27.3.25

Chủ nghĩa trọng thương thời đại tiền mã hóa: học thuyết kinh tế của Donald Trump

CHỦ NGHĨA TRỌNG THƯƠNG THỜI ĐẠI TIỀN MÃ HÓA: HỌC THUYẾT KINH TẾ CỦA DONALD TRUMP

Tác giả: Éric Monnet

Trump muốn buộc người châu Âu cống nạp cho đế chế.

Kế hoạch của ông dựa trên ba trụ cột: tiền tệ, thương mại và công nghệ.

Cuộc tiến công sắp tới của Hoa Kì có thể diễn ra bằng các đồng tiền mã hóa ổn định.

Để chuẩn bị đối phó, cần hiểu sự nối khớp cơ bản trong chính sách kinh tế của Trump: học thuyết trọng thương thời đại tiền mã hóa.

-----------------

Chính sách kinh tế của Donald Trump theo một logic trọng thương chủ nghĩa xác định rằng sức mạnh của một Nhà nước nằm ở năng lực gia tăng xuất khẩu và áp đặt các quy tắc của mình lên các quốc gia khác. Giống như chủ nghĩa trọng thương lịch sử của thế kỉ XVIII, chủ nghĩa tân trọng thương này do một Nhà nước mạnh chủ trương còn lâu mới mâu thuẫn với việc bảo vệ những quyền lợi và lợi nhuận tư nhân[1]. Chủ nghĩa này tìm cách sử dụng và làm tăng giá trị những doanh nghiệp tư nhân lớn như là các vectơ chính của sức mạnh của quốc gia và dân tộc. Sức mạnh kinh tế không nên bắt nguồn từ những nguyên lí của tự do thương mại nhưng phải từ năng lực của Hoa Kì áp đặt những chuẩn của mình cho phần còn lại của thế giới, bằng việc sử dụng liên tục các tương quan lực lượng và sự hợp nhất hài hòa giữa bộ máy Nhà nước và chiến lược của các doanh nghiệp lớn. Chủ nghĩa trọng thương của Trump không giới hạn ở chính sách bảo hộ thương mại và có một mảng chính sách tiền tệ quan trọng đã có mặt trong chương trình, những tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử tổng thống và tài liệu then chốt về chính sách kinh tế mới của Washington: học thuyết Miran. Mảng tiền tệ này gồm hai yếu tố: duy trì và thậm chí củng cố đồng đôla như là đồng tiền dự trữ thế giới, và phát triển vai trò của các đồng tiền mã hóa[2]

Ngược lại với những gì mà việc tôn vinh đồng bitcoin và những thông báo inh ỏi gợi ý – và cuối cùng là rất ít tham vọng – liên quan đến việc tạo lập một dự trữ các đồng tiền mã hóa, khả năng lớn là chủ nghĩa trọng thương của chính quyền Trump trong thời đại mới này nhắm đến việc phát triển những đồng tiền mã hóa ổn định (stablecoins), nghĩa là những đồng tiền mã hóa – trái với đồng bitcoin – có thể có một giá trị ổn định dựa vào giá trị của các đồng tiền dự trữ.

Mở rộng việc sử dụng trên thế giới các đồng tiền mã hóa ổn định chỉ sử dụng đồng đôla như đồng tiền dự trữ có thể cho phép Trump giải quyết mâu thuẫn trong tham vọng thống trị tiền tệ của ông: duy trì đồng đôla như đồng tiền dự trữ ở cấp độ quốc tế và làm cho các đồng tiền mã hóa trở thành mũi xung kích mới của sức mạnh tiền tệ và tài chính của Hoa Kì.

Do đó vấn đề là làm sao để đồng đôla là đồng tiền dự trữ chính cho các đồng tiền hỗ trợ sự phát triển của những đồng tiền mã hóa ổn định chứ không hỗ trợ về mặt chính trị dự trữ và để các đồng tiền tư nhân được tự do, không liên kết với những đồng tiền quốc gia và đe dọa vị thế của đồng đôla.

