9.10.23

Adam Smith, người bảo vệ giai cấp cần lao

ADAM SMITH, NGƯỜI BẢO VỆ GIAI CẤP CẦN LAO

Jean Dellemotte

“Ta có thể hiểu là một số nhà kinh tế, lần này là những người khư khư bảo vệ các lợi ích của thương mại và công nghiệp, sau này đã mong muốn xét lại những phân tích [của ông] [...]. Những phân tích này cho thấy một cách sắc sảo sự bóc lột người làm công ăn lương bởi các giai cấp khác trong xã hội, một hiện tượng không thể chối bỏ vào thời đó. [...] Rõ ràng là nhiều đoạn trong tác phẩm của ông có thể ngay tức thì cung cấp những vũ khí cho những người bảo vệ các lợi ích của người làm công ăn lương”.

Henri Denis, Histoire de la pensée économique, 1966

“Thái độ thiện cảm công khai đối với các giai cấp cần lao tương phản rõ ràng, không chỉ với thái độ nghiêm khắc trước đây đối với người lao động của những tác giả hậu trọng thương, mà còn cả với các quan điểm thận trọng hơn của những người nối tiếp ông.”

Paul McNulty, “Adam’s Smith’s Concept of Labor”, 1973

Các trích dẫn trên của hai sử gia lỗi lạc về tư tưởng kinh tế không quy chiếu về chủ nghĩa xã hội “khoa học” của Marx hay của Engels, cũng như không về chủ nghĩa xã hội “không tưởng” của Proudhon, Owen hay Fourrier. Người bảo vệ các giai cấp cần lao, chứng nhân của việc bóc lột người làm công ăn lương trong thế kỉ XVIII, mà Henri Denis và Paul McNulty đề cập là học giả được nhiều người giới thiệu là “người cha sáng lập” kinh tế học chính trị và là người ngợi ca chủ nghĩa tự do kinh tế... Adam Smith. Nếu, từ nhiều thập niên qua, chiều kích trên trong phân tích của tác giả của Của cải của các dân tộc đã được một số chuyên gia nhận diện thì, tiếc thay, chiều kích này thường không được những công trình phổ biến khoa học, và từ đó, rộng rãi công chúng biết đến. Tuy nhiên, người mà vẫn cho đến nay thường được giới thiệu, một cách vội vã, như là luật sư bảo vệ một cách tuyệt đối các lợi ích của nhà tư bản, trái lại đã đặt các lợi ích của các giai cấp bình dân ở trung tâm của những mối bận tâm của ông.

Mục đích của kinh tế chính trị học

Mối quan tâm của Smith đối với việc cải thiện điều kiện sống của đại chúng hiện ra tức thì trong định nghĩa của kinh tế học chính trị được ông cung cấp trong lời giới thiệu quyển bốn của tác phẩm Của cải của các dân tộc/Recherche sur la nature et les causes de la richesse des nations:

Kinh tế chính trị học, xét như một nhánh kiến thức của nhà lập pháp và của chính khách, tự xác định hai mục đích khác biệt: thứ nhất, cung cấp cho nhân dân một thu nhập hay sinh kế dồi dào, hay để nói đúng hơn, là đặt nhân dân vào tình trạng tự mình có được thu nhập hay sinh kế dồi dào; thứ hai, cung cấp cho Nhà nước hay cho cộng đồng một thu nhập đủ cho dịch vụ công; kinh tế chính trị học tự xác định làm giàu vừa cho nhân dân và vừa cho bậc quân vương” [vol. 2, p. 11].

Nếu Smith chắc chắn không phải là triết gia đầu tiên quan tâm đến thân phận của “nhân dân”, một định nghĩa như trên tạo thành một sự sự đoạn tuyệt đáng chú ý so với những quan niệm trọng thương vốn thống trị cho đến lúc bấy giờ. Trong cái nhìn của các nhà trọng thương, “nhân dân” thật ra chỉ là công cụ, thường là xảo quyệt[1], của sự giàu lên đồng thời của Nhà nước và giai cấp thương gia. Trái lại, đối với Smith, “nhân dân” là người được hưởng, và từ đó là người đánh dấu, quá trình làm giàu và sự tiến bộ của các xã hội. Trên cương vị này, nếu xã hội “thương mại” là đáng mong muốn hơn tất cả các xã hội có trước nó, chính là vì, và nhất là, nó cho phép người công nhân “ngay cả khi thuộc giai cấp cần lao nhất” tự mình thụ hưởng “những nhu cầu và tiện nghi của đời sống, một phần lớn hơn nhiều những gì mà bất kì người man di nào sẽ không bao giờ có được” [vol. 1, p. 66].

Một sự ưu tiên như thế dẫn Smith trong nhiều đoạn trong Của cải của các dân tộc biện hộ cho lương cao, trong lúc đa số tác giả thuộc truyền thống tự do chỉ giữ lại điệp khúc đối nghịch. Có hai loại lí do được Smith nêu để ủng hộ một sự “tưởng thưởng tự do lao động”. Loại lí do thứ nhất có tính đạo đức. Nhất quán với một chủ nghĩa công lợi[2] được ông chấp nhận trong các trước tác của mình, tác giả ghi nhận rằng không thể xem việc cải thiện điều kiện sống của người lao động, vốn là số người đông nhất, là điều có hại cho xã hội. Hơn nữa, về mặt công lí, điều đáng mong muốn là giai cấp sản xuất chính những của cải thiết yếu của quốc gia nên được hưởng phần quan trọng nhất của của cải này:

Có thể nào xem là bất lợi cho cái tổng thể điều cải thiện số phận của số đông người? Chắc chắn không thể xem một xã hội là hạnh phúc khi đại đa số thành viên bị buộc rơi vào sự nghèo đói và khốn cùng. Vả lại, chỉ riêng công lí đã đòi hỏi là những ai cung cấp thức ăn, áo quần và nhà ở cho cả một dân tộc hưởng được thành quả lao động của chính họ một phần đủ để họ tàm tạm có thức ăn, áo quần và nơi cư trú” [vol. 1, p. 150].

