6.10.23

Xã Hội Học Toàn Cầu như cuộc Đối Thoại Toàn Cầu được Đổi Mới

XÃ HỘI HỌC TOÀN CẦU NHƯ CUỘC ĐỐI THOẠI TOÀN CẦU ĐƯỢC ĐỔI MỚI

Geoffrey Pleyers[*]

Ảnh: Arbu, 2023

Lời giới thiệu của dịch giả

Được thành lập năm 1949 với sự bảo trợ của UNESCO, Hiệp Hội Xã Hội Học Quốc Tế (International Sociological Association ISA/Association internationale de sociologie AIS) là hiệp hội xã hội học lớn nhất thế giới quy tụ các nhà xã hội học và các tổ chức xã hội học quốc gia, tập thể và chuyên môn của 146 nước trên thế giới. ISA đã được UNESCO công nhận là đối tác chính trong lĩnh vực khoa học nói chung và xã hội học nói riêng. Mục tiêu của ISA là đại diện cho các nhà xã hội học trên toàn thế giới, mà không tính đến cách tiếp cận hay ý thức hệ của họ. Mục tiêu của ISA là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xã hội học khoa học và tăng cường sự hiển thị quốc tế của xã hội học.

Geoffrey Pleyers

Đại Hội lần thứ XX của ISA đã được tiến hành ở Melbourne (25 tháng 6 - 1 tháng 7, năm 2023). Nhà xã hội học Bỉ, Geoffrey Pleyers, đã được bầu vào chức chủ tịch hiệp hội, nhiệm kỳ 2023-2027. Phương hướng phát triển chính của xã hội học thế giới (global sociology) đã được xác định trong đại hội này: 

-          Phê phán chủ nghĩa lấy Châu Âu làm tâm điểm

-          Hiển thị kiến thức thay thế

-          Xây dựng tư thế hướng tới cuộc gặp gỡ với người khác

Để giúp độc giả hiểu thêm về đường lối chiến lược này, chúng tôi xin dịch bài của ông Geoffrey Pleyers mang tựa đề “Xã Hội Học Toàn Cầu như cuộc Đối Thoại Toàn Cầu được Đổi Mới/Global Sociology as a Renewed Global Dialogue” trong tạp chí Global Dialogue (tháng 3 năm 2023)

--------------------------------------------------------------

Sau thời kỳ hoàng kim vào những năm 1990, xã hội học toàn cầu đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các cách tiếp cận bao gồm các nghiên cứu hạ cấp (subaltern), hậu thực dân (postcolonial), phi thực dân (decolonial), nữ quyền và giới tính (feminist and gender), cũng như các lý thuyết Phương Nam (Southern theories) cùng với các “nhận thức luận khác của Phương Nam”. Vượt lên trên tính không đồng nhất và những khác biệt, những cách tiếp cận này hội tụ trong việc thách thức tính chính đáng của xã hội học toàn cầu, vốn được đồng nhất với Chủ nghĩa lấy châu Âu làm tâm điểm (Eurocentrism) và sự thống trị của các nhà xã hội học Phương Bắc/Phương Tây.

Chương trình nhận thức luận được các lý thuyết phê phán này đề xuất kết hợp hai bước. Bước đầu tiên là sự giải cấu trúc chủ nghĩa lấy châu Âu làm tâm điểm vốn là nguồn gốc của xã hội học toàn cầu và của hầu hết các khung nhận thức trong các ngành của chúng ta, như Sujata Patel đã chỉ rõ. Điều này thách thức các hình thức thống trị về sự sản xuất và phổ biến kiến thức của Phương Tây cũng như các thế giới quan lấy Châu Âu làm tâm điểm. Enrique Dussel đã chỉ ra rằng tính thực dân và sự chinh phục châu Mỹ không phải là vấn đề phụ của thời hiện đại mà là một sự kiện nền tảng mà trên đó tính hiện đại đã được xây dựng và qua đó được tiếp tục tự tái tạo. Các tính chủ quan của Phương Tây đã tự xây dựng mình trong mối quan hệ thống trị “những người khác”. Phân tích các tác nhân, cơ chế và thể chế xã hội đã xây dựng, duy trì, tái tạo và cập nhật các hình thức này của sự thống trị về mặt xã hội và nhận thức là một nhiệm vụ thiết yếu đối với khoa học xã hội ngày nay. Việc này bao gồm sự phân tích phản tư về chính vai trò trong quá khứ và hiện tại của chính những quan điểm này trong việc tái tạo hệ thống xã hội và nhận thức này.

