13.4.24

Tăng trưởng kinh tế ít gây ô nhiễm hơn? Vấn đề là cần hiểu tăng trưởng theo nghĩa nào…

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NHƯNG ÍT GÂY Ô NHIỄM HƠN? VẤN ĐỀ LÀ CẦN HIỂU TĂNG TRƯỞNG THEO NGHĨA NÀO…

Các tác giả:

Albert Bouffange

Nghiên cứu sinh tiến sĩ kinh tế, Sciences Po Lyon

Baptiste Andrieu

Nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học trái đất và môi trường, Đại học Grenoble Alpes (UGA)

Florence Jany-Catrice

Giáo sư kinh tế tại Đại học Lille, đồng chủ nhiệm bộ môn Tái chuyển đổi sinh thái, lao động, việc làm và chính sách xã hội tại Trường Cao đẳng Nghiên cứu Toàn cầu, FMSH., Fondation Maison des Sciences de l’Homme (FMSH)

Pierre-Yves Longaretti

Nhà nghiên cứu của CNRS trong nhóm “Tính bền vững, Lãnh thổ, Môi trường, Kinh tế và Chính trị”, Inria

Liệu phát thải khí nhà kính có thể đi theo một quỹ đạo khác với tốc độ tăng trưởng kinh tế? Shutterstock

Khi chủ đề biến đổi khí hậu càng chiếm được một chỗ đứng trong cuộc tranh luận chính trị và kinh tế, thì các cuộc thảo luận ngày càng phân cực xoay quanh khả năng có hay không một sự “tách rời”. Đằng sau thuật ngữ này, là một câu hỏi đơn giản: liệu việc giảm thiểu các tác động môi trường có thể diễn ra cùng lúc với việc tiếp tục phát triển các hệ thống kinh tế hay không? Một bài báo gần đây của Gregor Semieniuk, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Thế giới, đã đề cập đến một khía cạnh mấu chốt và chưa được thảo luận nhiều: liệu chúng ta có đo lường hoạt động kinh tế một cách đúng đắn hay không?

Vấn đề “tách rời” là vấn đề về hai đường cong, thứ mà chúng ta muốn biết liệu chúng có thể tách rời nhau, hoặc thậm chí tiến triển, theo cách trái ngược nhau hay không: đường cong phát thải khí nhà kính, và đường cong tăng trưởng kinh tế, tức là sự biến đổi của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế: liệu có thể thấy được đường cong GDP thực tế tăng lên theo thời gian, trong khi đường cong phát thải lại tăng chậm hơn (“sự tách rời tương đối”), hoặc thậm chí (“sự tách rời tuyệt đối”) giảm hay không? Ở đây, chúng tôi xem xét đến GDP thực tế, vì nó cho phép so sánh GDP nhiều năm khác nhau bằng cách tính đến lạm phát (trái với GDP danh nghĩa). Khi thao tác với các chuỗi thời gian thì bao giờ cũng sử dụng GDP thực tế.

Thông thường, trong cuộc tranh luận về chủ đề tách rời, trọng tâm là câu hỏi về vấn đề phát thải khí nhà kính (EGES) hoặc năng lượng, và như thế chỉ tập trung duy nhất vào vấn đề khí hậu. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong chín ranh giới của hành tinh được cộng đồng khoa học xác định ngày nay. Về mặt lý thuyết, có bao nhiêu cuộc tranh luận về chủ đề “tách rời” thì có bấy nhiêu chỉ báo môi trường mà chúng ta quan sát thấy được sự tiến triển theo thời gian: mức độ tiêu thụ năng lượng, khai thác nguyên liệu thô, dấu vết môi trường nói chung, v.v..

Cần phải nhấn mạnh rằng mỗi chỉ báo môi trường đều là chủ đề các vấn đề về tính thích đáng của phép đo, độ tin cậy, và kết cấu của nó. Các nhà khoa học muốn biết liệu có đo được đúng những gì chúng ta muốn đo hay không, và liệu số liệu thống kê có nắm bắt được đúng các hiện tượng hay không. Chẳng hạn, khi nói đến lượng phát thải khí của một quốc gia, thì liệu có thể hiểu đó là lượng phát thải khí liên quan đến những gì được sản xuất trên lãnh thổ nước đó hoặc liên quan đến những gì người dân nước đó tiêu thụ, bao gồm cả lượng phát thải liên quan đến hàng hóa nhập khẩu?

