1.4.24

Kỹ sư Lê Tùng Hiếu – Cây đại thụ ngành cơ khí Việt Nam

LÊ TÙNG HIẾU

Kỹ sư, CÂY ĐẠI THỤ NGÀNH CƠ KHÍ VIỆT NAM

Nguyễn Xuân Xanh trình bày

Là người con của vùng sông nước và lớn lên từ ruộng đồng, nên cả cuộc đời ông luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao đền ơn trả nghĩa được cho ruộng đồng, giúp cho bà con bớt đi nỗi vất vả, khó khăn.

Chúng ta phải tìm mọi cách phát triển được ngành cơ khí chế tạo, ngành công nghiệp phụ trợ, mà trước hết là phải đào tạo cho được đội ngũ thầy ra thầy và thợ đúng nghĩa là thợ. Chỉ khi có đủ trình độ và năng lực sản xuất, chúng ta mới tham gia được vào chuỗi sản xuất, công nghệ của nước ngoài. Từ đó, chúng ta mới chủ động thỏa thuận về thời gian, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khi hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài.

Kỹ sư Lê Tùng Hiếu

Thần Hy Lạp Hephaestus là biểu tượng nghệ nhân của ngành chế tạo đồ cơ khí tinh vi, từ vũ khí đến đồ trang sức. Ông làm tất cả mọi thứ: thợ rèn, thợ mộc, thợ thủ công, lửa, luyện kim, gia công kim loại, điêu khắc. Ông là con trai của Zeus và Hera và được Zeus cho kết hôn với nàng Aphrodite (Venus).

Lời nói đầu. Ngành kỹ thuật cơ khí (mechanical engineering, hay công nghệ cơ khí) có từ lâu đời, từ thời Hy Lạp, La Mã, nhưng phát triển mạnh thời Trung cổ châu Âu, và đạt tới cao điểm trong cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh thế kỷ XVIII. Từ đó, nó đi tiếp đến những bước phát triển mới rực rỡ. Hầu hết các ngành chế tạo đều sử dụng kỹ thuật cơ khí, nhất là trong ngành động cơ đốt, vận tải, cho tới ngành máy tính, robotic. Thế nhưng ngành kỹ thuật cơ khí ở Việt Nam còn rất kém phát triển mặc dù người Việt đã tiếp xúc với văn minh châu Âu đã hơn trăm năm. Cuộc công nghiệp hóa mà kỹ thuật cơ khí là một phần nền tảng hết sức quan trọng cũng không phát triển, kéo theo hệ lụy ngành giáo dục nghề cũng kém phát triển luôn.

Tôi hết sức vui mừng giới thiệu kỹ sư Lê Tùng Hiếu có thể được xem là một trong những cây đại thụ ngành cơ khí Việt Nam. Ông là một người hiếm hoi, có lẽ duy nhất đầu tiên đã du học sang CHLB Đức những năm đầu 1960 để học nghề cơ khí. Trước đó ông học tại Việt Nam theo hệ thống học nghề là do chính quyền Pháp thiết kế. Phần lý thuyết được các ông Tây dạy, trong khi phần thực hành thì người Việt Nam. Ông là một người rất yêu nghề, cả đời sống với cơ khí, phục vụ sản xuất máy móc và giáo dục. Ông là một người hiền lành, nhân hậu, rất mực hòa nhã. Ông nói ít, làm nhiều. Ai đến gần ông cũng cảm thấy một từ trường dễ chịu và thân thiện như thế tỏa ra.

Từ hơn mười năm qua ông Lê Tùng Hiếu hoạt động tích cực trong nhóm Tủ sách Nhất Nghệ Tinh của các anh chị cựu sinh viên từng đi du học tại CHLB Đức và Tây Bá Linh những năm 1960-70.

Nguyễn Xuân Xanh

Kỹ sư cơ khí, anh hùng lao động Lê Tùng Hiếu (ảnh báo DoanhnhanhPlus)

(Ảnh 2021 của báo Cơ khí & Đời sống)

Kỹ sư Lê Tùng Hiếu (trái) tại phòng trưng bày đồng hồ cúc-cu do tự ông sản xuất. Bước vào đây người ta có cảm giác đang bước vào một cái shop bán loại đồng hồ đặc sản này ở Rừng Đen, bang Baden-Württemberg, Đức.

Phần I (1952-1960)

Năm 1952 lúc tôi 12 tuổi thì tôi đi theo ông anh lên Saigon để tìm việc làm.

Giấc mơ lúc ấy là học được một nghề và có tiền để kiếm sống.

Lúc đó tôi xin được một chỗ làm trong một garage làm phụ thợ cả sửa xe chính và học nghề (apprenti).

Làm ở garage được một năm tôi vẫn mơ ước là sẽ được học nghề tại một trường dạy nghề chính quy.

Năm 1953 lúc 13 tuổi, tôi đăng ký thi tuyển sinh để học nghề ở trường Kỹ thuật Collège technique, đường Đỗ hữu-Vị (Từ năm 1954 đổi tên là trường Kỹ thuật Cao Thắng, 65 đường Huỳnh Thúc Kháng). Rất may mắn là được trúng tuyển cao và tôi được cấp học bổng toàn phần.

HỌC TẠI TRƯỜNG CAO THẮNG (1953-1967)

Từ năm 1953 đến năm 1957 tôi được chọn học ngành cơ khí nguội (Mécanique froid) và thi đậu bằng Giáo Khoa kỹ nghệ (Brevet Élémentaire industrielle).

Thời gian ba năm tôi được học các môn lý thuyết:

Học các môn lý thuyết là Sinh ngữ, Toán, Lý-Hóa, Công nghệ (Technologie, trước đây gọi là Kỹ Thuật học) và Vẽ Kỹ Thuật (Design industriel)

Chương trình thực hành:

Năm thứ nhất tôi học qua các xưởng thực hành như là: xưởng Rèn Gò Hàn, xưởng Cơ khí Ô tô, Cơ khí nguội (được thực hành giũa, tiện, bào, phay, An toàn lao động), và xưởng Điện.

Năm thứ hai và năm thứ ba thì chuyên học thực hành: Cơ khí nguội.

Sau khi tốt nghiệp Sơ cấp nghề, tôi tiếp tục học Trung cấp nghề tại trường để thi lấy bằng Tú tài Kỹ thuật toàn phần.

