27.2.16

Tự do kinh doanh



Tự do kinh doanh

Laisser-faire
Vincent de Gournay, rồi tiếp đến môn đồ của ông là Turgot, đã lấy lại công thức của Thomas Le Gendre: Tự do kinh doanh. Khi Colbert hỏi thương gia giàu có này, người sở hữu nhiều của cải ở châu Phi và châu Mĩ, là nhà vua và bộ máy công quyền có thể làm được gì để giúp thương mại thì Le Gendre đáp: Xin cứ để cho chúng tôi làm. Lúc bấy giờ đó là một câu trả lời, một lời thỉnh cầu và rồi sau này sẽ trở thành một cuộc cách mạng. Đó cũng là một lời tư vấn chính trị thực tiễn và rồi sau này sẽ trở thành một nguyên lí lí thuyết.
Vincent de Gournay (1712-1759)
Jacques Turgot (1727-1781)
Jean-Baptiste Colbert (1619-1683)








Trên quan điểm thực tiễn, tự do kinh doanh hiện ra như sự kết án học thuyết trọng thương. Nền kinh tế chỉ huy được thiết lập ngay từ thế kỉ XV đã đưa nhiều nước đến điêu tàn và sinh ra nhiều cuộc chiến không dứt và tốn kém cho tất cả các quốc gia. Bổ sung vào mô hình Anh hợp thành từ việc bảo hộ đối với nước ngoài (Luật hàng hải), nền quân chủ Pháp còn thêm vào những cản trở đối với nội thương: qui định hoá khống chế từ ban quản lí phường hội đến những cuộc hội chợ, các nghị viện làm luật trong lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, nhà vua đã biến rất nhiều ngành nghề thành những chức hàm công cộng đi kèm với một độc quyền, một thuế khoá nhọc nhằn kết hợp những điều miễn thuế, tuỳ tiện và phức tạp. Do dó tự do kinh doanh là phản ứng của những cá thể năng động bị nền kinh tế chỉ huy đè nén. Đó là một thỉnh nguyện vì sự tự do kinh doanh và tự do lưu thông: cứ để cho làm, cứ để cho qua. Turgot sẽ nâng những nguyên lí của tự do kinh doanh lên mức cao nhất bằng cách thuyết phục vua Louis XVI kí sắc lệnh thiết lập tự do thương mại ngũ cốc (1774) và sắc lệnh bãi bỏ những ban quản lí phường hội (1776). 
Hugo Grotius (1583-1645)
Samuel von Pufendorf (1632-1694)
John Locke (1632-1704)