Ngược lại, GDP luôn được coi như là chuyện đương nhiên. Việc sử dụng chỉ báo này hiếm khi bị đặt thành vấn đề. Tuy nhiên, chuỗi số liệu GDP mô tả sự “đúng đắn” của nền kinh tế chúng ta đến mức nào? Thực tế là khi tính đến tính bất trắc về mặt thống kê gắn liền với với một thước đo hoạt động kinh tế “chính xác”, thì biên độ sai số trong việc nhận diện “sự tách rời” sẽ tăng lên. Và cùng với đó, sự không chắc chắn hoặc chấp nhận rủi ro, gắn liền với các chiến lược “tăng trưởng xanh”, đối lập với các hệ ý về tiết độ, hậu tăng trưởng hoặc thoái lui khỏi tăng trưởng. Bài báo được đăng lên gần đây của Gregor Semieniuk lại đề cập đến chính vấn đề nói trên: liệu chúng ta có đo lường hoạt động kinh tế một cách đúng đắn, hay nói cách khác, liệu GDP có phải là một chỉ báo đáng tin cậy cho vấn đề này không?

Các quy ước và sai sót tích lũy

Chúng ta có thể xác định nhiều bước quan trọng khác nhau trong việc tính toán GDP, vốn có thể dẫn đến một sự không chắc chắn về giá trị của nó trong bối cảnh tranh luận về vấn đề tách rời.

Đầu tiên là câu hỏi về phạm vi. Theo thời gian, các quy ước kế toán đã mở rộng phạm vi của phép tính các lĩnh vực hoạt động kinh tế, thường vì các lý do kỹ thuật cũng như vì các lý do chính trị xã hội. Ví dụ, các hoạt động tài chính chỉ mới được thêm vào năm 1968, thể theo các khuyến nghị về tính toán hệ thống tài khoản quốc gia. Trước đó, các hoạt động tài chính không được “tính” vào chỉ báo vì bị xem là không có tính sản xuất. Tương tự như vậy vào năm 1977, các dịch vụ do cơ quan hành chính công cung cấp cũng được đưa vào phạm vi của GDP, phản ánh những thay đổi quan trọng, đặc biệt về ý tưởng cho rằng các hoạt động công tạo ra của cải.

Thứ hai, một số sản phẩm không có giá thị trường, và giá trị của chúng, theo quy ước, gắn liền với chi phí sản xuất ra chúng. Đây chính xác là trường hợp các dịch vụ phi thị trường do các cơ quan hành chính công cung cấp. Một sản phẩm do một cơ quan dịch vụ công cung cấp thường có giá trị thấp hơn một sản phẩm tương tự do một công ty tư nhân cung cấp, do chi phí sản xuất thấp hơn giá thị trường, vốn đã tích gộp lợi nhuận.

Thứ ba, và đây là một bước dứt khoát mang tính quyết định, chúng ta tính GDP “thực tế”, còn được gọi là “theo khối lượng”, bằng cách điều chỉnh nó theo diễn biến của giá cả để cho phép phân tích theo thời gian. Ở Pháp, Viện thống kê INSEE luôn kín đáo một cách tương đối về các phương pháp tính lạm phát. Ví dụ, hàng hóa và dịch vụ tạo nên rổ hàng mà, dựa vào đó, chỉ báo giá cả được xây dựng luôn được giữ bí mật. Điều đó cho thấy di sản đặc biệt của các thách thức và áp lực chính trị rất mạnh lên giá trị của GDP: người đọc sẽ không khó để hình dung sự quan tâm có thể có của chính phủ trong việc đo lường một mức lạm phát thấp khi các khoản trợ cấp xã hội, lương hưu hoặc mức lương tối thiểu khác đều được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát.

Bản thân triết lý phép tính lạm phát đã tiến triển mạnh mẽ theo thời gian, từ một chỉ báo đại diện cho một gia đình công nhân lao động “điển hình” ở vùng Paris, thành một chỉ báo có tham vọng đại diện cho chi phí sinh hoạt của một người tiêu dùng “trung bình” về mặt lý thuyết. Mỗi quy ước đều có tính chính danh của nó, nhưng cần phải ý thức rằng lạm phát, theo định nghĩa hiện tại, đo lường một kiểu chi phí sinh hoạt mà, theo nghĩa hẹp, không có bất kì ai cảm nhận được.