Học Trung cấp nghề đến năm 1959 thì tôi thi đỗ Tú Tài Kỹ thuật toàn phần (Baccalauréat Technique 2ème Partie)

DU HỌC Ở ĐỨC LẦN THỨ NHẤT (1960-1961)

Tháng 9/1960 tôi được chính phủ Đức cấp học bổng qua Đức để học về đào tạo và dạy nghề theo theo phương pháp của Đức là: vừa học vừ làm thời gian là một năm. Trước khi sang Đức được học trước tiếng Đức tại Goethe Institut ở Saigon 06 tháng.

Chương trình học thời gian ở Đức gồm:

  • Học tiếng Đức tại Goethe Institut Murnau/Oberbayern (Thời gian học 02 tháng)
  • Học ở trường dạy nghề Gewerbliche Berufs – und Fachschulen der Stadt Solingen (Thời gian học là 05 tháng) SEMINAR FÜR BERUFSPÄDAGOGIK (Institute Course in Vocation) (xem tài liệu đính kèm). Học ở khóa này được thực hành tại xưởng của trường mỗi tuần 01 lần nguyên ngày (xem tài liệu đính kèm)
  • Đi thực tập tại hãng M.A.N (Maschinenfabrik-Augsburg-Nurnberg AG).
  • Thời gian thực tập tại xưởng chế tạo chi tiết máy là 03 tháng bao gồm các nội dung:
  • Lắp ráp các chi tiết cho động cơ Diesel bậc trung (Mittelmotoren) Thời gian 03 tuần
  • Lắp ráp các chi tiết cho động cơ Diesel cỡ lớn (Grossmotoren) Thời gian 02 tuần
  • Lắp ráp nguyên chiếc cho động cơ bậc trung Thời gian 04 tuần
  • Lắp ráp nguyên chiếc cho động cơ cỡ lớn Thời gian 01 tuần
  • Học thử máy trên giàn thử động cơ Diesel Thời gian 04 tuần
  • Học chế tạo các cánh quạt (Gebläsebau) Thời gian 02 tuần

Sau một năm học về đào tạọ song hành ngành Cơ Khí (Thực hành và lý thuyết) ở Đức tôi được cấp văn bằng DIPLOM (DIPLOM über eine berufliche Fortbildung in der BRD).

Ảnh chụp tại Trường Kỹ thuật Việt-Đức đầu những năm 1960, Thủ Đức, những năm 1960. Ông Lê Tùng Hiếu ngồi bên phải. Giữa là thầy người Đức Weigang. Bên trái là ông Đương, dạy tiếng Đức.

Lê Tùng Hiếu (phải), kế đến Đào Phan Long và Phạm Nam Hương (báo Cơ khí & Đời sống, 2022)

PHẦN II (1961-1966)

Tháng 07/1961 sau khi học xong chương trình dạy nghề của Đức tôi trở về nước và được trường Kỹ Thuật Cao Thắng (Thuộc Nha Kỹ Thuật-Bộ Giáo Dục quản lý) tuyển chọn làm Giáo viên dạy nghề tại trường theo ngạch công chức nhà nước. Tôi được giao nhiệm vụ là cùng với chuyên gia Đức xây dựng trường và đào tạo nghề (Lý thuyết lẫn thực hành) vì năm 1960 chính phủ Đức viện trợ cho Việt Nam một trường dạy nghề. Địa điểm lúc đó được chọn là tại trường Kỹ Thuật Cao Thắng và có tên gọi là:

Trường Kỹ Thuật Việt Đức

Deutsch-Vienamesische Facharbeiterschule

Saigon, Việt Nam

Đến năm 1960 trường đã lắp đặt thiết bị xong và hình thành các bộ môn về đào tạo thực hành gồm:

  • Cơ khí nguội
  • Máy công cụ như: Tiện, bào, phay, khoan các loại, dụng cụ cho các máy kèm theo.
  • Gò, rèn, hàn với các thiết bị kèm theo
  • Ô tô
  • Cơ Điện

Mỗi tuần học thực hành ở xưởng 04 ngày

Các bộ môn về lý thuyết được đào tạo gồm 3 lĩnh vực:

  • Công Nghệ (Technologie) là môn chính
  • Vẽ Kỹ Thuật
  • Sinh Ngữ Đức

Mỗi tuần học lý thuyết 02 ngày và một buổi sáng chủ nhật học tiếng Đức.

  • Năm thứ nhất các học viên đều phải học thực hành qua tất cả các ngành nghề ở xưởng
  • Từ năm thứ hai trở đi các học viên được học thực hành ở xưởng theo nghề mình được chọn (do giáo viên dạy thực hành tuyển chọn) đến khi ra trường.
  • Số lượng học sinh cho mỗi bộ môn chỉ có 14 người.

Trường Việt Đức lúc bấy giờ do Nha Kỹ Thuật thuộc Bộ Giáo Dục quản lý.

Địa điểm tọa lạc của trường Việt Đức lúc ban đầu là tại trường Kỹ thuật Cao Thắng từ năm 1960. Năm 1966 thì trường dời lên Thủ Đức (hiện nay là Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ thuật TPHCM).

Trường Việt Đức ban đầu nhân sự được tổ chức như sau gồm:

– Một Hiệu Trường thông thạo tiếng Đức cùng với các Meister (Thợ cả/Quản đốc) và giáo viên người Đức (Gewerbelehrer) soạn bài để dạy lý thuyết và thực hành theo chương trình dạy song hành của Đức.

– Các giáo viên có tay nghề giỏi để dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành.

Trong thời gian từ năm 1961 đến 1966 tôi được giảng dạy Lý thuyết và thực hành môn Cơ Khí Nguội (Mécanique Froid) và làm Trợ lý cho ông Weigang đào tạo môn Cơ Khí Nguội. 

PHN III (1966-1971)

DU HỌC Ở ĐỨC LẦN THỨ HAI (1966-1971)

Năm 1966 tôi được cấp học bổng của CDG (Carl Duisberg Gesellschaft) để tiếp tục học lấy bằng Kỹ sư (Ingenieur Grad) để sau khi tốt nghiệp về nước tiếp tục dạy học tại trường Kỹ thuật Việt Đức.

