13.11.18

Chi phí-lợi thế (hay phân tích chi phí-lợi ích)


CHI PHÍ-LỢI THẾ 
(HAY PHÂN TÍCH CHI PHÍ-LỢI ÍCH)
Cost-benefit analysis
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988 MIRRLEES, 1996
Một cách logic hạch toán kinh tế tự khẳng định như là phương thức hợp lí hoá những lựa chọn trong những vấn đề kinh tế học công cộng. Phương pháp này thuộc về những kĩ thuật được gọi là cost-benefit analysis (analyse coût-bénéfice) mà ở Pháp ta gọi là phân tích chi phí-lợi thế (analyse coût-avantage hay ACA). Những phân tích này được khởi xướng ở Hoa Kì vào đầu thế kỉ XX để xác định lợi ích xã hội của những dự án công cộng lớn huy động những vốn quan trọng và có những tác động kinh tế hay xã hội tiềm tàng đáng kể. Những ứng dụng cụ thể bắt đầu vào năm 1902 với đạo luật River and Harbor Act qui định những cơ sở trên sông và bến cảng. Chi phí kinh tế của những đầu tư công cộng lớn này được ước lượng bằng cách tính đến tác động xã hội của những hiệu ứng của những đầu tư này trên lưu lượng, hoạt động kinh tế và phúc lợi tập thể. Lĩnh vực ứng dụng điển hình nhất cho phân tích này bao phủ diện của những cơ sở hạ tầng đường bộ, những công trình lớn qui hoạch lãnh thổ, qui hoạch đô thị, năng lượng. Do đó phân tích có thiên hướng phát triển đại trà và được phổ biến rộng trong những nước Tây phương sau thế chiến thứ hai. Đặc biệt đó là trường hợp của Anh về mặt giao thông vận tải và điện lực, rồi trễ hơn ở Pháp, kể từ 1967, cho việc đánh giá những dự án công cộng lớn trong những ngành sản sinh ra hoặc những lợi thế tăng dần (năng lượng, vận tải công cộng), hoặc những ngoại ứng và do đó đòi hỏi những suy tư lí thuyết, đặc biệt là để xác định những phương thức định giá tối ưu. Những nghiên cứu này được Maurice Allais (1943), Marcel Boiteux (1956; 1962), Henri Levy-Lambert (1973), Edmond Malinvaud (1972; 1979) và Jean-Claude Milleron (1972; 1979) phát triển và đặc trưng cho điều được gọi là việc hợp lí hoá những lựa chọn ngân sách. Nhiệt tình dành cho những kĩ thuật xác định giá trị này nhanh chóng giảm dần ở Pháp ngay từ cuối những năm 1970. 
Tuy nhiên những cơ sở của phương pháp đánh giá những lựa chọn công cộng này bắt nguồn từ Jules Dupuit (1844) do việc đánh giá một dự án được xác định bằng khái niệm thặng dư tập thể để ước lượng tác động xã hội thuần của những đầu tư đã thực hiện. Do đó ACA hiện ra như một phương pháp lựa chọn tối ưu dựa trên tiêu chí khả năng sinh lời xã hội tối đa đòi hỏi một ước lượng tiền tệ những lợi thế và chi phí gắn với dự án được xem xét. Do đó qui tắc hàng đầu thuộc về nguyên lí hiệu quả kinh tế và khác biệt rất rõ với nguyên lí của nghĩa vụ dịch vụ công cộng đặt cơ sở trên nguyên lí công bằng giữa các tác nhân trước dịch vụ cung cấp, độc lập với chi phí xã hội phải gánh chịu. Những công trình lí thuyết trong lĩnh vực này được phát triển trong những năm 1950 đến 1970 dưới sự thúc đẩy của nhiều nhà kinh tế trong đại học như P. S. Dasgupta, O. Eckstein, J. Krutilla, R. Dorfman, J. Margolis, S. Marglin, B. Weisbrod.
Những ACA ban đầu thuộc về một cách tiếp cận mô tả và thực dụng; tuy nhiên từ rất sớm, tầm quan trọng của những tác động được chờ đợi, có tính đến những chi phí bỏ ra, đòi hỏi một định hướng phương pháp luận liên quan đến những công cụ cổ điển của phân tích kinh tế vi mô. Chúng tôi sẽ đánh giá tầm quan trọng của phương pháp đánh giá này bằng cách trước hết nghiên cứu những cơ sở của những tiêu chí xác định giá trị của những lợi thế và chi phí, rồi sau đó làm rõ những qui tắc lựa chọn dự án.

