21.10.23

Ai, được gì và tại sao? Giải Nobel cho Claudia Goldin

AI, ĐƯỢC GÌ VÀ TẠI SAO? GIẢI NOBEL CHO CLAUDIA GOLDIN

Phụ nữ được trả lương như thế nào cho công việc của họ? Nhìn rộng hơn, các kỹ năng khác nhau nói chung được tưởng thưởng như thế nào trong thị trường lao động? Giá cả của các hàng hóa khác nhau là cốt lõi của kinh tế học, và tiền lương – tức giá cả của lao động – là giá cả quan trọng nhất. Claudia Goldin, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2023, sử dụng sử trắc học, các công cụ kết hợp của kinh tế học và sử học, để hiểu những thay đổi về tiền lương của phụ nữ và nam giới, của những người có trình độ học vấn thấp hơn và những người có trình độ học vấn cao hơn, của những người làm việc bán thời gian và những người cày đêm ở văn phòng. Ngành sử học này thì lạc hậu ở bằng chứng của nó, chứ không phải ở tính hữu dụng của nó. Công trình của Goldin giúp chúng ta hiểu được tiền lương của những ai sẽ tăng, sẽ giảm, sẽ được san bằng trong tương lai. Không phải là hoàn toàn không đúng, khi bà sẽ được mô tả trong phần lớn các bản tin của ngày hôm nay như là một nhà kinh tế học nghiên cứu về khoảng cách giới. Mô tả này đã bỏ qua hai phần tối quan trọng. Vấn đề tiền lương của nữ giới là một hệ quả trực tiếp từ công trình trước đây của bà về sự quay lại với các kỹ năng khác nhau khi cơ cấu nền kinh tế thay đổi, và cơ cấu đó là đối tượng nghiên cứu trong công trình đầu tiên của bà về sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, chẩn đoán của bà về khoảng cách giới thì lạc quan hơn và tinh tế hơn nhiều so với đa số các diễn ngôn phổ biến về chủ đề này.

Robert W. Fogel (1926-2013)
Douglass North (1920-2015)

Chúng ta hãy bắt đầu từ buổi đầu sự nghiệp của Goldin. Bà được chính người đồng nghiệp sau này sẽ đạt giải Nobel 1993 - Robert Fogel ở Đại học Chicago - đào tạo thành một nhà sử trắc học trong những ngày đầu của lĩnh vực mới này. Nói rằng sử trắc học là một lĩnh vực gây tranh cãi giữa các nhà sử học là một uyển ngữ. Một đám các nhà kinh tế học trẻ đầy ngạo mạn, những người vận dụng các mô hình lý thuyết lạ đời và nói về đối tượng nghiên cứu bị phản đối nhiều nhất trong sử học, phản thực tế (“Lịch sử chỉ xảy ra một lần duy nhất,” những kẻ ưa phỉ báng đã kêu lên như vậy), những nhà kinh tế học đó đã cả gan lật ngược một số dữ kiện được chấp nhận rộng rãi nhất trong lĩnh vực này. Chế độ nô lệ không tự nhiên biến mất do thiếu năng suất! Vì người ta có thể xây dựng các kênh đào ở vùng Trung Tây bằng phẳng nên đường sắt không thể nào là nền tảng cho sự thịnh vượng của nước Mỹ! Để cảm nhận bản chất ngoại cuộc của sử trắc học, hãy nhớ là thuật ngữ này do Stanley Reiter, một nhà lý thuyết kinh tế thuần túy, người chẳng được đào tạo gì về ngành sử học, đặt ra. Việc Goldin điểm lại tác động của sử trắc học sau giải Nobel của Fogel và North cho thấy rõ những sự ủng hộ của bà: một yếu tố tối quan trọng trong nghiên cứu này là việc phát hiện ra “sự tác động lẫn nhau giữa thay đổi về cơ cấu kinh tế và thay đổi về công nghệ”, mà chúng ta có thể nghiên cứu một cách chặt chẽ về mặt lý thuyết lẫn thực nghiệm. Cơ cấu của nền kinh tế làm thay đổi các phần thưởng, từ đó làm thay đổi các động lực, các động lực này khiến chúng ta học tập, tiết kiệm, làm việc trong nhiều giờ hay nghỉ hưu sớm, nhằm hưởng lợi từ việc nâng cao tầm hiểu biết hoặc cải thiện sức mạnh thể chất của mình.

