5.4.24

Lịch sử xã hội học thực dân

LỊCH SỬ HỘI HỌC THỰC DÂN

Về cuốn Cội Nguồn Thực dân của Tư tưởng Xã hội Hiện đại. hội học Pháp và Đế Chế Hải Ngoại/The Colonial Origins of Modern Social Thought. French Sociology and the Overseas Empire, của George Steinmetz, Princeton

Jean-Louis Fabiani[*]

Quá trình thuộc địa hóa đi kèm với sự khao khát kiến ​​thức dựa trên các thể chế đặc thù đã sinh ra một Đông Phương Luận dai dẳng trong lĩnh vực khoa học hội.

----------------------------------------------------------------------------------

Vô thức thực dân của khoa học xã hội

George Steinmetz

Cuốn sách mới nhất của George Steinmetz[**], một trong những đại diện xuất sắc nhất của xã hội học lịch sử mới về khoa học xã hội, mang một tham vọng lớn: đánh giá tầm quan trọng của ma trận thực dân trong sự phát triển của khoa học xã hội trong thế giới hiện đại. Trường hợp của Pháp được quan tâm nhiều, bởi vì trải nghiệm thực dân ở đó luôn đi kèm với ý muốn tri thức mạnh mẽ, như trường hợp của kế hoạch được gọi là Thám hiểm khoa học Algérie/Exploration scientifique de l’Algérie, đã huy động cả các nhà khoa học và quân đội từ năm 1839 và tạo ra một khối lượng dữ liệu đáng kể, từ địa lý hình thể đến nhân học[1]. Nhiều công trình đã cho thấy sự tham gia của hầu hết các nhà quản lý thuộc địa vào việc sản xuất tri thức, ở điểm giao thoa giữa việc quản lý các nhóm dân cư bị thống trị và kiến ​​thức dân tộc học toàn diện[2]. Mặc dù từ Pháp chỉ xuất hiện trong phụ đề, nhưng chính đất nước này được đề cập chứ không phải tư duy xã hội hiện đại nói chung. Sẽ rất lí thú nếu hỏi liệu trường hợp của Pháp có mang tính hệ hình, hay liệu tính đặc biệt của nó là do tính đặc thù của quá trình thuộc địa và mối liên hệ của quá trình này với việc xây dựng nền Đệ Tam Cộng hòa.

George Steinmetz muốn đi xa hơn diễn ngôn ngày nay được định nghĩa là “giải thực dân”: đó là vấn đề xác định những tác động phản hồi của những kiến ​​thức này đối với việc sản xuất thông thường các kiến ​​thức trong xã hội học, được coi là một chuyên ngành trung tâm trong cuốn sách. Thật vậy tiến trình thuộc địa hóa và mặt trái của nó, sự giải thực dân hóa, nằm ở trung tâm của xã hội học. Chúng ta đã biết điều này rồi, nhưng tác giả không tự giới hạn trong việc tố cáo mối liên hệ giữa thời điểm thành lập xã hội học và kế hoạch thực dân, một tố cáo tương đối phần nào vô dụng, vô ích nếu ta không xem xét đến hậu quả về mặt khoa học luận của tình huống đặc thù của các kiến thức liên quan.

Giải thực dân hóa các sơ đồ tư duy của họ/của chúng ta

Để hoàn thành dự án nghiên cứu của mình, Steinmetz dần dần thu hẹp trọng tâm: ông bắt đầu bằng phần giới thiệu dành cho cái mà ông gọi là xây dựng đối tượng. Quả nhiên, cách tiếp cận này mang tính phản : tác giả hoàn toàn ý thức rằng dự án của mình diễn ra vào thời điểm hậu sự kiện: chỉ sau thời kỳ thuộc địa, chúng ta mới có thể mô tả chế độ tri thức đã được thiết lập ở thuộc địa và lan sang chính quốc. Do đó, các điều kiện về khả năng để thực hiện sự quay trở lại mang tính phản tư có liên quan đến sự kết thúc của đế chế vốn chỉ còn lại một số hòn đảo cụ thể, nhưng với nhiều thực tiễn khác được coi là hiển nhiên, bao gồm cả những thực tiễn mang tính lý thuyết, phần nào có ý thức và được khách quan hóa, như chúng ta thấy vào lúc này nếu chúng ta quan sát mối quan hệ đương đại giữa Pháp và các thuộc địa cũ ở Châu Phi.

