25.10.23

Narges Mohammadi, Giải Nobel Hòa bình năm 2023: “Đấu tranh chống lại khăn trùm đầu bắt buộc không chỉ là vấn đề của phụ nữ”

NARGES MOHAMMADI, GIẢI NOBEL HÒA BÌNH NĂM 2023: ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI KHĂN TRÙM ĐẦU BẮT BUỘC KHÔNG CHỈ LÀ VẤN ĐỀ CỦA PHỤ NỮ”

ĐỐI THOẠI. Nhà tranh đấu người Iran, được khen thưởng vì cuộc chiến đấu của bà cho các quyền của con người, vào tháng trước đã nêu ý kiến từ nhà tù nơi bà bị giam giữ.

Armin Arefi ghi lại

Nhà báo

Cuộc đấu tranh không mệt mỏi của bà cho các quyền con người ở Iran cuối cùng đã được tưởng thưởng ở cấp cao nhất. Hôm thứ sáu ngày 6 tháng mười, nhà đấu tranh người Iran Narges Mohammadi nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2023 khi bà vẫn còn ở phía sau song sắt của nhà tù bi thảm Evin ở Teheran. Bị giam giữ từ tháng mười một năm 2021, vị phó chủ tịch (Narges Mohammadi) của Trung tâm bảo vệ quyền con người, một tổ chức được đồng sáng lập năm 2001 với nữ luật sư và là người được giải Nobel Hòa bình năm 2003 Shrin Ebadi, hiện đang thụ án 16 năm tù giam vì “tuyên truyền chống Nhà nước”. Vậy là bà trả giá cho sự dấn thân không ngơi nghỉ của mình cho nền dân chủ ở Iran, người nữ kỹ sư 51 tuổi này đã đã phải trải qua phần lớn thời gian ở trong tù trong 20 năm vừa qua, để lại chồng bà là Taghi Rahmani một mình nuôi hai đứa con sống lưu vong tại Pháp.

Hôm trước kỷ niệm ngày mất của Mahsa Amini, một phụ nữ Iran 22 tuổi, bị giết bởi cảnh sát phong tục ngày 16 tháng chín năm 2022, vì cô mang khăn trùm đầu không đúng cách, đã dấy lên sự giận dữ ở Iran, Narges Mohammadi đã bày tỏ cho báo Le Point cảm nghỉ của bà về một phong trào phản kháng chỉ chực bùng nổ trở lại. Báo Le Point đã chuyển những câu hỏi trên giấy cho nhà đấu tranh và bà đã chuyển được ra khỏi nhà tù những câu trả lời của bà.

Narges Mohammadi là một trong những người nổi tiếng về bênh vực các quyền con người tại Iran.© DR

Le Point: Bà định nghĩa phong trào “Phụ nữ, cuộc sống, tự do” như thế nào?

Narges Mohammadi: Phong trào cách mạng “Phụ nữ, cuộc sống, tự do” được thành lập do ý chí của dân tộc Iran, vốn giàu kinh nghiệm và các cuộc đấu tranh lịch sử của hơn 100 năm tại Iran. Phong trào này tiếp nối sự xuất hiện trong các thập kỷ vừa qua của các phong trào xã hội trong các lĩnh vực phụ nữ, giáo chức, công nhân và các quyền con người, với ý tưởng chính là thoát ra khỏi một hệ thống thần quyền chuyên chế để đạt đến tự do, bình đẳng và dân chủ. Đó là một phong trào tìm cách thay đổi tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa tại Iran nhằm tạo ra những biến đổi sâu sắc trên cơ sở những nền tảng của cuộc sống và của con người. Như vậy, theo tôi hiều đó là một cuộc cách mạng “căn bản của cuộc sống”.

Bà có cho rằng phong trào này đã thất bại?

Trái lại, tôi nghĩ rằng trong năm vừa qua phong trào này đã vượt qua những nấc thang quan trọng trong việc phổ biến ý tưởng rời bỏ một hệ thống chuyên chế và chọn một hệ thống dân chủ. Chắc chắn rằng phong trào sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn chính quyền trong tương lai và trong diễn biến của nó tại Iran. Sự thật là sự tức giận của dân chúng đã không dịu xuống. Và cho dù phong trào không còn khả năng huy động người biểu tình và phát động những cuộc tuần hành quy mô lớn nhưng phong trào vẫn sống nhờ vào những hành động đầy sáng tạo của cá nhân và tập thể, hoặc là trong không gian công cộng hoặc là trong không gian mạng, ví dụ như phụ nữ từ chối dùng khăn trùm đầu bắt buộc ngoài đường phố.

