7.4.24

Niềm vui lạ lùng vì đã sai: về tầm quan trọng của tính khiêm nhường trí thức

NIỀM VUI LẠ LÙNG VÌ ĐÃ SAI: VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÍNH KHIÊM NHƯỜNG TRÍ THỨC

Đôi khi những thông tin mới giúp lấy một hướng đi mới. Schon/Moment via Getty Images

Tác giả: Daryl Van Tongeren

Người ta cho tuyên bố sau đây là của Mark Twain: “Tôi ủng hộ sự tiến bộ; nhưng tôi không thích sự thay đổi”. Một câu nói nhấn mạnh xu hướng của con người mong muốn trưởng thành đồng thời chống đối mạnh mẽ công việc nặng nhọc đi kèm theo. Có lẽ là tôi tự mình đồng nhất với cảm nhận này.

Tôi đã được nuôi dạy trong một môi trường gia đình theo đạo Tin Lành bảo thủ. Như nhiều người đã lớn lên trong một môi trường tương tự, tôi đã học một tập hợp những niềm tin tôn giáo vốn tạo nên khuôn khổ của cách mà tôi hiểu thế giới bao quanh tôi. Người ta đã dạy tôi là Thượng Đế đầy lòng nhân từ và là bậc toàn năng, và những tín đồ của Ngài được bảo vệ. Người ta đã dạy tôi rằng thế giới là công bằng và Thượng Đế là nhân hậu. Thế giới đối với tôi dường như đơn giản và dự báo được – và nhất là an toàn.

Những niềm tin này vỡ tan tành khi anh của tôi đột ngột qua đời khi tôi được 27 tuổi. Cái chết của anh tôi vào tuổi 34, với ba đứa con, đã gây chấn động trong gia đình tôi và trong cộng đồng chúng tôi. Ngoài nỗi ưu phiền, tôi đã đặt lại vấn đề một số giả thuyết sâu đậm nhất của tôi. Thượng đế không nhân từ hay không toàn năng? Tại sao Thượng Đế không cứu lấy anh tôi, vốn là một người cha, người chồng tử tế và đầy tình thương? Và vũ trụ là bất công, vô cảm và bấp bênh đến mức độ nào?

Sự mất mát sâu sắc này đã đánh dấu bước khởi đầu của một thời kỳ mà tôi đã đặt lại vấn đề tất cả những niềm tin của tôi từ những hiểu biết của chính những kinh nghiệm của tôi. Sau một thời gian dài, và nhờ vào một nhà trị liệu tài giỏi, tôi đã có thể xem xét lại cách nhìn của tôi về thế giới một cách có vẻ chân thật đối với tôi. Tôi đã thay đổi ý kiến về nhiều sự việc. Quá trình này không dễ chịu. Tôi đã thức nhiều đêm trắng, nhiều hơn mức tôi đã dám tưởng tượng ra, nhưng tôi đã có thể xem xét lại một số niềm tin cơ bản của tôi.

Vào thời kỳ đó tôi đã không nhận ra điều này, nhưng kinh nghiệm này thuộc về điều mà các nhà nghiên cứu khoa học xã hội gọi là tính khiêm nhường trí thức. Và thành thật mà nói, có lẽ đó là một phần lớn lý do khiến tôi, với tư cách là giáo sư tâm lý học, quan tâm nghiên cứu tính khiêm nhường trí thức đến thế. Khiêm nhường trí thức đã trở thành đối tượng của sự chú ý ngày càng tăng, và dường như có một tầm quan trọng cốt tử trong thời đại của chúng ta, thời đại mà việc bảo vệ quan điểm là phổ biến hơn việc thay đổi ý kiến.

Khiêm nhường trí thức nghĩa là gì?

Khiêm nhường trí thức là một dạng khiêm nhường đặc biệt gắn với những niềm tin, những ý tưởng hay những cách nhìn về thế giới. Không chỉ là những niềm tin tôn giáo, mà còn là các ý kiến về chính trị, các thái độ xã hội đa dạng, các lĩnh vực tri thức hay chuyên môn hay mọi niềm tin mạnh mẽ khác. Khiêm nhường trí thức có những chiều kích vừa bên trong lẫn bên ngoài.

Khiêm nhường trí thức bao hàm nhận thức và hiểu biết về chính những giới hạn và định kiến của chúng ta, về những gì ta biết và về cách mà chúng ta đã biết những điều này. Khiêm nhường trí thức đòi hỏi một ý chí xem xét lại các ý kiến của mình với sự hỗ trợ của các chứng cứ vững chắc.

