong sự nghiệp của Schumpeter. Trong những năm 1920 ông đã tiến hành viết một chuyên luận về tiền tệ, chưa bao giờ hoàn thành, một phần vì Keynes đã đi trước với cuốn Treatise on Money (Luận thuyết về tiền tệ) của ông ấy. Das Wesen des Geldes (Bản chất của tiền tệ) được xuất bản năm 1970.
Sự tăng trưởng tư bản chủ nghĩa không phải và không thể là một quá trình mang tính đều đặn mà không có những cơn co giật bất ngờ. Lịch sử đã cho thấy điều đó. Vấn đề còn lại là giải thích nó. Về vấn đề này, Schumpeter cảm phục Marx, người đầu tiên chứng minh rằng khủng hoảng là một hệ quả cần thiết của sự tích lũy tư bản. Khủng hoảng không phải là những sự cố nhất thời do các cú sốc ngoại sinh hay do tính không hoàn hảo của thị trường gây ra, chẳng hạn như độc quyền của nghiệp đoàn. Ngược lại, khủng hoảng mang tính nội sinh, gắn với chính bản chất của chủ nghĩa tư bản.
Joseph Schumpeter
Sự đổi mới không xuất hiện một cách đều đặn và liên tục. Vào một thời điểm nào đó, những nhà doanh nghiệp năng động nhất tung ra một hành động nào đó, để rồi những người khác bắt chước. Sự đổi mới lây lan theo những "cụm" không mang tính liên tục. Chúng gây ra những làn sóng đầu tư được tài trợ bởi việc tạo ra tín dụng ngân hàng, dẫn đến sự phát triển và tăng trưởng cộng dồn. Sau đó, những tác động giảm dần dần, sự đổi mới trở nên kém hiệu quả, lợi nhuận giảm, và các ngân hàng bắt đầu hạn chế cung cấp tín dụng đối với những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Và điều không thể tránh khỏi là khủng hoảng và suy thoái. Chúng không chỉ tạo ra những khoảnh khắc tất yếu của sự phát triển tư bản chủ nghĩa, mà còn là mảnh đất để ương mầm những làn sóng đổi mới và đầu tư mới. Vì vậy, đây là một "sự hủy diệt sáng tạo".
Trong Business Cycles (Các chu kỳ kinh doanh), Schumpeter chứng minh cho thấy sự tăng trưởng được đặc trưng bởi một sự phát triển phức tạp trong dài hạn và có ba loại chu kỳ, được đặt tên theo những người đã nhận diện chúng lần đầu: Kondatief (khoảng năm mươi năm), Juglar (khoảng mười năm) và Kitchin (khoảng bốn mươi tháng).

Sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản

Để dưỡng sức sau cuốn Business Cycles (Các chu kỳ kinh doanh), không được chú ý sau khi cuốn General Theory (Lý thuyết tổng quát) của Keynes được xuất bản, Schumpeter viết cuốn Capitalism, socialism and democracy (Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và dân chủ) (1942). Trong tác phẩm này ông tuyên bố rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống đã bị kết án, và chủ nghĩa xã hội tất yếu sẽ nối tiếp nó. Lý do ông đưa ra không phải là những lý do của Marx, theo đó chủ nghĩa tư bản sẽ là nạn nhân của sự phát triển những mâu thuẫn kinh tế của nó. Đối với Schumpeter, chính những lý do mang tính ý thức hệ, chính trị và xã hội sẽ phá sập nền tảng của hệ thống ấy. Chủ nghĩa tư bản bị kết án vì những thành công kinh tế của nó. Một mặt, tính năng động kinh doanh suy yếu, nhà doanh nghiệp bị thay thế bởi các quan chức của tư bản. Mặt khác, sự bất bình của những người bị hệ thống bỏ mặc cho số phận tăng lên. Trong khi đó, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa ngày càng thắng thế trong giới trí thức. Các giá trị của chủ nghĩa tư bản bị đặt lại vấn đề. Để được bầu lại, các chính trị gia càng nhân nhượng trước dư luận bao quanh họ. Chính vì vậy mà chủ nghĩa can thiệp keynesian và chính sách kinh tế mới (New Deal) của tổng thống Roosevelt dọn đường cho sự suy tàn không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản.
Sự sụp đổ của các chế độ kiểu xô-viết và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tự do cổ điển trong những thập niên cuối của thế kỷ trước dường như bác bỏ các luận thuyết của Schumpeter. Tuy nhiên, phân tích của ông về cơ năng tư bản chủ nghĩa, về sự đổi mới và về tín dụng được nhiều người xem như là một cách tiếp cận phong phú để thông hiểu các xu hướng hiện tại. Các lý thuyết đương đại về tăng trưởng nội sinh được lấy cảm hứng từ ông. Việc thành lập của International Joseph A. Schumpeter Society, năm 1986, chứng minh sức lan tỏa các công trình của ông trong công chúng rộng rãi.