Những cơ sở lí thuyết và phương pháp
đánh giá những lựa chọn dự án
ACA góp phần trực tiếp vào việc quản lí khu vực công bằng cách hưóng dẫn những nhà ra quyết định công cộng trong việc phân bổ những nguồn lực khan hiếm theo một tiêu chí hiệu quả, tuy nhiên lại bỏ qua khái niệm công bằng và do đó không biết đến tác động phân phối lại của một dự án. Việc đánh giá những lợi thế và chi phí được tiến hành nhằm xác định giá trị xã hội cân bằng của mỗi sản phẩm, hay diễn đạt bằng những khái niệm kinh tế vi mô, chi phí xã hội của cơ hội, có tính đến những ngoại ứng có thể và như thế đưa vào sự phân biệt giữa chi phí tư nhân và chi phí xã hội của một sản phẩm. Qui lại, chi phí xã hội của cơ hội là đánh giá những hi sinh mà các tác nhân sẵn sàng chấp nhận để tăng một cách cận biên tiêu dùng của bản thân về những sản phẩm được chờ đợi từ dự án, hay ngược lại là những mất mát họ phải gánh chịu trong trường hợp dự án không được thực hiện. Những ngoại ứng, cạnh tranh không hoàn hảo, những đặc tính phi hàng hoá của những sản phẩm tập thể, những chệch hướng tiềm tàng hay những qui định khiến cho không thể đánh giá trên cơ sở của những giá thị trường. Do đó phải tìm những ước lượng đúng đắn để chỉnh sửa tất cả những méo mó này. Một thử nghiệm thứ nhất có thể dẫn đến việc đánh giá những chi phí và lợi thế theo chi phí các nhân tố thay vì theo giá thị trường, hay trong trường hợp những qui định thương mại có tính bảo hộ, xác định giá trị của những ước lượng theo những giá quốc tế cạnh tranh hay theo những giá ẩn quốc tế không có trên thị trường nhưng chính lại là kết quả của một tình thế tối ưu cấp hai dưới ràng buộc. Một thử nghiệm khác là xác định giá trị của những sản phẩm phi hàng hoá bằng những sản phẩm tương đương, nghĩa là bằng những sản phẩm thay thế gần nhất với chúng: thu hoạch đối với những dịch vụ giáo dục, chi phí xã hội về cơ hội bằng, ví dụ đối với một dự án sản phẩm tập thể, thời gian di chuyển, số mạng sống cứu được, những hàm tổn thất do ô nhiễm gây ra, tỉ suất xuống cấp của một địa điểm. Những phương pháp ước lượng thay đổi với kiểu dự án được xem xét. Cơ sở của những phương pháp khác nhau bao giờ cũng dựa trên việc ước lượng phúc lợi thu được từ một dự án. Có hai giá trị được ước lượng: giá trị sử dụng dễ dàng nhận diện được và giá trị của việc không sử dụng, khó xác định hơn. Phương pháp ước lượng có điều kiện giúp đo những giá trị sử dụng và không sử dụng bằng cách tính đến việc bộc lộ những sở thích cá thể về đánh giá biến thiên ex ante của phúc lợi phát sinh từ việc cải thiện hay xuống cấp của chất lượng thu được, từ ví dụ, một dự án ảnh hưởng đến một tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy một sự khác biệt giữa những giá trị thật sự của những sản phẩm gắn với một chất lượng nhất định của môi trường và những giá trị có điều kiện bắt nguồn từ từ những bộc lộ cá thể để chi trả hay để thu nhận. Phương pháp những chi phí di chuyển (hay chi phí lộ trình) cũng cho phép đánh giá hiệu ứng tương đối trên phúc lợi của những dự án cạnh tranh nhau. Tiêu chí đánh giá được chọn vẫn là tiêu chí thặng dư. Do đó việc chọn lọc các dự án được tiến hành chỉ duy nhất trên qui tắc hiệu quả tuỳ theo những tiêu chí tối ưu hoá được xác định trên cơ sở của những phương pháp một hay nhiều tiêu chí.