Bước thứ hai là chú ý và tạo khả năng được nhận thức cho những thế giới quan, kinh nghiệm, kiến thức đã bị “vô hình hóa” và bị phủ nhận bởi quá trình hiện đại hóa. Các phong trào bản địa, sinh thái, nữ quyền, nông dân và thiểu số đã biến điều này thành một phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng của chúng. Đây cũng là một nhiệm vụ cấp bách đối với các nhà xã hội học ở Phương Bắc Toàn Cầu và Phương Nam Toàn Cầu. Đối với các nhà xã hội học chuyên nghiệp, bước này đặc biệt bao gồm việc biểu lộ những đóng góp của các nhà nghiên cứu, tác nhân, tác giả và học giả cho các ngành học của chúng ta, đã bị lờ đi quá lâu.

Đấu tranh xã hội và đấu tranh nhận thức luận

Những ý tưởng chính mà các quan điểm phê phán như vậy xây dựng nảy sinh bên cạnh hoặc bên lề xã hội học hàn lâm. Ở châu Mỹ Latinh, sự nổi lên của “quan điểm giải thực dân” chính là một trong những minh họa nổi bật nhất về thực tế là hầu hết các cuộc tranh luận quan trọng trong khoa học xã hội đều bắt đầu từ các phong trào xã hội, đặc biệt là các phong trào bản địa, trước khi dần dần thâm nhập vào thế giới học thuật. Trong ba thập kỷ qua, các tác nhân phê phán, các phong trào xã hội và các học giả từ Phương Nam Toàn Cầu và từ “những thành phần hạ cấp bị áp bức” (đặc biệt là những người bảo vệ nữ quyền và các thiểu số), đã thay đổi sâu sắc quan niệm của chúng ta về thế giới, tính hiện đại, sự công bằng và sự “tiến bộ”. Các tiểu nông, người dân bản địa, các nhà hoạt động và các phong trào từ Phương Nam Toàn Cầu đã phát triển các quan điểm như chủ nghĩa nữ quyền sinh thái và “cuộc sống tốt đẹp” (chẳng hạn quan điểm Sumak Kawsay ở Ecuador) đã tác động sâu sắc đến cách chúng ta nhìn nhận về sinh thái, về thiên nhiên (mà chúng ta thuộc về) và về chính chúng ta. Các quá trình tương tự cũng đã xảy ra ở Phương Bắc Toàn Cầu. Khái niệm “giao thoa (intersectionality)” xuất hiện trong cuộc đấu tranh của các phong trào nữ quyền và người da đen, dưới ngòi bút của Crenshaw, người không phải là nhà xã hội học mà là một nhà hoạt động và một luật sư. Vì vậy, nhiều khái niệm chính của chúng ta đã nảy sinh từ các phong trào xã hội “từ bên dưới”.

Luis Macas (1950-)

Việc các nhận thức luận Phương Bắc được mở ra cho sự hiểu biết, các lập trường và các bài học từ Phương Nam Toàn Cầu dẫn đến việc thừa nhận các tác nhân xã hội là những người tạo ra kiến thức, bao gồm kiến thức thực tiễn cũng như các quan điểm lý thuyết, nhận thức luận và thế giới (“vũ trụ quan/cosmovisions”). Thật vậy, các phong trào bản địa, nông dân hoặc nữ quyền rõ ràng coi việc bảo vệ các vũ trụ quan thay thế là một phần cốt yếu của cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội. Luis Macas, lúc đó là lãnh đạo của Liên đoàn các dân tộc bản địa Ecuador (CONAIE), cho biết: “Cuộc đấu tranh của chúng tôi mang tính chính trị và nhận thức”. Chuyển những cuộc đấu tranh này sang các lĩnh vực học thuật, Boaventura de Sousa Santos khẳng định rằng “không có công bằng xã hội nếu không có công bằng nhận thức luận” và đấu tranh cho “sự kết thúc của đế chế nhận thức”.