Nhưng Smith cũng ủng hộ lương cao nhân danh hiệu quả kinh tế. Trước tiên vì lương cao khuyến khích tăng trưởng dân số và cho phép tạo ra những thị trường mới để bán sản phẩm trong trung hạn[3]. Tiếp đó, vì trong ngắn hạn, dưới mắt ông, mức lương là một trong những chất kích thích nhất cho công nghiệp.

Do đó, sự tưởng thưởng tự do của lao động, hiệu ứng của sự gia tăng của cải quốc gia cũng trở thành nguyên nhân của sự gia tăng dân số. Than phiền về sự hào phóng của phần thưởng này tức là than phiền điều vừa là tác động vừa là nguyên nhân của sự giàu có công cộng. [...] Giống như phần thưởng tự do của lao động khuyến khích dân chúng thì nó cũng làm tăng kĩ năng của các giai cấp thấp kém. Chính tiền công lao động cổ vũ nền công nghiệp. [...] Một sinh kế dồi dào gia tăng sức mạnh thể chất của công nhân; và niềm hi vọng êm dịu cải thiện sức lực và có thể cuối đời sống những ngày nghỉ ngơi và sung túc kích thích anh ta tận dụng hết sức mình. Như vậy ta sẽ thấy những công nhân tích cực hơn, chăm chỉ hơn, nhanh nhẹn hơn ở những nơi lương cao hơn là nơi lương thấp” [vol. 1, p. 153].

Phẩm hạnh của người nghèo, sự biến chất của người giàu

Diễn ngôn kinh tế của Smith thuận lợi cho công nhân và các giai cấp thấp kém của dân chúng còn được tiếp nối trong triết học đạo đức của ông. Thật vậy, trong tác phẩm lớn khác của ông, Théorie des sentiments moraux (1759), Smith nhiều lần quở mắng sự sa đoạ đạo đức, “tính chất đồi bại (trang 108), “những thói hư tật xấu và cơn điên loạn của những kẻ quyền thế” (trang 104), những kẻ mà “sự nịnh bợ và giả dối quá thường xuyên lấn át công trạng và năng lực của họ” (trang 106), trong lúc để lại cho giới trung lưu và thấp kém đảm bảo việc phổ biến “đạo đức tốt của xã hội[4].

Đối với những thân phận trung bình và thấp kém, lộ trình dẫn tới phẩm chất và con đường đi đến phồn thịnh, ít nhất đến sự phồn vinh mà những người có thân phận này có thể hi vọng đạt được một cách phải chăng, trong phần lớn các trường hợp may thay đều gần như giống nhau. Do đó trong tất cả các nghề trung bình và thấp kém, những năng lực thực sự và vững chắc, đi cùng với cư xử thận trọng, đúng đắn, cương quyết và ôn hoà, rất hiếm khi không dẫn đến thành công. [...] Do đó, nói chung chúng ta có thể chờ đợi ở những thân phận trung bình và thấp kém, một mức độ phẩm hạnh đáng kể; và may cho đạo đức tốt của xã hội, các thân phận này bao gồm đại bộ phận nhân loại” [ibid., pp. 105-106].

Thomas Malthus (1766-1834)
Albert Hirschman (1915-2012)

Trên chủ đề này cũng vậy, và có thể còn hơn cả chủ đề trước, quan điểm của Smith tương phản nổi bật với những quan điểm mà ta thấy trong những tác giả đi trước lẫn đi sau ông[5]. Tuy tự tuyên bố mình là “bạn của người nghèo”, song MalthusRicardo đều lên án các hệ thống trợ giúp người nghèo từ cuối thế kỉ XV ở Anh, đặt các luận chứng của họ trên điều sẽ được Hirschman gọi là “tu từ học của hiệu ứng tai ác[6] cũng như trên một chủ nghĩa tự nhiên xã hội nào đó. Malthus nêu bật sự bất lực của người nghèo trong việc kìm hãm bản năng kết hôn, cũng như “khuynh hướng phung phí một phần lương của họ vào việc nghiện rượu và phóng đãng” [1798, p. 52]. Còn Ricardo mong muốn pháp luật “giảm thiểu tần suất các cuộc hôn nhân giữa những người trẻ và không lo xa” [1817, p. 78]. Nhưng cần nhất là đặt quan điểm của Smith trong bối cảnh những quan điểm của đa số những tác giả đi trước ông. Trong những văn bản thuộc các thời kì “trọng thương” và “hậu trọng thương”, không hiếm khi người ta đánh giá rằng giáo dục đại chúng kìm hãm sự phát triển của công nghiệp, và lương thấp thường được rộng rãi ủng hộ nhằm khuyến khích người nghèo lao động, giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Montchrestien [1615, p. 103] không do dự chủ trương “thu gom người nghèo, nhốt vào những ngôi nhà công cộng, nam một bên và nữ một bên, bắt tất cả làm việc trong những loại công xưởng khác nhau”. Trong lúc Petty đánh giá người nghèo “phóng đãng đến mức lao động chỉ để ăn, hay đúng hơn để uống” [1899, vol. 1, p. 274][7]. Những đánh giá kiểu như vậy được lặp lại dưới ngòi bút của những tác giả thời bấy giờ, ví dụ như của một nhà văn nổi tiếng là Daniel Defoe trong một tiểu luận năm 1702 (Giving Alms No Charity) cũng lên án khuynh hướng nghiện rượu được giả định của công nhân Anh.