Pierre Bourdieu (1930-2002)

Vì các sơ đồ nhận thức ra đời từ thời kỳ thuộc địa ngày nay đã lắng đọng trong thực tiễn tri thức của chúng ta nên chúng ta không còn ý thức về chúng nữa và chứng mất trí nhớ ngự trị. Đưa những sơ đồ nhận thức này trở lại ký ức là tạo ra một sự hồi tưởng ký ức được cho là sẽ giải phóng những người thuộc địa cũ, những người tiếp tục sử dụng những khung tư tưởng mà phần lớn được tạo ra để chống lại họ, và những người cựu thực dân, những người, mà Bourdieu, lấy cảm hứng từ Hegel, đã viết là “bị thống trị bởi sự thống trị của chính họ” và ở một mức độ nhất định, bị ràng buộc bởi những thói quen cũ. Ý tưởng ở đây là mọi người đều có lợi với việc giải thực dân hóa tư tưởng, điều này rõ ràng bị những người phi thuộc địa cố chấp nhất chống đối, những người muốn dành lợi ích của quá trình này cho chính họ.

Công lao to lớn của Steinmetz nằm ở việc hiểu khái niệm hồi tưởng ký ức theo nghĩa đen. Nghiên cứu của ông với tư cách là một nhà sử học cho phép chúng ta hiểu được tầm quan trọng của xã hội học thực dân trong việc xây dựng bộ môn này có phần gian nan và tương đối chậm chạp ở Pháp. Trong khi thuật ngữ xã hội học chỉ xuất hiện tại Sorbonne vào năm 1913 trong khóa giảng của Durkheim về chủ nghĩa thực dụng, và bằng cử nhân xã hội học chỉ được thành lập năm 1958, thì Đại hội Quốc tế về Xã hội học Thực dân lần thứ nhất đã diễn ra vào năm 1900. Sự miễn cưỡng sâu đậm của các triết gia đối với sự thể chế hóa các khoa học xã hội có hệ quả nghịch lý là thuật ngữ này trước tiên được sử dụng bởi những người không phải là học giả, những người không che giấu mục đích ứng dụng của loại kiến ​​thức này: phát triển kiến ​​thức về các nhóm dân cư cần được quản lý nhằm mục đích xâm chiếm.

Émile Durkheim (1858-1917)

Ở đây, câu hỏi đầu tiên được đặt ra: có điểm chung nào giữa nền xã hội học thực dân đang phát triển vốn hầu như không bị bận tâm bởi sự chứng thực đại học và dự án của Durkheim và các môn đệ của ông, hay thậm chí của Tarde? Việc sử dụng phổ biến một thuật ngữ không có nghĩa là tạo ra một lĩnh vực thống nhất của một môn khoa học: tác giả của Các quy tắc của phương pháp xã hội học đã dành cả cuộc đời mình để đả kích các cách sử dụng bất chính thuật ngữ này bởi những kẻ nghiệp dư hoặc nhà báo thiếu đạo đức. Sự thành công của thuật ngữ này trong không gian thuộc địa là không thể phủ nhận, nhưng điều này vẫn chưa đủ để xếp tất cả các nhà xã hội học vào cùng một loại.

Để không phạm sai lầm, chúng ta phải tôn trọng nguyên tắc tự trị tương đối của các lĩnh vực khoa học: Durkheim vẫn là một thành viên lỗi lạc của lĩnh vực triết học ở thời đại ông, Randall Collins[3] đã đúng khi phê phán Raewyn Connell[4], một trong những những đại diện xuất sắc nhất của phong trào hậu thực dân, đã dùng vài dòng về người Berbère trong cuốn Về sự Phân công Lao động Xã hội/De la division du travail social (1893) để chứng minh cho chủ nghĩa thực dân của Durkheim. Rất có thể nhà xã hội học Durkheim đã biết đến dân tộc này thông qua báo cáo của một kẻ thực dân, nhưng khi ông so sánh họ với những người Do Thái cổ đại, thật khó để thấy được quan niệm thực dân trong ví dụ của ông.