Biến thể trên “Hot Spot III” của Mona Hatoum © Adagp Paris 2024

Mảng chính sách tiền tệ của chủ nghĩa trọng thương của Trump

Tuy nhiên các mục tiêu trọng thương khác nhau của chính quyền Trump cho thấy một số mâu thuẫn tiềm tàng.

Mâu thuẫn đầu tiên là giữa chính sách trọng thương thuần túy thương mại – chủ nghĩa bảo hộ (gia tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu của Hoa Kì) – và quyết tâm duy trì sự thống trị trên trường quốc tế của đồng đôla như là đồng tiền dự trữ. Thật vậy, Trump tìm cách giảm giá đồng đôla để kích thích xuất khẩu của Hoa Kì. Để làm điều này ông tiếp tục áp lực lên Cục dự trữ liên bang (Fed) với mục đích để định chế này duy trì các lãi suất ở mức thấp vì gia tăng của lãi suất có xu hướng củng cố giá trị của đồng đôla. Tuy nhiên một đồng đôla yếu là ít hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương nước ngoài hơn, điều này có thể đe dọa vai trò đồng tiền dự trữ của đồng đôla. Mâu thuẫn này không hiển nhiên và máy móc đến thế: chẳng hạn đồng đôla đã mất giá 30% từ năm 2000 đến năm 2007 mà vị thế đồng tiền dự trữ của nó không bị đặt thành vấn đề. 

Ngày nay nắm giữ một dự trữ tiền mã hóa có giá trị tiền tệ hoàn toàn không tương đương với việc nắm giữ vị thế của một dự trữ vàng.

ERIC MONNET

Tuy nhiên chính quyền Trump hình dung cách ứng phó trước mâu thuẫn khả dĩ này bằng cách đe dọa áp thuế quan có thể lên đến 100% với các nước muốn giảm khối dự trữ của mình bằng đồng đôla[3]. Đe dọa này cho thấy rõ ràng mối liên hệ nội tại Trump đặt ra giữa sức mạnh thương mại và sức mạnh tiền tệ với sự tương đương về mặt phương tiện để đạt được mục tiêu trọng thương chủ nghĩa cuối cùng. Tuy nhiên một sự đe dọa như vậy có thể phản tác dụng khi khuyến khích một số quốc gia phòng ngừa sự phơi bày trước hiểm họa của đồng đôla và giảm thiểu giao thương với Hoa Kì. Nhưng tất cả sẽ phụ thuộc vào năng lực của các nước có liên quan để tự giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào đồng đôla trong các giao dịch quốc tế.

Một mâu thuẫn khác – sâu hơn – giữa giữa các mục tiêu khác nhau của học thuyết tân trọng thương của Hoa Kì liên quan đến sự sống chung tại giữa đồng đôla và các đồng tiền mã hóa. Khi tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của các đồng tiền mã hóa, Trump dường như khuyến khích một đối chọn với đồng đôla. Thông báo sự thành một dự trữ các đồng tiền mã hóa do Ngân khố Hoa Kì nắm giữ – bằng một sắc lệnh kí ngày 6 tháng ba – biểu trưng cho tham vọng của một chính sách bành trướng các đồng tiền mã hóa nhưng tức thì vấp phải một mâu thuẫn cơ bản. Ngược lại với dự trữ vàng do các ngân hàng trung ương hay ngân khố nắm giữ (trong bối cảnh này, đây là các tổ chức thường được quy chiếu về), các đồng tiền mã hóa có thể được sử dụng như phương tiện thanh toán[4]. Do đó giá của đồng bitcoin bằng đôla không chỉ là một giá tài sản: đó là tỉ giá hối đoái giữa hai đồng tiền. Từ khi hệ thống Bretton Woods kết thúc, vàng không còn giá trị tiền tệ nữa và Hoa Kì hay các nước châu Âu đã ngưng mua vàng – các nước chỉ còn giữ một phần kho vàng lịch sử thôi. Các ngân hàng trung ương nào mua vàng không gán cho vàng một giá trị tiền tệ và không để chính đáng hóa và phát triển vị thế tiền tệ của vàng. Ngày nay nắm giữ một dự trữ tiền mã hóa có giá trị tiền tệ hoàn toàn không tương đương với việc nắm giữ vị thế của một dự trữ vàng: điều này tạo ra một tình huống tương tự như tình huống mà ngày nay nhiều nước gặp phải khi nắm giữ nhiều dự trữ ngoại hối – chủ yếu là đồng đôla – với mục đích có được một tỉ giá hối đoái tương đối ổn định giữa đồng đôla và đồng tiền trong nước. Do đó Hoa Kì không thể thoát khỏi vấn đề tỉ giá hối đoái đáng mong muốn giữa đồng đôla và các đồng tiền mã hóa này.