Lợi ích giai cấp và lợi ích chung

Mặt khác, định kiến đạo đức ủng hộ các tầng lớp bình dân của Smith được nhân đôi với việc phân tích sự nối kết giữa lợi ích của mỗi giai cấp xã hội và lợi ích chung, dẫn đến một phê phán cay độc các giai cấp công nghiệp[8] và thương mại. Trong một lời bình rộng nổi tiếng kết thúc quyển I Của cải của các dân tộc, Smith đánh giá lợi ích của giới lao động, cũng như lợi ích của giới chủ đất thường khớp với lợi ích chung. Tuy nhiên, theo ông, công nhân không có khả năng nhận diện lợi ích của mình nằm ở đâu, nắm bắt được mối liên hệ giữa lợi ích bản thân và lợi ích chung: “Điều kiện của anh ta không cho anh có thời gian để thu thập thông tin cần thiết; và dù cho có đầy đủ thông tin đi nữa thì giáo dục và những thói quen của anh khiến anh không ở trong trạng thái để có quyết định đúng. Trong các cuộc thảo luận công khai, không mấy ai hỏi ý kiến của anh, và lại càng không coi trọng anh” [vol. 1, p. 335]. Điều quan trọng cần ghi nhận là một nhận định như thế của Smith dựa trên những “điều kiện” sống, giáo dục và “những thói quen” của công nhân hơn là trên những phân tích di truyền hay bẩm sinh. Thật vậy, ý tưởng theo đó các điều kiện sinh sống có một tác động thiết yếu trên đạo đức và trí năng của các cá nhân được lặp đi lặp lại trong tác phẩm của ông[9]. Như vậy, tính đa dạng của các tài năng là hệ quả của sự phân công lao động hơn là ngược lại [vol. 1, p. 83]. Và việc liệt kê những lợi thế kinh tế của phân công lao động trong công xưởng như được đề cập ở chương đầu của cuốn Của cải của các dân tộc, được đối trọng bằng một cảnh báo ở quyển V của tác phẩm, liên quan đến tác động có hại của việc mở rộng phân công lao động lên những khả năng đạo đức và nhận thức của công nhân.

Trong những tiến bộ của phân công lao động, công việc của phần lớn những ai sống nhờ lao động [...] giới hạn ở một số rất nhỏ những thao tác đơn giản, thường là một hoặc hai thao tác. Thế mà trí thông minh của hầu hết con người tất yếu được hình thành qua những công việc thường xuyên. Một con người cả đời chỉ làm một số thao tác đơn giản [...] thường biến thành, nói chung, ngớ ngẩn và thiếu hiểu biết nhất mà một người có thể trở nên như vậy” [vol. 2, p. 406].

Như vậy ta có quyền nghĩ rằng việc công nhân không thể nhận diện đâu là lợi ích của bản thân và tham gia vào cuộc thảo luận công cộng, ít nhất một phần là hệ quả của những điều kiện lao động tai hại. Mặt khác, sẽ không phải là vô nghĩa khi cho rằng Marx đã lấy cảm hứng từ đoạn trích dẫn trên trong các công trình cúa chính ông về sự tha hoá của lao động. Còn sự lười biếng và vô tư đặc trưng của giới địa chủ mà “thu nhập không phải tiêu tốn lao động lẫn âu lo” khiến họ, theo Smith thiếu những kiến thức sơ đẳng nhất về những gì cấu thành lợi ích của họ [vol. 1, p. 334].

Một cách tương phản, giai cấp duy nhất mà lợi ích đặc biệt thường trực giao với lợi ích chung là giai cấp của “những ai làm việc trong một ngành đặc biệt về thương mại hay công nghiệp”, nói cách khác là giai cấp tư bản. Lợi ích của giai cấp gồm “những ai sống vào lợi nhuận” là thu hẹp sự cạnh tranh nhằm nâng cao thu nhập của họ, tức là “thu cho chính họ một cống phẩm bất công từ những người đồng hương của mình” [vol. 1, p. 336]. Trái ngược với người lao động và người địa chủ, theo tác giả, nhà tư bản lại có một hiểu biết sắc bén về lợi ích của bản thân, cũng như một sự khéo léo về mặt tu từ học cao hơn và thường thu được sự ưu ái hơn của nhà lập pháp gây thiệt thòi cho lợi ích chung. Và Smith kết luận quyển đầu của Của cải của các dân tộc bằng những lời mà ta sẽ không ngạc nhiên là có thể thấy được, ngày nay, trong một truyền đơn của Đảng cộng sản:  

Tuy nhiên, lợi ích đặc biệt của những ai làm việc trong một ngành đặc biệt về thương mại hay công nghiệp luôn luôn, về một số mặt, khác và thậm chí trái ngược với lợi ích của công chung. [...] Bao giờ cũng phải đón nhận mọi đề xuất từ giai cấp này về một đạo luật hay quy định thương mại bằng một sự nghi ngờ lớn, và chỉ được thông qua sau một sự xem xét lâu dài và nghiêm túc, một sự xem xét mà tôi không nói chỉ là thận trọng nhưng còn với sự tập trung cảnh giác cao nhất. Đề xuất này xuất phát từ một giai cấp mà lợi ích sẽ không bao giờ đúng là lợi ích của xã hội, thường lợi ích của họ là đánh lừa công chúng và thậm chí tăng gánh nặng của công chúng, và trong nhiều trường hợp họ đã từng làm cả hai điều này” [vol. 1, p. 336].

Xã hội thương mại phải chăng là bất công?

Phải đặt việc Smith không tin tưởng vào hành vi của thương gia và kĩ nghệ gia trong khuôn khổ sự phê phán của ông đối với học thuyết trọng thương (hay để dùng từ của ông là “hệ thống con buôn”) vốn là mục tiêu được ông ưu tiên phê phán trong Của cải của các dân tộc. Mặt khác, ở nhiều chỗ trong tác phẩm này, Smith tỏ ý làm tiếc là “những ai sống nhờ lợi nhuận” được hưởng những ưu đãi từ nhà cầm quyền, trong lúc “hệ thống tự do tự nhiên” của riêng ông đòi hỏi bác bỏ mọi hệ thống có tính “ưa thích hay cản trở” và phải thiết lập một nền hành chính chính xác và không thiên vị về công lí[10], không ưu đãi cho bất kì giai cấp xã hội đặc biệt nào. Chẳng hạn, trong chương VIII của Của cải của các dân tộc về tiền lương, Smith trách mắng sự bất công của luật pháp, “biết mấy nghiêm khắc” với các liên minh công nhân trong khi lại cho phép giới “chủ” tư bản “âm mưu[11] một cách hợp pháp:

Giới chủ ở mọi nơi và bao giờ cũng liên kết đồng bộ với nhau để không nâng tiền lương cao hơn tỉ suất hiện tại [...] Thật ra chúng ta không bao giờ nghe nói đến sự liên kết này vì đó là trạng thái thông thường [...] Đôi lúc giới chủ có những âm mưu đặc biệt để giảm dưới mức thông thường giá cả lao động [...] Đôi khi công nhân nhượng bộ, không kháng cự, cho dù cảm nhận là mình lãnh đủ nặng nề, thì không ai nghe nói đến. Tuy nhiên thường công nhân kháng cự lại các liên kết trên bằng một liên minh phòng vệ, cũng đôi khi [...] họ tự liên minh với nhau để nâng cao giá cả lao động của mình [...] Các liên đoàn của họ [...] thường đi kèm với những tiếng la ó ồn ào. Nhằm thúc đẩy vụ việc đi đến một kết luận nhanh chóng, bao giờ họ cũng lên tiếng một cách hung hăng, giận dữ, và đôi lúc hành xử bạo lực và quá đáng. Họ tuyệt vọng và hành động một cách phi lí và giận dữ như một người ở bước đường cùng, buộc phải chọn giữa chết đói và giành giật, bằng sự khủng bố, từ các chủ nhân sự ban ơn nhanh chóng các yêu sách của họ. Trong các trường hợp này, về phần mình, những chủ nhân không la hét nhỏ hơn; dùng hết sức bình sinh, họ không ngừng đòi hỏi sự can thiệp của các thẩm phán dân sự và việc thi hành một cách chặt chẽ nhất các đạo luật biết mấy nghiêm khắc chống các liên đoàn công nhân, người phục vụ và người lao động từng ngày. Bởi vậy, hiếm khi những nỗ lực đấu tranh công nhân gặt hái được những thành quả của những nỗ lực đấu tranh bạo động và hỗn loạn. Đó là do sự can thiệp của thẩm phán dân sự cũng như do sự ngoan cố kéo dài của giới chủ và sự cần thiết của hầu hết các công nhân phải nhượng bộ vì sinh kế trước mắt. Nói chung, các nỗ lực này không kết thúc bằng điều gì khác hơn là sự trừng phạt hay suy sụp của những người cầm đầu cuộc nổi dậy” [vol. 1, pp. 138-139].

Điều ấn tượng ở đây là tác giả nhiệt tình đứng về phía công nhân. Như vậy, việc công nhân đôi khi có thể sử dụng bạo lực được biện minh bằng sự tuyệt vọng và cơn đói, trong lúc bạo lực kinh tế, ngược lại, mà họ phải gánh chịu từ những nhà tư bản sử dụng lao động bị nhấn mạnh và nêu đậm nét. Giới chủ hình thành những “liên đoàn” hay hiệp hội (combination) trong vòng “vô cùng bí mật” nhằm làm giảm tiền lương xuống một mức “đương nhiên là thấp nhất phù hợp với tính người sơ sài” [vol. 1, p. 140], và đôi khi còn thấp hơn nữa. Ta ở rất xa hình ảnh của nhà lãnh đạo công nghiệp, ân nhân của xã hội...

Sự “nghiêm khắc” đối với các giai cấp cần lao được nhân đôi với sự khoan hồng đối với các giai gấp thống trị: “Luật pháp cho phép [giới chủ] phối hợp với nhau, hay ít ra là không cấm đoán, trong khi lại cấm công nhân điều này. Chúng ta không có văn bản nào của quốc hội chống các liên đoàn có xu hướng làm giảm giá của lao động; nhưng chúng ta lại có nhiều những văn bản chống lại các liên đoàn có xu hướng làm tăng giá này” [vol. 1, p. 137]. Và ở vài chương sau, Smith khẳng định là “tất cả những lần mà luật pháp tìm cách giải quyết vấn đề tiền công của công nhân, thì bao giờ cũng là để giảm hơn là để tăng tiền công lên” [p. 208]. Hiển nhiên là bạn đọc của Marx sẽ có xu hướng nhìn thấy trong nhận định trên như một ám chỉ đến ảnh hưởng của hạ tầng kinh tế lên thượng tầng kiến trúc pháp lí và chính trị[12]. Tuy nhiên giải thích của Smith rõ ràng là khác. Ta đã thấy trên đây là những đặc ân lập pháp mà người sử dụng lao động tư bản hưởng được là hệ quả, ít ra là một phần, của tính giả dối và thuật hùng biện khéo léo của họ. Trên điểm này, kết luận của chương IX về lợi nhuận là phũ phàng:

Các nhà buôn và ông chủ công nghiệp của chúng ta than phiền nhiều về những tác động xấu của tiền công cao, vì tiền công cao làm hàng hoá của họ thành đắt đỏ, và qua đó làm giảm lưu lượng của chúng [...] Họ không nói đến những tác hại của lợi nhuận cao; họ giữ im lặng về những hậu quả phiền toái cho chính thu nhập của họ và chỉ than phiền về những hậu quả này cho những người khác thôi” [vol. 1, p. 172].

Tuy nhiên đánh giá của Smith đi trước đánh giá sẽ được Marx làm rõ: luật pháp thường tạo lợi thế cho những lợi ích của giai cấp thống trị. Đến mức trong quyển năm của Của cải của các dân tộc [vol. 2, p. 337], tác giả viết là “chính quyền dân sự mà chủ đề là sự an toàn của các sở hữu được thiết lập, trong thực tế là để bảo vệ người giàu chống người nghèo hay những ai có sở hữu chống những ai không có[13]. Do đó, lí do tồn tại của luật pháp và Nhà nước nói chung là để bảo vệ quyền lợi của người giàu chống lại lợi ích của người nghèo, và đặc biệt của nhà tư bản chống lại công nhân.

Không phải là điều ngạc nhiên khi thấy là nhận định của Smith về sự bất công trong lĩnh vực lập pháp còn được nối tiếp trong mô tả của ông trong lĩnh vực kinh tế, được đặc trưng bằng những bất bình đẳng lớn về thu nhập. Chẳng hạn, Duboeuf [1999, p. 13] ghi nhận là với Smith sự bất bình đẳng về mặt vật chất là hiệu quả về mặt xã hội khi không có được sự biện minh về mặt xã hội. Còn Winch [1978, p. 88] nhấn mạnh “sự thừa nhận (đôi lúc đến mức kiên trì) của Smith rằng cả những công việc lẫn thu hoạch đều không được phân phối công bằng trong các xã hội văn minh và việc ông nêu lên một số lớn các trường hợp khi những cuộc xung đột và sự bất công là những vấn đề thời sự” và ông kết luận “đạt được những lợi thế có được từ sự văn minh và phân công lao động mặc dù có sự bất công” [ibid., p. 90]. Thật vậy, dường như các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng về vật chất và sự bất công của xã hội thương mại nằm ở trung tâm các ưu tiên của Smith khi ông bắt tay vào viết một giáo trình kinh tế chính trị học. Minh chứng là đoạn đặc biệt cay độc trong một phác thảo đầu tiên cuốn Của cải của các dân tộc song, vì những lí do mà lịch sử tư tưởng lẫn sử liệu không giải thích được, không được tác giả giữ lại trong phiên bản được công bố của tác phẩm:

Trong một xã hội văn minh, người nghèo đảm bảo nhu cầu bản thân lẫn sự xa hoa mênh mông của những bề trên của họ. Địa tô làm chỗ dựa cho sự hão huyền của địa chủ lười biếng hoàn toàn là thành quả của sự khéo léo của nông dân. [...] Tất cả những quần thần chay lười và phù phiếm của một triều đình được, cũng theo cách đó, ăn, mặc, ở nhờ lao động của những ai phải trả thuế cung phụng họ. Trái lại, trong số những kẻ man di, mỗi cá nhân tận hưởng toàn bộ sự khéo léo của mình, trong số họ không có ai là địa chủ, kẻ cho vay nặng lãi, hay kẻ thu thuế [...] Nhưng liên quan đến thành quả lao động của một xã hội lớn, không có gì giống với một sự phân chia chính đáng và công bằng. Trong một xã hội gồm một trăm nghìn gia đình, có lẽ một trăm gia đình hoàn toàn không lao động, tuy nhiên bằng bạo lực hay bằng áp bức của luật pháp, vẫn tiêu dùng một phần lớn hơn thành quả lao động của xã hội hơn bất kì mười nghìn gia đình nào khác. Tương tự như vậy, sự phân chia phần còn lại sau khoản khấu trừ khổng lồ này cũng hoàn toàn không theo tỉ lệ lao động của mỗi cá nhân. Trái lại, những ai lao động nhiều nhất được hưởng ít nhất” [“Early Draft of part of Wealth of Nations”, in Smith, 1978, pp. 563-564].

Mầm mống của một lí thuyết bóc lột

Khẳng định, một mặt, “những ai lao động nhiều nhất được hưởng ít nhất” và, mặt khác, “chính bằng lao động mà ban đầu tất cả của cải của thế giới đã được mua” [Của cải của các dân tộc, vol. 1, p. 100] há chẳng sẽ dẫn đến một cách logic việc công nhận sự bóc lột? Smith sẽ không đi đến kết luận này, nhưng ta có thể cho là chính phân tích của ông, một phần, đã dọn đường cho phân tích của Marx. Thật vậy, trong Théories sur la plus-value [pp. 74-76]/Các học thuyết về giá trị thặng dư của mình, Marx, người vốn kiệm lời khen những tác giả đi trước ông, thừa nhận “công lao to lớn” của Smith: đó là một trong những tác giả đầu tiên, nếu không là tác giả đầu tiên “công nhận nguồn gốc thật sự của lao động” trong một công việc không có đối phần trả cho công nhân. Quả thế, đó là điều Smith khẳng định trong chương VI của Của cải của các dân tộc, trong một đoạn then chốt của tác phẩm khi lần đầu tiên ông bàn luận những ý niệm tiền công và lợi nhuận.

Một khi có vốn tích luỹ trong tay một vài cá nhân thì một cách tự nhiên một số người trong số này sẽ sử dụng các vốn này để kinh doanh những người khéo tay được họ cung cấp vật liệu và sinh kế[14], nhằm thu về lợi nhuận trên việc bán sản phẩm của họ hay trên giá trị mà các công nhân này cộng thêm vào các vật liệu. [...] Như vậy, giá trị được công nhân cộng thêm vào vật liệu có hai phần, một phần để trả tiền công công nhân và một phần là lợi nhuận của doanh nhân thu được trên số vốn được ứng trước cho tiền công và vật liệu để làm việc” [vol. 1, p. 118].

Như vậy, Smith viết rất rõ rằng nguồn gốc lợi nhuận của nhà tư bản là lao động của công nhân làm thuê. Còn lâu mới là thứ yếu, khẳng định này được lặp lại vào đầu chương VIII của quyển I về tiền công, trong đó lợi nhuận và tô tức được gọi là những “khoản khấu trừ vào thành quả của lao động”.

Hiếm khi người cày ruộng có đủ lương thực để sống đến mùa gặt. Thường lương thực của anh ta được người chủ, là trại chủ họ đang làm việc, ứng trước, và trại chủ sẽ không làm điều này nếu không có lợi ích là lấy một phần thành quả lao động của anh, hay nếu không thu hồi được vốn bỏ ra và còn có lãi nữa [...] Thành quả của hầu hết mọi lao động khác cũng đều chịu phải sự khấu trừ để có lợi nhuận. Trong mọi ngành nghề, mọi công xưởng, hầu hết công nhân đều cần một người chủ ứng trước vật liệu lao động, cũng như tiền công và lương thực cho họ cho đến khi công trình của họ hoàn thành. Người chủ này lấy một phần của thành quả lao động hay của giá trị mà lao động này cộng thêm vào vật liệu được sử dụng, và chính phần này tạo thành lợi nhuận của người chủ” [vol. 1, pp. 136-137[15]].

Hay một lần nữa, vào đầu chương III của quyển II, khi Smith đưa vào sự phân biệt nổi tiếng giữa lao động sản xuất và lao động phi sản xuất: “Như vậy, lao động của một công nhân sản xuất chế tạo thường làm tăng giá trị của vật liệu anh ta làm việc trên đó, giá trị sinh kế của anh và của lợi nhuận của người chủ anh ta. Ngược lại, lao động của gia nhân không làm tăng giá trị nào cả” [vol. 1, p. 417]. Giá trị sinh kế của công nhân tương ứng đại khái với tiền công của anh ta, có lẽ Smith gần như đã nhận diện, nhưng không chỉ ra, khái niệm thặng dư, nghĩa là phân số lao động mà nhà sử dụng lao động đã không trả tiền cho anh ta, phân số này ở Smith tương ứng với lợi nhuận, còn đối với Marx đó là giá trị thặng dư[16]. Vả lại, Smith, khi đưa lợi nhuận vào phân tích của mình, nói rõ rằng trong mọi trường hợp không nên đồng nhất lợi nhuận với một “công việc giám sát và điều hành”. Ông thuyết phục bạn đọc bằng ví dụ những công xưởng mà phần thiết yếu của công việc này được giao cho một người thừa hành, còn người sở hữu tư bản không chờ đợi gì ít hơn là thu về một lợi nhuận tỉ lệ với số vốn được ứng trước.

