4.10.23

Chỉ 3 giải Nobel để bao phủ tất cả các lĩnh vực khoa học

CHỈ 3 GIẢI NOBEL ĐỂ BAO PHỦ TẤT CẢ CÁC LĨNH VỰC KHOA HỌC – CÁCH THỰC HIỆN NGHIÊN CỨU NGÀY NAY ĐẶT RA THÁCH THỨC CHO GIẢI THƯỞNG DANH GIÁ NÀY RA SAO

Hạng mục 'hóa học' của giải Nobel đã biến thành 'hóa sinh'? Ảnh: Getty Images

Tôi chủ yếu là một nhà hóa học thực nghiệm – loại người vào phòng thí nghiệm và trộn và khuấy các hóa chất – kể từ khi bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1965. Hiện nay và trong suốt 15 năm qua, tôi là một nhà sử học toàn thời gian về hóa học.

Vào tháng 10 hằng năm, khi thông báo về những người đoạt giải Nobel năm đó được công bố, tôi kiểm tra kết quả với tư cách là một nhà hóa học. Và tôi thường xuyên có phản ứng giống như nhiều nhà hóa học đồng nghiệp của mình: “Họ là ai? Và họ đã làm gì?"

Một lý do cho sự hoang mang – và thất vọng đó – là trong nhiều năm gần đây, không có “nhà hóa học yêu thích” nào của tôi hoặc của những nhà hóa học đồng nghiệp của tôi sẽ tới Stockholm. Tôi không có ý cho rằng những người đoạt giải Nobel này là không xứng đáng – hoàn toàn ngược lại. Đúng hơn, tôi đang đặt câu hỏi liệu một số giải thưởng này có thuộc ngành hóa học hay không.

Hãy xem xét một số giải thưởng Nobel gần đây. Năm 2020, Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna đã nhận được giải Nobel “vì đã phát triển phương pháp chỉnh sửa gien”. Năm 2018, Frances H. Arnold đã nhận giải Nobel “cho sự tiến hóa có định hướng của enzyme,” cùng với George P. Smith và Ngài Gregory P. Winter “cho việc hiển thị peptide và kháng thể trên thể thực khuẩn [phage display].” Năm 2015, Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar đã nhận được giải Nobel “cho nghiên cứu cơ học về sửa chữa ADN”.

Tất cả họ đều nhận được giải Nobel về hóa học – không phải giải Nobel về sinh lý học hay y học, dù những thành tựu này dường như rất rõ ràng là thuộc các ngành y học và các khoa học sự sống. Còn rất nhiều ví dụ tương tự khác.

Người đồng đoạt giải năm 2018, Frances Arnold, nhận giải Nobel về hóa học từ Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển. Henrik Montgomery/AFP qua Getty Images

Những chuyện không phù hợp gần đây này thậm chí càng rõ ràng khi bạn nhìn về quá khứ xa hơn. Hãy xem xét giải thưởng Nobel năm 1962 được trao cho Francis Crick, James Watson và Maurice Wilkins “vì những khám phá liên quan đến cấu trúc phân tử của axit nucleic và tầm quan trọng của nó đối với việc truyền thông tin trong vật chất sống”. Tất nhiên, ADN là axit nucleic nổi tiếng nhất và ba nhà khoa học này được vinh danh vì đã giải mã được cách các nguyên tử của nó liên kết với nhau và sắp xếp theo hình xoắn kép ba chiều.

Trong khi “cấu trúc DNA” chắc chắn là một thành tựu trong hóa học, thì Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở Stockholm đã trao giải Nobel về sinh lý học hoặc y học cho Watson, Crick và Wilkins. Rõ ràng, thành tựu Nobel của họ đã mang lại những thành quả to lớn trong khoa học sự sống, di truyền học và y học. Vì vậy trao cho họ giải Nobel về sinh lý học hay y học khá phù hợp.