Ngoài thành phần của rổ hàng hóa và dịch vụ, việc tính toán lạm phát cũng là đối tượng của các quy ước về cách tính đến những biến động trong thành phần của rổ hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là những biến động về chất lượng. Các cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra xoay quanh một thước đo “đúng đắn”, và một số ước tính khác nhau, ở cấp độ quốc tế, biến thiên từ một đến hai lần, thường theo hướng giảm.

Thử tưởng tượng vấn đề nói trên mô tả điều gì: nếu lạm phát cao hơn hoặc thấp hơn X điểm phần trăm, thì GDP đã tính đến lạm phát, thứ mà chúng ta thao tác hàng ngày và trong tất cả các dữ liệu so sánh trong quá khứ, biểu thị một sai số với cùng một tỷ lệ cho mỗi năm, và vì thế mang tính cộng dồn! Thậm chí chúng ta chưa hề đề cập đến các giá vốn thay đổi theo thời gian và làm thay đổi, một cách rõ rệt, giá trị các chuỗi [GDP] trong quá khứ tùy thời điểm được chọn làm thời điểm quy chiếu.

Tách rời hay ghép lại? Điều đó phụ thuộc một phần vào cách chúng ta định nghĩa GDP

Khi thảo luận về niềm tin có thể đặt vào GDP trong cuộc tranh luận về vấn đề tách rời, Gregor Semieniuk là người đi đầu với các công trình của ông, mà theo hiểu biết của chúng tôi, xem xét đến tác động của nhiều định nghĩa khác nhau về GDP, được phát triển suốt thời gian qua, đến các kết quả của vấn đề tách rời. Thế nên, tác giả đã phác hoạ nhiều chuỗi dữ liệu GDP khác nhau đã được đề xuất trong thời gian qua và những “sửa đổi mang tính cấu trúc” đã được thông qua, liên quan đến phương pháp tính toán, phạm vi tính toán hoặc năm quy chiếu đối với lạm phát.

Xu hướng cho thấy một điều rõ ràng: khi được tính theo các định nghĩa gần đây hơn thì GDP hiện tại càng cao, và tốc độ tăng trưởng trong quá khứ càng mạnh (biểu đồ được trình bày ở phần trên của bài viết này, trích dẫn từ nghiên cứu của Semieniuk, minh họa điều này đối với các định nghĩa về GDP vào các năm 1978 và 2018). Tuy nhiên, điều này đặt ra vấn đề ghê gớm về một định nghĩa “đúng đắn” về GDP để thể hiện lịch sử kinh tế của chúng ta: đó là định nghĩa năm 1950 hay định nghĩa năm 2020? Định nghĩa năm 1950 chắc chắn được coi là phù hợp nhất vào thời đó để mô tả nền kinh tế. Mỗi định nghĩa đều mang tính khám phá vào thời điểm mà nó được phát triển.

Tuy nhiên, kết quả về vấn đề “tách rời” hoặc “ghép lại” biến động rất lớn tùy vào chuỗi dữ liệu GDP được sử dụng. Với các định nghĩa gần đây về GDP, tốc độ tăng trưởng trong quá khứ là mạnh hơn so với một định nghĩa có tính “công nghiệp”, và vì thế, đường cong kết hợp rất dễ lệch khỏi đường cong các tác động của môi trường. Biểu đồ thứ hai này, cũng được trích dẫn từ nghiên cứu của Semieniuk, minh họa điều nói trên đối với vấn đề năng lượng: trong một trường hợp, số liệu thống kê cho thấy hình ảnh một nền kinh tế cần ít hơn 50% năng lượng để tạo ra một đơn vị của cải. Trong trường hợp thứ hai, tiến bộ trong việc tiết kiệm năng lượng chỉ là 30%. Thay đổi duy nhất là định nghĩa về chỉ báo đo lường nền kinh tế – GDP.