Những hàng rào bao quanh các cuộc tranh luận hàn lâm về nhận thức luận giữa các học giả đã bị phá vỡ. Những “cuộc đấu tranh xã hội và nhận thức luận” này không chỉ là đối tượng nghiên cứu của chúng ta mà còn xuyên suốt toàn bộ ngành chuyên môn chúng ta. Nhận thức luận và xã hội học là một phần của chiến trường của các dự án giải phóng này và do đó đã bị những dự án giải phóng này biến đổi phần nào.

Xã hội học toàn cầu có còn phù hợp không?

Liệu dự án xã hội học toàn cầu có còn chính đáng không sau làn sóng chỉ trích dữ dội này? Hay “xã hội học toàn cầu” về bản chất bị ràng buộc với dự án và thế giới quan hiện đại lấy Châu Âu làm tâm điểm (thực dân, gia trưởng và tư bản)? Xã hội học có nên từ bỏ dự án này để trao lại sự công bằng cho các  kiến thức bắt nguồn từ những kinh nghiệm, các cuộc đấu tranh địa phương và từ những nền văn hóa đặc thù? Chúng ta có nên tập trung vào việc xây dựng lại lịch sử của xã hội học ở cấp quốc gia và khu vực để thúc đẩy sự đóng góp của các tác giả và học giả quốc gia và khu vực đã bị vô hình hóa không?

“Bước ngoặt phi thực dân/decolonial turn” mời gọi các nhà xã hội học Phương Tây từ bỏ thói quen nhanh chóng phổ cập các kết quả nghiên cứu, các khái niệm và các tầm nhìn của họ về sự giải phóng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận sự thống trị về mặt nhận thức bắt nguồn từ xã hội học lấy Châu Âu làm tâm điểm và ghi nhận những đóng góp lý thuyết quan trọng của các học giả và tác nhân từ các khu vực khác nhau trên thế giới và từ những thành phần bị áp bức đối với lịch sử và tính chính đáng của ngành chuyên môn chúng ta. Nó đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi chuẩn mực của mình và đổi mới một “xã hội học toàn cầu” từng quá lâu đã là xã hội học Phương Tây (và đã thực sự chỉ là một phần của xã hội học này). Tuy nhiên, bước ngoặt phi thực dân không làm mất hiệu lực của dự án xã hội học toàn cầu. Phong trào Zapatista bản địa của Mexico đã chỉ ra rằng việc thúc đẩy “một thế giới có không gian cho nhiều thế giới” không có nghĩa là từ bỏ bất kỳ quan điểm toàn cầu nào; mà là hoàn toàn ngược lại.

Để xây dựng lại xã hội học toàn cầu sau (và thông qua) bước ngoặt phi thực dân, phê phán việc lấy châu Âu làm tâm điểm và việc làm hiển thị các kiến thức thay thế phải được bổ sung bằng bước thứ ba và không thể thiếu: đối thoại liên văn hóa. Điều này đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải thừa nhận vị trí của họ và sẵn sàng học hỏi từ những người khác. Tư thế vừa mang tính xã hội, văn hóa vừa mang tính cá nhân. Nó phải bắt nguồn từ việc sẵn sàng chấp nhận rủi ro (và hy vọng) đánh mất một số điều xác tín của mình và học hỏi từ cuộc gặp gỡ với người khác. Theo những tiền đề này, xã hội học trở thành một dự án tập thể kết hợp tính phản tư của các nhà nghiên cứu trong một nhiệm vụ chung nhằm hiểu rõ hơn về thế giới của chúng ta cũng như về các tác nhân biến đổi thế giới đó.

