3.4.24

Alain Desrosieres, nhà bác học nhiều phẩm giá

ALAIN DESROSIÈRES, NHÀ BÁC HỌC NHIỀU PHẨM GIÁ

Emmanuel Didier[1]

Alain Desrosières (1940-2013)

Alain Desrosières qua đời ngày 15 tháng hai năm 2013. Ông đã không kịp thời gian hoàn thành cuốn sách ông đang chuẩn bị. Phải kết thúc công việc này, ngay cả khi ông vắng mặt. Đó là cuốn sách mà chúng tôi giới thiệu ở đây với bạn đọc.

Không còn gì nghi ngờ nữa, Alain Desrosières là nhân vật trung tâm thuộc thế hệ trí thức Pháp tiếp nối thế hệ những Bourdieu, Deleuze hay Foucault, mà tầm quan trọng đã bắt đầu được thừa nhận khắp thế giới kể từ những năm 2000. Lần theo vết sự nghiệp của ông cho phép viết một mảng lịch sử của thế hệ này, khi đề cập đến những kiểu tập thể khác nhau mà ông từng là thành viên. Chúng tôi sẽ làm điều này từ quan điểm của ông, quan điểm của sự lượng hoá, một điều quan trọng vì không có bất kì khoa học xã hội nào xứng đáng với tên gọi như vậy có thể phát triển mà không có quan niệm về thống kê.

Tất cả sự độc đáo của Desrosières nằm ở việc ông không phải là “nhà định lượng” đơn giản, còn lâu mới là như vậy, của cái khối bòng bong khoa học này. Nhờ có một sự uyên bác kĩ thuật rất ấn tượng, ông đã phát triển điều đang trở thành một chuyên ngành thật sự là lịch sử xã hội của sự lượng hoá, xem các thực tiễn đo đạc và định hình con số như một đối tượng điều tra. Thật vậy, thế giới chúng ta đang sống bị những số lượng xuyên suốt, được sản xuất một cách đặc biệt và có những hệ quả và cách sử dụng riêng. Alain Desrosières chỉ ra bằng cách nào có thể hình dung các số lượng hoàn toàn như những đối tượng xã hội. Cuối cùng ông bao giờ cũng quan niệm hoạt động tri thức của mình là một đòi hỏi chính trị. Đóng góp trí tuệ của ông luôn mang đậm dấu ấn của sự rộng lượng[2] và cẩn thận chú ý đến những tiền giả định ý thức hệ của mình cũng như đến những hiệu ứng xã hội của chúng. Những phẩm giá này đã nảy nở trên mảnh đất của những số lượng.

Như vậy, đóng góp của ông, trong suốt cuộc đời và theo ba cách khác nhau – với Bourdieu, với những nhà nghiên cứu nối tiếp tác giả này quan tâm đến những phẩm giá của thực tại chúng ta, cuối cùng với những đồng nghiệp của ông ở trung tâm Koyré – tầm quan trọng, chiều sâu và biên độ của các cuộc điều tra về sự lượng hoá.

Thời kì Bourdieu: các danh mục và biểu trưng xã hội

Pierre Bourdieu (1930-2002)

Alain Desrosières sinh ngày 18 tháng 4 năm 1940 ở Lyon. Trúng tuyển đồng thời vào Trường sư phạm cao cấp và Trường bách khoa, ông chọn theo học Trường bách khoa (khoá 1960). Rồi sau đó, quan tâm đến những vấn đề chính trị và công dân, ông chọn Trường quốc gia thống kê và quản lí kinh tế (Ensae) – điều sẽ đưa ông trở thành chuyên gia của Viện thống kê quốc gia và nghiên cứu kinh tế (INSEE) năm 1965 – vì trường này dành một vị trí quan trọng cho việc dạy các khoa học xã hội, trái với những trường ứng dụng khác của Trường bách khoa. Tại đây, ông đã được chính Pierre Bourdieu, giảng dạy từ năm 1963 đến 1966 tại Ensae, đào tạo về xã hội học (Seibel, 2004)[3]. Vào cuối những năm 1950, Bourdieu đã gặp ở Algérie những nhà thống kê của INSEE giới thiệu cho ông hệ thống thống kê quốc gia (xem dưới đây, chương 6). Sự gặp gỡ giữa một nhà xã hội học “văn học” với những công chức được đào tạo như những kĩ sư sẽ ảnh hưởng mạnh theo hai cách khác nhau, các công trình của Bourdieu và, do đó, sự giảng dạy của ông.

Émile Durkheim (1858-1917)

Một mặt, nối dài các phương pháp được Durkheim sử dụng trong tác phẩm Le Suicide (Tự tử) (1897), Bourdieu đã sử dụng thống kê như một công cụ chứng cứ thường nghiệm. Mặc dù có chiến tranh, cùng với các người bạn chuyên gia INSEE, ông tiến hành nhiều cuộc điều tra (1963). Rồi trong những năm 1960, ông làm việc trên các bất bình đẳng xã hội ở chính quốc, được định danh lại là những cơ chế thống trị (Darras, 1966). Cuối cùng từ những năm 1970, lấy cảm hứng từ các phương pháp phân tích dữ liệu do Jean-Paul Benzécri và Brigitte Cordier-Escoffier phát minh để hiển thị lí thuyết các trường và lí thuyết vốn xã hội của ông, đặc biệt trong La distinction (Sự cách biệt) (Bourdieu, 1979).

Mặt khác, theo một khía cạnh khác của truyền thống Durkheim, bản thân truyền thống này cũng đến từ chủ nghĩa Kant mới (Durkheim và Mauss, 1903), Bourdieu đã cổ vũ những nhà kinh tế trẻ chung quanh ông cần có một “đòi hỏi về tính phản tư” phê phán và khuyến khích họ lấy chính ngay những phân loại thống kê làm đối tượng nghiên cứu. Ông nói rằng những sản xuất bác học cũng là những sản xuất xã hội và, ở cương vị này, được xã hội học quan tâm. Như vậy, Bourdieu sẵn sàng lấy lại ẩn dụ của Wittgenstein về cặp kính mà ta phải gỡ ra khỏi mũi mới xem xét được hai kính.

Laurent Thévenot (1949-)

Nhưng khi tháo kính đi thì cái nhìn bị nhoà. Sau này, vào năm 2003, Desrosières viết rằng hai bài học này – sử dụng thống kê một cách thường nghiệm và đồng thời nghiên cứu chúng một cách phản tư – là khó hoà giải. Tuy nhiên, ông thực hiện được kì công này nhân việc cải tiến danh mục các phân loại xã hội nghề nghiệp (CSP rồi PCS năm 1982). Lúc đầu danh mục này được Jean Porte, chuyên gia INSEE, hoàn chỉnh sau Thế chiến thứ hai. Nó dần ở vị trí trung tâm trong hệ thống thống kê quốc gia vì cung cấp biểu trưng chính của toàn bộ xã hội Pháp, vốn còn chịu ảnh hưởng rất nặng của các quan niệm duy giai cấp và duy công nghiệp thời hậu chiến. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1970, nó bắt đầu lỗi thời đồng thời xã hội cũng thay đổi. Từ năm 1978 đến năm 1981, Desrosières làm việc cùng Laurent Thévenot, một chuyên gia khác của INSEE trẻ hơn ông mười tuổi, trong nhóm được giao việc cải tiến danh mục. Cả hai đều ở cội nguồn của những thay đổi chính. Như vậy, hai tác giả lấy khoảng cách với “chủ nghĩa lạc quan duy khoa học” của thế hệ những chuyên gia đi trước họ và đứng về phía phản bác vốn “khuấy động một tuổi trẻ rất chính trị hoá, sau cuộc chiến tranh Algérie (chấm dứt năm 1962) và tháng năm năm 1968” (xem dưới đây, chương 10 và Amossé, 2013).