Trước khi được thi vào trường Kỹ sư để học, bắt buộc tôi phải học và thực hành thêm tại

  • Nhà máy Sản Xuất Xe Hơi AUTO UNION ở INGOLSTADT.

thời gian là 04 tháng từ tháng 10 năm 1966 đến tháng 02 năm 1967

Các môn thực hành phải học bổ sung cho đủ giờ gồm:

  • Ép thủy lực (hydraulische Presse), dập khuôn và cán nguội (thời gian: 04 tuần)
  • Học sơ bộ sản xuất sườn xe hơi (04 tuần)
  • Đúc áp lực và nhiệt luyện (04 tuần)
  • Gia công trên máy công cụ (đặc biệt là phay, bào, chuốt, doa, tiện tự động trên máy tiện Revolver (03 tuần)
  • Đo lường và kiểm tra chất lượng (04 tuần)
  • Chế tạo máy (1 tuần)
  • Từ năm 1967 đến năm 1968, trước khi thi vào các trường Kỹ sư ở Đức tôi học thêm Khóa học dự bị (Vorkurs) cho các môn lý thuyết tại trường Staatliches Polytechnikum Coburg-Ausländerkolleg für Ingenieurschule (Trung Tâm Bách Khoa Coburg – Khóa dự bị thi vào trường kỹ sư cho người nước ngoài)

Chương trình các môn học:

  • Tiếng Đức
  • Toán
  • Hình học
  • Hóa
  • Vẽ Kỹ Thuật

Tháng 02 năm 1968 học xong khóa dự bị ở Coburg tôi đăng ký học tại trường Kỹ sư ở Schweinfurt. Sau khi trường xem hồ sơ là tôi đủ điểm lý thuyết và thực hành cao, được nhà trường tuyển thẳng vào học khỏi phải thi tuyển.

Trường tôi học ở Schweinfurt tên là:

BALTHASAR – NEUMANN – POLYTECHNIKUM – AKADEMIE für angewandte TECHNIK-WÜRZBURG -SCHWEINFURT

(Học viện Bách khoa BALTHASAR – NEUMANN cho kỹ thuật tiên tiến của tỉnh WÜRBURG -SCHWEINFURT)

Tôi học ở trường Schweinfurt từ năm 1968 đến năm 1971 (ba năm) với đề tài tốt nghiệp (Thema der Ingenieurarbeit) là Kế hoạch gia công nắp bợ trục cốt máy động cơ Diesel trên máy chuyên dụng.

Tốt nghiệp xong tôi được nhà trường tuyển dụng làm trợ lý cho các Dozenten (Giảng viên) huấn luyện về môn thủy lực thực hành ở xưởng.

Bằng Diplom năm 1964 (trái) và bằng Diplom kỹ sư 1971

PHẦN IV (1971-1975)

Tháng 3/1971 tôi phải về nước vì đã hết hạn thời gian du học, mặc dù có việc làm tại Đức.

Về nước đáng lẽ tôi phải tiếp tục dạy nghề tại trường Kỹ thuật Việt Đức do trường Kỹ Thuật Cao Thắng quản lý từ năm 1970. Năm 1970 chính phủ Đức viện trợ trường chuyên dạy nghề cho Việt Nam và lúc đó trường tọa lạc tại trường Cao Thắng, nhưng lúc tôi đến trường Việt Đức để trình diện xin tiếp tục dạy nghề tại trường thì được Ban Giám Đốc mới của trường trả lời là rất tiếc là trường không còn chỗ làm cho tôi nữa và trường này không còn sự quản lý của trường Cao Thắng.

Lúc bây giờ vì tôi không còn là công chức của trường Cao Thắng nên tôi phải kiếm chỗ làm khác (tư nhân) để làm.

Tháng 6/1971 rất may mắn là được Công ty chế tạo động cơ VINAPPRO tuyển chọn và làm Kỹ thuật viên về Chế tạo cơ khí và sản xuất máy.

Công ty VINAPPRO là Cty Thương Mại chuyên nhập khẩu các loại máy và phụ tùng cho Nông nghiệp như là Động Cơ DIESEL các loại, máy gặt hai bánh và phụ tùng các loại hiệu YANMAR.

Lúc bây giờ chính phủ VNCH có ra nghị định là công ty nào muốn nhập khẩu máy móc của một công ty ở nước ngoài thì công ty nhập và bán máy đó phải có trách nhiệm là phải giúp cho Cty Thương Mại đó sản xuất nội địa được các phụ tùng và máy nguyên chiếc với 40% tùy theo loại máy và phụ tùng.

Do vậy nhà máy Vinappro mới hình thành lúc đó từ năm 1970.

Lúc đó Công ty VINAPPRO giao nhiệm vụ cho tôi là cùng với chuyên gia và ông phó giám đốc phụ trách về Kỹ thuật người Nhật để lập chương trình sản xuất nội địa các phụ tùng của các loại máy Diesel mà VINAPPRO nhập của YANMAR và động cơ nguyên chiếc từ 6ML đến 15 ML với 40% nội địa.

Để thực hiện được các chỉ tiêu mà Ban Lãnh đạo Vinappro giao là từng bước nhà máy phải bổ sung thêm:

  • Đầu tư thêm thiết bị để tạo phôi và thiết bị gia công các chi tiết.
  • Đào tạo và bồi dưỡng cho công nhân Cơ khí và các thợ cả (Meister) đọc được bản vẽ chế tạo chi tiết, sản xuất đúng quy trình công nghệ theo các thiết bị mà xí nghiệp có sẵn, kiểm tra chất lượng các chi tiết gia công trên máy ở mỗi công đoạn.
  • Để thực hiện được các công việc trên, tôi đề nghị với Ban Lãnh đạo cho tôi được sang các nước để tham quan tìm hiểu thêm về qui trình sản xuất các động cơ và phụ tùng mà nhà máy nhập hàng lắp ráp và mua phụ tùng các nước như là nhà máy sản xuất động cơ Diesel YANMAR của Nhật và các nhà máy sản xuất các phụ tùng cho động cơ Yanmar ở Đại Hàn.

Ở tại các phân xưởng sản xuất các chi tiết tôi theo dõi và học được:

  • Tại xưởng lắp ráp học được quy trình lắp ráp động cơ từng công đoạn một, các dụng cụ chuyên dụng để lắp ráp
  • Tham quan thực tế những nơi các chi tiết chính như là thân máy, trục khuỷu, nắp cu-lát v.v..

Đi tham quan một nhà máy đúc nhỏ (vê tinh của Yanmar ở một tỉnh lẻ cách xa nhà máy chính khoảng 300 Km). Ở đây tôi học được cách thức nấu gang, cách pha chế, đặc biệt nhất là sao chép, lên bản vẽ lò đúc gang 01 tấn/giờ, máy làm khuôn đúc nhỏ.

Các bản vẽ của lò đúc cũng như máy làm khuôn đúc được quản đốc của xưởng đúc xem qua và góp ý.

Sau một tháng tham quan học tập ơ Nhật, tôi về nước và báo cáo đến lãnh đạo nhà máy VINAPPRO những gì tôi đã học trong thời gian ở NHẬT. Ban lãnh đạo rất hài lòng về những gì tôi đâ đã học.