Trong nhiều công xưởng lớn, thường hầu hết loại công việc này được giao cho người đứng đầu các nhân viên thừa hành. Thù lao của người này thể hiện tht sự giá trị của công việc giám sát và điều hành này [...] và người sở hữu tư bản này, tuy được giải phóng khỏi công việc này không vì thế mà sẽ không tính rằng lợi nhuận tỉ lệ với tiền vốn của mình. Như vậy, trong giá của các hàng hoá, lợi nhuận của các quỹ vốn là một phần cấu thành giá trị, hoàn toàn không phân biệt tiền công của lao động, và bị chi phối bởi những quy tắc hoàn toàn khác nhau” [vol. 1, pp. 118-119].

Mặt khác, Smith ngụ ý là tiền công công nhân nhận được không phản ảnh lượng lao động mà họ thực sự cung ứng [vol. 1, p. 139]. Việc đưa ra ánh sáng sự tách biệt giữa tiền lương và nỗ lực cũng là một phần của trực giác về mầm mống của một lí thuyết bóc lột.

Tuy nhiên Smith sẽ không vượt qua giai đoạn phát thảo bức tranh phê phán xã hội thương mại. Vả lại, những lí do vì sao việc ông khám phá “nguồn gốc thật sự của giá trị thặng dư” đã không dẫn ông đến việc phát biểu một lí thuyết bóc lột cũng đã được Marx nhận diện. Một mặt, Smith không bao giờ phân biệt lao động và sức lao động, trái lại, nhiều lần ông đồng nhất lao động do công nhân cung ứng với thành quả của lao động công nhân, dưới ngòi bút của ông cả hai đều đồng nghĩa. Nhất là khi nhận thấy rằng công nhân không còn là người sở hữu độc nhất thành quả của lao động bản thân trong trạng thái “tiến triển” xã hội (nước Anh trong thời đại ông), Smith từ bỏ giải thích giá trị bằng lao động tiêu hao trong sản xuất để ưu tiên cho một học thuyết những thành phần của giá tự nhiên khiến cho lao động phụ thuộc vào tổng các thu nhập (tiền công, lợi nhuận và tô tức) được chi tiêu trong quá trình sản xuất hàng hoá. Nói cách khác, chính vì không có lí thuyết “thuần khiết” về giá trị lao động nên Smith không có lí thuyết bóc lột, mặc dù ông đưa ra ánh sáng hầu hết những dấu hiệu có thể dẫn đến lí thuyết này. Đặc biệt, rất lâu trước Marx, Smith đã kiến giải tư bản như một quan hệ xã hội trong đó người có sở hữu và người bị tước sở hữu đối mặt nhau. Ví dụ khi ông khẳng định rằng thước đo quyền lực kinh tế của một con người là lượng lao động của người khác mà sự giàu có của anh ta cho phép triển khai[17]. Hay khi ông mô tả khá dài những cuộc xung đột giữa những “người chủ” tư bản và công nhân trong việc xác định tiền công, ông cho là ở cấp độ cao hơn sự bất công luật pháp, nhân tố quyết định của sự đối kháng có lợi cho “người chủ” này trước tiên là sự bất lực của người lao động trong việc sản xuất một mình và tiếp tục sống sót mà không có tiền công.

Không khó để dự báo ai trong số hai bên, trong tất cả những tình huống bình thường, sẽ có lợi thế trong cuộc tranh luận, và tất nhiên áp đặt cho bên kia tất cả những điều kiện của mình [...] Trong tất cả các cuộc đấu tranh này, người chủ giữ vững lập trường lâu hơn. Thường một địa chủ, một trại chủ, một thợ cả chế biến hay một thương gia, có thể không sử dụng công nhân nào mà vẫn có thể sống một hay hai năm trên số vốn đã tích luỹ. Rất nhiều công nhân không thể tồn tại một tuần, rất ít công nhân có thể tồn tại một tháng và không đến nguyên một năm, mà không lao động. Trong dài hạn, người chủ cũng có thể cần đến công nhân như công nhân cần đến người chủ, nhưng nhu cầu của người chủ không cấp bách bằng nhu cầu của công nhân” [vol. 1, p. 137].

Marx, một lần nữa, không nói gì khác hơn trong tác phẩm Các học thuyết về giá trị thặng dư: “Nếu bóc khỏi cách trình bày ngây thơ cúa ông thì khẳng định của Smith đơn giản là: sản xuất tư bản chủ nghĩa bắt đầu ngay lúc những điều kiện lao động thuộc về một giai cấp và một giai cấp khác chỉ có sức mạnh lao động. Sự tách biệt lao động với những điều kiện lao động là điều kiện tiên quyết của sản xuất tư bản chủ nghĩa[18].

Kết luận

Maurice Dobb (1900-1976)
Joseph Schumpeter (1883-1950)

Bảo vệ các giai cấp cần lao và mặt trái của nó, sự phê phán các giai cấp thống trị do đó là một yếu tố có tính lặp lại trong tư tưởng của Adam Smith, mà phân tích kinh tế còn thể hiện nhiều khía cạnh được Marx thừa nhận di sản. Từng có một truyền thống nhất định những công trình, chủ yếu trong những năm 1970, quan tâm phát triển một hướng nghiên cứu về ảnh hưởng của Smith trên Marx, mà nhân vật tiêu biểu nhất có lẽ là Maurice Dobb. Tác giả này không ngại khẳng định là có thể kiến giải phân tích của Smith như “một lí thuyết mới chớm nở về bóc lột, được xem như một quan hệ xã hội, theo một nghĩa tương tự như nghĩa của Marx” [1973, p. 46]. Có lẽ đáng ngạc nhiên hơn là khoảng hai mươi năm trước đó một tác giả như Schumpeter [1954, vol. 1, p. 378] viết rằng “thật ra ông báo trước tất cả các học thuyết giải thích lợi nhuận bằng sự bóc lột [...] sẽ phải ra đời trong thế kỉ XIX[19]. Xa hơn chúng ta nữa, một cách đọc “lật đổ” như thế về Smith là thời thượng của một số tác giả được gọi là “nhà xã hội chủ nghĩa ricardian”[20] ở nửa đầu thế kỉ XIX. Và Proudhon có thể cũng lấy cảm hứng từ Smith khi viết tác phẩm Système des contradictions économiques (1846)[21].