Tư duy lại công cụ hệ ý qua đó tự biểu trưng cho chính mình kéo theo việc xem xét những phân loại con trong đó, cũng như sự tổ chức các phân loại trong những cấp độ thứ bậc khác nhau. Desrosières có ý tưởng, bất ngờ đối với một kĩ sư, tiến hành những thay đổi bằng cách trước tiên xem lại lịch sử danh mục, lịch sử này đặt thành vấn đề những lập luận cổ điển liên quan đến các CSP. Cũng xuất phát từ những suy nghĩ của Mauss và Durkheim về các phân loại và được Bourdieu tiếp nối, ông chỉ ra rằng danh mục này là sản phẩm không thuần khiết của sự kết hợp giữa những “phân loại tự nhiên” và những “phân loại logic”: danh mục là một sự dàn xếp giữa những “loại hình học” những nghề được xác lập trong thực tế lao động và những nguyên tắc phân loại logic có tham vọng có giá trị cho mọi xã hội và được thừa hưởng từ những cuộc đấu tranh trong quá khứ. Đặc biệt, đã xuất hiện, vào thế kỉ XIX, sự khác biệt giữa người chủ và người làm thuê; rồi trong những năm 1930, trình độ chuyên môn được công nhận bằng một cấp độ văn bằng, dần dần đã định hình lại những biểu trưng về lao động. Do đó danh mục CSP không có được tính chặt chẽ bằng suy luận logic lẫn bằng việc quy nạp từ những nghề được thật sự quan trắc: nó bắt nguồn từ những nhân tố quyết định có tính lịch sử, xuất phát từ những cuộc đấu tranh phân loại có tính địa phương, theo nghĩa là chỉ có giá trị trước tiên cho một số ít loại nghề. Và Desrosières và Thévenot kết luận: “nhà phân loại học ghi nhận tình trạng của các cuộc đấu tranh này với những méo mó mà nguyên nhân là vị trí của nhà nghiên cứu” (1979, trang 52).

Từ nhận định này, theo đó danh mục không xuất phát từ một nguyên tắc logic duy nhất nên bước thứ hai suy ra rằng chỉ có thể hiểu là danh mục có tính đa chiều. Bác bỏ không tưởng của một xã hội “hình cầu”, nơi mà mọi cá thể đều cách nhau cùng một khoảng cách theo chiều kích riêng của mình, Desrosières và Thévenot đơn giản hoá và gặp lại Bourdieu cùng lí thuyết vốn xã hội toàn bộ của ông được chia thành hai: vốn kinh tế và vốn văn hoá (xem dưới đây, chương 9). Có thể biểu trưng xã hội Pháp một cách xấp xỉ như một phân phối những thành phần xã hội khác nhau trên hai chiều này.

Từ những kết quả lí thuyết về bản chất của việc biểu trưng các loại, Desrosières và Thévenot đã rút ra những bài học để cải tiến danh mục CSP. Ví dụ như nghệ sĩ, giáo hội, giảng viên trước đây được xếp vào nhóm “những ngành nghề khác” của danh mục, được phân tích như là thụ hưởng một vốn tri thức cao nhưng có thu nhập thấp, nay được liệt vào nhóm chung là cán bộ, cho dù họ không phải bao giờ cũng là những người làm công ăn lương, do sự gần gũi về mặt vốn văn hoá. Tương tự, hai tác giả đề xuất một loại nghề mới “nghề trung gian”.

Mặt khác, cái lưới đọc hai chiều này của danh mục có những hệ quả trên những cách phong phú nhất để sử dụng nó. Đặc biệt, sẽ là duy giản khi sử dụng nó như một cái thang duy nhất của những quan hệ quyền uy trong xã hội. Desrosières đã nhận diện ba nhóm sử dụng chính: các nhà thống kê công làm việc với ông, các nhà xã hội học ở đại học coi trọng thường nghiệm và các viện tư nhân. Và như vậy ông đã chỉ ra là những đặc tính của công cụ này có những hệ quả đến tận cùng của mắt xích thống kê, kể cả vào lúc kiến giải các dữ liệu. Từ đó, ông kết luận rằng việc sử dụng các công cụ thống kê – cũng như sự hình thành của chúng – xứng đáng để được nghiên cứu về mặt xã hội học.

Ngay từ thời kì này, các công trình của Desrosières chứng tỏ một sự nhiệt tình và tự do rất lớn đối với các định chế trong đó chúng được hoàn thành. Chúng được tiến hành trong – và tham gia tạo nên – một bầu không khí mà, trong nội bộ của INSEE những năm 1970, là vô cùng thuận lợi cho các khoa học xã hội. Ví dụ, minh chứng là năm 1976 diễn ra hội thảo Vaucresson có tựa là “Vì một lịch sử của thống kê” mà Desrosières giữ vai trò trung tâm trong việc tổ chức và sẽ dẫn đến việc công bố hai tập kỉ yếu (INSEE, 1977 và 1987). Cũng trong thời kì này, một loạt công trình cũng được tiến hành với sự cộng tác của của một nhóm những nhà nghiên cứu cũng gần với Bourdieu. Đặc biệt, có thể kể Luc Boltanski, giảng viên Trường cao học các khoa học xã hội (EHESS) lúc bấy giờ đang viết tác phẩm Les cadres (Các cán bộ) (1982), trong đó quan hệ giữa các tầng lớp xã hội và đại diện chính trị được nghiên cứu rất chi tiết, bắt đầu lại từ đầu. Về phần Thévenot, ông tiến hành những cuộc điều tra và thí nghiệm về các cuộc “đầu tư hình thức” qui ước có một quyền lực phối hợp trong kinh tế và chính trị (Thévenot, 1983 và 1984; Desrosières và Thévenot, 1988). Michel Pollak, nhà nghiên cứu người Áo lúc bấy giờ định cư ở Paris mà hương hồn được Desrosières đề tặng cuốn La politique des grands nombres (Chính sách các số lớn) (ông mất vài tháng trước khi tác phẩm được xuất bản), điều tra về các nhà trí thức và quan tâm đến quan hệ giữa các điều kiện xã hội chính trị trong công việc và bản chất các sản phẩm của họ.

Các nghiên cứu và quan hệ thiện cảm được xác lập trong những năm 1970 giữa các thành viên của thế hệ này đã góp phần cho ra đời một xã hội học mới quan tâm đến những nền kinh tế của các giá trị chung” (Boltanski và Thévenot, 1987 và 1989), một trào lưu sẽ được cụ thể hoá vào năm 1984 trong một phòng thí nghiệm mới tại EHESS, nhóm xã hội học và chính trị đạo đức (GSPM).

Thời kì Nhóm xã hội học và chính trị đạo đức (GSPM): các định danh

Bruno Latour (1947-2022)
Michel Callon (1945-)

Kể từ cuối những năm 1980, một cách tư duy và thực hành mới các khoa học xã hội đã xuất hiện ở Pháp. Trong mớ bòng bong này, lịch sử xã hội của thống kê đã giữ vai trò trung tâm. Chuyên ngành này hiển nhiên cấu thành mối liên kết giữa những tác nhân khác nhau, đặc biệt giữa các thành viên của GSPM, của CSI (Trung tâm xã hội học về đổi mới) chung quanh Bruno Latour và Michel Callon, và những nhà kinh tế gọi là qui ước. Để hiểu những động lực của sự sôi động trí tuệ trong thời kì này, trước tiên cần vẽ bức tranh của mớ bòng bong này trước khi trình bày đóng góp riêng của Alain Desrosières.

Các nhà xã hội học thuộc GSPM muốn tiếp nối các nghiên cứu của Bourdieu bằng cách tra vấn vai trò phê phán của xã hội học. Bourdieu hình dung bộ môn của mình như một thao tác bộc lộ, vượt lên trên những biểu trưng, cơ chế xã hội thực tế, như các bất bình đẳng hay sự thống trị. Thế hệ mới những nhà nghiên cứu đề xuất thực hành không chỉ một xã hội học “phê phán” – như cách Boltanski gọi những nỗ lực này của Bourdieu – nhưng là một xã hội học “về sự phê phán”, lấy bản thân hoạt động phê phán làm đối tượng, như được toàn bộ các tác nhân xã hội thực hành (Boltanski và Thévenot, 1989; Boltanski, 1990).

