PHỎNG VẤN
SOPHIE BOISSEAU DU ROCHER[*] VÀ CHRISTIAN LECHERVY[**]: “CÁC NƯỚC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG COI CHÍNH QUYỀN TRUMP LÀ ĐÁNG LO NGẠI”
![]() |
ASEAN, kiểu mẫu phát triển và hội nhập của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (© Liên minh Châu Âu, 2025, CC BY 4.0, qua Wikimedia Commons) |
Các tác giả của cuốn L’Asie-Pacifique, nouveau centre du monde/Châu Á - Thái Bình Dương, trung tâm mới của thế giới giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Asialyst về cách khu vực chủ chốt này của thế giới phản ứng khi tân tổng thống Mỹ nhậm chức. Họ cũng phân tích chiến lược của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và sự bất ổn lớn xung quanh vấn đề Đài Loan.
Liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có trở thành trung tâm mới của thế giới không? Hay đúng hơn là nó đã như vậy rồi? Trong tác phẩm mới nhất của họ, Châu Á - Thái Bình Dương, trung tâm mới của thế giới, Sophie Boisseau du Rocher, một chuyên gia về Đông Nam Á, và Christian Lechervy, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm trong khu vực, nhấn mạnh rằng khu vực này “thử thách, làm rung chuyển, thách thức” chủ nghĩa phổ quát Phương Tây như thế nào trước “mô hình Mỹ đang rạn nứt và trong khi chiến tranh đang gầm lên trước thềm Châu Âu”. Trong cuốn sách hấp dẫn này, hai tác giả giải thích hậu quả sẽ xảy ra đối với Châu Âu, vẫn còn quá vắng mặt trong khu vực đầy hứa hẹn này, mà “sự trỗi dậy không chỉ giới hạn ở Trung Quốc”.
Châu Á có thể mong đợi điều gì khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng?
Sophie Boisseau du Rocher: Bầu không khí giữa nhiệm kỳ đầu tiên và nhiệm kỳ thứ hai hoàn toàn không giống nhau. Thật ra, Châu Á không hề ảo tưởng về nhiệm kỳ mới của Tổng thống Trump và tham vọng quyền lực của Mỹ. Ở giai đoạn này, Châu Á đã ở trong tư thế chờ đợi và tương đối giữ khoảng cách. Về chính nhân vật này (Trump), Châu Á tỏ ra hoài nghi sau khi đã trải nghiệm các điểm mạnh, các điểm yếu và các sự quay ngoặt của ông ta. Châu Á biết từ kinh nghiệm của bản thân mình về bản chất bốc đồng, tương đối khó đoán và thất thường của Tổng thống Trump. Châu Á cảm thấy không thoải mái với những lời nói liên tục và tính ái mộ bản thân của ông ta. Hơn nữa, Châu Á rõ ràng rất cảnh giác với những hành vi rất cảm tính, rất ngây thơ khiến họ ngạc nhiên, chẳng hạn như cái bắt tay với Kim Chính Ân (Kim Jong-un). Châu Á mong đợi những điều gì cụ thể, bất kể đó là những đề xuất khó chịu hay hấp dẫn đối với các nước Châu Á. Tuy nhiên, phần lớn các nước Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay đều coi cấu hình của chính quyền Trump hiện tại là đáng lo ngại.
Christian Lechervy: Châu Á - Thái Bình Dương thể hiện ba mối quan ngại. Đầu tiên là những mối quan ngại về chính sách kinh tế của Hoa Kỳ và khả năng tiếp cận thị trường của nước này. Việc giảm thặng dư thương mại của Châu Á sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự tăng trưởng của các nước mới nổi. Sau đó là vấn đề di cư, ảnh hưởng đến cả những quốc gia đông dân nhất như Ấn Độ và các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Vấn đề này không chỉ liên quan đến việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp mà còn liên quan đến việc dừng các chương trình của chính phủ nhằm tái định cư các gia đình tị nạn và cung cấp học bổng du học tại Hoa Kỳ. Và sau đó còn có quyết định của chính quyền Mỹ đình chỉ viện trợ phát triển (USAID) trong ít nhất 90 ngày, một quyết định mà những tác động đầu tiên, bao gồm cả những tác động gây chết người, đã có thể nhìn thấy trên thực tế. Hậu quả đầu tiên của các chính sách của chính quyền Mỹ này có thể nhìn thấy ngay lập tức, đó là gây bất ổn, mà không hề cân nhắc hay nghiên cứu đến tác động đối với các quốc gia liên quan. Nói một cách ngắn gọn, chúng gây lo âu cho các chính phủ đối tác và người dân.