Milton Friedman (1912-2006)
Hirsh Zvi Griliches (1930-1999)

Tất nhiên, Chicago vào những năm 1970 là trung tâm của lĩnh vực này và đôi khi nhìn lại thì người ta coi đó như là trung tâm của kinh tế học chính thống. Hoàn toàn không đúng! Bên ngoài cuộc cách mạng sử trắc học, Friedman đang đặt vấn đề liên quan đến niềm tin phổ biến lúc bấy giờ về vai trò của nhà nước trong chính sách, Griliches đang chứng minh tầm quan trọng của sự cải tiến và R&D đối với nền kinh tế, và Becker đang khiến chúng ta tự do hơn để nghiên cứu những gì xảy ra bên trong gia đình. Nếu có gì đó liên quan đến kinh tế học chính thống ở Chicago thì có lẽ là việc Goldin đã đến đây với một nền tảng về kinh tế học chính thống – Khoa học Bronx, cái nôi của những người đạt giải trong tương lai, sau đó bà chuyển từ lĩnh vực vi sinh học sang lĩnh vực chống độc quyền tại Cornell, trước khi Hyde Park mở rộng góc nhìn về những gì mà một nhà khoa học, một nhà kinh tế học, có thể làm được.

Công trình ở buổi đầu sự nghiệp của Goldin là chính sử, mặc dù công trình này mang hơi hướng Beckerian bởi sự tập trung của nó vào hộ gia đình. Quan niệm cũ cho rằng lịch sử kinh tế chân chính thì đầy bụi bặm. Đôi tay của bạn phải lục lọi các kho lưu trữ, những chiếc hộp bị lãng quên từ lâu với những hồ sơ viết tay khó mà đọc được, một mạng nhện giăng trên góc những trang giấy bị phong kín bởi sự lãng quên và bóng tối trong hàng thập kỷ. Công trình khảo cổ học của bà đi sâu vào nghiên cứu đô thị ở cuối thế kỷ 19 (nếu các bà mẹ có nhiều con gái phụ giúp việc nhà hơn, họ có thể làm việc ở nơi khác). Bà đã kết hợp cuộc tổng điều tra dân số công nghiệp từ đầu thế kỷ 19 với mô hình kinh tế lưỡng phân kiểu Lewis để khẳng định rằng năng suất tương đối thấp của phụ nữ và trẻ em ở miền Bắc (sữa và lúa mì) so với miền Nam (bông và thuốc lá, sử dụng mức lương tính theo sản phẩm để dễ theo dõi hơn) đã tạo ra một sự thặng dư lao động có thể lấp đầy các nhà máy ở Lowell và, qua thời gian, làm tăng tiền lương của nữ giới. Bà đã tìm thấy các hồ sơ cấp thành phố giúp bà xem xét sự tham gia vào lực lượng lao động của phụ nữ da đen và da trắng ngay sau khi họ được giải phóng, khẳng định rằng các chuẩn mực liên quan đến chế độ nô lệ đã làm tăng tỷ lệ làm việc ở phụ nữ da đen nhiều hơn so với mức tăng tỷ lệ làm việc chỉ do tiền lương hay thu nhập. Bà khẳng định rằng chi phí kinh tế gián tiếp của cuộc Nội chiến, đặc biệt là ở miền Nam, vượt quá chi phí trực tiếp gồm vốn bị thiệt hại và số người tử vong. Có lẽ không có gì ngạc nhiên về công trình sử học ở buổi đầu sự nghiệp này, Goldin là một cây viết học thuật đầy say mê, với lối diễn đạt được xây dựng cẩn trọng, ngôn ngữ rõ ràng và đơn giản. Có vẻ hiển nhiên là, chuyện bà chuyên tâm vào cách hành văn trong sáng có sự ảnh hưởng của McCloskey, người cũng thuộc nhóm nghiên cứu sử học tại Chicago khi Goldin học ở đó.