Những điều kiện xã hội chính trị mới tạo điều kiện cho chuyển động thoái lui này. Bourdieu đã làm việc trong thời kì chiến tranh Algérie rồi dưới các chính phủ thiên hữu của nền đệ ngũ cộng hoà, do đó luôn trong phe đối lập. Việc cánh tả lên cầm quyền vào năm 1981 đã khơi nhiều hi vọng khiến cho vị thế phản kháng của ông mất đi một phần tính cấp bách. Các thành viên của GSPM, không ảo tưởng quá đáng về những thành tựu của phe tả cầm quyền, tự trao cho mình sự tự do tiến nhành những nghiên cứu “ở thượng nguồn” của việc phê phán xã hội (xem dưới đây, chương 10), cho dù phê phán này có nguồn gốc hàn lâm hay không. Tuy nhiên, rõ ràng không vì thế mà họ từ bỏ sử dụng một cách phê phán các khoa học xã hội, nhưng họ chấp nhận rủi ro của kiểu điều tra này để đưa việc thao tác trực tiếp nó xuống hàng thứ hai nhằm tạo ra một hiểu biết lí thuyết tốt hơn.

Rất nhanh chóng, một sự kết hợp được nhanh chóng xác lập giữa tầm nhìn xã hội học này với nhân học về các khoa học mà Bruno Latour và Michel Callon cùng lúc đó đang nhập từ các nước anglo-saxon về và phát triển ở Trường mỏ Paris. Hai tác giả này đặt việc phân tích các tranh luận khoa học vào trung tâm phương pháp của họ (Callon và Latour, 1991). Thay vì, như cách làm của sử học về các khoa học và khoa học luận truyền thống, tiến hành việc phê phán các nguồn để nhận diện những nhà đổi mới “thật sự” hay những nhân tố “thật sự” của các khám phá, việc phân tích các cuộc tranh luận, dưới mắt họ, là phương pháp gọi là “đối xứng” cho phép nghiên cứu những qui trình qua đó các tác nhân (con người và không phải là con người) thể hiện những phẩm chất của các thực thể tham gia vào các cuộc tranh luận. Cuối cùng, GSPM – chủ yếu qua Laurent Thévenot và Alain Desrosières – và CSI – qua Michel Callon – cũng gắn kết với các “nhà kinh tế qui ước”, tập hợp chung quanh Robert Salais, André Orléan, François Eymard-Duvernay, Olivier Favereau và Jean-Pierre Dupuy (xem dưới đây, chương 10).

Như vậy, những công trình của ba nhóm này nhắm vào những con người bình thường lẫn các nhà bác học: họ quan sát cách mà những con người trên cùng nhau, trong tình thế không chắc chắn, có thể thiết lập những thử thách để “định danh” những thực thể xã hội cấu thành hiện thực. Bằng việc này, trái với những đề xuất của Bourdieu, họ quan tâm đến những quá trình rõ ràng sản xuất thực tại và không quan niệm những quá trình này như những cách thức vạch trần một cấp độ không được biết đến của thực tại.

Ngoài những quan tâm trí thức chung, và sự gần gũi về mặt thế hệ (hầu hết trong số họ đều sinh trong những năm từ 1940 đến 1950), các nhà nghiên cứu này còn chia sẻ nhiều điều nữa. Trước tiên, trong những năm 1980, họ thường xuyên gặp nhau trong các xêmina chuyên nghiệp hay trong các “salon” mà một số thành viên tổ chức, trẻ hoá lí tính quảng giao của thế kỉ XVIII – như vậy, giới này thụ hưởng những cơ hội quảng giao mà thành phố Paris cung cấp. Tiếp đó, họ tự nhận mình là phi chính thống, hợp thành một đối chọn cho nghiên cứu mainstream; họ không mấy quan tâm đến việc tôn trọng ranh giới giữa các bộ môn, và trên điểm này, ngoại trừ vài ngoại lệ, được trợ giúp bởi sự kiện là họ không làm việc cho các đại học. Những ai không phải là chuyên gia của INSEE (như Desrosières) hay nhà nghiên cứu của EHESS (như Boltanski) giảng dạy trong các trường lớn điển hình của hệ thống giáo dục Pháp – Latour và Callon ở Trường mỏ, các nhà kinh tế qui ước ở các trường lớn khác. Điều này đã giúp mỗi người làm phong phú các nghiên cứu của mình khi gặp xã hội học, khoa học chính trị, kinh tế học, luật học hay nhân học với ít ràng buộc hơn.

Luc Boltanski (1940-)

Trong số các bộ môn này, cái mớ bòng bong đã đặc biệt huy động triết học, nhưng theo một cách triệt để khác với các cách sử dụng thông thường lúc bấy giờ trong các khoa học xã hội. Trong GSPM, thay vì đặt triết học ở vị thế bên trên so với một xã hội học chỉ mang đến những nghiên cứu thường nghiệm, các nhà nghiên cứu trở lại nguồn gốc chung của hai bộ môn và đặt chúng trên cùng một bình diện. Triết học được sử dụng theo cách hệ ý để xây dựng cái sườn cho điều mà Boltanski và Thévenot gọi là mô hình các “cộng đồng” (cité) (1987). Theo họ, các triết gia sản xuất những hệ thống công lí nhất quán trong nội bộ, rõ ràng về những nguyên lí riêng của chúng, và nhắm đến tính phổ cập. Những hệ thống trở thành chính đáng nhất cho phép các nhà xã hội học làm rõ những trật tự công lí quan sát được về mặt xã hội và qua đó cấu thành những ngữ pháp mà các tác nhân phải tuân thủ, ngay cả một cách ngầm ẩn khi tự biện minh. Như vậy, dự án không nhằm tiến hành một xã hội học của các nhà triết học nhưng là một xã hội học về chính bản thân triết học, một xã hội học quan tâm đến những hiệu ứng xã hội của sản xuất triết học.

Về phần mình, Bruno Latour cũng đã sử dụng triết học rất nhiều, nhưng theo một cách khác. Vào thời bấy giờ, ông tự hỏi là những đặc điểm xuất hiện trong các cuộc tranh luận trước đây thuộc về con người và phi con người tham gia vào tranh luận, cuộc tranh luận là cơ hội để khám phá những điều đã có trước đây (duy thực luận) hay, ngược lại, cuộc tranh luận là cơ hội nhân đó các tác nhân sản xuất các đặc điểm này (kiến tạo luận). Latour nhấn mạnh rằng hai tuỳ chọn này đều có hiệu lực của chúng, và tìm một lí thuyết triết học cho phép vượt qua đối chọn này (Latour, 1996). Huy động đặc biệt các công trình của Gilles Deleuze, Isabelle Stengers hay những nhà thực dụng Mĩ – đặc biệt William James – ông sẽ từng bước sản xuất một bản thể luận của riêng mình và ngày nay đang gặt hái thành công (Latour, 1991). Do đó Latour không biến triết học thành đối tượng của một bộ môn khác, ông thực hành triết như một bộ môn nhờ vậy xây dựng những đáp án cho những câu hỏi do các cuộc điều tra thường nghiệm của ông đặt ra; như vậy ông tự nhận một phần bản thân là triết gia.

Lịch sử xã hội thống kê là một trung gian thiết yếu giữa xã hội học về các khoa học, kinh tế học quy ước và xã hội học về sự phê phán. Ví dụ, các mối liên kết này được cụ thể hoá bằng việc Alain Desrosières vẫn thuộc INSEE – nơi ông được điều về CREST, phòng nghiên cứu của viện – đồng thời hoàn toàn là thành viên của GSPM; và năm 1993, ông công bố La politique des grands nombres. Une histoire de la raison statistique, trong tủ sách “Anthologie des sciences et techniques” do Bruno Latour và Michel Callon lãnh đạo ở nhà xuất bản La découverte.

Tác phẩm trên là kiệt tác của ông trong thập niên này. Nó bao phủ thời kì từ thế kỉ XVII đến giữa thế kỉ XX. Các đối tượng được đề cập vượt xa khỏi các danh mục. Ta thấy có những chương về các kĩ thuật chọn mẫu, kinh trắc học, tương quan hay những truyền thống hành chính quốc gia khác nhau về thu thập thông tin và lượng hoá. Trong mỗi trường hợp, Desrosières khái quát hoá lập luận ông đã xây dựng cho trường hợp các danh mục và chỉ ra rằng tất cả các công cụ thống kê đều có bản chất kép, mâu thuẫn và không thể hoà giải là vừa có tính “logic” và “tự nhiên”, đồng thời vừa được kiến tạo vừa thực tế; tất cả các dữ liệu thống kê là nhân tạo vì do con người sản xuất và thực tế vì mô tả thế giới như nó vốn thế.