TRỤC CỦA MỸ
Liệu khu vực này có nên kỳ vọng nước Mỹ của Donald Trump sẽ ưu tiên Châu Á không?
Sophie Boisseau du Rocher: Thật vậy, chúng ta đã thấy điều này khi JD Vance đến quở trách Châu Âu ở Munich khi nói rằng: “Chúng tôi ít quan tâm đến Châu Âu hơn, các anh hãy tự xoay xở lấy ngay bây giờ. Đối với chúng tôi, thách thức thực sự của chúng tôi nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương và do đó chúng tôi phải tập trung nguồn lực, phương tiện và khả năng của mình vào khu vực này.” Nhận định này minh họa rõ ràng tầm quan trọng của Châu Á - Thái Bình Dương, trung tâm mới của thế giới, đúng như tiêu đề chúng tôi đặt cho tác phẩm của mình. Địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch về phía Châu Á - Thái Bình Dương. Chính quyền Trump II nhận thức rõ rằng, xét về mặt động năng kinh tế, đổi mới công nghệ, cạnh tranh tư tưởng và cạnh tranh quân sự, rằng châu Á - Thái Bình Dương chính là nơi mà thách thức được định hình trong trung và dài hạn. Tôi nhận thấy rằng cái trục của Mỹ, được chính quyền Dân chủ của Barack Obama công bố rầm rộ, đang dần thành hình dưới thời Tổng thống Trump. Tuy nhiên, có một câu hỏi đang ám ảnh các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực: làm sao Donald Trump còn có thể hy vọng dựa vào họ khi đối xử với họ một cách tồi tệ như vậy? Vẫn còn nghi vấn đáng kể về việc liệu Hoa Kỳ đang quay về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong một logic hợp tác hay trong một logic thách thức. Để chống lại các đồng minh hay đặc biệt là chống lại Trung Quốc?
Christian Lechervy: Mỗi nước sẽ phải tìm ra hướng đi cho mình và điều đó sẽ tốn nhiều thời gian. Tổng thống Trump chỉ biết ba nhà lãnh đạo hiện tại của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Họ không nhất thiết là đồng minh của ông: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, để vạch ra chính sách Châu Á - Thái Bình Dương của mình và gặp mặt trực tiếp các nhà lãnh đạo, Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ sẽ có cơ hội tham gia, bắt đầu từ năm nay, không dưới bốn hội nghị thượng đỉnh khu vực đã phần nào được lên lịch: APEC (Hàn Quốc), ASEAN và Đông Á (Malaysia), các nước thuộc Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (Washington), Quad (Ấn Độ). Chúng ta biết rằng Tổng thống Trump không ưa chuộng thời kỳ đa phương này trong nhiệm kỳ đầu của ông: ví dụ, ông chỉ tham dự một hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN tại Manila vào năm 2017. Nhưng Trump biết rằng ông có thể trông đợi nhiều chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương tới Washington trong những tháng tới. Các cuộc thảo luận với họ đã bắt đầu ngay từ những ngày sau khi ông đắc cử. Vào ngày 11 tháng 11, Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Ngày 18 tháng 11, đến lượt Thủ tướng Thái Lan, bà Paethongtarn Shinawatra. Để thể hiện sự quan tâm, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã được tiếp đón tại Nhà Trắng vào ngày 7 tháng 2.
GIA ĐÌNH CHÂU Á
Châu Á - Thái Bình Dương có thể thích ứng đến mức nào với sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể được coi là mối đe dọa?