Mô hình một phân tử ADN
sử dụng một số tấm kim loại gốc
của Watson và Crick.
Thư viện ảnh Khoa học & Xã hội
qua Getty Images

Nhưng hãy lưu ý sự bất nhất ở đây. Các giải Nobel hóa học năm 2020, 2018 và 2015 thiên về các khoa học sự sống và y học hơn cả công trình về cấu trúc DNA của Watson, Crick và Wilkins. Tuy nhiên, các giải gần đây thì được trao về hóa học, trong khi giải thưởng lúc trước lại là về sinh lý học và y học.

Chuyện gì đang diễn ra? Xu hướng này tiết lộ điều gì về Quỹ Nobel và các chiến lược trao giải thưởng của tổ chức này nhằm đáp ứng sự phát triển của khoa học?

Một sự tiến hóa dần dần trong các giải thưởng Nobel

Vài năm trước, nhà hóa học-lịch sử học-toán học ứng dụng Guillermo Restrepo và tôi đã hợp tác nghiên cứu mối quan hệ giữa chuyên ngành khoa học với giải thưởng Nobel.

Hằng năm, Ủy ban Nobel về hóa học nghiên cứu các đề cử và đề xuất những người nhận giải Nobel về hóa học cho tổ chức mẹ của họ, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nơi cuối cùng sẽ chọn ra những người đoạt giải Nobel về hóa học (và vật lý).

Chúng tôi tìm thấy mối tương quan mạnh giữa các chuyên ngành của những thành viên ủy ban với chuyên ngành của chính những người được trao giải. Trong suốt thời gian tồn tại của Giải Nobel, đã có sự gia tăng liên tục – từ khoảng 10% trong những năm 1910 lên 50% trong những năm 2000 – trong tỷ lệ những thành viên ủy ban có nghiên cứu chủ yếu liên quan đến lĩnh vực khoa học sự sống.

Restrepo và tôi kết luận: Khi chuyên môn, mối quan tâm và chuyên ngành của các thành viên ủy ban thay đổi thế nào thì các lĩnh vực được vinh danh bởi Giải thưởng Nobel về hóa học cũng vậy. Chúng tôi cũng kết luận rằng học viện đã cố tình đưa ngày càng nhiều nhà khoa học về sự sống vào ủy ban tuyển chọn hóa học của họ.

Bây giờ một số độc giả nhạy bén có thể hỏi: “Có phải môn hóa sinh chỉ là một phân ngành của hóa học không?” Câu hỏi cơ bản đằng sau là “Làm thế nào để xác định các ngành trong khoa học?”

Restrepo và tôi lý luận rằng cái mà chúng tôi gọi là “địa hạt trí tuệ” [intellectual territory] xác định ranh giới của một chuyên ngành. Địa hạt trí tuệ có thể được đánh giá bằng cách phân tích thư mục của các tài liệu khoa học. Chúng tôi đã kiểm tra các tài liệu tham khảo, thường được gọi là các trích dẫn, được tìm thấy trong các ấn phẩm khoa học. Những tài liệu tham khảo này là nơi tác giả của các bài báo trích dẫn nghiên cứu có liên quan đã được xuất bản trước đây – thường là nghiên cứu mà họ đã dựa vào và xây dựng công trình của mình trên đó. Chúng tôi chọn nghiên cứu hai tạp chí: một tạp chí hóa học tên là Angewandte Chemie và một tạp chí khoa học sự sống có tên, khá hợp lý, là Biochemistry.

Chúng tôi thấy rằng các bài báo trên Angewandte Chemie chủ yếu trích dẫn các bài báo đăng trên các tạp chí hóa học khác, và các bài báo trên Biochemistry chủ yếu trích dẫn các bài báo trên các tạp chí hóa sinh và khoa học sự sống. Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng điều ngược lại mới đúng: Các ấn phẩm khoa học trích dẫn những bài báo của Angewandte Chemie hầu hết đều được đăng trên các tạp chí hóa học, và những ấn phẩm trích dẫn các bài báo của Biochemistry thì hầu hết đều được đăng trên các tạp chí hóa sinh và khoa học sự sống. Nói cách khác, hóa học và các khoa học sự sống/hóa sinh nằm trong các địa hạt trí tuệ rất khác nhau và không có xu hướng trùng lặp nhiều.