Ban lãnh đạo giao thêm cho tôi nhiệm vụ là cùng với các kỹ thuật viên nhà máy hòan chỉnh các bản vẽ của lò đúc cũng như máy làm khuôn để tiến hành xây dựng xưởng đúc song song với lò đúc và máy làm khuôn đúc.

Sau 05 tháng xây dựng thì xưởng đúc, lò đúc cũng như các máy làm khuôn được hoàn tất.

Nhà máy bắt đầu hoạt động và tiến hành đúc thử các chi tiết cho động cơ Diesel 6ML để tăng tỷ lệ sản xuất nội địa như là bánh đà, thân máy, sơ mi xy lanh, nắp cu-lát, nắp đậy cu-lát, bợ trục khuỷu.

Song song với sản xuất chi tiết động cơ D6 để tăng tỷ lệ sản xuất nôi địa tôi liền cùng các Kỹ thuật viên của phòng kỹ thuật lập quy trình công nghệ để chế tạo phôi với các nhà máy chuyên tạo đúc phôi đúc áp lực như là Nhà máy Đúc số 1, nhà máy đúc nhôm áp lực Nakyco. Từ năm đó sự sản xuất nội địa của động cơ Diesel tăng dần.

Trên trang web trường Cao Thắng, người ta có thể thấy ảnh ông Lê Tùng Hiếu và lời khuyên các thế hệ sau của trường

Lê Tùng Hiếu (Khóa 1952-1959) – Anh hùng lao động

“Tôi rất mừng vì trường ta hiện nay có bước nhảy vọt mới trong khung chương trình đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất khang trang cho các em học tập. Cho nên các em ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện chuyên môn kỹ thuật, an toàn lao động để làm rạng danh ngôi trường mang tên Cao Thắng”

NỘI ĐỊA HÓA TỶ LỆ SẢN XUẤT ĐỘNG CƠ DIESEL D6

  • Trong thời gian từ năm 1973 đến năm 1975 các chi tiết nội địa hóa của Diesel D6 được sản xuất đến ngày giải phóng năm 1975

Sau một năm giải phóng nhà máy vẫn duy trí sản xuất như là:

  • Lắp ráp động cơ D6, máy cày tay hai bánh Yanmar 12 mã lực, máy tuốt lúa 500kg/giờ và máy xát gạo 01 tấn/giờ
  • Các máy tuốt lúa, máy xay xát gạo do tôi cùng các kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật thiết kế theo mẫu của Nhật.
  • Năm 1976 sau một năm giải phóng, nhà máy VINAPPRO hiến cho nhà nước và trở thành quốc danh từ đấy.
  • Lúc đó các nhân viên, kỹ thuật viên, các chuyên gia Nhật, quản đốc các phân xưởng đều nghỉ việc (những người có dính với chế độ cũ).
  • Nhà máy VINAPPRO lúc ấy do Cty CƠ KHÍ MIỀN NAM (CKMN) tiếp thu và quản lý trực thuộc BỘ CƠ KHÍ VÀ LUYỆN KIM.
  • Lúc bây giờ Cty CKMN bổ sung nhân sự cho nhà máy VINAPPRO gồm Giám đốc điều hành, nhân viên văn phòng, nhân viên phòng KỸ THUẬT, Phòng KiỂM TRA CHẤT LƯỢNG, Phòng kỹ thuật và bổ sung cho các nhân viên còn thiếu ở các phân xưởng và nhiều công nhân được đào tạo ở các trường dạy nghề.
  • Trong thời gian này tôi được phân công làm nhân viên kỹ thuật phụ trách về sản xuất.
  • Sự hoạt động sản xuất của nhà máy bị ngưng trệ trầm trọng, không còn nhập chi tiết của động cơ DIESEL và máy cày tay hai bánh,Thu nhập của nhân viên nhà máy lúc đó do nhà nước (Cty CƠ KHÍ MIỀN NAM) đảm nhận.
  • Nhà máy vẫn sản xuất bình thường và cho ra đời các sản phẩm mới như là
  • Ru- lô cao su cho máy xay xát,
  • Các giàn máy xay xát gạo công suất 01 tấn/giờ gồm cối lức, cối trắng cho các tỉnh nhỏ lẻ cả nước
  • Các loại giàn máy tạo Oxy cho các đầm nuôi tôm ở miền tây.

Các sản phẩm trên được sản xuất bình thường và sản lượng tăng dần và từ đó tôi bắt đầu tiếp xuất với nước ngoài như là: Cambodia, Thailand, Myanmar, Indo, Mã Lai và Philippin để chào hàng và trước mắt giới thiệu hai sản phẩm sản phẩm đó là: ru lô cao su chà gạo và máy bóc vỏ lúa 02 tấn/giờ.

Từ ngày CÔNG TY CƠ KHÍ MIỀN NAM tiếp thu và quản lý nhà máy đến nay việc sản xuất của nhà máy dần dần ổn định sản xuất. Các sản phẩm làm ra được Công Ty Vật Tư Vận Tải thuộc Công Ty Cơ khí tiêu thụ.

Từ 1977 đó các mặt hàng sản xuất nội địa truyền thống như: ru lô xát gạo, máy bơm nước, máy tuốt lúa, máy đánh bóng gạo,máy bóc vỏ lúa, hệ thống xay xát tăng dần sản lượng và bắt đầu xuất khẩu sang các nước mà nhà máy đã chào hàng như Campuchia, Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Sri Lanca, Bangladesh, Iraq,..

Lúc bấy giờ chức vụ của tôi là Kỹ sư bậc 3 với mức lương là 103.000 đồng/tháng và với chức vụ lúc được đặc cách là cách là Phó giám đốc kỹ thuật phụ trách sản xuất. Đến năm 1988 tôi đảm nhận chức vụ Giám đốc Nhà máy CHẾ TẠO ĐỘNG CƠ (Vinappro cũ) với mức lương là 538.000 đồng /tháng.

Từ đó đến năm 2003 tôi vẫn chỉ đạo duy trì sản xuất các mặt hàng truyền thống cho thị trường trong nước và xuất khấu với sản lượng cao (xin tham khảo thêm các tài liệu đính kèm).

Đến năm 1999 nhà máy Chế tạo động cơ thuộc quản lý điều hành của TỔNG CÔNG TY MÁY ĐỘNG LỰC VÀ MÁY NÔNG NGHIỆP (VEAM)

Lúc đó tôi được phong chức danh là Phó Tổng Giám Đốc phụ trách 04 nhà máy thuộc VEAM quản lý ở phía Nam gồm nhà máy VIKYNO, nhà máy NAKYCO, nhà máy ĐÚC số 1, Nhà máy VINAPPRO. 