Sophie Boisseau du Rocher: Trung Quốc khẳng định vừa có nền ngoại giao cường quốc, do đó mong muốn cạnh tranh trực tiếp với cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, vừa có nền ngoại giao toàn cầu và cả khu vực. Trung Quốc coi khu vực này là một đồng minh cần thiết mình phải thỏa hiệp, đồng thời cố gắng duy trì hoặc giành lấy lợi ích của một cường quốc tại đó. Bởi vì nếu các đối tác Châu Á của Trung Quốc nghi ngờ vai trò lãnh đạo của nước này ở Châu Á, Bắc Kinh sẽ mất đi nhiều uy tín trên trường thế giới. Do đó, chúng ta quan sát nhiều trò chơi hợp tác, đàm phán và giao dịch phù hợp hơn nhiều với văn hóa ngoại giao truyền thống của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trước khi người Châu Âu đến và có quá trình thực dân hóa. Trong cuốn sách của mình, chúng tôi làm sáng tỏ nỗ lực tìm kiếm sự gắn kết mà khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã đánh mất dưới sự tấn công của chủ nghĩa thực dân đã chia rẽ và cuộc chiến tranh Lạnh mài mòn khu vực này. Tính liên kết này dựa trên nhiều yếu tố bao gồm sự động năng kinh tế và mô hình phát triển tương tự trên toàn khu vực. Kể từ khi nền kinh tế Nhật Bản trỗi dậy mạnh mẽ vào những năm 1960 và sau đó là “Bốn con hổ Châu Á” (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore), sự năng động kinh tế khu vực được tiếp tục với các nước mới nổi khác: Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philippines và tất nhiên là Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, giống như Nhật Bản sau Hiệp định Plaza (năm 1985), Trung Quốc cố tình hướng tới khu vực của mình để đầu tư và buôn bán. Khi làm như vậy, Trung Quốc đã thu được những lợi ích to lớn. Kết quả là, cái nhìn về Trung Quốc trong khu vực đã trở nên khá thuận lợi. Điều quan trọng là phải nhớ điều này cho dù các nước Châu Á - Thái Bình Dương không mấy ảo tưởng gì về tham vọng trở thành cường quốc thế giới của nước láng giềng lớn.
Christian Lechervy: Tôi tin rằng chính sách của Trung Quốc về cơ bản đã thành công trong việc thuyết phục cả giới tinh hoa chính trị, chính phủ và dư luận ở Châu Á rằng họ là yếu tố phát triển cho toàn bộ “gia đình Châu Á”. Thành phần tinh hoa này hiểu rằng cần phải bảo vệ khu vực này khỏi phần còn lại của thế giới, thậm chí khỏi Phương Tây, mà không cắt đứt quan hệ với các phần còn lại này. Về cơ bản, vấn đề là khẳng định cho toàn thế giới (urbi et orbi) rằng Tương lai, với chữ T viết hoa, nằm ở sự hội nhập kinh tế, thậm chí là chính trị, của khu vực Châu Á và sự quay trở về với khu vực Châu Á như nó đã từng là trước đây.
Sự thay đổi thứ hai được quan sát thấy là Trung Quốc đã thuyết phục được về sự cần thiết phải phát triển các khu vực hợp tác mới, đặc biệt là ở vùng ngoại vi biên giới của mình. Điều này đã dẫn đến sự thành hình của các nhóm với năm quốc gia Trung Á, các quốc gia ven sông Mekong, các quốc đảo và vùng lãnh thổ Thái Bình Dương, và kể từ năm 2008 là các cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Trung Quốc-Hàn Quốc-Nhật Bản. “Chủ nghĩa đa phương nhỏ” này bổ sung cho các diễn đàn liên chính phủ hiện có như ASEAN-Trung Quốc hoặc ASEAN+3, nhưng cũng cạnh tranh với chúng. Chúng ta đừng nhầm lẫn: các diễn đàn mới được thành lập không chỉ nhằm mục đích phát triển hợp tác địa phương mà còn là diễn đàn cho đối thoại chính trị. Chúng đóng góp vào sự liên kết về mặt chiến lược và tường thuật.