Một lần nữa, ông đánh một vòng qua lịch sử khi mô tả, trong dài hạn, bằng cách nào việc hoàn chỉnh các công cụ này đi cùng với một công việc kép: làm cho các công cụ thống kê phù hợp với những yếu tố khác có mặt trong xã hội trong đó có chỗ cho các công cụ này và, cùng lúc, phân định những những cách có thể sử dụng chúng. Bạn đọc học được bằng cách nào các tác nhân đã giải quyết thành công trong thực tiễn mâu thuẫn cố hữu của thống kê và cuối cùng “làm cho những sự vật đứng vững” (1993, trang 17 - trang 11 trong bản dịch tiếng Việt). Desrosières cho thấy là công việc này, nhằm làm cho những yếu tố rất khác nhau cùng đứng vững, qui lại là phô bày những đặc điểm tương thích lẫn nhau của mỗi yếu tố. Như vậy ông tham gia vào việc điều tra cách mà con người chỉ định những phẩm chất của hiện thực của họ. Nhưng đóng góp riêng của ông là chỉ ra bằng cách nào một số những phẩm chất này là những số lượng. Và như vậy ông mở cửa lục địa của sự lượng hoá cho công cuộc điều tra tập thể về việc định danh.

Như có thể nhận thấy, ông cũng huy động triết học (Daston, 2000), nhưng theo một cách khác với cách của GSPM cũng như của CSI. Ông lấy lại sự đối chọn duy thực luận và kiến tạo luận được Latour trình bày nhưng không tìm cách sản sinh một triết lí đối chọn hoà giải hai quan niệm đối chọi nhau. Làm việc hằng ngày với các nhà thống kê, ông quan sát là các chuyên gia này bảo vệ những lập luận thống kê đôi lúc có tính duy thực, đôi lúc có tính kiến tạo, nhưng đối với họ không có sự đòi hỏi tính nhất quán trong thời gian. Khoa học luận thực tiễn của họ phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ông nhận xét là, đối với các tác nhân, “việc lựa chọn giữa hai tư thế, duy thực hay kiến tạo, không phải là một lựa chọn nghiệm sinh ràng buộc con người một cách thường xuyên” (Desrosières, 2008b, trang 138). Không có lí do gì để tác nhân không thay đổi tư thế của mình. Chính vì thế mà Desrosières nhấn mạnh rằng bản thân khoa học luận của họ cũng phải được xây dựng thành đối tượng điều tra xã hội học nhắm vào, một mặt, những hoàn cảnh họ chọn một trong hai siêu hình học và, mặt khác, vào những tình huống thoả hiệp cả hai. “Việc coi trọng đồng thời những thái độ duy thực và phi duy thực đối với các kĩ thuật thống kê cũng cho phép mô tả đa dạng hơn những hoàn cảnh, dù sao cũng cho phép kể những câu chuyện bất ngờ hơn là một dạng tường thuật ưu tiên cho một trong hai quan điểm trên” (1993, trang 10 - trang 4 trong bản dịch tiếng Việt).

Tất cả những công trình này hợp thành một chòm sao không hợp nhất. Vả lại, sẽ có nguy cơ thất bại nếu ngày nay thử hợp nhất các ngôi sao này lại vì đối với nhiều người trong số đó ghê tởm quan điểm này. Nhãn hiệu “xã hội học thực dụng” đôi lúc được dùng ngày nay để chỉ những nghiên cứu trên là lỗi thời (thời bấy giờ không dùng từ này) và hướng dẫn đến những tiền giả định chính trị không phù hợp. Bản thân Desrosières không bao giờ tự mô tả như vậy. Hơn nữa, Latour đã viết về những khác biệt giữa các công trình của CSI và của GSPM (Latour, 2009). Boltanski đã phân tích về mặt xã hội hiệu ứng của lí thuyết tác nhân mạng của CSI và do đó ngầm tự phân biệt mình với lí thuyết này (Boltanski và Chiapello, 1999). Có lẽ những ràng buộc của lối sống tập thể của các nhà trí thức vào cuối thế kỉ này khiến cho mô hình cũ về “trường phái tư duy” trở nên lỗi thời.

Tuy nhiên quả thật là từng tồn tại một tập thể mà, để kết thúc hàm ý trên, ta có thể nêu lên những đặc tính. Với tất cả sự tôn trọng đối với những tác giả đi trước tôi, xin phép được so sánh họ với những “vòng lượn của đàn chim” hiện là đam mê mới đây của các nhà sinh thái học. Ở đây hoàn toàn không có sự giễu cợt, nhưng là một nguồn lực phát hiện để mô tả những hình thức quảng giao mới. Các vòng lượn này là những liên kết nhiều loài khác nhau (giống những nhân vật đang bàn đến thuộc về những phòng thí nghiệm và bộ môn khác nhau) hợp thành từ trung bình hai mươi cá thể, cùng nhau di chuyển đi tìm thức ăn và tự bảo vệ chống những kẻ săn mồi. Những liên kết này hình thành trên cơ sở những đặc điểm bổ sung nhau (những khác biệt giữa các loài) cũng như phụ thêm (bản sắc của mỗi loài). Chúng thường có một lõi những “lãnh đạo” hay “hướng đạo” khởi xướng sự hình thành và định hướng sự di chuyển. Những quan hệ, có thứ bậc, giữa những cá thể của vòng lượn là phức tạp và đi từ sự tước đoạt thức ăn được dung túng đến những quan hệ theo mức độ tương hợp. Các vòng lượn này tan rã sau một thời gian có thể là từ năm phút đến một ngày, một thời kì đáng kể trong vòng đời của chim sẻ, và đôi khi được tái lập ngày này sang ngày khác trong suốt một mùa (Sridhar et al., 2009). Theo tôi những điểm chung của hình ảnh này với mớ bòng bong trên là một sự liên tưởng tự nhiên.

Thời kì Koyré: cầm quyền và các chỉ báo

Vào đầu những năm 1980, những liên kết trong nội bộ vòng lượn ở Paris của các chuyên gia về định danh trong tình thế bất trắc bắt đầu dãn ra. Những quan hệ của Desrosières với giới này cũng lơi lỏng dần, nhưng không vì thế mà có sự bất đồng thật sự nào. Ông vẫn là thành viên hợp tác cộng tác của GSPM và tiếp tục công bố với những người bạn thuộc Trường Mỏ Paris mà nhà xuất bản vừa được thành lập, nhưng ông đến gần Trung tâm Koyré về lịch sử các khoa học (EHESS) mà ông trở thành thành viên năm 2001 – tất nhiên vẫn không vì thế mà rời INSEE. Đây không phải là một khẳng định duy lịch sử, trái lại thì đúng hơn Thời kì những nghiên cứu cuối cùng của Desrosières tập trung trực tiếp vào vấn đề quan hệ giữa thống kê và cầm quyền. Những nghiên cứu trong thời kì này được đăng lại trong cuốn sách này.

Một lần nữa, những thăng trầm của đời sống chính trị lại ảnh hưởng đến công việc của ông. Kể từ những năm 2000, ngày càng hiển nhiên là những công cụ thống kê mới được phổ biến ở Pháp và trên thế giới. Đó là những chỉ báo thành tựu, những mục tiêu được lượng hoá, và tất cả những kĩ thuật gọi là benchmarking. Năm 2001, với việc ban hành đạo luật tổ chức liên quan đến các luật tài chính (LOLF) để được chính thức áp dụng kể từ luật tài chính cho năm 2016, những chỉ tiêu thành tựu lượng hoá được phát triển trong tất cả các cơ quan, kể cả trong nội bộ INSEE, đi cùng với chỉ thị cho mỗi công chức phải báo cáo định lượng hoạt động của mình. Đồng thời những phê phán chống các công cụ này cũng nhân bội. Việc phổ biến các công cụ này, và cũng phải nói là thành công của các trước tác của Desrosières, đã làm thay đổi sâu sắc cảm nhận của công chúng về quan hệ giữa thống kê và chính sách: từ nay mọi người cảm nhận tức thì sự đan xen của hai lĩnh vực này. Nhưng chính sách này có một nghĩa rất khác với nghĩa được phát triển trong Chính sách các số lớn. Desrosières đã quan tâm đến sự khác biệt này.