Như thế, chúng ta có thể so sánh nhiều kết quả “tách rời” khác nhau theo các định nghĩa về GDP theo thời gian. Bằng cách đơn giản thay đổi thước đo hoạt động kinh tế, một thước đo mà chúng ta thường coi như là chuyện đương nhiên, đối với một số nước Semieniuk đã biến vấn đề tách rời thành kết hợp lại, và ngược lại, (!). Định nghĩa về GDP càng xa xưa thì càng có nhiều nước chuyển sang tình trạng tách rời, nhưng chỉ có trung bình từ 10 đến 30 nước chuyển từ một tình huống này sang tình huống ngược lại về mặt tách rời, khi thay đổi định nghĩa về GDP, trong khi đó chúng ta có thể coi đây là một hiện tượng thống kê có nguồn gốc từ con người.

So sánh về thời gian và không gian

Sẽ có thêm một mức độ lẫn lộn khác nữa khi muốn so sánh nhiều nước khác nhau. Điều lý tưởng nhất là có thể so sánh các chuỗi dữ liệu GDP của một nước này với một nước khác, và không phụ thuộc vào những khác biệt từ hệ thống tiền tệ các nước. Ý tưởng là cùng một GDP trên đầu người mô tả cùng một mức sinh hoạt, có nghĩa là khả năng tiếp cận cùng một nhóm hàng hóa và dịch vụ “điển hình”. Để làm được điều này, chúng ta sử dụng các dữ liệu theo “sức mua tương đương” (PPP), mà phương pháp luận thậm chí còn tinh tế hơn so với phương pháp luận đo lường lạm phát: làm thế nào để so sánh một cách chặt chẽ “sức mua” ở tất cả các nước trên thế giới, trong khi văn hóa tiêu dùng của các nước là khó so sánh được với nhau?

Một lần nữa, chúng ta sẽ tìm thấy có nhiều thước đo khác nhau mà các quy ước đã tiến triển theo thời gian. Và vấn đề là khi phân tích dữ liệu của cùng một nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị GDP theo PPP, theo nhiều định nghĩa và biến thể khác nhau của PPP, đôi khi tạo ra những kết quả khác nhau đáng kể. Một cách tiên nghiệm, nguyên tắc PPP mang tính công bằng hơn khi so sánh trên phạm vi quốc tế so với một sự chuyển đổi đơn thuần các đồng tiền quốc gia sang đồng đô la, bởi vì tỷ giá hối đoái thay đổi theo năm và đôi khi thay đổi đơn thuần vì lý do đầu cơ. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi phải có một tư thế cân bằng nhất định mang tính phương pháp.

Điều này dẫn đến một hệ quả khác, đặc biệt đối với những nước có số liệu thống kê yếu kém: nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phương Nam cao hơn hoặc thấp hơn, thì điều này hàm ý những thay đổi lớn về độ tin cậy của mức giảm phát thải, theo yêu cầu trong các kịch bản chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Một GDP được định giá quá cao thể hiện một cái nhìn rất lạc quan về các xu hướng trong quá khứ về hiệu suất hoạt động môi trường so với hiệu suất hoạt động kinh tế, và các xu hướng này sẽ được kéo dài trong các mô hình chuyển tiếp, đặc biệt được IPCC (Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu) sử dụng.

Cuối cùng, xin nhắc lại rằng nghiên cứu của Gregor Semieniuk chỉ xem xét một khía cạnh trong nhiều khía cạnh khác nhau khi định nghĩa GDP (khía cạnh các giá tương đối). Đặt lên bàn cân vấn đề về độ tin cậy của cách tính GDP, và trên hết, là cách diễn giải cần thiết nhưng lại bị bỏ qua, sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho việc đặt lại vấn đề về cách thức mô tả con đường mà nền kinh tế chúng ta đã trải qua, và con đường mà chúng ta còn phải đi hướng tới việc giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu. Ý nghĩa của việc định nghĩa GDP, thường được cho như là chuyện hiển nhiên, nhưng trên thực tế lại là một vấn đề tinh tế. Thậm chí nói một cách tổng quát hơn, vấn đề đặt ra là tốc độ tăng trưởng GDP có thể thực sự nói lên điều gì về tình trạng sức khỏe và diễn tiến của hoạt động kinh tế. Đến chừng nào chúng ta còn huyễn hoặc với chính mình nữa?