Sự phát triển mạnh của các định chế tri thức và tiến trình tự chủ hóa dần của chúng

Hay hơn là khoảnh khắc thứ hai trong phân tích của Steinmetz, khi ông tập trung lăng kính vào rất nhiều định chế tri thức do thời kỳ thuộc địa tạo ra. Gắn liền chủ yếu với các lợi ích thực tế xuất phát trực tiếp từ nhu cầu thống trị và quản lý dân cư, các cơ sở này thường gắn liền với một khu vực địa lý, ở Maghreb, ở Châu Phi da đen hoặc ở Đông Dương khi đó. Trong những sở này đã có những kiến thức chuyên ngành được phát triển dựa trên một khung chung (sự lạc hậu về văn hóa, sự vắng bóng của lịch sử, các hình thức hôn nhân, logic phát triển, v.v.). Chúng được cung cấp rất nhiều nguồn lực vật chất: xe cộ (từ xe jeep đến máy bay), kỹ thuật (nhiếp ảnh rồi đến điện ảnh) và con người (những người thuộc địa tạo thành một nhóm đáng chú ý gồm những người cung cấp thông tin và những trợ lý). Phân tích của Steinmetz ở đây thật là xuất sắc: kiến ​​thức phục vụ quyền lực cần những phương tiện đặc biệt.

Nhà xã hội học cho thấy rất rõ các định chế này góp phần phát triển một Đông Phương Luận thông thái như thế nào, mà trong những điều kiện nhất định, đến gần với môi trường đại học, đặc biệt vì chúng thường đóng vai trò là nơi thử nghiệm cho các nhà nghiên cứu trẻ tìm được công việc đầu tiên ở đó. Chúng ta có thể thêm hai điểm vào sự phân tích: thứ nhất là trải nghiệm về sự kỳ lạ, không trùng lặp với chính không gian thuộc địa và thường mang hình thức trải nghiệm ở thuộc địa, như các học giả Pháp nghiên cứu ở Brazil (Georges Dumas, Claude Lévi-Strauss và Roger Bastide được biết đến nhiều nhất), ở dãy núi Andes (François Bourricaud) hoặc các nhà khảo cổ học từ Trường phái Athènes của Pháp, mà những cuộc khai quật đã có thể được thực hiện nhờ vào một đội ngũ nhân viên rẻ tiền và ngoan ngoãn. Ngoài chính bản chất của thuộc địa, cần phải đặt câu hỏi về đặc điểm của mối quan hệ nguyên thủy này với người khác, dựa trên sự bất bình đẳng về kiến ​​thức và nguồn lực.

Jacques Berque (1910-1995)

Ngay từ rất sớm, các nhà bác học liên quan có xu hướng chuyển hướng chương trình của các các định chế tri thức này bằng cách tăng cường quyền tự chủ của họ. Chính thời điểm này đã xác định được điểm giao hợp giữa lĩnh vực xã hội học ở trạng thái non trẻ của nó và lĩnh vực xã hội học thực dân, vốn ít lưu tâm đến đến một lý thuyết tổng quát về hội. Cuộc tìm kiếm quyền tự chủ được Steinmetz mô tả đặc biệt rõ ràng, đặc biệt là liên quan đến Jacques Berque giữa hai cuộc chiến tranh thế giới: Berque đi từ một chức vụ hành chính dân sự chịu trách nhiệm kiểm soát các bộ lạc Maroc đến ghế giáo sư về “Lịch sử xã hội của lịch sử Hồi giáo đương đại/Histoire sociale de l’histoire de l’Islam contemporain” ở Collège de France. Để đạt được điều này, ông đã thực hiện nhiều nghiên cứu độc lập dựa trên kinh nghiệm quan liêu của mình và đã trở thành một trong những tiếng nói chống chủ nghĩa thực dân thời hậu chiến. Chính ông là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ giải thực dân/décolonial, điều mà Steinmetz đã nhắc lại một cách rất hữu ích. Các phân tích về quá trình tự chủ hóa dần của các định chế tri thức thực dân là một trong những điểm mạnh trong cuốn sách của Steinmetz: khái niệm quá trình tự chủ hóa thường là chủ đề được sử dụng một cách mơ hồ và cuối cùng không mang lại kết quả. Đặc biệt đây là trường hợp của ORSTOM (Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật ở Hải Ngoại/Office de la recherche scientifique et technique outre-mer), nơi mà các nguồn tài nguyên quan trọng nhận được, theo logic theo đuổi ý muốn tạo ra kiến ​​thức bằng cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật phức tạp, theo một cách nào đó đã bị các nhà khoa học chuyển hướng, những người sản xuất ra những phân tích độc đáo và thường mang tính phê phán và làm điều gì đó khác với những gì được yêu cầu, mà không nhất thiết che đậy giấu giếm điều đó.