Yếu tố cấu trúc thứ ba là sự đoàn kết ngày càng của gia đình Châu Á. Mặc dù vậy, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước châu Á khác không phải là một con sông dài yên ả và rõ ràng là sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc là điều đáng lo ngại. Điều thú vị cần lưu ý là hiện nay có một sự năng động ở Châu Á - Thái Bình Dương vượt ra ngoài Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc vẫn là khối trung tâm thiết yếu. Chúng ta thấy rằng trong giai đoạn 2022-2023, thương mại nội khối Châu Á không tính Trung Quốc tăng nhanh hơn thương mại của Trung Quốc với các đối tác chính của nước này. Một sự năng động có thể kéo dài! Điều này không thể không gây ra hệ quả về mặt chính trị, đặc biệt là đối với mối quan hệ giữa các nhóm khu vực, không chỉ ở Châu Á mà có thể là với phần còn lại của thế giới. Đây là cơ hội cần nắm bắt, đặc biệt là đối với Châu Âu coi Trung Quốc là đối thủ mang tính hệ thống và ASEAN là nhân tố trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Châu Âu.
ĐÀI LOAN LÀ TRỞ NGẠI
Trong sự năng động khu vực mà ông/bà mô tả trong tác phẩm của mình, ông/bà có thể nói thêm điều gì về trở ngại lớn mà Đài Loan tạo nên?
Christian Lechervy: Trở ngại này có liên quan đến chiến trường Đông Nam Á cũng như đến việc tổ chức không gian hàng hải và hải đảo của Thái Bình Dương. Thực tế này đã là trọng tâm trong các chính sách ngoại giao của các quốc gia Phương Tây vào những năm 1950 với sự kết hợp của Chiến tranh Triều Tiên, các cuộc đụng độ vũ trang Trung-Đài Loan và Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Thực tế này hiện đang tái hiện dưới ba góc độ. Đầu tiên là ý muốn của Mỹ phát triển một không gian an ninh giữa Nhật Bản, Philippines và các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt là các vùng ở Micronesia như Guam và Đảo Bắc Mariannes.
Thứ hai là thực tế rằng các vùng lãnh thổ này hiện đang trục tiếp bị đe dọa bởi năng lực về tên lửa, hàng hải và tàu ngầm được Trung Quốc và cả Triều Tiên phát triển trong những năm gần đây. Yếu tố thứ ba được tìm thấy trong việc sắp xếp lại các năng lực ở cấp độ vĩ mô - khu vực. Chính ba chiều kích này khiến Đài Loan nằm trong cách tiếp cận mang tính toàn cầu hơn. Chúng ta có thể thấy rõ rằng vấn đề Đài Loan có tính chiến lược cao vì nếu hòn đảo này rơi vào tay Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy sự thay đổi về cán cân quyền lực có tính hoàn toàn quyết định cho thế kỷ tới. Do đó, vấn đề này rõ ràng đang được xem xét rất chặt chẽ, với thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu về mức độ tin cậy về tất cả các năng lực răn đe của Mỹ.
Sophie Boisseau du Rocher: Khi JD Vance phát biểu tại Munich, “Chúng tôi muốn dành phần lớn năng lực của mình cho Châu Á - Thái Bình Dương,” trước tiên ông ấy nghĩ đến vấn đề Đài Loan. Ông không phải là người duy nhất trong chính quyền Mỹ nói như vậy. Trong bối cảnh đó, tính bền vững của mạng lưới liên minh của Hoa Kỳ, của chuỗi đảo đầu tiên vốn vẫn cho phép Thái Bình Dương được coi là “cái hồ của Hoa Kỳ”, đang bị đe dọa. Các nước Châu Á - Thái Bình Dương không có ảo tưởng về ý đồ của chính phủ Trung Quốc, vốn đang dần tăng các hành vi cưỡng ép trong khu vực bằng những phương pháp không thể lay chuyển và các phương tiện đáng kể. Khi Tập Cận Bình tuyên bố mục tiêu là “tái hòa nhập Đài Loan” vào gia đình Trung Quốc, câu hỏi thực sự và duy nhất là: khi nào và với hậu quả gì? Cùng lúc đó, các đối tác Đông Á của Bắc Kinh đang âm thầm kích hoạt các đòn bẩy điều động của họ. Trong mọi trường hợp, cuộc chiến ở Ukraine, được nghiên cứu kỹ lưỡng trong khu vực, đã làm dịu đi sự hăng say của Trung Quốc: sa lầy trên “hòn đảo phản loạn” sẽ hoàn toàn nguy hại cho lợi ích của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn hoãn cuộc tấn công cho đến một thời điểm sau đó, miễn là họ chắc chắn rằng thời điểm này sẽ cho phép họ nhanh chóng giải quyết vấn đề. Vấn đề này rõ ràng vẫn còn rất phức tạp vì một cuộc phiêu lưu như vậy phải đáp ứng những sự cân nhắc về quân sự, kinh tế và công nghệ và do đó là một thách thức chính trị. Vì vậy, Đài Loan là vấn đề mang tính hệ thống đối với toàn thế giới.