Biến thể trên “Hot Spot III” của Mona Hatoum © Adagp Paris 2024

Điều này sẽ tạo ra đối chọn nan giải sau: nếu giá của các đồng tiền mã hóa bằng đôla tăng lên thì điều này quy lại là có một đối chọn tiền tệ tốt hơn đồng đôla. Những nước duy trì một tỉ suất hối đoái cố định với đồng đôla, nhưng ta khó hình dung là Hoa Kì thừa nhận rằng các đồng tiền mã hóa là những đồng tiền ổn định, mạnh và thống trị trên trường quốc tế hơn là đồng đôla. Nếu giá trên giảm thì sẽ khiến Ngân khố Mĩ bị mất mát và có thể buộc phải can thiệp để giữ giá trị của các đồng tiền mã hóa này.

Nếu giá của các đồng tiền mã hóa bằng đôla tăng lên thì điều này quy lại là có một đối chọn tiền tệ tốt hơn đồng đôla.

ERIC MONNET

Mới đây chính quyền Trump thông báo việc thành lập một dự trữ đồng bitcoin rồi – trong một bước thứ hai – các đồng tiền mã hóa khác, song biện pháp này trong thực tiễn vẫn có tính biểu tượng, vì lí do mà chúng tôi vừa nêu. Chính thức công nhận các đồng tiền mã hóa rút cuộc sẽ khiến tính ưu việt của đồng đôla gặp hiểm nguy. Do đó dưới hình thức hiện nay của nó, dự trữ mới này chỉ được hình thành từ những đồng tiền mã hóa bị Ngân khố Hoa Kì tịch thu trong các trường hợp gian lận và không thể bán chúng được[5]. Không có cam kết để mua thêm nữa lẫn cam kết duy trì một tỉ suất hối đoái giữa đồng đôla và vài đồng tiền mã hóa nhất định. Đây là việc thành lập một cơ quan mới thuộc Ngân khố dành cho chức năng này chứ không phải là việc hợp nhất các đồng tiền mã hóa vào các dự trữ hối đoái của Hoa Kì vốn vẫn do Quỹ ổn định hối đoái của Hoa Kì (ESF) quản lí. Do đó dự trữ này không trao bất kì vị thế nào cho các đồng tiền mã hóa; nó chỉ nhắc lại rằng chính quyền Hoa Kì đã tịch thu một số lớn đồng tiền này và như vậy sự phát triển của các đồng tiền này gắn một cách sâu rộng với những hoạt động phi pháp …

Các stablecoin như là mũi xung kích trong thời đại đồng tiền mã hóa 

Để né tranh mâu thuẫn giữa mục tiêu thống trị của đồng đôla và việc quảng bá có tính chính trị các đồng tiền mã hóa, Trump có thể khuyến khích các stablecoins là các đồng tiền mã hóa ổn định được một đồng tiền quốc gia, như đồng đôla, chống lưng. Trái với các đồng bitcoin, đồng Ethereum hay những đồng tiền mã hóa khác có giá tự do và biến động, các stablecoin có một giá trị cố định và như thế cung cấp một đối chọn ổn định hơn cho những thanh toán quốc tế.