Trải nghiệm khởi đầu

Fernand Braudel (1902-1985)

Thay vì xác định sự tồn tại của một xã hội học thực dân tương đối thống nhất, và hơn nữa là một thực trạng khó thể xảy ra do sự đa dạng của các quỹ đạo, các hình thái đào tạo và các nguồn lực, chính sức mạnh của mối quan hệ với thế giới thuộc địa trong cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học xã hội thời hậu Thế chiến thứ hai mới là điều mà cuộc điều tra tỉ mỉ của Steinmetz đã xác định: việc được cấp một nhiệm sở trong không gian thuộc địa trong bước đầu của sự nghiệp là một hiện tượng rất phổ biến: trường hợp của Fernand Braudel, được bổ nhiệm ở Constantine sau khi đổ thạc sĩ (agrégé), và gần đây hơn là trường hợp của Pierre Nora, được bổ nhiệm ở Oran ngay trước ngày độc lập, được nhiều người biết đến, nhưng có nhiều người khác đã khám phá ra, sau sự khắc nghiệt của các kỳ thi tuyển dụng, vẻ đẹp của không gian thuộc địa, và hiếm hơn, ngoại trừ trong thập kỷ qua, sự khốn khổ sâu sắc của nó. Cho đến cuối những năm 1950, Alger đã có diện mạo của một thủ đô thực sự, đủ xa Paris để không trở thành một thị trấn tỉnh lẻ và đủ xa lạ để khơi dậy những xung năng mang tính của chủ nghĩa Phương Đông. Đại học Alger cũng sẽ tạo thành bàn đạp rất tốt cho nhiều sự nghiệp vĩ đại: Braudel là phó giáo sư ở đó và Bourdieu là giảng viên. Một số người, như nhà nhân học vĩ đại của Hy Lạp cổ đại, Louis Gernet, người đã ký tuyên ngôn 121, một tuyên bố về quyền không phục tùng trong chiến tranh Algérie, đã trải qua phần lớn sự nghiệp của mình ở đó, dù có lẽ là thiệt thòi cho danh tiếng học thuật của mình.

Nói chung, kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy ở thuộc địa là một đặc điểm chung của một số lượng lớn các giáo sư và nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội từ những năm 1960. Ngoài những cái tên được trích dẫn ở trên, chúng ta có thể thêm Jean Cuisenier, người trước khi trở thành bậc thầy vĩ đại của dân tộc học Pháp, được cử đến Tunis, Jean-William Lapierre, giảng viên trong bốn năm ở Antananarivo, Éric de Dampierre, người mà Steinmetz đã đưa ra một bức chân dung rất chi tiết, tương phản với bức chân dung về Bourdieu, người cùng chia sẻ một mối liên hệ tri thức với Weber, Louis-Vincent Thomas, giống như Pierre Fougeyrollas, đã giảng dạy ở Dakar, và cuối cùng là những người có thể được định nghĩa chính xác hơn là các nhà nhân chủng học về không gian thuộc địa, Paul Mercier, Paul Pascon, Jean- Henri Servier, Jean Duvignaud và Paul Sebag . Quỹ đạo của những cá nhân này rõ ràng là rất đa dạng và không phải tất cả trong số họ đều xứng đáng được gắn mác nhà xã hội học thực dân, nhưng cuộc điều tra thống kê của Steinmetz chắc chắn đã vạch ra một không gian tham chiếu chung. Cộng đồng những trải nghiệm, những cảm giác và những mối quan hệ với cái khác không có những hệ quả một chiều đối với lập trường chính trị của các tác nhân: Gernet đã sớm dấn thân chống lại chủ nghĩa thực dân, trong khi Jean-Henri Servier thì ủng hộ lập trường Algérie thuộc Pháp.