Trên phương diện tương tác liên cá nhân, đó là làm chủ bản ngã để có thể trình bày những ý tưởng của mình một cách khiêm nhường và lễ độ. Đó là trình bày những niềm tin của mình không phải trong thế thủ và chấp nhận mình sai nếu trường hợp xảy ra. Điều này hàm ý chỉ ra rằng bạn quan tâm học hỏi và duy trì các mối quan hệ hơn là cho mình “có lý” hay chứng tỏ mình có trình độ trí thức cao hơn. Một cách khác để hình dung sự khiêm nhường, về trí thức hoặc về các khía cạnh khác, là phải ở một trình độ đúng, thích hợp, trong một tình huống nhất định: không quá cao (đó là sự kiêu ngạo), nhưng cũng không quá thấp (đó là sự tự đánh giá thấp mình).

Tin tưởng vào lĩnh vực chuyên môn của mình không phải là tin rằng ta biết tất cả về mọi lĩnh vực. Morsa Images/DigitalVision via Getty Images

Tôi biết tương đối rõ về tâm lý học, nhưng không nhiều về opéra. Khi tôi ở trong một môi trường chuyên môn, tôi có thể tận dụng chuyên môn mà tôi đã đạt được qua nhiều năm. Nhưng khi tôi đi xem opéra với những người bạn có trình độ hiểu biết hơn, tôi phải lắng nghe và đặt nhiều câu hỏi, hơn là khẳng định một cách tự tin ý kiến rất ít hiểu biết của mình.

Sau đây là bốn khía cạnh chính của khiêm nhường trí thức:

  • Tinh thần phóng khoáng, tránh giáo điều và sẵn sàng xem xét lại các niềm tin của mình.
  • Hiếu kỳ, bạn tìm những ý tưởng mới, những phương tiện phát triển bản thân và trưởng thành, và bạn có khả năng thay đổi ý kiến để đứng về phía những chứng cứ vững chắc.
  • Có đầu óc thực tế, bằng cách thừa nhận những thiếu sót và hạn chế của mình, và nhìn thế giới như nó là chứ không phải như ta muốn nó là.
  • Có khả năng học hỏi, bằng cách phản hồi nhưng không thủ thế và bằng cách thay đổi hành vi của mình để đi theo những tri thức mới.

Khiêm nhường trí thức thường là một công việc khó khăn, nhất là trước các thách thức quan trọng.

Bắt đầu bằng chấp nhận rằng, cũng như mọi người, bạn có những thiên kiến về nhận thức và những nhược điểm hạn chế tri thức của bạn, khiêm nhường trí thức có thể là quan tâm một cách chân thành đến các niềm tin của người thân trong một cuộc đối thoại trong một buổi họp gia đình, hơn là chờ cho người thân này chấm dứt để chứng minh là họ sai bằng cách nêu ra ý kiến của bạn – cho là có giá trị hơn.

Đó có thể là xem xét những phẩm chất từ một quan điểm khác về một vấn đề chính trị nóng bỏng và những lý do tại sao những người đáng kính và thông minh có thể không đồng ý với bạn. Khi bạn đề cập đến những cuộc thảo luận khó khăn này với lòng hiếu kỳ và khiêm nhường, những cuộc thảo luận này trở thành những cơ hội học hỏi và tiến bộ.

Tại sao khiêm nhường trí thức là một lợi thế

Mặc dù tôi nghiên cứu sự khiêm nhường từ nhiều năm qua, tôi vẫn chưa làm chủ được nó với tư cách cá nhân. Thật là khó khi bơi ngược dòng với những quy chuẩn văn hóa vốn tưởng thưởng điều đúng và trừng phạt những sai lầm. Phải làm việc liên tục để phát triển tính khiêm nhường trí thức, nhưng khoa học tâm lý đã chứng minh rằng thái độ này bao gồm nhiều lợi ích.

Trước tiên, cần chú ý đến những tiến bộ xã hội, văn hóa và công nghệ. Mọi tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực y học, công nghệ hay văn hóa đều do một thực tế là có một người nào đó đã chấp nhận là họ không biết một điều gì đó và sau đó người này say mê nghiên cứu tri thức với lòng hiếu kỳ và sự khiêm nhường. Để tiến bộ, cần chấp nhận điều mà ta không biết và tìm cách học hỏi một điều gì đó mới mẻ.

Khiêm nhường trí thức có thể làm cho các cuộc đối thoại ít xung đột hơn. Compassionate Eye Foundation/Gary Burchell/DigitalVision via Getty Images

Khi người ta tỏ ra khiêm nhường trí thức, những mối quan hệ giữa họ và những người khác được cải thiện. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khiêm nhường trí thức được kết hợp với một sự khoan dung lớn hơn đối với những người mà bạn không đồng ý.

