1.3.25

Ba bài học mà phương Tây có thể học được từ cách tiếp cận kinh tế của Trung Quốc đối với AI

BA BÀI HỌC MÀ PHƯƠNG TÂY CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC TỪ CÁCH TIẾP CẬN KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI A.I

Ảnh Phonlamai Photo/Shutterstock

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã có mặt ở khắp mọi nơi, sẵn sàng thay đổi cách chúng ta làm việc và giải trí, cách chúng ta học tập và cách chúng ta được chăm lo. Từ dịch vụ khách sạn đến chăm sóc sức khỏe, giải trí đến giáo dục, AI đang biến đổi thế giới như chúng ta đã biết.

Nhưng chúng đang phát triển với tốc độ khác nhau ở những nơi khác nhau trên thế giới. Ở phương Tây, dường như có xu hướng hướng đến sự hoàn hảo, theo đó các công ty dành thời gian để tinh chỉnh các hệ thống AI trước khi triển khai.

Ngược lại, Trung Quốc đã chọn con đường thực tế hơn, trong đó tốc độ và khả năng thích ứng được ưu tiên hơn việc thực hiện hoàn hảo. Các công ty Trung Quốc có vẻ như sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn, chấp nhận những hạn chế hiện tại của AI và quan sát xem điều gì sẽ xảy ra.

Và mong muốn trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển AI của Trung Quốc dường như đang có hiệu quả. Sau đây là ba bài học quan trọng mà phương Tây có thể học được từ chiến lược kinh tế về AI của Trung Quốc.

1. Chấp nhận sự không hoàn hảo

Nhiều công ty Trung Quốc đã áp dụng tư duy “đủ tốt” đối với AI, sử dụng nó ngay cả khi công nghệ chưa được phát triển đầy đủ. Điều này mang lại rủi ro, nhưng cũng khuyến khích việc học hỏi nhanh chóng.

Ví dụ, vào năm 2016, Haidilao, một chuỗi nhà hàng Trung Quốc nổi tiếng, đã giới thiệu “Xiaomei”, hệ thống AI xử lý các cuộc gọi đặt chỗ của khách hàng. Mặc dù Xiaomei không phải là hệ thống AI tinh vi nhất (nó chỉ hiểu các câu hỏi về đặt chỗ), nhưng Xiaomei làm việc hiệu quả, xử lý hơn 50.000 tương tác của khách hàng mỗi ngày với tỷ lệ chính xác 90%.

Xiaomei không hoàn hảo, nhưng nó cung cấp một dịch vụ có giá trị cho doanh nghiệp, chứng minh rằng AI không cần phải hoàn hảo mới có thể tạo ra tác động lớn.

2. Đưa vào thực tiễn

Một điểm khác biệt chính giữa các chiến lược AI ở Trung Quốc và phương Tây là tập trung vào các ứng dụng thực tế, giải quyết vấn đề. Trong nhiều ngành công nghiệp phương Tây, AI thường gắn liền với công nghệ tiên tiến như phẫu thuật hỗ trợ bằng robot hoặc các thuật toán dự đoán phức tạp.

Mặc dù những tiến bộ này rất thú vị nhưng không phải lúc nào chúng cũng mang lại tác động tức thì. Ngược lại, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể khi áp dụng AI để giải quyết những nhu cầu cơ bản hơn.

Ở Trung Quốc, một số bệnh viện sử dụng AI để hỗ trợ các nhiệm vụ thường ngày nhưng rất quan trọng. Ví dụ, vào tháng 4 năm 2024, Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán (汉协和医院) đã giới thiệu dịch vụ bệnh nhân bằng AI, hoạt động như một y tá sàng lọc cho bệnh nhân sử dụng ứng dụng nhắn tin.

Người bệnh được hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh án của họ. Sau đó, AI đánh giá mức độ nghiêm trọng của các nhu cầu của người bệnh và xếp độ ưu tiên các cuộc hẹn dựa trên tính cấp bách và các nguồn lực y tế sẵn có tại thời điểm đó. Sau đó, kết quả sẽ được chuyển đến bác sĩ, người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các bước tiếp theo.