Không có gì ngạc nhiên khi công trình tập trung vào cuối thế kỷ 19, ngay trước Thế kỷ Nước Mỹ, đã gợi lên những suy nghĩ của chúng ta về việc chính xác thì sự thịnh vượng của thế kỷ 20 đã đến như thế nào. Tại sao giáo dục lại tăng vọt, đầu tiên là ở cấp trung học và sau đó là ở cấp đại học? Tại sao tiền lương của phụ nữ lại mất nhiều thời gian đến thế để bắt kịp tốc độ tăng của giáo dục (và bằng cách nào đó thì đến giờ vẫn chưa bắt kịp)? Những thay đổi về xã hội, như các chuẩn mực về giới hay những thay đổi về quy mô gia đình, có tác động tương đối như thế nào đến các nhân tố kinh tế thực tế, như sự phát triển của các công nghệ mới trong “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai”, chẳng hạn điện và hóa học hiện đại?

Lý thuyết kinh tế ở giai đoạn đầu và giữa thế kỷ 20 ở Mỹ thì rõ ràng và đơn giản. Nền công nghiệp Mỹ đã trở nên rất tiên tiến. Nhu cầu về lao động có tay nghề ngày càng tăng dẫn đến chuyện phổ cập giáo dục, điều đã đưa Mỹ trở thành một xã hội lớn có trình độ học vấn cao nhất thế giới cho đến nay. Cú sốc cung này kết hợp với sự tự động hóa dây chuyền lắp ráp, hay việc kết hợp công việc có tay nghề với máy móc, đã làm giảm tiền lương tương đối của các viên chức văn phòng [white-collar workers], làm giảm bất bình đẳng. Công việc sản xuất ngày càng có hiệu suất cao và phức tạp hơn, đòi hỏi công việc có tay nghề cao hơn theo thời gian, làm tăng sự bất bình đẳng và làm giảm tỷ lệ người lao động trong lĩnh vực đó. Công việc trong lĩnh vực dịch vụ ngày càng có tầm quan trọng tương đối. Khi những công việc “đầu óc” thay thế những công việc “tay chân”, phụ nữ quyết định làm thế nào để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, thứ đang ngày càng đè nặng lên sự nghiệp của họ, đạt được những bằng cấp đáng giá để thăng tiến ở nơi làm việc.

Nhưng lý thuyết này có đúng không? Phần lớn nhờ vào công trình của Goldin, chúng ta biết được điều đó. Hãy xem xét chuyện đi học. Vào năm 1910, chưa đến 10% người Mỹ tốt nghiệp trung học, và những người đó nhìn chung đang tìm đường vào đại học. Tiếng Latin và tiếng Hy Lạp có trong chương trình học. Từ năm 1910 đến năm 1940, tỷ lệ tốt nghiệp trung học tăng vọt lên gấp 5 lần phản ánh nhu cầu về lao động có tay nghề ngày càng tăng, nguồn cung mới này khiến tiền lương của các công việc liên quan đến sổ sách giảm, và các công ty có năng suất cao nhất bắt đầu trả lương cao hơn cho những người tốt nghiệp đại học ngay cả đối với những nghề lao động chân tay. Và có lẽ đáng ngạc nhiên là phụ nữ có nhiều khả năng tốt nghiệp hơn nam giới trong suốt giai đoạn này. Sự gia tăng số lượng phụ nữ được đi học như thế không xảy ra trên toàn thế giới. Ở Vương quốc Anh, ngay cả trong năm 1960, chỉ có 15% thanh thiếu niên 17 tuổi được đi học. Một nước Mỹ phân quyền, theo chế độ Cộng hòa (theo nghĩa cổ điển), thế tục, có một nguồn năng lực nhà nước độc đáo để phản ứng trước cơ hội gia tăng nhu cầu về tay nghề.