Dipesh Chakrabarty (1948-)

Nếu không có lời kêu gọi đối thoại toàn cầu cởi mở và liên văn hóa này, việc đổi mới các lập trường và lý thuyết then chốt sẽ gặp phải ba nguy cơ: sự phân mảnh, sự cô lập (thông qua những khó khăn trong việc vươn ra ngoài các phong trào hoạt động tích cực nhất và các học giả phê phán), và sự đồng nhất hóa của khoa học xã hội và tri thức Phương Tây với sự thống trị và các khoa học xã hội và tri thức Phương Nam với sự giải phóng. Để đổi mới xã hội học toàn cầu và khôi phục tính chính đáng của nó đòi hỏi chúng ta phải xác định “tính tỉnh lẽ” của nguồn gốc và của sự đóng góp của xã hội học châu Âu. Như Chakrabarty giải thích một cách đúng đắn, điều này không có nghĩa là loại bỏ tất cả những đóng góp của Phương Tây cho xã hội học và lý thuyết phê phán, mà coi chúng là một phần thích đáng của một xã hội học toàn cầu toàn diện hơn được xây dựng dựa trên nguồn gốc và đề xuất từ các khu vực khác nhau trên thế giới.

Achille Mbembe (1957-)

Sau khi phát triển một sự phê phán triệt để và thuyết phục về chiều kích thực dân của tính hiện đại và của thời đại chúng ta trong kiệt tác Phê phán Lý tính Da đen/Critique of Black Reason, Achille Mbembe đã đặt tiêu đề “Chỉ có một thế giới” cho phần kết của cuốn sách. Ông nhấn mạnh vào sự kết nối của nhân loại và nhu cầu phát triển một vũ trụ quan mới: “Dù muốn hay không, sự thật vẫn là tất cả chúng ta đều chia sẻ thế giới này […] Việc tuyên bố về sự khác biệt chỉ là một khía cạnh của một dự án lớn hơn – dự án về một thế giới đang đến, một thế giới mà đích đến của nó là phổ quát, một thế giới thoát khỏi gánh nặng chủng tộc, khỏi sự oán giận và khỏi mong muốn báo thù mà mọi sự phân biệt chủng tộc đều tạo ra.” Lịch sử trào lưu giải phóng thuộc địa nhằm mục đích xây dựng lại một lịch sử chung chứ không chỉ là lịch sử của các dân tộc thuộc địa. Tương tự như vậy, mục tiêu của chúng ta là xây dựng lại một nền xã hội học chung, với các nhà xã hội học và các tác nhân từ Phương Nam Toàn Cầu và từ những quan điểm bị gạt ra ngoài lề, không chỉ cho họ mà còn cho tất cả chúng ta.

Vì vậy, thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta là sự trỗi dậy dần dần của một ý thức về hành tinh. Nếu xã hội học hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nó sẽ đóng góp vào ý thức hành tinh này. Để làm như vậy, xã hội học toàn cầu không thể bám rễ vào các trường đại học và chuẩn mực Phương Tây, vốn tự cho mình là phổ quát, cũng như không thể bị giới hạn trong những lời chỉ trích đối với nền Xã hội học Phương Tây này. Nó cần kết nối các xã hội học, như Gurminder Bhambra đề xuất, và từ đó xây dựng lại một xã hội học chung, một xã hội học đa dạng nhưng được xây dựng trên những nền tảng chung xuất phát từ các cuộc đối thoại toàn cầu.

ISA như một công cụ để đổi mới xã hội học toàn cầu

Xây dựng nền xã hội học toàn cầu đổi mới này bằng cách bao gồm đầy đủ các nghiên cứu, các nhận thức luận và các học giả từ Phương Nam Toàn Cầu và các nền tảng bị áp bức trong xã hội học tổng quát đã là một trong những những nhiệm vụ chính của ISA trong những thập kỷ gần đây.