Đã từ lâu nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ lợi ích của các đồng tiền mã hóa ổn định và do đó của việc phát triển chúng. Các đồng tiền này không cho phép hái ra tiền bằng cách dự kiến là giá trị của chúng sẽ gia tăng, trái với đồng bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác mà giá của chúng biến động. Trên phương diện tiền tệ, các đồng tiền mã hóa ổn định, không hiển nhiên là các stablecoin mang lại điều gì hơn các đồng tiền thông dụng chịu sự giám sát của các Nhà nước: vì sao dùng stablecoin có cùng một giá trị với đồng đôla thay vì trực tiếp dùng đồng đôla? Cũng vì các lí do này mà một bộ phận quan trọng của cộng đồng những đồng tiền mã hóa tỏ ra miễn cưỡng đối với những stablecoin vốn được xem là mâu thuẫn với các ý đồ ban đầu của chúng – tức là loại bỏ mọi sự quy chiếu về một Nhà nước.

Tuy nhiên, các stablecoin có lợi thế như là phương tiện thanh toán: giống như những đồng tiền mã hóa khác, có thể dùng chúng mà không thông qua ngân hàng, và các thanh toán được tiến hành thông qua công nghệ blockchain đảm bảo tính nặc danh của giao dịch. Các giao dịch này cũng có thể được tiến hành theo cách truyền thống cho phép nhanh chóng kiểm tra ai là bên chi trả và ai là bên thụ hưởng.

Biến thể trên “Hot Spot III” của Mona Hatoum © Adagp Paris 2024

Do đó chủ yếu đây là một công nghệ chi trả nhanh, dễ dàng và ít tốn kém. Thị trường thanh toán quốc tế tiềm tàng – kể cả những chi trả khiêm tốn hay chuyển vốn quốc tế giữa người nhập cư và gia đình họ – là khổng lồ và có thể hỗ trợ sự phát triển của các stablecoin. Nhưng để được coi là đáng tin cậy, các stablecoin cần được điều tiết, nghĩa là tổ chức phát hành stablecoin này quả thật có những dự trữ đã hứa hẹn. Vì nếu một số lớn những người nắm giữ đồng tiền đó đồng thời yêu cầu số stablecoin họ sở hữu sang đồng đôla, một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra tương tự như cuộc đổ xô ra quầy giao dịch, như trường hợp của sự đổ vỡ vang dội của đồng stablecoin Terra Luna. Hiện nay, điều nghịch lí là chính việc thiếu vắng sự điều tiết giới hạn việc sử dụng các stablecoin trên quy mô lớn. 

Để né tránh mâu thuẫn giữa mục tiêu thống trị của đồng đôla và việc quảng bá chính trị các tiền mã hóa, Trump có thể quảng bá các stablecoins.

ERIC MONNET

Do đó chính quyền Trump có thể áp đặt một quy định đảm bảo là các dự trữ stablecoin chỉ gồm duy nhất có đồng đôla.

Chắc chắn là chính quyền, bằng cách này có thể thử giải quyết sự mâu thuẫn giữa sức mạnh của đồng đôla và sự phát triển các đồng tiền mã hóa. Cách tiếp cận này nhất quán với những tuyên bố của bộ trưởng Ngân khố Scott Bessent, đồng thời với tuyên bố hình thành một dự trữ các đồng tiền mã hóa mà theo chúng tôi chứng tỏ là sẽ quan trọng hơn[6].

Kinh tế chính trị của đồng tiền mã hóa ổn định 

Mục đích của việc phát triển các stablecoin – đặc biệt thông qua việc điều tiết chúng – sẽ là duy trì sự thống trị của đồng đôla trong các giao dịch quốc tế, không nhất thiết như là đồng tiền giao dịch nhưng như là đồng tiền dự trữ của các stablecoin sẽ cho phép những giao dịch dễ dàng hơn giữa các quốc gia và sẽ được những dự trữ bằng đôla chống lưng.

Như vậy sẽ có hai vấn đề đặt ra.