Lawrence Katz (1959-)

Chiến tranh thế giới thứ hai đã làm gia tăng đáng kể nhu cầu về lao động sản xuất có tay nghề thấp hơn và khiến phụ nữ tham gia tạm thời vào lực lượng lao động. Bất bình đẳng duy trì ở mức thấp và sự tham gia vào lực lượng lao động của phụ nữ liên tục gia tăng sau chiến tranh, mặc dù chiến tranh tự nó chỉ là một biến cố tạm thời. Phải chăng Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo ra một vài trong số các mẫu hình cơ bản nhất của thị trường lao động thế kỷ 20? Goldin cho rằng không phải như vậy và bà một lần nữa quay lại với lý thuyết kinh tế cơ bản. Bất bình đẳng duy trì ở mức thấp vào giữa thế kỷ là do sự thặng dư lao động có tay nghề. Và khi nói đến Rosie the Riveter [hình tượng nữ công nhân trong lực lượng lao động – ND], Goldin cho thấy là xung quanh thời điểm chiến tranh, không có sự đột phá cụ thể nào trong việc phụ nữ tham gia vào công việc được trả lương, cũng như không có bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong sự phân biệt đối xử của người sử dụng lao động đối với phụ nữ đã kết hôn sau sự kiện này. Điều đó nói lên rằng, thời điểm giữa thế kỷ đã đưa chúng ta đến điểm kết thúc của kỷ nguyên Vành đai Thép, dây chuyền lắp ráp và nghiệp đoàn cổ cồn xanh hùng mạnh – ngay cả vào năm 1940, Goldin và Katz đã cho thấy là hầu hết các công ty sản xuất có công nghệ tiên tiến nhất đều tuyển dụng lao động có tay nghề cao hơn với mức lương cao hơn, tái khởi động sự bổ sung kỹ năng-công nghệ, điều sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong những thập kỷ cuối của thế kỷ 20.

Bây giờ chúng ta nên rõ ràng cách mà Goldin đi đến vấn đề về khoảng cách giới. Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc đặt giả định rằng người lao động được trả lương theo năng suất cận biên của họ - nghĩa là khi tất cả các nhân tố khác như vốn, công việc được phân công và những người lao động khác là không đổi, nếu việc tuyển thêm bạn vào công ty làm tăng lợi nhuận của công ty thêm 20 đô la, thì đó là năng suất cận biên của bạn. Chẳng ai phải trả cho bạn nhiều hơn mức đó, và sự cạnh tranh giữa những người sử dụng lao động sẽ đẩy mức lương của bạn lên đến mức đó, trong mô hình kinh tế chuẩn. Hiện nay có nhiều lời than phiền về mô hình này, đôi khi đúng và đôi khi không đúng, nhưng chúng ta hãy quay lại lời than phiền đó sau; thực sự thì, Goldin cho thấy việc sử dụng một khảo sát của Hiệp hội Phụ nữ trong thời kỳ Đại suy thoái, trong đó, các công ty lớn đã phân biệt đối xử một cách khủng khiếp bằng cách chỉ giao một số công việc nhất định cho một số người thuộc một số giới tính nhất định. Tuy vậy, lấy mô hình kinh tế chuẩn làm cơ sở, chúng ta có thể định nghĩa phân biệt đối xử bằng tiền lương là “những người lao động giống hệt nhau được trả mức lương khác nhau”, hay nói cách khác là “giữ nguyên các nhân tố như lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm, trình độ học vấn và các nhân tố khác ảnh hưởng đến năng suất, giới tính không nên là nhân tố tác động đến tiền lương.”