Một lịch sử các tiểu sử nghịch lý

Georges Balandier (1920-2016)
Raymond Aron (1905-1983)

Phần cuối cùng của tác phẩm tương phản với mọi thứ trước đó. Bốn nhân vật là chủ đề của các chương dựa vào tư liệu một cách tuyệt diệu. Chương đầu tiên dành cho Raymond Aron. Người đọc có thể ngạc nhiên. Steinmetz đính kèm vào cuộc điều tra của mình một loạt các hình ảnh thích đáng trưng bày tất cả các đồ dùng của nhà nghiên cứu thực dân. Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng cái đầu nhọn của Raymond Aron đội chiếc mũ cối thực dân. Vì sao Aron lại hiện diện trong phòng trưng bày các bức chân dung này, nơi ông ở bên cạnh Jacques Berque, Georges Balandier và Pierre Bourdieu, những người đã biến không gian thuộc địa thành phương tiện để thực hiện điều tra phê phán quá trình thuộc địa hóa? Hẳn là Aron đã kiên quyết phản đối cuộc chiến ở Algérie, nhưng với sự chừng mực đặc trưng của ông: Thảm kịch Algérie (1957), bài của Aron ủng hộ nền độc lập của Algérie, vẫn cần phải được đọc, đã gây nên sự thù địch không vãn hồi được của cánh hữu và, đặc biệt là của một học giả khác, người thực sự là thực dân, Jacques Soustelle.

Sự phản đối của Aron đối với chủ nghĩa thực dân trước hết là về mặt đạo đức: hoàn cảnh bị áp đặt lên những người thuộc địa là sự xúc phạm đến lương tâm trong mọi hoàn cảnh. Ông thêm vào một lập luận khác, không liên quan gì đến lập luận trước đó và dựa trên sự quan sát xuất phát từ thực tế chính trị (Real Politik): Pháp là một đế chế đã kiệt sức, một đế chế chúng ta tự hỏi liệu nó có còn là một đế chế không khi nó không còn phương tiện để thực hiện tham vọng của mình. Sự lựa chọn của Aron, mặc dù không được giải thích bằng hoàn cảnh của chính ông trong không gian thuộc địa, là kết quả của sự quan tâm của Steinmetz đối với lý thuyết chủ nghĩa đế quốc mà Aron đã phát triển, khi tiếp xúc với triết học và xã hội học Đức, và lý thuyết này hoàn toàn trái ngược với các lý thuyết của các chủ nghĩa Mác về cùng một chủ đề, dù là lý thuyết khá đơn giản của Lénine hay lý thuyết phức tạp hơn của Rosa Luxemburg. Đối với Aron, người đã đọc kỹ Weber và Carl Schmitt, cơ sở kinh tế của cuộc phiêu lưu đế quốc không bao giờ là yếu tố quyết định cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc. Chúng ta đã thấy điều này vào thời điểm chinh phục Algérie, khi mà giới kinh tế phản đối điều mà họ cho là một công việc tốn kém và không có triển vọng thu được lợi nhuận trong tương lai, trong khi các thành viên của Đảng Thực dân hầu như không bao giờ thuộc giai cấp có của. Steinmetz nhận thấy rất rõ tất cả những điều này, mà ta có thể tóm tắt như là tính quyết định của hệ tư tưởng so với các yếu tố vật chất, điều này trái ngược với quan niệm hậu thực dân.

Max Weber (1864-1920)

Do đó, coi Aron là tiền thân của lý thuyết giải thực dân, như khuynh hướng của George Steinmetz, có vẻ quá táo bạo: sự lên án của Aron đối với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoặc bạo lực đế quốc là của một người tự giác theo chủ nghĩa tự do và không có ảo tưởng, được nuôi dưỡng bởi Max Weber, Clausewitz và Tocqueville. Steinmetz hoàn toàn đúng khi đưa tác giả cuốn Nền Cộng Hòa Đế Chế/République impériale (1973) ra khỏi vị trí biếm họa mà những người cánh tả thường giam cầm ông (kể cả những đệ tử nhiệt thành nhất của Bourdieu). Tuy nhiên, sẽ là quá cường điệu khi bóp méo ông theo hướng phi thực dân. Hơn nữa, việc lồng ghép thời điểm thuộc địa vào một lý thuyết tổng quát về đế chế, dường như là một dự án vĩ đại của Aron, không phải là không gặp khó khăn đối với những người tin vào tính đơn nhất của chủ nghĩa thực dân Phương Tây, mà một cách tiếp cận toàn cầu, ngược lại, sẽ phân loại như là một hình thức thống trị cụ thể có thể được xác định về mặt lịch sử và địa lý: một phần lớn của sức mạnh tư tưởng của chủ nghĩa giải thực dân (đổ lỗi cho Chủ nghĩa lấy Châu Âu làm trung tâm gắn với, dù đúng hay sai, tinh thần Khai sáng) do đó bị triệt tiêu.