Thứ nhất, chiến lược này sẽ được tiến hành chống lại các ngân hàng truyền thống hay, ngược lại, để giúp các ngân hàng các đồng tiền mã hóa hợp nhất vào phương thức hoạt động và hệ thống thanh toán của các ngân hàng này? Nếu một sự điều tiết được thiết lập, các stablecoin có thể ngày càng giống với những dịch vụ cổ điển (chuyển khoản, danh mục chứng khoán, v.v.) và các ngân hàng có thể chào mời các dịch vụ này. Việc điều này không nhất thiết để chống các ngân hàng trong thực tế là có lợi cho Trump vì tránh được sự phản đối của các ngân hàng. Trump và các đảng viên Đảng dân chủ luôn từ chối đồng tiền số của ngân hàng trung ương, nghĩa là một phương thức thanh toán số bằng đồng đôla của ngân hàng trung ương, nhân danh sự cạnh tranh có thể của đồng tiền số này đối với các ngân hàng. 

Biến thể trên “Hot Spot III” của Mona Hatoum © Adagp Paris 2024

Thứ hai, phản ứng của cộng đồng tài sản số sẽ như thế nào? Nếu những môn đồ triệt để nhất của các đồng tiền mã hóa không thích các stablecoin vì các đồng tiền này không tương ứng với hệ tư tưởng chống ngân hàng và chống Nhà nước của họ, đó không phải là trường hợp của tất cả các tác nhân của hệ sinh thái này, và đặc biệt là các tác nhân tài chính lớn, như những nền tảng giao dịch và doanh nghiệp công nghệ lớn. Hi vọng của các tác nhân này là đưa các stablecoin nhiều hơn vào để phần lớn các cá nhân có thể có thói quen sử dụng hằng ngày nhiều phương tiện giao dịch số, điều này cũng có thể phát triển mong muốn của họ sử dụng các đồng tiền mã hóa theo giá tự do – cho dù là ít hơn các stablecoin – trong giao dịch. Các stablecoin sẽ là cửa vào – với rủi ro cực kì giới hạn – để làm quen với tính bội của các đồng tiền, tương tự như các ngân hàng thường là cửa vào để đến với đầu tư bằng chứng khoán. Lập luận về tính bổ sung giữa các stablecoin và các đồng tiền mã hóa theo giá tự do có thể là đủ để lôi kéo các doanh nghiệp công nghệ lớn và các giới tài chính truyền thống, mà không đặt việc ưu tiên cho các stablecoin và do đó cho sự thống trị của đồng đôla như là đồng tiền dự trữ của các stablecoin này thành vấn đề.

Như thế các doanh nghiệp lớn của ngành công nghiệp số (Amazon, Meta, v.v.) có thể có vai trò then chốt bằng cách tạo điều kiện cho các giao dịch thông qua các stablecoin được đồng đôla chống lưng, và như vậy củng cố sự thống trị của đồng đôla trong các giao dịch quốc tế. 

Nếu sự điều tiết được thiết lập, các stablecoins có thể sẽ ngày càng giống các dịch vụ ngân hàng cổ điển.

ERIC MONNET

Một đe dọa cho châu Âu

Chủ nghĩa trọng thương thời đại tiền mã hóa của Hoa Kì có là một sự đe dọa cho các Nhà nước khác, và đặc biệt cho châu Âu không? Đâu là những phản ứng có thể có đối với chính sách này là thế nào?

Ngoài việc ngồi nhiều giờ trước nền tảng Netflix, người châu Âu chủ yếu giao tiếp qua Instagram, WhatsApp và Gmail và mua hàng trên Amazon, người châu Âu cũng có thể ngày càng thanh toán bằng những stablecoin được đồng đôla thay vì đồng euro chống lưng.

Do đó hệ thống thanh toán ở châu Âu sẽ có thể ngày càng phụ thuộc vào đồng đôla như là đồng tiền dự trữ và đây chính là điều mà Trump muốn đạt đến.