Thật vậy, các công trình của ông luôn chú ý đến chính trị, nhưng không vì thế mà thể hiện thành việc dấn thân vào một chính đảng. Nhưng chỉ riêng việc chọn thống kê sau khi tốt nghiệp Bách khoa năm 1983 – lúc bấy giờ ông 23 tuổi –, một năm sau khi chiến tranh Algérie kết thúc, đã được hướng dẫn bởi một trong những công thức mà ông thích vừa cười vừa chứng minh. Trong trường hợp này, công thức đó là “Toán học = tra tấn”. Không phải do việc thực hành toán học khiến ông đau đớn, vì ông giỏi toán. Nhưng, trong tâm trí ông, công thức này được khai triển như sau: “Toán học = Trường Bách Khoa = Quân đội và Nhà nước Pháp = chiến tranh Algérie = tra tấn”[4]. Điều này cho thấy là ông đã tức thì cảm nhận những nội hàm chính trị gắn với con đường vương giả, ở Pháp, của toán học như là khoa học của kĩ sư (và của quyền lực) và đã từ bỏ con đường này để chọn con đường có tính xã hội hơn của Ensae và INSEE.

Trong “thời kì Bourdieu”, còn thấm đậm chủ nghĩa Marx, ông hình dung chính trị thông qua các tầng lớp xã hội. Như vậy, sự phản tư về thống kê cho phép ông cách mà thống kê bộc lộ/hay tái sản xuất những bất bình đẳng về thân phận giữa những nhóm khác nhau và đo lường những cơ chế thống trị và những hiệu ứng phân loại do các bất bình đẳng này tạo ra. Trong thời kì sau, chính trị mang một nghĩa cơ bản hơn, có tính cấu trúc hơn. Thật vậy, trong Chính sách các số lớn, Desrosières đan những kết nối giữa những cách tiếp cận vô cùng khác nhau, như lịch sử Nhà nước, lịch sử những công cụ toán học và một xã hội học lịch sử về những yếu tố văn hoá tổng quát. Rồi ông cho thấy bằng cách nào sự nối khớp và sắp xếp lại chậm chạp các cách tiếp cận này tự khẳng định để cấu thành những thực tế thể chế trong đó chúng ta đang sống ngày nay. Ông gọi việc thể chế hoá này là “chính trị”. Ví dụ, trong trường hợp của điều tra chọn mẫu, chính vì các công cụ toán học được liên kết với một lãnh thổ đồng nhất, với vấn đề xã hội và với hành động của Nhà nước nên Desrosières giải thích chúng thuộc về lĩnh vực chính trị: chính trị nằm trong các liên kết giữa những yếu tố cách xa nhau mà một khi được sắp xếp như thế trở thành thực tại của các xã hội (1993, trang 404, bản dịch tiếng Việt trang 396).

Kể từ những năm 1980, chính trị theo nghĩa cầm quyền là đối tượng của những phân tích của ông, khi sự phát triển của những công cụ benchmarking trở thành không thể né tránh. Vả lại, ông đã lấy tựa là Gouverner par les nombres (Cầm quyền bằng con số) một trong hai tuyển tập bài viết do NXB Trường Mỏ xuất bản năm 2008 (trong lúc tựa của tuyển tập thưa hai là Pour une sociologie historique de la quantification (Vì một xã hội học lịch sử của sự lượng hoá) vẫn còn theo tinh thần của thời kì trước). Tuyển tập này trình bày “năm cách nối khớp Nhà nước, thị trường và thống kê” (2008b, trang 9; và dưới đây, chương 1), một phân tích trình bày với một độ chính xác đặc biệt lí thuyết này. Desrosières xuất phát từ những cuộc tranh luận thường xuyên từ thế kỉ XVIII về cách mà sự can thiệp của Nhà nước được nối khớp với việc phát triển các thị trường. Ông phân biệt năm cấu hình lịch sử kết nối hai yếu tố này và nhận xét rằng, trong mỗi cấu hình, Nhà nước không chỉ can thiệp mà còn thiết lập một hệ thống quan sát nền kinh tế. Các hệ thống này thể hiện những công cụ thống kê có những đặc tính kĩ thuật khác nhau, riêng cho mỗi hệ thống. Ví dụ, trong thời kì tự do của thế kỉ XIX, Nhà nước tìm cách tạo ra những thị trường thuần tuý và hoàn hảo; để làm việc này, Nhà nước đã thiết lập một hệ thống đo đạc những số lượng được trao đổi trên các thị trường giới hạn thông tin không đối xứng giữa các tác nhân. Sau này, trong thời kì keynesian của những năm 1950, Nhà nước đã thiết lập các phương pháp của hệ thống tài khoản quốc gia nhờ đó có thể kiểm soát tốt hơn các chu trình phục hồi. Ở mỗi lần như vậy, những phương pháp quan sát thống kê đặc biệt được Nhà nước thiết lập để thông tin sự can thiệp của mình vào nền kinh tế.

Cấu hình thứ năm và là cấu hình cuối cùng trong cuộc điều tra của ông là chủ nghĩa tân tự do. Trước tiên ông đặc trưng chủ nghĩa này bằng một thị trường lớn, một Nhà nước đa trung tâm, nghĩa là phân tán thành nhiều cực hành chính trên lãnh thổ, và một hệ thống kiến thức thống kê dựa trên những kĩ thuật động viên là các chỉ báo thành tựu hay benchmarking. Nhưng phân tích cấu hình này vẫn còn ở dạng phác thảo. Trong các chương sau của cuốn sách này, Desrosières sẽ phân tích vào chi tiết hơn. Và như vậy, chủ nghĩa tân tự do hiện ra là không chỉ giới hạn ở các kĩ thuật động viên. Desrosières cũng quan tâm đến vị thế quan trọng mà các thử nghiệm ngẫu nhiên đã đạt được. một phương pháp được phát triển trong tất cả các lĩnh vực của sự can thiệp công cộng và đặc biệt là trong lĩnh vực trợ giúp phát triển (Bardet và Cussó, 2012; chương 2 dưới đây).

Như vậy, ta sẽ khám phá là còn có một lối phân tích chủ nghĩa tân tự do khác với lối của Foucault (2004) vốn thông qua các văn bản kinh tế. Phân tích theo lối thông qua thống kê do Desrosières chủ trương, đặc biệt với sự chú ý đến các phương pháp, cho phép có được một mô tả cụ thể chính xác hơn, nói cách khác có tính xã hội học hơn, liên quan đến các nguồn gốc cũng như tác động của chủ nghĩa này, hơn là những gì ta có thể đọc trong công trình của người đi trước ông (Jeanpierre, 2006). Lối phân tích này bỏ rơi chỉ thị “phản tư” để đơn giản nhìn vào tất cả các hình thức thống kê, được Nhà nước sản xuất hay không, trong mức độ mà chúng cấu thành một sản xuất có tính nhận thức và chính trị. Đồng thời nó cũng nối lại với sự quan tâm đối với những cách sử dụng phê phán của xã hội học về thống kê (xem dưới đây, chương 3).