Christian Lechervy: Trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, địa lý là yếu tố quan trọng đối với các nhà chiến lược Trung Quốc. Trung Quốc cần phát triển và triển khai các phương tiện sức mạnh trên biển xa. Đây là lý do tại sao chúng ta thấy ngày nay Trung Quốc hoạt động tích cực ở Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và thậm chí xa hơn về phía bắc ở Châu Âu. Khi nói đến Đài Loan, lợi ích hải quân của Trung Quốc là rất lớn. Để tiếp cận Thái Bình Dương và vùng biển sâu của nó, điều cần thiết là phải đi qua các eo biển khá hẹp ở phía bắc và phía đông một cách an toàn, từ phía bắc hoặc từ phía nam của hòn đảo. Việc kiểm soát hai eo biển này và khả năng tiếp cận chúng là yếu tố quan trọng đối với Trung Quốc cũng như nhiều bên khác. Chính trong bối cảnh này, các chính sách quốc phòng của khu vực và các quan hệ đối tác an ninh xuyên quốc gia đang được định hình lại. Chính quyền Trung Quốc đã đặc biệt tích cực trong lĩnh vực này từ nhiều năm nay. Họ đang (viết lại) câu chuyện chính trị của mình về an ninh khu vực và đề xuất các quan hệ đối tác nhiều năm mới đến tận những vùng lãnh thổ nhỏ nhất. Bản thỏa thuận gần đây nhất được ký kết vào ngày 15 tháng 2 năm 2025 giữa Thủ tướng Quần đảo Cook, Mark Brown, và người đồng cấp Trung Quốc, Lý Cường.
ASEAN, MỘT KIỂU MẪU HỘI NHẬP
Thế còn những trò chơi lớn của khu vực Đông Nam Á thì sao? Mức đáng tin của ASEAN là như thế nào?
Sophie Boisseau du Rocher: Tổ chức khu vực này tập hợp mười và sắp tới là mười một quốc gia Đông Nam Á, Timor-Leste đã đạt được tư cách quan sát viên vào năm 2022 và có thể gia nhập Hiệp hội vào năm 2025 hoặc 2026. ASEAN thực sự là một mô hình rất linh hoạt. Nó giúp khắc phục những sự bất đồng trong một khu vực không hề đồng nhất. Đây là khu vực ngã ba đường. Nó bị xuyên qua bởi nhiều loại ảnh hưởng. Các quốc gia có những chế độ chính trị rất khác nhau. Các dân số cũng rất khác biệt. Giữa khoảng 280 triệu người Indonesia và gần 500.000 cư dân Brunei, giữa thành phố quốc gia Singapore rất giàu có và Myanmar, vẫn là một trong những quốc gia kém phát triển nhất (LDC), giữa Philippines theo Công giáo, Thái Lan theo Phật giáo và Malaysia theo Hồi giáo, những quốc gia này có cấu hình cực kỳ đa dạng. Do đó, tập hợp này đòi hỏi phải thiết lập một chủ nghĩa khu vực rất linh hoạt, trôi chảy, với bối cảnh là các liên minh theo hoàn cảnh. Nhưng sâu xa hơn, phương pháp ra quyết định dựa trên sự đồng thuận mang lại sự gắn kết thực sự cho khu vực. Phương pháp này cho phép tập hợp xung quanh khu vực nhiều đối tác trước đây không phải lúc nào cũng quen nói chuyện với nhau. Nó cũng giúp Đông Nam Á vươn lên vị thế là một khu vực mới nổi.