ISA được xây dựng dựa trên niềm tin rằng một cuộc đối thoại cởi mở giữa các nhà xã hội học từ các châu lục khác nhau là “rất quan trọng để giải quyết các vấn đề xã hội học lớn trên toàn cầu”, theo lời của Sari Hanafi và Chin-Chun Yi, những người đã tập hợp những đóng góp cho Đại Hội lần thứ tư của các hiệp hội quốc gia của ISA trong cuốn Đối thoại của các xã hội học. Hội đồng Nghiên cứu của ISA đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để chia sẻ các kinh nghiệm tốt và đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy sự công bằng, đa dạng và hòa nhập trong ISA và các Ủy ban Nghiên cứu của nó. Mở ra không gian cho các tác giả từ Phương Nam Toàn Cầu là sứ mệnh chung của các tạp chí và bộ sách của ISA. Phổ biến các quan điểm xã hội học từ các châu lục khác nhau và thúc đẩy sự thụ tinh chéo giữa chúng là lý do tồn tại của tạp chí Đối Thoại Toàn Cầu của ISA. Phương tiện truyền thông xã hội ISA góp phần chia sẻ thông tin, phân tích và quan điểm từ các châu lục khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả trong thời đại Zoom, các cuộc gặp gỡ cá nhân thường vẫn là bối cảnh tốt nhất để thúc đẩy các mối quan hệ cá nhân đặt nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau vượt ra ngoài những khác biệt về quan điểm, lập luận và văn hóa. Đó là lý do tại sao các hội nghị thế giới và các diễn đàn xã hội học vẫn là những sự kiện quan trọng và tại sao các ủy ban nghiên cứu kết hợp hội nghị trực tuyến với sự gặp mặt trực tiếp. Thách thức của chúng ta vẫn là xây dựng một cộng đồng học giả quốc tế toàn diện và đa dạng có khả năng đổi mới xã hội học toàn cầu. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần dân chủ hóa xã hội học toàn cầu và tiếp cận các đấu trường quốc tế trong khi vẫn duy trì tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ xã hội bắt nguồn từ những cuộc gặp gỡ cá nhân.

Việc thừa nhận, sự “hiển thị” và sự học hỏi từ xã hội học của các nhà nghiên cứu và tác nhân từ Phương Nam Toàn Cầu và từ thành phần thấp kém bị gạt ra ngoài lề không chỉ là vấn đề làm cho xã hội học trở nên dân chủ hơn bằng cách đáp ứng một số tiêu chí đa dạng và đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với việc phổ biến kiến thức. Đó cũng là cuộc tìm kiếm một ngành xã hội học nhận được thông tin tốt hơn và thích đáng hơn, có khả năng cung cấp những phân tích phức tạp và đa diện hơn về những thách thức mà xã hội chúng ta đang phải đối mặt. Nhà sư phạm người Brazil, Paulo Freire, đã dạy chúng ta rằng quan điểm và phân tích của những người bị áp bức giúp hiểu rõ hơn về thực tế và xã hội của họ. Những đóng góp của các học giả và nhà hoạt động nữ quyền trong đại dịch COVID-19 đã chứng tỏ khả năng của họ trong việc nâng cao kiến thức về thế giới của chúng ta và những thách thức của nó, vượt xa các mục tiêu nữ quyền và bình đẳng giới. Tương tự như vậy, những đóng góp về mặt phân tích và lý thuyết của các nhà xã hội học từ Phương Nam Toàn Cầu giúp chúng ta hiểu được thực tế và thách thức của khu vực đó cũng như đạt được sự hiểu biết tốt hơn và “toàn cầu hơn” về cuộc sống và xã hội ở Phương Bắc Toàn Cầu. Các nhận thức luận của Phương Nam cùng với các cách tiếp cận nữ quyền, sinh thái, bản địa và giao thoa không chỉ là những lựa chọn thay thế cho xã hội học trong thế kỷ XXI. Chúng là cốt lõi của xã hội học toàn cầu và đã thay đổi sâu sắc ngành của chúng ta.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Global Sociology as a Renew Global Dialogue”, Global Dialogue, 9.03.2023.

----

PTKT đã đăng những bài liên quan trong nhãn sau: “Studies”




Chú thích:

[*] Geoffrey Pleyers là nhà xã hội học người Bỉ, sinh năm 1978. Ông là nhà nghiên cứu tại FNRS và là giáo sư tại Đại học Công giáo Louvain. Kể từ tháng 7 năm 2023, ông là chủ tịch Hiệp hội Xã Hội Học Quốc tế. Là một chuyên gia về các phong trào xã hội, Châu Mỹ Latinh và xã hội học thanh thiếu niên, ông đưa ra một môn xã hội học toàn cầu nhằm tìm hiểu các tác nhân và vấn đề đương đại bằng cách tích hợp các phân tích của các tác nhân từ các châu lục khác nhau (ND).

Print Friendly and PDF