Thật đáng tiếc là một chương trình nghiên cứu như vậy hầu như đã bị bỏ rơi. Chẳng phải vì để chứng minh rằng Smith có lẽ là một tác giả tiền marxist, một việc làm lỗi thời, mà ít nhất, để thấy rằng một sự từ bỏ như vậy, một phần, là một sai lầm. Tuy ông vừa nhận diện được nguồn gốc của lao động không được trả thù lao, khi bảo vệ các lợi ích của các giai cấp cần lao, vừa phê phán cay độc sự lừa dối của các giai cấp thống trị song vẫn gắn bó với sở hữu tư nhân, cạnh tranh và tự do lập nghiệp, tóm lại ông vẫn gắn bó với mô hình kinh tế tự do. Theo chúng tôi, thách đố của một cách đọc có tính “lật đổ” – song khách quan – của Smith nằm ở nơi khác. Sự quan tâm của tác giả đối với thân phận và các điêu kiện của các giai cấp cần lao, sự nghi ngờ đối với các kĩ nghệ gia và thương gia lớn và cuối cùng các bình luận của ông về sự bất công của xã hội thương mại phải được nối kết với, và soi sáng bằng sự phê phán tổng quát về “hệ thống con buôn”, đối thủ chính của ông trong Của cải của các dân tộc. Vì trên tất cả, Smith nhìn thấy trong cuộc đấu tranh ý thức hệ chống học thuyết trọng thương và việc quảng bá “hệ thống tự do tự nhiên”, được quan niệm như một hệ thống không thiên vị, đặt ngang hàng người sử dụng lao động và người làm công ăn lương, người lao động và nhà tư bản, và trong chừng mực có thể, người giàu và người nghèo, và như một phương tiện an toàn nhất để cải thiện những điều kiện sống vật chất của mọi người và để kết thúc sự áp bức lâu đời của vài giới được ưu đãi về mặt kinh tế trên đại chúng cần lao. Trước tiên, chính theo nghĩa này mà phân tích của ông vẫn còn xác đáng và hoàn toàn có tính thời sự. Sự gần gũi của các tập đoàn lớn về công nghiệp và thương mại với chính quyền, khả năng của chúng để quyến rũ các chính khách và công chúng bằng cách làm cho lợi ích đặc biệt của một thiểu số trở thành lợi ích của mọi người là một số đặc trưng của học thuyết trọng thương bị Smith tố cáo và dường như khó có thể cho rằng các đặc trưng này đã thật sự biến mất. Do đó, có thể không phải là điều phi lí khi khẳng định là chúng ta vẫn sống dưới chế độ bán buôn từng bị Smith tố cáo hơn hai trăm năm trước. Trong khi điều nghịch lí là những ai hưởng lợi nhiều nhất từ một hệ thống như thế cũng chính là những ai, để bảo vệ các đặc quyền của mình, viện đến uy tín của tác giả Của cải của các dân tộc.

Thư mục

Béraud A. et Faccarello G. (dir.), 1992, Nouvelle histoire de la pensée économique, La Découverte.

Béraud A., 2009, “Proudhon et Smith”, The Critique to Political Economy in the 19th Century, Part II: Pierre Joseph Proudhon, Universita degli studi Verona, International Workshop, 16-19 septembre.

Defoe D., 1704, Giving Alms No Charity, and Employing the Poor a Grievance to the Nation, Londres, Booksellers of London and Westminster.

Denis H., 1966, Histoire de la pensée économique, Presses universitaires de France, 2008 (seconde édition).

Dellemotte J. et Walraevens B., 2013, “Adam Smith on the Subordination of Wage-Earners in the Commercial Society”, European Journal of the History of Economic Thought, vol. 22, n° 3, juin 2015.

Dobb M., 1973, Theories of Value and Distribution since Adam Smith. Ideology and Economic Theory, Cambridge, Cambridge University Press.

Fleischacker S., 2004, On Adam Smith’s Wealth of Nations: A Philosophical Companion, Princeton, Princeton University Press.

Hirschman A. O., 1991, Deux siècles de rhétorique réactionnaire, Fayard.

King J. E., 1983, “Utopian or scientific? A reconsideration of the Ricardian Socialists”, History of Political Economy, vol. 15, n° 3, pp. 345-373.

Malthus R. T., 1798, Essai sur le principe de population, traduction Vilquin E., Ined, 1980.

Marx K., 1859, Contribution à la critique de l’économie politique, traduction Husson M. et Badia G., Editions sociales, 1972.

Marx K., 1861-1863, Théories sur la plus-value (Livre IV du Capital), traduction collective sous la responsabilité de Badia G., deux tomes, Editions sociales, 1974.

Mcnulty P. J., 1973, “Adam Smith’s Concept of Labor”, Journal of the History of Ideas, vol. 34, n° 3, pp. 345-366.

Montchrestien A. de, 1615, Traicté de l’oeconomie politique, Plon, 1889.

Petty W., 1899, The Economic Writings of Sir William Petty, Cambridge, Cambridge University Press.

Ricardo D., 1817, Principes de l’économie politique et de l’impôt, Calmann-Lévy, 1970.

Smith A., 1759-1790, Théorie des sentiments moraux, traduction Biziou M., Gautier C. et Pradeau J.-F., PUF, 1999.

Smith A., 1776, Recherche sur la nature et les causes de la richesse des nations, traduction Garnier G., Garnier-Flammarion, 1991.

Smith A., 1978, Lectures on Jurisprudence, Oxford, Oxford University Press.

Schumpeter J. A., 1954, History of Economic Analysis, Routledge, 1994.