Joseph Schumpeter qua vài năm tháng

1883: sinh ra ở Triesch, dưới thời đế quốc Áo-Hung.
1887: bố ông, một nhà công nghiệp dệt may, qua đời.
1893: chuyển nhà đến ở Wien, sau khi mẹ ông tái hôn.
1901: bắt đầu học luật và kinh tế tại Đại học Wien, nơi ông là học trò của Böhm-Bawerk và Wieser, những người sáng lập trường phái Áo. Ông tham gia một cuộc hội thảo, tập hợp các nhà lý thuyết marxist như Otto Bauer và Rudolf Hilferding.
1906: lấy bằng tiến sĩ luật.
1907: kết hôn với Gladys Ricards Seaver ở Anh, nơi ông ở đó một năm.
1907: làm việc cho một hãng luật ở Ai Cập.
1908: Das wesen und der hauptinhalt der theoretischen nationalökonomie (Bản chất và thực chất của lý thuyết kinh tế).
1909: phó giáo sư tại Đại học Czernowitz.
1911: giáo sư tại Đại học Graz. Théorie de l’évolution économique (Lý thuyết về sự tiến hóa kinh tế).
1913-1914: giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Columbia ở New York.
1914: Esquisse d’une histoire de la science économique (Phác thảo về lịch sử của khoa học kinh tế).
1919: bộ trưởng Bộ Tài chính của chính phủ liên minh Áo giữa đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xã hội Thiên chúa, từ tháng Ba đến tháng Mười.
1920: ly dị với Gladys.
1921: chủ tịch ngân hàng Biedermann, ở Wien, bị phá sản vào năm 1924.
1925: giáo sư về tài chính công tại Đại học Bonn. Kết hôn với Anna Reisinger.
1926: mẹ ông, vợ ông và con trai mới sinh của ông qua đời.
1927-1928: giảng dạy tại Đại học Harvard, nơi ông quay trở lại vào năm 1930 và tham gia vào việc thành lập Hội kinh trắc học.
1931: giảng dạy tại Nhật Bản.
1932: giáo sư tại Đại học Harvard.
1937: chủ tịch Hội kinh trắc học. Kết hôn với Elizabeth Boody, một nhà kinh tế học.
1939: Business Cycles (Các chu kỳ kinh doanh).
1942: Capitalism, socialism and democracy (Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và dân chủ).
1948: chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ.
1950: mất ngày 08 tháng Giêng, vì bệnh xuất huyết não tại nhà của ông ở Connecticut, vào lúc mà ông sẽ được bầu làm chủ tịch đầu tiên của một hội mới, Hội quốc tế về kinh tế học.
1954: History of Economic Analysis (Lịch sử phân tích kinh tế), do Elizabeth Boody biên tập.
1970: L’essence de la monnaie (Bản chất của tiền tệ).

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Schumpeter
Théorie de l’évolution économique, Dalloz, 1935.
Business Cycles, Porcupine, 1982.
Histoire de l’analyse économique, Gallimard, 3 vol., 1983.
Capitalisme, socialisme et démocratie, Payot, 1990.
Impérialisme et classes sociales, Flammarion, 1984.
Những tác phẩm viết về Schumpeter
Opening Doors: the Life and Work of Joseph Schumpeter, Robert L. Allen, Transaction, 2 vol., 1991.
Schumpeter: la démocratie désenchantée, Lucien-Pierre Bouchard, Michalon, 2000.
Les institutions monétaires du capitalisme: la pensée économique de J. A. Schumpeter, Odile Lakomski-Laguerre, L’Harmattan, 2002.
La pensée économique de Schumpeter, François Perroux, Droz, 1965.
Schumpeter et l’évolution économique: circuit, entrepreneur, capitalisme, Jean-José Quiles, nathan, 1997.
Schumpeter: his Life and Work, Richard Swedberg, Polity Press, 1991.

Schumpeter, trang web

Có thể truy cập các tác phẩm Théorie de l’évolution économique (Lý thuyết về sự tiến hóa kinh tế) và Capitalisme, socialisme et démocratie (Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và dân chủ), trên trang web của đại học Université de Québec à Chicoutimi (Uqat): http://classiques.uqac.ca/classiques.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Joseph Schumpeter ou la dynamique du capitalisme” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.

Print Friendly and PDF