Christian Lechervy: Đông Nam Á là một cực hợp tác. Đây là trái tim của Châu Á - Thái Bình Dương. Theo nghĩa địa lý của thuật ngữ này, vào thời điểm mà vấn đề được đặt ra là phải hành động ở cả Ấn Độ Dương và khu vực Thái Bình Dương, trong khi các vấn đề an ninh kinh tế gắn liền với tính lưu động của dòng chảy hàng hải. Thứ hai, như chúng tôi đã trình bày trong cuốn sách, đây là trung tâm của quá trình xây dựng thể chế Châu Á - Thái Bình Dương. Từ ASEAN đã nảy sinh ra những tổ chức khu vực vĩ mô nhất như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Cuối cùng, Đông Nam Á là một kiểu mẫu phát triển quan hệ với phần còn lại của thế giới khi thành công trong việc tạo ra các hình thức quan hệ liên chính phủ giữa các khối với Trung Đông, Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ Latinh và ngay cả với Châu Á. Tất cả những điều này cho phép Đông Nam Á che giấu những rạn nứt của chính mình. Cuộc khủng hoảng phát sinh từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 năm 2021 tại Miến Điện chứng kiến sự đối lập giữa quan điểm của các quốc gia Đông Nam Á “lục địa” (Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam) và quan điểm của các quốc gia Đông Nam Á “hàng hải”. Tuy nhiên, với ASEAN, chúng ta có một kiểu mẫu phát triển và hội nhập cho toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thật vậy, đây gần như là lý do tồn tại của ASEAN kể từ cuối những năm 1980. Đông Nam Á sẽ tiếp tục trải qua quá trình phát triển về thể chế và chính sách. Nhưng sức mạnh to lớn của ASEAN, và tôi muốn nhấn mạnh điều này, là về cơ bản, trong năm mươi năm qua, ASEAN đã có được khả năng tự phóng chiếu về mặt địa lý và theo thời gian. Việc thông qua “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045” là minh chứng cho điều này. Mục tiêu của sáng kiến này là “xây dựng một tương lai xanh, kết nối và bền vững cho toàn bộ khu vực”; một tham vọng to lớn không chỉ đối với Châu Á và Thái Bình Dương mà còn đối với toàn bộ hành tinh của chúng ta.
Phỏng vấn bởi Pierre-Antoine Donnet
Về tác giả
![]() |
Pierre-Antoine Donnet (1953-) |
![]() |
Cựu nhà báo của AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng mười lăm tác phẩm tập rung vào Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của Châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên này tại Bắc Kinh đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis/Vấn đề lãnh đạo toàn cầu, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ” tại NXB Éditions de l'Aube. Ông cũng là tác giả của tác phẩm “Tibet mort ou vif”, do Gallimard xuất bản. Sau “Chine, le grand prédateur/Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại”, xuất bản năm 2021 (l'Aube), ông đã biên tập tác phẩm tập thể “Le Dossier chinois/Hồ sơ Trung Hoa” (Cherche Midi) vào cuối năm 2022. Đầu năm 2023, ông xuất bản cuốn “Confucius aujourd'hui, un héritage universaliste/Khổng Tử ngày nay, di sản phổ quát” (l'Aube) rồi năm 2024 “Chine, l'empire des illusions/Trung Quốc, đế chế ảo tưởng” (Saint-Simon) và “Japon, l'envol vers la modernité/Nhật Bản, sự bay lên thời hiện đại” (l'Aube).
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: Sophie Boisseau du Rocher et Christian Lechervy: “Les pays d'Asie-Pacifique considèrent l'administration Trump comme inquiétante”, Asialyst, 26.02.2025.
Ghi chú: [*]
Sophie Boisseau du Rocher, tiến sĩ chính trị học, là giảng viên tại Sciences Po và là nhà nghiên cứu tại IFRI (Institut Francais des Relations Internationales). Bà nghiên cứu về các vấn đề chính trị và địa chiến lược ở Đông Nam Á. Sau khi quan tâm đến ASEAN và tiến trình xây dựng ở khu vực, hiện nay bà tiếp tục nghiên cứu về mối quan hệ Trung Quốc/ASEAN và tác động của nó đến các cân bằng toàn cầu. [**]
Christian Lechervy là một nhà ngoại giao Pháp đã công tác lâu năm ở Á Châu. Hiện nay ông là đặc phái viên của Châu Âu và Bộ Ngoại giao Pháp ở Myanmar để hỗ trợ các nỗ lực quốc tế và là cố vấn cho chương trình Châu Đại Dương của IFRI.