Có thể so sánh tình huống trên, đối với hệ thống thanh toán và có lẽ ở quy mô lớn hơn với thị trường eurodollar, tức là tình huống mà các ngân hàng lớn không phải là ngân hàng Mĩ, kể cả các ngân hàng châu Âu, phụ thuộc vào đồng đôla trên các thị trường tài chính vì các ngân hàng này chủ yếu vay bằng đồng đôla. Việc các ngân hàng châu Âu vay bằng đồng đôla tạo nên tình thế phụ thuộc khiến cho ngân hàng trung ương Mĩ là người cho vay cuối cùng của hệ thống tài chính quốc tế, kể cả hệ thống tài chính châu Âu. Đó là điều đã xảy ra vào năm 2008, rồi một lần nữa vào năm 2023: Ngân hàng dự trữ liên bang Hoa Kì (Fed) cam kết cho Ngân hàng trung ương châu Âu (BCE) vay để BCE cung cấp đôla cho các ngân hàng châu Âu khi có khủng hoảng. 

Do đó học thuyết của Trump về một chủ nghĩa trọng thương thời đại tiền mã hóa quảng bá cho các stablecoin nhằm tạo cho hệ thống thanh toán những gì đã có một phần trong hệ thống tài chính. Giống như đã ngăn cản Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft (GAFAM), Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn cản việc sử dụng các stablecoin được đồng đôla chống lưng và, đang thúc đẩy phát triển những phương tiện thanh toán điện tử Trung Quốc. Cho dù có thể tiếp cận các stablecoin ở Hồng Kông, Trung Quốc vẫn điều tiết và ngăn cản việc dùng chúng để thanh toán, không chỉ ở Trung Quốc mà còn giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. 

Biến thể trên “Hot Spot III” của Mona Hatoum © Adagp Paris 2024

Việc Ngân hàng trung ương châu Âu phát triển đồng euro điện tử (digital euro) là một hướng ứng phó với học thuyết trọng thương trong thời đại tiền mã hóa của Hoa Kì, nhưng tương lai của hướng đáp trả này vẫn còn chưa chắc chắn và nhất là vì thông thường đồng tiền này không cho phép những khoản chi trả quốc tế bên ngoài vùng euro. Do đó vấn đề đặt ra là không rõ trong tương lai châu Âu có chấp nhận những giao dịch bằng các stablecoin mà các dự trữ không có một thành phần bằng đồng euro không. Nói cách khác: các stablecoin có nguy cơ tạo nên sự đôla hóa gián tiếp nền kinh tế châu Âu không? 

Ngoài việc ngồi nhiều giờ trước nền tảng Netflix, người châu Âu chủ yếu giao tiếp qua Instagram, WhatsApp và Gmail và mua hàng trên Amazon, người châu Âu cũng có thể ngày càng thanh toán bằng những stablecoin được đồng dollar thay vì đồng euro chống lưng.

ERIC MONNET

Trong mức độ mà Liên minh châu Âu ngày nay là tiến bộ nhất trên lĩnh vực điều tiết các stablecoin – với Markets in Crypto-Asetss Regulation (MiCAR)/Điều tiết các thị trường tài sản mã hóa – rất có thể là trên phương diện pháp lí, một cách ngược đời, Trump sẽ theo một phần pháp chế châu Âu.

Nhưng trong khi pháp chế này được xây dựng theo cách phòng vệ. Trump có thể sẽ vận dụng nó theo cách tiến công, buộc các giao dịch của những ai cư trú ở Hoa Kì chỉ phải giao dịch bằng các stablecoin do đồng đôla chống lưng chứ không do những đồng tiền dự trữ khác. Sự điều tiết có tính tiến công này nhất quán với học thuyết trọng thương trong thời đại tiền mã hóa của ông, có thể đi cùng với một chính sách chi trả của GAFAM sử dụng các stablecoin này, ví dụ trên Facebook và Amazon, lợi dụng vị thế thống trị của các doanh nghiệp này trên bình diện thế giới. 