Chúng ta thấy được: cuốn sách này là một cuốn sách hay và chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho tác giả nếu có một số sai sót hoặc những điều phỏng chừng. Một vấn đề vẫn còn tồn tại sau khi đọc một tác phẩm sẽ được coi là tài liệu tham chiếu cho mọi nghiên cứu về xã hội học Pháp. Vấn đề liên quan đến quan điểm từ xa của tác giả: nếu chúng ta tin vào tác giả, thì một nhà xã hội học người Pháp không thể thực hiện nghiên cứu này khi mà lịch sử này là đối tượng của chứng mất trí nhớ. Có thể Steinmetz có lý, vì không ai có ý tưởng thực hiện nghiên cứu sâu rộng như vậy về một lĩnh vực mà chúng ta có xu hướng coi là lĩnh vực bị thống trị của các khoa học xã hội và trên thực tế, lại có tính chất quyết định đối với lịch sử chuyên ngành ở Pháp trong những hình thức chính đáng nhất của nó. Chúng ta có thể thấy một nghịch lý thú vị: Steinmetz là một thành viên của nền Cộng hòa Đế chế, giơ một tấm gương cho các đồng nghiệp người Pháp của mình để giúp họ thoát khỏi chứng mất trí nhớ. Đúng là nói về một đế chế đã chết thì dễ hơn nói về một đế chế còn sống. Nhưng phải chăng chúng ta có thể kết luận với tục ngữ “de te fabula narrator” (Câu chuyện này cũng nói về bạn) sao? Câu chuyện này, George, cũng là câu chuyện của bạn...

George Steinmetz, The Colonial Origins of Modern Social Thought. French Sociology and the Overseas Empire, Princeton, Princeton University Press, 2023, 554 p.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Histoire de la sociologie coloniale”, La vie des idées, 26.10.2023.




Chú thích:

[1] NORDMAN Daniel, “Science et colonisation. Quelques naturalistes en Algérie sous le Second Empire”, dans: Dominique Avon éd., De l’Atlas à l’Orient musulman. Contributions en hommage à Daniel Rivet. Paris, Karthala, “Hommes et sociétés”, 2011, p. 111-122.

[2] Voir particulièrement SINGARAVELOU, Pierre, Professer l’Empire. Les sciences coloniales en France sous la Troisième République, Paris, Publications de la Sorbonne, 2011.

[3] COLLINS, Randall, “A Sociological Guilt Trip. Comment on Connell, American Journal of Sociology, Vol 102, n° 6, May 1997, p. 1558-1654.

[4] CONNELL, Raewyn, W. Southern Theory, Londres, Routledge, 2007.



[*] Jean-Louis Fabiani là một nhà xã hội học người Pháp, học trò của Pierre Bourdieu, Jean-Claude Passeron và Randall Collins. Ông gia nhập Trường Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Xã hội (École des hautes études en Sciences Sociales/EHESS) năm 1991 với tư cách là giảng viên, sau đó trở thành giám đốc nghiên cứu vào năm 1996 (ND).

[**] George Steinmetz là Giáo sư Xã hội học, Ngôn ngữ và Văn học Đức tại Đại học Michigan. Ông đã giảng dạy tại Trường Nghiên cứu Xã hội Mới, Đại học Chicago và Trường Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Xã hội (École des hautes études en Siences Sociales/EHESS). Ông là nhà xã hội học lịch sử về các đế chế, các quốc gia và các thành phố, tập trung vào Đức, Pháp, Anh hiện đại và các thuộc địa của họ. Các lĩnh vực nghiên cứu chính khác của ông là lý thuyết xã hội, lịch sử và triết học của khoa học xã hội (ND).

Print Friendly and PDF