Có hai phản đối rõ ràng. Phản đối đầu tiên là, tại sao lại giữ tất cả những nhân tố còn lại không đổi? Cơ cấu việc làm – kiểu đồng nghiệp, số giờ văn phòng mở cửa – tác động trực tiếp đến năng suất cận biên của một người lao động nhất định. Ví dụ: có hai kiểu người lao động là Người Thích Dậy Sớm [Early Bird] và Người Thích Cú Đêm [Night Owl]. Khi những người lao động cùng làm việc trong cùng một khung thời gian, họ tạo ra tổng lợi nhuận là 10 đô la. Nếu họ làm việc vào những khung thời gian khác nhau, mỗi người sẽ kiếm được lợi nhuận là 3 đô la. Nếu đa số người lao động của một ngành là Người Thích Cú Đêm, thì Người Thích Dậy Sớm sẽ có mức lương thấp hơn hoặc phải chịu sự bất thỏa dụng do làm việc trong khung thời gian không mấy thoải mái của họ. Và tương tự như vậy, nếu đa số người lao động của một ngành là Người Thích Dậy Sớm thì Người Thích Cú Đêm kiếm được tiền lương ít hơn hoặc chịu sự bất thỏa dụng lớn hơn do khung thời gian làm việc [không thoải mái với họ. Cùng với Larry Katz, Goldin đưa ra một ví dụ kiểu mẫu về nghề dược sĩ, một ngành nghề có khoảng cách giới nhỏ hơn so với hầu hết các ngành nghề có mức lương cao khác. Tại sao? Phần lớn tiền lương đều “tăng tuyến tính theo giờ làm việc”. Ngày nay, mặc dù không giống như quá khứ, thông thường các dược sĩ sẽ làm việc theo nhóm tại văn phòng, nơi họ có thể thay thế lẫn nhau. Không ai luôn luôn trong trạng thái “on call” [sẵn sàng làm việc 24/24]. Như vậy, một dược sĩ khi còn trẻ thường muốn làm việc đến khuya và giảm thời gian dành cho con nhỏ ở nhà, sau đó, khi người này đã lớn tuổi, họ sẽ làm việc vào ban ngày nhiều hơn. Nếu các nhà thuốc có cơ cấu như những nhà thầu độc lập làm việc cho chính họ, như họ đã từng như vậy trong quá khứ, thì năng suất cận biên của một người lao động muốn làm việc linh hoạt kiểu như vậy sẽ thấp hơn. Cơ cấu nghề nghiệp ảnh hưởng đến năng suất cận biên, từ đó ảnh hưởng đến tiền lương và khoảng cách giới, đặc biệt khi phụ nữ có nhu cầu đa dạng về thời gian làm việc ngắn hơn và ổn định hơn. Hiện nay, không phải tất cả các công việc đều có thể chuyển từ những công việc có mức lương phi tuyến tính khi thay đổi về độ dài và tính ổn định của thời gian làm việc, sang những công việc có mức lương tuyến tính, nhưng như Goldin đã chỉ ra, không hề hiển nhiên chút nào khi cho rằng các ngành nghề có tính học thuật, nghề luật hoặc các ngành nghề có mức lương cao khác không thể tạo ra sự chuyển đổi này. Nơi nào những thay đổi này có thể được thực hiện, nơi đó tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ việc phụ nữ có tay nghề cao tiếp tục làm những công việc có năng suất cao: Goldin gọi đây là “chương cuối cùng” của sự hội tụ giới.