Đó là do trong thời gian trên tự do kinh doanh đã được nâng lên hàng một nguyên lí của triết học kinh tế. Đây là sự tiếp nối logic của học thuyết quyền tự nhiên và trật tự tự nhiên được Grotius, Pufendorf và nhất là Locke rao giảng trong thế kỉ XVII. Con người là một sinh vật có ý thức, có lí trí và có những quyền. Cuộc sống trong xã hội được hiểu như một mạng những quyền và nghĩa vụ mà các cá thể thừa nhận cho nhau. Quyền sở hữu là qui tắc xã hội cho phép cấu trúc hoá những tương tác này. Thật vậy, quyền sở hữu cho phép mỗi người có quyền trên sản phẩm của hoạt động của bản thân, do đó cho phép trao quyền này đổi lấy sản phẩm của hoạt động của những người khác. Mặc dù được các nhà trọng thương trình bày vụng về nhưng ý tưởng về một trật tự kinh tế tự nhiên vẫn tiến triển và cuối cùng, nhờ Turgot và Adam Smith, điều được xác lập rõ ràng là trao đổi, mà con người hướng đến một cách tự nhiên, là nguồn gốc của những lợi ích cho đôi bên, làm tăng phúc lợi của những bên tham gia và dẫn đến sự hài hoà xã hội. Do đó, mọi cản trở tự do kinh doanh, mọi giới hạn hoạt động kinh tế là một sự vi phạm đến bản chất và những quyền cơ bản của con người, đồng thời là một sự đe doạ cho trật tự kinh tế tự nhiên. Cuộc Cách mạng sẽ tuyên bố quyền tự do của thương mại và công nghiệp.
Adam Smith (1723-1790)
Jean Baptiste Say (1767−1832)
Tuy nhiên sự tin tưởng vào bàn tay vô hình và vào diễn tiến hài hoà của một nền kinh tế được tự do hoá sẽ bị những cuộc khủng hoảng gọi là sản xuất thừa, được xem là gắn với cuộc cách mạng công nghiệp, làm lung lay. Chính lúc này Jean Baptiste Say sẽ chứng minh về mặt lí thuyết là không thể có khủng hoảng trong một nền kinh tế dựa trên sự tự do trao đổi sản phẩm của doanh nghiệp tự do, nghĩa là trên sự trao đổi những quyền thật sự ra đời từ việc sáng tạo ra của cải. Một cách đối lập, J. B. Say không có đủ yếu tố để giải thích sự có mặt cụ thể thường xuyên của những cuộc khủng hoảng: đó là do các chính phủ tiếp tục vi phạm nguyên lí tự do kinh doanh. Do thiếu tính trung lập của tiền tệ và thuế khoá, không muốn từ bỏ việc chi phối một số mặt của sản xuất  trao đổi và việc kiểm soát quyền sở hữu tư nhân nên các nhà cầm quyền đã tạo điều kiện ưu đãi cho việc phân phối những quyền giả tạo (J. Rueff) và ngăn cản sự hoàn thành của những hài hoà kinh tế. Frédéric Bastiat sẽ giải thích vì sao các chính khách lại hành xử như thế. Đây là sự suy đồi của nền dân chủ đại diện, một hệ thống trong đó nhân dân không còn kiểm soát trực tiếp Nhà nước nữa mà kiểm soát gián tiếp thông qua những dân biểu, mà đối với những dân biểu này việc kiểm soát dần dần ít được ưu tiên bằng việc bầu cử. Các dân biểu dần dần thông qua những chi tiêu mới (do đó những thuế mới) nhằm mở rộng số cử tri bầu cho mình, bảo vệ người nước mình (là những cử tri) chống người nước ngoài (không phải là cử tri), qui định hoá tuỳ theo những lợi ích cục bộ có khả năng tác động đến kết quả bầu cử.
Frédéric Bastiat (1801-1850)
Jacques Rueff (1896-1978)
Từ ba thế kỉ nay những người ủng hộ tự do kinh doanh không ngừng đấu tranh chống lại những độc quyền, những đặc quyền, sự tuỳ tiện thuế khoá, những thao túng tiền tệ, những qui định, chi tiêu công cộng và chủ nghĩa bảo hộ và thu được những thắng lợi không đồng đều. Ngày nay toàn cầu hoá, việc chuyển đổi sang thị trường, sự phình to quá mức khu vực công khiến cho cuộc chiến đấu này thêm quyết liệt. Có thể là những cơ hội thành công của tự do kinh doanh sẽ lớn hơn nếu ta biết được rằng tự do kinh doanh không có nghĩa là điều gì. Tự do kinh doanh không có nghĩa là vô chính phủ, nhưng là sự phối hợp các hoạt động kinh tế bằng một quá trình phi tập trung: thị trường. Tự do kinh doanh cũng lại càng không có nghĩa là sự buông thả dễ dãi, thiếu vắng qui tắc nhưng là việc tôn trọng những qui tắc được một truyền thống xã hội tiến hoá thường xuyên tự do suy ra từ những quyền cá nhân. Tự do kinh doanh là một đòi hỏi trách nhiệm cá nhân, là một niềm tin vào những điều tốt lành của sự sáng tạo và hợp tác của con người.
LAURENT A. & TURGOT, Laissez-faire, Paris, Les Belles Lettres Iconoclastes n0 27, 1997. ROTHBARD M., Economic Thought before Adam Smith, E. Elgard, Hants (U.K.) và Brookfield (USA), 1995, vol. I, p. 367-371 và 385-412. SCHUMPETER J. History of Economic Analysis, New York, Oxford University Press, 1954.
Jacques GARELLO
Giáo sư đại học Aix-Marseille 3
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry (đồng chủ biên), Paris, 2001, PUF.
Print Friendly and PDF