Ví dụ, những người khiêm nhường về mặt trí thức chấp nhận dễ dàng hơn những ý kiến tôn giáochính trị khác biệt với họ. Sự cởi mở với những ý tưởng mới là một yếu tố trung tâm của khiêm nhường trí thức, đến mức người ta sẽ ít thủ thế hơn trước những viễn cảnh có phần khích lệ. Họ đặc biệt có xu hướng tha thứ, điều này có thể giúp sửa chữa và duy trì các mối quan hệ.

Cuối cùng, khiêm nhường tạo thuận lợi cho phát triển cá nhân. Khiêm nhường trí thức giúp bạn có một cách nhìn đúng hơn về chính bạn.

Khi bạn có thể chấp nhận và tự nhận những hạn chế của mình, bạn cũng có thể nhờ giúp đỡ trong những lĩnh vực mà bạn có một khoảng cách về trình độ và bạn dễ tiếp thu hơn những thông tin đến với bạn. Khi bạn tự giới hạn vào việc làm những điều như bạn đã luôn luôn làm, bạn bỏ lỡ vố số cơ hội trưởng thành, mở rộng và đón nhận cái mới – biết bao điều có thể khơi dậy sự ngưỡng mộ, sự kinh ngạc, và khiến cho cuộc sống đáng để sống.

Như vậy, khiêm nhường trí thức có thể tạo thuận lợi cho cảm nhận về tính đích thực và sự phát triển cá nhân.

Khiêm nhường không có nghĩa là buông trôi

Mặc dù có những lợi ích nêu trên, tính khiêm nhường đôi lúc bị báo chí phê phán. Người ta có thể có những ý tưởng sai lầm về khiêm nhường trí thức, do đó quan trọng là xua tan một số điều tưởng tượng.

Khiêm nhường trí thức không phải là một sự thiếu niềm tin; ta có thể tin tưởng vững chắc vào một điều gì đó cho đến khi ta thay đổi ý kiến và tin vào một điều khác. Đó cũng không phải là rụt rè. Bạn phải đặt những yêu cầu rất cao liên quan đến những chứng cứ mà bạn cần để thay đổi ý kiến. Cũng không phải là tự hạ thấp giá trị của mình hay luôn luôn đồng ý với những người khác. Đừng quên rằng phải có trình độ tốt, chứ không phải là tự đánh giá thấp bản thân.

Các nhà nghiên cứu nỗ lực làm việc rất nhiều để hợp thức hóa những phương pháp đáng tin cậy giúp cho việc trau dồi tính khiêm nhường trí thức. Tôi tham gia vào một nhóm giám sát một tập hợp các dự án có mục đích thử nghiệm những phát minh khác nhau phục vụ cho phát triển tính khiêm nhường trí thức.

Một số nhà nghiên cứu khảo sát những cách khác nhau để khởi động các cuộc thảo luận, và những người khác thăm dò vai trò của sự cải tiến và sự lắng nghe. Những người khác lại thử nghiệm các chương trình giáo dục, và một số khác lại tìm cách để biết là những kiểu bình luận khác nhau và thông tin trên các mạng xã hội khác nhau có thể tăng cường tính khiêm nhường trí thức không.

Những công trình trước đây trong lĩnh vực này gợi ý rằng khiêm nhường trí thức có thể được trau dồi, và như vậy chúng ta nóng lòng muốn thấy đâu là những con đường hứa hẹn nhất sẽ nổi lên từ dự án mới này.

Có một điều khác mà tôn giáo đã dạy tôi và có phần sai lầm. Người ta bảo tôi rằng học hỏi nhiều quá có thể là vấn đề; rốt cuộc, ai mong muốn học hỏi đến độ mất niềm tin?

Nhưng trong kinh nghiệm của tôi, điều mà tôi đã học trong khi mất niềm tin đã có thể cứu vãn một phần của niềm tin mà tôi có thể thật sự tán thành và tôi thấy có vẻ đích thực so với các kinh nghiệm của tôi. Chúng ta mở rộng trí óc của chúng ta và ngừng chống cự lại sự thay đổi càng nhanh thì chúng ta sẽ tìm thấy càng nhanh tự do mà sự khiêm nhường đem lại.

Về tác giả

Daryl Van Tongeren

Daryl Van Tongeren

Phó giáo sư Tâm lý học, Hope College

Tuyên bố công khai

Một số công trình được mô tả ở đây đã được Quỹ John Templeton tài trợ cho Daryl Van Tongeren và các đồng nghiệp của ông. Bài báo này được thực hiện với sự hỗ trợ của Greater Good Science Center – GGSC – thuộc Đại học Berkeley và của Quỹ John Templeton trong khuôn khổ sáng kiến của GCSC về nâng cao nhận thức về khoa học về tính khiêm nhường trí thức.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:La curieuse joie d’avoir tort: de l’importance de l’humilité intellectuelle”, The Conversation, 16.1.2024.

Print Friendly and PDF