Không giới hạn trong danh hiệu

Nhưng bây giờ, có lẽ là điều bất ngờ. Nhiều nhà khoa học không thực sự quan tâm đến việc người khác phân loại họ thế nào. Các nhà khoa học quan tâm đến khoa học.

Như tôi đã nghe Dudley Herschbach, người nhận giải Nobel về hóa học năm 1986, trả lời một câu hỏi thường thấy về việc ông là nhà hóa học thực nghiệm hay nhà hóa học lý thuyết: “Liệu các phân tử không biết và cũng không quan tâm chăng?”

Nhưng các nhà khoa học, giống như tất cả mọi người, đều quan tâm đến sự công nhận và giải thưởng. Và vì vậy, các nhà hóa học quan tâm đến việc giải Nobel Hóa học đã biến thành giải Nobel hóa học và các khoa học sự sống.

Jacobus Henricus van 't Hoff đã nhận
được giải Nobel hóa học đầu tiên vì
'khám phá các định luật động lực hóa học
và áp suất thẩm thấu trong dung dịch'.
Ảnh: 
Universal History Archive/
Universal Images Group
qua Getty Images

Kể từ khi Giải Nobel được trao lần đầu tiên vào năm 1901, cộng đồng các nhà khoa học và số lượng các ngành khoa học đã lớn mạnh vượt bậc. Thậm chí ngày nay, các ngành học mới đang được tạo ra. Các tạp chí mới đang xuất hiện. Khoa học ngày càng trở nên đa ngành và liên ngành. Ngay cả hóa học với tư cách là một bộ môn khoa học cũng đã phát triển mạnh mẽ, vượt ra ngoài ranh giới học thuật của chính nó, và những thành tựu của hóa học vẫn tiếp tục gây choáng ngợp.

Giải Nobel đã không tiến hóa kịp với thời đại. Và chỉ là ta không có đủ giải Nobel để trao cho tất cả những người xứng đáng.

Tôi có thể tưởng tượng một giải Nobel bổ sung cho các khoa học sự sống. Số lượng người được trao giải có thể mở rộng từ mức tối đa là 3 người hiện tại lên bao nhiêu cũng được tùy thuộc vào thành tựu. Giải thưởng Nobel có thể được trao cho những người quá cố để bù đắp cho những thiếu sót nghiêm trọng trong quá khứ, một lựa chọn đã được Quỹ Nobel dùng trong vài năm và sau đó đã ngừng lại.

Trên thực tế, Quỹ Nobel đã phát triển các giải thưởng, nhưng rất thận trọng và không có những thay đổi lớn mà tôi nghĩ chắc chắn sẽ cần thiết trong tương lai. Tôi tin rằng cuối cùng nó sẽ thoát ra khỏi vũng bùn ý chí của Alfred Nobel và hơn một thế kỷ truyền thống danh giá, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.

Khi Nobel thiết kế các giải thưởng mang tên ông vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, ông không thể biết rằng món quà của ông sẽ trở thành khoản tài trợ vĩnh viễn và có tầm quan trọng lâu dài – thậm chí ngày càng tăng – như vậy. Nobel cũng không thể lường trước được sự phát triển của khoa học, cũng như thực tế là theo thời gian, một số ngành sẽ mất dần tầm quan trọng và các ngành mới sẽ ra đời.

Cho đến nay, các học giả cực kỳ có năng lực và tận tâm tại Quỹ Nobel và các tổ chức đối tác của họ – và tôi ghi nhận với lòng biết ơn sự cống hiến quên mình của họ cho sự nghiệp (trao giải) này – vẫn chưa đáp ứng thỏa đáng trước sự phát triển của khoa học hay sự bất bình đẳng và thậm chí là các thiếu sót của những năm giải trước đây. Nhưng tôi có niềm tin: Theo thời gian, họ sẽ làm được.

Tác giả

Jeffrey I. Seeman

Jeffrey I. Seeman

Học giả nghiên cứu thỉnh giảng về hóa học, Đại học Richmond

Tuyên bố công khai

Jeffrey I. Seeman không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Just 3 Nobel Prizes cover all of science – how research is done today poses a challenge for these prestigious awards, The Conversation, Sep 29, 2023.

Print Friendly and PDF