PHẦN V Thành tích (1976-2003)

Trong quá trình hoạt động sản xuất và sáng tạo các mặt hàng mới để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại nhà máy VINAPPRO từ năm 1976 đến năm 2003. Các thành tích của tôi được nhà nước khen thưởng và phong tặng gồm:

  • Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới
  • Huân chương lao động hạng 2
  • Huân chương lao động hạng 3
  • 6 lần Chiến Sĩ thi đua
  • Được công nhận là Chiến sĩ thi đua toàn quốc
  • 02 Huân chương Lao Động sáng tạo

Phần VI (1973-1975)

Giáo dục dạy nghề song hành:

Vừa học vừa làm (ứng dụng tại miền Nam Việt Nam)

Năm 1973 lúc tôi đảm nhiệm việc chế tạo và sản xuất các chi tiết cho phụ tùng động cơ Diesel (5-15 mã lực) và các máy nông nghiệp như: cối lức, cối trắng, máy tuốt lúa. Muốn đạt được việc chế tạo và sản xuất trước mắt là tôi phải có một đội ngũ công nhân được đào tạo tại chỗ. Chương trình này được Ban lãnh đạo Vinappro lúc đó đồng ý cho đào tạo.

Lúc đó số lượng người đã và đang tuyển chọn là 14 người gồm 04 người có sẵn và tuyển thêm 10 người ưu tiên là con em công nhân đã học xong cấp 1 (học xong đệ tứ) và có bằng Trung học đệ nhất cấp để tham gia học chương trình đào tạo nghề song hành(vừa học vừa làm) như của Đức mà tôi đã trải qua và áp dụng chỉ dẫn lại.

-Các học viên trong lớp gồm có nhân viên mới tuyển dụng và các thợ cả (thợ lâu năm) các đốc công cùng tham gia học mỗi tuần hai buổi (08 tiếng)

Các thầy phụ trách về dạy lý thuyết là các kỹ sư và cán sự ở phòng kỹ thuật nhà máy, các trưởng xưởng. Ngoài ra còn có một giáo viên dạy nghề ở trường Kỹ thuật Cao Thắng giúp dạy lý thuyết

Các học viên được học lý thuyết và tại lớp và học tại xưởng chế tạo.

  • Về lý thuyết các học viên được chỉ dẫn gồm:
  • An toàn lao động trong sản xuất
  • Học vẽ kỹ thuật (dessin industrielle) và đọc được các bản vẽ của các chi tiết đang sản xuất tại phân xưởng.
  • Công nghệ (Technologie) để hiểu biết phần nào về:
  • Các nguyên vật liệu: các tiêu chuẩn của vật liệu đang thường dùng phân xưởng.
  • Học tiếp thu các quy trình chế tạo các chi tiết trên máy dụng cụ như: máy tiện, máy phay, máy doa, máy bào.
  • Học giũa, gò, rèn, hàn, điện cơ bản.
  • Học cách sử dụng các dụng cụ như: dụng cụ đo, dụng cụ kiểm, dụng cụ cắt gọt và cách bảo quản cũng như cách mài sắc.

Kết quả bổ sung dạy lý thuyết tại xí nghiệp theo chương trình vừa học vừa làm trong mấy tháng thôi đã đem lại kết quả tốt là tăng năng suất gia công các chi tiết và giảm rõ ràng các sai hỏng.

Đến năm 1975 Ban Lãnh Đạo mới của nhà máy cho ngưng việc dạy lý thuyết tại xí nghiệp với lý do là nhà máy có cần công nhân có tay nghề cao thì nhà nước sẽ cung cấp đầy đủ cho nhà máy.

Thời điểm đó nhà máy bị ngưng trệ sản xuất vì mọi chuyên gia Nhật đều nghỉ làm hết kể cả chuyên gia ở các phòng ban đều nghỉ làm, cũng như những cán bộ và công nhân đã có dính líu với chế độ cũ.

PHẦN VII (2010-2020)

Hợp tác dạy nghề song hành với gia đình của ông Hans Peter Widmer, công dân Thụy Sĩ, từ năm 2010 đến 2020.

Ông Widmer hợp tác với trường Trung cấp Đào Tạo Dạy Nghề Cơ Điện Đông Nam Bộ (ĐNB) ở huyện Vĩnh Cửu Đồng Nai thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn quản lý để làm cơ sở dạy nghề song hành và lý thuyết dạy nghề theo phương pháp của Đức/Thụy Sĩ tại Đồng Nai.

Mỗi tuần được học 02 buổi lý thuyết, thời gian còn lại thì thực tập tại các phân xưởng

Các thiết bị máy móc để dạy nghề do ông Widmer cung cấp từ Thụy Sĩ đem qua.

Dạy về lý thuyết do 03 giáo viên của trường ĐNB phụ trách dạy các môn như là:

  • Vẽ kỹ thuật
  • Máy vi tính
  • Cấu tạo các chi tiết.
  • Cấu tạo vận hành các thiết bị cắt gọt kim loại như: máy tiện, máy phay, máy bào
  • Cắt, xếp tôle, ghép mí
  • Học hàn: hàn gió đá, hàn điện, hàn bằng điện hồ quang.
  • Học ở xưởng các học viên bắt buộc phải học cách thức khai triển và phân tách bản vẽ, các quy trình gia công trên trên các thiết bị mà có sẵn ở xưởng để gia công các chi tiết mà học viên đã học vẽ qua. Các chi tiết đó là các chi tiết của máy RUNG KHỬ ỨNG SUẤT do ông Widmer sáng tạo với bảy bằng phát minh (PATENTE) được Công nghiệp Thụy Sĩ công nhận.

Phần dạy lý thuyết bổ sung theo chương trình của ông Widmer:

  • Vẽ kỹ thuật các chi tiết chính xác của máy rung khử ứng suất.
  • AUTOCAD trên máy tiện và máy phay CNC.
  • Điện công nghiệp
  • An toàn lao động khi gia công trên máy công cụ.

Giáo trình để dạy lúc đó của Bộ lao động thương binh và xã hội, của Đức (sách dịch Chuyên ngành Cơ khí của nhóm Nhất Nghệ Tinh)

Trong thời gian 10 năm từ năm 2010 đến 2020 ông Widmer đào tạo được ba khóa (90 học viên), mỗi khóa có 25 -30 học viên. Học viên học trong ba năm thì tốt nghiệp với ngành được đào tạo là CƠ KHÍ.