Kịch bản trên là quan trọng và sắp xảy ra đến nơi này hơn kịch bản dự trữ bằng đồng bitcoin. Và ngay từ bây giờ phải làm người châu Âu lo lắng. Sau thuế quan, tham vọng lãnh thổ và áp lực về sự hỗ trợ quân sự, có khả năng lớn là đòn tấn công sắp tới của Hoa Kì nhằm vào các hệ thống chi trả và sẽ có hiệu quả. 

Về tác giả:

Éric Monnet

Éric Monnet

Éric Monnet là chuyên gia lịch sử kinh tế, giám đốc nghiên cứu của EHESS, tại đây ông phụ trách lĩnh vực chủ quyền quốc gia và toàn cầu hóa, giáo sư tại Paris School of Economics (PSE). Tham gia nghiên cứu với Center for Economic Popicy Research (CEPR), năm 2022 ông nhận giải nhà kinh tế trẻ xuất sắc do nhật báo Le Monde và Câu lạc bộ các nhà kinh tế trao.

Cựu sinh viên Trường sư phạm cao cấp Lyon, ông tiếp tục học ở EHESS và bảo vệ luận án năm 2012 về chính sách của Ngân hàng trung ương Pháp dưới sự hướng dẫn của Pierre-Cyrille Hautcoeur.

Tiếp sau đó các công trình của ông nhận được giải thưởng của Economic History Association và giải thưởng của International Economic History Association. Ông đã công bố nhiều bài trên các tạp chí quốc tế về kinh tế và lịch sử kinh tế và đặc biệt đã xuất bản hai tác phẩm: Controlling Credit. Central Banking and the Planned Economy in Postwar France, 1948-1973 (Cambride University Press, 2018) và La banque-providence. Démocratiser les banques centrales et la monnaie (Le Seuil, 2021).

Ông cũng đã phối hợp chủ biên nhiều tác phẩm tập thể hay số đặc biệt của các tạp chí dành chỗ cho phân tích kinh tế và phân tích các nhà kinh tế trong việc ra quyết định chính trị. Ông thường xuyên tham gia trong tư cách chuyên gia với nhiều định chế (Ngân hàng trung ương Pháp, Hội đồng phân tích kinh tế, CEPR, IMF) 

Éric Monnet nghiên cứu các chính sách và hệ thống tiền tệ và tài chính trong thế kỉ XIX và XX, với một sự chú tâm đặc biệt vào lịch sử Pháp và bối cảnh của châu Âu.

Ông đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các xã hội bị khủng hoảng. Ông soi rọi các vấn đề mới về tiền tệ và tài chính dưới ánh sáng của những bài học của lịch sử.

Nguyễn Đôn Phước dịch 

Nguồn:Cryptomercantilisme: la doctrine économique de Donald Trump”, Le grand continent, 18.3.2025.

----

Bài có liên quan: Trung Quốc kẻ chiến thắng trước sự chuyển đổi thế giới mà Trump mong muốn




Chú thích:

[1] Về lịch sử của chủ nghĩa trọng thương và tính thời sự của nó, xem: Arnaud Grain, Le monde confisqué. Essai sur le capitalisme de la finitude (XVI-XXIè siècle) , Flammarion, 2005.

[2] Le programme officiel de Trump”, le Grand Continent, 11 novembre 2024; “Trump’s Bitcoin Stockpile Plan stirs debate”, Reuters, 6 août 2024.

[4] Tại Hoa Kì, dự trữ vàng và ngoại tệ do Ngân khố, chứ không phải ngân hàng trung ương, nắm giữ một cách hợp pháp, cho dù chính ngân hàng trung ương mới tiến hành cụ thể những giao dịch tài chính nhất định với các dự trữ này. Dự trữ mới về đồng bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác sẽ do một cơ quan vừa mới được thành lập trực thuộc Ngân khố chứ không phải do Quỹ ổn định hối đoái của Hoa Kì (ESF), quản lí.

[5] Establishement of the strategic bitcoin reserve”, Maison-Blanche, 6 mars 2025.

Print Friendly and PDF