Ý nghĩa của sự từ chối này là gì?

Khăn trùm đầu (hijab) bắt buộc vẫn là một công cụ thống trị, đàn áp và nô dịch toàn bộ xã hội. Cũng như cách nó cho phép hình thành và tăng cường cấu trúc chính trị thần quyền của Iran, nó là minh chứng rõ ràng của sự tước đi ý chí của dân và của sự phục tùng của xã hội. Do đó, trong chiến lược thoát khỏi một chế độ chính trị thần quyền chuyên chế, đấu tranh chống lại khăn trùm đầu bắt buộc không chỉ là một vấn đề của phụ nữ và những người theo nữ quyền, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu của nhân dân cho sự thay đổi chính quyền. Trong thực tế, đó là một chất xúc tác tạo điều kiện thúc đẩy nhanh hơn cuộc đấu tranh cho sự chuyển đổi từ một chính quyền thần quyền chuyên chế đến một nền dân chủ. Cộng hòa Hồi giáo là một con bạch tuột và khăn trùm đầu bắt buộc là một trong những cái vòi của nó mà bằng mọi giá ta phải cắt nó ra và tiêu diệt nó.

Các cuộc biều tình đã ngưng tại Iran, bà giải thích như thế nào?

Tôi thấy có ba lý do. Trước tiên là vai trò của chính quyền. Cộng hòa Hồi giáo là một chế độ thần quyền chuyên chế, với những cơ cấu chính trị đối lập rất hạn chế. Một cách căn bản, chiến lược của hệ thống này nhắm đến tăng cường bộ máy đàn áp và tăng cường việc sử dụng đàn áp chống lại xã hội dân sự và những người đấu tranh, nó đã gia tăng mạnh những phí tổn của các cuộc biểu tình. Tôi nhắc lại rằng chính quyền đã dùng đến những phương pháp bạo lực và thậm chí gây chết người như ám sát trên đường phố, hành quyết, bỏ tù, tra tấn. Họ cũng đã sử dụng phổ biến những án tù giam giữ lâu ngày.

Tiếp theo tôi sẽ nêu ra sự suy yếu quyền lực của các thiết chế dân sự ở Iran trong những năm gần đây, vì những bắt bớ thường xuyên các lãnh đạo nghiệp đoàn trong giới giáo chức và công nhân, những người lãnh đạo cuộc đấu tranh vì quyền con người, cũng như việc giam giữ và trục xuất khỏi đại học những lãnh đạo sinh viên và giáo sư. Sự vắng mặt của họ đã rất bất lợi cho phong trào, vì các thiết chế dân sự độc lập xuất thân từ nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc huy động dân chúng và tổ chức sự phản kháng, vả lại đây là lý do khiến họ bị bắt.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh sự thiếu nhất quán của cộng đồng quốc tế trong việc ủng hộ và bảo vệ các quyền con người tại Iran. Lẽ ra nếu có những hành động hợp thời và dứt khoát từ các chính phủ phương Tây và các tổ chức quốc tế thì đã có thể giảm nhẹ sự đáp trả thô bạo và sự đàn áp của Cộng hòa Hồi giáo, và củng cố tinh thần những người biểu tình.

Bà là người trong một thời gian dài đã tin vào khả năng cải cách chế độ này từ bên trong, bà có thay đổi ý kiến không?

Tôi thấy là không thể cải cách chính thể này và nhân dân đã mất tất cả hy vọng vào các cuộc cải cách. Theo ý tôi, chính quyền đã tạo nên và tăng cường bế tắc này. Trong hơn hai thập kỷ, nhân dân đã trả giá đắt cho những cố gắng nhằm cải cách chính thể và tạo dựng một nền tảng để tổ chức xã hội dân sự, vươn tới tự do ngôn luận và các quyền con người. Thế nhưng chính quyền đã loại trừ một cách tàn bạo và ngoan cố mọi khả năng thay đổi, đến độ ngay cả những người ủng hộ cải cách đã mất tất cả hy vọng. Trong thực tế, một chính thể thần quyền và chuyên chế cho rằng chấp nhận một cải cách nhỏ nhất đồng nghĩa với việc làm yếu đi các nền móng của nó, và cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính thể.