  • Sau khi học và thi xong, nếu đạt yêu cầu thì được cấp 02 bằng: bằng tốt nghiệp của trường Đông Nam Bộ và một bằng của Thụy Sĩ.
  • Kết quả tay nghề của học viên sau khi tốt nghiệp là có thể tự mình tự nghiên cứu gia công được các chi tiết khi có bản vẽ: lập được quy trình công nghệ để gia công v..v..

Sau khi tốt nghiệp xong các học viên đều có công ăn việc làm tại những nhà máy ở Khu công nghiệp, phần lớn là đi làm việc ở nước ngoài.

PHẦN VIII Từ báo chí

Trên báo Người Lao động (tháng 10, 2005):

MỘT ĐỜI SÁNG TẠO

Qua 30 năm lao động sáng tạo, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Lê Tùng Hiếu vẫn còn thấy “món nợ quê hương” canh cánh bên lòng.

Khi được hỏi, động lực nào đã khiến ông say mê lao động sáng tạo đến vậy, Anh hùng lao động Lê Tùng Hiếu, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy Động lực và máy nông nghiệp, nguyên giám đốc Công ty Chế tạo động cơ Vinappro, chỉ cười. Là người con của vùng sông nước và lớn lên từ ruộng đồng, nên cả cuộc đời ông luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao đền ơn trả nghĩa được cho ruộng đồng, giúp cho bà con bớt đi nỗi vất vả, khó khăn.

Không ở đâu bằng quê mình 

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, từ nhỏ, ông Lê Tùng Hiếu đã nổi tiếng là người hiếu học. 12 tuổi, ông đã theo người anh họ lên Sài Gòn kiếm việc làm rồi thi đỗ vào Trường Kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn. Vừa đi học, ông Hiếu vừa xin vào làm việc tại các garage để có thêm tiền ăn học. Ba năm sau đó, ông lấy được bằng giáo khoa kỹ nghệ -khoa cơ khí nguội (tương đương trung cấp) rồi tiếp tục học đến tú tài kỹ thuật. Là một trong 10 người có điểm tốt nghiệp cao nhất, ông Hiếu được cấp học bổng sang Cộng hòa Liên bang Đức 1 năm, sau đó trở về Việt Nam dạy nghề tại Trường Việt Đức. Năm 1966, ông Hiếu trở lại Đức học tập và tốt nghiệp kỹ sư ngành chế tạo máy năm 1972. Không ở đâu bằng quê mình, ông Hiếu xin về làm việc tại Nhà máy Liên doanh Nhật Việt chế tạo động cơ tại Biên Hòa. Đây là nhà máy chuyên lắp ráp các loại máy nông cơ từ phụ tùng nhập khẩu của Nhật. Với cương vị kỹ sư trưởng, rồi sau đó là giám đốc kỹ thuật, ông Hiếu được lãnh đạo nhà máy rất tin tưởng vì khả năng chuyên môn cao của mình.

Luôn vượt qua thử thách 

Những năm sau giải phóng, Nhà máy Vinappro gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nhiên liệu, thiếu điện, nguồn phụ tùng nhập khẩu không có, trình độ tay nghề của công nhân có giới hạn, nên cuộc sống của người lao động đầy ắp khó khăn. Với cương vị kỹ sư trưởng nhà máy, ông Hiếu bàn với lãnh đạo, không có tiền để nhập khẩu phụ tùng thì ta phải chế tạo phụ tùng, không thể để cho anh em công nhân (hơn 200 người) đói được. Được sự ủng hộ của ban lãnh đạo nhà máy, ông Hiếu đã miệt mài nghiên cứu và chế tạo thành công hàng loạt sơmi, piston phục vụ các tàu đánh cá. Sau đó là sản xuất thành công hàng loạt phụ tùng thay thế hàng nhập khẩu dùng cho động cơ diesel 6 mã lực. Năm 1979, ông đã cùng các đồng nghiệp chế tạo được chiếc máy nổ đầu tiên ở phía Nam, rồi sản xuất thành công hàng loạt phụ tùng thay thế hàng nhập khẩu dùng cho động cơ diesel 6 mã lực. Cuối năm 1987, Vinappro đã đưa ra thị trường những động cơ diesel 6 mã lực hoàn chỉnh đầu tiên. Động cơ này không những khắc phục được nhược điểm về chất lượng, độ bền và tiêu hao nhiên liệu của động cơ, mà còn bảo đảm chất lượng cho quá trình sử dụng. Bước đột phá này đã tạo tiền đề để sản phẩm diesel 6 mã lực trở thành mặt hàng mũi nhọn và truyền thống của nhà máy trong nhiều năm liền. Không hài lòng với những kết quả đạt được, ông Hiếu còn bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất thành công động cơ 22 mã lực. Ông cũng là người tổ chức và chỉ đạo nghiên cứu chế tạo thành công các loại máy xay xát lúa hiệu HW60A, NODA 650, cối chà trắng gạo RP 700, RP 1000, BL 1000, BL 2000… Riêng về động cơ diesel đã sản xuất thêm loại DS 80, DS 105, DS 130… Ông Hiếu cũng chủ trương mở ra chương trình bán máy trả chậm cho bà con nông dân Đồng Nai và các tỉnh phía Nam nhằm góp phần tăng mức sống của người dân. “Thầy Chín Hiếu”

MỘT SỐ Ý KIẾN CỦA ÔNG LÊ TÙNG HIẾU

Từ bài phỏng vấn của báo Doanhnhanplus năm 2015

– Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nghèo tại Long An nên phải mưu sinh từ rất sớm. Năm 12 tuổi, tôi đã theo người anh thứ tư lên Sài Gòn, vừa làm việc trong các garage sửa xe hơi vừa học thi vào Trường Kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn. May mắn là tôi nằm trong số mười người có điểm tốt nghiệp Tú tài ngành Kỹ thuật toàn phần cao nhất nên được cấp học bổng học tập ở CHLB Đức.

Năm 1972, tôi trở về nước và làm việc cho Công ty chế tạo động cơ Vinappro. Tôi cùng các cộng sự đã miệt mài nghiên cứu và chế tạo thành công hàng loạt sơ-mi, piston phục vụ các tàu đánh cá.

Cuối năm 1987, Vinappro đã đưa ra thị trường những động cơ diesel sáu mã lực hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40%, thay thế cho động cơ diesel nhập khẩu. Động cơ này không những khắc phục được nhược điểm về chất lượng, độ bền và tiêu hao nhiên liệu mà còn bảo đảm chất lượng cho quá trình sử dụng.

Sau đó, tôi bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất thành công động cơ 15 mã lực và sau này là 24 mã lực, rất được ưa chuộng trên thị trường.

