ĐỊA CHÍNH TRỊ LÀ GÌ?
Rudolf Kjellén (1864-1922) |
Friedrich Ratzel (1844-1904) |
Địa chính trị là một khoa học nhân văn nghiên cứu những tác động của địa lý đối với các quan hệ quốc tế và chính trị quốc tế, và ngược lại. Khoa học này là xưa cũ, nhưng tên của nó (gồm từ “géo”, là đất theo tiếng Hy Lạp, và “politique”) lại xuất hiện khá trễ. Thật vậy, thuật ngữ này do Rudolf Kjellén, giáo sư khoa học chính trị Thụy Điển, sáng tạo ra vào đầu thế kỷ XX (Stormakterna, 1905), lúc đó chỉ khoa học nghiên cứu các mối tương quan giữa địa lý các quốc gia và chính sách của họ. Ông lấy ý từ các công trình của nhà địa lý học người Đức Friedrich Ratzel, và nhất là từ tác phẩm Địa lý chính trị của tác giả này (1897). Trong tác phẩm này, Ratzel đã cố gắng so sánh quốc gia với một sinh vật luôn tìm cách tăng trưởng.
Geopoliticus, Salvador Dalí (1943)
Karl Haushofer (1869-1946) |
Nicholas Spykman (1893-1943) |
Được Haushofer phát triển tại Đức sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất với tên gọi Geopolitik, khoa học này đặc biệt ủng hộ tham vọng bành trướng lãnh thổ của phát xít Đức và đã bị cấm tại Pháp. Mãi đến năm 1938, Jacques Ancel xuất bản tác phẩm Địa chính trị (Géopolitique), trong đó ông bác bỏ tất định luận của trường phái Đức. Phải chờ đến sau chiến tranh thế giới lần thứ hai mới có Yves Lacoste tạo nên tầm quan trọng của địa chính trị tại Pháp. Tại Anh, thuật ngữ này được phát triển chủ yếu nhờ những công trình của Halford Mackinder (nhà sáng tạo lý thuyết “vùng đất trung tâm” -La théorie du heartland- theo Wikipedia, lý thuyết này là một phân tích địa chính trị tổng quát của lịch sử thế giới - ND), mặc dù Mackinder chưa bao giờ dùng thuật ngữ địa chính trị. Tác giả Mỹ Nicholas Spykman theo sát Mackinder, sáng tạo ra khái niệm Rimland (vành đai bên ngoài). Gần đây hơn, ta có thể kể Samuel Huntington (tác giả của tác phẩm Sự va chạm giữa các nền văn minh (The Clash of Civilizations) là nhà địa chính trị của cuối thế kỷ XX.
Jacques Ancel (1879-1943) |
Yves Lacoste (1929-) |
Ngày nay, địa chính trị được xem như là một công cụ của chính sách đối ngoại nhằm giúp hiểu được các quan hệ quốc tế trong mối quan tâm đến dự báo. Nếu ta có thói quen đánh giá vị trí chiến lược của một quốc gia theo những tiêu chí được xác định rõ (vị trí địa lý, diện tích, quy mô dân số, khí hậu, địa hình, nguyên liệu và trình độ phát triển công nghệ), thì địa chính trị đi xa hơn và đề ra phân tích những quan hệ quốc tế giữa các quốc gia. Từ đó ta có thể nhận diện các tác nhân và thách thức về quyền lực bên trong một vùng đất nhất định, chẳng hạn như dựa vào các bản đồ và thống kê. Tuy nhiên không nên lầm lẫn giữa địa chính trị và địa chiến lược là ngành hướng đến xây dựng các chiến lược ngoại giao, kinh tế hoặc quân sự: như vậy, địa chính trị thường là một tiền đề cho địa chiến lược.
Samuel Huntington (1927-2008) |
Cuối cùng, thuật ngữ địa chính trị có tầm quan trọng vươn ra khỏi những khía cạnh lãnh thổ, nó liên hệ đến các khoa học xã hội và luật quốc tế. Ngày nay, địa chính trị còn được áp dụng cho sự bành trướng của một số tập đoàn đa quốc gia (khi đó ta nói tới địa chính trị kinh tế vĩ mô hoặc địa chính trị kinh doanh) như là một ngành nghiên cứu các nhân tố, các mối quan hệ và các xu hướng chính trị vĩ mô liên quan đến một số nước. Từ đó sẽ dùng địa chiến lược để xác định rõ hơn những chiến lược đích thực về phát triển kinh tế và phát triển tổ chức.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Qu’est-ce que la géopolitique?”, Les Yeux du Monde, 28.11.2013