Phương pháp một tiêu chí sắp xếp các dự án tuỳ theo hiệu quả tối đa tương đối của chúng. Tất cả những lợi thế được mong đợi từ các dự án đều được đo bằng tiền tệ nhằm có được cùng một cơ sở tham chiếu. Sau đấy chúng được đối chiếu với những chi phí mà chúng kéo theo. Việc xác định giá trị theo cách này cho phép qui các lợi thế về những tỉ suất thay thế cận biên tương đương tính bằng tiền để đối chiếu với những chi phí cân biên và suy ra lợi tức thuần xã hội của mỗi dự án. Đôi lúc không thể xác định được giá trị của một vài lợi thế và đòi hỏi phải ước lượng một giới hạn vật lí được cho là chấp nhận được; trong trường hợp này người ta nói đến phương pháp chi phí-hiệu quả (analyse coût-efficacité hay ACE). Ví dụ đó là trường hợp của việc xác định giá trị những dự án có tác động đến vốn con người, mạng sống con người, sức khoẻ hay sự an toàn. Do đó đây là một tiêu chí hiệu quả tối đa. ACE là một cách tiếp cận đơn giản hoá của ACA vì nó giới hạn ở việc nghiên cứu những chi phí của các dự án, giả định rằng những lợi thế là giống nhau.
Ngoài những phương pháp một tiêu chí kiểu ACA hay ACE còn có những phân tích nhiều tiêu chí kéo theo một sắp xếp các dự án trên cơ sở những tiêu chí theo thứ tự khác nhau, hoặc sắp xếp theo mức độ phù hợp của những tiêu chí. Dự án A được đánh giá cao hơn dự án cạnh tranh B vì ưu tiên đáp ứng thứ tự của những tiêu chí (ví dụ, chính trị, kinh tế, xã hội) được các nhà ra quyết định chọn hay còn vì dự án này đảm bảo tính phù hợp cao nhất giữa các tiêu chí được ưu tiên (khả năng sinh lời, độ an toàn, tính được lòng dân của các biện pháp). Tất cả những phân tích này đều nằm trong một khuôn khổ cân bằng bộ phận và do đó khác với những phương pháp xác định giá trị liên kết với những mô hình cân bằng chung tính toán được. Những phân tích này cũng kéo theo những phép tính hiện tại hoá do các dự án được trải dài trong thời gian và đòi hỏi việc xác định giá trị của những hiệu ứng của chúng trên nhiều năm khác nhau. Phương pháp cổ điển được chọn là vận dụng một mô hình tăng trưởng tối ưu làm cho tỉ suất hiện tại hoá bằng với năng suất cận biên thuần của tư bản và với tổng của tỉ suất chiết khấu của tiêu dùng và tỉ suất giảm dần trong thời gian của lợi ích cận biên của tiêu dùng. Từ đó việc xác định giá trị mang tính khả thi và cho phép tiến hành việc so sánh các dự án.

Những qui tắc lựa chọn
và phân loại các dự án
ACA, theo định nghĩa, chọn lọc những dự án kinh tế nhất về mặt xã hội. Người ra quyết định công cộng tiến hành ACA do đó ứng xử như một chủ doanh nghiệp quan tâm đến khả năng sinh lời. Đặt cơ sở trên qui tắc tối đa hoá khả năng sinh lời xã hội thuần, ACA cho phép lựa chọn những dự án (h) có lợi ích xã hội thuần hiện tại hoá dương hoặc bằng không, còn có nghĩa là tất cả những dự án mà những lợi thế thuần hiện tại hoá (A) trên thời kì T (t = 1, , T) lớn hơn những chi phí thuần hiện tại hoá (C):
với i = tỉ suất hiện tại hoá
hoặc, diễn đạt bằng khái niệm lợi tức nội tại, và với điều kiện tỉ suất này ít nhất bằng với tỉ suất hiện tại hoá, dự án thoả mãn một khả năng sinh lời tối đa của vốn đầu tư:
với r = tỉ suất lợi tức nội tại.
