15.4.24

Cuộc khảo sát lớn nhất sau đại dịch nhận thấy sự tin tưởng cao vào các nhà khoa học

CUỘC KHẢO SÁT LỚN NHẤT SAU ĐẠI DỊCH NHẬN THẤY SỰ TIN TƯỞNG CAO VÀO CÁC NHÀ KHOA HỌC

Nghiên cứu trên 70.000 người cho thấy mức độ tin tưởng biến đổi giữa các quốc gia và có liên quan đến định hướng chính trị.

Carissa Wong

Cuộc khảo sát toàn cầu chỉ ra rằng nhìn chung mọi người có mức độ tín nhiệm khá cao đối với các nhà khoa học. Nguồn ảnh: Michael Candelori/Pacific Press trên Zuma Wire/Shutterstock

Một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 70.000 người tham gia cho thấy mọi người trên khắp thế giới có sự tin tưởng cao vào các nhà khoa học và hầu hết đều muốn các nhà nghiên cứu tham gia nhiều hơn vào việc hoạch định chính sách. Tuy nhiên, theo mô tả trong bản thảo đăng trực tuyến vào tháng trước của nghiên cứu, mức độ tin tưởng (của người tham gia) bị ảnh hưởng bởi định hướng chính trị và khác nhau giữa các quốc gia1.

James Liu, nhà tâm lý học tại Đại học Massey của New Zealand ở Auckland, cho biết: “Thông điệp tổng thể khá tích cực”. “Mặc dù đại dịch COVID-19 có thể gây ra sự phân cực đối với niềm tin vào các nhà khoa học, nhưng nhìn chung, mức độ tin tưởng của công chúng thuộc nhiều nhóm nhân khẩu học khác nhau vẫn tương đối cao."

“Các nhà nghiên cứu sử dụng thước đo độ tin tưởng thiết thực hơn so với các nghiên cứu trước đây vốn chỉ tập trung vào một hoặc hai chiều (dữ liệu), Nan Li, người chuyên nghiên cứu cách công chúng tương tác với khoa học tại Đại học Wisconsin–Madison, cho biết. “Tôi thực sự ngưỡng mộ tham vọng của các tác giả khi thực hiện loại nghiên cứu này, tính đến cả các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới.”

Phạm vi này khiến cuộc khảo sát trở thành một trong những nghiên cứu lớn nhất về niềm tin vào các nhà khoa học được thực hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Thái độ trên toàn thế giới

Nhà khoa học xã hội Viktoria Cologna tại Đại học Leibniz Hannover, Đức và các đồng nghiệp đã khảo sát 71.417 người ở 67 quốc gia. Ở hầu hết các địa điểm, các nhà nghiên cứu tuyển người tham gia trực tuyến thông qua các công ty tiếp thị, ngoại trừ tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi họ đã dùng khảo sát trực tiếp. Những người trả lời được yêu cầu cho biết mức độ đồng ý của họ với hàng tá nhận định về sự liêm chính, năng lực, lòng nhân ái và sự cởi mở của các nhà khoa học, theo thang điểm từ 1 đến 5. Điểm càng lớn nghĩa là tin càng nhiều.

Với tất cả những người tham gia, điểm tin cậy trung bình đạt khá cao, ở mức 3,62. Trên quy mô toàn cầu, những người tham gia nhìn nhận rằng các nhà khoa học có năng lực cao, liêm chính vừa phải và có các ý định nhân ái. Đánh giá tổng thể về mức độ cởi mở trước phản hồi thì thấp hơn: 23% người tham gia cho rằng các nhà khoa học chỉ chú ý phần nào hoặc rất ít đến các quan điểm khác. Ba phần tư số người tham gia đồng ý rằng các phương pháp khoa học là cách tốt nhất để tìm hiểu xem liệu điều gì đó có đúng hay không.

Những người tham gia đến từ Ai Cập có niềm tin lớn nhất vào các nhà khoa học, tiếp theo là Ấn Độ và Nigeria; ở Albania, Kazakhstan và Bolivia, người dân có ít sự tín nhiệm nhất. Những người tham gia ở các quốc gia gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc và Trung Quốc có mức độ tin tưởng trên mức trung bình đối với các nhà khoa học, trong khi những người ở Đức, Hồng Kông và Nhật Bản lại có mức độ tin tưởng dưới mức trung bình.