Phản đối thứ hai nhắm đến định nghĩa về sự phân biệt đối xử bằng tiền lương, “những người lao động giống hệt nhau nên nhận được mức lương giống hệt nhau”, phản đối này nói rằng giáo dục và nghề nghiệp quyết định một cách nội sinh đến năng suất cận biên của một người. Nếu phụ nữ bị cấm đến trường thì những người phụ nữ và những người đàn ông giống hệt nhau khi sinh ra sẽ có mức lương khác nhau khi trưởng thành. Tương tự như vậy, nếu “những rào cản hôn nhân” được đưa ra nhằm ngăn trở phụ nữ đã kết hôn làm việc trong một lĩnh vực nào đó, những phụ nữ này sẽ ít được các ông chủ đào tạo trong giai đoạn đầu sự nghiệp của họ và bị đưa vào “ngõ cụt”. Và thực sự là điều này cũng đúng với các chính sách mà chúng ta có thể cho là có lợi: phương án cho các bà mẹ trẻ nhận công việc tạm thời hoặc chính sách nghỉ thai sản dài hơn có thể gây tổn hại đến sự nghiệp của tất cả phụ nữ thông qua việc thay đổi lộ trình công việc và phương thức đào tạo theo cách giống hệt như những rào cản hôn nhân. Goldin đề cập đến một cuộc cách mạng trong công việc của phụ nữ từ chỗ phụ nữ làm những việc không cần thiết, hoặc chỉ làm việc tạm thời trước khi kết hôn, đến chỗ họ mong muốn có một sự nghiệp hơn là chỉ một công việc và từ đấy dẫn đến chỗ họ đưa ra các quyết định về giáo dục và thăng tiến trong nghề nghiệp dựa trên sự đảm nhận đó, cùng lúc nam giới cũng làm như vậy. Cả những thay đổi về công nghệ và kinh tế đều dẫn đến cuộc cách mạng này. Sự sẵn có của thuốc tránh thai đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ số phụ nữ theo học đại học và các chương trình nghề nghiệp trong những năm 1970. Đầu thế kỷ 20, phụ nữ công sở không làm những công việc được trả lương thấp nhất lẫn những công việc được trả lương cao nhất, mà thay vào đó họ làm những công việc không có cơ may thăng tiến, một mẫu hình mà Goldin ghi nhận nhằm cố gắng báo hiệu cho nam giới rằng ngay cả những “công việc tồi” của họ vẫn có thể trở thành một “sự nghiệp”. Tuy nhiên, mặc cho sự kiểm soát sinh sản và những thay đổi trong chuẩn mực xã hội, sự đầu tư của phụ nữ vào sự nghiệp và mức độ chuẩn bị cho sự thăng tiến của họ vẫn phụ thuộc vào việc họ có khả năng ở lại lao động bao nhiêu giờ. Một phần tiếp theo đặc biệt hấp dẫn trong bằng chứng của Goldin là tài liệu về “hình phạt từ một đứa trẻ” của Kleven và cộng sự, cho thấy phần lớn khoảng cách giới còn lại ở các nước phát triển chỉ xảy ra sau khi một đứa trẻ được sinh ra.

Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt lớn trong cách nhà sử học kinh tế Goldin thảo luận về khoảng cách giới so với hầu hết các tác giả khác. Với kinh nghiệm, trình độ học vấn và lĩnh vực nghiên cứu không đổi, khoảng cách giới đã giảm xuống mức một con số. Nhưng hãy hiểu điều này ngụ ý gì! Phụ nữ đàm phán như thế nào để được tăng lương, liệu các ông chủ có phân biệt đối xử trong việc bổ nhiệm thăng chức ở một công ty hay không, liệu công ty đó có một gói phúc lợi thực sự toàn diện hay không – tất cả những điều này hoàn toàn nằm ngoài phạm vi nghiên cứu. Điều quan trọng đối với khoảng cách giới về lâu dài là công nghệ và các chuẩn mực xã hội, đặc biệt là sự tương tác của họ với gia đình. Nếu những công việc năng suất cao đòi hỏi sức mạnh thể chất, hoặc yêu cầu làm việc 60 giờ mỗi tuần trong khi xã hội gây áp lực buộc phụ nữ phải chăm con ở nhà thì khoảng cách giới sẽ rất lớn. Nếu phụ nữ có thể kỳ vọng một cách hợp lý rằng họ sẽ làm việc lâu hơn do kiểm soát sinh đẻ tốt hơn hoặc do ít rào cản hơn (luật pháp hoặc quy chuẩn) đối với việc làm của phụ nữ đã kết hôn, hoặc nếu công việc văn phòng trở nên phổ biến hơn một cách tương đối so với công việc sản xuất, thì lương của phụ nữ sẽ tăng. Nghĩa là, định nghĩa về phân biệt đối xử bằng tiền lương kiểu “những người lao động giống nhau được trả lương khác nhau” thì hữu ích để không cần phải cân nhắc đến một số diễn giải phổ biến nhất về khoảng cách giới. Điều đó không có nghĩa là các nhà kinh tế học như Goldin không biết rằng phụ nữ có thể tránh những công việc có thời gian làm việc kéo dài, hoặc nguy hiểm về thể chất hơn, hoặc phụ nữ có thể bị đưa vào “con đường bỉm sữa” trong sự nghiệp với ít sự đào tạo và cơ hội thăng tiến hơn. Bà khá nhận thức được điều này và muốn bạn tập trung vào những mối quan tâm như vậy!

Lịch sử kinh tế giúp chúng ta hiểu về quá khứ. Nhưng cũng giống như những thay đổi về cơ cấu và những thay đổi về công nghệ trong quá khứ đã ảnh hưởng đến chuyện ai được gì, những thay đổi tương tự ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến chuyện ai được gì vào ngày mai. Các xu hướng hiện tại như gia công ngoài, làm việc tại nhà, tăng thời gian nghỉ thai sản, địa điểm làm việc linh hoạt và khoảng cách giới ngày càng tăng trong chuyện đi học, những hậu quả về phân phối mà chúng gây ra không phải là vô hại. Có rất nhiều điều cần cân nhắc về việc những thay đổi này trực tiếp ảnh hưởng như thế nào đến năng suất cận biên cũng như gián tiếp ảnh hưởng như thế nào đến các chuẩn mực xã hội, kỳ vọng của giới trẻ, quyết định đào tạo của các nhà quản lý và tốc độ tiếp thu tay nghề. Như Goldin đã chỉ ra, chúng ta không nên giả định rằng sự tiến bộ đó mang lại lợi ích như nhau cho tất cả mọi người. Khi đánh giá công trình của bà, tôi nghĩ rằng không có lời tán dương nào mạnh mẽ hơn việc tôi không biết Goldin sẽ chỉ cho tôi điều gì khi tôi bắt đầu đọc một bài nghiên cứu; đúng hơn, bà luôn luôn thấu suốt, theo dõi dữ liệu, tinh chỉnh những gì bà tìm thấy bằng lý thuyết và không cảm thấy hối hận về việc hy sinh một con gà đẻ trứng vàng nào đó - một lần nữa, di sản của Chicago những năm 1970 lại ngoi lên. Đặc biệt đối với một chủ đề mang nặng tính chính trị như chủ đề về giới, sự trung thực đầy trí tuệ này là nguồn gốc cho tầm ảnh hưởng của bà và là niềm hân hoan đối với người đọc đang cố gắng hiểu một chủ đề quan trọng như vậy.

Tác giả

Kevin Bryan (kevin.bryan AT rotman.utoronto.ca), (kevin.bryan AT rotman.utoronto.ca ), Phó Giáo sư Chiến lược tại Trường Quản lý Rotman thuộc Đại học Toronto.

Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: WHO GOT WHAT, AND WHY? A NOBEL FOR CLAUDIA GOLDIN, A Fine Theorem, ngày 09 tháng 10 năm 2023

----

Đọc thêm:

·         NORTH Douglass C.

Xem trên PTKT các bài liên quan trong nhãn Bất bình đẳng giới

Print Friendly and PDF