Qui tắc lựa chọn dự án này bị thay đổi dưới tác động của những ràng buộc có thể. Đặc biệt đó là trường hợp của một dự án chịu một ràng buộc ngân sách. Trước tiên, duy chỉ những dự án thoả mãn ràng buộc ngân sách mới được chọn và tiếp đấy là những dự án nào trong số đó thoả mãn qui tắc tiền lời xã hội hiện tại hoá; sau đó những dự án khác nhau thoả mãn ràng buộc ngân sách được xếp theo thứ tự khả năng sinh lời giảm dần. Dự án được ưu tiên là dự án thoả mãn ràng buộc ngân sách và có khả năng sinh lời xã hội tốt nhất. Trong trường hợp có những kết quả không chắc chắn thì việc đánh giá những lợi thế và chi phí đáng được quyền số hoá. Khuyến nghị này là khả thi khi bất trắc là xác suất hoá được và cho phép quyền số hoá tất cả các biến bằng những xác suất tương ứng nhằm suy ra kì vọng toán của những lợi thế và chi phí. Ngược lại nhiều kịch bản phải được thiết kế khi bất trắc là không xác suất hoá được; lựa chọn cuối cùng như thế thuộc về sự đánh giá của người ra quyết định.
Đôi lúc những ứng dụng ACA ở Pháp đặt cơ sở phân tích trên một giải pháp gọi là giải pháp mốc, tượng trưng cho hoặc là tình hình khi không có dự án (một kiểu tiến hoá tự phát dự đoán được: tình hình giao thông đường bộ khi không có đường cao tốc), hoặc trạng thái sinh ra từ việc áp dụng một dự án khác (đầu tư cho đường sắt thay vì xây dựng đường cao tốc). Giải pháp mốc này không được các lí thuyết gia về kinh tế học công cộng chấp nhận vì nó qui về lại việc so sánh một dự án tiềm năng với một tương lai không thực tế, hay với việc đối chiếu một kịch bản được lên kế hoạch với một dự án không được nghiên cứu kĩ.
Nhiều khó khăn khác có thể nảy sinh khi những dự án được xác định giá trị không độc lập với nhau. Trong trường hợp này, cần đánh giá từng dự án riêng rồi chung cho tất cả các dự án; đặc biệt đó là trường hợp của những dự án cạnh tranh nhau (đường sắt/đường bộ) mà việc thực thi một dự án này tác động đến những chi phí hay lợi thế của dự án kia.
Cuối cùng, ACA giống như một phương pháp phi tập trung hoá tối ưu: như thế phân tích này góp phần đảm bảo một tối ưu tập thể dưới ràng buộc là phải áp dụng những giá ẩn tối ưu trong việc định giá những chi phí và lợi thế. Tối ưu đạt đến là một tối ưu cấp hai nếu những chỉnh sửa được tiến hành là thoả đáng và, do đó, nếu những đánh giá được tính toán dựa trên những sản phẩm thay thế hay những chi phí cơ hội hiệu quả nhất. Tối ưu là một tối ưu Pareto và do đó chỉ qui chiếu về tiêu chí hiệu quả kinh tế vì theo định nghĩa ACA là việc tìm kiếm hiệu quả tối đa, cho một phân phối thu nhập nhất định, giống hệt như trong cách tiếp cận Pareto về tính tối ưu.
ACA được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đa dạng. Thường được sử dụng trong lĩnh vực những dự án thuỷ điện nhằm tăng việc sản xuất điện và tưới tiêu, những ACA nhanh chóng mở rộng sang lĩnh vực giao thông cho việc lựa chọn những dự án đường bộ, đường sắt, cơ sở hạ tầng hàng không, giao thông đô thị. Qui hoạch đô thị để đổi mới, xây dựng những vùng công nghiệp, vùng hoạt động hay phi tập trung hoá công nghiệp và qui hoạch không gian nông thôn đều vận dụng những phương pháp này Tương tự như thế những hoạt động y tế, dự án y tế về lợi ích của những chiến dịch tiêm chủng và dự phòng ngày càng bị chi phối bởi tính chặt chẽ của việc đánh giá giá trị. Hai lí do biện minh cho sự phát triển của những phân tích xác định giá trị: một mặt là chi phí của những đầu tư công cộng và mặt khác, tầm quan trọng ngày càng tăng của những lợi thế và chi phí phi thị trường. Điều nghịch lí là, vào lúc những ràng buộc ngân sách càng thắt chặt thì một số nước như Pháp lại bỏ rơi ACA vào cuối những năm 1970 và tiến hành những dự án lớn mà không đánh giá chính xác hay sâu sắc lợi ích xã hội thuần của các dự án. Lựa chọn này có thể là đặc biệt tốn kém khi độ mươi năm sau nó đi kèm với việc đặt thành vấn đề việc xây dựng những kế hoạch kinh tế. ACA có thể vô cùng nhanh chóng trở thành phức tạp và tốn kém nhưng nên chăng nhượng bộ trước sự dễ dãi bằng cách gạt sang một bên việc xác định giá trị với nguy cơ là cuối cùng để ngân sách bị kéo dạt hướng do đã không dành thời gian và công sức đánh giá chính xác tác động thật sự của đầu tư đã tiến hành?