Bằng cách giúp đảm bảo những người có nhu cầu quan trọng nhất được khám trước, hệ thống AI đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả và giảm thời gian chờ đợi cho những bệnh nhân tìm kiếm chăm sóc y tế. Đây không phải là công nghệ tiên tiến nhất, nhưng trong tháng đầu tiên được sử dụng tại phòng khám vú của bệnh viện, nó đã giúp hơn 300 bệnh nhân có thêm thời gian tư vấn – 70% trong số đó là những bệnh nhân cần phẫu thuật gấp.

3. Học hỏi từ những sai lầm

Vi Việc Trung Quốc nhanh chóng ứng dụng AI không tránh khỏi những thách thức. Nhưng thất bại chính là những bài học quý giá.

Một bài học cảnh tỉnh về việc triển khai AI không đến từ Trung Quốc mà từ Nhật Bản. Khách sạn Henn na ở Nagasaki, khi trở thành khách sạn đầu tiên trên thế giới sử dụng nhân viên robot, đã thu hút rất nhiều sự chú ý vì mô hình mang tính tương lai của mình.

Nhưng thực tế sớm đã khác xa mong đợi. Churi, robot trợ lý trong phòng của khách sạn, thường xuyên hiểu sai yêu cầu của khách, dẫn đến nhầm lẫn. Theo báo cáo, một vị khách đã bị đánh thức nhiều lần vì một con robot trong phòng của anh ta hiểu nhầm tiếng ngáy là một câu hỏi.

Ngược lại, nhiều khách sạn Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận có chừng mực hơn, lựa chọn các giải pháp robot đơn giản hơn nhưng hiệu quả cao. Robot giao hàng hiện đã trở nên phổ biến trong các chuỗi khách sạn trên khắp cả nước, và mặc dù không quá phức tạp, chúng rất thành thạo trong việc di chuyển trong hành lang và thang máy một cách tự động, để mang đồ ăn đến cho khách.

Bằng cách tập trung vào các vấn đề cụ thể, có tác động cao, các công ty Trung Quốc đã tích hợp AI thành công theo cách giảm thiểu sự gián đoạn và tối đa hóa tính hữu ích.

Chuỗi nhà hàng Trung Quốc tôi đã đề cập là một ví dụ điển hình khác về cách tiếp cận này. Sau thành công của chatbot, Haidilao đã giới thiệu “nhà hàng thông minh” được trang bị cánh tay robot và hệ thống giao đồ ăn tự động. Mặc dù mang tính đổi mới, công nghệ này gặp khó khăn trong giờ cao điểm và thiếu đi sự tương tác cá nhân mà nhiều khách hàng coi trọng.

Thay vì từ bỏ dự án, Haidilao tiếp tục điều chỉnh và tinh chỉnh việc sử dụng AI. Thay vì áp dụng mô hình nhà hàng hoàn toàn tự động, họ đã chọn phương án kết hợp, kết hợp tự động hóa với nhân viên (con người) để nâng cao trải nghiệm ăn uống.

Sự linh hoạt trước những thất bại này thể hiện tinh thần cốt lõi là sẵn sàng xoay chuyển và thích nghi khi mọi thứ không diễn ra như kế hoạch. Nhìn chung, cách tiếp cận thực dụng của Trung Quốc đối với AI đã giúp nước này dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, ngay cả khi quốc gia này tụt hậu so với phương Tây về độ tinh vi công nghệ. Điều này được thúc đẩy bởi sự sẵn sàng chấp nhận những khiếm khuyết của AI, sau đó thích nghi khi cần thiết.

Khi tốc độ và khả năng thích ứng là yếu tố quan trọng, các công ty không thể chờ đợi các giải pháp hoàn hảo. Bằng cách chấp nhận những khiếm khuyết của AI, tập trung vào các ứng dụng thực tế và phản hồi trong thế giới thực, các công ty Trung Quốc đã khai thác giá trị kinh tế của AI theo cách mà những công ty khác còn quá rụt rè để bắt chước.

Tác giả

Jialu Shan

Jialu Shan

Nghiên cứu viên tại Trung tâm Toàn cầu TONOMUS về AI và Chuyển đổi số, Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD)

Tuyên bố công khai

Jialu Shan không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Three lessons the west can learn from China’s economic approach to AI, The Conversation, October 29, 2024.

Print Friendly and PDF