Trong giai đoạn cuối cuộc đời ông, Alain Desrosières đặc biệt tìm kiếm sự tương tác với các nhà nghiên cứu trẻ. Đôi lúc ông gặp họ trong khuôn khổ của hội Pénombre (Tranh sáng tranh tối), một hội đoàn kể từ năm 1993 đấu tranh với óc khôi hài chống việc sử dụng sai trái con số trong không gian công (Pénombre, 1999), và thường là qua việc giảng dạy, một hoạt động mà ông vô cùng coi trọng. Ông thường chuẩn bị và suy nghĩ các bài giảng cùng với một người bạn khác, những người bạn trong đại học, các sử gia kinh tế học. Cùng với Michel Armatte, ông đảm nhận giảng dạy lịch sử thống kê ở Ensae, từ năm 1991 đến 2008, tạo điều kiện cho ông gặp các sinh viên sẽ trở thành đồng nghiệp của ông ở INSEE – cũng như với sinh viên “tự do” duy nhất (không phải là công chức) hay hiếm hơn là hai sinh viên “tự do” mà ở mỗi niên khoá có thiên hướng nghiên cứu khoa học xã hội vốn chắc chắn là theo học các buổi giảng của ông[5]. Tại EHESS, cùng với Amy Dahan và Michel Armatte, ông phụ trách một xêmina lịch sử thống kê trong chương trình thạc sĩ do Trung tâm Kyoré cấp bằng, và kể từ năm 2008 trong khuôn khổ của GSPM, một xêmina có tên là “Chính sách thống kê”. Ông cũng tham gia thường xuyên vào xêmina lịch sử tư tưởng kinh tế do Annie Cot tổ chức ở đại học Paris-I. Cuối cùng, mặc dù không công tác ở đại học, từ năm 1992 đến năm 2011, ông được mời tham gia các hội đồng luận án tiến sĩ về lịch sử của sự lượng hoá.

Desrosières là một người thầy rất ân cần, rộng lượng và cụ thể. Ông thích các cuộc trao đổi trực diện cũng như đứng lớp. Rất nhiều người trong chúng tôi vẫn nhớ đến những lần ông tiếp chúng tôi trong văn phòng làm việc 1001 của ông tại toà tháp INSEE. Khi được yêu cầu ông luôn nhận bình luận một văn bản, không truy tìm khiếm khuyết trong đó nhưng trình bày những liên tưởng mà văn bản gợi lên cho ông và nhân đó giới thiệu với chúng tôi một người cần liên lạc hay những thư mục đã công bố mà ông nghĩ là xác đáng. Nỗi đam mê chuyển tải thông tin này khiến ông dần dần trở thành người hướng dẫn cho cả một thế hệ sinh viên quan tâm đến những công trình của ông, hoặc vì họ đang nghiên cứu các công cụ thống kê hoặc đang hướng đến việc nghiên cứu thống kê trong những ngành khác nhau của khoa học xã hội. Như vậy, ông đã thiết lập những cơ sở tri thức và xã hội của bộ môn lịch sử xã hội của thống kê được một số lớn nhà nghiên cứu thực hành. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông thật sự bõ công định chế hoá nó. Ở đây cũng vậy, chúng ta gặp lại hình ảnh của vòng lượn...

Sự tiếp nhận: tiếng vang trên trường quốc tế của Chính sách các số lớn

Nói như Michel Armatte, Desrosières là một “người đan lưới”. Ông có nỗi đam mê và nghệ thuật khơi gợi những quan hệ độc đáo giữa con người với nhau, giữa các ý tưởng và giữa con người và các ý tưởng. Bản thân ông cũng không đứng ngoài hoạt động này và sẵn sàng giữ mối quan hệ được thiết lập từ lâu. Trên khía cạnh này, có thể ghi nhận là ông đã nhanh chóng, theo cách của mình, nghĩa là vẫn giữ sự độc lập của bản thân, nối lại với những ai vẫn còn gần với Bourdieu khi trở thành, ngay từ năm 1995 đến tận năm 2008, thành viên ban biên tập của tạp chí Genèses. Tương tự như vậy, ông chưa bao giờ ngưng thảo luận với các bạn ông thuộc GSPM, CSM và các nhà kinh tế qui ước.

Nhưng đối lại thì sao? Ai quan tâm đến công trình của ông? Để mô tả bạn đọc của Desrosières, và do đó là một tổng thể (thống kê – ND), việc sử dụng thống kê là đặc biệt thích hợp. Như vậy, câu hỏi trên cho bản thân chúng tôi cơ hội làm theo lời dạy kép của ông khuyến cáo cũng phải thực hành thống kê. Nhưng một thống kê cũng phải đồng thời là một thao tác viết lách, được tiến hành dưới ánh sáng của một phân tích có tính xã hội-lịch sử. Trong tinh thần này, ở đây chúng tôi không cố gắng “benchmark” Desrosières trong sự tranh đua với những tác phẩm hay tác giả khác, nhưng để phơi bày, nhờ các con số, những cộng đồng mà ông là thành viên.

Chúng tôi đã tập trung vào tác phẩm Chính sách các số lớn của ông. Được xuất bản năm 1993, rồi tái bản dưới khổ sách bỏ túi năm 2000 với một lời bạt chưa từng công bố, được dịch sang tiếng Anh năm 1998, như vậy cuốn sách này ngày nay cho cơ hội để theo dõi trên hai mươi năm sự đón nhận công trình của ông. Biết rằng sách đã bán được gần 6.000 bản là chưa đủ. Chúng tôi còn muốn tìm hiểu ai đã sử dụng và lan truyền nó. Để làm việc này chúng tôi sử dụng Google Scholar. Chúng tôi xây dựng một cơ sở dữ liệu với toàn bộ những thư mục có trích dẫn Chính sách các số lớn trong các phiên bản tiếng Pháp và tiếng Anh[6]. Cơ sở dữ liệu này cho thấy có rất nhiều trích dẫn bằng tiếng Anh và những trích dẫn không thể né tránh bằng tiếng Pháp (và bằng các thứ tiếng khác) không được biết đến (ví dụ, Boltanski và Chiapello, 1999 được cơ sở trích dẫn 3.700 lần không có mặt trong số những trích dẫn cuốn sách). Tuy nhiên chúng tôi vẫn dùng công cụ này vì đó là cơ sở thư mục trắc học dễ tiếp cận nhất (Kossmopoulos và Pumain, 2008; Jacobs, 2009).

Mặc dù có các khiếm khuyết này, ta thấy có tổng cộng 1.322 thư mục trong đó có 1.220 đã trích dẫn Chính sách các số lớn. Các tác phẩm này là tổng thể của chúng tôi. Số trích dẫn mỗi năm (xem biểu đồ 1) tăng dần cho đến năm 2007 (ngoại trừ năm 2003), sau đó dao động chung quanh 100 trích dẫn mỗi năm. Do đó sự thành công của tác phẩm không phải là chuyện thời trang vì nó không được đọc trong một thời gian ngắn rồi biến mất. Tác phẩm đã trở thành một kinh điển, tiếp tục được đọc và trích dẫn mỗi năm.

Có thể đánh giá sự nổi tiếng của cuốn sách theo một nghĩa rộng hơn tuỳ theo số lần mà bản thân các tác giả đã trích dẫn cũng được trích lại: tính cộng dồn, tới cuối thời kì được xem xét ta đếm gần 35.000 thư mục có trích dẫn tác phẩm (xem biểu đồ 2). Tất nhiên việc dịch cuốn sách sang tiếng Anh đã tác động quan trọng đến những trích dẫn cấp hai này. Một gia tăng ấn tượng diễn ra sau đó, khởi đầu với tác phẩm Sorting Things Out (1999) của Geoffrey C. Bowker và Susan Leigh Star, bản thân cuốn sách của hai tác giả này được trích dẫn gần 4.000 lần. Tiếp đến ta quan sát một gia tăng mạnh nữa vào năm 2005 mà phần lớn được gán cho việc Chính sách các số lớn được Bruno Latour trích dẫn trong Reassessing the Social (2005), vốn cũng được trích dẫn 6.500 lần. Trong tổng thể của chúng tôi, hai tác phẩm trên cùng với kiệt tác của Desrosières đứng đầu các tác phẩm được trích dẫn nhất.

Nhưng cơ cấu bạn đọc Chính sách các số lớn là như thế nào? Trước tiên cơ cấu này có tính quốc tế. Trong cơ sở của chúng tôi, gần một nửa các thư mục là bằng tiếng Anh. Cũng có những thư mục bằng tiếng Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Ba Lan, Hà Lan, Đan Mạch và nhiều ngôn ngữ khác khó nhận diện hơn – xin lưu ý là ngoài tiếng Anh, bản quyền dịch đã được bán cho tiếng Hi Lạp năm 2002, và cho tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức năm 2003. Kết quả này cho thấy sự phổ biến không thể chối cãi của tác phẩm ở nước ngoài, nhất là trong thế giới nói tiếng Anh cũng như ở Pháp.