Steiner P., 1992, “Monnaie, intérêt et travail”, in Béraud A. et Faccarello G. (dir.), pp. 122-130.

Winch D., 1978, Adam Smith’s Politics. An Essay in Historiographic Revision, Cambridge, Cambridge University Press.

Winch D., 1996, Riches and Poverty. An Intellectual History of Political Economy in Britain, 1750-1834, Cambridge, Cambridge University Press.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Adam Smith, défenseur du prolétariat, Alternatives Economiques, 01.07.2015

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Thật vậy, điều tầm thường của hầu hết các văn bản thuộc thời kì “thương mại” nhằm lên án tính thụ động của các giới bình dân.

[2] Theo nghĩa của học thuyết của triết học đạo đức do Jeremy Bentham (1748-1832) phổ biến và nhấn mạnh tiêu chí đạo đức “hạnh phúc lớn nhất cho số đông người nhất”.

[3] Theo Smith, qui mô của thị trường tiêu dùng là giới hạn của việc phát triển phân công lao động, động lực chính cho sự giàu lên của đất nước.

[4] Ngược lại, Smith phê phán nghiêm khắc là người giàu có và quyền thế thường sử dụng sự lừa đảodối trá, thậm chí phạm những tội ác dã man nhất, như giết người và ám sát (trang 107) nhằm tiêu diệt những ai đối lập hay cản trở quyền lực của họ.

[5] “Đóng góp rất khác biệt và quan trọng nhất của Smith vào lịch sử của Nhà nước phúc lợi là đã làm thay đổi thái độ đối với người nghèo được các chính sách giới hạn và khinh thường người nghèo, qua đó người nghèo bị duy trì trong nghèo khó, chấp nhận”, Fleischacker [2004, p. 206].

[6] Xem Hirschman [1991]. Luận chứng chính của Malthus và của Ricardo cho rằng các chính sách trợ giúp người nghèo, thay vì cải thiện tình hình của họ, góp phần làm gia tăng số người nghèo, họ lợi dụng sự trợ cấp để gia tăng số hậu duệ của mình. Đặc biệt, Malthus viết “Các luật này tạo ra người nghèo mà chúng nuôi dưỡng” [1798, p. 51]. Xin nhắc lại là Smith, trái với Malthus và Ricardo, không chống một cách rõ rệt nguyên tắc trợ giúp của các đạo luật về poor laws, (người nghèo – ND) nhưng chủ yếu ông phê phán việc các đạo luật này cản trở sự tự do di chuyển của người nghèo khi giữ chân họ vào một xóm đạo nhất định [Của cải của các dân tộc, vol. 1, pp. 213-218].

[7] Dẫn theo Steiner [1992, p. 128], qua đó ta có thể đọc một tổng kết về chủ đề này.

[8] Đặc biệt vì mọi tiến bộ của sức sản xuất của lao động được thể hiện bằng sự sụt giảm tương đối của giá thực tế của những sản phẩm chế tạo, góp phần nâng cao sức mua của giới chủ đất mà thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào giá trị tương đối của sản phẩm công nghiệp.

[9] Ví dụ, Smith cho rằng tính đa dạng của tài năng là hệ quả của phân công lao động hơn là ngược lại: “Trong thực tế, sự khác biệt các tài năng tự nhiên giữa các cá nhân là ít hơn ta tưởng và những khả năng khác biệt đến thế dường như phân biệt con người thuộc những ngành nghề khác nhau khi đã đứng tuổi, trong rất nhiều hoàn cảnh, không phải là nguyên nhân mà là hệ quả của sự phân công lao động. Sự khác biệt giữa những người làm những nghề đối lập nhau nhất, ví dụ, giữa một triết gia và một người bốc vác, dường như là do giáo dục và thói quen hơn là do tự nhiên” [Của cải của các dân tộc, vol. 1, p. 83].

[10] Tự do cá nhân của mỗi công dân, cảm giác về sự an toàn bản thân dựa trên một nền hành chính không thiên vị về công lí” [Recherche sur la nature et les causes de la richesse des nations, vol. 2, p. 345].

[11] Thật ra Smith dừng từ combination, được Garnier dịch là “âm mưu”.

[12] Xem lời tựa nổi tiếng của Marx trong Contribution à la critique de l’économie politique [1859].

[13] Smith trong các bài giảng ở đại học Glasgow còn viết ác liệt hơn: “Trong lĩnh vực này và trong tất cả mọi trường hợp, có thể xem các luật và chính quyền như một liên minh của người giàu nhằm áp bức người nghèo, và để bảo toàn cho bản thân họ sự bất bình đẳng về của cải mà, nếu làm khác đi, sẽ sớm bị những cuộc tấn công của người nghèo tiêu huỷ” [1978, p. 208].

[14] Trong bản dịch năm 1803, Garnier dịch đúng “subsistence” bằng “sinh kế” (“subsistance”). Nhưng kể từ ấn bản năm 1859, từ này không may bị dịch thành “bản chất” (substances). Tiếc thay, sai lầm này được lặp lại trong tất cả những lần tái bản, kể cả lần tái bản năm 1991 của NXB Flammarion.

[15] Trích dẫn này lẫn trích dẫn liền trước đó được Marx nêu bật trong Các học thuyết về giá trị thặng dư.

[16] Marx ghi nhận một cách chính đáng là Smith nhầm lẫn lợi nhuận và giá trị thặng dư.

[17] Trên điểm này, phân tích của Smith về thước đo giá trị là tiêu biểu cho quan niệm của ông về quan hệ của sự phụ thuộc giữa người lao động và nhà tư bản. Xem cách kiến giải khái niệm “lao động chỉ huy” của chúng tôi trong Dellemotte và Walraevens [2013].

[18] Marx [1859], p. 74; cũng xem p. 64.

[19] Cũng xem thêm vol. 2, p. 24: “Những ý tưởng của A. Smith về tình hình tương đối của tư bản và lao động chỉ có thể quyến rũ [Marx], hơn nữa khi chúng gắn liền với một định nghĩa của tô tức và lợi nhuận – như là những khoản khấu trừ thành quả của lao động – làm liên tưởng mạnh đến một lí thuyết bóc lột.”

[20] Xem King [1983].

[21] Xem Béraud [2009].

Print Friendly and PDF