Lòng tin và chính trị

Nghiên cứu cũng khám phá mối liên hệ giữa niềm tin của người tham gia vào các nhà khoa học và khuynh hướng chính trị của họ. Ở cấp độ toàn cầu, định hướng chính trị 'thiên tả' có liên hệ đến độ tin tưởng cao hơn. Nhóm nghiên cứu đã nhận thấy sự liên kết này ở cấp quốc gia tại Canada, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Na Uy và Trung Quốc. Nhưng trong số 67 quốc gia được khảo sát, thì ở 41 quốc gia – bao gồm New Zealand, Argentina và Mexico – nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào giữa định hướng chính trị và lòng tin. Và ở một số quốc gia, bao gồm Georgia, Ai Cập, Philippines, Nigeria và Hy Lạp, quan điểm thiên tả được gắn với độ tin tưởng thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Những phát hiện trái ngược rõ rệt này có thể được giải thích bởi thực tế là ở một số quốc gia, các đảng cánh hữu có thể đã nuôi dưỡng sự dè dặt đối với các nhà khoa học trong số những người ủng hộ họ, trong khi ở các quốc gia khác, có lẽ cũng các đảng cánh tả đã làm như vậy”. Ví dụ, đảng Dân chủ Mới, đảng cầm quyền thuộc cánh hữu của Hy Lạp, kể từ năm 2020 đã liên tục hợp tác với các nhà nghiên cứu trong việc thực hiện chương trình nghị sự về sức khỏe cộng đồng, điều này có thể giải thích tại sao định hướng chính trị thiên hữu lại có liên quan đến sự tin tưởng cao hơn vào các nhà khoa học tại quốc gia này.

Liu nói: “Vấn đề nằm ở cách lãnh đạo các đảng phái chính trị đối xử với các nhà khoa học.” Khái niệm về định hướng chính trị cánh hữu hay cánh tả cũng có thể khác nhau giữa những người ở các quốc gia khác nhau, khiến cho việc diễn giải các phát hiện này trở nên khó khăn.

Nguồn: Tham khảo 1.

Hơn một nửa số người được hỏi cho rằng các nhà nghiên cứu nên tham gia nhiều hơn vào việc hoạch định chính sách và nên hợp tác chặt chẽ với các chính trị gia để tích hợp các kết quả khoa học vào việc hoạch định chính sách (xem hình 'Tham gia làm chính sách'). Liu cho biết: “Những kết quả này vô cùng hiển nhiên – nếu mọi người tin tưởng các nhà khoa học, họ sẽ muốn các khoa học gia dự phần”.

“Tuy nhiên, việc tham gia vào lĩnh vực chính sách công với tư cách là một nhà khoa học có thể biến thành một cuộc chơi khốc liệt,” Liu nói. “Chúng tôi thấy điều đó khi các nhà khoa học về khí hậu bị một số chính trị gia coi thường và nghi ngờ.”

Liu cho rằng cần phải đào tạo nhiều hơn cho các nhà khoa học muốn tham gia hoạch định chính sách, và nhiều nhà nghiên cứu cần cải thiện kỹ năng giao tiếp của họ, “nhờ vậy, chúng ta sẽ sẵn sàng cho đấu trường chính sách công đầy khó khăn và hỗn loạn đó”. Nghiên cứu cho thấy 80% người tham gia nghĩ rằng các nhà nghiên cứu nên truyền đạt về khoa học với công chúng.

Liu cho biết, mặc dù nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn tổng thể về niềm tin vào các nhà nghiên cứu, nhưng mức độ tin tưởng của mọi người cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực của các nhà khoa học.

Nhóm nghiên cứu dự định biến bộ dữ liệu toàn cầu thành dữ liệu có thể truy cập mở trực tuyến để giúp các nhà nghiên cứu khác nghiên cứu chủ đề này.

Nature  626 , 704 (2024)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-024-00420-1

Tham khảo

1. Cologna, V. et al. Preprint at OSF Preprints https://doi.org/10.31219/osf.io/6ay7s (2024).

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Largest post-pandemic survey finds trust in scientists is high, Nature, Feb 14, 2024.

Print Friendly and PDF