Biểu đồ 1: Số lần trích dẫn và trích dẫn lại Chính sách các số lớn

Mặt khác chúng tôi muốn biết những ai trích dẫn tác phẩm thuộc những ngành nào. Chúng tôi xây dựng danh mục các bộ môn của những tác giả trích dẫn tác phẩm, thể theo lí thuyết của Desrosières, nghĩa là đối chiếu những nguyên tắc với các trường hợp quan sát trong cơ sở. Cuối cùng, chúng tôi đạt đến một danh sách gồm năm mục (bằng với con số năm hình thức Nhà nước, và như sẽ thấy trong các chương sau, với năm bộ môn được ông phân tích trong bảng tổng quát về các khoa học xã hội). Năm bộ môn có trích dẫn Desrosières là: xã hội học tổng quát, sử học và xã hội học về thống kê và các khoa học, các bộ môn sử dụng thống kê (kinh tế học, thống kê, dân số học), khoa học chính trị, lịch sử tổng quát.

Điều hiện lên rõ ràng (xem biểu đồ 2) là tác phẩm của Alain Desrosières ban đầu được đại diện của bộ môn trích dẫn bằng nhau: những nhà sử dụng các kĩ thuật thống kê, các sử gia và nhà xã hội học về thống kê và cuối cùng là những nhà xã hội học. Đây là một điểm quan trọng cần nhấn mạnh: Desrosières được cả những ai lấy sự lượng hoá làm đối tượng nghiên cứu lẫn những ai sản xuất và sử dụng dữ liệu. Sách của ông không chỉ được dùng để “tháo cặp kính ra khỏi mũi” mà còn để tự tin nâng cặp kính lên. Trên điểm này, ông vẫn trung thành với quyết tâm nối khớp hai thái độ đối với thống kê. Giữa hai nhóm bạn đọc này, các nhà xã hội học là một giới bạn đọc trung gian, có thể hình dung là đảo qua đảo lại giữa hai tuỳ chọn này, theo cách của tạp chí Genèses, với việc sử dụng thống kê để sản sinh những hiểu biết về xã hội cũng như để nghiên cứu như là một công cụ cầm quyền. Kể từ đó giới bạn đọc trung gian này vẫn được duy trì.

Biểu đồ 2: Các bộ môn trong các thư mục trích dẫn Chính sách các số lớn

Tiếp đó, kể từ năm 1998, ta thấy sự xuất hiện của các nhà chính trị học sẽ chiếm đến hơn một phần năm số bạn đọc bắt đầu từ năm 2008. Định nghĩa cuối cùng của ông về chính sách đã thu hút sự chú ý của giới chính trị học và qua đó giới này ngày càng quan tâm đến cuốn sách được xem xét ở đây. Cuối cùng, cũng kể từ 1998 đã xuất hiện một sự quan tâm tuy còn thứ yếu nhưng không suy giảm và không còn bị đặt thành vấn đề, của các nhà sử học theo nghĩa rộng. Sử học tổng quát đang chấp nhận đối tượng thống kê như một lĩnh vực nghiên cứu chính đáng, điều mà nhiều tác giả, nhất là ở nước ngoài, đã đấu tranh từ lâu (Daston, 1988; Porter, 1995).

Như vậy, các công trình của Alain Desrosières đã được phổ biến rất rộng, ở Pháp cũng như ở nước ngoài, và được một số đa dạng bộ môn quan tâm. Đó là đòi hỏi của sử học xã hội mà ông đã sáng tạo để tự lưu truyền bằng cách nằm ở trung tâm của sự kết hợp này.

Khai mở: dấu ấn lâu dài của “hiệu ứng Desrosières”

Các công trình của Alain Desrosières đã tạo cảm hứng cho nhiều nghiên cứu nối tiếp để có thể ở đây tính đến việc nêu “kết luận” về chúng. Hoàn toàn không có việc kết thúc, nhưng có một sự khai mở. Trước hết là mở ra cuốn sách mà ông đề xuất với chúng ta, được công bố sau khi ông qua đời. Sự can thiệp của chúng tôi vào các bài được chính ông tập hợp để công bố là nhỏ bé. Chúng tôi chỉ xác định tựa của tác phẩm, điều mà ông chưa làm, phát biểu lại bằng những từ được ông sử dụng về bản chất kép và mâu thuẫn của thống kê – vả lại, bạn đọc sẽ nhận ra trong các chương sau các biến thể khác nhau của tính nước đôi này. Chúng tôi cũng đã viết lại tựa các chương vì những ràng buộc của việc đặt tựa các bài viết riêng lẻ đã làm cho các tựa này có tính lặp lại khi tập hợp các bài lại. Cuối cùng do mười một chương không được Alain Desrosières sắp xếp theo thứ tự nên chúng tôi đã tập hợp lại thành ba nhóm nối tiếp nhau: bốn chương đầu liên quan đến những đặc thù của sự cầm quyền tân tự do, ba chương tiếp theo đến bối cảnh của các thống kê quốc tế và bốn chương cuối cùng liên quan đến vai trò của sự lượng hoá trong các khoa học xã hội. Nói rõ điều này xong, chúng tôi chỉ can thiệp trong các văn bản tập hợp ở đây, với sự đồng ý của François Gèze, người xuất bản cuốn sách này, một cách vô cùng khiêm tốn để đôi lúc làm rõ vài điểm, loại bỏ một số đoạn lặp lại, và xem lại vài điểm trình bày (rất hiếm), như Alain Desrosières, chúng tôi tin vậy, chắc chắn cũng muốn làm.

Cuối cùng trước khi dành chỗ cho những bài viết của ông, tôi hân hạnh trích lại đôi dòng được viết một cách tập thể vinh danh ông lúc ông qua đời, và như thế làm theo ý thích của ông muốn thấy bạn bè tụ tập: “Alain Desrosières bàng quan với cương vị chính thức, tuổi tác và ngay cả bộ môn xuất thân của những ai làm việc với ông (trong trường hợp của ông thường là không tách biệt với những quan hệ bạn bè). Ông đã giữ vai trò không thể thay thế của người trung gian truyền tải giữa các thế hệ, cũng như giữa các cộng đồng trí thức vốn thường không biết đến nhau, nếu không muốn nói là bị bắt buộc cạnh tranh nhau. Gắn bó với những định chế khác nhau, ông luôn giữ mình không để bị chúng đồng hoá, không bao giờ nắm giữ trong đó một vị thế quyền lực và ngay ngáy dành những không gian tự do cần thiết cho sự sáng tạo. Sự uyên bác phi thường của ông, bao phủ một phổ rất rộng, tính sáng tạo khoa học vui vẻ của ông và sự cảnh giác chính trị đi cùng với một sức hấp dẫn khiêm tốn mà biểu hiện là sự rộng lượng” (Thévenot et al., 2013). “Hiệu ứng Desrosières” sẽ còn phát huy tác dụng lâu dài.

Thư mục

AMOSSÉ T., 2013, “La nomenclature socioprofessionnelle: une histoire revisitée”, Annales ESC, vol.68, n° 4, p. 1039-1075.

BARDET F. et CUSSÓ R., 2012, “Les essais randomisés contrôlés, révolution des politiques de développement? Une évaluation par la Banque mondiale de l’empowerment au Bangladesh”, Revue franVaise de socio-économie, n° 3, p. 175-198.

BOLTANSKI L., 1982, Les cadres. La formation d’un groupe social, Minuit, Paris.

BOLTANSKI L., 1990, L’amour et la justice comme compétence, Métaillé, Paris.

BOLTANSKI L. et CHIAPELLO E., 1999, Le nouvel esprit du capitalisme, Gallimard, Paris.

BOLTANSKI L. et THÉVENOT L., 1983, “Finding one’s way in social space; a study based on games”, Social Science Information, vol 22, n° 3, p. 631-679.

BOLTANSKI L. et THÉVENOT L., 1987, Les économies de la grandeur, PUF/ Cahiers du Centre d’etude de l’emploi, Paris.

BOLTANSKI L. et THÉVENOT L., 1993, De la justification, Gallimard, Paris.