Tác giả

Albert Bouffange

Albert Bouffange là nghiên cứu sinh tiến sĩ kinh tế tại SciencesPo Lyon và tại trung tâm INRIA thuộc Đại học Grenoble-Alpes, dưới sự hướng dẫn của Agnès Labrousse và Pierre-Yves Longaretti. Luận án của ông tập trung vào các ví dụ độc đáo trong quá khứ cho phép chúng ta hiểu và thể hiện những quỹ đạo định chế khả thi liên kết với sự chuyển đổi thời hậu tăng trưởng trong trường hợp của Pháp, bằng cách kết nối kinh tế học chính trị với sự phân tích các dòng chảy vật chất và năng lượng. Ông có nền tảng kiến ​​thc v khoa hc xã hi và kinh tế ti ENS Paris-Saclay.

Baptiste Andrieu

Baptiste Andrieu đang chuẩn bị một luận văn [tiến sĩ] có tựa đề “Modélisation dynamique de l’offre et de la demande en matières premières et en énergie [Sự mô hình hóa động cung cầu về nguyên liệu thô và năng lượng]” tại dự án Shift và tại Đại học Grenoble Alpes dưới sự hướng dẫn của Olivier Vidal và Gaël Giraud.

Florence Jany-Catrice

Sau khi học kinh tế (Lille; trường Cao đẳng Châu Âu ở Bruges; Đại học John Hopkins ở Baltimore), Florence Jany-Catrice hiện là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Lille. Bà tiến hành các nghiên cứu của mình tại Clersé (Trung tâm Học thuật và Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội học Lille)-UMR 8019 xoay quanh chủ đề kinh tế học chất lượng (lao động, việc làm, dịch vụ, sự giàu có) và các phép đo của nó, đồng thời, cùng với Dominique Méda, bà là đồng chủ nhiệm bộ môn Tái chuyển đổi sinh thái, lao động, việc làm tại Trường Cao đẳng Nghiên cứu Toàn cầu. Bà là chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Chính trị học Pháp.

Bà đã xuất bản nhiều bài báo và sách, trong đó có cuốn The New Indicators of Well-Being and Development [Các chỉ báo mới về hạnh phúc và phát triển] (ed. Palgrave McMillan) 2006 [2016], đồng tác giả với J. Gadrey; Les services à la personne [Dịch vụ cá nhân] (2009, [2015]), đồng tác giả với FX. Devetter và T. Ribault (La Découverte, Coll. Repères); La performance totale: nouvel esprit du capitalisme? [Hiệu suất tổng thể: tinh thần mới của chủ nghĩa tư bản?] (2012, NXB Presses universitaires du Septentrion). Faut-il attendre la croissance? [Có nên chờ đợi sự tăng trưởng hay không?] đồng tác giả với D. Méda (2016, NXB La Documentation française); L’indice des prix à la consommation [Chỉ số giá tiêu dùng] (2019, La Découverte, coll. Repères)

Pierre-Yves Longaretti

Giai đoạn đầu sự nghiệp, Pierre-Yves Longaretti là nhà vật lý thiên văn lý thuyết tại CNRS. Từ giữa những năm 2000, ông cũng quan tâm đến các vấn đề xã hội học và môi trường toàn cầu và địa phương. Với viễn cảnh này, cùng với Emmanuel Prados, ông đã đồng sáng lập nhóm STEEP (Tính bền vững, Lãnh thổ, Môi trường, Kinh tế và Chính sách địa phương) tại trung tâm INRIA ở Grenoble, và cùng với Emmanuel đã phát triển dự án nghiên cứu của nhóm STEEP liên quan đến những thách thức về tính bền vững ở quy mô địa phương, dưới những ràng buộc thay đổi toàn cầu, cũng như dựa trên sự hỗ trợ cho việc ra quyết định công về các vấn đề nói trên. Hoạt động nghiên cứu của ông trong các lĩnh vực này tập trung chính xác hơn vào các rủi ro có hệ thống toàn cầu, lý thuyết thay đổi trong việc sử dụng đất đai, tác động môi trường của các dòng chảy về vật chất và năng lượng trong nền kinh tế ở nhiều quy mô không gian khác nhau, và nói chung hơn là tác động của hoạt động con người lên hệ sinh thái và lợi ích mang lại cho xã hội.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Une croissance moins polluante? Encore faut-il savoir ce que l’on entend par croissance…, The Conversation, ngày 7 tháng 2 năm 2024

Print Friendly and PDF