Vào đầu năm nay, bà đã tố cáo những trường hợp tấn công, bao gồm cả tấn công tình dục, đối với những phụ nữ biểu tình đang bị giam giữ. Bà có chứng kiến những cách hành xử này không?

Trong những tháng vừa qua, tôi đã chứng kiến những phụ nữ đã biểu tình trong phong trào bị đánh đập tàn bạo. Tôi đã thấy những gương mặt bị sưng phồng, những cơ thể trương sình, những xương cằm và xương sườn bị gãy. Tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến những trường hợp quấy rối và tấn công tình dục chống lại những phụ nữ này. Những cách hành xử này đã tăng lên trong năm qua và đã diễn ra trong những trại giam cũng như trong các xe của chính phủ. Đây là những hành vi cố ý và có hệ thống của các nhân viên an ninh của chính phủ nhằm gieo rắc sợ hãi.

Có phải phong trào này đang gặp khó khăn vì không có lãnh đạo? Và bà là một trong những lãnh đạo ấy?

Về cơ bản, tôi cho rằng ý chí của nhân dân, ý thức và lòng can đảm của những người phản kháng cũng là những yếu tố quyết định những thay đổi căn bản của xã hội để đạt đến lý tưởng tự do, bình đẳng và dân chủ. Để làm việc này, tôi tin vào chiến lược nhắm đến xây dựng và tăng cường xã hội dân sự để bảo đảm sự tôn trọng các quyền con người với tư cách là yếu tố cốt tử và căn bản của dân chủ. Cá nhân tôi đã làm việc với tư cách là thành viên hoặc sáng lập viên của 12 thiết chế dân sự trong suốt 30 năm tranh đấu liên tục. Xã hội Iran là một xã hội năng động, nó đã dẫn dắt một cuộc đấu tranh kiên cường để thiết lập những thiết chế dân sự xuất phát từ nhân dân. Xã hội Iran biến chuyển không ngừng. Trong cuộc đấu tranh này, xã hội đã trải qua nhiều thăng trầm, và đã thấy xuất hiện những nhân vật và những gương mặt được thừa nhận, mạnh mẽ và đáng tin cậy, có khả năng hợp tác với nhân dân và đấu tranh chống lại chính quyền. Những nhân vật này có thể đại diện cho sự đồng thuận, cho phong trào và cho sự tiến bộ. Về phần tôi, tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế, những tổ chức về quyền con người và truyền thông trên toàn thế giới sẽ giúp nhân dân Iran thiết lập nền dân chủ bằng cách ủng hộ các nhân vật và các thiết chế dân sự độc lập này, vì những đối tượng này có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát những vi phạm quyền con người cũng như trong chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Những nhân vật này đang cần một sự ủng hộ của quốc tế.

Có còn không khả năng chiến đấu cho tương lai của Iran từ trong nhà tù?

Nhà tù là một hạt nhân vững chắc của cuộc chiến đấu của xã hội Iran và cuộc chiến đấu của chúng tôi bên trong nhà tù này là một thông điệp rõ ràng cho chính quyền chuyên chế rằng nhà tù sẽ không cản trở được phong trào của chúng tôi về sự sống, phản kháng và chiến đấu chống lại chính quyền. Đó là một thông điệp của xã hội Iran cho thấy rằng xã hội không sợ nhà tù. Đó là lý do tại sao những người bảo vệ tự do, những người tranh đấu cho quyền con người và tất cả những người trên thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, đoàn kết, tình thương và hy vọng có trách nhiệm không được quên những tù nhân chính trị và phải chiến đấu cho tự do của họ. Về phần tôi, tôi lạc quan và tin chắc rằng chúng ta sẽ tiến bước tay trong tay – dù chúng ta bị nhốt sau những bức tường tối tăm và lạnh lẽo của nhà tù, bên trong biên giới địa lý của Iran hay ở những nơi khác trên địa cầu – để đạt đến một cuộc sống được xây dựng dựa trên hòa bình bền vững và hòa nhập, ở đó ngự trị tự do, bình đẳng và tình thương. Hôm nay các bạn đã cho thế giới biết tiếng nói của tôi. Đó là một sự kích thích và hy vọng đối với tôi, người đang bị tước mất tự do, nhưng đang đặt công lý vào tay các các bạn. Bởi vì đó là lời hứa của chiến thắng.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: Narges Mohammadi, Prix Nobel de la paix 2023: « La lutte contre le voile obligatoire n’est pas qu'une affaire de femmes »”, Le Point, 14.9.2023.

Print Friendly and PDF