BOLTANSKI L. et THÉVENOT L. (dir.), 1989, Justesse et justice dans le travail, PUF, Paris (Cahiers du Centre d’etude de l’emploi, n° 33).

BOURDIEU P., DARREL A., RIVET J.-P. et SIEBEL C., 1963, Travail et travailleurs en Algérie, Mouton, La Haye.

BOURDIEU P., 1979, La distinction. Critique sociale du jugement; Editions de Minuit, Paris.

BOWKER J. C., STAR S. L., 1999, Sorting Things Out. Classification and Its Consequences, MIT Press, Cambridge, M. A.

CALLON M. avec LATOUR B. (dir.), 1991, La science telle qu’elle se fait. Anthologie de la sociologie des sciences en langue anglaise, La découverte, Paris.

DARRAS (dir.), 1966, Le partage des bénéfices. Expansion et inégalités en France, Minuit, Paris.

DASTON L., 1988, Classical Probability in the Enlightment, Princeton University Press, Princeton.

DASTON L., 2000, “Why statistics tend not only to describe the world but to change it”, London Review of Books, vol. 22,, n° 8, 13 April.

DESROSIÈRES A., 1993 (tái bản năm 2000 với một lời bạt chưa từng xuất bản), La politique des grands nombres. Histoire de la raison statistique, La découverte, Paris (bản dịch tiếng Anh: The Politics of Large Numbers. A History of Statistical Reasoning, Harvard University Press, Cambridge, 1998).

DESROSIÈRES A., 2000, “La statistique d’entreprise en quête de réalité”, Lettre du SSE, n° 110, janvier-février, p. 3-9.

DESROSIÈRES A., 2003, “Une rencontre improbable et ses deux héritages”, in ENCREVÉ P. et GRAVE R. M. (dir.), Travailler avec Bourdieu, Flammarion, Paris, p. 209-218.

DESROSIÈRES A., 2008a, Pour une sociologie historique de la quantification, Presses des Mines, Paris.

DESROSIÈRES A., 2008b, Gouverner par les nombres, Presses des Mines, Paris.

DESROSIÈRES A. et THÉVENOT L., 1979, “Les mots et les chiffres: les nomenclatures socioprofessionnelles”, Économie et statistique, n° 110, avril, p. 49-65.

DESROSIÈRES A. et THÉVENOT L., 1988, Les catégories socioprofessionnelles, La découverte, Paris, coll. Repères.

DURKHEIM É., 1893, Le suicide. Étude de sociologie, Félix Alcan, Paris.

DURKHEIM É. et MAUSS M., 1903, “De quelques formes primitives de classification. Contribution à l’etude des representations collectives”, in MAUSS M., 1969, Essais de sociologie, Seuil, Paris.

FOUCAULT M., 2004a, Sécurité, territoire, population. Cours du Collège de France (1977-1978), Gallimard/Seuil, Paris.

GOFMAN E., 1973, La mise en scène de la vie quotidienne, Minuit, Paris, 2 vol.

INSEE, 1977 (réédité en 1987), Pour une histoire de la statistique, tome 1, Contributions, INSEE/Economica, Paris.

INSEE, 1987, Pour une histoire de la statistique, tome 2, AFFICHARD J. (dir.), Matériaux, INSEE/Economica, Paris.

JACOBS J. A., 2009, “Where credit is due: assessing the visibility of articles published in Gender and Society with Geogle Scholar”, Gender and Society, vol.23, n° 6, decembre, p. 817-832.

JEANPIERRE L., 2006, “Une sociologie foucaldienne du néoliberalisme est-il possible?”, Sociologie et sociétés, vol.38, n° 2, p. 87-111.

KOSMOPOULOS C. et PUMAIN D., 2008, “Révolution numérique et évaluation bibliométrique dans les sciences humaines et sociales”, Revue européenne des sciences sociales, vol.46, n° 141, p. 73-86.

LATOUR B., 1991, Nous n’avons jamais été modernes, La découverte, Paris.

LATOUR B.,1996, Petite réflexion sur le culte moderne des dieux faitiches, Les empêcheurs de penser en rond, Paris.

LATOUR B., 2005, Reassembling the Social, Oxford University Press, Oxford.

LATOUR B., 2009, “Un dialogue sur les deux systèmes de sociologie” in LAFAYE D. et TROM D. (dir.), Cpmpetences critiques et sens de la Justice. Colloque de Cerisy, Economica/ Cerisy, Paris.

PÉNOMBRE, 1999, Chiffres en folie. Petit abécédaire de l’usage des nombres dans le débat public et les médias, La découverte, Paris.

PORTER T., 1994, Trust in Number. The Pursuit of Objectivity in Science and Public Life, Princeton University Press, Princeton.

SRIDHAR H., BEAUCHAMP G. et SHNKER K., 2009, “Why do birds participate in mixed-species foraging flocks? A large-scale synthesis”, Animal behaviour, vol.78, p.337-347.

SEIBEL C., 2004, “Les liens entre Pierre Bourdieu et les statisticiens à partir de son expérience algérienne”, Courrier des statistiques, n° 112, décembre, p. 19-26.

THÉVENOT L., 1983, “L’économie du codage social”, Critiques de l’économie politique, n° 23-24, p.188-222.

THÉVENOT L., 1984, “Rules and Implements, Investments in Forms”, Social Change, vol.23, n° 1, p. 1-45 (bản tiếng Pháp: “Les investissements de forme”, Cahiers du Centre d’études de l’emploi, n° 29, PUF, Paris, 1986, p. 21-71.

THÉVENOT L., DIDIER E., BOLTANSKI I., 2003, “Alain Desrosières: statisticien, sociologue, historien de la statistique”, Le Monde, 18 février.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “Alain Desrosières: savant essentiel et homme de qualités”, bài giới thiệu của Emmanuel Didier, trong cuốn Prouver et gouverner. Une analyse politique des statistiques publiques của Alain Desrosières, Paris, La découverte, 2014, trang 5-29.

----

Những bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS – Pháp), tác giả cuốn En quoi consiste l’Amérique? Les statistiques, le New Deal et la démocratie (La découverte, 2009) và Benchmarking. LÉtat sous pression statistique (Zones, 2013) cùng với Isabelle Bruno.

[2] Như được đặc biệt minh chứng trong sách này, với sự chu đáo không suy giảm khi ông dẫn những công trình và ý tưởng của những người đi trước mình hay của những đồng nghiệp, kể cả những người trẻ tuổi nhất, từng gợi cảm hứng cho những nghiên cứu của ông. Một sự ghi nhận không tầm thường ở thời buổi mà sự chuyên chính của publish or perish và những tiện ích của Internet đã làm lan tràn sự tàn phá, trong những công trình và công bố của sinh viên và nhà nghiên cứu khoa học xã hội, của việc cướp ý tưởng của người khác.

[3] Các chỉ dẫn thư mục được tập hợp ở cuối bài giới thiệu này.

[4] Trường Bách Khoa là một đại học quân sự trực thuộc Bộ quốc phòng Pháp. Việc quân đội Pháp sử dụng tra tấn trong cuộc chiến tranh Algérie, mà một trong những nạn nhân tử vong là nhà toán học trẻ Maurice Audin, điều được nhà báo Henri Alleg tố cáo trước công luận trong cuốn sách bị cấm phát hành tháng 6 năm 1958 đã chia rẽ hàng ngũ giới trí thức với tuyên ngôn của 121 giảng viên, và văn nghệ sĩ về quyền bất phục tùng trong cuộc chiến này vào tháng 9 năm 1960. Có thể tham khảo M. Audin est-il là?, Diễn Đàn, 27.9.2018 (ND).

[5] Chính như thế mà tôi đã gặp Alain. Quan hệ thầy trò sau đó đã biến thành một tình bạn sâu sắc.

[6] Cảm ơn Étienne Ollion, đã vui vẻ thu thập thông tin này vào tháng bảy năm 2013. Cũng xin cảm ơn Michel Armatte, Tanja Bogusz, Luc Boltanski, Antione Desrosières, Gael de Peretti, Theodore M. Porter và Laurent Thévenot mà việc đọc lại các phiên bản trước đây của bài giới thiệu này là quý báu.

Print Friendly and PDF