Tôi cũng là người tổ chức và chỉ đạo nghiên cứu chế tạo thành công các loại máy xay xát lúa, cối chà trắng gạo… và các sáng kiến cải tiến công nông nghiệp. Tôi cũng chủ trương mở ra chương trình bán máy trả chậm cho bà con nông dân Đồng Nai và các tỉnh phía Nam.

– Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện về hưu khi tay chân còn khả năng làm việc, đầu óc còn đủ minh mẫn để suy nghĩ, tư duy. Khi không còn làm việc để kiếm tiền thì tôi làm cho đam mê của mình. Đồng hồ cơ khí là đam mê của tôi từ lúc nhỏ.

– Đúng là thời đó Việt Nam chưa có ngành cơ khí chính xác, tôi may mắn học được ở Tây Đức (CHLB Đức) sau khi tốt nghiệp tú tài của Trường Kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn. Học viên được đi tham quan, tìm hiểu nhiều xưởng cơ khí, nhất là tại vùng Black Forest, một vùng chuyên chế tạo đồng hồ cúc cu của Đức.

– Tôi bén duyên với nghề sư phạm từ những ngày còn đi học ở Đức. Tôi mang phương pháp sư phạm dạy nghề cơ khí theo hệ thống song hành của Đức về truyền đạt lại cho giáo viên trong nước.

Sau đó, tôi tiếp tục quay sang Đức để hoàn thiện chương trình kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Sau khi tốt nghiệp, tôi được nhà trường giữ lại làm trợ giảng, cùng với các thầy hướng dẫn cho sinh viên Đức.

Sau khi làm việc tại Công ty Vinappro, tôi được công ty cử sang Hàn Quốc, Nhật Bản để nghiên cứu, học tập cách thức thiết kế, sản xuất phụ tùng thay thế cho động cơ diesel và máy nông nghiệp.

Đến khi trở thành giám đốc nhà máy từ năm 1982, tôi thường nghĩ cách để góp phần đào tạo rất nhiều kỹ sư cơ khí, thợ giỏi cho đất nước. Tôi còn thường xuyên tập hợp con cháu của công nhân để đào tạo nghề cho họ, giúp họ có việc làm và trả lương cho họ.

Đến nay tôi làm cố vấn cho chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật (Technisch Gewerbliche Ausbildung – TGA) của Trường Trung cấp Cơ điện Đông Nam Bộ (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Chương trình này do Công ty Wiap Thụy Sĩ tài trợ từ năm 2010. Học viên tốt nghiệp được nhận bằng trung cấp nghề do Tổng cục Dạy nghề cấp và một chứng nhận tốt nghiệp của Thụy Sĩ.

– TGA là chương trình đào tạo nghề tiên tiến đúng tiêu chuẩn đang ứng dụng ở Đức, Áo và Thụy Sĩ, phần đào tạo kiến thức lý thuyết tại một trường dạy nghề chỉ chiếm khoảng 25% còn phần đào tạo thực hành tại một phân xưởng chiếm khoảng 75% thời gian học. Mục tiêu của chương trình này là trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng, có tay nghề cao để đáp ứng cho công nghiệp phụ trợ và lực lượng lao động địa phương.

Mô hình này đã xuất hiện ở Long Thành, Đồng Nai vào năm 2013. Công ty Bosch Việt Nam (nhà đầu tư công nghệ cao lớn nhất châu Âu tại Việt Nam) đã đầu tư và hợp tác với Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ LILAMA 2 để triển khai chương trình TGA này. Bosch đầu tư thiết bị máy móc và phương tiện dạy nghề.

– Theo giáo trình mới, khi áp dụng vào trường học nơi tôi làm cố vấn thì năm ngày học sinh học ở xưởng, một ngày học lý thuyết ở lớp. Về phương pháp thực hành cũng có nhiều cải tiến, phù hợp với nhu cầu thực tế.

Trước đây, trong ba năm học, học viên chỉ làm ra các chi tiết nhỏ theo từng học kỳ, sản phẩm cuối kỳ thường không sử dụng được. Còn với chương trình mới, mỗi năm, các em đều có thể tự làm ra sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp. Học viên được trợ cấp lương hằng tháng và các chế độ lao động phù hợp.

Các trường nghề cơ khí hiện nay trang bị máy móc rất nhiều và liên tục đầu tư mới nhưng cả thầy và trò đều chỉ sử dụng để học lý thuyết và thực tập “suông”. Trong khi đó, nếu trong lúc học mà thầy trò cùng thực hành tốt thì có thể làm ra sản phẩm cơ khí để bán ra thị trường và có thu nhập, nhất là các phân xưởng cơ khí nhỏ lẻ ở khu vực Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài công việc cố vấn, tôi còn tham gia vào nhóm tập thể anh em Việt kiều Đức (trước đây học và làm việc tại CHLB Đức) trong nhóm Tủ sách Nhất Nghệ Tinh của Ủy ban Tương trợ của Việt kiều Đức, mua bản quyền của nhà xuất bản sách Europa Lehrmittel CHLB Đức dịch cuốn Chuyên ngành cơ khí. Sách này đã tồn tại từ gần 60 năm tại Đức sau Thế chiến thứ hai, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt. [Hiện nay, quyển Chuyên ngành cơ khí của Nxb Europa Lehrmittel (Các phương tiện giảng dạy châu Âu), như họ cho biết, đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ và bán trên một triệu bản khắp thế giới. Quyển này đã được trao tặng Giải Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2018. Xem thêm giới thiệu quyển sách này: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/cuoc-khai-sang-cong-nghiep-chuyen-nganh-co-khi]

Từ trước đến nay, mỗi giáo viên dạy nghề cơ khí có giáo trình riêng, chưa có giáo trình thống nhất và đầy đủ. Quyển sách này được xem là giáo trình hoàn chỉnh nhất, được hội đồng giám khảo Sách hay 2013 nhìn nhận và đánh giá cao.

Năm ngoái, chúng tôi in 1.000 bản, giá bán đến 560 ngàn đồng, hiện nay sách đã bán hết và chúng tôi đang chuẩn bị tái bản. Sau cuốn Chuyên ngành cơ khí, chúng tôi đã tiếp tục ra mắt cuốn Điện và điện tử cách đây hai tháng cũng với số lượng 1.000 cuốn. Công ty Bosch và Tổng cục Dạy nghề đã mua số lượng lớn cho trường dạy nghề của họ.

Tổ chức Hợp tác phát triển của Đức (GIZ) mua mỗi đầu sách chuyên ngành 200 cuốn để sử dụng trong các trường dạy nghề do GIZ tài trợ. Dự kiến GIZ sẽ mua thêm 500 cuốn Chuyên ngành cơ khí sau khi tái bản vào đầu năm 2015. Điều này cho thấy nhu cầu về sách dạy nghề ở nước ta là rất lớn.

Trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ cho ra những đầu sách về các ngành nhựa, công nghệ ôtô, cơ điện tử, hóa, sinh học… để Việt Nam có những giáo trình dạy nghề theo đúng tiêu chuẩn quốc tế trong việc đào tạo nghề chất lượng cao, giúp các sinh viên, thợ thủ công có điều kiện nâng cấp tay nghề.

Việt Nam cần một loại bách khoa toàn thư kỹ thuật giống bộ Bách khoa toàn thư của Diderot và D’Alembert (được xem là công trình khai sáng lớn ở Pháp thế kỷ XVIII) vì đây là tài liệu thiết thực cho công cuộc xây dựng đất nước, để giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đồng thời ứng dụng kỹ thuật, công nghiệp vào đời sống.

– Thạc sĩ, tiến sĩ mà không có tích lũy kinh nghiệm thực tế thì liệu có thể làm ra được sản phẩm để bán có người mua hay không? Bởi vậy mới có chuyện một quốc gia nhiều tiến sĩ như Việt Nam lại không thể làm được con ốc vít cho Tập đoàn Samsung Hàn Quốc.

Ngay như con bu-lông tán để siết bánh xe, chúng ta cũng phải nhập khẩu vì công nghệ của chúng ta còn kém, ngành thép chế tạo cũng chưa phát triển để chế tạo được loại thép có chất lượng cao.

Theo tôi được biết thì các cơ quan nước ngoài từ Đức, Pháp, Canada, Nhật… đã có nhiều chương trình đào tạo công nhân và kỹ thuật viên Việt Nam, nếu tận dụng tốt hẳn sẽ tạo những bước tiến lớn cho ngành cơ khí nước nhà.

Người ta nói đến con số hơn 2.000 tiến sĩ nhưng không nhắc đến số thợ thủ công, kỹ thuật viên, kỹ sư cho cuộc công nghiệp hóa. Trong khi đó, nếu không có một lực lượng thợ thủ công tay nghề cao, đất nước không thể tiến hành công nghiệp hóa, không thể phát triển kinh tế bền vững. Thực tế là ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 20 – 25% nhu cầu trong nước…

– Hiện nay, có thể thấy rằng gần 75% doanh nghiệp nước ta nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc, phần lớn là những thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả. Giá thiết bị này rẻ mà nhập khẩu dây chuyền cũ thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác, thuế suất chỉ bằng 0%. Không thể đạt con số nói trên với thực lực về trang thiết bị, công nghệ, nguồn nhân lực bất cập và khả năng tài chính còn yếu.

Chúng ta phải tìm mọi cách phát triển được ngành cơ khí chế tạo, ngành công nghiệp phụ trợ, mà trước hết là phải đào tạo cho được đội ngũ thầy ra thầy và thợ đúng nghĩa là thợ. Chỉ khi có đủ trình độ và năng lực sản xuất, chúng ta mới tham gia được vào chuỗi sản xuất, công nghệ của nước ngoài. Từ đó, chúng ta mới chủ động thỏa thuận về thời gian, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khi hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài.

– Đúng vậy. Ở nước ngoài, thầy phải có kinh nghiệm thực tế ở xưởng từ năm năm trở lên, để có thể dạy cả kinh nghiệm cho học trò. Còn ở Việt Nam thì từ trước đến nay, thầy chủ yếu dạy về lý thuyết còn thực hành thì đôi khi thầy còn… bối rối.

Với chương trình mới, chúng tôi muốn cả thầy và trò cùng thiết kế, tính toán và cho ra thành phẩm các sản phẩm cơ khí như: máy móc thiết bị dùng cho nông nghiệp từ khâu làm đất đến khâu chế biến. Học viên luôn phải được học và hiểu kỹ về an toàn sản xuất, kỷ luật trong sản xuất và bảo vệ môi trường.

– Phát triển công nghiệp phụ trợ của nước ta hiện nay mới đang bắt đầu. Các trường nghề còn rất nhiều cơ hội để nắm lấy cơ hội này, nhưng phải chủ động hơn để hiểu được doanh nghiệp cần nguồn nhân lực như thế nào, chứ không có sẵn gì thì đào tạo đó như hiện nay.

Tôi vui mừng khi thấy Đồng Nai đang có nhiều tiến bộ trong đào tạo nghề. Lãnh đạo tỉnh hiện đang có những chương trình khuyến khích đổi mới giáo dục. Tại trường tôi làm cố vấn thì hiệu trưởng sẽ giữ vai trò như một ông giám đốc xí nghiệp, thậm chí phải đi tiếp thị để đưa hợp đồng về cho trường sản xuất.

– Đó là niềm vui khi khám phá ra những nhu cầu mới và làm ra sản phẩm mới. Chẳng hạn như chiếc xe máy gắn với tưới tiêu nước dùng cho miền núi, nhà nào cũng có xe gắn máy mà không có điện, ra cánh đồng bơm nước rồi chạy về.

Từ khi chiếc xe gắn máy không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển mà còn giúp họ bơm nước tưới cây, chạy máy phát điện, xay xát, xịt thuốc trừ sâu… với công suất 1kW/giờ, tôi nhìn thấy niềm vui trong mắt họ.

Nếu cần máy phát điện có công suất 1kW/giờ, người nông dân phải bỏ ra 4-5 triệu đồng mua máy, thì việc đầu tư bộ gá chuyên dùng gắn vào xe máy chỉ tốn không quá 1 triệu đồng.

Khi ra đồng, cần làm công việc tưới tiêu nhưng không có điện, bà con có thể biến chiếc xe gắn máy của mình thành một máy bơm nước nhờ thiết bị bơm nước gắn vào phía sau xe. Người ở vùng sâu chưa có điện thì chiếc xe gắn máy có thể cung cấp nguồn điện cho tivi, quạt máy và đèn thắp sáng sinh hoạt gia đình…

Tôi là người con của nông thôn, lớn lên từ ruộng đồng nên tôi luôn muốn làm ra nhiều sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp, giúp cho bà con bớt đi nỗi vất vả, khó khăn.

PHẦN IX Tham gia nhóm dịch sách Nhất nghệ tinh

Một số sách chuyên ngành của Tủ sách Nhất Nghệ Tinh đã ra mắt (hiện đã có 10 cuốn):

Nguồn: Kỹ sư Lê Tùng Hiếu – Cây đại thụ ngành cơ khí Việt Nam, rosetta.vn, 3 Tháng Một, 2024.


Print Friendly and PDF