Tuy nhiên ngay từ tháng tám 1968 việc mở rộng ACA ở Hoa Kì sang những thử nghiệm PPBS (Planning, Programming and Budgeting System) xác nhận lợi ích của việc đánh giá để cải tiến quá trình phân bổ các nguồn lực. Được khởi xướng theo yêu cầu của R. Mac Namara, bộ trưởng bộ quốc phòng, vì những nhu cầu quân sự, sau đó PPBS được mở rộng sang các lĩnh vực y tế, giáo dục và những vấn đề xã hội để giúp, trong mỗi trường hợp, chính phủ Mĩ phân bổ một cách có hiệu quả nhất những nguồn lực quí hiếm nhằm thu được lợi ích kinh tế tốt nhất. Như vậy một kế hoạch ngắn hạn năm năm được xây dựng nhằm xác định những chương trình chi tiêu và những phân bổ ưu tiên. Các dự án được sắp xếp theo những chỉ báo kinh tế và xã hội đáp ứng những mối quan tâm đã nêu.
Do đó việc nghiên cứu tính khả thi kinh tế của các dự án được đánh giá trên quan điểm xã hội không phải là một phân tích không có cơ sở lẫn lĩnh vực ứng dụng và tỏ ra đặc biệt có ích trong thời buổi siết chặt ngân sách và ảm đạm kinh tế. Nghiên cúu này càng có ích hơn khi ngày nay nó cho phép kết hợp, bên cạnh những phân tích cân bằng bộ phận, với những nghiên cứu cân bằng chung tính toán đặc biệt được ứng dụng trong lĩnh vực thuế khoá, môi trường và hoạt động thương mại quốc tế.
BÉNARD J., Économie publique, Paris, Économica, 1985. DARREAU P. & PONDAVEN C., Problèmes économiques et sociaux contemporains, Paris, Cujas, 1998, chap. 12. ECKSTEIN O., A Survey of The Theory of Public Expenditure Criteria, Conference on Public Finance: Needs, Sources and Utilization, New York, NBER, 1959. LÉVY LAMBERT H. & GUILLAUME H., La rationalíation des choix budgétaires, PUF, Sup, 1971. LITTLE I. M. D. & MIRRLEES J. A., Manuel danalyse des projets dans les pays en voie de développement, Paris, OCDE, 1969. MARGLIN S. A., The Social Rate of Discount and the Optimal Rate of Investment, Quarterly Journal of Economics, Feb. 1963, 77, p. 95-111; The Opportunity Cost of Public Investment, Quarterly Journal of Economics, May 1963, 77, p. 95-111. MASSÉ P., Le choix des investissements, Paris, Dunod, 1959. MILLERON J. C., GUESNERIE R. & CRÉMIEUX M., Calcul économique et décisions publiques, Paris, Commissariat général du Plan/Documentation franVaise, 1979. MUSGRAVE R. A., Cost-benefit Analysis and the Theory of Public Finance, Journal of Economic Literature, Sept. 1969, 7 (3), p. 797-806. TERNY G., Lanalyse avantage-cout, Analyse et Prévisions, Juillet-Aot 1967; Dune rationalisation des décisions économiques de létat à la fonction de préférence étatique, Analyse et Prévisions, SEDEIS, Juillet-Aot 1970.
Claude PONDAVEN
Giáo sư đại học Panthéon-Assas (Paris 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Duy lí tân cổ điển (tính); Dự báo; Đầu tư; Giá trị; Hạch toán kinh tế trong doanh nghiệp; Lí thuyết ra quyết định; Lí thuyết trò chơi; Tân cổ điển; Thời gian; Tối ưu hoá và phân tích nhiều tiêu chuẩn.
Print Friendly and PDF